Menu ngang

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Với Tướng Thước: Cuộc đời là những trận tác chiến


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước giữa đời thường tại tư gia

Khi câu chuyện đã trở nên thân mật, vẻ sôi nổi dần dịu lại. Trầm lắng. Một chút gì đó vừa như bùi ngùi lại vừa như tự hào pha trộn trong lời kể của vị tướng già về gia thế dòng tộc. Ông nhớ về ngôi mộ tổ ở quê hương xứ Nghệ (xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An) trải bao thăng trầm vẫn được cha ông, đời ông và đời cháu con ông gìn giữ từ những năm 1310. Cụ tổ ông húy là Nguyễn Cự Tộ - một vị tướng của nhà Trần được giao trấn giữ nơi mảnh đất phên dậu của đất nước. Một người anh em khác ở thủ đô. Còn một người ở Tiên Yên (Quảng Ninh). Hiện tại, đền thờ cụ Nguyễn Cự Tộ đã được phục dựng. Đã bao lần tìm cách truy nguyên dòng tộc nhưng vị tướng già đành treo nghi vấn vì cuốn gia phả cổ bị hỏa hoạn, mà những ghi nhớ của người thân biên chép lại bằng chữ quốc ngữ không thật chính xác, cho rằng gốc gác dòng tộc của ông ở Hòa Bình. Bụi mờ của thời gian, của quá khứ như lẩn quất và hòa quện trong không khí rét mướt buổi đầu đông. 

Ông đứng dậy pha thêm chút nước chè tươi nóng được ủ trong chiếc giỏ ấm tích vào cốc cho tôi. Hai ngón tay trỏ của ông đều lệch vẹo đốt trên ra phía ngoài. Biết tôi để ý, ông liền chìa cho tôi xem rõ, rồi bảo: "Tôi sinh ra đã thế. Nó hoàn toàn bình thường”. Rồi ông nói vui không biết là thật hay đùa: "Có người nói tôi là người có gốc là dân tộc khác chứ không phải dân tộc Kinh”.

Thân sinh của tướng Thước là cụ Nguyễn Quốc Hoá. Giỏi Hán học nhưng ở cái thời Nho mạt, khoa cử đóng cửa, Tây sang cai trị nên cụ đành chọn cuộc sống thanh sạch. Năm 1936, phong trào Mặt trận bình dân phát triển, cụ Nguyễn Quốc Hoá được dân làng tín nhiệm và bầu làm Lý trưởng. Không tham lam trục lợi cho bản thân và dòng họ, không chịu luồn cúi, chỉ chuyên giúp ích cho dân nghèo nên nhiều viên quan tham lấy làm tức mắt. Một lần vì không chịu dồn dân thúc thuế, lại lớn tiếng "doạ” quan huyện: "Dân chúng đói lắm, không có gì nộp đâu. Các ngài nên nhớ năm 30 (1930) tri huyện Tôn Thất Hoàn bị dân chặt đầu cắm lên gốc si lau ngoài Cửa Lò. Các ngài nên biết đấy”. Thế là họ nghi cụ hoạt động bí mật cho cách mạng nên cách chức luôn. Đó là năm 1939, cũng là khi phong trào Mặt trận bình dân đi xuống. 

Mẫu thân tướng Thước không chỉ đảm việc nhà mà còn có tư tưởng mong muốn con cái tiến thân về con đường học hành. Cả nhà có ba mẫu ruộng mà cụ dám bán đi mẫu hai ruộng cho cậu con trai thứ hai (tướng Thước) để đi đậu Diploma (Đíp-lôm, bằng cấp II). Thời đó, với bằng cấp như vậy thì có thể nói ông đã được liệt vào hàng ngũ "trí thức”. Những người thân khuyên Nguyễn Quốc Thước nên đi làm anh ký, lục sự kiếm chút lương ấm thân rồi lấy vợ nhưng ông không thuận theo mà bỏ về đi cày thuê, rồi lặng lẽ chọn con đường làm cách mạng. Vào tháng 4/1945, khi bước sang 19, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Quốc Thước được gia nhập tổ chức Việt Minh qua sự giới thiệu của nhà hoạt động cách mạng Trần Văn Bành (em ruột Thượng tướng Trần Văn Quang). Hai năm sau (1947), ông chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng và trở thành Bí thư Đoàn thanh niên huyện Nghi Lộc. Và người Đảng viên, Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Quốc Thước đã xung phong xin nhập ngũ để trở thành anh bộ đội cụ Hồ đi đánh Pháp.

Với trình độ học vấn của mình, Nguyễn Quốc Thước đã được chọn đi học khóa 5 Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn, trường đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội. Nói thì có lẽ ít sử gia tin, đây là kiến thức trường lớp về nghệ thuật quân sự mà tướng Thước được đào tạo. 

Vào quân đội, ông chỉ chuyên làm tham mưu. Kiến thức quân sự để ông tham mưu được thu nạp từ nhiều nguồn: kinh nghiệm, học từ những vị tướng đàn anh như: Chu Huy Mân, Vũ Lăng, Đặng Vũ Hiệp, Hoàng Minh Thảo, và những kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị qua các bản báo cáo, trao đổi. 

Ngồi ôn lại những năm tháng binh nghiệp làm công tác tham mưu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói ông nhớ nhiều. Nhiều lắm. Nhưng với vai trò là Tham mưu Phó chiến dịch Tây Nguyên là lần đọng lại trong ông nhiều kỷ niệm. Một chiến dịch mà chỉ chưa đầy trong một tháng đã giải phóng 7 tỉnh, chặt đứt miền Nam thành ba khúc. Một chiến dịch mà ông thấy nó đem lại sức mạnh diệu kỳ nhất, là đoạn cuối hoàn chỉnh nên nghệ thuật quân sự Việt Nam do các vị chỉ huy tài ba như Trung tướng - Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo, Thiếu tướng Vũ Lăng - Phó Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp - Chính uỷ… Ông đặc biệt trân trọng khi nhắc về vị tướng Hoàng Minh Thảo đức độ, uyên bác, dễ gần mà anh em bộ đội có làm sai cũng không sợ. 

Để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, Nguyễn Quốc Thước được cử ra Hà Nội báo cáo và nhận chỉ thị. Ông kể: Đó là tháng 10 năm 1974. Lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa đi chữa bệnh ở Liên Xô về, còn rất yếu. Tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nơi ở 30 Hoàng Diệu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp vị Đại tướng Tổng tư lệnh. Tình hình lúc này rất khẩn cấp, nhưng trước khi trao đổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ân cần hỏi: "Cậu vào Nam năm nào?”. Tôi đáp: "Thưa Đại tướng, đã chẵn 10 năm rồi ạ”. Đại tướng hỏi tiếp: "10 năm thì cậu đã ra Bắc được mấy lần?”. Tôi đáp: "Thưa Đại tướng, đây là lần đầu tiên và cũng may là phải ra trực tiếp nhận mệnh lệnh chứ không biết đến lúc nào mới ra được”. Sắc mặt Đại tướng chợt nghiêm lại, nói: "Sao thế nhỉ? Mặt trận Tây Nguyên sao lại chấp hành như vậy nhỉ?”. Sở dĩ Đại tướng thốt lên như vậy vì đã có quy định: 3 năm cán bộ cao cấp được ra Bắc nghỉ phép một lần khoảng 1 đến 2 tháng. Tôi phải nói ngay: "Thưa Đại tướng không phải, vì tôi là cán bộ tham mưu vai trò nặng nề quá nên Bộ Tư lệnh động viên tôi ở lại và tôi cũng vui vẻ đồng ý”. Đại tướng bùi ngùi: "Thôi. 10 năm là quá lâu rồi. Lần này cậu vào ít nữa, tớ sẽ cho cậu nghỉ dài hơn”. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là lời động viên, an ủi, thương cảm người cán bộ chiến sĩ của Đại tướng nhưng không ngờ lại mang tính dự báo thiên tài. Đầu tháng 11/1974 tôi vào thì đến tháng 3/1975 đã diễn ra chiến dịch Tây Nguyên và sau đó 2 tháng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ về trận đánh do mình trực tiếp chỉ huy, tướng Thước vẫn bồi hồi. Ông kể: Từ vị trí Thiếu tá - Trưởng phòng tác chiến, đầu năm 1969, tôi được Trung tướng Hoàng Minh Thảo – Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho nhiệm vụ làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24. Trước đó, tôi chỉ quen tham mưu chứ trực tiếp chỉ huy chỉ ở cấp Đại đội. Vì vậy, tôi đề nghị chỉ nên giao cho tôi nhiệm vụ Trung đoàn phó để có điều kiện tiếp xúc với chiến sĩ. Nhưng vị Tư lệnh quả quyết: Cậu đã tổng hợp kinh nghiệm của tất cả các đơn vị trên này rồi thì cứ vận dụng vào chỉ huy, có gì đâu mà không làm được. Thế là tôi phải chấp hành mệnh lệnh. Chưa đầy một tháng sau, tôi nhận lệnh chỉ huy trung đoàn lên phía Bắc Pleiku để cắt đường 14, không cho địch chi viện Kon Tum. Tình huống bất ngờ xảy ra là địch đã đổ quân chiếm giữ Chư Pah (Gia Lai). Vì hành quân bí mật và đảm bảo không bị lộ nên không thể dùng điện đài báo cáo chỉ huy được. Nội bộ tham mưu có nhiều ý kiến. Vận dụng kinh nghiệm tác chiến của nhiều đơn vị, cuối cùng tôi quyết định đánh ngay địch khi vừa chân ướt chân ráo ở Chư Pah chứ không vòng qua lưng địch cắt đường 14. Chỉ trong 10 ngày tiêu diệt gần hết trung đoàn 42 của nguỵ, đánh thiệt hại 3 nặng tiểu đoàn biệt động. Địch tăng viện thêm 3 tiểu đoàn. Tôi cho đánh tiếp, tiêu diệt hai tiểu  đoàn và thiệt hại gần hết một tiểu đoàn nữa. Lúc này quân Mỹ không thể đứng sau được nữa nên tăng cường 1 tiểu đoàn. Quân nguỵ cũng tăng cường thêm trung đoàn 53. Thêm 12 ngày chiến đấu nữa, trung đoàn 24 của chúng tôi tiêu diệt thêm một đại đội Mỹ và đánh thiệt hại trung đoàn 53. Đó là những thông tin của Mỹ công bố. Trận đánh đẫm máu nhất sau Tết Mậu Thân này đã được Hồ Chủ tịch viết thư khen: "Các chú đã phát huy được truyền thống trung dũng, kiên cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”. Nhưng các chú không được tự kiêu, tự mãn, tiếp tục đập tan những cuộc hành quân của Mỹ- Ngụy”. 

Khi là Tư lệnh quân khu 4, với con mắt của nhà tham mưu quân sự dày dặn, tướng Thước đã nhìn ra vị trí tối quan trọng của Cửa Khẻm - vị trí vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Trung tướng Phan Hoan – Tư lệnh quân khu 5 trao đổi với tôi để dãy Hải Vân cho quân khu 5 bảo vệ. Nhưng tôi nói: Hải Vân không phải là của quân khu 4 hay quân khu 5 mà của Việt Nam. Đó là tử địa liên quan đến vận mệnh của đất nước. Vì thế cả hai quân khu phải hợp sức để bảo vệ. Rồi tôi đã báo cáo Đại tướng Đoàn Khuê - Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị cho cả hai Quân khu 4 và 5 đều phải gìn giữ và bảo vệ địa thế cực kỳ quan trọng và nhạy cảm này. Đại tướng Đoàn Khuê đồng ý.

Vào thời bình, thêm một lần nữa, vị trí Cửa Khẻm lại nhức nhối tâm can tướng Thước. Đó là việc Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cấp giấy chứng nhận đầu tư cho  Công ty Cổ phần Thế Diệu - một công ty của nước ngoài xây dựng tại vị trí này. Tướng Thước đã lên tiếng mạnh mẽ trên công luận về việc này. Ông cho rằng Cửa Khẻm là yếu địa của đất nước. Vùng miền Trung này trong lịch sử đã hai lần diễn ra chia cắt. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn bị phân tranh bởi sông Gianh. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1954 tại sông Bến Hải. Còn với Cửa Khẻm thì địa thế hiểm trở của dãy núi Hải Vân cộng với việc có thể khống chế cảng Đà Nẵng, thậm chí khống chế cả Vịnh Bắc Bộ… thì rất nguy hiểm. May mà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo dừng dự án… Vì thế, bên cạnh việc phát triển kinh tế thì không thể quên đến việc bảo vệ an ninh của tổ quốc.

Tham mưu, tác chiến với kẻ địch đã đành, nhưng trong cuộc đời ông cũng có lúc phải tác chiến cả với những sai lầm, tả khuynh của cán bộ địa phương. Ông bùi ngùi kể: Khi tôi đang ở chiến trường Quảng Bình, thì ở quê hương tiến hành cải cách ruộng đất. Gia đình tôi bị quy là Trung nông, là cơ sở của Quốc Dân Đảng. Anh tôi là Nguyễn Quốc Bang là cấp uỷ Đảng của xã bị giam. Mẹ tôi là Bí thư Hội phụ nữ cũng bị quản thúc. Đội cải cách gửi một cái trát vào Trung đoàn 101 đề nghị cho Nguyễn Quốc Thước về để giải quyết việc gia đình. Tôi nhớ lúc đó nhiều đảng viên, bộ đội trở về bị bắt và có người còn bị chết oan ức nữa. Chính uỷ Hoàng Văn Thái khuyên tôi không nên về vì sẽ bị bắt. Tôi quả quyết: Anh cứ cho tôi về. Tôi không sợ gì cả. Anh cứ cho tôi về. Thế là tôi giắt theo khẩu K54 về quê. Chính uỷ căn dặn: Cậu không được bắn đâu nhé. Tôi về nhưng không được vào nhà mà phải qua trình diện đội cải cách. Một thanh niên trẻ măng 17 – 18 tuổi kiểu như "Hồng vệ binh” trong đội cải cách hỏi: "Anh có biết gia đình như thế nào không?”. Tôi đáp: "Tôi biết. Gia đình tôi không biết thì ai biết?”. Anh thanh niên hỏi: "Gia đình anh có phải là Quốc Dân Đảng không?”. Tôi tức tối đốp ngay: "Ai bảo gia đình tôi là Quốc Dân Đảng? Quốc Dân Đảng chống Tây là phản động thế theo Tây là cách mạng à?”. Tôi nói tiếp: "Khi tôi đi bộ đội, anh mới ba, bốn tuổi, không có quần mặc, mũi thò lò, anh biết gì mà bây giờ dám nói cái chuyện này?”. Ngồi thêm một lúc, thanh niên này hỏi: "Anh có về nhà không?”. Tôi đáp: "Về chứ. Tôi phải về thăm mẹ tôi chứ”. Anh thanh niên đáp: "Anh mà về thì anh phải chịu trách nhiệm”. Tôi vừa vỗ vào khẩu súng đeo bên hông vừa đáp: "Tôi chịu trách nhiệm trước quân đội, trước Đảng vì tôi là Đảng viên. Mà anh có là Đảng viên không?”. Mẹ tôi thấy tôi về, khóc, nói: Con ơi, nhà ta theo cách mạng, con là đảng viên đi bộ đội mà ở nhà anh bị bắt, mẹ bị quản thúc không cho đi đâu cả thì đi đánh giặc làm gì? Tôi nói: Mẹ cứ yên tâm. Mọi việc rồi đâu sẽ có đó. Và sau đó mấy tháng thì được sửa sai, anh tôi được thả…

Cuộc đời binh nghiệp hết đánh Pháp, đánh Mỹ lại tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam nên phần lớn thời gian của cuộc đời tướng Thước sống và gắn bó với đơn vị, đồng đội. Thế nên, để có hạnh phúc riêng nếu không quyết liệt "tác chiến” thì không biết sự thể thế nào. 

Năm 1957, khi đã 31 tuổi mà Nguyễn Quốc Thước vẫn chưa lập gia đình. Ông kể: Ở quê tôi thời đó, con gái mà qua 22 tuổi chưa lấy chồng thì bị coi là ế, còn với con trai là 24 tuổi. Tôi cũng băn khoăn và muốn lấy vợ nhưng đơn vị tôi khi đó đóng quân ở Quảng Bình có quy định: Không được lấy vợ người địa phương vừa bị địch tạm chiếm. Muốn về quê lấy vợ thì không được nghỉ phép. Nan giải nhưng không phải không có cách để giải quyết. Vì vậy, nhân một lần được giao về Hà Nội công tác, đi qua quê hương Nghệ An, tình cờ tôi gặp ông Bí thư Huyện uỷ. Ông hỏi: "Đã vợ con gì chưa?”. Tôi đáp chưa. Ông nói nếu muốn thì ông giới thiệu cô cháu gái kém tôi một giáp (12 tuổi, bà sinh năm 1938) cho. Dù chưa biết mặt nhưng tôi vẫn đồng ý. Thế rồi tôi nhẩm tính lịch công tác và hẹn ngày giờ trở về sẽ cưới liền. Vậy là vẻn vẹn trong 15 ngày đi công tác Nguyễn Quốc Thước đã kịp cưới vợ. Cưới xong, cô dâu Phan Thị Thuỷ cũng khăn gói theo chồng vào Quảng Bình theo chỉ đạo của mẹ chồng để có với nhau một đứa con.

Người con đầu vừa ra đời đã mất. Rồi người con gái thứ hai ra đời. Nguyễn Quốc Thước về thăm nhà khi đứa con được chín tháng tuổi. Lúc này, trở về đơn vị ông sẽ nhận nhiệm vụ đi B. Ngẫm nghĩ không biết sinh mệnh không biết ở chiến trường sẽ như thế nào nên ông nghĩ mình phải có thêm một đứa con. Khác với bản tính thẳng thắn, cương trực, ông đã nói dối vợ là đi xem thầy bói nói hai vợ chồng năm nay phải có con nếu không trời chỉ cho một đứa. Thế mà lời nói dối thành thật. Vợ chồng ông chỉ có với nhau hai người con. Vì sau đó, ông đi B và biệt tăm tích đến 10 năm trời mới trở ra Hà Nội và tranh thủ ghé thăm nhà. 

Khi trở thành đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX, X, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nổi tiếng với những chất vấn sắc xảo, trực diện. Thời điểm đó, tại nghị trường Quốc hội đã xuất hiện câu "thành ngữ”: "Nhất Thước - nhì Trân - tam Lân - tứ Quốc (các đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, và Dương Trung Quốc). Thế rồi, điều không may xảy đến. Năm 1997, phu nhân vị tướng - bà Phan Thị Thuỷ bị ngã, phải nằm viện rồi lại bị tai biến. Ông đành buổi tranh thủ vừa họp Quốc hội vừa tranh thủ vào viện chăm vợ. Kể về việc chăm vợ bị bệnh, ông nói vui: xưa chúng ta có câu "tất cả cho tiền tuyến”, giờ tiền tuyến đáp lễ lại một chút cho hậu phương thì cũng là phải đạo”.  

Một vị tướng đã "tác chiến” như vậy trong những tình huống thăng trầm của cuộc đời, của vận mệnh dân tộc thì thật đáng khâm phục và trân trọng biết bao!.

TỪ KHÔI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét