Menu ngang

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

NGÀY THƯƠNG BINH

                                         N M Đ

Em đừng chúc anh nhân Ngày Thương binh
Bởi anh là người không khuyết tật
Giữa cuộc chiến bao người đã mất
Với anh, vết thương này đâu có hề chi

Bao đồng đội cùng trang lứa ra đi
Nằm lại chiến trường gốc cây bụi cỏ
Ngày chiến thắng, không ngày đoàn tụ
Bố Mẹ già đau đáu ngóng ... mồ con

Bao trẻ thơ buổi cắp sách tới trường
Trang học bạ, dòng cha là Liệt sĩ
Bao người vợ suốt một thời xuân trẻ
Chôn khát khao khắc khoải nỗi niềm!

Người chiến binh xông pha chốn trận tiền
Và người hậu phương hy sinh thầm lặng
Thuở  cả nước hành quân ra trận
Mất mát hy sinh  đâu chỉ … của riêng mình !


                                           27 / 7 / 2015

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Ảnh hiếm về thời trai trẻ của ông Obama ở Kenya

Hôm 24/7, ông Barack Obama đã trở về thăm quê hương bên nội ở Kenya lần đầu tiên kể từ khi ông lên làm Tổng thống Mỹ.
Trước chuyến thăm đặc biệt này, ông Obama đã có ba lần về thăm quê. Chuyến thăm gần đây nhất của ông là vào năm 2006, khi ông là Thượng nghị sỹ của bang Illinois.
Chuyến về thăm quê đầu tiên của ông Obama là vào năm 1987, khi ông ở độ tuổi 20. Trong chuyến về quê này, ông đã chụp nhiều bức ảnh với người thân trong gia đình.
Dưới đây là vài hình ảnh hiếm thấy về các chuyến thăm quê trước đây của ông Obama.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Ông Obama ngồi hút thuốc ngoài căn lều của gia đình ở Alego, Kenya, năm 1987.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Từ trái qua: Obama, bà Sarah (vợ thứ ba của ông nội Tổng thống Mỹ), Auma Obama (chị gái cùng cha khác mẹ của ông Obama) và bà Kezia Obama (vợ đầu tiên của cha Tổng thống Mỹ).
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Ông Obama ở Nairobi (Kenya) vào năm 1987, trước khi theo học ở trường Kinh doanh Harvard (Mỹ).
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Ông Malik Obama, anh trai của Tổng thống Mỹ, đang cầm bức ảnh chụp chung với ông Barack Obama tại cửa hàng của mình ở Siaya (Kenya) vào năm 2004.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Ông Obama đang giúp bà nội vác một bao tải ngô về nhà ở làng Kogelo (Kenya). Bức này này chưa rõ thời điểm được chụp.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Kenya vào năm 1987, ông Obama đã có bức ảnh hiếm có, chụp chung cùng với đại gia đình ông.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Ông Obama đang đi dạo cùng với bà Sarah và nhiều người thân khác trong chuyến thăm quê năm 2006.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Một tấm biển viết nguệch ngoạc dòng chữ chào đón chuyến thăm Kenya của ông Obama hồi 2006, với tư cách là Thượng nghị sỹ bang Illinois, Mỹ.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Người dân Kenya vẫy cờ Mỹ chào đón ông Obama, khi ông tới thăm thủ đô Nairobi vào năm 2006.
Barack Obama, quê nội, Kenya, thời trai trẻ
Ông Obama vẫy tay chào người dân Kenya khi tới thăm đài tưởng niệm 248 người bị giết hại hồi năm 1998 khi Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi bị đánh bom.
Thanh Vân
Theo: VietNamNet

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Đi qua vội vã







Dân trí Tôi thường có thói quen ngồi một mình nơi góc quán cafe cạnh ngã tư đèn đỏ lặng lẽ ngắm người người cùng xe cộ ào ạt trôi đi mỗi ngày. Cho mình chậm lại một phút giây mới thấy con người và đời sống xung quanh dường như đang lao đi quá vội.

Đi qua vội vã
Người ta vội vã trước ba mươi giây chờ đèn đỏ, vội với vài cen ti mét khoảng cách xe này và xe kia để cố nhích lên cao hơn nhau một chút đổi lại dăm ba lời chửi rủa vung vãi theo khói xe phía sau cùng ánh mắt gằm ghè đến sợ. 
Có lúc người ta chỉ chực lao vào mà cắn xé, ẩu đả nhau chỉ bởi một chuyện cỏn con. Người ta đổi thoáng vội vàng chưa đến một phút bằng một tai nạn bất chợt có thể xảy đến khi ào ạt vượt chớp đèn đỏ còn sáng đang nhích dần về vạch 2-1-0 kia.
Người ta vội lúc chờ đèn chuyển tín hiệu mà thờ ơ lắc đầu không cầm hay xua tay với đứa trẻ nhễ nhại phát tờ rơi. Cũng có khi cầm lấy lệ, chỉ kịp liếc nhìn rồi quáng quàng lao theo đèn xanh mà chẳng ngại ngần thả tờ rơi nay là rác hững hờ bay trong gió, ngược chiều lạc lõng.
Người ta vội nên chẳng kịp nghe phía sau tiếng đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ thắc mắc với mẹ “sao cô ấy xinh thế mà lại xả rác hở mẹ”? Em không hiểu được tại sao người lớn lại không làm như lời em vẫn thường nghe cô giáo dạy ở trường là phải vứt rác đúng nơi quy định. Mẹ em sẽ phải trả lời em thế nào trước một lý thuyết tốt đẹp con vẫn biết và một thực tế minh họa trái ngược?
Người ta vội đi chơi với bạn bè, tham dự một buổi party vui vẻ quay cuồng mà cúp nhanh điện thoại trước lời dặn của mẹ, cuối tuần nhớ về nhà mẹ nấu mấy món ăn con thích, về thăm cha đang bệnh động viên tinh thần người đang ngóng đứa con xa. Người ta vội mà quên mất mẹ cha đã già, không biết tới tiếng thở dài nặng trĩu của mẹ khi nghe tiếng tút dài vọng lại.
Người ta vội nên vô tình trượt qua đứa bé gầy gò, đen nhẻm ánh mắt rượi buồn với xấp vé số còn dày trên tay.
Người ta vội với chính mình hay căn bệnh vô cảm đang ngày một trầm kha nên dễ dàng thờ ơ với cô gái bị bắt nạt đang gào khóc trên xe buýt.
Người ta vội với trò game hấp dẫn, với những tin hot trên mạng mà ơ hờ bằng lời chúc sinh nhật thậm chí viết tắt trên wall facebook, bỏ quên thói quen nhắn tin hay gọi điện chúc mừng hay đến gặp mặt. 
Cũng nhờ facebook nhắc nhở người ta mới nhớ, nếu không chắc ngày sinh nhật ai đó cũng rơi vào một miền lãng quên với đời sống ảo cùng với những yêu thương, quan tâm chân thành dần rơi rụng, dù không thể phủ nhận những mặt tích cực của internet.
Người lớn vội với công việc, vội với check in, với tính số lượng like và share mà bỏ mặc con trẻ cho ipad, smart phone đến nỗi trẻ con gặp nhau cũng chỉ chúi đầu vào màn hình chứ không mừng vui trò chuyện hay hồn nhiên trong những trò chơi thơ trẻ.
Người ta vội với những cuộc chuyện trò trên mạng ảo, trả lời những câu bình luận, vội vã với bao sự hấp dẫn của thế giới giải trí mạng mà thiếu hụt thời gian trò chuyện tâm tình, gặp nhau. 
Người ta mải mê với màn hình máy tính, ipad, điện thoại mà quên nhìn vào mắt nhau khi café gặp gỡ, vô tình biến mình thành một thế hệ cúi đầu chẳng còn thời gian cho các trang sách mở mang tâm hồn trí thức. 
Người ta vội vã với thật nhiều lí do, biện hộ để hững hờ bỏ quên những quan tâm, yêu thương chân thành cần dành cho nhau.
Cuộc sống cứ trôi và mọi người vẫn cứ mỗi ngày đi qua vội vã, không nhận ra mình cần chậm lại một chút để cảm nhận, sẻ chia, để lắng mình.
Huệ Hương

Không nỗi nhớ

Tác giả: Kim Dung/ Kỳ Duyên
.
Không nỗi nhớ làm sao ta sống được
Tâm hồn ta dệt những sợi mộng mơ
Một cơn mưa chiều một làn thu thoảng
Tiếng đập nào thổn thức như đợi chờ
Không nỗi nhớ làm sao ta sống được
Trái tim ta dệt những sợi tình yêu
Một ánh nhìn đăm đăm một thoáng cười lặng lẽ
Trời hoàng hôn bỗng lộng lẫy cánh diều

Không nỗi nhớ làm sao ta sống được
Cuộc đời ta dệt những sợi khổ đau
Bờ vai nào sẻ chia nặng nhọc
Trong đêm đen vẫn lấp lánh sắc màu
Không nỗi nhớ làm sao ta sống được
Nên ta yêu nỗi nhớ có mầu hồng
Vị đắng cay cũng thành dịu ngọt
Hoa cỏ mùa xuân hay chỉ chút hư không
Không nỗi nhớ làm sao ta sống được
Nên ta tin nỗi nhớ hóa dòng sông
Có cánh buồm xưa mang mang cổ tích
Đi qua những bến đời để tụ với bến trong

baby
 
baby 4

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

MỘT VIỆC LÀM Ý NGHĨA NHÂN NGÀY TBLS 27/7
 KHẮC TẠC BÀI THƠ LÊN BIA ĐÁ

VIẾT BÊN MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH
                                     Nhà thơ Tuyết Nga

Nấm mồ xanh
như một giọt lệ ngưng
trên hình hài Tổ quốc
chúng tôi đến bên anh như lá xanh non cúi nhìn cội rễ
một màu thạch thảo thanh tao

Từ nơi nào mẹ đã tiễn anh đi?
mái rạ, bờ đê hàng cây, góc phố…
đê vẫn xanh và bờ cây còn gió

Từ nơi nào…
mắt ướt chia ly
bờ vai khép phượng hồng vào kỷ niệm
đất nước ngày lửa đạn
các anh đi biếc cả rừng già

Anh trở về với cỏ lặng im
mặt trời ngang qua dịu dàng nghiêng nắng
mùa thu ngang qua khẽ khàng buông lá
đất dâng lên khói sương lời ru…

Có một Ước Mơ trời xanh còn nhớ
có một Tình Yêu mùa thu còn giữ
có một Tuổi 20 đất nước ủ trong lòng
                                                      
                KHẮC TẠC BÀI THƠ LÊN BIA ĐÁ -
              TÂM NGUYỆN THÀNH HIỆN THỰC
               Cựu Chiến Binh - PGS - TS Nguyễn Thị Quy

PGS - TS Nguyễn Thị Quy và Ông Trần Thạch, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hải Lăng

        Đã 40 năm đi qua, Đất nước ngừng tiếng súng. Vết thương đạn bom của cuộc chiến đã dần lành lại. Nhưng nỗi đau mất mát về sự ra đi không trở về của những người lính vẫn còn mãi nhức buốt nơi con tim những người đang sống. 
       Tâm nguyện của tôi đã được ấp ủ từ lâu. Khởi nguồn từ khi tôi được một người bạn là nhà thơ Tuyết Nga, đề tặng mấy câu thơ dưới tấm ảnh tôi chụp hồi mới nhập ngũ ( 14/6/1972). Thơ về Ước mơ, về Tình yêu và về Tuổi 20 - lứa tuổi đẹp nhất của một đời người.
        Tuyết Nga viết bài thơ  VIẾT BÊN MỘ LIỆT SỸ VÔ DANH đã từ rất lâu nhưng chưa một lần công bố. Thế rồi, một sáng đầu xuân 2015, chúng tôi ngồi bên hồ, giữa lòng Hà Nội, cùng cảm nhận mùi hương hoa bưởi ngan ngát bay và tận hưởng cái lạnh của mùa Xuân còn đọng lại. Trong cái không gian trong lành và sâu lắng ấy, Tuyết Nga đọc lại cho nhóm bạn tôi nghe trọn vẹn bài thơ đó. Không hiểu vì mình cũng đã từng là người lính hay bởi cảm xúc từ bài thơ quá dữ dội, mãnh liệt... mà nước mắt tôi cứ thế rơi, thổn thức... Lời thơ cứ thế, cứ thế...nhẹ nhàng, lặng lẽ dắt tôi về bên những "mái rạ, bờ đê, hàng cây, góc phố", nơi chứng kiến cảnh mẹ già, tấm lưng còng, mái tóc điểm bạc tiễn con ra mặt trận, nơi " mắt ướt chia ly", " bờ vai khép phượng hồng vào kỷ niệm...", " các anh đi biếc cả rừng già..."
Ngày chiến thắng, đất nước khải hoàn ca, nhưng, các anh, những đồng đội của tôi đã ngã xuống, vĩnh viễn " về với cỏ lặng im" khi " đê vẫn xanh và hàng cây còn gió"...
Trái tim người lính chưa một phút bình yên nơi tôi; cảm xúc thiêng liêng về sự mất mát, hy sinh của các Liệt sỹ vẫn đè nặng trong lòng. Cuộc hành trình của tôi bắt đầu từ các cuộc điện thoại, từ những địa chỉ tôi chưa một lần biết đến. Gọi và xin phép được mang về bên các nấm mộ Liệt sỹ vô danh MỘT TẤM LÒNG!
Và, tâm nguyện của tôi đã được Anh - người lính già một thời bôn ba trận mạc chia sẻ - được những người em đồng vọng, được lãnh đạo huyện Hải lăng nhiệt tình giúp đỡ, được các hoạ sỹ và nghệ nhân ngày đêm miệt mài khắc, vẽ để tấm Bia được hoàn tất trước ngày 27/7- ngày TBLS.
Chúng tôi lên đường trong cái nắng nóng oi nồng giữa những ngày tháng 7 để thực hiện một tâm nguyện - dâng tấm Bia khắc bài thơ VIẾT BÊN MỘ LIỆT SỸ VÔ DANH  của nhà thơ Tuyết Nga tới hương hồn anh linh các Liệt sỹ- những người lính đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng Đất Mẹ yêu thương. Đoàn chúng tôi dừng chân là Nghĩa trang huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi yên nghỉ của gần 2.000 ngôi mộ Liệt sỹ có tên và chưa biết tên.
Đoàn chúng tôi gồm 6 người, là những cựu chiến binh và những người bạn đến từ Trường Đại học Ngoại thương và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Người lớn tuổi nhất là một vị tướng già đã ngót 70 nhưng vẫn còn phong độ. Điều đáng trân quý nhất là tình nghĩa son sắt thuỷ chung mà ông luôn dành cho người lính, những người đã cùng một thời xông pha trận mạc trên các chiến trường. Nếu không có sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của ông, chúng tôi đã không thể thực hiện được ý nguyện của mình.
Chúng tôi đi xuyên đêm, trên một chuyến tàu không mấy êm ả. Ít ai ngủ được. Tàu lắc lư, tròng trành nỗi nhớ và những ký ức.
 Chúng tôi đến Đông Hà vào lúc 10h trưa, tàu đến trễ hơn một tiếng rưỡi. Mọi công việc chuẩn bị cho Lễ dâng Bia đã xong.
 Đúng 11h 30 ngày 13/7/2015 tấm Bia chính thức được gắn tại nghĩa trang Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị.
 Xin Anh linh các Liệt sỹ hãy nhận lấy tấm lòng thành kính, tri ân từ chúng tôi - những người đang được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Đó là tiếng lòng, là lời ru muốn được vọng tới các Anh mãi ngàn năm.

"...Có một Ước mơ trời xanh còn nhớ
có một Tình yêu mùa thu còn giữ
có một Tuổi 20 Đất Nước ủ trong lòng".


                         LỜI CỦA NHÀ THƠ TUYẾT NGA

            Chị là một nữ chiến sĩ độ tuổi 20 ngày nào, giờ là một nhà khoa học, nhà quản lý của một trong những trường đại học danh tiếng nhất đất nước. Anh là một vị tướng già từng một thời tuổi trẻ dạn dày trận mạc, nhiều lần bị thương, được đồng đội cõng về từ cõi chết. Và bạn, và em… những người lớn lên sau chiến tranh, chỉ được nghe kể về mất mát về đạn bom như nghe về cổ tích. Các anh chị, các bạn, các em, tháng 7 này, đã mang bài thơ của tôi đi cùng trong một chuyến đi về nơi yên nghỉ của những người lính một thời đã hy sinh vì đất nước. Cho tôi có cơ hội được chứng kiến tình đồng đội ấm áp của những người lính, chứng kiến cảm xúc thiêng liêng mà các liệt sĩ đã để lại trong lòng hậu thế. Để tôi tin những điều tốt đẹp sẽ trường tồn, cho dù cuộc sống có đi đến đâu.
          Ngày đó,  khoảng những năm 1987-1989, khi bắt gặp một ngôi mộ cỏ nằm im lìm dưới tấm bia mộc khắc dòng chữ "Tên Anh chúng tôi không biết, nhưng Chiến Công Anh Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ", tôi đã khóc. Bản năng của một người phụ nữ đã khiến tôi chỉ muốn dang tay ôm lấy người nằm dưới có. Họ, những người lính đã ngã xuống vì đất nước, còn quá trẻ. Và bài thơ chính là vòng ôm thiêng liêng đó.  Là người làm thơ, tôi luôn cảm thấy một nỗi bất lực khủng khiếp mỗi khi muốn viết về những hy sinh mất mát mà đất nước mình, những thế hệ trước mình đã trải qua. Cũng vì thế mà bài thơ VIẾT BÊN MỘ LIỆT SĨ VÔ DANH của tôi, được viết từ rất lâu, nhưng tôi chưa một lần công bố chính thức.
         Rồi bắt đầu từ một kỷ niệm của chính chị, chị tình cờ biết đến bài thơ này của tôi. Có vẻ như bài thơ đã chạm tới miền tâm thức sâu thẳm chưa từng bình yên nơi chị. Chị bắt đầu một cuộc hành trình. Tìm mọi cách để có một địa chỉ, gặp bất cứ ai có thể có chút khả năng giúp chị thực hiện ý nguyện. Chị gặp được vị tướng già sau thời trận mạc nhưng trái tim vẫn đáu đáu về đồng đội, gặp những người bạn, người em đồng cảm trong ước nguyện trước những người đã hy sinh.
        Từ nay, bài thơ, nói chính xác hơn là tấm lòng, tình cảm của các anh chị, các bạn, sẽ hiện diện nơi gần 2.000 trái tim Liệt sĩ đang yên nghỉ. Nó là lời ru mà tất cả chúng ta muốn ru giấc ngủ các anh, những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

                                       Thái Minh Hưng ghi chép, biên tập











Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

CÂY ĐA, GIẾNG NƯỚC
     TRONG TÂM THỨC NGƯỜI LÀNG ĐẠI XÁ

Hơn trăm năm nay Cây Đa thả bóng uy nghi, trầm mặc án ngữ ngã ba làng là hình ảnh thân thương của bao thế hệ con dân làng Đại Xá (xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Người dân Đại Xá xem đó là biểu tượng lưu giữ kí ức, linh khí của làng mình.
Làng Đại Xá tọa lạc trên một triền đất hướng tây nam, án ngữ ở tuyến đường từ huyện lỵ dẫn về trung tâm xã. Các bậc cao niên trong làng nhẩm tính, Cây Đa có tuổi trên trăm năm do Cố ( Cụ )Tế trồng. Các cụ cao niên tâm đắc, Cố Tế là người nhìn xa cho hậu thế, bởi Cây Đa được Cố gieo mầm xanh trên khoảnh đất bồi cao ráo, đắc địa có tầm nhìn khoáng đạt ra cánh đồng bát ngát tiếp giáp với ba xã. Từ gốc đa có thể phóng tầm mắt về hướng đông, nơi đây từng ghi dấu ấn đền thờ Thành Hoàng làng và chùa thờ Bụt. Góc nhìn phong thủy, đó là nơi quần tụ của khách thập phương qua lại đón nhận nhiều thông tin, thuận tiện giao thương ra bên ngoài.
Ơn bậc tiền nhân, bao đời nay Cây Đa trở thành trạm dừng chân tìm chút ngơi nghỉ của bao lữ khách thập phương mỗi dịp đi ngang qua làng, hay ai đó muốn ngóng nghe tin tức, thăm hỏi người quen trong làng. Cây Đa cũng là nơi lữ khách qua đường, khách thập phương tìm về làng dừng chân rũ bụi trần, tìm sự yên bình trong tâm hồn thanh thản bước vào làng… Sự gần gũi ấy, chốn “thiêng” ấy bình dị trở thành trung tâm giao thương, sinh hoạt cộng động của cư dân làng Đại Xá.
Lẽ tự nghiên ấy, Cây Đa là chứng nhân của biết bao thăng trầm của làng Đại Xá, có thể lục ra ngay được trong tâm thức của mỗi con dân của làng. Trưa hè Cây Đa là vòm xanh trẻ trâu mặc sức thả hồn vào các trò đánh trận giả, chơi khăng, đánh đáo, đấu vật…Vào mùa thu hoạch, gốc đa là nơi tập kết khoai, lạc của cư dân trong làng và đội sản xuất với bao ký ức của một thời “đổi công lấy điểm chia lương thực”. Đến mùa sản sinh, chim thường kéo về đây làm tổ, bọn trẻ trong làng có dịp trổ tài leo đa bẫy chim thật sôi động. Đêm về Cây Đa là chốn hẹn hò, tự tình của biết bao đôi gái trai nên duyên vợ chồng.
Hiệu lệnh bắt đầu một ngày làm việc hay kết thúc công việc đồng áng cũng phát ra từ tiếng kẻng treo cách Cây Đa không xa lắm. Tiếng kẻng vang lên cũng là lúc bà con xã viên trong làng ngơi nghỉ, tụ họp dưới gốc đa để ghi công, bình điểm, thăm hỏi, động viên nhau sau một ngày xuống đồng. Không những vậy, Cây Đa còn là nguồn khởi hứng các cụ cao niên sáng tác thơ, truyền dạy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu.
Qua bao biến cố, Cây Đa vẫn trầm mặc, gắn bó với biết bao nỗi niềm của con dân làng Đại Xá, khi chứng kiến bao người ra đi bao người quay về tìm lại kí ức chốn quê. Cùng với thời gian, biểu tượng tự tình của làng không còn vạm vỡ, lẫm liệt, oai phong như xưa, có thể do nhiều tác nhân và điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt ảnh hưởng đến tuổi thọ của “cụ đa”. Dễ nhận ra, thân đa không còn căng tròn, láng mượt, cành đa không còn dẻo dai, cứng cáp đứng trước phong ba như xưa, mà có cảm nhận như thân đa bị  thô ráp, nhỏ lại, một phần thân đa bị lão hóa, bỏ cành...
Để biểu tượng của uy nghi, trung tâm sinh hoạt cộng đồng một thời của làng vẫn mãi mãi là linh khí của làng, thiết nghĩ sự chung tay của trước hết là con dân của làng dù ở tại địa phương hay mọi miền, các bậc cao niên hiến kế bảo tồn, nuôi dưỡng nâng niu tuổi thọ của “Cụ Đa” để thế hệ mai sau còn có dịp chứng kiến sự sinh tồn thực thụ chứ không chỉ qua lời kể. Điều này không chỉ có nghĩa về giáo dục thế hệ con cháu dân làng truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, qua đó khơi gợi tình làng nghĩa xóm, hồn cốt cộng đồng .
Cùng với Cây Đa, như bao miền quê đất Việt, ở làng Đại Xá còn có giếng làng. Xưa kia, toàn bộ nước sinh hoạt của cả làng đều chung nhau lấy từ một giếng. Giếng là mạch nguồn mát trong để nhà nhà gánh về nấu cơm, pha trà, om hãm những ấm chè xanh nặng tình người, tắm mát biết bao tâm hồn…Qua bao thế hệ, sân giếng còn là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa tinh thần, nơi hẹn hò gặp gỡ trò chuyện thân tình của bao nam thanh nữ tú  làng Đại Xá - trong đó có biết bao cặp nên vợ nên chồng. Tri qua thời gian, nguồn long mạch của làng bị bồi lấp, vẫn còn dấu tích nhưng nguồn nước mát trong không còn như xưa.

            Với tâm nguyện bảo dưỡng, phục hồi những chứng tích neo giữ tâm hồn, ký thác tình quê, lòng kính yêu nơi chôn rau cắt rốn, quê cha đất Tổ, vườn ươm đầu đời, môi trường sinh sống thuở hàn vi, CHÚNG TÔI - những con dân của làng Đại Xá đang sinh sống trên nhiều miền Tổ quốc - xin được chung sức, chung lòng vun đắp lại CÂY ĐA LÀNG thêm bền vững tươi xanh, phục hồi lại nguyên khí; xin khôi phục GIẾNG LÀNG để khơi lại nguồn long mạch của làng được thông suốt. CHÚNG TÔI xin được coi đây là một kỷ niệm với quê hương, một nghĩa cử tri ân tiền nhân và là một món quà tinh thần dành cho con cháu. Được thế, vui lắm thay!


                                                            Nguyễn Đình Thi

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

CHỒNG Ạ! EM LÀ GÌ CỦA ANH ?
                                      Nghinh Nguyễn
Chồng ạ! Em là gì của anh ?
Cây ATM rút tiền không hạn mức
Người tình nhỏ suốt đêm dài thao thức
Hay ô sin cả đời chẳng có đồng công
Em là gì nhỉ? Chiếc khăn ấm cùng anh qua những mùa đông
Là bóng mát chở che anh những ngày hè nóng nực
Diễn viên hài cùng anh qua cơn bực tức
Hay đứa trẻ dại khờ... để anh học cách yêu thương
Em là gì... mà cứ đợi chờ anh đi khap muôn phương
Chỉ mong một ngày anh trở về bến đợi
Là ánh mắt thẳm sâu vời vợi
Giúp anh nhìn mọi thứ dễ dàng hơn
Em là gì mà anh lại tìm về những lúc cô đơn
Khi tất cả quay đi... chỉ còn mình em ở lại
Là người đã dành cho anh một tình yêu khờ dại
Suốt những tháng năm khốn khó tận cùng.
Chồng ạ! Có thế có đôi lần... suy nghĩ chẳng cùng chung
Có thể ngoài kia, những vì sao nhiều màu lấp lánh
Có thể đôi lần bên em, anh thấy lòng giá lạnh
Quên mất rằng em là gì, thực tại trong anh
Chồng ạ!Có thể một ngày nào ...tóc em chẳng còn xanh
Những vết chân chim in hằn khóe mắt
Khi sự già nua hiện dần trên gương mặt
Liệu rằng anh có quên em ?
Chồng ạ! Có thể đôi lần em trót lỡ hờn ghen
Chỉ một chút thôi ...đủ để thành chát mặn
Những giọt nước ướt đầm khóe mắt
Cũng chỉ vì em vẫn còn yêu.
Chồng ạ! Có thể ngoài kia mật ngọt bao nhiêu
Để những người đàn ông quên đường về với vợ
Nhưng em tin chúng mình là "duyên- nợ "
Anh mãi hiểu rằng em là gì trong mắt của riêng anh
22/7/2015
— với Ba Pham Van.