Menu ngang

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Lịch sử buộc người Việt phải quyết đoán hơn

 Lịch sử giành và giữ độc lập dân tộc luôn buộc người VN phải trở nên thông minh hơn, buộc phải can đảm và quyết đoán hơn.
I-Những ngày này, cả nước Việt bị tổn thương nặng trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương- 981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế VN, cũng tức là ngang nhiên xâm lấn chủ quyền biển đảo nước Việt.
Hàng nghìn, hàng vạn bài báo trên các mạng truyền thông phản đối hành vi “bá quyền nước lớn” của TQ, ngang nhiên giẫm đạp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà năm 1996, TQ đã tham gia ký kết.
Điểm đỉnh của việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bày tỏ thái độ công khai minh bạch trước lời nói và việc làm tiền hậu bất nhất của TQ, là hàng loạt những phát biểu của những cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất với vận mệnh đất nước.
Cũng là thông điệp trước sau như nhất của nước Việt: Cả nước đoàn kết một lòng, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc đồng thời cố gắng giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước….Dân tộc chịu đau thương, mất mát vì chiến tranh nên cố gắng tránh chiến tranh (VietNamNet, ngày 29/5)
Nhưng mặt khác, dân tộc VN cũng quá thấu hiểu “thân phận” mất nước, quá thấu hiểu “thân phận” nô lệ, nên Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển. Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Phát ngôn thật ấn tượng của người đứng đầu Chính phủ VN tại Mianmar và đặc biệt là tại cuộc họp báo quốc tế, khi ông đi thăm Philippines, đã lay động tâm thức cả nước. Lịch sử giành và giữ độc lập dân tộc luôn buộc người VN phải trở nên thông minh hơn, buộc phải can đảm và quyết đoán hơn trong sự chọn lựa cách đứng lên trước vận mệnh sinh tử của chính mình.
Nhân cách, quốc gia, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nước Việt, Trung Quốc, văn hóa, quản lý
Cách đứng lên đó là gì?
Để không chấp nhận thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó, không còn cách nào khác, nước Việt phải tạo cho mình nội lực mạnh một cách thực chất.
Đó cũng là tư tưởng, là băn khoăn, và day dứt của người Việt nói chung, của các đại biểu QH nói riêng tại kỳ họp thứ 07, QH khóa XIII đang diễn ra. Trước những hay dở, mạnh yếu của nền kinh tế- vốn đang cần được “lột xác”, để có thể đi trên đôi chân của chính mình, tăng sức mạnh hội nhập và thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều mặt vào… dã tâm láng giềng.
Trong thế giới hiện đại, sự giao lưu thông thương về kinh tế khiến cho ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất cũng không thể “một mình một chợ”.
Đáng chú ý là ý kiến của Đại biểu QH- TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia, khi ông nhận xét kinh tế VN có 03 hạn chế lớn. Đó là về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, về động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khiến tính tự chủ của nền kinh tế bị hạn chế, và sự khó khăn của các doanh nghiệp trong nước.
Đặt cả 03 hạn chế này trong bối cảnh kinh tế thế giới đang được dự báo có những bất ổn, bất trắc không lường hết được, sẽ thấy hành trình của kinh tế nước Việt sắp tới rất cam go, vì tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Để đôi chân kinh tế có thể đứng thẳng, có sức trường hơi, theo ông Vũ Viết Ngoạn, việc đầu tiên, phải tăng 50% năng suất lao động và GDP phải tăng 6,5% mới đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng đến tuổi lao động. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tái cơ cấu, cải cách thể chế kinh tế.
Điều này khá phù hợp với những số liệu phân tích đáng giật mình của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra mới đây, năng suất lao động VN thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, và 1/10 Hàn Quốc. Thậm chí so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của VN vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan (Đất Việt, ngày 13/05).
Nhân cách, quốc gia, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nước Việt, Trung Quốc, văn hóa, quản lý
Tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam giẳng co trên vùng biển có giàn khoan đặt trái phép. Ảnh: Hoàng Sang
Ở góc nhìn khác, ông Cao Sĩ Kiêm (ĐB đoàn Thái Bình) lại cho rằng, để phát huy nội lực, nền kinh tế VN cần phát huy hai mũi nhọn nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông, đây phải coi là chiến lược lâu dài khi VN vẫn là nước nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số. Ưu tiên giải quyết đầu ra cho nông sản và tinh chế từ hàng nông thô ra nông sản tinh, có hàm lượng chất xám cao. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao dây chuyền, nâng cao quy trình chế biến để doanh nghiệp tự tạo thị trường. Và cuối cùng giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới (GDVN, ngày 27/05).
Thật ra, các giải pháp trên không mới. Nhưng những kiến giải của ông Cao Sỹ Kiêm cho thấy, ở góc độ khác, nó phản chiếu cách đi lệch của nền kinh tế, do đuổi theo mục tiêu “công nghiệp hóa” quá mạnh. Thực chất, nông nghiệp của VN đã bị… bỏ quên nhiều năm, và giờ đây, việc phát huy mũi nhọn nông nghiệp chỉ là một cách điều chính lại sự “thái quá” của nền kinh tế một đất nước bản chất vẫn có thế mạnh là nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa, làm sao những sản phẩm nông sản phải giảm bớt cái tính chất “thô mộc, xù xì” của nó, để tạo nên giá trị lớn hơn.
Trong họa có phúc. Cái phúc ấy muốn lâu bền, và nước Việt muốn đứng lên vững chãi bằng đôi chân của chính mình, không thể thiếu giải pháp căn cốt. Đó là nền kinh tế phải sớm thay đổi mô hình phát triển, phải tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế kinh tế một cách tích cực, quyết liệt, triệt để. Thậm chí, trước đó, tháng 04, tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2014, TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta đã bắt đầu thoát khỏi “chủ nghĩa thành tích”. Song, để tái cơ cấu thành công, cần phải cưỡng bức cải cách có điều kiện (VietNamnet, ngày 28/04)
Tái cơ cấu kinh tế thành công, sẽ như một mũi tên trúng ba đích: Thứ nhất, tạo môi trường cạnh tranh sản xuất, kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp các thành phần kinh tế, kích thích sức sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần tăng hiệu quả GDP. Thứ hai, giảm thiểu mức thấp nhất cơ chế xin- cho, mảnh đất mỡ màu cho các loại sâu tham nhũng, các nhóm lợi ích đục khoét “ích nhóm, hại nước”. Thứ ba, tạo niềm tin cho người Việt ủng hộ sản phẩm hàng hóa nội, một biểu hiện tích cực của lòng yêu nước. Mối quan hệ tương hỗ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông thái tạo nên hiệu quả “ích nhà, ích nước”.
Nhưng nước Việt không thể đứng lên bằng đôi chân mạnh mẽ, nếu người Việt không cố kết, đoàn kết, thông qua chính công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Việc tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa, sáp nhập các doanh nghiệp “từ xa lạ nay thành gần gũi” cũng sẽ đòi hỏi mọi thang bậc giá trị về đức, tài phải thực chất và đặt đúng chỗ. Quan trọng nhất, đòi hỏi các doanh nghiệp phải hợp tác được với nhau.
Có một câu ca dao giản dị, sâu sắc của nhân gian đã biến thành “nhân cách” dân tộc Việt, đang cần được linh nghiệm trong những tháng năm giông bão này: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Nhân cách, quốc gia, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nước Việt, Trung Quốc, văn hóa, quản lý
Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình giờ chủ yếu để tổ chức đám cưới.
                                    ***********
II- Nước Việt, muốn đứng thẳng dậy trên đôi chân của chính mình, cũng phải tự thay đổi rất nhiều. Trước hết, là thay đổi cung cách quản lý còn lỏng lẻo, lãng phí tài lực của xã hội và nhân dân trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nhiều bất ổn.
Mà vụ việc dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ VHTT&DL đề cập, tuy bị “chìm” đi dưới… những con sóng Biển Đông, bởi vụ giàn khoan TQ, nhưng nó vẫn gây nhức nhối cho những ai quan tâm đến văn hóa nước nhà. Chỉ ngay sau khi Đề án tổ chức Asiad 18 với cái giá 150 triệu USD vừa bị rút.
Theo dự thảo, tới năm 2030, 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới và trùng tu, đại tu. Trong đó, sẽ xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn 2.000 - 2.500 ghế, có trang thiết bị hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu.
Tại Hà Nội, TP.HCM sẽ xây mới công trình nhà hát quy mô lớn 2.500 - 3.000 ghế. Xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012-2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng.
Rõ là ra ngõ gặp... nhà hát nhé!
Đọc hàng loạt những con số dành cho các nhà hát này, có thể hình dung, nước Việt cũng là xứ sở của “đờn ca” và cách tiêu tiền của Bộ VHTT & DL hóa ra cũng … tài tử chẳng kém gì ai.
Bởi lẽ, người ta có thể liệt kê, ngay công suất sử dụng của không ít trung tâm, công trình văn hóa tại Thủ đô như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm triển lãm Giảng Võ, rạp Công Nhân, rạp Đại Nam cũng còn chưa hết, thì việc xây dựng hàng loạt nhà hát với hàng chục nghìn tỷ đồng nữa để làm gì? Chắc chỉ Bộ VHTT & DL mới có thể trả lời nổi.
Chưa kể trước đó, đề án Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ VHTT& DL, trong đó có việc xây dựng thêm 03 phim trường cổ trang tại HN, t/p HCM và Đà Nẵng, trong khi phim trường Cổ Loa được đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng hiện giờ... để không.
Vì sao những dự thảo, đề án của Bộ VHTT & DL luôn bị xã hội phản ứng? Hay bởi chỉ có Bộ VHTT & DL mới có tầm nhìn văn hóa. Còn xã hội lại chỉ có tầm nhìn về cái sự …lãng phí, rút ruột? Và nói như GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa VN, trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ngày27/5, ông cho rằng các nhà lãnh đạo (VHTT & DL- KD)rấthích đề án.
Thậm chí, theo GS Ngô Đức Thịnh, Bộ VH không có dự đoán, cũng không thăm dò, khảo sát gì, thích thì xây, xây để kiếm chác. Nhà hát bỏ không thì nhiều, chuyên dành cho tổ chức đám cưới, còn tranh chỗ với tổ chức hội thảo quốc tế. Thậm chí, các hội thảo còn phải nhường chỗ. Một hội thảo lớn còn phải dẹp xuống nhà xập xệ, rồi nhường chỗ cho đám cưới. Quá kỳ cục!
Chẳng có gì là kỳ cục, vì GS đã biết người ta đề xuất đủ các loại đề án, dự án là để có tiền. Và xây nhà hát xong chỉ để cho thuê làm nơi tổ chức đám cưới, cũng chỉ là để có tiền!
Không ai phủ nhận sự cần thiết phải có nhà hát, các công trình văn hóa, nâng cao trình độ hưởng thụ và nhận thức về văn hóa cho người dân trong xã hội. Nhưng cũng không ai chấp nhận, nếu cái cách làm đề án, dự thảo về văn hóa, nhà văn hóa, công trình văn hóa lại thiếu hẳn một tầm nhìn… văn hóa cần thiết của cấp quản lý văn hóa.
Đó là cần biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” của ngành này. Trong khi, GS Ngô Đức Thịnh lại cứ nói … tuồn tuột cái cách ăn lẫn cả cái cách ngồivăn hóa: Đưa ra đề án chẳng qua là muốn lấy % theo cái kiểu hình thức. Trong khi đó, đầu tư công dẫn đến nợ công, cuối cùng ai chịu, dân chịu chứ ai?
Chẳng biết, cái dự thảo xây mới, trùng tu, đại tu tới 71 nhà hát trên cả nước có được chính thức biến thành hiện thực không? Vào giữa lúc lòng người dân Việt cuộn sóng trước sự nghênh ngang và tham lam của láng giềng TQ, cần sự đồng tâm, cố kết, đoàn kết, cần sự đồng cam cộng khổ của cả dân tộc.
Để làm một quốc gia lớn được cả nhân loại thừa nhận, cũng cần có “nhân cách” một quốc gia. Để làm một ngành quản lý văn hóa được cả xã hội thừa nhận, rất cần một tầm tư duy và tấm lòng có… văn hóa.
Vậy thôi!
Kỳ Duyên

"Chạy" chức để... đóng góp nhiều hơn?

Ai muốn có chức, có quyền thì điều này chưa thể khẳng định là xấu. Vào để có cơ hội đóng góp được nhiều hơn?
Ai mua ai bán?
Tiếc thay, nó cũng bị nghi vấn nhiều trong cả công tác tổ chức, luân chuyển cán bộ- một chủ đề mà thành ủy t/p HCM vừa “xới xáo” lên, gắn với chủ trương chống tham nhũng xung quanh công tác này.
Bởi nó cũng trở thành đề tài “nóng” trong các diễn đàn chất vấn của các kỳ họp Quốc hội, và để trấn an dư luận, trong các kết luận thanh tra đều cho rằng có hiện tượng “chạy” song không phổ biến, nhưng đáng lo ngại và cần loại trừ.
luật hóa, chạy chức, chạy quyền, Diệu Hà, công chức 100 triệu, Phạm Quang Nghị
Ảnh minh họa
Cũng vì không thể bác bỏ loại trừ vấn đề này, bởi rõ ràng nó “hiện diện” một cách “lai vô ảnh, khứ vô hình”, nên cũng đã có một ý kiến nên “luật hóa” việc chạy chức chạy quyền của PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia.
Ai cũng có thể hiểu ngầm những người “mua” có thể không phải là người “thừa” không biết việc, mà họ hoàn toàn có thể là người có tài, đành “ngậm đắng nuốt cay” chi ra một khoản tiền lớn để có công ăn việc làm chính đáng, không phụ công ăn học hay lãng phí năng lực cống hiến của cá nhân.
Nhưng ai cũng hiểu, trong số “công chức 100 triệu” đó, có không ít người cố ý vào được cơ quan công quyền, để sau đó làm bàn đạp cho những mục đích tư lợi cá nhân. Công việc chính của họ không phải là ở cơ quan công quyền, mà đây chỉ là “bến” cho những bước tiếp theo của “quan lộ”.
Vì thế cũng không lạ khi “điểm danh” công chức nhà nước năm 2013, không ít người giật mình. Ví dụ ở một tỉnh nọ, Sở Nội vụ với 31 biên chế nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 01 giám đốc, 04 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Một phòng nghiệp vụ có 04 biên chế thì có tới 03 lãnh đạo, chỉ có… 01 nhân viên để làm việc…
Nhưng “ai bán” mới là chuyện đáng nói. Những phát biểu của ông Trần Trọng Dực trong phiên họp HĐND TP.Hà Nội ngày 7/12/2012 gây “sốt” cho cả nước:  "Đầu mối chạy vào công chức các quận, huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận huyện. Số tiền chạy vào không dưới 100 triệu đồng một suất". Ngoài ở đó ra còn ở đâu?
Một biến tướng khác của loại “công chức 100 triệu” ở tầng cao cấp hơn, không trực tiếp mua- bán, mà tinh vi hơn nhiều. Khi đã có một chức vụ kha khá, ước mơ một vị trí cao hơn để có nhiều quyền lực hơn, cơ chế bắt phải có học hàm học vị .
Thế là một cuộc chạy đua để có bằng cấp bằng mọi giá. Bằng cấp càng cao, thì khả năng càng được cất nhắc ở vị trí cao. Không chỉ bằng cấp trong nước mà còn bằng cấp quốc tế, với nhiều chuyện bi hài ở những bằng cấp tiền sĩ quốc tế giá chỉ có 17.000 USD và học trong 6 tháng.
Giá tiền để làm luận án phó tiến sĩ, nay gọi là tiến sĩ từ 20 đến 30 triệu đồng và điều cực kỳ khôi hài là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm mới quay ra làm luận án tiến sĩ thuê”. Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính đã nói như vậy trong một cuộc hội thảo do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Trên góc trang cuối cùng của tờ phụ san Mua và Bán (Bộ Thương Mại) có những mẩu quảng cáo: "Nhận tư vấn viết luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, nghiên cứu sinh các ngành khoa học", "Nhận tư vấn viết luận văn, luận án cho sinh viên, nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau. ĐT:xxxxx".
Biểu giá nếu chọn “dịch vụ trọn gói”: 15-25 triệu đồng cho một luận án nghiên cứu sinh (tùy theo đề tài dễ hay khó); 8-12 triệu đồng cho một luận văn thạc sĩ; 4-5 triệu đồng cho một luận văn đại học. Nếu như trong chuyện bảo vệ luận văn có gì khó khăn, người của công ty sẽ đứng ra lo liệu giúp (kể cả việc lo cho đăng các bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành hoặc chạy thầy phản biện...).
Có thể chấm dứt chạy chức chạy quyền?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có lần phát biểu: “Những người có quyền cho dù không đòi hỏi gì nhưng cứ bị hối lộ. 500.000 đô la không hạ gục được sự liêm khiết của người lãnh đạo đó thì 1.000.000 đô la. Nếu 1.000.000 đôla không đủ mạnh để hạ gục thì nhiều đô la hơn nữa... Bức thành trì liêm khiết của con người cũng có lúc bền vững hơn dãy Trường Sơn nhưng nhiều khi chỉ yếu như tờ giấy bị thấm nước”.
Chạy chức chạy quyền chính là hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền. Trước kia, người ta “mua” một cách lén lút và tự cảm thấy xấu hổ thì ngày nay, con người xem đó như chuyện bình thường.
Chạy chức chạy quyền cũng có giá. Người ta còn ra giá, mặc cả như mua bán một món hàng bằng con đường trực tiếp người tuyển – người tìm hoặc thông qua cò mồi rồi chia chác với nhau. Chẳng thế mà trên mạng đã lưu truyền một thông tin quảng cáo khá bi hài: Công ty chuyên mua quan bán chức- bán luôn đạo đức”. Giá cả cụ thể...
Hội nghị bàn về việc luân chuyển cán bộ và ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực chạy chức chạy quyền mới đây của t/p HCM đã “khuyến cáo” cảnh giác việc lợi dụng chạy chức chạy quyền để thay vì về địa phương  phát huy năng lực công tác, thì người ta lấy đó làm nơi “lót đường”, “tráng men” cho việc thăng quan tiến chức sau đó.
Đầu năm 2013, trước tình hình chạy chức chạy quyền phức tạp, và khá “nóng” ở các hội nghị về nhân sự, về chống tham nhũng, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã đề nghị: “Cần luật hóa chạy chức chạy quyền”.
Theo ông, nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
Ông phân tích: Ai muốn có chức, có quyền thì điều này chưa thể khẳng định là xấu. Vào để có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên, đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn ngồi vào chức ấy để lợi dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung.
Không biết đây có phải là một ý kiến tiến hay lùi, để chấm dứt chạy chức - chạy quyền trong bóng đêm, nhưng một cách hài hước theo kiểu nói của giới trẻ: Giỏi giang không bằng giỏi chạy. Chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… là một sự “đa dạng sinh học”?
Diệu Hà

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta


Đừng bao giờ dại dột nghi ngờ thành quả lao động của các nhà khoa học ở ta hiện nay, bởi bạn sẽ phải im lặng trước hàng chồng bằng khen lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, sáng tạo khoa học...
Tháp ngà xưa...
Xin được giải thích ngay, tháp ngà ở đây là cách nói ẩn dụ, ngầm chỉ các viện nghiên cứu khoa học hàn lâm. Đã từng có thời kì, lối ẩn dụ này phổ biến ở nhiều nước bao gồm cả các nước phương Tây. Trong trí tưởng tượng của không ít người, đây là nơi làm việc của những nhà khoa học uyên bác, thông làu Đông- Tây, Kim-Cổ.  Vì thế, họ thường là những người cao tuổi, thâm trầm, cả ngày miệt mài bên những chồng sách cũ kĩ, nhìn thế giới qua gọng kính cận dày cộp, nặng nề trên khuôn mặt nhàu nhĩ, khắc khổ, bị che bởi lưa thưa đâu đó vài sợi tóc bạc còn sót lại.
Họ thường là những kẻ "khác người", "kì dị" từ cách ăn mặc đến hành vi. Ngôn ngữ họ nói như đến từ hành tinh khác và thế giới thực tại dường như là quá xa lạ. Họ đã từng là cảm hứng cho không ít đạo diễn điện ảnh trong việc xây dựng nên những nam nhân vật "sợ" phụ nữ, "ngại" kết hôn, đầu tóc rối bù, quần áo luộm thuộm, đêm ngày trong phòng thí nghiệm với thực đơn chung thân là bánh mì hay mì tôm. Họ dường như đến từ thế giới khác, công việc của họ dường như kì bí và kết quả nghiên cứu thì người thường không bao giờ có thể hiểu được.
... nay
Những "phẩm chất" trên không hẳn là mô tả chính xác về các nhà khoa học trước đây. Nó có thể là kết quả của sự định kiến, việc khái quát hóa qua một vài trường hợp cá biệt. Không biết trong lòng công chúng, những định kiến ấy có còn không và còn ở mức độ nào, chỉ biết rằng, qua trải nghiệm thực tế của tác giả bài viết ở một trung tâm khoa học đầu não của cả nước, thì dường như đã có một sự thay đổi lớn.
Các viện nghiên cứu ở đây không còn là những "tháp ngà" âm u, rêu phong tường rủ. Hầu hết trụ sở các cơ quan mà tôi được biết đều nằm ở vị trí đắc địa, nơi hẳn nhiều doanh nghiệp thèm thuồng, nơi các nhà đầu tư bất động sản định danh là "đất vàng". Đó đã bắt đầu là những tòa nhà cao tầng mang dáng vẻ của khách sạn 3 sao và nếu bước vào trong, bạn sẽ thấy một thế giới hiện đại chả kém là bao so với dòng chảy đang tấp nập ở bên ngoài. Cũng điều hòa mát đến tận từng ngóc ngách, cũng máy lau giày sành điệu bên những chiếc thang máy hàng hiệu. Máy tính bàn được trang bị cho từng nhà khoa học với đủ cả máy in, điện thoại, máy fax còn wifi thì phủ sóng ngang cùng ngõ hèm, nét căng.
Đố bạn tìm thấy ai trong họ chưa có bằng đại học. Tiến sĩ, thạc sĩ là lẽ tất nhiên và bạn đừng có sửng sốt khi được giới thiệu với một tiến sĩ nào đó, người mà phải vài mùa xuân nữa mới tròn...30 tuổi.  Nếu có lòng tự trọng cao, hẳn bạn sẽ xấu hổ khi nhìn vào hồ sơ của họ. Một cơ man là bằng, là chứng chỉ, là bằng khen, là danh hiệu. Quên tiếng Anh đi bởi ngay cả các chị lao công cơ quan họ cũng sẵn sàng "hello", "thank you, how are you" với bạn và tin học ư, bạn đã bao giờ ngồi kiên trì "chém gió", "chơi game", "lướt báo", "shopping" trên mạng được 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần trong liền tù tì hàng chục năm không? Đừng bao giờ dại dột nghi ngờ thành quả lao động khoa học của họ bởi bạn sẽ phải im lặng trước hàng chồng bằng khen lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, sáng tạo khoa học...Phần lớn các nhà khoa học mà tôi biết hiện nay còn trẻ, thậm chí là rất trẻ. Hầu như chưa ai có tóc bạc. Họ không hề lập dị, cổ quái, mà đời, rất đời là khác. Bạn sẽ không có cơ hội phê phán trang phục của họ vì chúng chẳng bao giờ nhàu nhĩ, u ám. Bạn sẽ thấy cả một thế giới thời trang với nhiều trường phái khi nhìn vào cách họ ăn mặc. Không hề cắp ô đi làm mà trái lại họ cắp laptop, cắp iphone, ipad. Đố bạn tìm thấy bóng dáng chiếc xe đạp cà tàng nào trong bãi gửi xe nơi mà những con "giấc mơ" ngày xưa giờ phải tủi phận nằm im bên bao nàng tay ga thời thượng.
Và những con số biết nói...
Việt Nam hiện nay có xấp xỉ 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ. Con số này không ngừng gia tăng bởi chúng ta đã, đang và chắc chắn còn có thêm nhiều dự án, chương trình đạo tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI), từ năm 1996 đến 2011, cả nước có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt. Điều đó có nghĩa mỗi năm chúng ta có khoảng 880 công trình xuất bản quốc tế và bình quân phải mất vài chục năm, mỗi tiến sĩ của ta mới sản xuất được một bài báo cho quốc tế.
Những con số thường khô cứng lắm, tương đối lắm, dễ gây tranh luận và phân trần. Vì thế, để hiểu thêm cần so sánh chúng với những con số khác. Cũng nguồn thống kê trên, trong cùng khoảng thời gian ấy, số ấn phẩm khoa học của cả nước chưa bằng 1/5 số công bố của trường ĐH Tokyo (69,806 ấn phẩm) và một nửa của trường ĐH quốc gia Singapore (28,070 ấn phẩm). Nếu ai đó bảo rằng thật bất công khi so sánh một nước nghèo như Việt Nam với các nước giàu có như Nhật Bản và Singapore, thì xin hãy nhìn sang các nước láng giềng. Số công trình xuất bản của hơn 24.000 tiến sĩ của chúng ta chỉ bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/5 của Malaysia (75.530), và 1/10 của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái lan.
Nếu những con số kia vẫn chưa gợi lên cho bạn điều gì, xin kể thêm một câu chuyện có thật. Khoảng giữa năm 1998, tập san khoa học số 1 trên thế giới Science có một loạt bài điểm qua tình hình khoa học ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Trong loạt bài này, ngạc nhiên thay (hay không đáng ngạc nhiên thay),không có đến một chữ nào nói về khoa học ở Việt Nam. Thậm chí, hai chữ "Việt Nam" cũng không được nhắc đến.
Năm 2002, Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020" với mục tiêu đến 2010, phải đáp ứng 40% -50% nhu cầu cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Thậm chí, có ngành còn tụt hậu hơn thời bao cấp. Về cơ bản, chúng ta xuất khẩu cho thế giới nguyên liệu thô, những mặt hàng đòi hỏi cơ bắp trong khi nhập về các sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao.
Những con số trên không biết có đủ cho ta đưa ra liên tưởng gì đó về sự đóng góp của khoa học cho sự phát triển của nước nhà? Câu hỏi này có lẽ xin được gửi cho các nhà khoa học (trong đó có tôi) để tiếp tục tranh luận, trao đổi.
Nguyễn Công Thảo

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Ai “hưởng lợi” từ công thư 1958

 - Với công thư của ông Phạm Văn Đồng, Trung Quốc không chịu bất cứ thiệt hại gì và Việt Nam cũng không hưởng được bất cứ lợi ích gì.
LTS: Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội cuối tuần, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hanh Phúc cho hay, Chính phủ đang chuẩn bị các hồ sơ chứng lý để làm cơ sở khởi kiện ra toà án quốc tế, nếu Trung Quốc không có động thái rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong vụ kiện đó, Hoàng Sa và Trường Sa sẽ là trọng tâm bởi từ đó sẽ liên quan đến các vùng biển xung quanh. Trung Quốc đang lập luận rằng: “Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc.” Vậy sự thật của nội dung công thư năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng là gì? Ý nghĩa pháp lý của công thư này đối với chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa ra sao? Nó có phải là 1 bất lợi pháp lý ở Tòa án Quốc tế hay không? Tuần Việt Nam xin giới thiệu tư liệu của tác giả Lê Bình.
công thư 1958, công hàm 1958, Phạm Văn Đồng, Trung Quốc, Việt Nam, Hoàng Sa, giàn khoan, Hải Dương 981
Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958 gồm 5 điểm. Trong đó, điểm 1 nguyên văn bản tiếng Trung được dịch ra như sau: “Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả)”.
Sau Tuyên bố này, ngày 14/9/1958, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi bức công thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai với nguyên văn như sau: “Thưa đồng chí Tổng lý! Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Hoàn cảnh đặc thù
Muốn hiểu thấu đáo được ý nghĩa công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng ta cần phải nhìn nhận lại lịch sử để thấy được hoàn cảnh lúc bấy giờ. Khi đó, trong bối cảnh của thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đài Loan còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ. Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ “giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ.
Thêm vào đó, ngày 29/4/1958 LHQ thông qua bốn Công ước gồm: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, Công ước về đại dương, Công ước về đánh bắt và bảo toàn các nguồn sinh vật trong đại dương và Công ước về thềm lục địa. Và ra hạn chót để các quốc gia là thành viên của LHQ có thể ký nhận công ước này là ngày 31/10/1958. Vì khi đó, Trung Quốc không phải là một thành viên của LHQ nên nước này ra tuyên bố ngày 4/9/1958 để khẳng định những đòi hỏi của nước này về lãnh hải và vùng tiếp cận là cần thiết.
Công thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bấy giờ.
Trong một buổi họp tại Hà Nội ngày 2/12/1992, ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên UVBCT, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: “Khi đó, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Đồng thời, tình hữu nghị Hoa - Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc đã cho Việt Nam một sự ủng hộ rất vĩ đại và giúp đỡ vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi khẩn cấp nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho Tổ quốc. Đặc biệt thêm nữa là tuyên bố đó để nhắm vào việc đạt yêu cầu cho những nhu cầu cấp thiết vào lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Nếu đọc kỹ công thư này, còn thấy sự khôn khéo trong cách hành văn ngoại giao, trong đó phía Việt Nam chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Câu văn này có nghĩa là phía Việt Nam ghi nhận ý muốn của Trung Quốc muốn nới rộng hải phận qua một tuyên bố đơn phương của mình, và tán đồng ý muốn này. Và đoạn văn kế đó có thể hiểu ngầm là trong tình trạng giao hảo “lúc đó” giữa hai nước, phía Việt Nam sẽ tôn trọng ý muốn 12 hải lý hải phận của Trung Quốc. Đặc biệt, không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một tài liệu nghiên cứu thuộc Văn phòng Địa lý, Vụ nghiên cứu tình báo trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958”, ở Điều 1 không có liệt kê quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa. Nguyên văn được dịch như sau:“Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả)”.
Trung Quốc có ý đồ gì khi cắt đi phần liệt kê quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa trong bản tiếng Anh? Từ đó có thể cho thấy ý đồ thâm hiểm sâu xa của Trung Quốc ngay cả khi quan hệ giữa 2 nước là hữu nghị, thân cận!
Luật pháp quốc tế
Trung Quốc lập luận rằng, với công thư 1958, Việt Nam thừa nhận quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc trong quá khứ. Vì vậy, dựa trên nguyên tắc estoppel của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay nên tuân theo ghi nhận trước đó.
Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia.
Tuy nhiên, theo luật quốc tế, “Thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: 1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch. 2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. 3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó. 4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. 5. Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó”.
Theo Hiệp định Genève 1954, 2 hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và chỉ Chính quyền này được phát biểu về các đảo. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp cho rằng: “Việt Nam Dân chủ cộng hòa không phải là chính phủ, về mặt lãnh thổ, có thẩm quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực”. Gắn nội dung này vào với điều kiện 1 của estoppel có thể thấy, ông Phạm Văn Đồng không phải là người đại diện cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nên dù ông có nói như thế nào về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều không có ý nghĩa pháp lý.
Trong khi đó, đại diện của nước Việt Nam sau khi người Pháp ra đi, Chính phủ Nam Việt Nam luôn khẳng định duy trì quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bằng nhiều Nghị định về quản lý các đảo, như Nghị định về quần đào Hoàng Sa được ký ngày 13/7/1961 thành lập đơn vị hành chính Định Hải; Nghị định ngày 21/10/1969 gộp xã đó với xã Hoa Long; hay việc sáp nhập các đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy ngày 22/10/1956, v.v… So sánh với điều kiện thứ 4 của estoppel cho thấy, có một tuyên bố được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng đó là sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, chứ tuyệt đối không phải là những tuyên bố từ bỏ chủ quyền. Nhưng người Trung Quốc lại sử dụng thái độ của các Chính phủ Việt Nam khác để làm căn cứ.
Thêm một lý do nữa không thể vận dụng thuyết trong trường hợp này, vì với công thư của ông Phạm Văn Đồng, Trung Quốc không chịu bất cứ thiệt hại gì và Việt Nam cũng không hưởng được bất cứ lợi ích gì (không đáp ứng được điều kiện thứ 4 như đã nêu). Trên cơ sở phân tích này, có thể thấy lập luận của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc estoppel của luật pháp quốc tế là hoàn toàn vô giá trị.
Từ sau năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã kế thừa chủ quyền từ VNCH nên hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng quan trọng hơn hết, như ông Đinh Kim Phúc, Trung tâm nghiên cứu Đông Á, Đại học Mở Thành Phố HCM chỉ ra: “Cần phải nói rằng từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa”.
Là quốc gia chiếm hữu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đầu tiên khi nó còn là những vùng đất vô chủ, ít nhất từ thế lỷ XVII đến này, Việt Nam đã tổ chức khai thác khẳng định chủ quyền theo một cách liên tục, không gián đoạn.
Đó cũng chính là nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được luật pháp quốc tế hiện đại thừa nhận. Trái lại, Trung Quốc chỉ quan tâm đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ đầu thế kỷ 20 và đánh cướp từ Việt Nam bằng các cuộc tấn công quân sự vào năm 1956, 1974 và 1988.
Lê Bình
   

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Không có hữu nghị viển vông

Thông điệp của Thủ tướng có tác dụng khích lệ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ý nguyện của mọi con  dân đất Việt cũng chỉ đơn giản như vậy thôi: “không có thứ hòa bình, hữu nghị viển vông nào hết”.
Ngày 22/5, trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Thủ tướng, Philippin, Trung Quốc, Việt Nam, 16 chữ vàng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám
Lần đầu tiên, thông điệp của một người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát lập trường của người Việt Nam. Thông điệp đó vừa để hướng ra thế giới, nhưng, sâu xa hơn, cũng là để nói với toàn thể con dân nước Việt. Như Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an bình luận: “Trong ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc kể từ năm 1979 đến nay thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Và tôi muốn đây là bước ngoặt trong nhận thức chung của tập thể cấp cao của Đảng chứ không phải của riêng một lãnh đạo. Nếu như tư tưởng này thống nhất thì sẽ hết sức lành mạnh và củng cố lòng tin của đồng bào đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền với vùng biển của Việt Nam” (theo Zingnews).
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nhã thì đánh giá, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể coi là một mốc quan trọng trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam - Trung Quốc. “Tuyên bố này đã xóa bỏ mọi hoài nghi, xuyên tạc về việc chúng ta có là “sân sau” của một quốc gia nào đó, khẳng định sự kiên quyết trong việc tạo dựng một nền kinh tế, chính trị độc lập. Tuyên bố ấy còn khởi đầu cho một thời kỳ, một hướng đi của Việt Nam trước những cam go, thử thách của tình hình khu vực và thế giới”, ông Nhã khẳng định với báo Tuổi trẻ.
Thông điệp đó trước hết nhấn mạnh yếu tố, Việt Nam mong muốn hòa bình, thiện chí hòa bình. Thiện chí đó, nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế đều đã biết. Bởi suốt chặng đường vừa qua, trong mối quan hệ Việt – Trung, người Việt chúng ta đã luôn cố gắng giữ hòa khí, ngay cả vào những thời điểm “căng thẳng” nhất của lịch sử. Những nguyên tắc “16 chữ vàng” đã luôn luôn được tôn trọng, gìn giữ và vun đắp…
Nhưng, đổi lại, chúng ta đã nhận được gì từ “đồng chí tốt” luôn giương cao luận điệu về tình hữu nghị.
35 năm trước, ai đã từng lớn tiếng "cho Việt Nam một bài học"? Vài năm trước, ai đã từng lén cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ai đã liên tục quấy rối, gây hấn bắt giữ ngư dân, cướp hải sản, đòi tiền chuộc và liên tục cấm ngư dân đánh bắt cá tại ngư trường Việt Nam?
Và đỉnh điểm, “đồng chí tốt” đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và cho lực lượng quân sự uy hiếp.
Thủ tướng, Philippin, Trung Quốc, Việt Nam, 16 chữ vàng
Tàu Trung Quốc tiếp tục xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển VN
Ai cần thứ hữu nghị mơ hồ, viển vông, nói một đằng, làm một nẻo đó.
Nhân dân Việt Nam không cần.
Và, những người lãnh đạo Việt Nam cũng đã thẳng thắn tuyên bố với thế giới, là không ai cần.
Lâu nay, ứng xử của người Việt chúng ta vẫn duy tình, nặng nợ với những ràng buộc vốn có, với những tình cảm nặng ân tình trong cuộc kháng chiến trước đây. Ta đã luôn dựa vào những tuyên bố, cam kết…để giữ lấy tình hữu hảo. Nhưng, với hàng loạt hành vi  bội tín, “bạn vàng” Trung Quốc cho thấy, họ không coi Việt Nam là đối tác, nói gì đến chuyện làm bạn. Họ chỉ muốn  Việt Nam phải lệ thuộc.
Nhưng, họ đã lầm lẫn. Họ lầm lẫn thái độ ôn hòa của chúng ta lâu nay, coi đó như một sự “lệ thuộc, yếu hèn”. Họ tuyên bố hiểu Việt Nam. Nhưng không hiểu rằng người Việt Nam tuy luôn luôn giữ hòa hiểu, chuộng hòa bình nhưng chưa bao giờ đánh mất ý chí quật cường và sự tỉnh táo khi sống cạnh người láng giềng khổng lồ mưu mô, thủ đoạn.
Chính vì vậy, thông điệp của Thủ tướng có tác dụng khích lệ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ý nguyện của mọi con  dân đất Việt cũng chỉ đơn giản như vậy thôi: không có thứ hòa bình, hữu nghị viển vông nào hết. 
Về sâu xa, thông điệp của Thủ tướng cũng chính là bài học truyền đời mà ông cha ta từng luôn luôn cảnh giác nhắc nhở cháu con: phải tỉnh táo, phải rạch ròi, phải dứt khoát phân địch rõ ranh giới trong mối quan hệ với láng giềng.  Như vế đối của vị thám hoa Giang Văn Minh ngày xưa: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” ((Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ).
Đáng chú ý, tuyên bố này còn thể hiện hàm ý về những hành động và bước đi tiếp theo mà Chính phủ Việt Nam sẽ theo đuổi. Bảo vệ chủ quyền sẽ không đơn thuần chỉ là lời nói mà sẽ đi vào những hành động cụ thể, dứt khoát.
Trong những bước đi đó, có sự đồng lòng nhất trí của toàn dân.
  • Hoàng Dũng