Menu ngang

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Kỷ niệm 615 năm sinh Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí (1397-2012)
                
                           Người hai lần khai quốc
                                                                                                       
                                                                                               GIAO HƯỞNG

                  Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, bao lần Tổ quốc bị họa xâm lăng là bấy lần sông núi hồn thiêng sinh ra những Võ tướng Văn tài, sát cánh cùng toàn dân đánh đuổi quân cướp nước ra khỏi bờ cõi. Trong đội ngũ hiền tài được lịch sử dân tộc tôn vinh lên hàng danh tướng danh thần, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí  là người "hai lần khai quốc”. Từ cống hiến to lớn đối với nhân dân với đất nước, các thế hệ đời sau tôn vinh ông là "Thiên cổ vĩ nhân, vạn cổ cương thường" (Vĩ nhân muôn đời, phép tắc muôn đời).
                                   
                   Thiên cổ vĩ nhân
              Dịp Lễ Vu lan năm nay tôi về Đền thờ dâng hương kính viếng Thái sư tại quê làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Đền thờ Ngài tọa lạc cách Thị xã biển Cửa Lò 4 km, năm 1993 Đền thờ là Di tích LSVH quốc gia, một công trình kiến trúc lịch sử-văn hóa nổi tiếng, hằng năm thu hút hằng vạn lượt du khách trong ngoài nước đến với Nghệ An. Ngay từ ngoài cổng khu Đền thờ rực rỡ đôi câu đối nền đỏ chữ vàng, viết bằng quốc ngữ chân phương, người Việt ai cũng đọc được:
                               Muôn thưở sáng ngời công khai quốc
                               Ngàn năm oanh liệt chí bình Ngô

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

               Vì Chí Phèo và Thị Nở, tội bị coi là cụ Khổng động cỡn

                                                     Giáo sư Nguyễn Đình Chú

                                                                                                       
         Vài tuần nay, trên một số báo, kể cả báo mạng, có cuộc tranh luận chung quanh việc sách Giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 phổ thông trung học trong khi chọn giảng tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao đã lược bỏ đoạn tả cảnh Chí Phèo và Thị Nở làm tình trong cảnh đêm trăng gió mát tại vườn chuối. Một bên thì cho rằng lược bỏ như thế là thiến tác phẩm, làm mất giá trị tác phẩm. Một bên thì bảo phải lược bỏ vì chưa phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh. Tôi xin không trực tiếp tham gia cuộc tranh luận này, mà chỉ muốn kể lại một sự thật đã xẩy ra với tôi từ câu chuyện tình của Chí Phèo và Thị Nở.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Kịch ngắn                                   LỰA  CHỌN

                                            ( Kịch ngắn: một màn, hai cảnh)
                       

Nhân vật :
Ông Đức - Đại tá quân đội, 54 tuổi
Bà Nhân  - vợ ông Đức , 51 tuổi
Lập - Trung úy, con ông Đức, 22 tuổi
Tâm -  người yêu của Lập, 21 tuổi
Thành - Trung đội trưởng

Cảnh 1
Tại nhà bà Nhân, ông Đức, mọi đồ đạc được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, giản dị. Trong nhà vắng vẻ, cửa vẫn mở.
Mở màn. Lập con bà Nhân mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 cùng người yêu về nhà báo cáo bố mẹ. Về đến nhà, thấy nhà vắng vẻ.
Lập : (Vui vẻ phấn chấn gọi) Bố, Mẹ ơi! Ơ! Cả nhà đi đâu nhỉ?
Tâm : (Ngắm khung ảnh) Anh Lập! Bức ảnh này hai bác chụp ngày cưới phải không anh ? Ôi đẹp quá ! Chúng mình bao giờ thế nhỉ?
Lập : Đúng đấy! Ảnh cưới của bố mẹ anh. Thế mà đã 30 năm rồi. Hơn 20 năm nay, bố anh luôn xa nhà, một mình mẹ anh nuôi anh khôn lớn. Vậy mà giờ đây anh lại phải sắp xa mẹ.
Tâm : Anh nói thế nghĩa là thế nào? Anh được phân công công tác ở Hà Nội. Tại sao lại phải xa mẹ, xa em? Hay là …
Lập : Không ! Anh đã nhận quyết định công tác ở Quân khu II rồi em ạ.
Tâm : Anh nói sao? Anh nhận công tác ở Tây Bắc à? Thật không? Là một học viên tốt nghiệp loại giỏi, có bố là Đại tá, công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng, tại sao anh lại không lựa chọn một nơi công tác tốt. Hay là anh mượn điều này để kiếm cớ xa em, phải không?
Lập : Kìa em, sao em lại nói thế?.... Em nên hiểu rằng, khi đã là sĩ quan quân đội, anh phải phục tùng sự phân công của tổ chức. Phía trước cần anh hơn. Anh cần về đơn vị cơ sở.
Tâm : Vậy như anh nói, ở phía sau này thì sao đây? Trong sự nghiệp chung, con người ta được sống bên nhau trong tình yêu thì hạnh phúc biết bao?

(Bà Nhân từ nhà hàng xóm trở về)
Bà Nhân : Lập con! Kìa cả Tâm nữa. Hai con về nhà lâu chưa?
Tâm : Cháu chào bác ạ.
Lập  : Con chào mẹ. Mẹ đi đâu về thế?
Bà Nhân : Ừ! Mẹ sang bên nhà hàng xóm có tý việc.
Lập : Mẹ ạ ! Con vừa tốt nghiệp loại giỏi, được phong quân hàm Trung úy. Tới đây con nhận công tác trên Tây Bắc mẹ ạ.
Bà Nhân :  (Giật mình) Con nói cái gì? Con nhận công tác tận ở Tây Bắc ư? Con đã nghĩ kĩ chưa? Nơi đó khó khăn gian khổ nhường nào? Con có biết không?
Đây là nguyện vọng của con hay là là tổ chức phân công? Con nói thật với mẹ đi để mẹ nói lại với bố con, may ra vẫn còn chưa muộn.
Tâm : Bác ạ. Cháu cũng rất buồn khi biết anh Lập nhận công tác ở Tây Bắc. Nhưng cháu nói thế nào, anh ấy cũng …
Lập : Kìa em !

(Lúc này có tiếng còi ô tô ngoài cổng. Ông Đức xuất hiện trong bộ quân phục quân hàm Đại tá, tay xách cặp, đeo kính trắng, gọng đen).
Lập : A! Bố đã về! Con chào bố!
Tâm : Cháu chào bác ạ.
Bà Nhân : Mình đã về đấy à.
Ông Đức : Chà, chà, hôm nay nhà mình vui quá nhỉ? Chào đồng chí Trung úy!
Lập : Kìa bố !
Ông Đức : Thì bây giờ con đã là sĩ quan quân đội rồi. Trường Sĩ quan Lục quân là chuẩn mực về Điều lệnh đấy nhé.
Bà Nhân : Thôi đi mình! Dù là úy, là tá gì đi nữa thì nó vẫn là con của chúng mình. Mình nhanh nhanh lên để vào bữa ăn chúc mừng các con.
Tâm : Có việc gì bác để cháu làm với. ( Tâm vào phía trong nhà)
Ông Đức : (Ân cần vui vẻ hỏi Lập) Thế nào Trung úy. Con đã nhận công tác rồi chứ?
Lập : Con đã nhận công tác ở Quân khu II rồi bố ạ.
Ông Đức : Tốt! Tốt lắm! Bố vừa đi họp về. Hiện nay các đơn vị cơ sở rất cần những sĩ quan trẻ đào tạo cơ bản ở Trường Sĩ quan Lục quân như con.
Bà Nhân : (Sững sờ) Kìa mình! Vợ chồng mình xa nhau mãi chưa đủ hay sao? Suốt 30 năm làm vợ, làm chồng, tôi và mình ở với nhau được bao lâu nào? Bây giờ chỉ có một đứa con trai, sao nỡ đẩy nó công tác ở những nơi xa xôi, hẻo lánh như vậy! Tôi xin mình hãy nghĩ đến tương lai của chúng nó. Và chúng mình cũng đã già rồi, rất cần nơi nương tựa.
Ông Đức : Kìa mình! Sao lại nghĩ tôi như thế? Lập, con hãy nói ý của con đi.
Lập : Thưa bố! Về phần mình, con sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Nhưng …
Ông Đức : Còn nhưng gì nữa. Con ạ, con người ta muốn trưởng thành thì phải trải nghiệm qua gian khó. Tuổi trẻ các con càng phải như vậy!
Tâm : (Đã ra phòng khách) Thưa bác! Bác có thể tạo điều kiện cho cháu và anh Lập gần gũi bên nhau. Chúng cháu thật sự không thể thiếu nhau!
Ông Đức : Cháu ạ. Bác rất hiểu và thông cảm với cháu. Nhưng theo bác nghĩ, nếu cháu đến với Lập bằng tình yêu chân thành sâu sắc, thì bác tin rằng mọi khó khăn cũng sẽ vượt qua thôi mà.
Bà Nhân : Kìa mình! Nhưng mà thằng Lập nó là ….
Ông Đức : Tôi hiểu, tôi hiểu! Chính vì điều đó mà hôm nay trong cái ngày hệ trọng này - ngày sẽ là bước ngoặt của cuộc đời con - tôi cần nói lên một sự thật. Nào, bây giờ mình vào nhà lấy cho tôi quyển anbum.
Bà Nhân : Mình cần quyển anbum để làm gì?
Ông Đức : Bà cứ mang ra đây cho tôi. (Bà Nhân vào nhà trong lấy quyển anbum đưa cho ông Đức).
Tâm : Anh Lập! Em cảm giác bác trai đang có điều gì quan trọng lắm.
Lập : (Im lặng gật đầu).
Ông Đức : Lập! Con nhìn vào đây. Bức ảnh này này.
Lập : (Chăm chú nhìn tấm ảnh) Ồ ! Tấm ảnh đẹp quá - Vợ chồng một sĩ quan trẻ.
Ông Đức : Con có phát hiện ra điều gì không? Ảnh người sĩ quan trẻ bị nhòa đi một ít. Đó chính là vết máu còn vương lại của anh ấy.
(Ông Đức chậm rãi kể) Các con ạ, chuyện là thế này. Bác Thành, người trung đội trưởng của bố năm xưa, sau khi tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc của Trường Sĩ quan Lục quân, được cử đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng bác ấy tình nguyện đi chiến đấu. Trước ngày đi chiến trường, bác Thành được tranh thủ về thăm gia đình. Nghe đâu bác gái đã có thai, chẳng biết là trai hay gái. Và …
 (Vào cảnh 2)

Cảnh 2
Quang cảnh nơi chiến trường, có tiếng súng nổ, khói lửa mù mịt. Xuất hiện một sĩ quan cầm súng ngắn và một chiến sĩ cầm súng AK đang chiến đấu quyết liệt. Một tiếng súng nổ, người sĩ quan bị thương, lảo đảo.
Chiến sĩ : (Chạy đến ôm chặt người sĩ quan và hô lên thảm thiết) Ôi ! Anh Thành! Anh Thành!
Anh Thành : (Nói thì thào trong khi bị thương ngực đẫm máu) Đức ơi! Ngày toàn thắng sắp đến rồi, nhưng với anh chắc là khó qua khỏi. Anh trao lại em tấm ảnh này. Mai đây trong ngày toàn thắng em nhớ tìm về nhà anh.
Chiến sĩ : Anh ơi! Anh không sao đâu. Vâng! Vâng! Em hứa …
(Cắt cảnh 2 chuyển về cảnh 1 . Ông Đức kể tiếp)

Ông Đức : Chiến tranh kết thúc, bố được cấp trên chọn về Trường Sĩ quan Lục quân học tập. Trên đường đi ra Bắc, bố đã tìm đến nhà bác Thành - một làng quê nghèo ven biển ở tỉnh Quảng Bình. Nhưng thật đau lòng! Cuối năm 1972, trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, gia đình bị trúng bom chỉ còn sót lại một đứa con hơn một tuổi. Bố đã kể lại sự anh dũng hy sinh của bác Thành và những lời trăng trối của bác cho bà con ở quê nghe. Và bố đã xin phép địa phương và người thân đưa cậu bé về.
Bà Nhân : Kìa mình!
Tâm : Thế hai bác nuôi anh ấy ạ?
Bà Nhân : Hai bác hiếm hoi mà cháu.
Lập : Thế anh ây bây giờ ở đâu hở bố. Tại sao con không biết và chưa gặp bao giờ?
Ông Đức : Người con ấy chính là …chính là con, Lập ạ!
Lập : (Bàng hoàng sửng sốt) Không! Không! Sao lại thế này?
Bà Nhân : (Ôm choàng lấy con) Con! Con của mẹ! Đấy là sự thật, con ạ.
(Bà Nhân quay sang ông Đức) Mình ơi! Tôi rất sợ cái giờ phút này xẩy ra. Mình làm tôi mất đứa con rồi.
Ông Đức : Ô kìa! Sao mình lại nói thế, thì nó vẫn là con của chúng mình chứ sao.
Lập : Thưa bố mẹ! Con mãi mãi là con của bố mẹ đến trọn đời. Và con biết phải làm gì để xứng đáng với bố mẹ con, với bố mẹ.
Tâm : Anh Lập! Em đã hiểu. Anh hãy làm những gì theo đúng sự lựa chọn của mình.
Lập : Em ! …
Ông Đức : Các con ạ! Lớp lớp thế hệ học viên Lục quân là vậy. Họ sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.
Lập : Thưa bố mẹ, con xin nguyện sẽ kế tục xứng đáng truyền thống đó.
(Bà Nhân và Tâm cùng ôm choàng lấy Lập).

Hạ màn


                                                                         NMĐ





                                                                 

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

                                        Tiên học Lễ 
                                                     Tác giả Hoài Hương 
         Vài năm trở lại đây, mở mắt ra là đã có những thông tin, chẳng phải đâu xa, ở ngay bên cạnh mình, toàn những thông tin xấu, tin đen: Quan chức này tham nhũng tiền tỉ, quan chức kia lừa trên dối dưới không minh bạch bằng cấp học vị, Giáo sư  tiến sĩ này “đạo” văn, nghệ sĩ nọ “đạo” tác phẩm… Nào là học trò đánh thầy, nào là bạo lực trẻ em, nào là “người của công chúng” khoe “hàng”, nào là chuyện mang nhau ra truyền thông chửi bới mắng nhiếc nhau… Và những chuyện bi hài vô văn hóa nhan nhản trong các lễ hội… Tất cả chung quy một chữ “Lễ”. Càng văn minh, càng có văn hóa thì càng thiếu chữ “Lễ”. 

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

                          Triết gia Trần Đức Thảo “Những ngày ấy”

                                                                              Giáo sư  Nguyễn Đình Chú

               Những ngày ấy, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi thêm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giữa những tên tuổi của các ông trùm văn hoá của đất nước như: Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Trần Văn Giàu… trong dư luận của giới thức giả, cũng như trong ấn tượng của thế hệ sinh viên Văn - Sử - Địa chúng tôi, giáo sư - triết gia Trần Đức Thảo vẫn là thần tượng số một. Trong các buổi giảng về lịch sử triết học phương Tây trước Mác của triết gia, có một hiện tượng lạ mà hơn nửa thế kỷ qua, làm nghề dạy học, tôi chưa thấy có trường hợp thứ hai. Thầy đến lớp, không một mẩu giáo án. Chỉ ngồi trên ghế hoặc ngồi ghé lên bàn, mắt hướng lên trần nhà và nói thì rất khó khăn. Vậy mà không khí lớp học vẫn tĩnh lặng, trang nghiêm. Buổi giảng nào, ngoài số sinh viên thuộc 2 lớp Văn - Sử - Địa II, III học chung mà hầu như không ai vắng mặt còn rất nhiều giáo viên cấp III của Hà Nội, kể cả một vài sinh viên Y Dược, Đại học Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng đến nghe nhờ. Nhà đạo học nổi tiếng của Việt Nam - Cao Xuân Huy - cũng nhiều lần có mặt. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông, từ phòng học chính đến các chuồng gà ở tầng trên đều chật người. Đúng là một không khí sùng bái kỳ lạ. Chúng tôi thực sự không hiểu được gì đáng kể những điều thầy giảng nhưng cậu nào, cô nào cũng làm ra khoái chí, hiểu. Bởi nhận là không hiểu thì té ra mình dốt sao. Không ít bạn tập cách nói "Philôdôp" của thầy. Có hai bạn sau này một là giáo sư, một là nhà mỹ học đều nổi danh, viết bài tranh luận thế nào là "Hạt nhân duy lý trong triết học Hégel" đăng trên báo Sinh viên Việt Nam để khoe tài trong khi cùng đeo đuổi một bạn gái xinh đẹp nhất của lớp mà sau đó, có dịp tôi hỏi ý kiến nhận xét của thầy thì được thầy nói: "Cả hai đều nói rờ nói rận". Riêng tôi, về sau, trải qua nhiều năm dạy học lại nghiệm ra rằng: Theo cách nghĩ thông thường, trường hợp giảng bài của giáo sư Trần Đức Thảo là một hiện tượng phi sư phạm, phản sư phạm 100% (không giáo án, không quan sát đối tượng, nói năng thiếu trôi chảy, thuyết giảng một bề). Nhưng chính ở nhà giáo "phi sư phạm" này lại cho tôi một hiệu quả vô cùng lớn lao, chi phối, nâng đỡ tôi suốt hơn 50 năm qua trong nghề dạy học và nghiên cứu văn học. Đó là cái ấn tượng vô cùng sâu đậm về cái gọi là năng lực tư duy trừu tượng, mà theo tôi nó là điều kiện cần có nhất, quyết định nhất cho bất cứ ai muốn dấn thân vào khoa học. Là điều mà theo tôi thì người Việt Nam ta vốn có hạn chế nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Quả là về năng lực này, cho đến nay trên đất nước ta, tôi chưa thấy ai ngang tầm giáo sư Trần Đức Thảo. Và Trần Đức Thảo, sở dĩ làm nên một tên tuổi sáng giá, được dư luận thế giới, đây đó công nhận, tôn vinh cao độ, chính là nhờ có năng lực tư duy trừu tượng khoa học này.