Menu ngang

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

NGUYỄN KHUYẾN- CHỐNG THAM NHŨNG  BẰNG BÀI VĂN SÁCH THI ĐÌNH NỔI TIẾNG

                                         Nguyễn Khuyến
                                          (1835 - 1909)


                                                                                                                            Ngô Minh

          Nguyễn Khuyến là một nhà thơ cổ điển lớn của dân tộc, là “sư tổ” của nghệ thuật câu đối Việt Nam. Đồng thời ông còn là một nhà “kinh bang tế thế” mẫn tiệp và chính trực. Năm Tân Mùi ( 1871) trong kỳ thi Đình ở Kinh Đô Huế, Nguyễn Khuyến đỗ Hoàng Giáp Đình Nguyên (Tam Nguyên) với bài văn sách nổi tiếng. Bài văn sách thi Đình ấy là áng văn sắc sảo vạch trần tệ tham nhũng và tâu vua kế sách chống tham nhũng và cải cách hành chính mạnh bạo.  
Khoa thi Đình đó vua Tự Đức đích thân ra đề :” Trẫm thường đọc sách Luận Ngữ , đến chỗ Tử Cống hỏi về chính sự, Không Tử  nói rằng :” Đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy”. Nhân nghĩ công việc hiện nay, không gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện điều đó thì sự lựa chọn người tốt lại là quan trọng hơn cả. Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.Đông đảo kẻ sĩ các ngươi lúc mới xuất thân ắt hẳn có sở học kinh bang tế thế. Vậy thì những loại việc thiết thực như vậy, suy từ cổ đến kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để công hiệu, hãy nói hết với trẫm. Các ngươi chớ lặp lại người khác, chớ bàn phù phiếm, trẫm cũng bất tất phải hỏi nhiều để các ngươi có thì giờ rộng rãi, nói được hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của trẫm .”
          Trong bài thi dài hơn 4000 chữ của mình, Nguyễn Khuyến đã đề cập đến tệ nạn tham nhũng đang lộng hành từ chốn thôn quê đến tỉnh, thành :” Chốn đồng điền nhiều con em lười nhác . Nơi tổng xã có cường hào sâu mọt đục khóet. Nhà giàu đặt nợ lãi để kiếm cách bao chiếm. Con buôn nắm giữ giá cả để chẹt lấy lợi to. Đó là nguồn gốc của sự thiếu thốn vậy. Thêm vào đó, trong thì Bộ, Viện, Tự, Các ( cơ quan Triều đình), ngoài thỉ tỉnh, phủ đem số thuế khóa rất hẹp hòi mà cung đốn cho bọn nhân viên rất phiền nhũng, thì của cải làm sao mà không hao tán. Nhiều lần Triều đình sức phải gộp người lại hoặc bớt người đi. Nhưng bọn quan lại lạm ngạnh kia cứ châm chước cầu xin,... việc ấy rút cục phải  nửa chừng đình chỉ”...” Xét ra bọn thư lại trông coi chỉ là sổ sách, văn án, tư trát mà thôi, công việc nào có bao lăm, suốt năm chỉ ngồi trơ, lo mưu béo thân, không thể không nhiễu hại dân”.  Nguyễn Khuyến cho rằng, dân bị chúng nhiễu hại thì  thích chuộc tội cũng không dám chuộc,  thích quyên tiền cũng không dám quyên. Như vụ án tên huyện lại Phù Cát ( Bình Định- N.M) thì đủ biết . “Như vậy chẳng những hư phí bổng lộc mà con đường sinh ra của cải cũng bị lấp nghẽn” . Sau khi nêu lên những thực trạng nhung nhiễu trên, Nguyễn Khuyến tâu :” Tâu xin rằng, từ nay, những việc như tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, cường hào bóc lột.v.v.. nhất thiết đều cấm hết, mà phải cấm một cách dứt khoát “. Còn trong các nha môn trong kinh, ngoài tỉnh  thì “ tùy chỗ nhiều việc, chỗ it việc... nhất thiết phải bớt đi, mà bớt một cách dứt khoát !”
          Nguyễn Khuyến cũng vạch trần nạn tham nhũng trong quân đội :”Nhà cửa, vật dụng của viên quân suất cũng đều do người lính cung cấp than củi, đèn dầu...đòi hỏi không baogiờ chán. Có người được chọn ra chờ đợi rồi thả cho họ trốn để  ban lấy tiền ( tức quân số ma) . Có người đã không  cho phép họ về, nhưng lưu họ lại để đòi lễ vật. Đến phiên sai có thể lấy tiền mà thay, đến kỳ thao diễn có thể lấy tiền mà thuê. Ngày thường đã lấy đút lót làm sa ngã ý chí của họ rồi, thì lúc lâm nguy làm sao có thể lấy kỷ luật mà ràng buộc họ được !... Vì thế chưa đến trận mạc đã tìm cách sống, chưa chạm gươm đao đã có bụng lùi. Nên cuối cùng quân lính trở thành vô dụng vậy !”
          Nguyễn Khuyến chỉ ra rằng  tất cả là do con người ” Thực ra thì xe không tiến lên  là vì ngựa không chịu đi, chính sự không nên nỗi là vì người không chịu làm”. Có phải thiên hạ đã hết nhân tài ?  .Theo Nguyễn Khuyến thì có thể do phép thuyên chuyển quan quân của triều đình có điều gì  đó chưa “tận thiện”. Đường vào cửa quan có nhiều lối, muốn ngăn chặn bọn tiêu cực, bất tài,  dùng tiền để mua quan, gian dối để  thăng quan tiến chức ,  muốn  ngăn chặn chúng  “ không thể không bằng tư cách”. Nguyễn Khuyến phân tích :”...Đường lối làm quan đã nhiều thì người được bổ nhiệm cũng nhiều. Người thì chạy vạy ở cửa quan trên, người hết hạn phải đổi thì chẳng  lòng nào mà nghĩ đến dân. Lòng tư một lúc đã sai lạc thì việc công  bị bỏ trễ vậy”.
          Về biện pháp chống tham nhũng, Nguyễn Khuyến tâu :” Lại cứ năm năm một lần, đặc cách chọn một viên đại thần thanh liêm, cần mẫn, giỏi giang, sung làm chức “ truất trắc sứ” ( tức thanh tra) ở các đạo. Viên quan này sẽ đi thăm hỏi khắp nơi, người tham nhũng ,bất tài thì bị trất giáng, người tài giỏi được tặng thưởng. Quan trên nào mà cân nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài mà không biết cân nhắc thì cũng tâu xin xử  phạt tội thích đáng”...” Làm như vậy người liêm chính có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe, mà điều uất ức của người dân cũng có thể thấu suốt lên trên vậy”...
          Nhưng có người tốt, người hiền rồi vẫn có lúc chưa được việc ! Theo Nguyễn Khuyến sở dĩ có điều đó  là do Triều đình chưa dùng được chữ TÍN ! Chữ  TÍN viết hoa của Tam Nguyên Yên Đỗ là kỷ cương phép nước. Rằng:” Trong chữ Tín của mọi ông vua, chỉ có thưởng phạt là tối quan trọng. Phải thưởng cho một người để khuyến khích muôn người.  Phải giết một người để cho muôn người biết sợ. Phải làm cho thiên hạ biết đích xác rằng : Có công thì thưởng. Có tội thì  nhất định triều đình giết, không thể lấy riêng cầu may mà thoát !”.” Lấy đó mà lập pháp - pháp nhất định lập. Lấy đó mà thi hành chính sự, chính sự nhất định được thi hành...”
          Vì lẽ đó , Nguyễn Khuyến khẩn khoản tâu vua :” Thần cúi trông bệ hạ lấy một chữ  TÍN  ấy để khích lệ bản thân. Việc tiến hiền lúc đầu là tiến hiền, sau là  dùng hiền, cũng phải dùng chữ TÍN . Chớ có bất nhất. Hiệu lệnh nghiêm minh chính là đem chữ TÍN ra để đặt làm hiệu lệnh. Chế độ dứt khoát chính là đem chữ TÍN ra để đặt làm chế độRun rẩy, sợ hãi, không một ý nghĩ nào không  để vào chữ TÍN . Trọn ngày quần quật, không một lúc nào không nhằm vào chữ TÍN. Như vậy rồi thì sau muôn việc nên, trị công thành, có thể vượt qua Hán Đường mà theo kịp Thương Chu vậy...”
          Đây không chỉ là bài văn sách thi Đình mang lại vinh quang đỗ Tam Nguyên cho tác giả, mà đây là  bản lĩnh, nhân cách và tấm lòng của ông đối với hiện tình đất nước. Việc ra đề thi nhằm vào nội dung “ quốc gia đại sự”  rất bức bách và chấm đỗ đầu cho Nguyễn Khuyến chứng tỏ sự cầu hiền, ghét tham nhũng của vua Tự Đức. 143 năm đã qua, những điều Nguyễn Khuyến tâu trình với vua vẫn còn nguyên  tính thời sự nóng hổi mà các quan chức hậu thế cần suy ngẫm !
----------------
Nguồn : Nguyễn Khuyến tác phẩm,NXB  Khoa học xã hội 1984. Tr.625- 633\


Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

THAM NHŨNG - 
KẺ HỦY DIỆT CỦA CẢI ĐẾN TINH THẦN

                                                           Nguyễn Quang Thân
Tham nhũng, kẻ hủy duyệt văn hóa số 1 - TL (Minh họa)
Tham nhũng, kẻ hủy duyệt văn hóa số 1 – TL (Minh họa)
Cái nguy hại bậc nhất hơn cả nỗi đau mất của là nạn tham nhũng đã thúc đẩy nhanh sự xuống cấp không phanh của văn hóa và thuần phong mỹ tục, những thứ vô giá phải mất hàng trăm năm gầy dựng nên.
Căm phẫn chống bọn tham nhũng thực chất là tiếng kêu thét xé lòng của người lương thiện bị ăn cắp, trấn lột giữa thanh thiên bạch nhật. Từ những vụ cướp bạc tỷ ở những công ty lớn, đến những vụ lặt vặt như ông cảnh sát giao thông “làm luật” vài chục ngàn bạc lẻ. To, nhỏ, lộ hoặc chưa bị lộ, bản chất đều giống nhau: cướp của dân, của nhà nước (thực chất cũng là của dân) về làm của riêng, vinh thân phì gia.

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014


Những ông trời con và những món quà to


Kỳ Duyên/Vnn

Thử hỏi, các DN sẽ kinh doanh như thế nào trong hàng loạt những “giấy phép con, giấy phép cháu”, hệt các  “ông Trời con”?

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

ƯỚC MƠ 

                  Nguyễn Đăng Luận
Tôi ước mơ
Có một người yêu
như đã có quê hương và mẹ.
Một người yêu như thế
chỉ một thôi
để được yêu
Để nhớ
Để giận hờn
Để biết ơn và chịu tội.
 Để còn có nơi tôi trở lại
 Nhỡ con thuyền bị bão đẩy ra xa.
                              

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

             PHỎNG VẤN 
             NGƯỜI HAY CẦM GIẤY ĐỌC…

                     Phóng viên Vũ Thị Hân Hoan thực hiện

-  Phóng viên ( PV): Sao tóc anh chải mượt thế?
- Người hay cầm giấy đọc ( NHCGĐ): Anh là lãnh đạo.
- PV: Sao khi nói, mồm anh tròn thế?
- NHCGĐ: Cũng vì anh là lãnh đạo.
- PV: Sao anh có bộ comlê oai thế?
- NHCGĐ: Người lãnh đạo phải thế!
- PV: Tại sao khi phát biểu anh hay cầm giấy đọc?
- NHCGĐ: Vì đấy là tác phong người lãnh đạo. Ở nước ta ai không cầm giấy đọc trước cử toạ, là không phải người lãnh đạo.
- PV: Nhưng em nghĩ đã là Tiến sỹ mà lại cầm giấy đọc, chẳng lẽ trình độ của anh “ ghê” như thế mà không thể nói “ vo” một vấn đề mà người nghe đang quan tâm?
- NHCGĐ: ( cười) …
- PV: Anh cười là em hiểu bằng “ Tiến sỹ” của anh như thế nào rồi!!! Thế sao em thấy bên Tây mấy ông lãnh đạo khi nói với cử toạ, rất ít khi cầm giấy đọc!
- NHCGĐ: Các ông ấy liều, vô văn hoá, không có nhân cách và rất dốt.
- PV: Anh nói, em không hiểu?
- NHCGĐ: Các bố ấy liều, là nói không có giấy rất dễ đi sai đường lối, sai chỉ đạo chung. Vô văn hoá, nhỡ đâu, không có giấy, lại ăn nói kiểu nông dân, văng tục trước mọi người thì sao? Không có nhân cách, vì đọc không có giấy, nhân tiện trong đầu cứ nghĩ mình nhất, thế là nói văng mạng, tự đề cao mình, chửi đồng đội bạn bè, có khi chửi cả mấy người trí thức chân chính. Nói không có giấy viết sẵn sẽ lòi ngay cái dốt ra. Nói dài, nói dai, nói dại. Nói mà không biết mình đang nói vấn đề gì…
- PV: Nhưng em thấy mấy ông lãnh đạo bên Tây, đã có ai dính vào trường hợp ấy đâu?
- NHCGĐ: Họ “ dính vào chuyện ấy …” Lại đi nói cho cô biết, có mà …
- PV: À ! Em hiểu rồi, bên mình có chuyện đó, nên những người như anh mới “ Phải cầm giấy để đọc”?
- NHCGĐ: Đấy là cô nói chứ không phải tôi nói.
- PV: Nói thật với anh ! Anh cứ cầm giấy cắm cúi đọc, chỉ thỉnh thoảng mới ngẩng mặt lên, khua tí tay, uống một hớp nước, giải thích dăm ba câu cho có lệ, rồi lại cúi xuống đọc, trông mất “ uy ” quá, thiếu tự tin.
- NHCGĐ:  Tôi cần gì “ uy” ! Mà giả sử tôi không có “ uy” , tôi vẫn là người lãnh đạo, chẳng ai làm gì tôi. Còn cô nói “ thiếu tự tin!”, tôi cho cô nói câu này đúng.
- PV: Vì sao thế ạ ?
- NHCGĐ: Thiếu tự tin, cụ thể hơn, luôn lo sợ là bản chất người lãnh đạo.
- PV: Lãnh đạo ở đâu ? thưa anh.
- NHCGĐ: Ở tôi, chứ đâu!
- PV: Em cảm ơn anh đã nói ra sự thật. Nhưng trông anh “ oai ” thế kia, lại ở vị trí lãnh đạo, có việc gì mà phải sợ?
- NHCGĐ: Tôi lên được vị trí này cô tưởng dễ à! Chạy qua bao nhiêu cửa, “chơi” không biết bao nhiêu kiểu, để hạ gục những thằng định tiếm quyền chức này. Rồi còn chuyện hy sinh về kinh tế nữa, nói ra cô không tin đâu! Tôi mới ngồi được ở ghế lãnh đạo. Tuy nhiên vẫn chưa yên, nhiều thằng đang muốn hất văng tôi ra khỏi ghế này… làm sao mà không lo sợ?
- PV: Để đối phó việc đó, anh phải làm gì ?
- NHCGĐ: Thì cô thấy đấy, cần phải dấu trình độ của mình, không cho chúng nó biết, bằng cách kiếm bằng “ Tiến sỹ” , “thạc sỹ”, rồi ăn mặc thật đẹp mỗi khi phát biểu. Khi đã phát biểu thì phát biểu thật đúng, thật hay cũng lại bằng cách để cho người khác viết, rồi mình  “ cầm giấy  đọc” bài phát biểu ấy trước cử toạ.
- PV: Anh đọc như thế, em sợ, có khi chính anh cũng không biết mình đang đọc gì?
- NHCGĐ: Điều đó không quan trọng lắm, đối với tôi.
- PV: Anh không tôn trọng người nghe hay sao?
- NHCGĐ: Cô thử hỏi họ, họ có tôn trọng tôi không? Mà tôi đi tôn trọng họ.
- PV: Nhưng họ đang nghe anh nói cơ mà!
- NHCGĐ:  Tôi thừa biết có khi tôi đang đọc “phát biểu”, họ ngồi im lắng nghe. Thực ra là giả vờ hết, tiện cho việc quay ti vi, khỏi bị công an, trật tự viên nhắc nhở. Còn khi ra ngoài hội trường mọi việc đâu lại vào đó, bài phát biểu “đọc” của tôi họ không nhớ đến một câu, chẳng có một tác dụng gì hết.
- PV: Nghe anh nói như vậy, em buồn thật.
- NHCGĐ: Vì sao cô lại buồn?
- PV: Thế thì… anh phát biểu làm gì?
- NHCGĐ: Cô hỏi thật buồn cười, vì tôi là người lãnh đạo. Đã lãnh đạo thì phải  “ phát biểu “ chứ. Vì không “ phát biểu” tôi còn biết làm việc gì nữa. Cô hiểu chưa ?
….
      



               PHỎNG VẤN 
               NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG NHIỀU SÁCH

                    Phóng viên VŨ THỊ HÂN HOAN thực hiện

        Phóng viên ( PV): Theo em được biết,  trong năm vừa qua, anh là người được các nhà văn, nhà thơ tặng nhiều  sách nhất. Nhờ Anh cho em biết,  có “ bí quyết ” gì mà anh được “ân huệ”  đó?
         - Người được tặng nhiều sách( NĐTNS): Quả thực em hỏi thế làm  anh khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cho anh, cứ nghĩ  rằng, ở cương vị này, anh là người ham đọc sách, nên họ tặng.
         - PV:  Em được biết, anh là người rất bận việc, riêng chuyện ngồi đoàn chủ  tịch,huấn thị, cắt băng khánh thành, cầm xẻng xúc đất động thổ ... đã  hết thời gian. Vậy anh đọc sách lúc nào ?
            - NĐTNS: Chà ! Chà ! Em hỏi  thế, anh càng khó trả lời... Đúng là anh không biết đọc sách lúc nào...  Em nói chưa đủ, anh còn dự nhiều hội nghị khác nữa chứ . Ví dụ như Hội  thảo khoa học... mà có nhiều hội thảo nội dung anh mù tịt, vẫn phải  ngồi, ngồi im lặng, ngắm chai nước suối...
             - PV: Nghĩa là anh rất bận về sự vụ, không có thời gian đọc sách?
             - NĐTNS: Gần đúng như thế !
              - PV:Nghĩ cũng lạ, anh bận như vậy mà các nhà văn, nhà thơ vẫn... tặng sách cho anh ?
             -  NĐTNS: Việc tặng sách là như thế này. Anh hay đi dự hội nghị của các  ngành, của các tỉnh... Đất nước mình ở đâu mà không có nhà văn, nhà thơ.  Nhất là bây giờ đâu đâu cũng có nhà thơ, ngành nào cũng có... thấy anh  đến dự, nghe đoàn chủ tịch giới thiệu, bên dưới vỗ tay, anh thấy mấy ông  nhấp nhổm, ánh mắt nhìn anh chan chứa thương yêu. Đến giờ giải lao,  chính mấy ông ấy tặng anh những tập thơ vừa mới sáng tác. Nhà thơ đấy!  Thậm chí có ông nhà thơ, anh nhớ không lầm, cũng tập thơ đó, tặng anh  những ba lần.  Anh vỗ vai nhà thơ đó: “ Này cậu! hình như hai lần trước  cậu cũng tặng mình hai tập thơ cùng một nội dung này rồi...”. Ông nhà  thơ ấy nghe anh nói vậy, nở một nụ cười rất dễ thương: “ Dạ, thưa anh !  Lần đầu em tặng anh tập thơ ấy là dành cho vợ của anh đọc. Lần thứ hai  em cũng tặng tập thơ ấy là cho con anh đọc. Còn lần này em tặng, là cho  đích danh anh đọc!”. Nhà thơ đã nói vậy. làm sao anh không cầm...
          - PV: Nhà thơ tặng sách cho anh nhiều như vậy, điều đó chứng tỏ nền văn nghệ nước ta đang thịnh?
           -  NĐTNS: Có lẽ em nói đúng! Có ông nhà thơ khoe với anh: “ Thưa anh ! Đây  là tập thơ thứ “ băm” trong năm của em. Mỗi tập thơ ra đời là một bước  đi lên, như có nhà phê bình, bạn thân của em đã viết. Tập thơ sau bao  giờ cũng dày hơn tập thơ trước. Chữ tập thơ sau bao giờ cũng to hơn chữ  tập thơ trước. Đặc biệt, bìa tập thơ sau bao giờ cũng in láng, đẹp hơn  tập thơ trước...”.
- PV: Nhưng dù sao em vẫn thắc mắc, tại sao anh là người được nhiều nhà văn, nhà thơ tặng sách?
          -  NĐTNS: Họ tặng cho anh vì... như họ ghi lời đề tặng đầu trang: “ Tặng  anh... người anh tinh thần của em!”. Anh đọc lời đề tặng rồi tự hỏi: “  Quái lạ cho tay nhà thơ này! Cứ làm như không có mình thì nhà thơ không  có tinh thần chắc ?”. Rồi có người còn viết: “ Tặng anh, một con người  có trái tim quả cảm, dám chấp nhận phong ba...”. Nói thế là quá với anh,  anh đang mắc bệnh đau tim vào nằm thường trực ở bệnh viện Hữu Nghị  suốt. Được “ trái tim quả cảm” không thuốc men có mà sướng cả đời! Anh  lại sợ gió bão, cứ nghe có sóng thần là thôi không dám mua căn hộ cao  cấp ven biển. Viết thế là không đúng với anh!
         - PV: Dẫu sao anh cũng  hơn em là có người hâm mộ, tặng sách. Có điều gì không phải của người  tặng sách, theo em , anh nên bỏ qua... Anh cho em hỏi lại, anh có đọc  sách của người tặng sách không ? Anh trả lời thực tình nhé !
         - NĐTNS: Anh nói với em rồi... đừng bắt anh trả lời câu hỏi này nữa.
          - PV:Anh nói như vậy không sợ những người tặng sách tự ái sao?
-  NĐTNS: Nói nhỏ với em, có nhà thơ, nhà văn biết thừa là họ tặng sách  cho anh, anh cũng không đọc nhưng họ thích anh khen, nhất là khen họ  trước đám đông. Nên thế dù không đọc sách của họ, anh vẫn khen : “ Sách  của cậu viết hay lắm, rất hấp dẫn, đúng vấn đề... tuyệt vời...”. Nghe  anh khen, quá sướng, lỗ mũi của mấy người này phập phồng như mang con cá  đang bơi ở dưới nước ấy. Nhà văn, nhà thơ ai chẳng thích những người  như anh khen.
- PV: Nhưng... nhỡ đâu những điều anh khen  không có trong cuốn sách họ tặng cho anh thì sao?
           -  NĐTNS: Em nói đúng... nhưng anh biết có rất nhiều người giống anh, cũng  không bao giờ đọc sách văn học, nên anh khen hoặc chê, họ không biết.  Tuy nhiên điều đó cũng không quan trọng, quan trọng là khi anh khen...  không ai dám phản bác được...
- PV: Thưa anh! Vì sao?
          - NĐTNS: Vì các nhà thơ, nhà văn thích tặng sách cho anh để lấy cái “ Oai”: “ Tôi là bạn của ông...”.  Em hiểu không ?
           - PV: Anh nói thế em hiểu! Cảm ơn anh.
                 ...

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

MÀU TÍM HOA SIM
                                                 Hữu Loan




Nàng có ba người anh
Đi bộ đội
Những em nàng còn chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi là người chiến binh
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân,
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh ...

Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi!
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần.

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Trên chiến trường Đông Bắc,
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.

Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió thu về
Cỏ vàng chân mộ chí.

Chiều hành quân
Qua những đồi sim ..
Những đồi hoa sim ...,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa.
Áo tôi sứt chỉ đường tà,
Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu./.



Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Người đàn bà của mùa Thu

Thu trong em: Ôi, mùa thu rạo rực/ Tình em như biển thẳm trời xanh. 
Thu đã chết theo tháng năm tàn úa
Qua mỗi mùa lá rụng, em ơi!
Anh đi giữa những mùa xa vắng ấy
Tình em bay trong ảo giác tơi bời.

Cuộc sống trôi đi những ngày hoang lạnh
Như lá vàng rơi trên mồ lão Giăng Van Giăng    
Và anh sống trên đời côi cút
Lang thang bờ bãi của bóng đêm.

Lại nhớ đến bao nhiêu mùa trước
Người đàn bà từng thao thức bên anh
Thu trong em: Ôi, mùa thu rạo rực
Tình em như biển thẳm trời xanh.

Người đàn bà! Mùa thu, mùa thu...
Nàng có đôi mắt mơ hiền đẹp
Vòm ngực nàng như một bầu trái ngọt
Những đêm thâu nghe thổn thức bên hồ.

Anh viết về mùa thu
                   mà câu thơ lại không lối xô bồ
Dẫu trái tim còn tràn đầy cảm xúc,
Em có nghe! Tiếng của hàng cây đương nhắc
Trong hư vô hun hút quyện vào đêm..
  Hà Nội, thu 2014
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

       BIỂN
                                  Xuân Diệu

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng,
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê.

Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng.

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi.

Ðã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời.
Dù tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt .

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Và lúc triều yêu mến
Ngập bến của lòng tin.

Anh không xứng là biển xanh ,
Nhưng cũng xin làm sóng biếc,
Ðể hát mãi bên gành
Một tình chung không hết .

Có những khi bọt tung trắng xoá ,
Và gió vi bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả
Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi! 

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

                            THU XANH

 
                                                                      BÙI VĂN BỒNG     

Trong mắt nhớ mùa thu màu lá lúa
Sao mà ai thao thức với thu vàng?
Em mặc áo màu da trời huyền thoại
Mặt hồ xanh soi bát ngát thu xanh

Mùa thu chín thêm dịu dàng thảm cỏ
Gió vén mây
              hây hẩy nắng mơ màng
Anh không thể níu thời gian ở lại
Để bao niềm khao khát mãi lang thang

Em đắm đuối thu vàng ven ngõ trúc
Mơ những điều ảo vọng phía trời xa
Nếu như biết mùa thu xanh rất thực
Có cần chi nhiều son phấn lượt là?

Cứ đi mãi
          mùa gọi mùa theo mãi 
Dồn nén bao kỷ niệm xuân thì
Gió thời gian lật trang ngày thơ dại
Yêu thêm màu xanh thắm lối em đi

Nơi này lá rơi vàng lối nhớ
Chợt nơi kia non nõn búp cho đời
Em không nói mùa thu thay áo mới
Thêm một lần da diết với thu xanh.

                     B.V.B