Menu ngang

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

 

          “ THAO THỨC CHONG ĐÈN ” 

          ( THAY LỜI GIỚI THIỆU )

                                            

                                                    Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

 

Ngẫu nhiên tôi được tiếp cận bản thảo Trước dèn của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vào đúng dịp giới văn chương cả nước kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 - 2020). Theo dòng chảy thời gian, câu thơ “Cảo thơm lần giở trước đèn…” trong kiệt tác Truyên Kiều đã trở thành hình tượng biểu trưng cho bao lớp người thao thức đọc sách ngẫm suy về thế thái nhân tình. Một vị tướng người xứ Nghệ, trưởng thành từ chú lính trẻ măng chưa đủ tuổi tòng quân, lăn lộn qua nhiều chiến trường ác liệt, thương tích đầy mình, đảm đương nhiều cương vị, mà lúc rời binh nghiệp lại thao thức trước đèn, tiếp biến và luận bàn về văn chương… thì quả thực là quý. Sau phút ngỡ ngàng, tĩnh tâm lại, tôi hiểu sâu thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt, càng háo hức chong đèn đọc liền một mạch thâu đêm bản thảo cuốn Trước đèn của ông.

Khoảng chục năm gần đây, phần nào giới văn chương và bạn đọc đã biết về tác giả Nguyễn Manh Đẩu. Khi chiến tranh đã lùi vào quá vãng, ông cũng như nhiều vị tướng lĩnh, cựu chiến binh đều có nhu cầu tự thân viết hồi ức về các trận đánh hay những đau thương mất mát của dân tộc trong khói lửa chiến tranh tàn khốc. Và… đặc biệt tận thẳm sâu trong tâm thức họ là hồi ức về những đồng đội đã từng cùng nhau “ Súng bên súng, đầu gối bên đầu / Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ ” (Thơ Chính Hữu). Tôi có cơ may đọc khá nhiều tác phẩm của Nguyễn Mạnh Đẩu, nếu gom lại cỡ vài ngàn trang sách, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về tình người, tính chân thực và trí nhớ phi thường của tác giả là những cuốn: Những nẻo đường thời gian (NXB Quân đội nhân dân - 2010), Những kỷ niệm đời tôi (NXB Quân đội nhân dân - 2013), Suy ngẫm Luận bàn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014). Ngoài ra, còn có hai tập thơ với nhiều bài khá đặc sắc cả tứ lẫn lời : Một Chữ Tình (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006), Chuyến tàu đời ( NXB Quân đội nhân dân, 2017 ). Về tính chân thực của hồi ức đã được nhiều vị tướng lĩnh ghi nhận như một lời bảo lãnh. Nguyên Tổng Bí thư BCHTƯĐ, Thượng tướng Lê Khả Phiêu viết: “ Cuốn Hồi ký Những nẻo đường thời gian do chính tác giả thể hiện, nên các câu chuyện được tái hiện sinh động, chân thực và có chiều sâu, có nhiều tư liệu quý, rất nên đọc và nghiên cứu ”. Giáo sư văn học, NGND Nguyễn Đình Chú có nhận xét lý thú về cái sự giàu có trong con người và tác phẩm của Nguyễn Mạnh Đẩu: “ Không phải giàu ngọc ngà, châu báu. Mà đây là giàu quan hệ, giàu kỷ niệm, giàu trải nghiệm, giàu tình nghĩa để rồi được hồi ức, được ngẫm suy, được bình luận, được giải bày sẻ chia, được nâng niu trên từng trang viết. Đọc xong Những kỷ niệm đời tôi của Nguyễn Mạnh Đẩu, cảm nghĩ bật dậy trong tôi là vậy. Và tôi như được uống một cốc nước mát giữa những ngày nóng nực, oi bức - cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng ”. Ở một khía cạnh khác rất đời, rất người, tiến sĩ văn học Mai Hồng Hải khi đọc thơ của Nguyễn Mạnh Đẩu đã phải thốt lên: “ Một chữ tình trong thơ anh là sự đa cảm của tâm hồn thi nhân giao hòa với cảnh vật, là tình yêu chân thành sâu sắc tới mức cảm động của một đồng đội đối với những đồng đội của mình, là tình yêu quê hương, đất nước. Và, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất mà tập thơ để lại trong lòng người đọc là sự thi vị của một tình yêu đôi lứa nồng nàn, chân thành mà mãnh liệt, đắm say ”.

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ thật khó có thể kể ra hết những lời nhận xét tốt đẹp về giá trị văn chương, lịch sử mà các nhà lãnh đạo, nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình văn học đã dành cho các tác phẩm nói trên của Nguyễn Mạnh Đẩu. Tôi không mảy may hoài nghi về tính chân thực, khách quan của những lời thẩm bình ấy. Bởi, với vốn sống phong phú, trí nhớ tuyệt vời và tấm lòng nhân hậu đầy ắp tình người của ông đã làm nên giá trị đích thực cho những trang văn hay những vần thơ ông viết. Dẫu thế, tôi vẫn ngỡ ngàng khi đọc hết bản thảo cuốn Trước Đèn - một tập phê bình - tiểu luận bao chứa nhiều lĩnh vực học thuật đòi hỏi kiến thức sâu rộng, thâm viễn của người viết. Những bài thẩm bình thơ, hồi ký, tiểu thuyết về chiến tranh của các cựu chiến binh vốn là sở trường của một vị võ tướng có văn, nhưng với bản tính khiêm nhường thận trọng ông luôn đọc rất kỹ, khi cần tham khảo thêm tư liệu để có những đánh gia chân xác, tìm ra cái được và chưa được của tác phẩm.

Hãy xem ông viết về cuốn hồi ký Trung đoàn - Một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn: “ Tôi đã được đọc nhiều tập hồi ký rất bổ ích, có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít hồi ký mà người viết đã vấp phải một trong hai trường hợp cực đoan, phiến diện: Hoặc là, quá nhấn mạnh cái tôi, lấy cái tôi làm trung tâm, thậm chí có người thiếu trung thực khi phản ánh các sự kiện - và điều này là không thể chấp nhận. Hoặc là, không hề thấy bóng dáng của con người tác giả trong từng trang viết, hồi ký như là bản chép lại lịch sử của một đơn vị cụ thể mà tác giả chỉ là một nhân chứng nhạt nhòa. Với tôi, tôi quan niệm hồi ký phải được thể hiện một cách trung thực, không được hư cấu, trong đó tác giả vừa là người dẫn chuyện, vừa là nhân vật chính. Là người dẫn chuyện, tác giả tự đặt mình trong dòng chảy chung, lấy đơn vị làm cái phông chung, phản ánh khá đầy đủ, chân thực, sinh động về các hoạt động, các chiến công của đơn vị, về thành tích của bạn bè, đồng đội. Đồng thời, là nhân vật chính, tác giả phải thể hiện được phần đóng góp xứng đáng của mình trong từng thời kỳ, từng sự kiện, từng trận đánh. Không nói về bản thân tác giả thì không phải là hồi ký! Theo tôi, anh Hồ Hữu Lạn đã tránh được cả hai loại trường hợp kể trên.”.

 Với cuốn tiểu thuyết Dòng sông mang lửa của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, bằng tư cách người đọc có nghề, ông viết : “ Theo tôi, nguồn cảm hứng để Hồ Sỹ Hậu viết cuốn tiểu thuyết này, là phán ánh một thời kỳ lịch sử bi tráng của bộ đội Đường ống xăng dầu trên Tuyến vận tải chiến lược 559. Tinh thần cơ bản của Tiểu thuyết là sự trân trọng chiến công của đồng đội - Đặc biệt, nhằm tri ân những người đã anh dũng hy sinh trong mọi cảnh huống ở chiến trường. Máu đào của họ đã viết nên truyền thống oanh liệt của Bộ đội Đường ống xăng dầu, góp phần rất xứng đáng vào chiến thắng cuối cùng của toàn dân tộc. Những nhân vật, không gian, sự kiện trong tiểu thuyết đã lùi xa mấy chục năm rồi, nhưng được giũ bụi thời gian, thông qua những dòng hồi ức, những trang viết thấm đẫm tình đồng đội, đầy tính nhân văn của Hồ Sỹ Hậu làm sống lại sự kiện và các mối quan hệ. Tiểu thuyết đã hiện lên trong tâm trí của người đọc, đem đến cho họ một nhận thức mới, một cách nghĩ mới đúng hơn.

 Toàn bộ tiểu thuyết được kết cấu xâu chuỗi, logic. Các trường đoạn trong các chương được khai triển đan xen nhau, vận hành theo qui luật tuyến tính, đồng thời có sử dụng thủ pháp đồng hiện. Nhờ đó làm cho người đọc vừa dễ tiếp nhận thông tin,vừa có sự hấp dẫn nhất định. Khi xây dựng nhân vật, Hồ Sỹ Hậu có chú ý đến thể hiện sự nhất quán về hoàn cảnh xuất xứ, tính cách, tâm lý và năng lực của từng con người cụ thể. Bên cạnh sự ngợi ca chiến công, thành tích của các cá nhân, tập thể,  phản ảnh sự đa dạng cuộc sống của  những cán binh ở chiến trường, trên những mức độ nhất định, Hồ Sỹ Hậu đã phản ánh những điều bất cập, những hạn chế, ấu trĩ của một số người trong một thời - Âu đó cũng là tất yếu, là sản phẩm của lịch sử. Và nữa, có đôi chỗ nó như là phản ánh một sự ẩn ức có phần nhức nhối - Điều đó là cần thiết ”.

Điều làm tôi ngỡ ngàng thán phục ở chỗ Nguyễn Mạnh Đẩu còn an nhiên tự tại, luận bàn về những cống hiến khoa học của triết gia Trần Đức Thảo, truyện hiện sinh gây nhiều tranh luận của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc phẩm thấm đẫm hồn quê xứ Nghệ của Nhạc sĩ An Thuyên và nhiều tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, bút ký của các tác giả đã thành danh trên văn đàn nước nhà.

Những bài viết của ông về lĩnh vực học thuật nào cũng chặt chẽ, khúc triết, lời văn trong sáng, tinh tế dù rất khiêm nhường vẫn giàu sức thuyết phục. Tôi thật sự xúc động, trân trọng những lời Nguyễn Mạnh Đẩu viết để tưởng nhớ Nhạc sĩ An Thuyên lúc ông vừa qua đời: “ Nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi, nhưng đâu đây vẫn ngân nga " Dòng sông thi ca " của anh - người Nhạc sĩ của " thôn ca " như lúc sinh thời anh vẫn muốn mọi người gọi mình như thế. Ngoài đời có rất nhiều người chưa một lần gặp anh, nhưng sự ra đi của một Con Người như Nhạc sĩ An Thuyên đối với họ là một nỗi đau buồn, mất mát lớn trong trái tim. Những ai đã từng như anh bước ra từ một mái quê nghèo, cùng tắm trên một dòng sông, cùng " Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng / Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu..."; cùng muốn mãi được " Neo đậu bến quê " đều có chung cảm thụ. Bởi thế, mọi người luôn trân trọng những tác phẩm để đời của Nhạc sĩ An Thuyên ”.

Đọc cuốn Trước Đèn có lúc tôi tự hỏi: Bí quyết nào khiến một cậu học trò chưa học hết Cấp 3, giấu cha đi lính, lăn lộn nhiều năm qua các chiến trường ác liệt nhất thời chống Mỹ, dù sau này được cử đi đào tạo có hai bằng đại học nhưng lại bị ngập trong cả núi công việc ở cương vị quản lý cấp cao của quân đội (Cục trưởng Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, rồi Bí thư  Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Chính trị Trường sĩ quan Lục quân 1 và trước lúc nghỉ hưu là Trung tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng…) thời giờ đâu để ông tự học, tích lũy cả một khối kiến thức lớn mới có thể viết cuốn sách phê bình, tiểu luận có giá trị, bao chứa nhiều lĩnh vực như vây? Có lẽ ngoài năng lực thiên bẩm, nghị lực tự học phi thường, nếp sống thanh sạch, khoa học… còn nhờ vào truyền thống hiếu học, phát cả văn lẫn võ của mảnh đất Thượng Xá ( Nghi Lộc, Nghệ An ). Chính nơi ấy đã sản sinh ra Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí làm đại thần của bốn triều vua đầu tiên thời Lê sơ (Thái tổ, Thái tông, Nhân tông, Thánh tông) lẫy lừng trong sử sách cùng các hậu duệ của Ngài, mà Nguyễn Mạnh Đẩu là cháu đời thứ 18 …

Nhiều năm qua, cùng với đội ngũ cầm bút chuyên nghiệp, những cán bộ thuộc các lĩnh vực đã viết, xuất bản được rất nhiều cuốn sách hay, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm đời sống văn chương xã hội. Văn là người. Khi đọc các tác phẩm của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu với nhiều thể loại khác nhau, tôi thấy xuyên suốt hòa quyện ở ông là: lòng yêu nước, sự lãng mạn, hào hoa, nhân văn, thẫm đẫm trên từng trang viết. Từ ông, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng một mẫu người trong xã hội chúng ta : vừa có công tích trong sự nghiệp, vừa có năng khiếu văn chương. Theo tôi, có thể coi đây là một trong những nét đẹp của  truyền thống văn hóa người Việt !

 

                                                      Hà Nội, đêm 4 / 7 / 2020

 

 

 

               ANH LÀ AI ?

 ( Kính tặng anh Nguyễn Mạnh Đẩu )


                                 Nguyễn Thu Hà

 

Anh là ai ?

Hậu duệ của Thái sư Nguyễn Xí

Người sáu trăm năm xưa khai quốc , danh thần

Tạc núi sông những chiến công kỳ vĩ

Để lại muôn đời  dòng máu nghĩa, nhân ...

 

Anh là ai ?

Từ làng quê Đại Xá

Tuổi hoa niên tình nguyện lên đường

Quen thủ lĩnh mục đồng trò trận giả

Nên chốn binh đao trí , dũng khác thường .

 

Người lính trẻ bảy năm ròng chinh chiến

Lập bao chiến công , biết mấy tự hào

Tuổi mười chín dưới Đảng kỳ thề nguyện

Trọn cuộc đời vì đất nước gian lao .

 

Bước chân anh qua bao chiến trường khốc liệt

Từ Trung Lào đến Quảng Trị - Thừa Thiên

Những Hồ Khê , Cồn Tiên , đồi Cô Ác ...

Máu xương ngập tràn có thể nào quên !

 

Đã bao lần bị thần chết điểm danh

Giờ ly biệt chỉ còn trong giây lát

Anh vẫn lo trận đánh chưa hoàn thành

Lo đồng đội với bao điều tổn thất .

 

Mỗi bận trở trời vết thương đau nhức

Thầm nhắc anh nhớ lại quãng đời xưa

Những trận công đồn, những đêm trinh sát

Huyền thoại đặc công ngỡ chỉ trong mơ .

 

Trở về phía sau nguyên màu áo lính 

Mặt trận nghĩa tình , chính sách hậu phương

Anh vẫn vậy , người chỉ huy bản lĩnh

Quyết đoán thông minh đề xuất chủ trương ...

 

Bốn lăm năm một cuộc đời Binh nghiệp

Nối bước cha, ông trọn đạo nghĩa nhân

Dấu ấn một tài năng chẳng dễ gì có được

Anh xứng danh  - Vị tướng giữa lòng dân !

                                   *

Rời quân ngũ vẫn còn đầy trăn trở

Trăm nỗi lo toan giữa cuộc đời thường

Bao ngổn ngang như người vương nợ

Anh lại miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa văn chương .

 

Cứ ngỡ vị tướng chỉ quen trận mạc

Hồi ký cuộc đời như một thú vui

Nhưng đọc tác phẩm của anh lòng đầy kinh ngạc

Rất văn chương với trí nhớ tuyệt vời !

 

Những trang viết về đấng sinh thành đã khuất

Nghe rưng rưng chữ Hiếu nghẹn lòng

Nhớ vòng tay mẹ ôm mà đẫm đầy nước mắt

Ngày trở về nhìn gian bếp trống không !

 

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN - thước phim quay chậm

Năm tháng hào hùng cuộc chiến đi qua .

Như trang sử chân thực và sống động

Cho ta yêu hơn đất nước , quê nhà .

 

MỘT CHỮ TÌNH , CHUYẾN TÀU ĐỜI dung dị

Mà lắng sâu , triết lý , tình người

Chất nhân văn đẹp từng trang thơ , ký

TÌM TRONG KÝ ỨC , NHỮNG KỶ NIỆM ĐỜI TÔI ...

 

Sống tích cực với tấm lòng chân , thiện

Cùng văn , thơ lan toả niềm vui

Tướng về hưu được bao người quý mến

Với anh , chỉ cần bấy nhiêu thôi !

 

Vinh, ngày 06 / 7 / 2020

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

 

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày

Cách mạng Tháng Tám & Quốc khánh 2 / 9  

             

              MÀU CỜ THU NĂM ẤY

 

 Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có những trang sử vàng vẻ vang. Sự kiện mùa Thu năm 1945 là một mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử dân tộc. Mùa Thu ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Mùa Thu ấy, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

  Mùa Thu lịch sử năm 1945 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ của toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

        Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là quyết sách chiến lược có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam.

Sự kiện có ý nghĩa khẳng định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là việc thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương tiến hành chuẩn  bị cho sự ra đời của nước Việt nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 25 - 8 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc Giải phóng( UBDTGP ) từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngày 28/8/1945, UBDTGPVN cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Khi đã đánh đuổi được kẻ thù ngoại bang xâm lược, giành được chính quyền, thì việc cần kíp đầu tiên là tuyên bố khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là điều tất yếu.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nội dung cơ bản của Bản Tuyên ngôn độc lập là :

 - Tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

 - Khẳng định quyền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam;

- Khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân ta, quyết giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được.

 

Với ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tuyên bố Độc lập, lập chính quyền mới, trước khi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật kéo theo các lực lượng phản động người Việt. Sự kiện Bác Hồ và Trung ương Đảng nhanh chóng lựa chọn thời điểm ra Tuyên ngôn độc lập ngày 2 / 9 / 1945 có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm và Quốc khánh 2/9/1945 là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 / 9 / 1945 góp phần vào chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân đô hộ, áp bức, thống trị .

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám  đã để lại những bài học kinh nghiệm  có giá trị quý báu. Thiết nghĩ, chúng ta có thể vận dụng những bài học đó vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

-         Trước hết, đó là bài học về nắm bắt thời cơ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi thách thức trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 - 1946. Vận dụng “Dĩ bất biến” là phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Vận dụng “Ứng vạn biến” là biết phân tích, dự đoán, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

-         Thứ hai là, thường xuyên củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy dân làm gốc, bằng sự tập hợp của các mặt trận, tổ chức, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp.

-         Thứ ba là, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, giải phóng mọi năng lực, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN

 

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám  và Quốc khánh 2 / 9 / 1945. Thành công và bài học của sự kiện lịch sử 75 năm trước tiếp tục soi sáng con đường cách mạng. Màu cờ Thu năm ấy mãi mãi in đậm trong tâm khảm của mọi người Việt Nam chúng ta.

 

                                                                        N M Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày

Cách mạng Tháng Tám & Quốc khánh 2 / 9  

---------------------------------------

             

                 MÀU CỜ THU NĂM ẤY


 Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có những trang sử vàng vẻ vang. Sự kiện mùa Thu năm 1945 là một mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử dân tộc. Mùa Thu ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Mùa Thu ấy, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

  Mùa Thu lịch sử năm 1945 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ của toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

        Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là quyết sách chiến lược có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam.

Sự kiện có ý nghĩa khẳng định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là việc thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương tiến hành chuẩn  bị cho sự ra đời của nước Việt nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 25 - 8 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc Giải phóng( UBDTGP ) từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngày 28/8/1945, UBDTGPVN cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Khi đã đánh đuổi được kẻ thù ngoại bang xâm lược, giành được chính quyền, thì việc cần kíp đầu tiên là tuyên bố khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là điều tất yếu.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nội dung cơ bản của Bản Tuyên ngôn độc lập là :

 - Tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

 - Khẳng định quyền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam;

- Khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân ta, quyết giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được.

Với ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tuyên bố Độc lập, lập chính quyền mới, trước khi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật kéo theo các lực lượng phản động người Việt. Sự kiện Bác Hồ và Trung ương Đảng nhanh chóng lựa chọn thời điểm ra Tuyên ngôn độc lập ngày 2 / 9 / 1945 có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm và Quốc khánh 2/9/1945 là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 / 9 / 1945 góp phần vào chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân đô hộ, áp bức, thống trị .

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám  đã để lại những bài học kinh nghiệm  có giá trị quý báu. Thiết nghĩ, chúng ta có thể vận dụng những bài học đó vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

-         Trước hết, đó là bài học về nắm bắt thời cơ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi thách thức trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 - 1946. Vận dụng “Dĩ bất biến” là phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Vận dụng “Ứng vạn biến” là biết phân tích, dự đoán, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

-         Thứ hai là, thường xuyên củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy dân làm gốc, bằng sự tập hợp của các mặt trận, tổ chức, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp.

-         Thứ ba là, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, giải phóng mọi năng lực, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám  và Quốc khánh 2 / 9 / 1945. Thành công và bài học của sự kiện lịch sử 75 năm trước tiếp tục soi sáng con đường cách mạng. Màu cờ Thu năm ấy mãi mãi in đậm trong tâm khảm của mọi người Việt Nam chúng ta.

 

                                                                  N M Đ

 

 

 

 

 

 

 

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

 Facebook hỏi tôi nghĩ gì ư ?

Tôi nghĩ về sự BẤT NGỜ & KHÔNG BẤT NGỜ ĐỐI VỚI MỘT CON NGƯỜI !

- Cách đây không lâu, khi nghe thông báo chủ trương ( không biết sáng kiến của ai, cơ quan nào ) là sẽ bỏ phiếu trong toàn thể công dân Thủ đô Hà Nội về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Nguyễn Đức Chung.
Quả thật, đây là một việc làm chẳng giống ai, vô tiền khoáng hậu - xưa nay chưa từng có.
Do đó, rất bất ngờ - thậm chí là bất bình - của nhiều người có hiểu biết.

- Và mấy hôm trước, ông Nguyễn Đức Chung bị bắt. Thực ra, khi nghe tin này, không còn bất ngờ với đại bộ phận nhân dân. Bởi, qua dư luận xã hội theo dõi những việc làm của ông ta, mọi người đều đồn đoán rằng, việc bắt giam chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không thể khác được.

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát. Luật Nhân - Quả không trừ ai.
Lòng dân là thước đo chính xác nhất đối với mọi cán bộ ở mọi cấp! 

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020


KỶ NIỆM VỚI TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU

( Bài đăng trên Vietnamnet ngày 09 / 8 / 2020 )

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, Ban Liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Quân khu Trị thiên vào thăm ông Lê Khả Phiêu đang điều trị tại Khoa A 11 của Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Khi bước chân vào phòng bệnh, chúng tôi thấy ông đã nặng lắm rồi. Mắt nhắm nghiền, hơi thở nông. Tôi cầm tay lay gọi. Ông mở mắt nhìn, nhận ra chúng tôi, mà chẳng nói được gì. Cùng lúc, ông và chúng tôi đều nghẹn ngào cảm xúc, cứ thế nước mắt trào ra. Xót thương ông vô cùng, mà chẳng ai làm được gì. Tiên lượng xấu, thời gian không còn nhiều nữa.
Rạng sáng ngày 07 / 8 / 2020, một người bạn báo tôi hung tin :  ông Lê Khả Phiêu vừa từ trần. Mặc dù không bất ngờ nữa, nhưng tôi vẫn đau buồn, tiếc thương ông vô cùng. Trong tâm trí tôi hiện về những kỷ niệm với ông.
Về cương vị công tác thì giữa ông Lê Khả Phiêu với tôi là một khoảng cách rất lớn. Nhưng về phương diện tình cảm cá nhân, trong suốt mấy chục năm qua, tôi luôn coi ông vừa là Thủ trưởng, vừa là người Thầy, người Anh kính mến. Đối lại, trên mọi cương vị - kể cả khi là Tổng Bí thư BCHTW Đảng - ông luôn dành cho tôi tình cảm thân thương, coi tôi như một người em. Trong xưng hô, cán bộ các cấp thường gọi ông bằng Thủ trưởng hoặc gọi theo chức danh. Nhưng với tôi, từ lần gặp đầu tiên đến tận bây giờ, tôi luôn gọi ông bằng anh một cách trân trọng.
Tôi biết ông Lê Khả Phiêu từ hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1965, khi còn chiến đấu ở Lào, thì tôi mới nghe tên ông chứ chưa gặp.
Tôi tiếp xúc và được làm việc với ông hồi ở chiến trường Trị Thiên. Trong Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, ông là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9, chỉ huy chiến đấu lập công xuất sắc ở thành phố Huế. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức, rồi Cục phó Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên.
Hồi đó, tôi là cán bộ cấp phân đội có một số lần lên Quân khu đã được nghe ông giảng bài trong Lớp tập huấn hoặc chủ trì trong các hội nghị. Là người trưởng thành trong chiến đấu từ cơ sở, với sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, tác phong sâu sát tỉ mỉ, ông Lê Khả Phiêu đã truyền dạy mở mang kiến thức cho chúng tôi - những cán bộ trẻ trưởng thành trong chiến đấu chưa qua các trường lớp - những bài học quý cả về lý luận và thực tiễn.
Hồi tôi công tác trong Tổ đại diện Cục Chính sách TCCT tại Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cămpuchia ( 1983 - 1984 ), thì dưới quyền lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam giúp Cămpuchia. Ông thường xuyên sâu sát xuống chỉ đạo đơn vị cơ sở của các Mặt trận trên toàn chiến trường. 
Từ năm 1988, ông về làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thì tôi công tác ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp Văn phòng Tổng cục Chính trị, rồi về Cục Chính sách TCCT, tháng 3 năm 1992.
Giữa tháng 4 năm 1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT dẫn đầu đi thăm Trường Sa. Mục đích chuyến đi là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, nắm tình hình đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi chức năng, các cơ quan có trách nhệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt. Ý kiến gì thuộc phạm vi quyền hạn của mình thì trực tiếp có ý kiến giải quyết tại chỗ. Những vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của cấp trên thì tổng hợp nghiên cứu đề đạt.
Toàn bộ chuyến đi trên biển đảo hơn 10 ngày, ông Lê Khả Phiêu cùng ăn ở sinh hoạt với chúng tôi. Phong cách công tác và sinh hoạt của ông là sâu sát, cụ thể, thân tình, dân chủ, không bao giờ quan cách, sống chân thành, dân dã, được mọi người tôn trọng, kính quý.
Cuối năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Chính sách TCCT. Ngày trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi - mà thực chất là giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách - ông Lê Khả Phiêu nói đại ý rằng : Thời gian tới, Nhà nước tiến hành cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội. Những chính sách đó đều có tác động trực tiếp đến quân đội và hậu phương quân đội. Theo tiến trình chung, Bộ Quốc phòng xúc tiến việc nghiên cứu đề nghị các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội : Chính sách, chế độ đối với bộ đội làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng công tác trong các thành phần chuyên môn kỹ thuật trọng yếu của lực lượng không quân, hải quân,…Chính sách bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng. Chính sách đối với hậu phương quân đội trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng về chính sách ( thương binh, liệt sỹ, mất tin, mất tích, mộ liệt sỹ, khen thưởng,…) sau mấy chục năm chiến tranh với khối lượng lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc. Tất cả những vấn đề đó, đòi hỏi Cục Chính sách phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu đề nghị chính sách cũng như chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những chính sách đã được ban hành. Cục Chính sách là cơ quan trung tâm giúp Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp nghiên cứu chính sách với Bộ Lao động Thương binh Xã hội và các bộ, ngành khác ở Trung ương.
Sau khi giao nhiệm vụ và căn dặn tôi một số điều cần chú ý trong lãnh đạo chỉ huy Cục Chính sách, ông Lê Khả Phiêu hỏi tôi có ý kiến gì không. Tôi không đề đạt gì, chỉ cảm ơn và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên giao, mong Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan hữu quan tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Mấy chục năm qua, với mọi hoàn cảnh, trên từng cương vị, trong cảm nhận của tôi : ông Lê Khả Phiêu là một người tài năng, đức độ, vừa có tầm vừa có tâm. Ông sống thanh bạch, liêm khiết, luôn luôn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, chống các tệ nạn tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Trong phong cách công tác và quan hệ, ông luôn luôn gần gũi, không bao giờ quan cách, được mọi người kính trọng.   
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực ở tầm vĩ mô, ông Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, từ vai trò chỉ đạo vĩ mô ở tầm chiến lược đối với toàn quân toàn quốc, đến những việc làm thiết thực, giải quyết các trường hợp cụ thể. Nhiều lần ông gọi tôi đến báo cáo tình hình và chỉ thị những vấn đề cần triển khai nghiên cứu và những việc phải làm ngay. Ông đã chỉ đạo nhiều nội dung sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với quân đội mà đối với toàn Đảng, toàn dân, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc.
Viết bài này, tôi xin được coi đây là nén hương lòng kính viếng ông Lê Khả Phiêu - người tôi tôn kính đến trọn đời !

                        



Một lần cùng ông Lê Khả Phiêu
thăm Trường Sa


( Bài đăng báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, ngày -8/8/2020 )

NMĐ
Ông Lê Khả Phiêu hơn tôi 17 tuổi, nghĩa là hơn hẳn một thế hệ. Ấy vậy mà, ngay từ lần gặp đầu tiên ở chiến trường Trị Thiên vào năm 1968 cho đến tận bây giờ, trên mọi cương vị quan hệ công tác, trong xưng hô thay vì gọi ông bằng Thủ trưởng hoặc gọi theo chức danh như nhiều người khác, tôi lại gọi ông bằng anh một cách trân trọng. Tôi luôn coi ông vừa là Thủ trưởng vừa là người Thầy, người Anh kính quý. Đối lại, ông coi tôi vừa là cán bộ cấp dưới thuộc quyền, vừa như một đứa em. Tôi coi đó là một vinh dự, hơn thế là một ân huệ.
Kỷ niệm về ông thì rất nhiều. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin kể về một chuyến công tác do ông dẫn đầu ra thăm Trường Sa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về hình ảnh của ông.
Giữa tháng 4-1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu đi thăm Trường Sa. Mục đích chuyến đi của Đoàn là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, qua đó nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu, đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi, các cơ quan chức năng có trách nhệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt của đơn vị.
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 12/4/1992, tầu Titan mang số hiệu HQ 957 kéo hồi còi dài tạm biệt Quân cảng TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình ra Trường Sa. Theo kế hoạch, điểm đến đầu tiên của Đoàn chúng tôi là đảo Phúc Nguyên. Từ Phúc Nguyên lần lượt đi Quế Đường, Huyền Trân, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa. Tổng số là 7 đảo. Từ Trường Sa tầu sẽ trở về đất liền, cập Quân cảng Cam Ranh vào ngày 22/4/1992.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu và theo cách xông xáo trực tiếp của ông, chúng tôi đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của các đơn vị trên các đảo. Ở đây, chúng tôi gặp gỡ những người lính tóc đỏ quạch, da đen cháy, người chắc nịch rắn rỏi, với giọng nói, tiếng cười hồn nhiên sảng khoái. Anh em cho chúng tôi biết về tình hình đơn vị, nhiệm vụ được giao, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo, chế độ tiêu chuẩn được hưởng, hoàn cảnh gia đình và những đề đạt nguyện vọng. Tất cả họ dù ở hoàn cảnh nào vẫn một lòng sát cánh bên nhau, vượt qua mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh, kiên cường, kiên quyết, kiên trì phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi quần đảo bão tố.
13 giờ 45 phút ngày 19/4/1992, Đoàn cán bộ làm việc với Ban chỉ huy đảo Trường Sa. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đơn vị và các cơ quan, ông Lê Khả Phiêu kết luận, đánh giá cao những kết quả đạt được của đơn vị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, bước đầu của tất cả các cấp. Với cả nước cũng là bước đầu. Ông yêu cầu nhận thức nhiệm vụ phải sâu hơn, rằng giữ vững độc lập chủ quyền ở Trường Sa có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang ở đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Phải giữ vững về quân sự để từ đó phát triển kinh tế. Kinh tế, quân sự, đối ngoại phối hợp chặt chẽ với
nhau vì một mục tiêu chung là giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sứ mệnh lịch sử này, ông Phiêu nhấn mạnh, Tổ quốc và nhân dân giao phó lực lượng vũ trang chúng ta.
Thời điểm đó, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới được vài năm. Tình hình kinh tế tài chính của Nhà nước còn rất khó khăn. Đời sống bộ đội nói chung và ở Trường Sa còn nhiều kham khổ. Nhà nước và Quân đội chưa có điều kiện đầu tư về mọi mặt cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa. Là Bí thư Trưng ương Đảng, Trung tướng, Chủ nhiệm TCCT, nhưng trong suốt chuyến đi, ông Lê Khả Phiêu vẫn ăn ở sinh hoạt như mọi người. Tính cách của ông xưa nay vẫn vậy, không bao giờ quan cách, luôn sống dân dã, gần gũi, hòa mình với mọi người. Tôi nhớ, có lúc cuối buổi chiều tà, ánh mặt trời vàng rực lấp lánh trên mặt biển, ông cùng mấy anh em chúng tôi ngồi đánh cờ trên boong tàu. Gặp lúc sóng ngầm, có người trẻ tuổi hơn bị say sóng nôn thốc nôn tháo, nhưng ông Lê Khả Phiêu vẫn không hề hấn gì. Năm đó ông đã 61 tuổi.
Lại có lần, tầu Titan HQ 957 không cập vào bờ đảo đá chìm được. Đơn vị trong đảo cho xuồng ra đón các thành viên vào thăm đảo. Ông Lê Khả Phiêu cũng mặc chiếc áo phao màu vàng chanh như mấy anh em chúng tôi từ tàu xuống xuồng vào thăm đảo. Giữa một chiều nắng chói chang, đón một vị tướng già, đầu trần tóc xõa, da đen xạm, anh em cảm kích phấn khởi lắm.      
Mới ngày nào đó đã hơn một phần tư thế kỷ. Từ năm 1992 đến nay biết bao điều đổi thay, nhưng tư duy chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta về Biển Đông, về Trường Sa không bao giờ thay đổi. Quyết tâm giữ vững bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của chúng ta là nhất quán. Trường Sa vì cả nước và cả nướcvì Trường Sa là khẩu hiệu luôn luôn đúng.
Vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, xin chia buồn cùng gia quyến. Kể lại chuyến công tác do ông dẫn đầu ra thăm Trường Sa, tôi coi đây như một nén hương lòng kính cẩn trước anh linh ông - người tôi trọn đời tôn quý, kính trọng!




Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020


HỘI ĐỒNG HƯƠNG XỨ NGHỆ

N M Đ

Ở giữa lòng Hà Nội
Có một Hội đồng hương
Quê xứ Nghệ cương cường
Mấy mươi năm gắn bó

Xa quê cha đất tổ
Bươn chải mọi nẻo đường
Nay Thủ đô hội tụ
Trao gửi tình quê hương

Hội kết nối thông tin
Hội vui buồn chia sẻ
Hội nâng bước lớp trẻ
Hội giao lưu nghĩa tình

Hội là cầu nối liền
Quê nhà và xa xứ
Hội giữ bền ngọn lửa
Ấm áp trọn niềm tin

Có một Hội như thế
Ở giữa lòng Thủ đô
Hội đồng hương xứ Nghệ
Mấy mươi năm đến chừ

Ở đâu có người Nghệ
Là có Hội đồng hương
Nơi kết nối thân thương
Bao người con xa xứ !


    TỔNG THAM MƯU PHÓ TRẦN SÂM - 
KIẾN TRÚC SƯ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG


                                                     
Đầu năm 1953, tròn 35 tuổi, đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4, ông Trần Sâm được điều động về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông kiêm chức Trưởng ban Quân lực Mặt trận, thuộc cơ quan tham mưu Sở Chỉ huy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tổng Tư lệnh quân đội kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch.
Sau khi giải phóng miền Bắc, Cục trưởng Cục Quân lực Trần Sâm được giao nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng xây dựng Đề án xây dựng lực lượng quân đội trong thời bình ( 1955 - 1960 ). Tháng 5 năm 1957, ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiêm Tổng cục Hậu cần.
Sau 3 năm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đầu năm 1960, ông Trần Sâm được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN. Trên cương vị này, ông được giao nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, bảo đảm vũ khí và trang bị kỹ thuật của các binh chủng, quân chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở miền Bắc. Đồng thời, tham gia chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, bảo đảm quân số, vũ khí và trang bi kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của chiến trường miền Nam, chiến trường Lào.
Mùa hè năm 1960, ông Trần Sâm tham gia Đoàn cán bộ cấp cao của quân đội ta do Đại tướng Võ nguyên Giáp dẫn đầu sang nghiên cứu chiến lược tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô. Thành viên trong đoàn gồm các ông : Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Nguyễn Đôn, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Quyết, Cao Văn Khánh, Trần Độ, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Thanh ( Thanh Quảng ). Nội dung học tập khá toàn diện cả về binh khí kỹ thuật, hình thức tác chiến hợp đồng quân binh chủng, chiến dịch, chiến lược và lịch sử chiến tranh. Các nội dung đó lấy từ Chương trình chính khóa 2 năm của Học viện Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô rút gọn lại thành 6 tháng.
Đầu năm 1961, Bộ Tổng Tham mưu gấp rút xây dựng kế hoạch phòng thủ miền Bắc, kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội; đồng thời chỉ đạo chi viện cho cách mạng miền Nam phát động chiến tranh theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Thời gian này, Bộ Quốc phòng đã chú trọng kế hoạch kết hợp kinh tế với quốc phòng và chuẩn bị kế hoạch động viên nhân tài vật lực cho thời chiến. Vụ Quốc phòng ( Vụ 1 ) thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được thành lập. Tổng Tham mưu phó Trần Sâm được cử kiêm chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Ngày 25 tháng 2 năm 1961, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự trong 5 năm ( 1961 - 1965 ). Nghị quyết xác định : Để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miến Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, lấy xây dựng Lục quân làm chủ yếu, đồng thời tăng cường xây dựng thêm cơ sở và lực lượng cho quân chủng Hải quân và quân chủng Phòng không - Không quân, kiện toàn các binh chủng, bảo đảm các cơ sở hậu cần kỹ thuật, xây dựng lực lượng hậu bị mạnh mẽ, tổ chức dân quân rộng rãi vững chắc.
Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất phương hướng tổ chức các lực lượng bộ đội thường trực gọn, mạnh, cơ động nhanh. Cụ thể là: Cải tiến biên chế các đơn vị bộ binh có hỏa lực và sức đột kích mạnh, khả năng cơ động cao, phù hợp với yêu cầu tác chiến ở chiến trường rừng núi và sông ngòi. Chuyển Lữ đoàn 305 bộ binh thành Lữ đoàn dù 305. Lữ đoàn 338 làm nhiệm vụ xây dựng một số Tiểu đoàn chiến đấu và làm nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Tăng cường pháo binh các cấp theo yêu cầu pháo của cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và Trung đoàn độc lập, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong chiến đấu phòng ngự. Pháo binh cấp Quân khu có khả năng tăng cường cho 1, 2 Sư đoàn ttrong chiến đấu tấn công, hoặc làm nhiệm vụ cụm pháo Quân khu trong chiến đấu phòng ngự. Pháo binh của Bộ có khả năng tăng cường cho 1, 2 Quân khu ở hướng chính, cho khoảng 2 Sư đoàn cơ động và sẵn sàng một đội dự bị mạnh. Phát triển thêm một bước Bội đội xe tăng nhằm bảo đảm yêu cầu ở Bộ và Quân khu có lực lượng đột kích, tăng cường khả năng hoàn thành niệm vụ tác chiến ở hướng chính. Bảo đảm huấn luyện hợp đồng chiến đấu có xe tăng cho một số Sư đoàn, Lữ đoàn bộ binh. Chuẩn bị cơ sở cho việc phát triển Binh chủng xe tăng. Phát triển lực lượng Công binh đáp ứng yêu cầu bảo đảm vượt sông bằng cầu phao cho xe pháo và vượt sông đổ bộ cho bộ binh, khả năng làm đường quân sự, làm trận địa, đặt phá các chướng ngại vật. Từng bước phát triển lực lượng Phòng không, Hải quân đủ mạnh, sẵn sàng chiến đấu với máy bay và tàu chiến của địch. Về cải tiến và dự trữ trang bị, Bộ Tổng Tham mưu chủ trương bổ sung đủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho tất cả các đơn vị được tổ chức biên chế trong kế hoạch thời chiến.
Theo phương hướng tổ chức lực lượng nói trên, ngày 17 tháng 4 năm 1961, ông Trần Sâm thay mặt Bộ Tổng Tham mưu trình và được Quân ủy Trung ương thông qua Đề án kế hoạch bảo đảm vũ khí và trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang từ năm 1961 đến năm 1965. Theo đó, việc cải tiến trang bị và bổ sung trang bị hàng năm cho các binh chủng thuộc khối Lục quân, Hải quân và Phòng không - Không quân sẽ tiến hành từng bước có trọng điểm. Về tổ chức, quân đội hình thành ba loại biên chế : đủ quân, thiếu biên chế và biên chế khung. Cách tổ chức đó, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện chính quy sẵn sàng chiến đấu, vửa bảo đảm sẵn sàng khôi phục và mở rộng lực lượng trong giai đoạn đầu chiến tranh.
Đến năm 1962, lực lượng dân quân và hậu bị ở miền Bắc đã phát triển rộng khắp, tổ chức biên chế dựa trên cơ sở sản xuất và được huấn luyện theo quy định từng thời gian. Việc huấn luyện quân sự ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp bước đầu được triển khai.
Sau hơn 2 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, ông Trần Sâm được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần; được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần. Thời gian này, được sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, ngành hậu cần quân đội đã tạo ra lượng dự trữ về vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn. Trong đó, có hàng vạn tấn vũ khí đạn dược các loại, trên 7.000 xe vận tải, tăng thêm cơ số dự trữ xăng dầu, thuốc quân y, lương thực thực phẩm. Hệ thống kho tàng các loại được xây dựng tại các căn cứ.
Tháng 8 năm 1963, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết giao cho Tổng cục Hậu cần phụ trách Đoàn 559, đảm nhiệm việc tổ chức vận chuyển vũ khí, lương thực, quân số cho chiến trường miền Nam. Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng, tuyến vận tải Trường Sơn bắt đầu triển khai mở đường vận chuyển bằng cơ giới trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Từ phương thức vận tải thô sơ kết hợp với cơ giới nhỏ, đến năm 1965 Đoàn 559 được tăng cường lực lượng lấy phương tiện vận chuyển bằng xe cơ giới làm chính. Từ vận chuyển bí mật làm chủ yếu, trên tuyến vận tải 559 bắt đầu hình thành phương thức vận tải bằng lực lượng binh chủng hợp thành, lấy lực lượng vận chuyển ô tô làm trung tâm. Thời gian này, Đoàn 559 được tổ chức lực lượng tương đương cấp Quân khu, trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Cuối năm 1965, ông Trần Sâm thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trở lại cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm chức Phó Tổng Tham mưu trưởng với nhiệm vụ tiếp tục giúp Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức biên chế, vũ khí trang bị kỹ thuật, công tác động viên lực lượng, công tác đối ngoại, phụ trách nội bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; chỉ đạo công tác nghiên cứu kỹ thuật quân sự; trực tiếp phụ trách Cục Quân lực, Cục Đối ngoại. Cục Quản lý giáo dục và Phòng Chính trị ( nay là Cục Chính trị BTTM ), … Công việc nhiều, nhiệm vụ nào cũng cần thiết, cấp bách.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài nhiệm vụ được phân công, có thời gian ông Trần Sâm trực chỉ huy tác chiến ở Sở Chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo một số đơn vị chiến đấu. Nhiều lần trong nhiều năm, ông thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòngg tham gia Đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi ký kết Hiệp định viện trợ kinh tế, quân sự với các nước Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em - Đó là nguồn viện trợ to lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng thiết yếu, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.
Suốt thời gian dài trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, ông Trần Sâm là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn toàn diện, năng lực chỉ huy tham mưu giỏi, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ở ông, toát lên nhân cách trong sáng, phẩm chất đạo đức mô phạm. Ông có thân hình cao to, gương mặt quắc thước phương phi, hàng lông mày rậm, mắt sắc sảo, cương nghị. Trong lãnh đạo, chỉ huy và xử lý công việc, ông luôn giữ vững tính nguyên tắc. Trong đời sống sinh hoạt, ông là người đức độ, một vị tướng hiền, sống tình cảm, tác phong giản dị, khiêm tốn, dân chủ, sâu sát, lối sống thanh liêm. Ông là người ham nghiên cứu, học hỏi, thích thể thao. Là người đảm trách công tác tổ chức lực lượng quân đội, ông luôn nghiên cứu nắm vững chức năng nhiệm vụ của các loại hình tổ chức trong quân đội và tính năng của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế. Ông luôn  được mọi người tin tưởng, quý trọng.
Ông Trần Sâm được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1959, thăng quân hàm Trung tướng năm 1974 và thăng quân hàm Thượng tướng năm 1986. Phản ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông Trần Sâm, vừa qua, Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa hoàn thành bộ phim nhựa mang tựa đề KIẾN TRÚC SƯ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG.