Nguyễn Mạnh Đẩu

Mới hay chỉ một chữ tình

Mà ta đổi nửa đời mình, em ơi


Tiếp đó là cuốn hồi ký Những nẻo đường thời gian. Hồi ký về một chàng trai từ khi khai tăng tuổi để được đi bộ đội, qua bao trận mạc, vào sinh ra tử, rồi trở thành một vị tướng. Các tướng lĩnh viết hồi ký cũng nhiều, nhưng trực tiếp cầm bút để rưng rưng với từng ký ức cuộc đời từ đầu đến cuối cuốn sách như Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu thì thực sự hiếm.
Những kỷ niệm đời tôi là cuốn sách thứ ba của Nguyễn Mạnh Đẩu. Đây là cuốn sách tập hợp các bài viết của ông, hầu hết trong đó được viết lúc đã rời khỏi chốn quan trường. Bài trong cuốn sách gồm nhiều thể loại: Hồi ức, bình luận, truyện ngắn, phê bình văn học, ký sự, văn tế… Ngoài bài du ký Lãng đãng xứ người viết về chuyến du lịch Trung Quốc và hai bài bình luận văn học, thì những bài còn lại, mặc dù tôi đã được tác giả chia sẻ, vậy mà khi chúng xếp lại bên nhau, lại cảm thấy những điều tươi mới. Điều có thể nhận thấy nhất là tư tưởng ẩn sau các bài viết, dưới cách này hay cách khác đã làm nên một cái nền nhân bản.
Nhân bản xét cho cùng là cái gốc con người. Một vị tướng rời quê hương từ năm mười sáu tuổi, trải bao chinh chiến, rồi biết bao bộn bề công việc, mà lòng vẫn luôn đau đáu về quê cha đất Tổ. Trong Làng Đại Xá quê tôi, ông đã khắc họa làng quê mình bé nhỏ, bình dị. “Đất cát pha bạc màu, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè nắng chói chang, gió Lào hầm hập bỏng rát… Mùa đông gió từ biển thổi vào, giá lạnh rét buốt”. Dân làng lam lũ vất vả quanh năm. Cái làng bé nhỏ đó có nghĩa trang mà “Khi trở về cát bụi, bao thế hệ người bất phân địa vị nơi trần thế được sắp xếp theo thứ bậc trong từng chi họ”. Một làng quê như thế dường như mang nét chung của những làng quê xứ Nghệ. Tuy nhiên, làng quê ấy vẫn chẳng thể lẫn vào bất cứ làng quê nào khác bởi lịch sử hình thành với những cụ Tổ, những dòng họ gắn kết keo sơn, nhưng cũng có lúc mâu thuẫn nội tộc phải nói chuyện với nhau bằng gậy gộc trước khi mọi việc trở nên thái hòa. Ông tự hào nhắc tới câu truyền đời trong làng: “Đến bao giờ ai chặt ngang một cây chuối rồi đem trồng mà sống được, thì làng Đại Xá mới hết người cương cường”. Câu nói đó được đúc kết bằng suốt cả một quá trình hình thành và phát triển hơn bảy trăm năm của làng quê bé nhỏ. Người dân nghèo khó, bình dị, nhưng vẫn thuộc những câu triết lý của các bậc Thánh hiền. Làng quê ấy đã sinh ra Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, một trong số đệ nhất khai quốc công thần của thời Hậu Lê, được vua ban quốc tính - người đã có công đưa Lê Tư Thành, tức Lê Thánh Tông lên ngôi báu, dựng nên triều đại huy hoàng nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Làng quê bình dị ấy trải bao thăng trầm lịch sử, đã bao lớp lớp thanh niên ra trận, nhiều người bỏ mình nơi chiến địa, và cũng có những người thành danh như ông. Quê hương trong ký ức của một vị tướng về hưu không chỉ là làng quê Đại Xá, mà đọng lại trong ông còn là hồi ức về tuổi thơ cùng bè bạn (Chơi cùng bạn trẻ quê nhà), về những người bạn thân từ tấm bé (Bạn quê), về những ngày tết với các tục lệ mà bây giờ đã có phần phai nhạt (Tết ở quê).
Cái nhân bản trong cuốn sách này còn thể hiện qua cách nhìn của tác giả về con người. Ngoài đời, Nguyễn Mạnh Đẩu có một trí nhớ tuyệt vời về những người bạn, những người có quan hệ công tác. Đó không chỉ là kết quả nghề nghiệp của người đã từng làm Cục trưởng Cục Chính sách, mà chủ yếu, đó là tài trời phú. Với cương vị là Cục trưởng Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng, Nguyễn Mạnh Đẩu đã có những đóng góp không nhỏ cho công tác chính sách trong quân đội và cho những người có công, như việc xây dựng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Về phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”), và cho công tác bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng (Chỗ dựa niềm tin của cán bộ, chiến sỹ trong quân đội).
Trong những bài viết về con người cụ thể thì Cha tôi là một bài hết sức ấn tượng. Tác giả đã kể lại một cách giản dị cuộc đời của cha mình từ khi còn là một trai làng, vào bộ đội, đánh trận Điện Biên, bị thương, rồi phục viên trong đợt “tám vạn quân”. Khi trở về làng, cha hăng hái tham gia xây dựng quê hương. Khi chiến tranh phá hoại, cha đau đớn chứng kiến người vợ sinh con trong hầm tránh bom, rồi bị hậu sản mà qua đời. Một mình cha bươn chải, gà trống nuôi con, để chúng khôn lớn trưởng thành. Cho đến cuối đời vẫn dạy các con “Phụ từ, tử hiếu; huynh lương, đệ đễ” (Làm cha phải bao dung nhân từ, làm con phải hiếu thảo; làm anh phải tốt với em, làm em phải kính trọng anh). Cuộc đời của cha bình dị như bao người đàn ông Việt Nam trong một giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử. Nhưng đến cuối bài, tác giả đã khái quát lên một triết lý khiến người đọc bất ngờ, cảm động: “Cha tôi - một người nông dân, có quãng đời là Bộ đội Cụ Hồ - như hàng triệu con người Việt Nam ta… Những con người bình dân, không danh hiệu, chức tước trong xã hội… Số phận của mỗi một con người - của cả lớp người như thế - gắn liền với lịch sử dân tộc ta trong mấy chục năm qua. Họ là những giọt nước mặn mòi, trong lành giữa đại dương bao la, là những thân cây nhỏ mà rắn rỏi kiên cường giữa đại ngàn điệp trùng hùng vĩ. Chính họ đã góp phần làm nên lịch sử!”.
Trong xã hội, mỗi người chọn bạn thân quí đều xuất phát từ cái căn bản của mình. Nguyễn Mạnh Đẩu là một chàng trai xứ Nghệ. Bởi vậy, cũng có thể nhìn thấy tính cách của ông qua những người ông liệt vào hàng tri âm, tri kỷ. “Tính cách anh Tần thẳng thắn trung thực. Anh ghét nhất là hạng người dối trá, đạo đức giả. Sự thẳng thắn, bộc trực của anh có lúc làm mất lòng người khác - kể cả là ruột thịt. Với anh, hoặc là thế này, hoặc là thế khác, không có chuyện chung chung, nước lợ, nửa vời. Mọi điều, anh thích sự chính xác, ngắn gọn, rõ ràng” (Anh Tần). Một người bạn khác của ông - Nguyễn Đăng Giáp, Anh hùng thời kỳ đổi mới, vừa là đồng đội, vừa là đồng hương cũng có đầy đủ chất xứ Nghệ, nhưng lại đậm hơn bởi cá tính “Thẳng băng, bạch thoại, đốp chát, gai góc”, thì ông bình luận: “Thử nghĩ, nếu mọi người đều vo tròn lại, đều giống nhau ở sự nhàn nhạt, bờn bợt, nửa vời, không góc cạnh, không cá tính, thì đời sống xã hội sẽ thế nào nhỉ?” (Xứng danh Anh hùng).
Một cung bậc khác là tình người qua một đời chiến trận. Nguyễn Mạnh Đẩu đã dành sự tôn trọng của mình với người đồng đội vốn là cấp dưới xuất ngũ về, bị quăng quật trong cơ chế thị trường mà vẫn biết cách tri ân người thủ trưởng năm xưa (Đồng đội cũ). Sự trân trọng với những người thuộc bậc đàn anh trong những ngày lửa đạn (Trang sách - Trang đời. Viết về cuốn hồi ký của Đại tá Hồ Hữu Lạn). Và cả sự kính mến, cảm phục với những vị tướng nổi danh mà ông đã từng là cấp dưới của họ, hoặc từng vinh dự được tiếp kiến (Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - những điều tôi biết; Đại tướng Chu Huy Mân - những kỷ niệm trong đời tôi; Ba lần được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Tiền nhân đã dạy: “Mộc xuất thiên chi do hữu bản” (Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc). Khi không còn bộn bề công việc quan trường nữa, Nguyễn Mạnh Đẩu không chỉ dành tâm sức cho việc tìm về nguồn cội mà còn tìm cách dạy dỗ chữ NHÂN cho cháu con để những chi, cành nẩy nở trên thân cây dòng họ của mình luôn tươi xanh và không hổ thẹn với đời. Đôi lời tâm sự với các cháu thân yêu ông viết đúng vào ngày sinh bước sang tuổi sáu mươi lăm. Con người suốt đời sôi động đã lắng lại khi nhận ra chỉ dăm năm nữa là trở thành lớp người xưa nay hiếm. “Ông khát khao truyền lại cho các cháu thân yêu trong nhà ta những điều mà ông cho là rất quan trọng và rất cần thiết”. Đó là những điều “Khi về già, con người ta thường hoài niệm quá khứ rồi gút lại thành kinh nghiệm”. Ông dặn các cháu bằng lời Phật Tổ: “Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”, và ở đời cần tránh bảy tật xấu: “Lười, dối, tham, chê, xen, kiêu, sỹ”. Khi Nguyễn Mạnh Đẩu viết những dòng này, các cháu của ông đều đang tuổi nhi đồng, nên chưa dễ gì hiểu hết. Nhưng một con người muốn giữ gìn nhân bản cho mai hậu, thì viết lại để cho lớp trẻ ngày nay suy ngẫm, và con cháu đọc khi khôn lớn tưởng cũng là điều cần thiết vậy.
Giáo sư Nguyễn Đình Chú khi đọc cuốn sách này đã nhận ra cái nhân bản ngay từ việc sắp xếp các bài: Mở đầu là Cha tôi, kết thúc là bài Văn tế trong ngày nhập họ. Tôi cũng rất tâm đắc với điều này, bởi tình cảm với cha mẹ, tổ tiên chính là thước đo thứ nhất về nhân bản của mỗi người. Nguyễn Mạnh Đẩu đã cất công tìm lại cội nguồn (Lời giải cội nguồn sau mấy trăm năm thất truyền gia phả). Ông trực tiếp phụng soạn Bài văn tế trong ngày nhập họ, rồi chính ông đứng vai chủ tế kính cáo tổ tiên.
Những câu dưới đây trong bài văn tế đã phần nào nói lên tấm lòng nhân bản của một vị tướng đã trở về với đời thường:
“Một lạy này, chúng con xin nguyện/ Đời tiếp đời đoàn kết keo sơn/ Tu chí làm ăn, chăm chỉ học hành/ Rèn đức, luyện tài, dưỡng tâm, khai trí/ Sống cao đẹp, trọn tình vẹn nghĩa…”.
Xin được lấy những lời gan ruột ấy của tác giả thay cho lời kết của bài viết này
H.S.H.