Menu ngang

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

THƯƠNG HIỆU ĐỜI ANH

(Kính tặng Lê Doãn Hợp nhân kỷ niệm 50 năm ngày anh nhập ngũ)
--------------------

                                   Nguyễn Mạnh Đẩu

Tròn 50 năm trước
Thuở đất nước ngùn ngụt lửa chiến tranh
Phía trước phía sau bom gầm đạn nổ
Gấp trang sách học trò, anh lên đường nhập ngũ
Hành trang chất đầy bao nỗi nhớ niềm mong

Suốt mấy tháng sải bước hành quân
Sẻ dọc Trường Sơn vào Miền Đông Nam Bộ
Gội nắng dầm sương
Bao gian lao tôi luyện chí kiên cường

Vào Sư đoàn 5 chủ lực Miền Đông
Ròng rã bao năm chiến trường quyết liệt
Cùng đồng đội anh xông lên phía trước
Vượt qua bao ác liệt hy sinh
Biết bao phen cái chết kề bên
Chẳng nao núng niềm tin Ngày Toàn thắng

Đất nước thanh bình, lịch sử sang trang
Cởi áo lính anh nhập Trường Đại học
Tu chí luyện rèn đắp bồi kiến thức
Với khát khao về xây dựng quê hương …

Mấy mươi năm mọi nẻo đường thời gian
In dấu chân anh trải miền đất nước
Từ quê hương mình xứ sở Nghệ An
Và giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến

Nếu chẻ thời gian thành những đoạn trường
Thì chặng đời nào của anh cũng lung linh ánh sáng

Con người anh mang tố chất thông minh
Đầy tâm huyết trên con đường sự nghiệp
Những Hội thảo trên bục cao diễn thuyết
Những buổi đoàn viên chan chứa nghĩa tình

Anh vẫn vậy tròn vai thân thiết
Cứ trầm ấm nói vo từng lời khúc chiết
Đúc kết những bài học trang đời
Ấy là thương hiệu của riêng anh !

Mỹ Đình, chiều ngày 26/12/2017



Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

ĐỌC THƠ THAY LỜI PHÁT BIỂU

Tại cuộc Gặp Mặt cựu cư dân 1 A, Hoàng Văn Thụ - Hà Nội hôm nay, 10 / 12 / 2017, khi được Ban Tổ chức giới thiệu phát biểu, sau phần giáo đầu kính thưa & chúc tụng, tôi đọc bài thơ dưới đây thay lời phát biểu:

VỀ LẠI CHỐN XƯA


                               Nguyễn Mạnh Đẩu

Ta về đây mang cả trời thương nhớ
Xốn xang vui vạt nắng giữa ngày đông
Ngoài xa kia xào xạc gió sông Hồng
Man mác Hồ Tây lá rơi vàng phố cũ

Ta về đây lặng tìm trong lối nhớ
Kỷ niệm xưa tràn nắng gió thân thương
Bước chân quen gõ nhịp tiếp con đường
Về với chính ta trải nỗi niềm hoài cổ

Ta kề nhau về thăm miền quê cũ
Giữa miên man quạnh quẽ phố hè xưa
Bao hoài niệm ập ùa về một thuở
Hiển hiện kia ngơ ngác rặng cây già

Ta về đây từ nhiều miền quê mới
Kề bên nhau bao kỷ niệm đong đầy
Ta tìm lại một trang đời phơi phới
Thuở gian nan mà ấm áp tình người

Xin chào nhé! bạn mình ơi chào nhé
Trọn cuộc đời mang nặng nghĩa cố hương
Dẫu phiêu diêu mọi chân trời góc bể
Góc con tim Hoàng Văn Thụ mãi còn!

Ngày 10 / 12 / 2017

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017




BÚT LỰC ( SỨC VIẾT ) 
CỦA CỤ BÀ U 90


Cụ Nguyễn Thị Minh Thâm năm nay 86 tuổi, quê xã Nghi Trung ( Nghi Lộc, Nghệ An ), cựu giáo chức, hiện sống ở Nguyễn Khang ( Cầu Giấy, Hà Nội ).
Dù không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, vốn là giáo viên dạy sinh học, nhưng bút lực của cụ bà thật phong phú, dồi dào. 
Cắt nghĩa điều này, có thể do năng khiếu bẩm sinh, lại được thừa hưởng zen của một dòng họ có truyền thống văn chương ( trong họ Nguyễn Đức của cụ bà thời hiện đại đã có nhiều Nhà văn, Nhà thơ tên tuổi : Hoài Thanh, Hoài Chân, Nguyễn Đức Bính, Nguyễn Đức Đàn, Anh Ngọc, Phan Hồng Giang, Thuý Bắc, Nguyễn Chí Tình, ông nội của cụ là Chí sĩ Liệt sĩ Nguyễn Đức Công - Hoàng Trọng Mậu; thân phụ của cụ là Dịch giả Nguyễn Đức Vân, ... ). Thêm nữa, hơn 60 năm nay cụ là Phu nhân của GS NGND Nguyễn Đình Chú - người trọn đời gắn bó với sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu & sáng tác văn chương.

Bút lực của cụ bà Nguyễn Thị Minh Thâm thật đáng kính nể. Bữa rồi, mấy gia đình chúng tôi đi kết nối thông tin dòng họ Nguyễn Đình tại Hà Nội. 
Khi được cụ trao tặng cuốn sách mới in, tôi hỏi, tính đến nay, cô đã in bao nhiêu đầu sách. Cụ nói, được 11 cuốn rồi! Mọi người trầm trồ, trời ơi ! sức viết của cụ bà U 90.

Cụ ông, cụ bà đều đã U 90 nhưng vẫn rất thông tuệ, vẫn cập nhật mọi thông tin, vẫn chưa buông bút. Hơn thế, hai cụ vẫn sánh vai nhau đi du lịch trong và ngoài nước - lần gần đây nhất là cuộc giao lưu tại Đà Nẵng với giáo viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Là bậc cháu, tôi thật sự kính phục cụ !

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

VĨNH BIỆT ANH NGÔ QUÝ VÂN - 
NGƯỜI ANH TRI ÂM, TRI KỶ

                                              N M Đ

Đúng 2 h sáng nay, 12/9/2017 ( nhằm ngày 22/7 Đinh Dậu ), cháu Vi nghẹn ngào gọi cho tôi: " Chú ơi! Bố cháu " đi " lúc 12 h 32 phút rồi, chú ah ". Dẫu không bất ngờ nữa, vậy mà tôi vẫn thảng thốt giàn giũa nước mắt khi viết những dòng này. 
Không bất ngờ bởi lẽ, sáng qua, 11/9, anh Nguyễn Xuân Định & và chị Bi vợ anh Vân báo cho tôi là anh Vân bị đột quỵ tại nhà chuyển đi cấp cứu ở Viện 108 trong cơn nguy kịch. Đến chiều tối, chị Bi gọi báo cho tôi, chú ah, anh không thể qua khỏi, gia đình xin chuyển về nhà. 
Nghe tin, tôi và anh Xuân Định chạy xe ngay đến nhà, nhìn anh hôn mê sâu, thoi thóp thở bình ô xi, sự sống chỉ còn tính bằng giờ. Chúng tôi tham gia ý kiến với chị và các cháu về việc lo Lễ tang cho anh.
Khuya về nhà, tôi không tài nào ngủ được, bao kỷ niệm với anh hiện về. 
Mới đây thôi, chiều tối ngày 10/9, tôi gọi điện hỏi thăm anh. Anh nói: " Tôi đỡ nhiều rồi chú ah. Tôi về thăm quê sau mấy tháng ốm đau không về". Nghe thế, tôi đã mừng, vì suốt mấy tháng nay anh Vân bị ốm, khi ở Viện khi ở nhà, không đi lại được. Vậy mà ...

( Có điều này thật lạ: Cách đây chỉ mới 4 hôm, ngày 8/9. trên Fb của mình, anh Ngô Quý Vân có đăng một bài thơ, nó như một lời nói trước với gia đình, với họ hàng, bạn hữu rằng, anh đã dự báo sự "ra đi " của anh:
HẸN NGƯỜI Ở CHỐN XA XÔI
Con đường đi tới tuổi già
Dù cong dù thẳng cũng là gặp nhau
Dặm dài kẻ trước người sau
Dẫu tìm đường tránh cũng đâu được nào

Lộc trời kẻ thấp người cao
Mỗi nhà mỗi cảnh cũng nào giống nhau
Thời gian phủ trắng mái đầu
Giang sơn nhẹ gánh dứt sầu nhân gian

Một đời trải mấy mươi năm
Nhọc nhằn trọn kiếp thân tằm nhả tơ
Đã tròn một giấc yêu mơ
Dẫu còn đâu đó mưa xưa thương thầm

Lọ là một cõi trăm năm
Bồng lai tiên cảnh còn nằm trong mơ
Biết đâu bến đợi mà chờ
Bụi trần gió cuốn mịt mờ chân mây

Xin đừng tính tháng tính ngày
Tuổi cao mà vẫn đắm say tình đời
Hẹn người ở chốn xa xôi
Ngàn thu giữ lại một lời biệt ly ...!

8/9/2017 )
Anh Ngô Quý Vân, sinh năm 1943, quê làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tôi cùng công tác với anh tại Văn phòng TCCT vỏn vẹn 4 năm ( 1988-1992) và từ đó đến nay, anh em thân quý nhau, ý hợp tâm đầu, tri âm tri kỷ. 
Anh Vân là người có kiến thức giỏi, nhân cách tốt, có tâm hồn, phong cách điềm đạm, khiêm tốn, tinh tế, sâu sắc - anh sống chu đáo, nhân hậu, nghĩa tình, được mọi người trân quý.

Anh hơn tôi 5 tuổi, trong cuộc sống anh luôn coi tôi như chú em trai. Mấy tháng nay biết tôi đi lại nhiều nơi, anh dặn, chú phải giữ gìn sức khỏe. 
Hôm rằm Tháng 7 tôi về quê bị sốt cao. Khi tôi ra HN, anh nhắc là phải vào viện thử máu đề phòng sốt xuất huyết. Tôi bảo, nhưng em đã hẹn mời anh em bạn chiến đấu ở các tỉnh về Gặp Mặt, không thể hoãn được. Anh nói, ừ thì Gặp Mặt xong phải đi thử máu ngay. Và sau khi tôi báo tin là đã thử, kết quả không phải sốt xuất huyết, do cảm nắng thôi. Nghe xong, anh thở phào, vậy là yên tâm rồi.

Cách đây hơn hai tháng, khi đến thăm anh tại Viện 108, thấy anh rất yếu, như có linh tính mách bảo, tôi bàn với anh : " Em biết anh là người làm thơ giỏi, đề nghị anh sưu tập lại rồi chuyển cho em bản thảo để em biên soạn, biên tập thành tập để xuất bản". Anh nói: " Đúng là tôi có làm nhiều thơ, nhưng để tản mác rời rạc, trí nhớ đã hạn chế rồi, sức yếu quá không đi lại được. Thôi chú ah ". Tôi kiên trì thuyết phục động viên anh sưu tầm, tập hợp được gần 140 bài thơ sáng tác từ năm 1963 đến nay. Sau khi biên tập xong, tôi nói: " Anh quen nhiều Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê bình, nên nhờ ai đó viết Lời Giới Thiệu để xuất bản". Anh Vân nói:" Đúng là tôi quen thân với nhiều anh em văn nghệ sỹ - nhất là các anh em cùng ở với tôi thời chống Mỹ - nhưng chỉ có chú hiểu tôi nhất. Tôi nhờ chú viết Lời Giới Thiệu".
Vậy là được anh tin tưởng ủy nhiệm, tôi liên hệ với Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tập thơ MÀU THỜI GIAN, sách dày 191 trang, với 131 bài. Đây là một trong những điều lập ngôn anh để lại cho đời - trước hết là gia đình và bạn hữu xa gần.

Anh Vân ơi ! Vẫn biết Sinh Lão Bệnh Tử là qui luật của muôn người. Nhưng em buồn đau, thương tiếc anh vô cùng. Anh với em như người ruột thịt. 
Từ nay em không còn được đàm đạo sẻ chia nhân tình thế thái với anh theo đúng nghĩa tri âm, tri kỷ ở đời.
Vĩnh biệt anh - một con người em luôn quý trọng suốt mấy chục năm qua. Tình cảm và hình ảnh của anh đọng mãi trong tâm trí em. Kính viếng anh !
Cầu mong linh hồn anh thanh thản siêu thoát, nhàn du tiên cảnh. 
Xin thống thiết chia buồn cùng chị Bi & các cháu cùng đại gia đình !
LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ “ MÀU THỜI GIAN” CỦA TÁC GIẢ NGÔ QUÝ VÂN


                                                       NGUYỄN MẠNH ĐẨU


Quí vị bạn đọc đang cầm trong tay tập thơ MÀU THỜI GIAN của Ngô Quý Vân. Tác giả chọn tựa đề MÀU THỜI GIAN -  rút tên một bài trong tập -  làm tên tập thơ là có ý nghĩa gì. Điều đó, bạn đọc tự suy ngẫm trên từng góc độ tiếp biến. Với tôi, tôi cho rằng, tựa đề này là hàm ý xuyên suốt toàn bộ tập thơ. Mọi bài trong tập thơ đều gắn với từng sự kiện trên những nẻo đường thời gian trong cuộc đời tác giả. Tựa đề giản dị là thế, nhưng hàm chứa bao tầng ý nghĩa thiết tha, sâu lắng. Thời gian - tự bản thân nó - không hình hài, không thanh sắc. Nhưng màu thời gian được phản ánh qua mọi sự vật, hiện tượng. Thời gian không bao giờ ngưng nghỉ. Chính thời gian là thước đo chung cho mọi cuộc đời. Một đầu đề mang màu sắc triết học như thế, mà thực chất lại là chuyện tâm tình. Cách đây ngót 80 năm, nhà thơ Đoàn Phú Tứ cũng đã có một bài thơ với tựa đề MÀU THỜI GIAN với những câu thơ thật hay : “ Trời này phảng phất nhuốm màu thời gian” , “ Hương thời gian thanh thanh /  Màu thời gian tím ngát”. Còn MÀU THỜI GIAN  của Ngô Quý Vân lại được thể hiện bằng những câu thơ : “ Bây giờ người ấy ở đâu / Trang thơ xưa đã nhuốm màu thời gian”, “ Ngày vui đánh lạc câu thơ / Bay vào nỗi nhớ ngẩn ngơ cuối chiều / Đôi dòng lưu bút liêu xiêu / Mông lung hơn cả bao điều mông lung” . Đọc các các câu thơ ấy, tôi chợt nhớ một chuyện xưa kể rằng: Lý phu nhân lúc gần mất, nhất định không cho Hán Võ Đế đến xem mặt. Bởi lẽ, bà sợ trông thấy nét tiều tụy của mình, thì nhà vua sẽ không còn yêu nữa.
Sinh ra trong một gia đình nền nếp gia giáo có truyền thống hiếu học, trên miền quê Kinh Bắc - nôi văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ - Ngô Quý Vân đã phát lộ năng khiếu văn chương từ thuở thiếu thời trên ghế nhà trường. Được biết, khi đang học Phổ thông trung học, có lần, Ngô Quý Vân được thầy Hiệu trưởng giao cho viết một Chuyên đề văn học dưới dạng Tiểu luận. Thật vinh dự là, Tiểu luận của Anh được trình bày trước toàn trường. Giá như, sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Ngô Quý Vân bước vào văn nghiệp, thì tôi đồ rằng, lối rẽ cuộc đời Anh sẽ là những trang khác.
Nhưng, ở đâu và bao giờ cũng vậy, số phận cuộc đời mỗi con người luôn gắn liền với điều kiện lịch sử đất nước. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, quân dân ta bước vào thời chống Mỹ. Nghe theo tiếng gọi của non sông, như bao chàng trai cùng trang lứa, Ngô Quý Vân xếp bút nghiên tòng quân lên đường đánh giặc. “ Thôi đành gác chuyện bút nghiên / Bỗng chốc thành anh lính mới / Những chân trời xa vẫy gọi / Vào tuổi hai mươi lên đường” ( NHỚ NÀ SẢN ).
Dẫu không theo nghiệp văn chương, nhưng thơ văn vẫn lãng đãng theo Anh trên mọi nẻo đường binh nghiệp và cho đến tận bây giờ. Hồi mới bước chân vào quân ngũ, chú Binh nhì Ngô Quý Vân đã cùng đồng đội kiên cường dũng cảm trên trận địa pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mục tiêu ở vùng Tây Bắc xa xôi.
 Tình yêu cuộc sống chiến đấu giữa núi rừng Tây Bắc được chàng Tân binh Ngô Quý Vân đưa vào thơ ca một cách trong trẻo, phơi phới. “ Hát đi em bài ca cuộc sống / Mỗi bông hoa làm đẹp cho đời / Mỗi cánh chim vẫy trời xao động / Mỗi con thuyền nối những bờ vui. Hát lên anh bài ca cuộc sống / Những tâm hồn lồng lộng tuổi đôi mươi / Từ mọi miền quê nay thành đồng đội / Lính trẻ phòng không canh giữ bầu trời . Xuân đã về ban nở trắng núi đồi / Những cánh hoa muôn thuở tinh khôi / Trong xa cách hướng về nhau thương nhớ / Cuộc sống vui phơi phới rạng ngời” ( BÀI CA CUỘC SỐNG ). Trong bài BẮC PHÀ tác giả thể hiện bút pháp với nhịp điệu hồn nhiên, lạc quan, phơi phới : “ Nước sắc như dao / Nước lạnh hơn dao / Thả thuyền nhanh / Ghép ván vào / Dô ta / Xe ơi mau đến mà qua / Đã ghép xong phà ta đợi xe đây. Mù trắng như mây / Mù đặc hơn mây / Qua sông nào đợi cầu xây mố kề / Hoa tiêu đan ánh đèn xe / Lửa tim dẫn lối đi về đêm đêm”.
Giữa khung cảnh náo nức, háo hức, giục giã bước quân hành, Anh vẫn luôn nhớ về quê hương yêu dấu. “ Náo nức lòng người tuổi xuân xanh / Đường xa giục giã bước quân hành / Ngân vang tiếng gọi nơi tiền tuyến / Nghe máu râm ran nhựa lên cành. Bỗng thấy bâng khuâng những chiều buông / Tâm tình phảng phất bóng quê hương / Mây bay vương mãi niềm thương nhớ / Núi dựng mênh mang nẻo dặm trường” ( TÂM TƯ ).  “ Xốn xang trong ráng nắng chiều / Tâm hồn lính trẻ dệt nhiều ước mơ” ( CÔNG VIỆC BINH NHÌ ). “ Thèm một luồng gió nhỏ / Cho cánh buồm xa khơi / Thèm một đêm trăng tỏ / Cho cuộc đời thêm tươi. Hè về ôi oi bức / Đường xa ngát chân trời / Bỗng thấy lòng rạo rực / Nhìn thời gian nhanh trôi . Ai về xin nhắn cùng ai với / Vườn cũ mầm xưa vẫn xanh tươi” ( HÃY CHĂM CHO MẦM ẤY ). “ Đất trời dịu mát hơi sương / Mà lòng rạo rực nhớ thương quê nhà”, “ Trăng khuya rớt xuống đỉnh đầu / Núi rừng trầm mặc tìm đâu bóng người” ( ĐÊM THU ). Và đây nữa : “ Ta đi những nẻo đường xanh mát / Đường năm xưa trong lũy tre làng / Đường hành quân tiến về Tây Bắc / Đường hôm nay trận địa thao trường . Nà Sản mùa này hoa ban nở rộ / Mỗi bông hoa nhắc nhở thời gian / Tin vui đến giục lòng hăm hở / Đường còn dài còn lắm gian nan. Chim ơi có bay về phương ấy / cho ta gửi gắm tấm lòng xa / Chân trời vời vợi bao xao xuyến / Cuộc sống ước mơ khúc nhạc hòa” (CHIỀU NÀ SẢN ).
Trong những ngày quyết liệt kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, tác giả đã ghi lại cảm xúc của mình: “Cuộc chiến giữ bầu trời / Lịch sử chưa tiền lệ / Phơi mình trên trận địa / Sống chết quyết không rời . Đã hít mùi khói bom / Đã đôi lần máu đổ / Đã vùi trong đất đá / Đã ôm bạn lìa đời” ( KỶ NIỆM BINH NHÌ ). Cũng trong niềm cảm xúc đó, Ngô Quý Vân có những câu thơ nói lên tình cảm của mình dành cho Mẹ kính yêu và người bạn gái thuở học trò : “ Nhớ thương trùm bóng núi / Bóng Mẹ trùm hồn tôi . Rạo rực tuổi đôi mươi / Thấp thoáng hình bạn gái / Ngập ngừng lời chưa nói / Để ai người chơi vơi”. “ Bài thơ xưa … rất thơ / Xin em đừng viết lại / Cái hồn nhiên vụng dại / Say lòng anh đến giờ” ( BÀI THƠ EM VIẾT ). Tác giả ghi lại một kỷ niệm về tình cảm của nữ dân quân người dân tộc Thái trong trận chiến đấu bảo vệ cầu Tà Vài ( Yên Châu, Sơn La ) năm 1965 : “ Đồng đội tôi / Một pháo thủ đứng trên mâm pháo / Mắt nhìn trời tay lấy đường bay / Trúng mảnh bom / Nằm xuống . Em lặng lẽ ngồi bên / Đưa bàn tay nhỏ / Nhẹ nhàng vuốt đôi mắt mở / Của người chiến sỹ / Mà em chưa hề biết tên . Đồng đội đi xa / Đôi mắt trong veo vẫn nhìn trời không khép / Sẽ mang theo một bóng hình rất đẹp / Của một người / Em gái Yên Châu” ( CÔ GÁI YÊN CHÂU ).
Tạm biệt Tây Bắc hùng vĩ với biết bao kỷ niệm, theo lệnh của cấp trên, Ngô Quý Vân theo nhịp bước quân hành hàng nghìn cây số cùng đơn vị vào chiến đấu ở chiến trường Khu Năm - một trong những chiến trường trải dài, rộng lớn và quyết liệt, cam go của thời đánh Mỹ. Vào chiến trường, đang là cán bộ quân sự chỉ huy cấp phân đội chiến đấu ở cơ sở, Ngô Quý Vân được điều về làm Phóng viên báo Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời quân ngũ của Anh. Với vài trò Phóng viên chiến trường, Anh đã tay súng tay bút, bám sát, lăn lộn cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và địa phương chiến đấu ở các mặt trận. Cùng với các bài đưa tin, các bài viết phóng sự nóng bỏng tính thông tấn thời sự, anh còn đăng báo nhiều bài thơ hào sảng, lồng lộng chất tráng ca, mang tâm hồn thời đại, ngợi ca chiến công, cổ vũ sĩ khí chiến đấu của bộ đội. “ Ta đi vào trận đánh hôm nay / Nghe náo nức gần xa súng nổ / Đất như bỗng rộng hơn những xóm làng mới mở / Và bầu trời thành phố cũng xanh hơn . Ta tính giá bắt quân thù phải trả / Mỗi tấc chúng xây đồn, mỗi hằn xích xe tăng / Mỗi giọt máu người thân ta đổ / Mỗi ngôi nhà, mỗi vành trắng khan tang . Như sấm sét như triều dâng thác đổ / Quyết xông lên ta ào lên qua cửa mở / Có sức mạnh nào bằng sức mạnh của hờn căm / Nơi hang ổ quân thù / Loang loáng ánh lê / Đâm ! ( Bài TRẬN ĐÁNH HÔM NAY đăng Báo Quân Giải phóng số Xuân 1972 ). “ Những ánh mắt thâm quầng trong kẽm gai / Bao bà mẹ em thơ trong ngày về xóm cũ / Vùng trắng, khu dồn, trong máu xương gian khổ / Giữ đất giành dân cuộc chiến vẫn lâu dài” ( CÁNH BẮC - CÁNH NAM ). “ Một khúc đường ẩn dưới dòng sông / Vững chãi từng viên đá lát / Nước xối chân ngầm, sóng reo, sông hát / Rì rầm khúc nhạc bờ xe / Từ dưới quê xa … Một câu hò xứ Quảng / Vọng về. Hàng cọc tiêu thẳng tắp hai bên / Như những múi tên chỉ đường ra phía trước” ( NGẦM ). “ Ở bên kia đại dương / Thần Tự Do vẫn lạnh lùng giơ đuốc / Tìm kiếm mà đôi mắt xa xăm / Có thấy chăng, phía chân trời tít tắp / Ngọn hải dăng của loài người - Sáng ngọn lửa Việt Nam” ( BÀI THƠ VỀ LÍNH HOA KỲ THUA TRẬN ). “ Bao điều lớn nhỏ viết lên / Gửi vào giấy trắng mực đen một thời / Chỉ là một lát cắt thôi / Mỏng tang trong suốt chặng đời chiến chinh” ( CHUYỆN XƯA II ).
Đầu tháng 9 năm 1969, qua Đài Phát thanh, một tin buồn đau thương tiếc bao trùm toàn dân tộc : Bác Hồ từ trần. Giống như cảm xúc, tâm trạng của biết bao cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu trên các chiến trường thuở đó, Ngô Quý Vân đã rưng rưng nghẹn ngào viết bài NGÀY BÁC ĐI XA với tất cả tấm lòng mình. Lời thơ anh cũng là cảm xúc, tâm trạng, là tiếng đồng vọng của hết thảy mọi người: “ Ngày Bác đi xa con đang ở chiến trường / Tim nhói đau hơn ngàn lần máu ứa / Lắng tin buồn đại ngàn yên ắng quá / Khu rừng quen ngơ ngác đến mênh mông”, “ Trong đau thương gọi tên Bác bao lần / Cùng đồng đội chúng con cầm chắc súng / Thay lời chào tiễn Bác lúc chia xa …” .
Tác giả đã dùng ngòi bút kể lên những hình ảnh, những kỷ niệm sâu sắc. Nhiều bài thơ gây được sự rung động, diễn tả như một nỗi niềm tâm sự chân thành, lời tự sự trầm tĩnh, nó như một thông điệp nhắc nhở với mọi người mai sau về những năm tháng đầy ác liệt hy sinh, gian khổ của người lính trên tuyến đầu đánh Mỹ.
Ngô Quý Vân là một người giàu tình cảm. Anh luôn dành tình cảm sâu nặng với gia đình, với quê hương, với đồng đội, bạn bè và tình yêu thiên nhiên. Những bài thơ của Anh đã biểu hiện tình cảm đó một cách tinh tế, lịch lãm, ý nhị, sâu sắc, giàu hình ảnh. “ Lời Mẹ dặn ngày xưa / Trọn đời tôi tạc dạ” ( LỜI MẸ DẶN ). Những lời tâm sự với người con gái mà Anh yêu quý : “ Biết mình không bén duyên thơ / Một con thuyền nhỏ bến bờ xa xôi / Em là thơ của hồn tôi / Một bài thơ viết trọn đời chưa xong”, “ Thời gian nào nắm trong tay / Cánh hoa rơi cánh chim bay không cùng / Chỉ riêng một ngọn lửa lòng / Cứ lung linh cứ rực hồng trong ta” , “ Em là thơ của hồn anh / Một bài thơ viết không thành đó em !” ( ĐỌC NHỎ EM NGHE ). Nhân ngày Lễ Tình nhân ( Valentinne ) tác giả có sự thương cảm những mảnh đời bất hạnh của những người phụ nữ sau cuộc chiến: “ Chiến tranh làm nhát cắt / Em lặng thầm đơn côi / Tuổi xuân xưa qua rồi / Đi men bờ hạnh phúc / Cả trong mơ và thực / Một cuộc tình chơi vơi” ( CHƠI VƠI ). “ Ai mang nỗi nhớ vắt ngang chiều / Hong khô ngày tháng cũ cô liêu / Nhớ người níu giữ màu nắng quái / Thả hồn về với chốn phiêu diêu” ( CHIỀU ). “ Du thuyền ngắm cảnh Hồ Tây / Trời mây man mác nước mây giao hòa” ( CHIỀU HỒ TÂY ). Tình đồng đội trong những lần tề tựu hàn huyên cựu chiến binh: “ Quên đi cái sự tuổi già / Buồn vui chia sẻ mặn mà hơn xưa / Đường dài trải mấy nắng mưa / Năm mươi năm ấy như vừa thoáng qua” ( HỘI U 70 GẶP NHAU ). NGÀY GIỖ CHA là một bài thơ dài hàm chứa nhiều biến cố trong cuộc đời với chất chứa suy tư cảm xúc của Anh đối với Cha Mẹ. Ngô Quý Vân dành nhiều bài viết trữ tình mà đượm chất hùng ca về làng Vọng Nguyệt - quê cha đất Tổ - và phố Lý Nam Đế - phố nhà binh - nơi Anh sinh sống suốt mấy chục năm trời. 
Trong thơ Ngô Quý Vân có sự hòa quyện những cung bậc khác nhau của cảm xúc, suy tư. Khi thì với âm điệu đằm thắm, trữ tình; khi thì hào sảng, tráng ca; và nhiều khi là những bài viết thể hiện sự suy tư, chiêm nghiệm đượm chất triết lý nhân sinh sâu sắc. Với Ngô quý Vân mọi cung bậc đều đẩy tới tận cùng. “ Dẫu bây giờ ta không là gì của nhau / Trong mắt nhau ta vẫn là tất cả / Với trái tim một ngàn lần không dối trá / Một khoảnh trời riêng xanh biếc đến vô cùng” ( TRONG MẮT NHAU ). “ Nhớ thương như có phép mầu / Làm vơi đi cả gánh sầu nhân gian” ( KHOẢNG TRỜI ). “ Dựa vào bình yên nơi bờ vai em / Ta ngồi bên nhau lặng im đêm trăng tan” ( MIỀN YÊU THƯƠNG ). “ Hình như người ấy qua đây / Bằng lăng tím ngắt nở đầy đường hoa” ( HÌNH NHƯ ). “ Ta lấp hố bom sâu / Như lấp niềm cay đắng / Lớp lớp tiếp tay nhau / Mở đường lên chiến thắng . Cả đoàn xe ra trận / Vào thế trận hiệp đồng / Cả quê hương ta đấy / Đang gặt mùa chiến công” ( ĐƯỜNG LÊN CHIẾN THẮNG ). “ Ước mong sao trong cõi nhân gian / Có bệnh viện chữa thói đời cơ hội” ( BỆNH CƠ HỘI ). “ Cả phía trước - phía sau mỗi cuộc đời / Và cái làm nên những con người sống trên trái đất / Tạo hóa chưa vén bức màn bí mật / Thế giới @ còn bỏ lửng chơi vơi” ( BÍ MẬT ). “ Ta sống cùng thời với những ai / Tưởng dễ mà không dế trả lời / Chỉ biết trải lòng yêu hết thảy / Cuộc sống: Trái đất với Cuộc đời” ( NGƯỜI CÙNG THỜI ).
Tập thơ MÀU THỜI GIAN được viết trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ. Bài thơ đầu tiên viết từ năm 1963 và bài thơ viết sau cùng vào tháng 5 / 2017. Đó là một khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời của một con người biết bao trải nghiệm. Bởi thế, cảm xúc, tâm trạng ngòi bút của tác giả có sự khác nhau là điều dễ hiểu. Trong tập thơ này, chúng ta bắt gặp trong đó ba con người: Một lính trẻ tuổi đôi mươi phơi phới niềm tin lý tưởng, trong cuộc chiến đấu ác liệt vẫn chan chứa một tình yêu cuộc đời với tất cả tấm lòng tươi trẻ, sinh khí xôn xao, náo nức của cuộc chiến được gửi gắm vào từng trang thơ. Tiếp đến, là một chiến binh già dặn, một phóng viên chiến trường đã nhuộm mình trong cuộc chiến, trải qua nhiều cam go thử thách đầy ác liệt hy sinh, viết lên những khúc thi ca vừa bi hùng, vừa hào sảng. Và sau cùng, đó là một cựu chiến binh già đã trải nghiệm với biết bao thăng trầm chất đầy kỷ niệm trong cuộc đời với những chiêm nghiệm chân thực, suy tư mang mầu sắc triết lý nhân sinh. Cả ba con người ấy hòa quyện làm một trong hồn thơ Ngô Quý Vân.
Thơ là người. Ngô Quý Vân tìm đến thơ để tự hát, để giãi bày những thăng hoa, những thẳm sâu của cõi lòng. Đó là sự đồng vọng của tâm hồn Anh. Cũng với chất trữ tình, hào sảng, trong thơ Ngô Quý Vân  thảng hoặc đâu đó xen pha những nỗi buồn man mác - nhất là sự bi quan về sức khỏe trong một thời gian khá dài.
Người xưa từng nói : “ Thi dĩ bi vi mỹ” ( Thơ lấy cái buồn làm đẹp ). Nỗi buồn nhiều khi trở thành thi hứng cho nhiều tác giả làm nên những bài thơ hay, thậm chí là những kiệt tác văn chương. Với Ngô Quý Vân không là ngoại lệ. Nỗi buồn về sức khỏe xâm chiếm cõi lòng Anh - thậm chí có lúc rất bi quan - đã tràn lên trang giấy thành mấy bài thơ. Đó là: “ Suy cho cùng: cuộc sống / Sức khỏe là hàng đầu / Tiền tài và danh vọng / Xếp hàng đành đứng sau”, “ Đời hai lần con trẻ / Tròn một vòng tử sinh” ( VÒNG TỬ SINH ). “ Có một cuộc chia ly không mong ngày gặp lại / Ấy là nói về đôi gậy của ta” ( CẤT GẬY ). “ Chân ơi hãy mau khỏe / Trở lại nhịp bình thường / Để đi tiếp con đường / Của quãng đời còn lại” ( NÓI VỚI ĐÔI CHÂN MÌNH ).
Theo thuyết “ Tam Bất Hủ”, người xưa nói, ở đời con người ta, theo cấp độ và phạm vi khác nhau, dù lớn dù bé đều có ba việc phải làm: Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn. Anh Ngô Quý Vân đã lập tư đức, công đức, đã lập công trên nhiều cương vị - nhất là trong suốt chiều dài ngót 40 năm quân ngũ, có tới hơn 10 năm chiến đấu lăn lộn trên chiến trường Tây Bắc và Miền Nam. Và anh cũng đã lập ngôn. Tập thơ MÀU THỜI GIAN là một trong những điều lập ngôn của anh trao tặng cho đời - trước hết là cho gia đình, họ hàng, đồng đội, người thân và bằng hữu xa gần.
Trên từng góc độ tâm thế, quý vị bạn đọc có thể tiếp nhận, thưởng thức được nhiều điều qua tập thơ MÀU THỜI GIAN khá đầy đặn và phong phú cả về nội dung cũng như thi pháp của Ngô Quý Vân.
Cám ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.



                                            Mỹ Đình, ngày 7 - 7 - 2017

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

MẤY BÀI THƠ ĐĂNG TRÊN FB

1-        VÔ ĐỀ

Chùm bằng lăng sót lại
Nhạt nhòa tháng hè qua
Trải một thời tím biếc
Nhuộm thời gian phôi pha

Trên đường tản bộ, 14/6/2017


2-        TÌNH QUÊ


Ông mụ già lẳng lặng tựa vào nhau
Giữa dòng đời bể dâu dãi dầu năm tháng
Bãi biển Cửa Lò chiều Hè chang nắng
Tình quê hương tâm khảm đong đầy

Cửa Lò, 16/6/2016

3-        KHÁM BỆNH ĐỊNH KỲ
Đến hẹn vào khám 108
Lục phủ ngũ tạng có sao không
Huyết áp, tiểu đường, bao chỉ số
Cái cao, cái thấp, cái thất thường !
Tuổi già rệu rão âu là thế
Dặm trường ròng rã mấy mươi năm
Đã sinh ra ở trong trời đất
Có ai khỏe mãi với thời gian !
Đời đã qua thăng, thời có thoái
Nẻo dặm xa xen lẫn buồn vui
Cái phải đến, trước sau sẽ đến
Cái đã qua ... mãi mãi qua rồi !
Định kỳ lại đến 108
Vòng qua một lượt mấy chuyên khoa
Cữu bệnh trước sau rồi vẫn thế
Bác sỹ an lòng, bác khỏe ra !
Xin cám ơn " thầy thuốc mẹ hiền "
Giúp cho cuộc sống đặng an nhiên
Ngày nối ngày vui cùng bằng hữu
Bệnh buông, rũ hết thảy ưu phiền !

Viện 108, ngày 13/6/2017

4           - ĐI - VỀ

Ra đi chàng trai tròn mười sáu tuổi
Nay về thành lão chẵn bảy mươi
Trời còn cho tiếp bao lần nữa
Về thăm quê ấm áp tình người
Phiêu diêu góc bể chân trời
Tình quê hương gắn tình đời chiến binh !

Cửa Lò, 12/6/2017

5 - BÊN XÁC VỎ HỔ
Hai ông mụ vờn bên lưng hổ
Có gì đâu pô ảnh lấy vui
Xương cốt đã thành cao thuốc bổ
Còn đây xác vỏ giữa đời

12/6/2017



6 - TẢN BỘ VEN BIỂN

Kìa bao người yêu mới
vờn nhau ngoài sóng xanh
Ông mụ già xung xênh
bên nhau bờ cát trắng

Cửa Lò, 12/6/2017

7 - TRƯA HÈ CỬA LÒ

Trời và biển một màu ngọc bích
Nắng vàng cát trắng hàng cây xanh thắm biếc
Đảo Hòn Ngư trầm mặc với thời gian
Ta đắm hồn man mác
giữa cảnh trí thiên nhiên !

Cửa Lò, 11/6/2017



8 - GIỖ

Ngày Giỗ Mẹ Giỗ Cha
Con cháu về đông đủ
Giỗ xong vắng cửa nhà
Đi bao miền xa xứ !

Đại Xá, 11/6/2017


9 - LÀNG TÔI

Đại Xá làng tôi có tự bao giờ
Chốn tiên tổ sinh cơ lập nghiệp
Nơi Ông Bà Mẹ Cha đời nối đời kế tiếp
Tảo tần làm ăn bồi đắp quê hương
Mảnh đất thiêng neo giữ tấm lòng chung !



Đại Xá, 4/ 6/2017






10 - QUÊ HƯƠNG

Đêm tháng Năm nằm trên đất quê hương
Kỷ niệm tuổi thơ ập ùa nỗi nhớ
Di ảnh Mẹ Cha linh thiêng còn đó
Ngước nhìn con trìu mến yêu thương
Mảnh vườn xinh lối ngõ nhỏ đầu thôn
Nâng bước chân con từ ngày thơ bé
Con thả gót nhiều chân trời góc bể
Mà về đây bao cảm xúc dâng trào
Tưởng nhớ Mẹ Cha
Tìm về thời thơ ấu nôn nao !

Đại Xá, 4/ 6/2017


11 - DẤU VẾT THỜI GIAN
Gương mặt lão
Những ngày vô Huế
Hoài niệm suy tư
Nẻo cũ xa vời ...
Dấu vết xưa
Qua thời xuân trẻ
Xác thời gian
Hiển hiện ... mặt người !

Huế, 21/5/2017


12 - DU THUYỀN SÔNG HƯƠNG

Đêm tháng năm
Thuyền rồng nhẹ lướt
Trên dòng Hương giang
Giọng ca hoà nhịp phách ...

Sực nhớ đến bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ thuở xưa:
" Đêm khuya một chiếc thuyền lan
Một o gái Huế một quan đại thần
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lại tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lại ngầy ngà như con ".

Vậy, xin thưa rằng:
Chuyện xưa cụ nói rành hay
Thực hư hư thực đêm ngày có không
Nay dân được ngự thuyền rồng
Dăm o gái Huế tưng bừng hát ca!

Huế, 19/5/2017







13 - NGẪU HỨNG

Mùa đông năm ngoái chẳng rét
Mùa hạ năm nay lạnh lùng
Lạ thay, khí hậu thời tiết
Đảo chiều ngẫu hứng lung tung

Hà Nội, 19/5/2017


14 - CẢNH NHÀ

Một khóm địa lan
Hai hàng nguyệt quế
Xen mẫu đơn với thiết mộc lan
Thêm hai khóm kim tiền
Quanh nhà tôi vẫn thế
Bấy lâu nay !


17/5/2017