Menu ngang

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

ANH CHƯƠNG

Trưa qua, 11/8/2018, tôi thấy điện thoại báo tin nhắn trên mesenger : “ Chào anh bạn ! Còn nhớ bên nhau một thời môn thục tàu bay không ?”. Nhìn ảnh đại diện thì chỉ là một cháu bé gái. Tôi nghĩ, người này chắc chắn là cùng đơn vị cũ & phải hơn tuổi mình, nhưng tên là Nguyễn Đình Chương thì lạ hoắc. Tôi lục tìm trong bộ nhớ mà không nhận ra là ai. 
Sợ ai đó nhận nhầm người & phòng sự thất thố, khiếm nhã trong xưng hô, tôi đành nhắn lại như một phép thử thăm dò: “ Tôi chưa nhận ra anh. Trước đây, tôi ở Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên “.

Tức thì, trên mesenger hiện lên dòng chữ “ Tôi là Nguyễn Đình Chương trước đây cùng công tác với anh ở Tiểu ban Quân lực Ban Tham mưu Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên ... “. Tiếp đó, anh đăng bài thơ khá dài do anh ấy tặng tôi vào tháng 3 năm 1968.
Tôi mừng quá và trả lời anh ấy ngay: “ Ôi ! Anh Chương thì sao em quên được! Nhưng tại sao trước đây anh là Nguyễn Thanh Chương nay thành Nguyễn Đình Chương ? Em còn nhớ bài thơ em tặng anh như thế này: Thanh Chương anh ấy quê tỉnh Hà / Cẩm Xuyên huyện nọ có đâu xa / Cẩm Huy là xã người tri kỷ / Tới xóm Huy Công bước tới nhà ! “
Anh Chương viết : “ Mình chính thức họ Nguyễn Đình, trong lý lịch là thế. Nhưng để giải quyết “ khâu oai “, trong quan hệ mình hay tự nhận là Thanh Chương. Chính vì sự vớ vẩn đó mà khi ông Lê Văn Xảo viết Giấy chứng nhận bị thương ghi là Nguyễn Thanh Chương. Khi phục viên về địa phương mình gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng chính sách ... “.

Vậy là, đêm qua trong ký ức tôi ập ùa hiện về bao kỷ niệm xưa.
Tháng 12-1967, theo Quyết định của Thủ trưởng Trung đoàn 29 ( sau đó đổi phiên hiệu là Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên ), chia tay đồng đội nhiều năm sát cánh chiến đấu ở Tiểu đoàn 7, tôi nghẹn ngào khoác ba lô lên Trung đoàn bộ nhận nhiệm vụ ở Tiểu ban Quân lực. 
Tiểu ban ngày đó có 5 người: Ông Ngô Trí Thướng là Trưởng tiểu ban, quê Lam Sơn ( Đô Lương, Nghệ An ); Các trợ lý gồm: Lê Văn Xảo quê Thiệu Quang (Thiệu Hoá, Thanh Hoá ), Phí Văn Mao quê Lập Thạch ( Phú Thọ ), Nguyễn Thanh Chương quê Cẩm Huy ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) & tôi. 
Ông Thướng là bộ đội thời chống Pháp, ngày đó đã hơn 40 tuổi. Các anh Xảo, Mao, Chương đều hơn tôi từ 6 đến 10 tuổi.

Tôi nhận nhiệm vụ được 3 ngày thì đơn vị hành quân cấp tốc vào đánh Huế trong Chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Bước sang tuổi 20, mặc dù đã trải qua chiến đấu 3 năm ở chiến trường, nhưng công việc ở cơ quan đối với tôi là hoàn toàn mới mẻ. Các anh trong Tiểu ban Quân lực và Bộ Tham mưu đều coi tôi như đứa em út. Các anh lớp trước đã tận tình bảo ban, hướng dẫn tôi mọi việc rất cụ thể. 
Ông Nguyễn Hoán, Tham mưu trưởng Trung đoàn, quê ở Cẩm Thăng ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ), vốn trước đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 - lúc tôi là Liên lạc rồi Trinh sát. Ông Hoán thương quý coi tôi như con trai. Lúc ấy ông vừa tròn 40 tuổi. Thỉnh thoảng gặp tôi, ông cà bộ râu quai nón lởm chởm do lâu ngày không kịp cạo lên trán tôi ... Ông Hoán hy sinh năm 1970 tại một cánh rừng gần Đường 12 ở phía Tây tp Huế, khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng dẫn một bộ phận cán bộ chủ chốt và trinh sát đi địa hình, bị máy bay trực thăng vũ trang phát hiện, bắn rốc két.

Thời kỳ Trung đoàn chiến đấu ở tp Huế và vùng Bình Điền ( Hương Trà, Thừa Thiên ), tôi và anh Chương được ông Ngô Trí Thướng bố trí công tác bên nhau, với rất nhiều kỷ niệm trong ác liệt, gian khổ.
Còn nhớ, lần hai anh em đi nhận 1 tiểu đoàn tân binh từ miền Bắc vào bổ sung cho đơn vị. Nhận quân bàn giao tại một Trạm Giao liên Đường 559 xong, chúng tôi tổ chức chỉ huy hành quân theo trục đường tạt về tây Thừa Thiên. Đến chập tối, cả đơn vị dừng lại nấu cơm ăn theo từng tiểu đội. Chẳng may, có tiểu đội lợi dụng một hốc cây làm bếp. Đó là loại cây họ dầu cao vút giữa rừng. Thế rồi lửa bén cháy dọc theo thân cây. Đang giữa mùa khô, đám lửa mỗi lúc một to. Hai anh em chúng tôi bàn với nhau: Lệnh cho toàn thể đơn vị thu dọn đồ đạc di chuyển ngay, bất luận ăn hay chưa!
Khi cả tiểu đoàn vừa rời khỏi đó chừng 2 km, thì máy bay phản lực Mỹ ập đến ném bom tới tấp. Anh em tân binh chân ướt chân ráo từ miền Bắc mới vào chiến trường được phen hú vía. Nếu không cấp tốc di chuyển ngay, chắc số thương vong sẽ không ít. Gần 500 quân ngày đó, bây giờ có ai còn sống ở phương trời nào đó, chắc chưa quên chuyện này.
Lần khác, máy bay B 57 thả bom tọa độ trúng chỗ trú quân ở khu rừng thưa gần ngã ba Hương Trà. Có hai chiếc hầm bị bom vùi lấp khá sâu. Bom ngớt, anh Chương và tôi mỗi người một cái xẻng ra sức đào bới. Nhưng khi bới tới nơi, thì mấy chiến sỹ đã chết ngạt, chân tay co quắp. Chúng tôi dùng xẻng đào huyệt an táng anh em tại chỗ. Tìm quanh không có tăng ni lông hoặc võng để bọc. Mà chúng tôi cũng không biết họ tên, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ đó.
Đến tháng 6/1968, tôi được điều về Đại đội 20 Đặc công. Anh em chia tay nhau.
Tháng 5/ 1969, Trung đoàn tôi chiến đấu ở A Bia. Một hôm cán bộ phái viên Quân khu về làm việc. Anh Chương nhường hầm trú ẩn cho phái viên, lên ngủ hầm lộ thiên ( không nắp ). 
Đang đêm ngủ bị quả pháo của địch bắn gần đó, anh bị thương vào chân.

Anh Chương là người nhân đức, thông minh, cương trực, giàu nghị lực phấn đấu. Anh thích làm thơ, có nhiều bài hay.
Ra Bắc điều trị, an dưỡng xong, năm 1970, với bậc quân hàm Thiếu uý, cấp trên giải quyết cho anh phục viên về quê làm ruộng.
Khi anh cầm tờ Quyết định phục viên về quê, thì chị Trần Thị Thu Trúc vợ mới cưới của anh nhận được Giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm. Chị định bỏ không đi học Đại học nữa, ở nhà cùng. Nhưng anh động viên chị lên đường với lời hứa là anh sẽ cố gắng học để thi đậu Đại học.

Trước khi nhập ngũ, năm 1962, anh đang học dở Lớp 9. Phục viên về quê, mặc dù đã 28 tuổi, anh vẫn nhẫn nại xin đi học lại. Tuổi nhiều xấp xỉ giáo viên. người cao to, cùng ngồi trong lớp với các em học sinh, anh nói, lắm khi ngượng lắm. Có bữa đi học về gặp bà con xã viên đi làm, anh đã tránh sang đường khác. Khi không có đường tránh, thì anh đút sách vở vào túi quần, coi như đi đâu đó về.
Cứ thế, anh cắn răng chịu đựng được 2 năm qua Lớp 9 & Lớp 10.

Tốt nghiệp Phổ thông, anh thi đỗ vào học Khoa Kế hoạch Trường Đại học Kinh tế quốc dân ( ngày đó gọi là Đại học Kinh tế Kế hoạch ). Năm 1979, tốt nghiệp, anh về công tác ở Hà Tĩnh.
Năm nay anh đã 77 tuổi, nghỉ hưu ở quê. Chị Trúc - vợ anh - cựu giáo chức nghỉ hưu, nay đã 70 tuổi. Anh chị có 3 người con . Con cái thành đạt, hai ông bà ở với nhau.
Anh Chương bị thương vào chân nên đi hơi tập tễnh. Anh hài hước nói vui rằng, sự tập tễnh này như một cái dấu chấm phẩy ( ; ) giữa cuộc đời. Quả thật, sau khi bị thương, cuộc đời anh bước sang một khúc đoạn khác. Cuộc đời trải ra như một câu văn xuôi, mà vết thương là cái dấu chấm phẩy ( ; ) ngắt câu sang đoạn khác.
Tôi nhớ, cách đây gần 50 năm, trong một lá thư từ quê anh gửi cho tôi kèm theo một bài thơ khá dài, trong đó có đoạn : 
“ Đã mang mơ ước ra đi / Anh hùng chí lớn nam nhi vẫy vùng / Một xanh cỏ, hai anh hùng / Ai ngờ gẫy cánh nửa chừng khổ thay / Chim trời ngang dọc cứ bay / Còn ta rơi giữa ruộng cày dở đang ... “.

Tôi nghĩ : Anh dẫu có dở dang đời binh nghiệp, nhưng bằng nghị lực của mình, anh đã giành lại sự trọn vẹn ! 
Đời chặn ta lối này, ta rẽ sang lối khác - miễn là cuối cùng tới đích.

Mới ngày nào chung sống bên nhau trong bom đạn ác liệt, thiếu ăn, thèm muối, sì sụp bên nồi cháo môn thục, lá tàu bay với lơ thơ một nhúm vào mà vẫn phơi phới khát vọng tuổi đôi mươi. Mà tới nay anh đã là U 80 & tôi cũng đã ngoài bảy chục - những ông CCB già thích nhớ chuyện xưa & ngẫm thế thái nhân tình thời nay.
Ôi ! Thời gian cứ lẳng lặng trôi xuôi, chẳng bao giờ đợi chờ ai.
Kính chúc anh chị “ Vui thú điền viên / Bách niên giai lão !”.
CHÍNH TRỊ CHỈ LÀ CHUYỆN LỢI ÍCH

                                                 Tác giả : Phan Chi 

Bạn có thể yêu hoặc ghét Trump, Putin, Tập. Yêu người này ghét người kia hoặc ngược lại.
Cái sự yêu ghét đó phụ thuộc vào bạn là ai, quyền lợi cá nhân và quyền lợi dân tộc của bạn là gì, khả năng xét đoán diễn biến quan hệ quốc tế luôn phức tạp và khó lường hiện nay của bạn ra sao.
Lãnh tụ các nước lớn tồn tại ngoài tình cảm và chính kiến của bạn. Bạn ghét Tập đến mấy thì Tập vẫn là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Họ tồn tại và thống nhất với nhau ở điểm quan trọng nhất: họ bảo vệ quyền lợi dân tộc họ. Trump vì một nước Mỹ mạnh mẽ như đã từng, Tập vì Trung Hoa vĩ đại đứng trung tâm thiên hạ, Putin mong phục hồi đế chế Nga nằm vắt dài từ châu Á sang châu Âu.
Dẫu họ có tuyên truyền thế nào đi nữa, không bao giờ có chuyện họ hy sinh quyền lợi dân tộc mình vì dân tộc khác.
Mỹ từng ủng hộ, giúp đỡ Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loạn, Philippines, VNCH, Thái lan... là để hình thành vành đai bao vây và đối phó với hệ thống XHCN, cụ thể là Trung Quốc ở châu Á.
Mỹ đổ tiền, đổ máu vào cuộc chiến tranh Việt Nam là tham gia vào cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai phe TB và XH. Khi Mỹ tìm ra cách khác đối phó với Liên xô và Trung Quốc, Mỹ sẵn sàng bỏ rơi VNCH năm 1975.
Không khác mấy, Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ trước hết là đưa chiến trường ra khỏi đất Trung Hoa. Họ trực tiếp đánh Mỹ trên đất Triều Tiên năm 1953, rồi mong muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng trên đất Việt Nam.
Đến khi họ thấy không đánh Mỹ mà tận dụng thị trường và công nghệ hiện đại của Mỹ, tóm lại là chơi thân với Mỹ, là tốt hơn cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá của họ, họ sẵn sàng bán đứng VIệt Nam, thậm chí mang quân xâm lược Việt Nam năm 79 và tiến hành chiến tranh biên giới trên đất liền và trên biển nhiều năm tiếp theo để làm sính lễ giạm ngõ Mỹ.
Bạn có thể có thiện cảm hoặc ác cảm với cá nhân lãnh đạo nước ngoài nhưng không nên mơ hồ hy vọng ông này đánh ông kia để bảo vệ bạn. Họ đánh nhau vì quyền lợi của chính nước họ, không hơn không kém.
Nếu bạn chứng minh được quyền lợi của bạn nằm trong quyền lợi to hơn của họ thì may ra họ mới động chân động tay bảo vệ biển Đông “giúp” bạn. Và cái giúp đó có giá của nó, cái gì cũng có giá cả. Bạn có trả nổi cái giá đó không?
Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, rồi còn với Nga và với cả thế giới. Đừng vội vui mừng, nên quan sát thêm một chút nữa bởi mọi cuộc chiến tranh trong phạm vi toàn cầu sẽ không cho ai đứng ngoài cuộc về quyền lợi cũng như thiệt hại.
Rất thú vị là nước Mỹ tìm được cho mình một vị tổng thống hiểu sâu sắc rằng thị trường là chiến trường. Hơn ai hết Trump biết thị trường quyết định kinh tế, kinh tế quyết định chính trị, ngoại giao.
Trump không coi ai là bạn vàng, cũng không coi ai là kẻ thù. Tao buôn bán có lãi với mày - mày là bạn, nếu mày có lãi, tao bị thiệt - mày là kẻ thù.
Các dân tộc lớn đẻ ra những người con vĩ đại.
Lão Hâm tôi đau đáu một điều:
- Bao giờ dân tộc Việt Nam mình sản sinh được một nhân vật xuất chúng, có thể không bằng các ông Trump, Putin, Tập... thì cũng gần bằng, để đưa đất nước Việt Nam vượt qua giai đoạn phức tạp và hỗn loạn hiện nay, tiến lên bằng mức tương xứng với tiềm năng của chúng ta trên trường quốc tế?
ĐÔI ĐIỀU VỀ ÔNG BÙI TÍN

( Theo các hãng thông tin, ông Bùi Tín đã từ trần vào ngày 11/8/2018, tại Pháp, hưởng thọ 92 tuổi ).

Với người đã quá cố - bất luận là ai, chính kiến thế nào - tôi đều nghiêng mình vĩnh biệt !
Tôi biết ông - biết thôi không quen thân - từ khi ông còn là Phó Tổng biên tập Báo QĐND, rồi Cục phó Cục Tuyên huấn TCCT. Ngày đó, tôi kính phục ông. Không phục sao được. Khi ông là một trong những Nhà báo đầu tiên bước vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975, chứng giám sự kiện lịch sử của dân tộc sau 30 năm trường kháng chiến : Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Và sau đó không lâu, ông là 1 trong 3 Nhà báo của nước ta : Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Thành Tín ( Bùi Tín ) được Hội Nhà báo thế giới ( OIJ ) tặng giải thưởng.
Khi ông sang Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, tôi lại từng say mê đọc loạt bài của ông đăng trên Nhân dân cuối tuần bàn về công cuộc Cải tổ ở Liên Xô do Goocbachop phát động và lãnh đạo.
Tháng 7 năm 1987, Nhà báo Duy Phục có đặt tôi viết bài Xã luận trên báo Nhân dân cuối tuần.
Viết xong, tôi cùng anh Duy Phục lên thông qua ông. Sau khi anh Duy Phục giới thiệu tôi, ông niềm nở nói và đổi cách xưng hô: “ Chú là cấp dưới trực tiếp của ông già vợ cháu đấy. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, thì chú là Chính trị viên Tiểu đoàn. Ông ấy là người vừa tốt, vừa giỏi đấy. Hồi ấy, chú và mọi người quý ông lắm !”.
Năm đó ông tròn 60 tuổi, còn tôi mới 39 tuổi, xưng hô chú cháu cũng không có gì là lạ. Nhìn vóc dáng ông, người chắc đậm, trán hói, để tóc dài kiểu nghệ sĩ - điều ít thấy đối với lớp lứa cán bộ lãnh đạo cùng thời. Ông cầm bút giương mục kỉnh, duyệt bài rất nhanh, trực tiếp sửa mấy từ, chỉ trong vòng khoảng 10 phút là xong. Sau đó, ông trao bản thảo cho tôi với lời khen: Cháu viết như thế là tốt!
Thế rồi, khi công tác ở Văn phòng TCCT, qua giao ban, tôi biết, ông Bùi Tín được cử đi công tác ở Pháp & trốn ở lại như một kẻ đào nhiệm.
Lúc đầu khi mới sang Pháp, các bài báo của ông mới dừng lại ở tính phản biện. Nhưng sau đó, tuồng như phản ứng lại dư luận trên phương tiện truyền thông trong nước, và cũng không biết có nguyên nhân gì nữa, ông bước hẳn sang đối đầu - Đặc biệt là, có những loạt bài viết quá đà, lệch sai lịch sử như một kẻ trở cờ, phản bội. Phản bội chứ không phải phản động. Ở đời, theo tôi, sự phản bội nguy hiểm & đáng ghét hơn kẻ phản động. Kinh nghiệm xương máu của những người lính chiến chúng tôi khi ở chiến trường đều có chung suy nghĩ như thế !
Ngay từ khi ông ra đi & tuyên bố nọ kia, tôi đã nghĩ thế này : Giá như, Nhà nước ta đừng phản ứng gì cả. Cứ kệ, để ông muốn nói gì thì nói. Nói chán rồi thì thôi. Hãy chờ đến khi ông về nước. Có điều gì bất đồng chính kiến thì tranh luận phải trái một cách sòng phẳng, thẳng thắn, trực diện, chắc chắn là cũng chưa muộn. Nhưng khi ông vừa qua cầu, ta đã vội rút ván, chặt cầu. Nghĩ không còn đường trở lại, không thể “ quay đầu là bờ ”, ông Bùi Tín quay sang chống đối quyết liệt. Và biết đâu trong những điều ông nói ra, khi tự mình nghĩ lại, chắc ông cũng sẽ sám hối. Nhưng mà sự đã rồi. Mù quá hoá mưa!
Cũng có người lập luận: Nếu hồi đó, các cơ quan tuyên truyền & báo chí không kịp thời đập lại các bài viết của Bùi Tín, thì không định hướng được dư luận xã hội, dễ lung lạc lòng dân!
Tôi thì nghĩ rằng: Luận điệu tuyên truyền chống phá ta của các lực lượng đối địch - không riêng gì Bùi Tín - là điều muôn thuở. 
Nếu chỉ vì nghe giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống đối muôn hình, muôn vẻ trên xa lộ thông tin của các thế lực chống đối mà lung lạc, buông xuôi, thì chẳng còn gì đến ngày hôm nay!

91 năm đi qua cõi trần, chẳng biết những năm cuối đời ông sống ra sao, bằng nguồn gì? Và khi ông nhắm mắt xuôi tay ở xứ người, không biết có bao nhiêu người tiếc thương đến phúng viếng, đưa tiễn ông về chốn vĩnh hằng. Ông đành phải gửi lại nắm xương tàn trên đất khách. Không biết bia mộ ông sẽ ghi thế nào đây ! Và hậu thế sẽ nói & viết về ông ra sao ?!
Thôi ! Bây giờ ông đã rời cõi tạm. Sự đúng sai của ông trong 30 năm cuối đời sẽ thế nào, hãy để cho nhân dân & lịch sử phán xét một cách công bằng, khách quan.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy: Nhận thức là một quá trình !
LẠI BÀN VỀ THAM NHŨNG

Ai cũng nói tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ tồn vong của chế độ.
Đảng đã có nhiều NQ, Nhà nước đã có Luật PCTN và có biết bao văn bản, rất nhiều chiến dịch, triển khai nhiều giải pháp, thành lập nhiều cơ quan chuyên trách … Nhưng hầu như tham nhũng chẳng những không bị đẩy lùi mà còn phát triển hơn, qui mô lớn hơn, trắng trợn hơn, tinh vi hơn.
Trong tham nhũng, thì tham nhũng cơ chế chính sách và tham nhũng chức quyền là nguy hại nhất. Tham nhũng cơ chế chính sách là: Tạo ra cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho nhóm lợi ích. Tham nhũng chức quyền là bọn nhiều tiền mà cơ hội, bất tài, thất đức, chui vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp. Và chắc chắn, khi đã chui vào rồi, bọn chúng sẽ là sâu dân, mọt nước. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền,“ thương mại hóa công tác cán bộ” khá phổ biến. Đến mức, người dân nói với nhau : Chức này chạy hết bao nhiêu, chức kia hết bao nhiêu.
Chức quyền là phương tiện để khai thác lợi ích. Logic là : Có tiền là có chức, có chức là có quyền, và có quyền là có lợi ích. Khi đã đầu tư tiền để chạy được chức rồi - nghĩa là thắng thầu rồi - thì ngay lập tức bằng nhiều chiêu trò sử dụng cái chức ấy để khai thác kịp hoàn vốn và tạo ra sinh lời. Và rồi họ lại chuẩn bị cho việc " đầu tư " một chức quyền lớn hơn.
Việc này, mọi người đều biết, các đồng chí lãnh đạo cũng đã nói nhiều, tại sao không mấy chuyển biến.
Có thể nói, tham nhũng xuất phát từ bản năng con người, nó là sản phẩm tất yếu của mọi chế độ. Vấn đề là, cần tìm ra nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của quốc nạn này để có kế sách đặc trị hiệu quả hơn.
Tôi nghe nói, ở Singapore, từ thời ông Lý Quang Diệu đã thiết lập một cơ chế mà mọi người không cần tham nhũng và không thể tham nhũng được.
Có một hiện tượng mà nhiều người thật sự băn khoăn, bán tin bán nghi, khó phân biệt đúng sai: Đâu là sự tham nhũng đích thực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền. Và, đâu là luận điệu tuyên truyền chống phá, bôi nhọ của địch.
Còn tôi - Tôi khẳng định là: Không bao giờ được nhân danh chống tham nhũng, chống tiêu cực, để ủng hộ, để cổ súy và trở thành đồng minh không tự giác của bọn chống Đảng, chống chế độ, chống phá thành quả cách mạng dưới mọi màu sắc, tên gọi.
Ngược lại, bất cứ ai, cũng đừng bao giờ nhân danh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng để bao che cho các phần tử có chức có quyền đã tha hóa, thoái hóa trong Đảng, trong bộ máy công quyền hiện nay.
P/s : Khi tôi đăng bài này lên, có bạn nói đại ý rằng: Chống tham nhũng như lâu nay chỉ là chống cái ngọn - bắt từng con sâu - Vấn đề căn bản là cái gốc của nó - nơi đã sản sinh ra cả bầy sâu lớp trước, lớp sau. Tôi cho ý kiến đó là đúng.
Chỉ ra nguồn gốc, nguyên nhân của nạn tham nhũng; ban hành cơ chế, giải pháp chống tham nhũng hiệu quả là công việc của các cấp có khả năng và có thẩm quyền.
Với tôi - Tôi chỉ nêu ra mấy hiện tượng mà chắc rằng ai cũng biết :
Tham nhũng chỉ diễn ra trong bộ máy công quyền và các Doanh nghiệp Nhà nước. Ngân sách Nhà nước ( tiền của dân đóng góp ) và tài nguyên Quốc gia ( từ ngàn xưa để lại ) đang bị một nhóm người thao túng, chia chác. Đương nhiên, người dân không ai có điều kiện để tham nhũng.
Các doanh nghiệp tư nhân, các Công ty TNHH chẳng mấy khi có tham nhũng - Bởi không ai tham nhũng cái của mình. Các vụ án điển hình làm thất thoát hàng mấy nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước mà bị can đều là cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy công quyền. Phải chăng, " Công hữu hóa " , " Cơ chế xin cho " đã và đang là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng !

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

PHƠI TRÊN PHÂY

Hôm về quê động thổ tôn tạo Lăng mộ Cha Mẹ mình, tôi nhớ ngày 19/6 âl là Giỗ ông Cậu ruột Trần Văn Long. Cậu tôi mất năm 2001. Mới đó thôi đã 17 năm rồi.

Mặc dù có số máy của các em, nhưng tôi không báo trước. Thế mà, khi ngồi xe máy cùng chú em đi gần 30 cây số, vừa bước chân tới cổng nhà, các em đều niềm nở nói : 
- Chúng em biết, hôm nay thế nào anh cũng lên đây Giỗ Cha.
- Anh không báo trước, làm sao các em biết. Tôi hỏi lại. 
- Ồ ! Lịch trình hằng ngày anh đi đâu, làm gì đều hiện trên Phây cả mà. Đêm qua, chúng em đọc Phây, thấy anh về quê làm Lăng cho Dượng & O. Chắc thế nào, hôm nay anh cũng lên đây dự Giỗ Cha. 
Mấy em gần như đồng thanh nói vậy.


Quả thật, khá lâu nay, hành tung của tôi đều phơi lên Phây hết thảy. Nhiều bạn hữu thân thiết cũng nói về tôi như thế. Mà tôi thì coi đó như một thú vui để kính cáo với bạn bè xa gần, cũ mới rằng: Tôi đang là thế. 

Sự việc có sao nói vậy, kèm theo cảm xúc, suy nghĩ riêng - Tôi coi đó là những trang viết lưu lại kỷ niệm cho riêng mình. 
Ai đọc và có nghĩ, có bình thế nào là tùy. 
Đa dạng là thuộc tính của xã hội !
Và tôi có mấy câu thơ con cóc như sau :


Đi đâu phơi lên Phây tất cả
Tôi coi Phây - nhật ký tuổi già 
Với bao dòng lưu bút nhởn nhơ 
Khi đọc lại trang đời vui đáo để !
CHUYẾN XE ĐÊM MƯA

Đúng 14h15 phút, 31/ 7 / 2018, chuyến xe Số 03 Hãng xe giường nằm Phúc Lợi lăn bánh tại Quán Hành (Nghi Lộc, Nghệ An).
Theo lịch trình như lâu nay, thì khoảng 19 h 30 xe đến Bến Nước Ngầm ( Hà Nội ). 
Nhưng lần này không như thế.

Các tỉnh Bắc Bộ & Hà Nội chiều tối nay mưa to. Xe lưu hành trên Quốc lộ 1 A về Hà Nội bị nghẽn tắc do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do nước ngập đường.
Mãi tới 21 h 30, xe mới đến Bến Nước Ngầm. Trước khi vào Bến, chỉ cách có một quãng đường rất ngắn mà xe phải nhúc nhích từng đoạn giữa những đoàn xe chen chúc nhau như mắc cửi.
Khi xe dừng bánh trong bến, nhân viên trên xe thông báo: 
“ Thưa bà con hành khách, vì đường tắc do trời mưa to, nên xe trung chuyển từ đây về 71 Khuất Duy Tiến chưa thể lên kịp. Đề nghị bà con ngồi đợi trong xe khoảng 30-40 phút nữa !”.

Tôi nhảy xuống xe tìm tắc xi để về. Nhưng tắc xi không được vào bến. Trời mưa to, đi ra ngoài xa hơn thì sẽ bị ướt. Tôi quay lại lên xe ngồi đợi như nhiều hành khách khác.
Bến xe giữa đêm mưa mờ ánh điện, xe liên tiếp vào ra, tôi ngó quanh chẳng có hàng quán gì. Bụng đói meo. Trưa nay mặc dù dự đám Giỗ ông Cậu, nhưng lâu ngày anh em gặp nhau hàn huyên chuyện trò là chính & chúc tụng nhau đôi ba chén rượu quê vui vẻ, thân tình.
Mãi tới 22 h 30 phút, xe trung chuyến mới tới đón về 71 Khuất Duy Tiến. 
Tiếp đó, con gái tôi đặt tắc xi Grab cho cha về nhà. 
Đúng 23 h, tôi mới lủng lẳng xách ba lô vào nhà.

Quá bữa, chỉ mệt mà không cảm thấy đói nữa. May là, con gái nhà ở gần mua sẵn cho bát cháo ngon đưa sang, dễ nuốt. Ăn uống xong đã ngót 12 giờ đêm. 
Kết thúc một ngày.

Trên đường đi, biết tôi bị kẹt xe trong đêm mưa, nhiều người thân suýt xoa thương than tôi khổ!
Tôi thì quen rồi, đó là chuyện bình thường. Chẳng qua là do Trời mưa thôi. Có gì đâu mà khổ! Vả lại, đây là việc của mình, kêu với ai, kêu để làm gì. Ở đời, sướng hay khổ, phần nhiều do quan niệm mà thôi.

Từ đầu năm đến nay về quê nhiều lần, nhưng duy chỉ có lần này là thế. Thật đúng: “ Thiên thời “ là yếu tố đầu tiên của mọi việc, thứ đến mới là : “ Địa lợi “ & “Nhân hoà”.
Chuyến xe đêm mưa có nhiều cám xúc !
GIỖ CẬU

8 h 30 phút sáng nay, 31/7/2018, nhằm 19/6 âl Mậu Tuất, sau khi bàn bạc thống nhất quy cách với thợ nề trong việc tôn tạo Lăng mộ tại Nghĩa trang, tôi và chú Nguyễn Anh Đào em trai đi Giỗ ông Trần Văn Long cậu ruột chúng tôi tại xã Nghi Kiều, cách nhà ngót 30 km. 

Trời không nắng lắm & có gió mát, anh em lai nhau đi xe máy. 9 h 30 mới tới nhà trên lừng chừng một quả đồi thoai thoải.


Ông Trần Văn Long ( 1926 - 2001 ), là con út của Ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi là áp út, hơn cậu 7 tuổi. Trong những người con của Ông bà ngoại, có thể do lớp lứa tuổi tác, nên sinh thời Mẹ tôi và Cậu thương nhau nhất.

Ngay từ thuở còn bé đến tận sau này, 5 chị em chúng tôi luôn nhận được ở Cậu tình cảm quý mến.
Khi thắp hương, ngước lên bàn thờ nhìn di ảnh Cậu Mợ, lòng tôi ngậm ngùi hồi tưởng những kỷ niệm xưa.

Cậu Mợ tôi đông con, nhiều cháu. Các con Cậu Mợ đã thành gia đình riêng, sống nền nếp, hoà thuận, thương yêu, tương trợ nhau trong cuộc sống. 
Từ xưa đến nay, trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn cảm nhận thấy điều đó.

12 h, chúng tôi chia tay các em, các cháu nhà Cậu Mợ, quay về Quán Hành. Khi tôi ra về, tiết trời nắng nóng, các em, các cháu cám cảnh ông già, “ bắt “ phải đi ô tô, để xe máy lại, các cháu đưa về sau.
14 h 15, lại lên xe giường nằm Phúc Lợi từ Quán Hành quay về Hà Nội.
LẠI VỀ QUÊ

Theo kế hoạch tôn tạo Lăng mộ Cha Mẹ tôi nhằm tri ân, báo hiếu trong dịp Tháng Bảy âl, sáng nay, 29/7/2018, tôi lại về quê để kịp ngày mai cùng hai chú em trai tiến hành động thổ.
Chỉ có 300 km mà tôi phải lên xuống mấy lần xe :

- 8 h, đi tắc xi từ nhà ra Văn phòng xe Phúc Lợi ở 94 phố Mỹ Đình;
- 8 h 20, cùng mấy hành khách lên tắc xi do Văn phòng thuê đưa đến Văn phòng Xe Phúc Lợi ở 71 phố Khuất Duy Tiến;
- 8 h 40, đi xe trung chuyển của hãng Văn Minh lên xe giường nằm đậu ở Bến Nước Ngầm;
- Đúng 9h30, chính xác tuyệt đối, xe lăn bánh;
- 14 h 30 xe đến điểm đỗ ở ngã ba Quốc lộ 1 - Nam Cấm. Lên xe trung chuyển về thị xã Cửa Lò;
- 14 h 45 lên tắc xi từ Cửa Lò về nhà.


Tuổi già, tay xách nách mang lỉnh kỉnh mấy thứ lặt vặt, lên xuống xe mấy lần, lại giữa tiết trời nắng nóng oi nồng, kể ra cũng mệt. Nhưng tôi quen thế rồi, chẳng sao. Vả lại, đây là việc của mình, kêu với ai, để làm gì ! Hơn nữa, thời gian nằm rảnh rỗi trên xe tha hồ lướt MXH đọc tin & có dịp để viết đôi điều lên Fb.
Về nhà Cha Mẹ không còn, chị em thì xa, cô em dâu đi từ Quán Hành về mở cửa trước. Có vợ chồng ông anh con bác họ sang chơi.
Mọi người ra về, còn lại mình tôi với ngôi nhà vắng, rộng rãi, trống trếnh đến ngậm ngùi. 
“Xưa kia nhà chật người đông 
Bây giờ nhà rộng lại không bóng người “

Ngước lên bàn thờ, ảnh hình Cha Mẹ tôi trìu mến nhìn tôi như thầm nói :” con đã về !”. Thuở sinh thời, Cha tôi vẫn nói thế mỗi dịp tôi về.
Căn nhà này này do Ông Bà nội
làm cho Cha Mẹ tôi từ năm 1940, khi ra ở riêng. Nhà được tân tạo nhiều lần, nhưng vẫn trên dằm cũ.

( Sinh thời, Cha tôi nói rằng, khi làm nhà, có ông Hội Tuynh người làng Thịnh Trường, là dượng lấy dì ruột Mẹ tôi - là bạn đồng môn của Ông ngoại tôi khi là học trò của Cụ ngoại, sau đó hai ông cùng là con rể Cụ ngoại. Thời điểm làm nhà thì Ông ngoại tôi đã mất. Ông nội tôi mời ông Hội Tuynh ( là người biết về Nho - Y - Lý - Số ) đến xem hướng, đặt móng nhà. Vì vậy, sau này dù có tôn tạo thế nào, vẫn phải giữ nguyên hướng và nền móng đó ).
Chị em chúng tôi sinh ra, lớn lên trong căn nhà này. 
Mảnh vườn nhà là nơi chôn rau theo đúng nghĩa đen.
Phía trước nhà cách 50 mét là Nhà thờ Tiểu chi họ - nơi thờ Cụ tổ 7 đời Nguyễn Đình Tín và các bậc Chư tổ.

Nhìn quanh một lượt, tôi rưng rưng hồi tưởng về bao kỷ niệm của một thời thơ ấu & niên thiếu. Tôi hít thật sâu bầu không khí quê Cha đất Tổ và mường tượng, mình đang khứ hồi quay về tuổi thơ nghèo khó đạm bạc mà ấm áp tình cảm.
Và bây giờ vào bếp lo bữa tối cho riêng mình. Một ngày lênh đênh trên đường khá mệt, nhưng bù lại có nhiều cảm xúc !
ĐẠI TƯỚNG VỀ HƯU ĐI XÂY CHÙA

Tối qua, 28/7/2018, ông Nguyễn Đăng Giáp TCTy 36 tổ chức gặp mặt một số đối tượng chính sách nhân dịp Ngày TBLS 27/7.
Tôi ngồi cạnh ông Ba. Theo quan hệ công tác, tôi là cấp dưới của ông mấy chục năm. Từ khi nghỉ hưu, lâu ngày không gặp lại, ông thân mật chuyện trò cùng tôi. 

Xưa nay vẫn vậy, ông là người sống dân giã, luôn gần gũi cấp dưới, không bao giờ quan cách - kể cả khi ngồi trên chót vót đỉnh cao quyền lực.

Tôi hỏi ông:
- Từ sau khi nghỉ hưu, anh Ba làm gì, ở đâu ?
Ông hồn hậu trả lời:
- Anh đi vận động bà con xây chùa ở các tỉnh Nam Bộ, chú ah!


Rồi ông từ tốn kể: “ Anh nhập ngũ từ năm 1953. Công tác ở miền Bắc chỉ hơn 10 năm. Sau đó đi chiến đấu ở trường B. Gắn bó với quân dân Nam Bộ hơn 30 năm. 

Sinh thời, ông Sáu Dân ( Võ Văn Kiệt ) có lần nói với anh là: Mọi người chúng ta đều biết, kẻ trước người sau, nhưng phần đông dân miền Nam đều có gốc tích tổ tiên ở miền Bắc. Ấy vậy mà, hầu hết các chùa chiền đền đài miếu mạo ở miền Nam đều là của người Hoa, người Chăm, người Khơ Me, ... rất ít chứng tích của người Việt. 
Cha ông ta trước đây chưa chú ý đến điều này. Nay chúng ta phải làm thôi.


Thấu hiểu điều trăn trở và cũng là ý nguyện của ông Sáu Dân, từ sau ngày nghỉ hưu, anh trở lại Nam Bộ vận động bà con đóng góp & các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ để tiến hành xây dựng Chùa. Phấn đấu mỗi tỉnh có một Chùa. Đến nay đã hoàn thành được 5 Chùa & 5 Chùa đang triển khai làm.
Kinh phí Chùa ít nhất là 160 tỷ, Chùa nhiều là 300 tỷ.
 
Các ngôi Chùa mới xây dựng đều thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông & toàn bộ Hoành phi, Câu đối đều viết bằng chữ Việt “.


Ngồi nghe ông kể, tôi thầm nghĩ: Việc công đức dựng xây Chùa của ông có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt - không chỉ với bây giờ mà đối với rất rất nhiều năm sau.

Ông là Đại tướng, AHLLVT, Thương binh Phạm Văn Trà. Năm nay ông đã 84 tuổi. Chắc chắn rằng, trong đời sống tâm linh và tình cảm, nhiều thế hệ mai sau đều tri ân, tưởng niệm Ông - người Anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc & đã có công trong đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng xã hội.

Tôi trân quý ông - anh Ba Trà kính mến !