Menu ngang

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

VĨNH BIỆT CHỊ HOÀNG THỊ TRUYỀN

Tối ngày 14/6/2019, đang ăn cơm, có chuông điện thoại thấy hiển thị chữ Tăng, tôi giật mình nghĩ ngay là chuyện chẳng lành. Trong tiếng nghẹn ngào nức nở, cháu Tăng nói: “ Chú ơi, mẹ cháu vừa mới đi lúc 7 h 10 phút”. Tôi buông đũa, dừng bữa và nói với nhà tôi : “ Chị Truyền mất rồi, anh phải gọi mua vé xe về quê ngay thôi “.
Dẫu biết rằng, chị Truyền bị bệnh hiểm nghèo đã khá lâu; các con chị hết lòng chăm sóc mẹ, mà không qua khỏi, việc ra đi của chị không ngoài dự tính của gia đình. Nhưng khi nghe hung tin, chúng tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng, đột ngột.

Tôi gọi điện hãng xe Phúc Lợi mua vé về trong đêm để kịp ngày mai dự Lễ tang chị. Nhưng là ngày cuối tuần khách đi Nghệ An đông, không còn vé. Tôi phải mua vé đi từ Bến Nước Ngầm ( Hà Nội ) vào lúc 9 h 30 phút sáng 15/6.

Đến 4 giờ chiều, qua hơn 300 km, lên xuống nhiều chặng xe, tôi mới về đến Nghĩa trang làng. Giữa một chiều hè nắng nóng, bà con họ hàng làng xóm đưa tiễn chị về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi chạy nhanh vào chỉ kịp cùng bà con xúc những nhát xẻng đất cuối cùng phủ lên quan tài chị. 

Khi đậy tấm xong tấm thiên lên mộ chị, tôi đứng thắp hương cùng cháu Nguyễn Đình Tăng, con trai chị. Tôi rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào: “ Chị ơi, em về đây kính viếng Chị. Thế là từ nay mỗi lần về quê, em không còn gặp chị nữa. Xin vĩnh biệt Chị - người em tôn kính trọn đời - Em cầu mong hương hồn Chị được sớm siêu thoát, thanh thản về miền cực lạc, phù hộ độ trì cho các cháu và bà con họ hàng ... “.

Chị Hoàng Thị Truyền sinh năm 1933, tại làng Long Trảo ( xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, NA ). Chị hơn tôi 15 tuổi. Chị về làm dâu bác Nguyễn Văn Đờn từ khi tôi còn bé. 
Hai nhà ở sát bên nhau, lại là bà con nội tộc - bác Đờn là anh em con chú bác ruột của Cha tôi - nên ngay từ thời đó cho đến tận bây giờ chị luôn dành tình cảm cho chúng tôi. Tôi kính trọng, quý mến chị. 
Chị là người đẹp nết, đẹp người. Xưa nay tôi vẫn nói với mọi người rằng: “ Chị Truyền là người con dâu đẹp nhất của chi họ chúng ta “.
Chị đảm đang việc nhà, việc họ. Anh Thuần chồng chị mất cách đây đã 30 năm. Một mình chị tần tảo nuôi dạy 5 con ăn học. Con cái dâu rể của chị đều thành đạt. Các cháu nội ngoại ngoan, học giỏi. Mọi việc trong họ chúng tôi ( phái, đại chi, đại tôn ) chị đều tham gia nhiệt tình. 

Mỗi lần chúng tôi về quê, trước ngày ra đi bao giờ cũng vậy, chị đều có quà cho các cháu. Khi thì vài chục quả trứng gà, khi thì mấy cân đậu, lạc. Giá trị các món quà đó không lớn, nhưng là thành quả lao động của chị. Và hơn thế, đó là biểu thị tấm lòng thơm thảo, tình cảm chân thành mà chị đã dành cho chúng tôi. 
Phần nhiều các lần ra với con ở Hà Nội, chị đều tranh thủ đến thăm gia đình chúng tôi, bất kể đường xa.

Xin vĩnh biệt Chị Truyền ! 
Xin chia buồn cùng các cháu.

PHÁT BIỂU TẠI CUỘC GẶP MẶT NHÂN
KỶ NIỆM  65 NĂM THÀNH LẬP XÃ NGHI HỢP
                        Ngày 16/6/2019
                      ----------------------

Kính thưa : - Các vị lãnh đạo huyện Nghi Lộc và đại diện các ban ngành!
                   -  Các vị lãnh đạo xã Nghi Hợp !      
Kính thưa :    Các vị đại biểu !
Kính thưa  :    Các cụ, các ông, các bà cùng toàn thể bà con !

Xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Mạnh Đẩu, con dân xã Nghi Hợp. 55 năm trước, năm 1964, tròn 16 tuổi, từ quê hương tôi tòng quân lên đường vào chiến trường chiến đấu, rồi tiếp tục công tác trong Quân đội ròng rã 45 năm, nay nghỉ hưu đã chẵn 10 năm.
Trước hết, xin thay mặt những người con xa quê, từ nhiều vùng miền đất nước được mời về dự Gặp Mặt 65 năm Ngày thành lập xã nhà, chúng tôi xin bày tỏ sự vui mừng phấn khởi; Xin kính chúc các vị lãnh đạo, các vị đại biểu cùng toàn thể bà con ta mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt; Chúc cuộc Gặp Mặt thành công tốt đẹp !
Kính thưa : Các vị lãnh đạo, các vị đại biểu, cùng toàn thể bà con !
Chúng tôi biểu thị sự nhất trí cao với Diễn văn do ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Bí thư ĐỦ, Chủ tịch UBND xã vừa trình bày. Qua đây, chúng tôi càng hiểu thêm về truyền thống của xã nhà trong suốt chiều dài lịch sử - Trong đó tập trung vào quãng thời gian 65 năm danh xưng Nghi Hợp ( 1954 - 2019 ). Nghi Hợp, một xã đất không rộng, người không đông, kinh tế lại thuần nông, nhưng có truyền thống tốt đẹp suốt mấy chục năm qua - cả trong thời bình và trong thời chiến.
Chúng tôi bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tích đạt được về kinh tế - xã hội trong thời gian qua của xã nhà chúng ta.
Được về dự Gặp Mặt hôm nay, chúng tôi, những người con của quê hương đang sinh sống, công tác, học tập ở các vùng miền khác nhau đều có chung một tâm trạng, một niềm cảm xúc. Đó là :
-            Chúng tôi vinh dự, tự hào được sinh ra từ quê hương Nghi Hợp - một vùng “ địa linh nhân kiệt “. Đây là quê hương của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, người anh hùng dân tộc, Danh tướng, Danh thần được hậu thế tôn vinh là “ người hai lần khai quốc”. Xã ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng LLVT
-            Chúng tôi trở về với cội nguồn quê Cha đất Tổ, chốn chôn rau, cắt rốn, là vườn ươm đầu đời, nơi in dấu biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, trong trẻo, vô tư, hồn nhiên thuở thiếu thời, nơi đầu tiên cắp sách tới trường, chập chững nâng niu từng con chữ.
-            Quê hương là cội nguồn sức mạnh tinh thần, là giá đỡ tình cảm, là nơi neo giữ hồn cốt của mỗi con người xa quê trên mọi nẻo phương trời.
Từ mảnh đất này, trong suốt mấy cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống quân bành trướng xâm lược và làm Nghĩa vụ quốc tế cao cả, nghe theo tiếng gọi của non sông, được sự động viên của lãnh đạo và bà con quê hương, với ý chí kiên cường bất khuất, 716 người Nghi Hợp đã lên đường tòng quân giết giặc. Và hàng trăm người xung phong đi dân công hỏa tuyến, gia nhập lực lượng TNXP trên các nẻo đường chiến trận.
Phát huy truyền thống quê hương, mọi người ra đi đã cống hiến tuổi xuân, vượt qua muôn vàn gian khổ ác liệt, lập nên những chiến công to lớn. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến là Trung tá, AHLLVT, Liệt sỹ Lê Văn Lẫm và Trung tá, Liệt sỹ Trần Minh Dần, …
Trong các cuộc chiến tranh sinh tử, lâu dài, quyết liệt, xã chúng ta có 120 Liệt sỹ anh dũng hy sinh và hàng trăm người bỏ lại một phần xương máu trên các chiến trường. Chúng ta mãi mãi tri ân những người con trung hiếu của quê hương, của Đất nước.
Cùng với các thế hệ lên đường chiến đấu & phục vụ chiến trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, từ mảnh đất này rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã ra đi học tập, công tác, góp phần rất xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đất nước. Trong số đó, có người trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư và rất nhiều người trở thành Tiến sỹ, Kỹ sư, Bác sỹ, Giáo viên, Nhà quản lý, Công nhân viên chức và các doanh nhân … trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung lại, dẫu ở đâu, làm gì, với mức độ khác nhau, mọi người đều có sự thành đạt nhất định trong cuộc sống và trong sự nghiệp.
Xa quê, mỗi người một hoàn cảnh, một phận số cuộc đời, nhưng đều có một tâm thế chung là luôn luôn phát huy truyền thống của quê hương : chịu thương, chịu khó, dũng cảm, cần cù, hiếu học, đoàn kết trên từng phương diện. Dù sinh sống ở bất cứ nơi nào, quê hương mãi mãi in dấu trong trái tim của mỗi con người đi xa.
    Kính thưa :
Chúng ta đều biết rằng: Sinh ra ở đời, mọi người đều có thể lựa chọn cho mình nhiều điều theo phạm vi điều kiện, khả năng cho phép. Nhưng, có hai điều là do số phận định đoạt - không ai lựa chọn được - đó là: Quê hương và Cha Mẹ. Đó là cội nguồn mà mọi người đều không thể chê trách bất cứ điều gì.
Đúng như câu hát “ Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người “ của Nhà thơ Đỗ Trung Quân và Nhạc sỹ Giáp Văn Thạch.
Có một điều tất yếu là : Yêu Tổ quốc bắt nguồn từ tình yêu quê hương. Yêu Dân tộc khởi thủy từ tình yêu dòng tộc, họ hàng, làng xóm.
Trong mạch cảm xúc này, tôi xin đọc bài thơ ngắn của tôi như sau:

        Bài LẠI VỀ QUÊ

Con lại về quê nơi cắt rốn chôn rau
Tưởng nhớ mẹ cha một thời đạm bạc
Nuôi con lớn bằng củ khoai, hạt thóc
Cõng mồ hôi qua mưa nắng tháng ngày

Ngõ xóm đường thôn bao ký ức đong đầy
In dấu chân con từ những ngày thơ ấu
Những cánh đồng đã qua mùa gặt hái
Hơi ấm quê nhà theo con đi muôn phương

Con xa quê suốt mấy chục năm trường
Từng thả gót bao nẻo đường thiên lý
Muôn dặm con đi có nơi nào hơn thế
Đây quê hương, hồn cốt của đời con !

Cuối cùng, một lần nữa, xin được thay mặt những người xa quê về dự Gặp Mặt, chúng tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu cùng toàn thể bà con mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin kính chúc Đảng bộ và Nhân dân xã nhà tiếp tục phát huy truyền thống, lập được nhiều kết quả về kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt quê hương ta ngày càng khang trang hơn, đẹp đẽ hơn.
Tới đây, theo chủ trương và quyết định của cấp có thẩm quyền, xã chúng ta có thể sáp nhập vào xã khác, thì chúng tôi vẫn một lời chúc như thế.
Dẫu sáp nhập vào đâu, với tên gọi như thế nào, nhưng quê hương Nghi Hợp vẫn mãi mãi khắc ghi trong tâm trí và tình cảm của chúng tôi.
Xin trân trọng cám ơn !