Menu ngang

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Chỗ ấy nằm ở đâu vậy?

Theo : Kim Dung / Kỳ Duyên
Tác giả: Diệu Lý – Quang Long – Lê Đình Kiên 
   :P
————

1.
1.1
Chuyện kiêng ngày Tết
Một giọng đàn ông hoảng hốt gọi đến sở cảnh sát đêm giao thừa:
- Xin báo cho 113 gấp. Tôi ở số nhà… Căn hộ của tôi vừa bị kẻ gian bẻ khoá, chúng đã lấy sạch tiền, vàng…
- Ông và gia đình bình tĩnh và cố giữ nguyên hiện trường. Chúng tôi sẽ đến ngay.
- Ấy, từ từ cũng được, qua mồng 3 các ông hãy đến, nhà tôi vẫn kiêng người lạ xông đất.
1.2
Không thể thực hiện hai trong một
Chiều 30 Tết, một cô gái bước vào hiệu ảnh và nói với anh thợ ảnh :
- Anh chụp cho tôi một tấm ảnh chân dung vừa đẹp, vừa chân thật nhé.
Anh thợ ảnh lưỡng lự nhìn cô gái, rồi nói:
- Thưa cô! Trong trường hợp của cô thì…
- Sao! Trường hợp của tôi thì thế nào?
- Ở trường hợp của cô, chỉ nên chọn một trong hai điều đó thôi.
- !?
1.3
Cách thưởng Tết của sếp
Cuối năm tổng kết công ty, sếp vui vẻ thông báo:
- Năm nay các bạn làm việc rất tốt. Lợi nhuận của công ty đã tăng một cách đáng kể. Để thưởng cho các bạn, tôi sẽ phát cho mỗi người một tấm séc trị giá 5 triệu đồng…
Tất cả nhân viên công ty vỗ tay rào rào tán thưởng.
Sếp tiếp lời:
- Nếu năm sau các bạn vẫn làm việc nhiệt tình như thế này, hãy đem tờ séc đó đến gặp tôi và tôi sẽ… k‎ý chúng.
- !?
2.
2.1
Nhóm du khách chuẩn bị đi tham quan du xuân một khu bảo tồn thiên nhiên ở châu Phi. Trước lúc khởi hành, nhân viên bảo vệ nhắc nhở mọi người:
- Nếu ai đó bị rắn tấn công, người cùng đoàn phải kịp thời hút ngay nọc độc ra khỏi vết thương…
- Ngộ nhỡ nó cắn vô miệng tôi thì sao?! – Một bà sồn sồn lớn giọng cắt ngang.
- Khi đó mới biết được ai là vị du khách can đảm nhất!
***
2.2
Trước giao thừa, một ông vào nhà hàng:
- Các anh có món gì đặc biệt?
- Hiện nay đang thịnh hành món lưỡi bò sốt cam.
- Tôi không bao giờ dùng đồ ăn có xuất xứ từ miệng các động vật.
- Vậy chúng tôi sẽ phục vụ ông món trứng luộc nhé?
***
2.3
Ngày làm việc đầu tiên tại văn phòng đăng ký kết hôn sau kỳ nghỉ năm mới:
- Quý cô dâu thân mến! Do chú rể đang quá chén… – vị đại diện văn phòng ngập ngừng thông báo – chúng tôi không thể cấp hôn thú cho những công dân không tỉnh táo.
- Nếu tỉnh táo thì làm sao có thể dìu anh ta tới được chỗ này? – Cô dâu lên tiếng phân bua.
***
2.4
Đêm tất niên, ông chồng say bí tỉ loạng choạng về nhà lúc 3 giờ sáng, bà vợ bực mình la lối:
- Anh có biết lúc này là mấy giờ rồi không?
- Đừng nóng giận em yêu, anh về trễ vì anh còn phải mua thứ gì đó cho gia đình nữa.
Bà vợ vội vàng đỡ tay chồng, hạ giọng hỏi:
- Thế anh yêu đã mua gì cho gia đình nào?
- Một thùng rượu.
**
*
2.5
Đêm giao thừa, một bợm nhậu loay hoay quanh cột đèn đường, cảnh sát hỏi:
- Anh đang làm gì ở đây?
- Tôi đang tìm cái ví bị mất.
- Anh có chắc anh đánh rơi ở đây?
- Không! Nhưng chỉ có chỗ này có ánh sáng để tìm.
**
*
2.6
Ngày cuối năm ông chồng đi nhậu về khuya, nhắn tin cho vợ:
- Tối nay anh về muộn, em ăn mặc đẹp và chuẩn bị món anh yêu thích trước khi anh về nhé.
Không thấy trả lời tin nhắn, ông chồng nhắn tin tiếp:
- À, anh quên nói với em là anh được tăng lương, anh sẽ mua cho em chiếc xe hơi mới.
- Ối, thật hả anh yêu?
- Không! Anh chỉ thử xem em có nhận được tin nhắn trước không thôi mà!
***
2.7
Sau khi đi nhà hàng dự tiệc giao thừa về, một ông Scotland nói với vợ:
- Bà không thể hình dung cái nhà hàng đó lấy của tôi bao nhiêu tiền một ly cà phê vừa bé tí vừa loãng. Nhưng cũng may, ác giả ác báo…
- Ông nói thế nghĩa là sao?
- Về tới nhà, tôi lục túi tình cờ thấy có 3 cái muỗng bạc của nhà hàng đó.
***
2.8
Ngày đầu năm, hai bạn nhậu ngồi than thở với nhau:
- Tớ không còn cách nào để có thể làm cho vợ tớ từ bỏ được thói quen thức đến 5 giờ sáng.
- Vợ cậu làm gì mà thức khuya vậy?
- Đợi tớ đi nhậu về.
***
2.9
Hai cô bạn thân rủ nhau đi dạo quanh một vòng các cửa hàng bán đồ năm mới. Một người chợt hỏi bạn vẻ lo lắng:
- Thế cô con gái hơn 5 tuổi cậu để ở nhà ai trông?
- Nó thích xem ti vi và có tính tự quản rất cao! Trước khi đi, tớ đặt hai ca nhựa đựng nước lên nóc màn hình, đồng thời dặn khi cả hai đều sôi là lúc mẹ sắp về.
***
2.10
Vợ âu yếm bảo chồng:
- Dịp nghỉ năm mới này em sẽ cho anh hôn ở một nơi chưa từng biết đến, cũng là chỗ chưa ai bày tỏ tình cảm với em từ xưa đến giờ…
- Chỗ ấy nằm ở đâu vậy? – Chồng không nén nổi vẻ tò mò.
- Quần đảo Hawaii, nơi từng được mệnh danh là thiên đường du lịch!
***
2.11
Sắp giao thừa, mấy bợm nhậu ngồi triết lý với nhau. Một người nói:
- Mình chỉ uống khi có chuyện vui. Mà mình thì vui 24 trên 24.
- Còn mình thì uống để giải sầu. Mình thấy cuộc đời này là nỗi sầu bất tận… – người thứ hai nói.
- Còn tôi uống cả khi vui lẫn khi buồn. Khi không có chuyện vui hay buồn, tôi phải uống để xem sẽ xảy ra chuyện gì… – người thứ ba nói.
***
2.12
Chiều cuối năm, một bà vợ than thở với chồng:
- Lúc nào ông cũng say xỉn. Ông uống bất kể giờ giấc, bất kể ở đâu. Chẳng bao giờ tôi lường trước được các cơn say của ông!
- Tôi hứa với bà, sang năm mới tôi sẽ thay đổi.
- Thay đổi như thế nào?
- Tôi sẽ uống có kế hoạch hẳn hoi. Uống bao nhiêu, ở đâu, bà sẽ được biết hết!
***
2.13
Lời khuyên chân tình trước thềm năm mới: 
“Trong đêm giao thừa, hãy nói ít nhất một lần “I love you” với người bạn đời, với con cái, với cha mẹ, anh chị của bạn. Nhưng chớ nói câu đó với thư ký, y tá, thợ mát-xa, thợ làm tóc, hay hướng dẫn viên thể dục thẩm mỹ của bạn”.
***
2.14
Một đồng nghiệp Scotland hỏi người ngồi bên trong bữa tiệc đón năm mới:
- Sao cậu lấy cô vợ có tầm vóc bé xíu thế?
- Để nàng chỉ có thể sắm những món đồ người lớn với giá trị nhỏ nhất!
***
2.15
Cô gái trẻ quyết định đi xem bói nhân dịp năm mới. Nữ chiêm tinh gia cầm bàn tay khách hàng săm soi một lúc rồi nói:
- Cô đang yêu người đàn ông khuyết một chiếc răng cửa.
- Đúng vậy!
- Và cô quyết định tiến tới hôn nhân cùng tay ấy?
- Tôi cũng đang định thế!
- Anh ta tên là John Smith.
- Thật khó tin! Làm sao mà bà biết rõ vậy được, chẳng nhẽ chúng cũng hiện qua đường chỉ tay?
- Đâu có, đó là từ chiếc nhẫn cô đang đeo. Chính tôi đã quăng trả vật kỷ niệm từ kẻ đa tình ấy trong tuần trước…
***
2.16
Tối giao thừa, một bợm nhậu tâm sự với vợ:
- Từ mùng 2, tôi sẽ dứt khoát không uống một giọt, tôi muốn bắt đầu một cuộc sống mới…
- Thế sao ông không bắt đầu từ Mồng Một?
- Mồng Một thì còn biết gì mà bắt đầu cuộc sống chứ?!
***
2.17
Johnny nhận được rất nhiều tiền lì xì nhân dịp năm mới. Cậu bé dùng số tiền đó để mua sô-cô-la, người bán hàng nói:
- Cháu nên dùng số tiền này để làm từ thiện thì hơn.
- Không. Cháu sẽ mua sôcôla và bác sẽ dùng số tiền đó để làm từ thiện.
***
2.18
Chiều cuối năm, một bồi bàn tới gần ông khách ngồi trong góc nhà hàng, nói:
- Hình như tôi đã gặp ông ở đâu đó rồi?
- Chính xác. Sáng nay tôi tới đây gọi món súp mà tới giờ này vẫn đang phải chờ…

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

HỒ CHÍ MINH VỚI HOÀNG XUÂN HÃN

  •   CHU TRỌNG HUYẾN
  • tăng kích thước chữ
Cụ Hồ sẽ tiếp Hãn vào ba giờ chiều nay”. Đó là lời Cố vấn Vĩnh Thụy báo vớí Hoàng Xuân Hãn, vào sáng ngày  13-10-1945.
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), quê xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đậu Thành Chung tại Vinh năm 1926 rồi ra Hà Nội học. Năm 1928, ông thi đỗ Tú tài toàn phần và được cấp bổng, du học tại  Pháp, lấy các bằng Kỹ sư Cầu - Đường,Thạc sĩ Toán… Năm 1936 ông về nước dạy các trường Trung, Đại học và làm công tác nghiên cứu, viết sách, trong đó có  cuốn “Danh từ khoa học”(1942). Từ 17-4 đến 23-8-1945, ông làm Bộ trưởng bộ Giáo dục- Mỹ thuật trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Vào thời gian ấy, ông cho xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục bằng Quốc ngữ ở các trường học, áp dụng việc học và thi Tú tài bằng tiếng Việt. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, sau những phút giây choáng váng, ông đứng về phía ủng hộ Chính quyền Dân chủ Nhân dân. Năm 1946, ông tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt là cuộc họp của các đại diện giữa ta và Pháp để chuẩn bị cho Hội nghị Phông-ten-blô. Năm 1951, từ Hà Nội, ông sang Pháp, định cư ở bên đó, công việc chính vẫn là nghiên cứu, học thêm, viết sách. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông lúc này là “La Sơn Phu tử” viết về Nguyễn Thiếp(1952) cùng các sách Lịch sử và Lịch Việt Nam. Các công trình khoa học của ông đã được tóm lược trong bộ sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” do Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội ấn hành.Ông qua đời vào tháng 3-1996. Giáo sư, học giả Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu khoa học(2000).
Như đã trình bày, Hoàng Xuân Hãn là một học giả nổi tiếng và cũng đã từng tham chính dưới thời Bảo Đại-Trần Trọng Kim. Cách mạng Tháng 8(1945) thành công, trước vô vàn khó khăn trong việc giữ vững chính quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta, ông đã cố suy xét từ mọi phía để có một cái nhìn tương đối khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng những ý kiến có lợi cho dân, cho nước từ các học giả, chính khách để thêm vững tay chèo lái, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam lướt qua sóng gió trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Sau đây là lời tự thuật của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn về nội dung và ý nghĩ của mình về buổi gặp riêng, duy nhất giữa ông với vị Chủ tịch nước. Ông nói:
   “…Chủ tịch tiếp tôi hơn một giờ. Hai lần xin cáo biệt nhưng Cụ giữ lại. Ban đầu bình phẩm về chính quyền. Tôi có nói: Nay ta mới độc lập, đang cần dư luận ngoại bang bênh vực. Nếu tỏ ra  bất lực hoặc có thái độ độc tài, thì khó lòng họ giúp mình. Cụ bảo rằng, (nếu có việc ấy là do) Ủy ban địa phương họ làm bậy chứ Chính phủ không có ý chuyên quyền. Cụ hỏi đi hỏi lại: “ Thế ra họ nói Chính phủ cộng sản, thực chăng?”. Tôi đáp: “Cụ đã nghe vậy thì có thật”. Cụ nói: “Còn Chính phủ độc tài thì có đâu. Trong Nội các có nhiều người không phải ở trong Mặt trận Viêt Minh”.
Cụ lại phân trần lâu việc bài xích hạng trí thức. Cụ nói Chính phủ không làm điều ấy; nhưng có người làm thì Chính phủ phải nhận lỗi. Rồi tôi nói sang chuyện đảng tranh làm dân chúng hoang mang. Chủ tịch rất chăm chú nghe, cặp mắt sáng trương to như rót vào mặt tôi. Cụ hỏi: “Trí thức theo cụ Nguyễn Hải Thần nhiều phải không? Ông giao thiệp rộng chắc biết”. Trong trả lời, tôi có nói: “Hình như khi ở nước ngoài, các cụ đã trù tính việc chung. Nay đều về, lại thấy các cụ chia rẽ, cho nên họ hoang mang. Nếu cụ Nguyễn Hải Thần chỉ kéo bè đảng mà thôi thì chắc họ (tức một số người chưa hiểu rõ tình hình) không theo. Cụ Nguyễn có tìm gặp tôi. Tôi đã thưa rằng, người trí thức chân chính không tìm địa vị. Các cụ già cứ hòa hiệp với nhau, rồi thì hạng trẻ như chúng tôi theo. Các cụ có cần gọi ra quét đường, họ cũng nhận”.
Nét mặt không di chuyển, Chủ tịch đặt câu hỏi thẳng: “Đối với ông thì cụ Nguyễn là thế nào?”. Tôi đáp: “Tôi không biết rõ nhưng cảnh huống bây giờ thì tuy là bậc cách mệnh lão thành nhưng trở về chậm nước, cụ phải ép vào thế non,…xem ra thế nào!” Cụ  (Chủ tịch) hỏi gặng: “Thế nào ?”. Tôi nói: “Thế nào…Tôi không tiện nói, chỉ có thể nói thế cụ Nguyễn(1) không được thuận. Tuy nhiên, làm cách mạng trong bốn mươi năm nay, cụ ấy có thanh thế. Vả, hạng trí thức ai cũng sẵn sàng làm việc nước, mà bị Chính phủ đem lòng ngờ vực, thì họ có đi theo cụ Nguyễn cũng là người ái quốc, đó cũng không nên lấy làm lạ!”…Tôi đứng dậy xin về mấy lần, Chủ tịch vẫn giữ lại. Cuối cùng, Cụ lại hỏi thẳng một cách cụ thể rằng: “Tôi có hai chuyện muốn hỏi ông. Ông cứ trả lời thật…Câu đầu là “Đối với cụ Nguyễn Hải Thần, nên làm thế nào?”. Tôi đáp: “Nếu cụ Nguyễn có thể làm dễ cho sự ngoại giao, thì nên dùng cụ. Tuy không nên cải tổ hấp tấp ra dáng sợ áp lực, nhưng nên cải tổ Chính phủ để hợp tác. Sự hợp tác phải thành thật, đừng để có cảm tưởng lấy danh nghĩa mà thôi”. Không động nét mặt mảy may, Chủ tịch hỏi tiếp: “Vấn đề thứ hai là ông cho biết một câu sát kết về Chính phủ?” Hoàng Xuân Hãn đã trả lời với đại ý: thừa nhận chủ trương đúng của Mặt trận(Việt Minh) là chống Pháp …
Về việc ấy, ông Hãn cũng trình bày là, lúc bấy giờ: “Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã có tác động cuối cùng là  khuyên cựu hoàng (Bảo Đại) mời các nhà cách mạng chính thức lập Chính phủ nhưng thiếu chuẩn bị (nên) sự ấy không thành…”
Rồi ông Hãn nói về tình hình cho đến lúc diễn ra cuộc gặp “Chắc riêng Chủ tịch hiểu rằng, đường đi đến độc lập và thống nhất còn dài và khó nhưng đại đa số còn lầm tưởng gần xong”.
Cuối cùng, Hoàng Xuân Hãn viết:
- Chủ tịch cảm ơn và thêm: “Hôm nay ông cho tôi biết được nhiều điều”. Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh đất nước đè lên vai một vị cách mệnh thâm niên gầy yếu nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm, cử chỉ ôn tồn gãy gọn và kiên quyết. Không hiểu cảm tưởng của Chủ tịch đối với cá nhân tôi và những trực ngôn của tôi ra sao. Có lẽ không ai biết. Dẫu sao, hơn tháng sau,Cụ nhận sự hợp tác của các phái đối phương, và riêng đối với tôi, (cũng được)các anh đã nghĩ đến(2).
Sau khi Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) được ký, để chuẩn bị cho một cuộc đàm phán chính thức bàn về quan hệ Việt-Pháp sẽ họp trên đất Pháp, một hội nghị trù bị gồm hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp (đại diện cho thế lực của họ ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ) được nhóm họp tại Đà Lạt (từ 19-4 đến 15-6-1946). Đoàn của Việt Nam do Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn và Võ Nguyên Giáp là Phó trưởng đoàn, có 12 đại biểu và 12 cố vấn, Hoàng Xuân Hãn là đại biểu, được phân công Trưởng tiểu ban chính trị của Đoàn. Ông đã ghi chép rất tỷ mỉ cộng với trí nhớ khác thường, sau này viết lại sự kiện lịch sử này, đăng (lần đầu) trên “Tập san Sử -Địa Sài Gòn” số 23, 24- 1971.
Nhớ là, ngày 15-4-1946 đoàn họp nhau lại để chuẩn bị cho chuyến đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng đến thăm hỏi, căn dặn, động viên. Năm giờ rưỡi sáng ngày 16-4-1946, phái đoàn hội tụ ở Bắc Bộ phủ. Trước lúc phái đoàn ra sân bay để đi Đà Lạt, Hồ Chủ tịch và cụ Huỳnh lại ra tiễn chân anh em.
Tiếc là do phía Pháp cố bám lập trường thực dân của họ nên các vấn đề đặt ra tại Hội nghị này không đạt được một kết quả nào.
Dẫu vậy, do những tin tức từ Hội nghị Đà Lạt, nhân dân Pháp và các nước anh em bè bạn họ cũng hiểu được thiện chí tha thiết độc lập, tự do, yêu chuộng hòa bình, hữu nghị của Chính phủ và nhân dân ta.
Về phía Hoàng Xuân Hãn, sau đó, ông có tham gia dạy bộ môn Kỹ thuật cho một khóa huấn luyện của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Rồi khi đã sang định cư tại Pháp, ông  còn theo học khoa Nguyên tử và đỗ bằng Kỹ sư của ngành này tại Đại học Saclay, năm 1956.
Say mê học hỏi, miệt mài nghiên cứu nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn vẫn để tâm nhiều đến đất nước, nhân dân. Ngày  2-1-1996, tức 2 tháng, 8 ngày trước lúc qua đời, giáo sư có gửi thư về nước cho Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nguyên Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, trao đổi về tình hình phát triển của đất nước. Trong đó, nói về công lao lãnh đạo đấu tranh giải phóng đất nước qua trường kỳ lịch sử của dân tộc, ông viết: “Tôi đã có lúc luận biện về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại xâm và sự giải phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các anh”(3).
                                                                                                                              C.T.H
_________
(1), (2), (3) “Cụ Nguyễn” mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhắc đến trong bài viết này là Nguyễn Hải Thần. Về nội dung buổi trao đổi, chủ yếu lấy từ  sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”, Tập II, Nxb Giáo Dục Hà Nội 1998. Nội dung những điều trao đổi giữa các nhân vật trong bài viết, chúng tôi giữ  nguyên cách hành văn đã in, chỉ sửa đổi tí chút  về mặt chính tả (chủ yếu là thêm những chữ trong ngoặc đơn) cho dễ hiểu hơn .

    Theo : VHNA

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Đầu Xuân nói chuyện tử tế…

Tác giả:  
.


 Trước tết, một người bạn đề nghị tôi viết bài bàn về sự tử tế của ngày xưa và ngày nay. Đề tài thật hay nhưng công việc bộn bề; nhưng, cái chính là thời điểm đó có quá nhiều chuyện để buồn nên không viết nổi… Bây giờ, tết Ất Mùi đã đến rồi, say thì cũng đã say, tỉnh thì mới tỉnh, có lẽ nên bàn một chút về cái mà chuyện hàng ngày rất cần, đó chính là sự tử tế.
Một trong những “thành tựu” đầy tai họa của văn minh hiện đại là sự buộc phải ra đời của những cuốn sách đỏ, trong đó liệt kê về các giống loài có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh bởi sự tàn sát không thương tiếc của loài người. Thế nhưng, ít ai để ý trong xã hội ngày nay, khi thói phô trương, trưởng giả, ích kỷ, vô cảm lên ngôi, rất đáng được đưa vào “sách đỏ” một điều tốt đẹp vô giá, có nhiều lắm thời cha ông chúng ta sống, sắp bị ‘tuyệt chủng” thời nay, đó là sự tử tế.
Thật là buồn khi phải nói ngay rằng, thời đó, chỉ cách đây vài mươi năm, nhưng phải gọi là ngày xưa. Cái thời mênh mông tình người, chứa chan sự thanh bạch và ngay thật, luôn đầy ắp nhưng câu ca dao,  mà chỉ cần đọc lên, ai cũng muốn hát ngay, sau khi con tim đã tự hát rồi. Chồng em áo vải em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người- Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn - Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng
Thơ ca là ánh phản đủ đầy ‘tiếng hát’, lời tâm tình xao xuyến của những con tim, giống như chiếc gương văn hóa của con người, của thời đại. Những câu ca đó ‘sinh ra’ trong cái thời mà cha ông ta biết rõ ràng rằng ngủ trên chiếc giường có giá cả tỷ đồng luôn khắc khoải bởi những tính toan, chắc gì đã có giấc ngủ ngon hơn trên chiếc giường mộc mạc nhưng ngập tràn sự thanh thản, yên vui?
Chuyện tử tế trong bi kịch trên là ở chỗ: Nó có nhiều ở khắp nơi nơi. Nếu anh không ‘vào guồng’, anh là con quạ trắng.
Không ai lại muốn một đêm ngủ trên hai ba cái giường vì như thế có lẽ là khó ngủ, mất ngủ. Thế nhưng, điều giản dị đó đã và đang bị… sai? Thời bây giờ, có lẽ sẽ chẳng dễ gì tìm thấy trong một túp lều tranh nào đó, luôn có hai trái tim vàng của sự đồng cảm hiến dâng. Những câu hát sáng trong không có sự va đập lẻng xẻng của kim tiền quả là điều mà con tim bất lực trước giãi bày.
Chuyện thời @ của ‘loài tinh tinh thứ ba’ (tác phẩm của  Jared Diamond) đang sống ở Việt Nam nhiều không kể xiết cho dù ai cũng thuộc nằm lòng câu cảnh báo về cái thói trưởng giả học làm sang. Có một vị PGS.TS, nhà cách trường chỉ 200m nhưng vẫn mua một chiếc xe hơi để… cất và thi thoảng, mỗi năm về thăm quê một lần.
Hỏi thì được trả lời rằng người ta có, mình phải có, nghèo thì hèn, ai chẳng nghĩ thế. Hàng chục thế hệ sinh viên đi qua cuộc đời người viết bài này, chưa khi nào tôi thấy có ai đó, trong lần gặp đầu tiên, không xét nét cái xe thầy đi, cái áo thầy mặc… Tuyệt không thấy ai quan tâm trước hết đến cái mà đầu thầy đang có, có giả như mái tóc sắp nhuộm không?
Dù có cảm thấy hơi khó nghĩ, khó nghe trong ngày đầu xuân, năm mới; chúng ta cũng phải cùng nhau chấp nhận rằng, nếu thực tế đúng như sử sách đã ghi thì trong mấy trăm năm nay, chưa có thời nào mà cái ác lộng hành ghê gớm thế, thói vô cảm đáng sợ thế, tính ích kỷ của con người lì lợm thế.
Điển hình cho sự suy thoái văn hóa – đạo đức của xã hội là hai tầng lớp khó bị đồng tiền ‘chinh phục’ nhất, hai ‘kẻ’ bị gục ngã sau cùng nếu như đồng tiền chiến thắng đạo đức gần như tuyệt đối; và, cũng là hai ‘kẻ’ được cả xã hội tôn thờ nhất là thầy thuốc và thầy giáo.
Vậy mà, hầu như chẳng có ngày nào thiếu vắng những chuyện tiêu cực của hai tầng lớp rất được vì nể này. Đó là minh chứng không thể bào chữa. Tất nhiên, lịch sử sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho một xã hội lầm lạc đã tạo ra những điều vô lý đắng cay…
Nhìn rộng ra ngoài, ta không thể tự trả lời vì sao không thể nhường nhau một chút, một chút thôi của ánh mắt lỡ liếc xéo, hay lườm ngang vì nó bỗng dưng trở thành đầu mối của án mạng, thương tật. Tại sao không chịu dừng trước đèn đỏ, hay nếu có dừng thì chỉ cần bảng đèn báo còn 3 giây là cả chục con người lao vội về phía trước(!) Cách ‘chấp hành’ luật giao thông lấy lệ rồi ngay sau đó xông lên ngay để giành phần hơn (để làm gì?), chắc chắn là phản ánh cái sự tranh ăn, tranh thắng từ vô thức chứ không thể có cách giải thích nào hơn.
Câu hỏi làm thế nào để đổi thay (hay cứu vãn, ngăn chặn) chắc rằng chỉ có thể là, phảilàm lại từ đầu. Nếu như ở đâu cũng phải dối trá mới sống nổi thì làm sao có được sự chân thật, thẳng ngay? Chẳng hạn, cách đây mấy năm, người viết bài này được cấp kinh phí để thực hiện đề tài khoa học là 30 triệu đồng. Nếu thực làm, ít nhất phải có 100 triệu. Nếu chỉ làm cho có theo kiểu cắt, dán thì khoảng 3 triệu đồng. Quá hạn, bị kiểm điểm, PGS M. “dạy” tôi rằng, sao ông dốt thế, chỉ cần một tuần là xong? Phải suy nghĩ hàng tháng trời tôi mới đủ can đảm để trả lại tiền. Cả đơn vị bị mất thi đua và một rừng người trong HĐKH xúm lại lên án tôi không có khả năng nghiên cứu khoa học(?)
Chuyện tử tế trong bi kịch trên là ở chỗ: Nó có nhiều ở khắp nơi nơi. Nếu anh không ‘vào guồng’, anh là con quạ trắng. Mới đây, sau khi được phong PGS, một người bạn nói với tôi, chạy cái này vất vả lắm. Tôi hỏi, sao lại chạy. Anh ấy nhìn tôi như từ hành tinh khác đến rồi sõng sượt, “Cái gì mà chẳng phải chạy”? Rồi, anh ta giảng cho tôi nghe: Cách đây mấy năm đã phải “đầu tư” mời các GS đầu ngành vào dạy, dạy một, thanh toán gấp 3-4 lần, tiếp đón, quà cáp, bây giờ mới được đây…
Những ví dụ về cái chuyện phi tử tế của thời nay nhiều không kể xiết. Làm thế nào để đổi thay? Đây là câu hỏi khó nhất đời nhưng buộc tất cả chúng ta phải trả lời. Nếu không trả lời ngay bây giờ thì sẽ là quá muộn khi đạo đức tuột dốc như khẩu pháo ở Điện Biên năm nào: Hàng vạn Tô Vĩnh Diện cũng chẳng thể nào chèn cứu được.
Nguy cơ còn lớn hơn nữa nếu người lớn ngày một xấu hơn, tham nhũng ngày một trầm trọng hơn thì tấm gương  xám xịt đó sẽ là cái đích mịt mờ cho lũ trẻ noi theo, mà chẳng có giải pháp nào của giáo dục có thể cứu vãn nổi. Cái lo nhãn tiền thấy rõ mà xã hội vẫn cứ dùng dằng, các nhà chính trị vẫn cứ thích nói dối nhiều hơn nói thật thì quả là chí nguy.
Rất may là vẫn còn đâu đó những gương mặt sáng trong để chúng ta thỉnh thoảng nhìn nhau mà cảm động theo cái cách muôn đời, kiểu như, bị tai nạn nhưng may mà chưa… nặng lắm! Có một người cởi áo mặc cho tên trộm trốn dưới hồ, lạnh quá nên phải chui lên; lại có một người nhặt được mấy chục triệu đồng đem trả lại; rồi lại có một người tử tế được dân thương, dân quý đã ra đi… Những điều tốt đẹp ấy là ‘những ngôi sao buổi sớm’ để cho lòng tốt mong mỏi, hy vọng.
Mùa Xuân mới đã về. Trời đất đang thay đổi mỗi ngày sao con người cứ nỡ không biết, không hay? Nếu mỗi người chỉ cố gắng để tốt hơn một chút, đỡ vô cảm hơn một ít; nếu mỗi người lãnh đạo chịu lo cho dân hơn một tý, ít quan tâm đến tài sản của mình hơn một xíu – chỉ một xíu thôi, hẳn đất nước sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm.
Đầu năm, thay vì ngàn lời chúc liên quan đến tài, đến lộc; ta hãy chúc cho nhau sẽ tử tế hơn thì đẹp biết bao. Chỉ xin bạn một điều nho nhỏ: Hãy nhường cho đồng loại vài ba giây để chờ cái đèn đỏ tắt đi, rồi đèn xanh sáng lại, hãy qua đường. Phải. Đó là màu xanh đang hiện hữu khắp đất trời…