Menu ngang

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

      Làm gì để phát huy giá trị di sản văn hóa    thế giới Thành nhà Hồ?

        Vào tháng 6/2012, Thanh Hóa sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Đây là cơ hội rất tốt để quảng bá di sản, phát triển văn hóa- du lịch.

Lượng khách tăng

thanh nha Ho
         Theo TS Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, số lượng du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ đã tăng gấp 3 lần so với trước đó, ước khoảng từ 3.000 đến 4.000 khách/tháng. Tuy nhiên, “nếu lượng khách tăng ồ ạt thì các điều kiện về cơ sở hạ tầng hiện nay chưa thể đáp ứng được” - TS Trọng nói. Theo đánh giá, thị trấn Vĩnh Lộc, địa bàn cách di tích chừng 5km, nơi dừng chân của du khách, nếu hết công suất, cũng chỉ mới đáp ứng được vài trăm khách với khoảng 10 nhà nghỉ. Bài toán đặt ra chính là phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, để chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng cho công tác nâng cấp các tuyến đường chính yếu về khu di sản, đường nội thành, các công trình phụ trợ, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ khách du lịch.


Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã nỗ lực bảo tồn để phát huy hơn nữa giá trị của di sản như tiến hành nhiều cuộc khai quật tại khu vực Cửa Nam, đường Hoàng Gia, Đông Thái Miếu, công trường đá An Tôn…Cùng với đó, nhà trưng bày di tích được triển khai xây dựng, phấn đấu hoàn thành xong trước tháng 6/2012.


Mặc dù vậy, đội ngũ những người làm công tác chuyên môn vẫn còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu số lượng khách tăng thì ngay đội ngũ thuyết minh viên cũng không đáp ứng đủ. Điều này đòi hỏi một sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của Thanh Hóa không chỉ về cơ sở vật chất mà còn cả về nhân lực du lịch.

 
            Mở rộng không gian văn hóa di sản


         Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, để di sản Thành Nhà Hồ hấp dẫn du khách gần, xa, Thanh Hóa cần đầu tư không chỉ về cở sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vệ sinh môi trường… mà còn phải khai thác và mở rộng không gian văn hóa của di sản. Làm sao khi đến đây, ngoài tham quan di tích, du khách còn được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian do chính người dân trình bày; được thưởng thức những món ăn địa phương; lưu trú trong chính những nếp nhà truyền thống của người dân. Huyện Vĩnh Lộc có rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như múa chèo cạn gắn với lễ hội Trần Khát Chân, ca trù, tuồng….. Huyện có tới 147 di tích, trong đó có 14 di tích quốc gia, một số điểm hấp dẫn như: động Kim Sơn- Tiên Sơn, vườn tượng đá, Phủ Trịnh- Nghè Vẹt…Nếu biết khai thác tốt, sẽ tạo ra những điểm du lịch vệ tinh kết nối với Thành Nhà Hồ.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý để UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan lập Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận, huyện Vĩnh Lộc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tin vui để Thanh Hóa phát huy lợi thế của di sản.


Theo Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Khi quy hoạch được phê duyệt, chắc chắn nhà nước sẽ có đầu tư về kết cấu hạ tầng như: bãi đỗ xe, nhà đón khách, công trình vệ sinh, nhà trưng bày và bảo quản hiện vật. Cùng với đó, sẽ phải hình thành đội ngũ hướng dẫn viên, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp tại di sản văn hóa Thành Nhà Hồ và chú trọng phát triển du lịch cộng đồng”.


Trong thời gian tới, Sở VHTTDL Thanh Hóa sẽ khôi phục một số hạng mục: hào thành, đàn tế Nam Giao… Bên cạnh đó, chú trọng các điểm đến lân cận như: đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng, nhà cổ; đồng thời quan tâm khôi phục các làng nghề truyền thống, cũng như các phương thức sản xuất nông nghiệp… Du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ có thể ở lại nhà dân khu cổng Nam, cổng Đông và cổng Tây dưới hình thức homestay.


“Xu hướng là sẽ phục dựng lễ tế, đàn tế, chương trình phi vật thể. Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức thành công liên hoan đàn và hát dân ca khu vực di sản Thành Nhà Hồ lần thứ nhất ” - ông Tuấn cho biết thêm. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh gắn kết để tạo ra tour khép kín: Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - suối cá Cẩm Lương - khu di tích Lam Kinh.


Tuy nhiên, một điều mà lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa vẫn còn trăn trở, đó là Thanh Hóa nằm trong vùng “cắt tour”, khách từ Hà Nội đến Ninh Bình thường vòng ra, hoặc từ Hà Nội đi Hải Phòng - Quảng Ninh mà bỏ qua Thanh Hóa…Thực tế, Thanh Hóa đã tổ chức đoàn famtrip với sự tham gia của đại diện nhiều công ty lữ hành, tuy nhiên, việc kết nối tour vẫn còn khó khăn do giao thông đi lại khó khăn. Hy vọng, tới đây, đề xuất đưa vào sử dụng sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) được chấp thuận, việc phát triển du lịch sẽ trở lên khả thi hơn.


                                                                                                                                                       Theodulich.net.vn



 

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012



 Hồ thủy điện Tuyên Quang: Bức tranh  thiên nhiên hấp dẫn du khách 
                                                                                                                                    THANH TRÚC
                                                                                                                    
          Nà Hang lâu nay vẫn được coi như một vùng đất cổ, nơi mà mỗi con sông, con suối, mỗi cánh rừng, ngọn núi đều được gắn liền với những truyền thuyết đầy hấp dẫn. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp nên thơ, sơn thủy hữu tình được kiến tạo bởi hai con sông lớn là sông Gâm và sông Năng cùng dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”.
         Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng hồ rộng tới trên 8.000 ha với nhiều cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người.
            Du lịch sinh thái là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên nhằm mục đích nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hóa hiện hữu. Hiện nay, Nà Hang đang hội đủ những yếu tố làm nên một quần thể du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia mà ít nơi có được. Đây là lợi thế để phát triển loại hình du lịch văn hóa dân tộc dân gian hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang.
 
           Trước hết nói về rừng, Tuyên Quang là một trong 3 tỉnh có mật độ rừng che phủ lớn nhất cả nước thì riêng với Nà Hang là huyện rừng có mật độ che phủ cao nhất toàn tỉnh, chiếm 71% diện tích đất tự nhiên toàn huyện, có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Tại đây có Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với diện tích bảo tồn được phê duyệt là 42.000 ha. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung được chia cắt bởi sông Năng và sông Gâm. Hệ thống suối của hai con sông này tạo thành hệ thủy vực quan trọng của khu bảo tồn. Rừng ở đây phong phú về hệ động thực vật quý hiếm (gồm 40 loài thú, 70 loài chim, 20 loài bò sát và 17 loài thực vật bậc cao), tiêu biểu là các loài động vật nằm trong sách đỏ như: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa…, hay những cây gỗ đinh, nghiến, trai... quý hiếm hàng nghìn năm tuổi. Khu bảo tồn có vai trò đặc biệt quan trọng là bảo vệ nguồn nước cho hồ thủy điện Tuyên Quang, điều tiết lũ ở vùng hạ lưu và chắc chắn đây chính là điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm vô cùng hấp dẫn.

           Đến Nà Hang chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ thủy điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia. Theo những người dân nơi đây kể lại, truyền thuyết về thác Mơ là câu chuyện đầy cảm động về vợ chồng nàng Mơ sinh sống dưới chân núi Pắc Ban. Một ngày, người chồng đi hái thuốc trong rừng mà mãi không về. Nàng Mơ băng rừng đi tìm chồng nhiều ngày rồi lạc trong rừng. Một ngày kia, nàng hóa thành một dòng thác trắng xóa. Dọc đường, quý khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, ghé thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá khoảng 10.000 năm)... Những cánh rừng nguyên sinh có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. 

            Phóng xa tầm mắt quý khách sẽ thấy núi Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Hà Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu. Xa chút nữa là núi Xa Tạ hay còn gọi là núi Côn Lôn. Câu chuyện truyền thuyết về núi Pắc Tạ kể về chú voi nghiện rượu có công đánh giặc và được vua phong là Voi quận công hóa đá. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Bà theo chồng kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng và bị tử nạn, đã được một người họ Ma vớt, táng ngay chân núi. Vua cho dựng đền thờ ngay tại nơi chôn cất và giao cho người họ Ma trông coi. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi đây cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền, du khách sẽ ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng là nơi thờ Quan đế đại thần và thờ Mẫu.

            Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước. Bên bờ trái đoạn chia cắt thị trấn Nà Hang với xã Trùng Khánh (cũ) có vách đá tên gọi là “Nàng Tiên - Chú Khách”. Du khách có thể hình dung trên vách đá có hình ảnh Nàng Tiên - Chú Khách đang chơi vơi giữa chốn bồng lai tiên cảnh và hạ giới. Vách đá này cũng gắn liền truyền thuyết rất hay và cảm động. Đến đây quý khách còn được nghe về sự tích hoa Phạc Phiền, một loài hoa cỏ tiên có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền làm cho người khỏi bệnh. Tiếp đến du khách sẽ gặp những thác nước như Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đổ như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ.
          Tạo hóa nơi đây báo hiệu cho người dân một quy luật rất nghiêm ngặt khi đi thuyền mảng trên sông vào mùa lũ. Đó là trên vách đá có những lỗ nhỏ gọi là Đăng Vài (có nghĩa là mũi trâu). Cứ vào mùa lũ, bà con có kinh nghiệm hễ nước sông thấp hơn mũi trâu thì có thể qua được còn nếu ngập ngang mũi trâu phát ra tiếng nước réo (trâu thở) thì rất nguy hiểm, thuyền bè không qua được. Đoạn sông Năng qua xã Đà Vị người ta không gọi là sông Năng mà gọi là sông Ngang, đến thượng nguồn sông Gâm có Núi Đổ. Sông Ngang, Núi Đổ nghe như có vẻ thiên nhiên thật hung dữ thách thức sự chinh phục của con người. Nhưng hết mùa lũ sông lại hiền hòa như bàn tay người mẹ bồi đắp phù sa cho những cánh đồng tươi tốt.

            Nà Hang được biết đến bởi sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng văn hóa đa dân tộc (có 12 dân tộc anh em) như: Tày, Dao, Mông... Các dân tộc ở Nà Hang đã tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu then, sli, lượn... cùng với tiếng đàn tính, tiếng kèn làm say đắm lòng người. Nà Hang ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, các món cá đặc sản của vùng hồ. Đặc biệt, Nà Hang có rượu ngô men lá ngon nổi tiếng. Thứ rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say xỉn. Để làm được thứ rượu thơm ngon này, phải qua một quy trình rất công phu. Nếu ai đã từng được thưởng thức thứ rượu thơm ngon nơi đây, có lẽ sẽ nhớ mãi cái hương vị đậm đà khó quên này. Nhằm phát huy giá trị văn hóa và tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai xây dựng các điểm du lịch làng văn hóa Nà Tông ở xã Thượng Lâm, bản Phiêng Bung ở xã Năng Khả, bản Lục ở xã Đà Vị...

          Trong những năm gần đây, Nà Hang đã và đang trở thành một trung tâm buôn bán với nhiều hoạt động du lịch sinh thái nhộn nhịp. Hàng năm, huyện tiếp đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước, số lượng khách đang ngày một gia tăng. Tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Nà Hang sẽ là một thị xã sầm uất và phát triển mọi mặt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện xác định du lịch sinh thái là ngành kinh tế mũi nhọn của Nà Hang. Những năm gần đây, nguồn thu từ du lịch đóng góp vào kinh tế của huyện ngày càng tăng và chắc chắn những năm tới đây, du lịch sẽ có đóng góp xứng đáng hơn nữa cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Nà Hang. 

           Anh Lê Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang cho biết, tới đây, Khu du lịch sinh thái Nà Hang sẽ hình thành một số phân khu chức năng như Khu lâm viên Phiêng Bung (có sân bay mini, trường đua ngựa, sân gôn, bãi cắm trại...); khu lâm thủy Cọc Vài (gồm khu biệt thự, đảo nuôi thú, khu  thể thao mạo hiểm, khu câu cá, bến cảng); khu thể thao trên nước; khu làng văn hóa lịch sử... Tỉnh và huyện đang kêu gọi đầu tư để xây dựng Nà Hang thành một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn./.


Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Về nơi lưu dấu chiến thắng quân Xiêm 
của Nguyễn Huệ 
 
                                                                                                  LÊ QUANG HUY

        Rạch Gầm- Xoài Mút là địa danh ghi dấu chiến công vang dội của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ. Nơi đây, năm 1785 ông đã cùng dân và quân đánh tan 5 vạn quân Xiêm và tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh.
     Ghi nhớ công lao của Nguyễn Huệ và quân dân, nhà nước đã xây dựng nơi đây thành khu di tích Rạch Gầm- Xoài Mút.
      Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút thuộc ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Di tích nằm cạnh bờ sông Tiền hiền hòa với những đám dừa nước xanh tươi đang vươn mình trong nắng; phía trên là mặt tiền tỉnh lộ 864 nên đến đây bằng thuyền hay xe đều thuận tiện.
       Khu di tích được khánh thành vào ngày 20-1-2005, nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút, với tổng diện tích hơn 2 ha gồm 3 khu vực: nhà trưng bày số 1 nằm ngay dưới chân tượng đài, nhà trưng bày số 2 nằm cạnh bờ sông và một nhà cổ Nam Bộ. Đứng từ xa nhìn lại quả là một khu di tích đẹp, thoáng mát và thơ mộng. Các loại hoa kiểng thuộc dạng quí được cắt tỉa cẩn thận, bố trí hài hòa sẽ làm hài lòng du khách đến thăm. Đảo mắt nhìn chung quanh, ta thấy cả một màu xanh của vườn cây ăn trái, sát bên bờ sông có nhà hàng Rạch Gầm với lối kiến trúc gỗ, tre, nứa vừa mát mẻ vừa lạ mắt.
 Ngôi nhà cổ Nam Bộ trong Khu Di tích Rạch Gầm- Xoài Mút- Ảnh Quayng Huy.
        Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng màu nặng 20 tấn, cao hơn 8m, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện. Vòng ngoài nhà trưng bày (dưới chân tượng) là dãy phù điêu bằng đồng bao bọc xung quanh, cao 70cm, diện tích 90m2, nặng khoảng 6 tấn. Hoa văn trên dãy phù điêu chạm khắc hình người và chim lạc được tác giả Nguyễn Hải cách điệu từ mặt trống đồng. Độ sâu của hoa văn từ 10 – 12cm. Trên vách bên trong nhà trưng bày là dãy tranh ghép gốm màu như ở công trình Bến Dược Củ Chi gồm 4 chương: khẩn hoang, lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn chiều cao 1,8m có diện tích 57m2 và hai mảng phù điêu chim muông với cây trái có diện tích 13m2 bằng chất liệu composic.
      Nhưng nổi bật hơn cả là hình ảnh Nguyễn Huệ oai phong đứng trên chiến thuyền đang rút gươm, bên dưới là nghĩa quân Tây Sơn người chèo thuyền người giương nỏ nhìn về phía sông Tiền như đang chuẩn bị xông lên, tấn công vào lũ quân Xiêm xâm lược. Rạch Gầm – Xoài Mút là nơi đầu tiên ở phía Nam diễn ra một trận thuỷ chiến chiến lược, đánh tan 5 vạn quân Xiêm và tập đoàn phong kiến bán nước Nguyễn Ánh vào đêm 19 rạng 20-1-1785.
Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút. Ảnh Q. Huy.
          Vào tháng 2-1784, trước sự lớn mạnh của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu viện vua Xiêm trợ giúp. Vua Xiêm cho 2 cháu mình là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân sang xâm lược nước ta bằng 2 ngã thuỷ, bộ. Được tin quân Xiêm hoành hành, tháng 1-1785, Nguyễn Huệ kéo quân vào Nam đóng tại Mỹ Tho, chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7km, rộng từ 1-2km làm điểm quyết chiến chiến lược với địch. Giữa sông có cù lao Thới Sơn và cù lao Hộ, còn gọi là Bãi Tồn, cây cối rậm rạp rất thuận lợi cho việc giấu quân và mai phục. Bên cạnh đó, Nguyễn Huệ thu phục một số nông dân địa phương gia nhập vào nghĩa quân.
           Đêm 19 rạng 20-1-1785 (đêm 9 rạng 10-12 năm Giáp Thìn), vào khoảng đầu canh năm, Chiêu Tăng lợi dụng thuỷ triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử địch lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút.
    Khi chúng lọt vào trận mai phục, bất ngờ pháo lệnh của Tây Sơn nổ vang ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền. Ngay lúc ấy, Nguyễn Huệ cho khoá chặt hai chốt dồn quân Xiêm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Khi chúng còn hoang mang thì pháo hỏa hổ ở hai bên bờ nả đạn tới tấp làm cho đội hình chúng rối loạn, tinh thần hoang mang rồi bỏ chạy. Cùng lúc đó một đội thuyền cảm tử quân chở đầy rơm và những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào thuyền giặc làm cho thuyền chúng số bị chìm, số bị cháy. Trong khi đó, cánh quân bộ của chúng ngay từ đầu đã bị quân Tây Sơn chặn đánh không cho cứu viện. Nguyễn Ánh được Mạc Tử Sanh bảo vệ trốn sang Xiêm. Còn Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy theo hướng Tây Ninh rồi trở về Xiêm. Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm, số còn lại vừa chạy vừa phải thốt lên rằng: “Sợ Tây Sơn như sợ cọp”.
Vũ khí quân Tây Sơn trong Khu di tích- Ảnh Q. Huy.
          Thua trận này, ngoài vấn đề chiến thuật, có lẽ ấn tượng lớn nhất của quân Xiêm là các loại vũ khí của quân Tây Sơn sử dụng. Tất cả giờ đây (đã phục chế) được xuất hiện trong hai nhà trưng bày. Bộ sưu tập có 564 hiện vật bao gồm những khẩu súng thần công đúc bằng sắt, nặng 20kg, đá đạn của súng sưu tầm rất nhiều ở đoạn sông Rạch Gầm – Xoài Mút, bảng vẽ miêu tả súng hỏa hổ… cùng những đồ dùng của quân Xiêm bại trận như đồ gốm, gươm… và những hiện vật khác có liên quan sau chiến thắng: tiền Thái Đức, tiền Quang Trung, tiền Cảnh Thịnh hay ảnh kênh Bà Bèo…
Rời khu trưng trưng bày, nhìn về phía Đông, ta bắt gặp một ngôi nhà cổ Nam Bộ trong khuôn viên khu di tích. Ngôi nhà như gợi lại quá khứ thuở cha ông đi khẩn hoang mở đất, để sau đó xây dựng nên một vùng đất trù phú ở phía Nam Tổ quốc. Bước vào bên trong, du khách dễ cảm nhận những nét quen thuộc trong xây cất ở phương Nam. Nhà được xây dựng 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái lợp ngói âm dương với diện tích 225m2. Ngay gian giữa có bàn thờ tổ tiên với đầy đủ lư hương, bình bông, mâm ngũ quả. Hai gian bên có tủ kính chưng các loại chén, bình cổ có từ thế kỷ XVIII, phía trước có  bộ ván và hai chiếc bàn tròn bằng gỗ quý. Đây là nơi dùng để  trưng bày và tiếp khách.
Vũ khí quân Xiêm trong Khu Di tích- Ảnh Q. Huy.
        Khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia và đang thu hút một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Công trình này mang ý nghĩa rất sâu sắc nhằm giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước cho các thế hệ đương thời và mai sau.
                                                                                 L.Q.H

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

            Về nơi lưu dấu tích thân phụ Hồ Chí Minh

                                                              NGUYỄN THỊNH 
 
        Cũng như người con vĩ đại của mình là lãnh tụ Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng đi đến nhiều nơi để tổ chức hoạt động cứu nước. Nhắc đến nơi lưu dấu tích của cụ Phó bảng, nhiều người sẽ nghĩ tới khu di tích của cụ ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng có một nơi cũng ghi dấu tích của cụ mà ít người biết đến.
         Đó là chùa Hội Khánh ở tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hòa thượng Thích Huệ Thông - trụ trì chùa Hội Khánh, cho biết: chùa này do Đại Ngạn thiền sư xây dựng năm 1741. Chùa Hội Khánh có kiến trúc kiểu Nam Bộ trùng thềm trùng lươn (tức là nối sát nhau liên tục). Cấu trúc chùa gồm: tiền điện, chính điện, hậu tổ, giảng đường, đông lan, tây lan. Cổng chùa được đắp bằng những hình nổi làm bằng sành sứ màu, sau này chùa còn được xây thêm tháp đựng kinh sách. Tháp khá cao và nhìn như một Tàng kinh các của một chùa Thiếu lâm tự. Trong khuôn viên của chùa Hội Khánh có bức tượng Phật nằm và các đệ tử quỳ bên cạnh. Tượng làm bằng đá trắng cẩm thạch rất đẹp. Trong khuôn viên chùa còn có một nhóm tượng mô tả lại cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật. Chùa Hội Khánh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1993.

Một góc chùa Hội Khánh ở Thị xã Thủ Dầu Một- Bình Dương, nơi lưu dấu tích thân phụ Hồ Chí Minh. Ảnh Nguyễn Thịnh. 

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

VỚI HOÀI THANH TIÊN SINH: ĐÔI ĐIỀU TÔI MUỐN NÓI

 

                                                          Giáo sư  NGUYỄN ĐÌNH CHÚ


          Tôi có cái may mắn là người đồng hương của ông. Thân phụ của tôi là bạn khoa cử với bác ruột của ông: cụ phó bảng Nguyễn Đức Đàm. Thưở nhỏ mới bước chân vào trường tiểu học, tôi đã được các thầy giáo kể cho nghe nhiều tài danh học vấn của xứ Nghệ quê tôi trong đó có Hoài Thanh. Lớn lên, tôi lại có thêm may mắn được làm cháu rể của ông. Nhạc phụ tôi, nhà Hán học Nguyễn Đức Vân là anh con bác ruột của ông. Rồi nữa, tôi lại là học trò đại học và năm 1958, trong một thời gian mấy tháng, là trợ lý của ông khi ông được điều từ Hội nhà văn Việt Nam sang phụ trách bộ môn Văn học Việt Nam tại 2 trường Đại học Sư phạm và Đại học tổng hợp Hà Nội. Dĩ nhiên, tôi còn là độc giả trung thành và ái mộ của ông, trong nghề nghiệp luôn coi ông là một trong số ít phong cách, kiểu mẫu cần học tập. Có bao nhiêu quan hệ riêng tư như thế tôi vẫn không dám nhận mình là người hiểu hết, hiểu đúng về ông. Nhưng cũng có cách hiểu riêng, trong đó có điểm trùng hợp với dư luận, sách báo, nhưng có điểm không trùng hợp mà như thế thì cũng là chuyện bình thường. Trong hội thảo khoa học kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, tôi xin nói đôi điều trước hết là để tỏ tấm lòng của một người cháu, một người học trò trước sau rất mực kính yêu người chú, người thầy của mình; mặt khác cũng là muốn cùng các bạn đồng nghiệp trao đổi nhằm hiểu rõ thêm nhà văn lớn Hoài Thanh, một hiện tượng tưởng là đơn giản nhưng hóa ra cũng chưa hẳn là đơn giản.