Menu ngang

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

THƠ ĐỐI THƠ – HAI CÁCH NHÌN ĐẤT NƯỚC

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội Fb lan truyền bài thơ của chị Trần Thị Lam, sinh năm 1973, giáo viên Văn của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh .
Sau đó, có bài thơ đối lại được cho là của tac giả Hùng Mạnh Ngô.
Thơ đối thơ về hai cách nhìn Đất nước.
Đọc kỹ lại cả hai bài thơ, chẳng phải trung dung, nhưng tôi thấy mỗi người có cái lý riêng. Thật không đơn giản chút nào!
Tôi cho rằng: Trong đời sống – kể cả trong văn chương – nên có sự trao đi đổi lại một cách trung thực, khách quan, trực diện, thẳng thắn, đa chiều, phong phú.
Chân lý chỉ có một. Nhưng mỗi người có góc nhìn và cách tiếp biến khác nhau. Và, trong các cuộc tranh luận ấy, không bao giờ có sự thắng thua một cách sòng phẳng, rạch ròi như trên sân cỏ.
Ấy mới là xã hội !

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ?

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...

TRẦN THỊ LAM
Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.




THÂN GỬI CÔ GIÁO LAM


Nếu đất nước ngàn năm không chịu lớn
Thì bây giờ em chẳng thể gọi tên
Nếu dân tộc đớn hèn như em nghĩ
Thì còn đâu dải bờ cõi nối liền
Em đã quên những bài ca bất hủ
Cha ông ta ba lần thắng quân Nguyên
Em đã quên máu trào Điện Biên Phủ
Để Việt Nam trên thế giới có tên
Em đã quên hàng triệu người trong đất
Để hôm nay Tổ Quốc ngẩng cao đầu
Em đã quên bao linh hồn bất tử
Đang vật vờ đâu đó giữa biển sâu
Em đã quên và đã quên nhiều quá
Lời em kêu sao buồn đến rụng rời
Sao không hỏi mình làm gì đi nhỉ
Mà lại trao câu hỏi ấy cho người
Dân tộc này không bao giờ chết được
Nếu diệt vong chỉ có lũ sâu thôi
Những đứa con dù sống hay đã chết
Vẫn ngàn năm quấn quít trái tim Người."
Đất nước mình có gì ngộ đâu em!
Bốn ngàn tuổi – bốn ngàn năm văn hiến
Bốn ngàn tuổi - bốn ngàn năm chinh chiến
Máu ông cha thấm đẫm núi sông này.
Đất nước mình có gì lạ đâu em!
Dâng bánh chưng tưởng nhớ về tiên tổ
Dự án, tượng đài nước nào chả có
Sinh mạng con người tùy ở trí mình thôi.
Đất nước mình có gì buồn đâu em!
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng trùng điệp và biển xanh thao thiết
Những con thuyền vượt sóng tới trùng xa...
Đất nước mình có sầu thương đâu em!
Mỗi đứa trẻ sinh ra ấm vành nôi, ngọt sữa
Di sản cho mai sau được bảo tồn, gìn giữ
Đứng trước năm châu không hổ thẹn, cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ chẳng về đâu
Sẽ đứng vững dù can qua, bão tố
Yêu đất nước, em chuyên cần dạy dỗ
Góp sức mình xây đất nước phồn vinh.
Đất nước mình không ngộ lắm đâu em
Ai đi xa luôn dạt dào nổi nhớ
Là dân Việt lòng ai không trăn trở
Ai không người nặng nợ với non sông
Em có biết đất nước về đâu không ?
Khi lòng người vẫn nhỏ nhen ganh tị
Đem thù hận, đớn hèn và ích kỷ
Gieo vào lòng thế hệ trẻ hôm nay
Người Việt mình sao không tỉnh cơn say
Sao lắm kẻ mãi ăn mày dĩ vãng
Sao không hiểu muốn quốc gia xán lạn
Cần mọi người cùng góp sức, chung tay
Đất nước mình không ngộ lắm đâu em !
Anh vẫn nhớ những đói nghèo, khốn khó
Chuyện áo cơm nên dang dỡ học hành
Của ngày đầu đất nước thoát điêu linh
Đất nước này không buồn thế đâu em
Đối khổ, đắng cay qua rồi năm tháng
Em hãy tin một ngày mai xán lạn
Sánh vai cùng bốn bể, năm châu
Sao em buồn và hỏi đất nước đi về đâu?

(Bài của Hùng Ngô Mạnh).