Menu ngang

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

                                 NHÂN KIỆT MỘT DÒNG HỌ


Dòng họ Nguyễn Đình - làng Thượng Xá trước đây nay là xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là một dòng họ trâm anh thế phiệt.  Không chỉ Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí là người có “bổng lộc, phẩm trật đều đạt đỉnh vinh quang” được tôn vinh:“ Người hai lần khai quốc”, “ Bình Ngô khai quốc, tịnh nạn trung hưng”, mà những người con của  ông “ đã noi gương thân phụ, đều hết lòng trung quân, ái quốc. Trong 15 người, thì có 7 người giữ các chức vụ quan trọng trong triều, và 8 người điều khiển chỉ huy 8 đạo quân trấn thủ các vùng xung yếu của nước Đại Việt. Tất cả đều được phong tước Hầu, cao hơn là tước Quận công, cao hơn nữa là tước Quốc công. Có 2 người là Phò mã (con rể) của nhà vua. Còn 8 người con gái đều lấy chồng thuộc loại gia đình quý tộc” (Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, UBND tỉnh Nghệ An: Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí : Quê hương, Con người, Sự nghiệp. Sở VHTT Nghệ An, 1997, tr 41) . Các thế hệ cháu chắt của 15 chi chính tông họ Nguyễn Đình - Cương Quốc Công ( còn gọi là Cựu Lê Công thần) đã có nhiều đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc - đặc biệt trên lĩnh vực quân sự. Truyền thống đó được cháu đời thứ 12 của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là Tả quân phủ đô thống Chưởng phủ sự, Lương Năng bá, Hiếu Thuận Hầu Nguyễn Văn Hiếu ( từng là Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội ) viết trong bản Tộc phổ Nguyễn Công thần ở Thượng Xá diễn Nôm theo thể phú vào năm Gia Long thứ 16 (1816) là :
“ Công lao vốn tự tổ tiên
An trạch dành cho con cháu
Mười lăm trai áo nậu gươm vàng, ngoại quận trong triều, công hầu sánh bước
Hơn mười đời đai vàng hốt ngọc, họ trai họ gái, khanh tướng kề vai
Tiếng tăm lừng lẫy Hoan Châu
Tên tuổi dội vang khắp nước
Cha đến con, lũy triều cân hốt, một nhà đầy chật công khanh
Cháu rồi chắt, kế thế trâm anh, cả họ chen chân bá tước” .


Nguyễn Bá Sương và Nguyễn Kế Sài là con thứ 2 và thứ 5 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Bia ghi sự tích Thái sư Cương Quốc Công do Trạng nguyên Nguyễn Trực soạn ngày 10 tháng 8 năm Quang Thuận thứ 8 (1467) cho biết: “ Con thứ hai tên Sương, làm quan chức Phò mã Đô úy Nghiêm võ vệ Tổng quản, đồng Tổng tri chư tướng, Hành Thuận Hóa đạo Đô Tổng binh sứ ty Đô Tông binh sứ…Con thứ năm tên Kế Sài, làm quan chức Hành Thuận Hóa đạo, Tam phụ quốc Đồng trị đô Tổng binh sứ Đô Tổng binh sứ”. Nhà bác học thế kỷ thứ 18 Lê Quí Đôn cũng chép: “Con thứ hai là Sương, làm chức Tổng quản Nghiêm võ, Hành Thuận Hóa Tổng binh sứ… Con thứ nữa là Kế Sài, làm Tổng binh ở Hóa châu, tặng là Thái bảo” (Lê Quí Đôn: Đại Việt thông sử, Nxb VHTT, HN, 2007, tr 230). Thuận Hóa là 1 trong 12 đạo thừa tuyên được vua Lê Thánh Tông thành lập vào năm Bính Tuất (1466), bao gồm phủ Tân Bình ( đất 3 châu : Bố Chính, Địa Lý, Mai Linh), châu Thuận và châu Hóa (đất châu Ô và châu Lý. Ở mỗi đạo thừa tuyên , vua cho đặt 2 ty: Đô Tổng binh sứ (Đô ty) và Thừa chính sứ ty (Thừa ty). Quan chế đời Hồng Đức qui định: Viên quan đứng đầu Đô ty là Đô Tổng binh sứ, có phẩm trật Chánh Tam phẩm, giúp việc có Tổng binh Thiêm sự (phẩm trật Chánh Tứ phẩm) và Tổng binh Đồng tri (Tòng Tứ phẩm). Như vậy, hai anh em ruột Nguyễn Bá Sương, Nguyến Kế Sài là những nhân vật lịch sử giữ trọng trách cai quản và trấn giữ đạo thừa tuyên biên viễn phía Nam cực kỳ quan trọng của nhà Lê ( vì đạo Thuận Hóa tiếp giáp với Chiêm Thành).
Nguyễn Kế Sài là ông tổ của chi Năm - một trong hai chi lớn và thành đạt nhất (cùng với chi Hai) của dòng họ Nguyễn Đình làng Thượng Xá. Phần ký truyện về Nguyến Xí trong Đại Việt thông sử chép : “Kế Sài sinh 9 người con trai, con trưởng là Đình Quang, con thứ là Đình Quả, làm chức Thái bộc Tự khanh, con thứ nữa là Đình Bảng , làm chức Tả hữu điểm. Thứ nữa là Đình Trang, thứ nữa là Đình Phú, làm Tà đô đốc, Bá Châu hầu. Thứ nữa là Đình Bính, làm Thống chế vệ Thủy quân, Thứ nữa là Đình Điển, Đình Kính, Đình Soạn”. ( Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử , Nxb VHTT , HN, 2007, tr 227).
Trong số các người con của Nguyễn Kế Sài có người con thứ 5 là Nguyễn Đình Phú vì có nhiều công lao nên được vinh phong là Tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đông quân Đô đốc phủ, tước là Bá Châu Hầu. Nguyễn Đình Phú có những người con, người cháu nổi tiếng như:
-                     Con trưởng của Nguyến Đình Phú là Đô chỉ huy sứ vệ kim ngô Nguyễn Đình Bảo - là người kiên định con đường “ Phù Lê diệt Mạc” đã cùng triều thần khuông phò Lê Anh Tông trung hưng nhà Lê. Về sau ông theo “Thế tổ ( Trịnh Kiểm) đánh phương Nam. Khi đánh nhau với Mạc Kinh Điển ở sông Giao Thủy, hy sinh tại trận”, được ban tước Quỳnh Sơn hầu.
-                     Nguyễn Đình Kinh (còn gọi là Đình Tông) là con trưởng của Nguyễn Đình Bảo, cháu nội của Nguyễn Kế Sài, đã giữ trọn khí tiết “Phù Lê giúp Trịnh “ chống lại nhà Mạc. Sách Đại Việt thông sử chép: “Năm Canh Tý , niên hiệu Thận Đức thứ nhất đời vua Kinh Tông (1600), Đình Kinh bị bọn bề tôi làm phản là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga giết chết, tặng Thiếu bảo” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Sách Đại Nam nhất thống chí, phần nhân vật tỉnh Nghệ An viết: “ Xí có 16 người con trai. Sư Hồi và Sương đều làm quan to. Cháu là Bá Nhật, Bá Ký, Bá Câu, Bá Kỳ đều được phong Quận công; cháu 5 đời là Bá Ngự được phong Thận Quận công. Cháu 7 đời được phong Hành Quận công. Về bản triều thì Chưởng đinh Nguyễn Đình Đắc và Tả quân Chưởng phủ sự Nguyễn Văn Hiếu đều là dòng dõi Lê Xí ( Nguyễn Xí) . Năm Gia Long thứ nhất (1802) được liệt vào hàng công thần khai quốc bậc nhất của nhà Lê. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) thờ phụng ở miếu Lịch Đại Đế vương” (Quốc sử quán triều Nguyễn : Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr 228-229). Tính từ  ông tổ của chi Hai là Nguyễn Bá Sương, thì con cháu chi này có tới 35 võ quan cao cấp, giữ nhiều trọng trách. Nổi bật nhất là Nguyễn Bá Ký được phong là Suy trung công thần, Thái bảo, Chiêu Quận công (Gia phả ghi là Huân Quận công). Hai người con của ông đều trở thành “rường cột” của triều đình Lê - Trịnh, là:
-                     Cương chính công thần, Thiếu úy, Nguyên Quận công Nguyễn Bá Quýnh (từng giữ chức Trấn thủ xứ Quảng Nam, Nghệ An).
-                     Khâm sai Thống tướng, Thái úy , An Quốc công Nguyễn Bá kỳ.
Không chỉ có công với nước, hai cha con Nguyễn Bá Ký, Nguyễn Bá Kỳ còn được dân làng Hương Ngoại (tục gọi là làng Ngoài) xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) thờ làm Phúc thần.
Sắc phong ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) ban cho Nguyễn Bá Ký ghi nhận : “Sắc cho Thái bảo Huân Quân công (vốn được tặng phong là) Dực thánh, Tế trị, Hưng bình, Tán chính, Long công, Mậu đức, Dương uy Đại vương. Sông bể thâu tinh tú, non nước hun đúc anh linh, cao sánh với trời, dày so cùng đất, anh thanh hiển hách, rỡ rỡ linh thiêng, đã nhuận thấu cơ trời mầu nhiệm, lại kiêm gồm sức mạnh trừ ai. Hiển ứng làm nên tuấn kiệt, tặng phong tỏ rõ điển chương. Vì tự vương đăng ngôi báu, ngự vào chính phủ, lễ có tăng cấp bậc, lại phụng chuẩn ban ơn, nên tặng thêm hai chữ mỹ tự, đáng được khen thêm là Thái bảo Huân Quận công, gia phong Dực thánh, Tế trị, Hưng bình, Tán chính, Long công, Mậu đức, Dương uy, Hiển hựu , Phổ tế Đại vương” . Hai sắc phong ban vào các năm 1890, 1924 càng khẳng định công trạng giúp rập đất nước, phù trợ cuộc sống an bình của nhân dân.
Tấm bia đá trên lăng mộ Nguyễn Bá Kỳ khắc ghi: “Lê triều Khâm sai, Thống tướng, Thái úy An Quốc công,. Sắc phong Sùng huân, Khải trạch Đại vương. Kim triều (tức triều Nguyễn) gia phong Tuấn mại, Cương trung, Trác vĩ, Thượng đẳng tôn thần”.Trong khi đó, Sắc ban vào năm 1890, 1924 có gia phong: “Thái úy, An Quốc công, gia phong Dực vận, Phụ quốc, Dương uy, Phù tộ, Cao tông, Hồng liệt, Vĩ duyệt, Sùng huân, Khải trạch Đại vương”.

Như vậy, từ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí - Khai quốc công thần thời Lê đến các thế hệ con cháu chắt là:  Nguyễn Bá Sương, Nguyễn Bá Ký, Nguyễn Bá Kỳ,… (Thuộc chi Hai), Nguyến Kế Sài, Nguyễn Đình Phú, Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Đình Kinh, Nguyến Kế Hưng, Nguyễn Trọng Thưởng,..(Thuộc chi Năm) đã có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và mở mang đất nước Đại Việt thời Lê ở thế kỷ 16, 17 nói chung và quê hương vùng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nói riêng (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Tri ân công lao “khuông phò xã tắc”, “hộ quốc tí dân” của các thế hệ con cháu, chắt dòng họ Nguyễn Đình - Cương Quốc công - Cựu Lê công thần, Nhà nước đã xếp hạng  Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đối với Nhà thờ Nguyễn Xí, nhà thờ Nguyễn Sư Hồi, nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Kế Sài, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Đình Đắc ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

                                                                                  N. M. Đ sưu tầm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét