Menu ngang

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

CON... TRƯỢT RỒI BỐ Ạ!


Hương không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt của bố. Nó cắm đầu đi vào nhà. Ngang qua chỗ mẹ nằm, nghe những tiếng thở khò khè khó nhọc, nó không cầm được nước mắt.
Bữa cơm tối dọn ra nhưng bố con nó chưa ăn vội. Từ ngày mẹ bị bệnh, mâm cơm nhà nó bao giờ cũng chỉ có hai người. Bố bón cho mẹ bát cháo xong rồi hai bố con mới ăn.
Bữa cơm tối nay có cá kho, bố đánh dưới ao lên nhưng nó ăn không thấy ngon. Hình như bố cũng vậy.
- Không đỗ thì ôn thi tiếp. Con đừng buồn, nhìn con buồn bố nản lắm.
Nó quay lại nhìn bố với đôi mắt ướt:
- Con hết buồn rồi, bố đừng lo.
Đêm, nó trằn trọc không ngủ được. Khó khăn lắm, mẹ mới chợp mắt nên nó không muốn tiếng trở mình của nó làm mẹ thức giấc. Nó sờ tay lên tường, mảng tường đã bong tróc chỗ lồi, chỗ lõm khiến bàn tay nó ram ráp. Nó nghĩ đến giấc mơ dở dang của mình…
Nhưng nếu nó đi học thì bố mẹ sẽ thế nào đây? Bố lấy đâu ra tiền để vừa lo thuốc thang cho mẹ lại vừa lo cho nó học đại học. Bác sĩ đã bảo bệnh của mẹ sẽ khỏi nếu kiên trì chữa trị. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho nó. Nó không muốn mẹ phải hy sinh cả sự sống của mình chỉ để cho nó được học đại học. Với nó, mạng sống của mẹ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời.
- Bố à, chắc sang tháng sau con lên phụ giúp dì Hoa bán hàng cho… đỡ buồn.
Nó nhìn bố thăm dò. Thực ra là nó đang nói tránh cái điều mà nó nghĩ: phải đi làm để có tiền đỡ đần cho bố. Sau một hồi suy nghĩ, bố đặt tay lên vai nó, giọng chùng xuống:
- Cũng được con ạ.
Nó lên phố bán hàng, bỏ lại phía sau những nỗi niềm và những giọt nước mắt. Cửa hàng của dì nó ở vị trí trung tâm thành phố, lại là đại lý lớn nên rất đông khách. Bận bịu với việc bán hàng, nó cũng quên đi nỗi buồn. Tiền ăn ở dì lo, còn tiền công tháng dì bảo nó gửi về quê cho bố mẹ. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, nó thấy quyết định của nó thật có ý nghĩa, nhất là khi gọi điện về thấy bố khoe:
- Bệnh của mẹ tiến triển nhiều rồi con ạ.
Rồi một ngày, bố đột ngột xuất hiện ở cửa hàng với khuôn mặt của một người đang cố chịu đựng:
- Tại sao con lại nói dối bố?
Bố dằn từng tiếng một rồi chìa tờ giấy báo điểm đậu đại học mà nó đã cố giấu. Nó nhìn thấy trong mắt bố là cả một sự kiềm nén ghê gớm, nên câu trả lời của nó cũng trở nên đứt quãng:
- Con… xin lỗi bố… nhưng bố ơi, làm thế nào mà con có thể đi học được khi mẹ đang bệnh? Làm thế nào mà con có thể để bố một mình vật lộn để vừa chăm mẹ vừa nuôi con học đại học. Con rất mong được vào đại học, nhưng lúc này con cần phải làm những việc quan trọng hơn. Đợi đến khi mẹ khỏi bệnh con sẽ lại học tiếp, con sẽ vào đại học bố ạ, chỉ là đi sau các bạn vài bước thôi.
Lần đầu tiên trong đời, nó nhìn thấy bố khóc, đôi mắt ầng ậc nước...

Nợ công... 

Nguyên Hà/ VnEconomy 

Kỳ 1Nợ công và phần chìm của “tảng băng” doanh nghiệp nhà nước

“Khủng khiếp”, đó là chữ được TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý Giám đốc Quốc gia - Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam, dùng để nói về độ lớn mức vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước, có liên quan mật thiết đến nợ công.

Với phạm vi định nghĩa trong Luật Quản lý nợ công của Việt Nam hiện nay, ông Dũng cho rằng hầu hết nợ của doanh nghiệp nhà nước không được đưa vào trong nợ công quốc gia. Vì, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (4,2 - 6,9%) dư nợ của doanh nghiệp nhà nước là được Chính phủ bảo lãnh.

“Đó là phần vay vốn nước ngoài. Phần chìm của tảng băng doanh nghiệp nhà nước vay nợ trong nước theo hình thức tự vay tự trả mới lớn khủng khiếp”, tác giả Trịnh Tiến Dũng nhấn mạnh tại tham luận ở hội thảo về nợ công mới diễn ra hồi trung tuần tháng 7/2014.

Khá nhiều con số được ông Dũng sử dụng để minh chứng cho nhận định này. Như, nếu tính cả 86.000 tỷ đồng của Vinashin thì ngay từ cuối năm 2009 nợ của doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 54,2% GDP của năm này. Riêng Vinashin có dư nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỷ đồng nhưng không thể tự cân đối được dòng tiền…

Tuy nhiên, Nhà nước tiếp tục các hình thức hỗ trợ như chuyển nợ (chuyển nợ của Vinashin sang Vinalines và Petro Vietnam), giãn nợ (bảo lãnh của Nhà nước trước các ngân hàng), bổ sung vốn, khoanh nợ... nói cho cùng đều dựa vào ngân sách Nhà nước, làm tăng thâm hụt ngân sách.

Và hậu quả là Nhà nước sẽ phải phát hành trái phiếu Chính phủ, để bù đắp thiếu hụt khiến cho nợ công của quốc gia tăng lên, ông Dũng khái quát.

Vẫn trong mối liên hệ với nợ công, hơn một lần tại các hội thảo lớn về tài chính, chuyên gia Phạm Thế Anh (Viện Chiến lược chính sách khoa học và công nghệ) cho rằng rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà có thể sẽ phải dùng ngân sách để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công. Ví dụ như khoản nợ quốc tế 600 triệu USD của Vinashin hay hàng chục triệu USD của HUD...

Còn ở bản tham luận tại hội thảo mới được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, các tác giả Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh đã dẫn con số từ báo cáo cuối năm 2013 của Chính phủ cho thấy tổng nợ của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.

Nếu loại trừ phần cụ thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,2% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh, tham luận nêu rõ.

“Do vậy, nếu cộng cả con số nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế”, các tác giả cảnh báo.

Vẫn theo các chuyên gia Thế Anh và Tuấn Minh, rủi ro từ nợ của các doanh nghiệp nhà nước đối với nợ công quốc gia không hẳn chỉ nằm ở kênh vay nợ được Chính phủ bảo lãnh như đã nói trên.

Các khoản nợ từ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, nợ từ ngân hàng phát triển, nợ từ các ngân hàng thương mại và nợ chéo lẫn nhau của các doanh nghiệp nhà nước mới là mầm mống đe dọa an toàn nợ công quốc gia khi một số doanh nghiệp nhà nước lớn rơi vào thua lỗ nhưng lại không thể để chúng phá sản, tác giả Tuấn Minh và Thế Anh phân tích thêm.

Các tác giả tham luận cũng nhấn mạnh rằng, nếu như không muốn nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước trở thành mối đe dọa thực sự đối với an toàn nợ công quốc gia trong tương lai thì tiến trình cổ phần hóa và cải cách khu vực này cần phải được tiến hành một cách thực chất thay vì hình thức.

Cũng băn khoăn về mối quan hệ giữa ngân sách nhà nước và nợ doanh nghiệp nhà nước, TS. Lê Đăng Doanh nêu tính toán của các chuyên gia nếu bổ sung nợ của khu vực này thì nợ công sẽ lên đến 100 -105% GDP.

Ông Doanh cho rằng, cần thiết phải xếp loại nợ doanh nghiệp nhà nước và bổ sung một phần số nợ đó vào nợ công. Bởi, Bộ Tài chính nhiều lần tuyên bố nợ doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả song ngân sách nhà nước đã phải trả cho nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Bởi vậy, giám sát toàn diện về nợ công, đặc biệt là ngăn chặn những tác động tiêu cực từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đến nợ công quốc gia, theo nhiều ý kiến đã trở nên rất cấp thiết. Ở bài viết tiếp theo, VnEconomy sẽ đề cập sâu hơn nội dung này.

 Kỳ 2: Giám sát nợ công khó đến mức nào? 

 Ảnh bên:Quốc hội đã yêu cầu giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ, đảm bảo an toàn nợ công trong dài hạn...

 Từ độ chênh vênh của con số đến nguy cơ thực sự của nợ công và nhất là mối đe dọa từ phần chìm của tảng băng doanh nghiệp nhà nước, như VnEconomy đã phản ánh ở các bài trước, đều cho thấy tính cấp bách của giám sát về nợ công.

Ở kỳ họp thứ 7 vừa qua của Quốc hội, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - một người rất am hiểu về nền tài chính quốc gia - nói: "Nợ công đang ở giới hạn pháp luật cho phép, nhưng đã đe dọa an ninh tài chính vĩ mô".

Tại nghị quyết được thông qua sau đó, Quốc hội yêu cầu giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ, đảm bảo an toàn nợ công trong dài hạn…

Nhận xét những yêu cầu này là hoàn toàn chính xác, song chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng một mình Bộ Tài chính không thể thực hiện được nếu thiếu sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Kiểm toán nợ công chính là một trong những công cụ trọng yếu trong việc hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội về nội dung này.

Tuy có thể vẫn còn tiếp tục tranh cãi về tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, song một cuộc kiểm toán toàn diện về nợ công không chỉ là mong muốn của nhiều vị đại diện cho dân ở cơ quan lập pháp.

Nhưng, theo Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán nhà nước) Nguyễn Minh Giang, tính hiệu quả và hiệu lực của kiểm toán đối với quản lý nợ công còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, đặc biệt là những thách thức đặt ra trong tương lai.

Không chỉ chưa thể đi sâu đánh giá tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay, tiến độ trả nợ, cơ cấu, chi phí và và việc hạch toán các khoản nợ công nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong vay nợ, mà theo ông Giang thì Kiểm toán Nhà nước cũng chưa đưa ra được nhiều ý kiến tham mưu mang tính vĩ mô để giúp các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện công tác quản lý nợ công.

Một nguyên nhân quan trọng của hạn chế này được ông Giang chỉ rõ là Kiểm toán Nhà nước chưa có một quy trình, hướng dẫn, thủ tục về kiểm toán nợ công một cách đầy đủ, có hệ thống và chuẩn mực theo thông lệ quốc tế để làm công cụ cho việc kiểm toán nợ công một cách hiệu quả, hiệu lực.

Trong khi đó, giám sát nợ công là vấn đề khó, chứa đựng nhiều mối quan hệ kinh tế và lợi ích phức tạp, gắn kết giữa vấn đề tài chính - ngân sách - chính trị và pháp lý, theo nhận xét của TS. Đặng Văn Thanh.

Là chuyên gia kinh tế cao cấp của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, TS. Đặng Văn Thanh cho rằng giám sát của các cơ quan dân cử không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách nợ công mà cần xem xét trong mối liên hệ với các vấn đề cả kinh tế, chính trị và xã hội.

Vấn đề mà theo ông là khá quan trọng là phải nhận dạng và phát hiện các rủi ro ngay trong quá trình diễn tiến của nợ công, từ những quy định pháp lý và cơ chế quản lý của nhà nước, cho đến các công việc của người đi vay, đàm phán,ký kết vay nợ, nhận vốn, phân phối vốn vay, giải ngân cho đến sử dụng và trả nợ.

Vị chuyên gia này cho rằng, các rủi ro trong quy định pháp lý và tổ chức thực hiện vay nợ, quản lý nợ công và sử dụng nợ công là rất đáng kể. Khi hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ và đầy đủ về quản lý nợ còn chưa được hình thành. Rất nhiều vấn đề về vay nợ, trả nợ, sử dụng vốn vay chưa có quy định pháp lý, chưa có văn bản hướng dẫn để điều chỉnh.

Từ góc nhìn “người trong cuộc” của cơ quan giám sát, “ông nghị” Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để giải quyết căn cơ vấn đề an toàn của nợ công cần phải đổi mới căn bản Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công và các đạo luật khác có liên quan.

Đại biểu Trần Du Lịch kiên trì quan điểm cần phải đổi mới căn bản quy trình lập và thông qua ngân sách của Quốc hội. Theo đó, nếu duy trì việc thông qua ngân sách hàng năm dưới hình thức một nghị quyết thì cũng phải thực hiện qua hai kỳ họp. Kỳ giữa năm thảo luận và quyết định chủ trương phân bổ ngân sách, định hướng chi tiêu… và kỳ cuối năm mới thông qua con số cụ thể.

Chính phủ không nên bảo lãnh cho chính quyền địa phương phát hành trái phiếu theo cơ chế tự vay tự trả và cảnh báo với thị trường đối với những khoản nợ của địa phương, đại biểu Lịch bày tỏ quan điểm.

TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, nếu kỷ cương ngân sách không được thiết lập theo hướng không có khoản chi nào của cơ quan hành chính nhà nước mà không nằm trong dự toán ngân sách đã được Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân quyết định hằng năm, thì không thể kiểm soát được nợ công.

Như vậy, xem ra câu hỏi giám sát nợ công khó đến mức nào, vẫn thật khó có câu trả lời thỏa đáng.

...................
Tên bài của Quê Choa

Thiết kế ga ngầm của tuyến metro 

hơn một tỷ USD ở Thủ đô


Đoạn ga ngầm dài 4 km cách mặt đất chừng 15-30 mét được coi là phần phức tạp nhất của dự án metro hơn một tỷ USD.
Dự án đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km với 12 ga chính, tổng mức đầu tư gần 33.000 tỷ đồng (khoảng 1.6 tỷ  USD), được khởi công xây dựng từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành có thể phải lùi đến tháng 11/2018.
Cách đây vài ngày, Chính phủ Pháp cam kết tài trợ thêm gần 200 triệu euro (khoảng 5.700 tỷ đồng).
Theo thiết kế, đoạn đi trên cao dài 8,5 km gồm các ga từ khu Depot tại Nhổn, ga trên đường Cầu Diễn - Hồ Tùng Mậu - Đại học Quốc Gia Hà Nội... 

Đoạn đi ngầm dài 4 km, bắt đầu từ phố Kim Mã, Giảng Võ, được coi là phần phức tạp nhất của dự án. Đoạn ngầm sẽ gồm 2 ống hầm rộng 6,3 mét nằm cách mặt đất chừng 15-30 mét.
Việc thi công hầm dự kiến dùng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo nhà cửa, cây cối bên trên không bị ảnh hưởng.
Hệ thống hầm có thang máy, thang cuốn phục vụ người khuyết tật.
Tại các ga sẽ có ghế ngồi chờ và bảng báo tuyến bằng điện tử, có hệ thống kiểm soát môi trường, thoát nước, hệ thống báo cháy tự động...

Để đảm bảo an toàn và kiểm soát chặt chẽ trong việc vận hành. Khu ngầm sẽ được bố trí một trung tâm kiểm soát. 
Khu vực ke ga, nơi hành khách ngồi chờ dưới các ga hầm, được thiết kế rộng rãi với các hệ thống đèn chiếu sáng và bảng điện tử. 
Điểm cuối của dự án là khu vực trước cửa ga Hà Nội.
Theo dự kiến, khoảng 4 km tuyến ga ngầm này được khởi công vào tháng 11/2012, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa triển khai. Báo cáo mới đây của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, với gói thầu số 3-hầm và các ga ngầm vẫn đang trong quá trình đánh giá hồ sơ của các nhà thầu. Theo tiến độ, tháng 12 sẽ ký hợp đồng.
Sau nhiều năm khởi công, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội) liên tục chậm tiến độ khiến hợp đồng tư vấn phải gia hạn. Cả chủ đầu tư là UBND Hà Nội và Tư vấn Systra (Pháp) tính toán thời gian sẽ kéo dài đến tháng 11/2018.
Một trong các vướng mắc là việc giải phóng mặt bằng và thi công chậm chạp tại các gói thầu chính. Điển hình, gói thầu số 1 khu depot, chủ đầu tư đã nhiều lần thay đổi đơn vị thi công do năng lực kém. Hạ tầng kỹ thuật khu depot chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng sau nhiều năm. Ban quản lý dự án, các nhà thầu đã liên tục bị chủ tịch thành phố nhắc nhở và phê bình.
Phương Sơn
Ảnh BQLDA đường sắt đô thị Hà Nội

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014


   KINH KHA GIẾT VUA TẦN


 Năm Tần Vương Chính thứ 19 (228 trước CN), nước Tần đem quân diệt Triệu, bắt sống vua Triệu, trực tiếp uy hiếp nước Yên. Cả nước Yên vô cùng lo sợ.
Thái tử Đan nước Yên thấy còn lâu nước Yên mới có thể là đối thủ của nước Tần, nghĩ phải giành thắng lợi bằng cách khác thường, dùng cách giết vua Tần để ngăn cản việc thống nhất 6 nước của nước Tần. Có người tiến cử dũng sĩ Kinh Kha.
Thái tử Đan cho người đi mời Kinh Kha, thấy Kinh Kha dáng vẻ hiên ngang, cử chỉ khác thường, trong lòng vô cùng kính trọng. Thái tử Đan đem việc giết vua Tần ra nói, Kinh Kha cúi đầu suy nghĩ đến nửa ngày mới trả lời:
- Việc này có quan hệ rất lớn, tôi tài trí bình thường, không chắc có thể hoàn thành sứ mệnh.
Thái tử Đan năn nỉ, cầu khẩn, Kinh Kha mới đồng ý. Thái tử Đan phong cho Kinh Kha  làm thượng khanh, đưa ra ở khách quán, mỗi ngày được rượu ngon, xem ca múa, đối đãi thịnh tình.
Qua một thời gian dài, Kinh Kha vẫn chưa có ý hành động. Trong lúc đó, đại tướng Vương Tiễn của Tần lại đem quân xâm phạm biên giới nước Yên. Thái tử Đan rất lo lắng, lại đến thúc giục Kinh Kha.
Kinh Kha nói:
- Muốn đến gần vua Tần phải có cái gì để hắn tin chúng ta, vua Tần dùng nghìn lượng vàng trọng thưởng để bắt được tướng quân Phàn Vu Kỳ, phải giết được ông ta mới thỏa lòng. Nếu tôi có thể có được cái đầu của Phàn Vu Kỳ, lại dâng bản đồ đất Đốc Kháng phì nhiêu nhất nước Yên (nay là Duyện Châu, Định Hưng, một phần Cố An, tỉnh Hà Bắc) làm lễ vật, vua Tần nhất định sẽ vui vẻ để tôi tiếp kiến, lúc đó công việc sẽ dễ dàng.
Thái tử Đan nói:
- Bản đồ Đốc Kháng thì dễ, nhưng Phàn tướng quân bước đường cùng mới đầu hàng, ta tuyệt không thể nhẫn tâm hại ông ấy, mong tiên sinh dùng cách khác.
Kinh Kha giấu Thái tử Đan đi gặp Phàn Vu Kỳ, nói với ông ta:
- Vua Tần đối đãi với tướng quân như thế, giết cả nhà ngài, lại treo thưởng lấy đầu ngài, liệu tướng quân có nghĩ tới việc trả thù không?
Phàn Vu Kỳ nghe những lời nói ấy, nước mắt không cầm được, rơi lã chã. Ông nghẹn ngào nói:
- Tôi hận vua Tần tàn bạo, hận tới chảy máu mắt, làm sao có thể không nghĩ tới chuyện báo thù. Nhưng bây giờ tôi đang lưu vong ở bên ngoài, liệu có cách gì để báo thù được đây?
Kinh Kha nói:
- Tôi đã có một cách, cũng có thể dùng được. Không những có thể giải trừ được hoạn nạn của nước Yên, cũng có thể trả thù cho tướng quân.
Phàn Vu Kỳ nghe xong, trở nên vui vẻ, vội  hỏi:
- Cách gì vậy? Ngài mau nói cho tôi nghe đi!
Kinh Kha do dự, chưa vội nói. Phàn Vu Kỳ lại giục:
- Ngài cứ nói đi, chỉ cần giết được vua Tần, báo được mối thù này, thì dù xương tan thịt nát, tôi cũng nghe.
Kinh Kha nói:
- Tôi chuẩn bị đi giết vua Tần, chỉ lo không giành được lòng tin của hắn. Nếu tôi có thể dâng lên hắn cái đầu của tướng quân, vua Tần nhất định sẽ vui vẻ để tiếp tôi. Đến lúc đó, tôi sẽ một tay túm lấy hắn, một tay cầm dao đâm vào ngực hắn, sẽ báo thù cho tướng quân, cũng giải được mối nguy cho nước Yên. Tướng quân thấy thế nào?
Phàn Vu Kỳ xé áo mình, để lộ ngực ra, nói:
- Tôi mỗi ngày mỗi đêm đau khổ, tan nát ruột gan mà không có cách nào báo thù, hôm nay, lời nói của tiên sinh đã làm cho tôi hiểu ra. Tôi không tiếc thân mình.
Rồi rút bảo kiếm tự sát.
Kinh Kha cho người báo với thái tử Đan, thái tử Đan lập tức tới, ôm lấy thi thể Phàn Vu Kỳ mà khóc. Một hồi lâu mới ngăn được thương xót, cho người mai táng chu đáo thân thể của ông, rồi lấy đầu của ông cho vào một hộp gỗ, giao cho Kinh Kha, lại lấy một lưỡi gươm sắc nhọn tới, nói với Kinh Kha:
- Lưỡi gươm này đã có thuốc độc, chỉ cần chạm vào da một chút cũng nguy tới tính mạng. Tôi đã sớm chuẩn bị, mời tiên sinh hành động.
Kinh Kha nói:
- Tôi có hẹn với một người bạn làm trợ thủ cho tôi, tôi còn đợi anh ấy mấy hôm.
Thái tử Đan sợ Kinh Kha đổi ý, nói:
- Sao còn chờ đợi? Thủ hạ của tôi có một người là võ sĩ Tần Vũ Dương, hơn mười tuổi anh ta đã giết người. Để anh ta làm trợ thủ cho tiên sinh, cùng tiên sinh lên đường.
Kinh Kha thấy thái tử Đan thúc giục như thế, lại không biết bạn của mình khi nào mới tới, đành nói:
- Được, hai ngày nữa sẽ hành động.
Ngày Kinh Kha và Tần Vũ Dương lên đường, thái tử Đan cùng một số người có cảm tình sâu nặng với Kinh Kha mặc áo trắng, đội mũ trắng tới đưa tiễn Kinh Kha. Họ tới bờ sông Dịch Thủy mới dừng lại, bày tiệc rượu đưa tiễn. Trên sông, chỉ nghe gió thu ào ào thổi, nước sông cuồn cuộn chảy, ai nấy đều im lặng, trong lòng nặng trĩu. Bạn của Kinh Kha là Cao Tiệm Ly cũng đưa tiễn, họ đánh đàn trúc và ca:
- Gió sông Dịch Thủy thổi lạnh ghê, Tráng sĩ một đi không trở về.
Lời ca khảng khái, buồn thảm, người đưa tiễn không cầm được lòng, đều khóc thảm thiết.
Cuối cùng, thái tử Đan rót một chén rượu đưa cho Kinh Kha. Kinh Kha nhận lấy rồi uống cạn, quay người lên xe, rũ bụi mà đi, đầu không ngoảnh lại.
Năm Tần Vương Chính thứ 20, tức năm 227 trước CN, Kinh Kha đến kinh đô Hàm Dương nước Tần. Vua Tần nghe nói sứ giả nước Yên tới với lễ lớn biểu thị sự thần phục, vô cùng vui vẻ, bèn triệu tập quần thần, dùng nghi lễ long trọng nhất để đón tiếp Kinh Kha.
Kinh Kha tay nâng hộp gỗ trong đặt đầu của Phàn Vu Kỳ, Tần Vũ Dương tay nâng bản đồ vùng Đốc Kháng, kẻ trước người sau đi vào cung vua Tần. Khi tới bậc lên xuống đại điện, Tần Vũ Dương thấy cung điện nghi trượng uy nghi, bảo vệ thâm nghiêm, sắc mặt trắng bệch, toàn thân run rẩy, cơ hồ không bước nổi lên bậc. Các đại thần nước Tần thấy anh ta như vậy, không ngăn được hoài nghi. Kinh Kha trong lòng lo lắng, vội cười nói với vua Tần:
- Người thô lậu nơi quê mùa dân dã, chưa bao giờ thấy cảnh tượng này, thấy đại vương oai phong như thế cho nên sợ hãi, xin đại vương lượng thứ.
Vua Tần bèn cho Tần Vũ Dương ở lại dưới thềm. Kinh Kha đành phải cầm cuộn bản đồ từ tay Tần Vũ Dương một mình bước lên điện.
Vua Tần xem cái đầu của Phàn Vu Kỳ, để sang một bên, trong lòng đắc ý, lại gọi Kinh Kha mang bản đồ tới. Kinh Kha tay nâng cuộn bản đồ, từ từ mở ra, vừa chỉ cho vua Tần xem, vừa giới thiệu:
- Đất Đốc Kháng của nước Yên, vật nhiều, dân đông, tương đương với đất Quan Trung phì nhiêu của nước Tần.
Vua Tần nghe như mở cờ trong bụng, luôn gật đầu. Cuộn bản đồ cuối cùng mở ra hết, lộ ra một đoản kiếm sáng lạnh giấu trong đó. Vua Tần kinh hoàng vội đứng vụt dậy, nhưng bị Kinh Kha dùng tay trái nắm được tay áo.
Tay phải Kinh Kha nắm đoản kiếm, đâm vua Tần. Vua Tần cố thoát ra, cái tay áo Kinh Kha túm được bị rách, vua Tần co chân chạy. Kinh Kha  tay cầm đoản kiếm đuổi theo. Vua Tần không có đường chạy, đành phải vòng quanh cột đồng trong đại điện, Kinh Kha đuổi theo phía sau. Văn võ bá quan trên điện đều hoảng sợ. Theo quiy định của nước Tần, các đại thần lên điện không được mang theo vũ khí, các vệ sĩ dưới điện khi chưa có lệnh của vua cũng không được phép lên điện. Các quan không một tấc sắt trong tay, muốn ngăn cản Kinh Kha nhưng làm sao ngăn nổi khí phách của chàng? Vua Tần kinh hoàng lúng túng, tay chân luýnh quýnh chỉ cố mà chạy, muốn đưa tay rút kiếm nhưng kiếm lại dài quá, không làm thế nào rút ra được. Bỗng có người hét to:
- Đại vương đưa kiếm ra sau lưng, tuốt kiếm qua đầu, vung ra ngoài.
Nghe thế, vua Tần mới rút được kiếm. Lúc đó, đoản kiếm của Kinh Kha đã đâm tới. Một quan ngự y thấy thế, không cản được, bèn ném một cái túi thuốc trúng vào cánh tay phải của Kinh Kha, đoản kiếm lạc hướng, không đâm trúng vua Tần. Vua Tần liền vung kiếm, chém đứt một chân của Kinh Kha.
Kinh Kha ngã xuống đất, nén đau, lao đoản kiếm về phía vua Tần, vua Tần đều tránh được. Đoản kiếm đi chệch, đâm vào cột đồng trên điện, tóe sáng. Vua Tần cầm kiếm chém Kinh Kha. Kinh Kha bó tay, đánh lại không được, bị trọng thương, dựa vào cột, mắng lớn:
- Hôm nay giết không được ngươi, chẳng qua là muốn ngươi phải trả lại đất đai các nước ngươi đã cướp.
 Vua Tần gọi các vệ sĩ lên điện, kết quả tính mệnh của Kinh Kha. Tần Vũ Dương ở dưới điện cũng bị giết chết.
Thực ra, hành động giết vua Tần có thành công cũng không thể thay đổi trào lưu lịch sử thống nhất 6 nước. Nhưng Kinh Kha anh dũng, cơ trí, không sợ cường bạo, tinh thần coi thường cái chết đã được người đời truyền tụng mãi.

Chú thích:
1.     Nước Yên nay ở vùng bắc của tỉnh Hà Bắc, Bắc Kinh, một phần của Liêu Ninh. Nước Triệu nay ở phía nam Hà Bắc, nước Triệu ở giữa nước Tần và nước Yên. Triệu bị diệt tất nước Yên nguy.
2.     Thượng khanh: Theo truyền thuyết, là tên quan hoặc tước vị chấp chính cao cấp thời Hạ, Thương, Chu, sau chia thành ba cấp thượng, trung, hạ. Thượng khanh dưới Công, đứng đầu Khanh.


Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014



Trong khoảng hẹp sau nhà mình trên tầng gác, tôi chừa một khoảng trống nhỏ để trồng lan. Mùa nắng lan ra hoa rất nhiều nhưng khi mùa mưa đến, lúc mặt trời xoay theo hướng khác, nhưng cây lan chỉ còn lá xanh. Tôi vẫn cố giữ cách mình chăm lan, nắng thì tưới nước, tỉa lá khô, xịt phân 1 tuần/lần nhưng cũng nhiều lúc thấy nhen nhóm trong lòng một nỗi buồn chờ đợi. Tôi nhớ những mùa hoa tháng trước, khi hầu như các giò lan đều ra hoa, lúc đó những sắc màu rực rỡ đan xen nhau thật vui mắt, và trong lòng dậy lên cái cảm giác thỏa mãn vì công sức của mình bỏ ra…

Rồi có một lần đọc sách, đọc một đoạn đầy minh triết của thiền sư Ajahn Chah người Thái Lan, ông dạy rằng theo Đức Phật, sự vật diễn biến theo đường lối riêng của nó. Khi bạn trồng cây, bạn không thể thúc ép cây mọc nhanh hơn, không cần thiết phải bắt nó ra hoa theo ngày, cứ để cây mọc như chuyện của nó bởi bổn phận của bạn không phải là bổn phận của cây… Chợt hiểu rằng thúc ép hoa ra hoa theo ngày, quả chín theo mùa, trái to hơn bình thường bằng những phương cách như dùng thuốc tăng trọng, biến đổi gien… là một cách phản lại tự nhiên, giống như người viết sách, muốn thiên hạ nhanh chóng biết mình, phải đem vào trang sách những chuyện lố lăng, hỗn tạp, khêu gợi dục vọng… là quan kiến sai lầm, nguyên nhân của đau khổ, diệt vong…

Nhưng ở đời có mấy ai biết việc trồng hoa của mình khác với việc cây ra hoa? Ngay cả Đức Phật và các thiền sư cũng không nói ra sự vận hành của nghiệp lực bởi các vị cho đó là việc vô ích. Giống như việc viết ra một tác phẩm. Việc của nhà văn là nổ lực và nổ lực, còn tác phẩm đó sẽ ra sao, người ta đón nhận nó hào hứng hay lạnh nhạt là sự tự vận hành của nó. Nếu sự nổ lực đó được làm trong sự cố gắng liên tục, hãy tin kết quả sẽ là tốt đẹp. Nhưng ngay chính khi kết quả đã xảy ra, hãy cảm nhận khoái lạc của sự thưởng thức nhưng đừng dính mắc vào nó.

Cứ ngồi hoài nhớ về những hào quang cũ, khác nào tiếc nuối một mùa hoa đã qua, mà cái mùa hoa đó với mọi người và cả bạn, chỉ là ảo ảnh. Khổ (dukha) vì ảo ảnh phải chăng là tuyệt lộ của con người?

N Đ B



Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

CẢM HOÀI  (THUẬT HOÀI)

               Thơ   Đặng Dung

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa!
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.

 Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây?
Trời đất mênh mông chứa vào một khúc ca.
Gặp thời, anh hàng thịt, kẻ câu cá, cũng dễ làm nên công trạng,
Lỡ vận, bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay thời chuyển thế
Mà không có cách nào kéo sông Ngân xuống để rửa giáp binh.
Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc
Bao phen mài gươm báu dưới ánh trăng.
 Hai câu thơ kết rực rỡ suốt ngàn năm soi sáng một chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống.
Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc
Bao phen mài gươm báu dưới ánh trăng.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

      SỰ TẦM THƯỜNG

Bây giờ ta có thể bầu bạn với sự tầm thường
Vợ chồng sớm chiều treo mình lên cái đinh mắc màn
Bàn chuyện chạy chọt
Những đứa trẻ phải vào được lớp một
Đừng gieo vào đầu con những mơ ước xa xôi
Mơ ước nào cũng có giá.
Đôi người nhắc nhở rằng
Không phải độc lập tự do cao quý hơn tất cả
Mà chính là nhẫn nhục để ổn định.
Đức Phật từ bi
Xin người đừng mắng tôi
Khi tôi nói lắm kẻ muốn ngài ngậm miệng ăn tiền
Với tờ giấy bạc trên miệng.
Sự tầm thường thật kín kẻ
Mặc những tấm áo đúng thời tiết
Tụ tập trên các diễn đàn
Nói lời rỗng
Đồng phục các cuộc thảo luận đại sự
Luôn luôn tìm một mặt bằng để ngả lưng
Chúng ta có đủ mọi phong trào, các cuộc họp liên miên
Để chỉ nhõn sắm ra sự tầm thường
Tai quái.
Chúng ta coi sự sáng tạo là đáng sợ
Chúng ta ghét bọn “ chơi trội”
Cứ bày ra chuyện đâu đâu
Họ đâu biết tiếng “ keng” của sự cụng ly
Nói nhiều hơn tất cả !
Bây giờ các bí thư sẽ chạy ra đường
- Thay vì bước vào phòng họp –
Để xua cán bộ làm việc.
Bây giờ các nàng ca-ve học nói lời lịch sự
Để tham gia nhóm lợi ích.
Các bậc lão thành đang ngủ trong phòng máy lạnh,
Nhường chỗ cho sự tầm thường lên ngôi …
Đôi khi tôi tin rằng chúng ta thua cỏ
Vì cỏ có thể lụi đi để sống lại
Tốt tươi hơn
Mãnh liệt hơn
Trong khi sự tầm thường đóng bộ áo
Tang chế, nhạt nhòa
Cúi đầu
Đi sau cái chết
24.4.2013