Menu ngang

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Đúng thì làm thôi, đừng sợ trách nhiệm


Ngô vẫn hay nghĩ rằng, thật là khó khăn cho chúng ta khi cứ cố gắng làm hài lòng hết tất cả mọi người. Bởi, có những cá nhân luôn nhìn sự vật hay hiện tượng bằng ánh nhìn hậm hực, tiêu cực, nghi ngờ hay thậm chí là phá hoại. Không phải, ngẫu nhiên mà người ta buộc phải tuân thủ nguyên tắc, thiểu số phục tùng đa số.

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.
1. Tờ rơi cảnh báo tình trạng tội phạm dành cho du khách của lực lượng chức năng tại TP HCM, đó là một trong những cách làm rất hay, văn minh và hợp lý. Thế nhưng, tờ báo mang danh giáo dục nhưng vô cùng mất văn hóa lại có bài viết mà theo ý Ngô là không thể thiển cận hơn phản bác lại quyết sách này.
Tác giả bài báo ấy, gọi tờ rơi đó chính là sự bôi nhọ đất nước, nghiêm trọng hơn, tác giả bảo đó là hành vi làm nhục quốc thể.
Ngô cứ tưởng rằng, đêm sáng trăng có tiếng động tình cũng là nhẽ đương nhiên. Nhưng hóa ra, Ngô nhầm. Bởi Ngô không thể nào tưởng tượng được rằng, chó sủa ma cũng khiến lực lượng chức năng giật mình. Họ vội vàng tạm ngưng phát tờ rơi.
Vì sao vậy?
Nếu Galileo Galilei bị hỏa thiêu, thì trái đất có thôi xoay quanh mặt trời không?
Nếu Tư Mã Thiên vẫn còn bản năng đàn ông thì lịch sử tiên triều có khác đi không?
Nếu danh sĩ Nguyễn Trường Tộ bị tru di tam tộc vì tội “vọng ngữ khi quân” thì đèn dầu có thôi úp ngược không?
Đã là sự thật, thì không thể chối cãi. Đã làm điều đúng đắn thì không ngại thị phi. Chính tư duy hết sức ấu trĩ lại được đón nhận như một điều răn khiến cho chúng ta ngày càng tụt hậu.
Làm sao có thể phát triển khi sự từ tâm lại rụt rè trước sự thiếu thiện chí, làm sao sự tử tế lại ngại ngần trước những điêu toa, làm sao sự khôn ngoan lại thoái lui trước những xuẩn ngốc.
Ngô cho rằng, vì những người có phát kiến rất hay về tờ rơi lại không may mắn nằm trong guồng máy của một vài cá nhân sợ trách nhiệm.
Ngô sẽ lý giải vì sao họ lại sợ trách nhiệm.
 Chắc chắn rằng, người tự biết điều mình làm là đúng, không sợ trách nhiệm.
Người đủ tự tin, không sợ trách nhiệm.
Người có động cơ trong sáng, không sợ trách nhiệm.
Người đủ năng lực lại càng không sợ trách nhiệm hơn cả.
Người ta chỉ sợ trách nhiệm khi mà người ta đã không có năng lực nên mới xảy ra việc không biết điều mình làm là đúng hay sai hoặc giả như có động cơ không trong sáng và cuối cùng, người ấy yêu vị trí của mình hơn tất thảy lợi ích của cộng đồng.
2. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, lại có diễn đàn bàn về quốc kế dân sinh. Có quá nhiều dư luận xã hội liên quan đến toàn thể công dân của xứ sở mà Ngô yêu thương đến thiết tha. Tất nhiên, với những cá nhân như Ngô thì luôn luôn có cảm giác hào hứng mỗi khi thấy (hay nghe) những vấn đề còn hạn chế từ vi mô đến vĩ mô được đưa ra tranh luận. Thế nhưng, từ tuần này qua tuần khác, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác… Ngô vẫn chỉ được nghe những điều đấy, tuyệt không có gì thay đổi. Cứ như tháng Sáu mưa ngâu, tháng Ba nắng cháy. Lại cứ như, ai nói cứ nói, ai đi cứ đi. Hay vẫn như, có miệng thì quát, có chân thì chạy. Mọi thứ, không suy chuyển theo chiều hướng tích cực rõ ràng nào cả.
Tiền nhân dạy, “Người khôn nói riết thành nhàm”. Ngô nghe lần đầu, Ngô cảm thấy rất thú vị. Ngô nghe lần thứ hai, Ngô vẫn cảm thấy thú vị. Ngô nghe lần thứ ba, Ngô đã thấy bơn bớt thú vị… Huống hồ, Ngô nghe năm này qua năm khác, thì rõ ràng, Ngô đã cảm thấy chán ngán rồi.
Đó là chưa kể đến, có những vị chức sắc rõ ràng mà nói không ra nói, quan điểm không ra quan điểm, cứ lộn từ đào sang lê, từ lê sang táo, từ táo sang dưa hấu, từ dưa hấu làm phát xuống hẳn hạt bí rang… Không đâu ra đâu. Rồi nữa là cãi nhau, rồi nữa là đổ vấy cho đám đông, rồi nữa là phân bua, giải thích, trình bày. Thú thật là, Ngô hoàn toàn không thể hiểu được chuyện gì đang diễn ra nữa.
Minh họa: Lê Phương.
Phàm làm người, lỡ lời trước đám đông bắt buộc phải biết ngượng ngùng. Huống hố mình là người có vị trí xã hội nhất định, phát ngôn của mình được loan tải. Ngô chịu. Nhưng như Ngô thường viết, Ngô bé mọn và Ngô bất tài, Ngô biết làm gì được bây giờ. Một con én còn không làm nên mùa xuân, huống hồ Ngô chỉ là con se sẻ, con chào mào, con cuốc lủi, con quạ đen chưa ra ràng…
Thế nhưng, Ngô vẫn đang rất cáu. Bởi vì, Ngô muốn thấy họ làm, Ngô không muốn nghe họ nói nữa. Nói thì Ngô nói cũng được, thậm chí có khi không kém họ. Bức xúc thì Ngô bức xúc cũng được, thậm chí Ngô còn bức xúc hơn họ. Chém gió thì Ngô chém gió cũng được, thậm chí Ngô còn chém gió mạnh hơn. Phán tào lao thì Ngô phán cũng được, thậm chí Ngô còn phán tào lao hơn.
Cái Ngô cần là gì?
Cái Ngô cần là họ phải đưa ra giải pháp. Ngô muốn họ bảo ta đang nghèo, thì họ phải hiến kế xem ta thoát nghèo bằng cách nào. Ngô muốn họ bảo ta đang nợ rất khủng khiếp, thì phải tư vấn xem chúng ta trả nợ bằng cách nào. Ngô muốn họ bảo hạ tầng chúng ta lạc hậu, thì phải có câu trả lời chúng ta hết lạc hậu bằng cách nào…
Như trong nếp nhà ấy, khi cùng nhau tháo gỡ những biến cố thì tất cả các thành viên phải đồng tâm hợp lực để dìu nhau qua cảnh khó khăn. Chứ không phải là ông nào làm cứ làm, ông nào mắng cứ mắng, ông nào phê phán cứ phê phán.
Đây là lúc, không phải để chỉ trích. Rất không phải là lúc để chỉ trích, Ngô nghĩ vậy.
3. Ngô muốn kể một câu chuyện. Căn nhà cũ hỏng mái ở thành phố, cứ mưa lại dột như chòi canh ngoài đồng cuối vụ mùa. Mưa, cha con vợ chồng hè nhau chuẩn bị lỉnh kỉnh thau chậu, chai lọ, nùi giẻ để thấy nước ở đâu thì lau ở đấy, thấy dột ở đâu thì hứng ở đấy… Mưa ào qua thì còn đỡ, chứ mưa dầm thì khổ không sao kể hết.
Tháng ấy năm ấy tiết trời ẩm ương, mưa suốt từ sáng đến đêm, từ đêm đến tinh mơ… Vậy là, chồng mắng vợ, cha mắng con, con trách cha mẹ, không phút được ấm êm.
Cuối cùng, họ quyết định xin giấy phép để sửa lại nhà. Nhưng, nói dễ làm không dễ.
Muốn xin giấy phép sửa nhà không có nghĩa là cứ xin là được. Quản lý chồng chéo có cái hay của quản lý chồng chéo, nhưng quản lý chồng chéo cũng có cái dở của quản lý chồng chéo. Trong lúc chờ giấy phép để được sửa mái nhà theo đúng luật định, trời vẫn cứ mưa. Nóng ruột, ông chủ gia đình quyết định cứ sửa rồi phạt đâu thì nộp đó.
Ngô vẫn biết một cá nhân cần thiết phải tuân thủ tuyệt đối pháp luật. Pháp luật duy trì trật tự cho xã hội, đảm bảo quyền lợi cho toàn bộ công dân. Thế nhưng, trong một chừng mực nào đó, trong một bối cảnh cấp thiết nào đó, trong một tâm thế nào đó, người ta vẫn phải vô cùng linh hoạt trong việc vận dụng luật.
Linh hoạt trong việc vận dụng luật với sự thiện tâm chân thành nhất, với mục đích cốt yếu là nhằm khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn, như là một dạng đi trước luật.
Phải hiểu ý của Ngô, bao giờ Ngô cũng tâm niệm sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng biết đâu đấy, không phải khi nào luật cũng sát sườn với thực tế.
Trời thì đang mưa, nhà thì đang dột, vợ con không an giấc, thì làm sao có thời gian để mà chờ, mà đợi. Hơn nữa, sửa lại vài nơi dột trên mái nhà, khác hoàn toàn chuyện phóng hỏa giết người, cưỡng tình đoạt lý, thái hoa đạo tặc, tham nhũng hối lộ.
Trong những tình huống bất ổn, cần có quyết định phù hợp để vãn hồi thực trạng. Sau khi thực trạng đã được giải quyết xong, thì luật vẫn nhất thiết phải được tuân thủ.
Dông dài nãy giờ, thật ra là Ngô đang muốn bàn đến chuyện cởi trói về pháp lý cho trung tâm văn hóa kinh tế lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề đưa con nghiện đi cai nghiện bắt buộc.
Truyền thông đang ra rả về chuyện con nghiện hoành hành tại các bến xe, công viên, cầu vượt... ở thành phố. Nhưng cả năm qua không có trường hợp người nghiện nào được đưa đi cai nghiện bởi... vướng luật.
Ngô tin rằng, mọi người đều như Ngô. Chúng ta luôn ao ước mọi công dân đều có ý thức trong việc bảo vệ mình trước những cảm dỗ từ sự phù phiếm của đời sống. Lại nữa, chẳng may sa vào cám dỗ thì phải biết cách để gượng dậy, để vượt qua, để tiếp tục bước đi.
Nhưng, thực tế đâu phải vậy. Và khi mà ý thức bị khuất phục bởi trạng thái thèm khát ảo giác về tinh thần, nhất là từ sự thèm khát này kéo theo những hệ lụy khác khiến xã hội mất trật tự thì cá nhân ấy cần phải có sự bắt buộc để khiến cá nhân có cơ hội đoạn tuyệt với ảo giác.
Quyền con người là quan trọng. Tuy nhiên, quyền được bình an của những cá nhân khác còn quan trọng và cấp thiết hơn rất nhiều. Không thể nào cứ để những cá nhân không nghiện luôn có nguy cơ trở thành nạn nhân của những người nghiện.
Thấy đúng thì làm thôi, đừng sợ trách nhiệm!
Ngô Nguyệt Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét