Menu ngang

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Bài đăng Báo QĐND, thứ Bảy, ngày 24/3/2018


Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Trần Sâm (5-4-1918/5-4-2018)

VỊ TƯỚNG TÀI NĂNG, ĐỨC ĐỘ -

NGƯỜI CÁN BỘ LIÊM CHÍNH


                                                   N M Đ

Thượng tướng Trần Sâm, nguyên UVTWĐ ( Khóa IV ), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Nghiên cứu kỹ thuật quân sự, sinh ngày 5-4-1918, tại làng Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - một miền quê gian khó, kiên cường, giàu truyền thống cách mạng. Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, năm 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng, làm giao liên bí mật vận chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ của Đảng trên tuyến đường sắt từ miền Trung vào Sài Gòn. Năm 1939, ông bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng một lòng trung kiên, không khuất phục.
 Chính quyền thực dân xử án ông tại Nha Trang, lúc ấy ông mới 21 tuổi. Giữa đông đảo người chứng kiến phiên tòa, ông đã dõng dạc tố cáo sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân đế quốc, đanh thép tuyên bố quyết tâm, chí hướng làm cách mạng của một người cộng sản. Tòa án thực dân kết án ông 5 năm tù giam và đưa đi đày ở nhà lao Buôn Mê Thuột. Trong lao tù, ông tích cực tham gia phong trào đấu tranh trước sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.
Năm 1943, ra tù, ông lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Kiến thức và kinh nghiệm học được trong tù đã giúp ông rất nhiều trong công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. Năm 1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị. Ông Trần Sâm được bầu làm Tỉnh ủy viên và là Ủy viên Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Trị. Ngày 23-8-1945, tại Quảng Trị, Chi đội Giải phóng quân Thiện Thuật được thành lập (sau đó đổi tên thành Trung đoàn 95). Đầu năm 1946, ông được giao giữ chức Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn 95 chiến đấu bảo vệ Quảng Trị. Năm 1948, cấp trên điều động ông vào Thừa Thiên giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, ông đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu nhiều trận. Đặc biệt là, trận Hói Mít-Lăng Cô, diễn ra ngày 12-1-1949, ông trực tiếp chỉ huy phục kích tiêu diệt gọn cả đoàn tàu chở quân số và vũ khí của địch, bắt nhiều tù binh. Trận đánh đó có sức cổ vũ mạnh mẽ quân dân toàn Liên khu 4. Sau này, được Từ điển Quân sự Việt Nam xếp vào những trận đánh tiêu biểu trong thời kỳ chống Pháp. Tháng 10-1949, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Mặt trận Bình Trị Thiên - Trung Lào, ông Trần Sâm được giao làm Phó Chỉ huy. Tháng 12-1950, khi mới 32 tuổi, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4. Năm 1953, cấp trên điều động ông về Bộ Tổng Tham mưu, giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Cục trưởng Cục Quân lực kiêm Trưởng ban Quân lực Mặt trận…
 Năm 1959, ông Trần Sâm được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1961, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng. Tiếp đó, từ năm 1963 đến 1965, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Khi Bộ Quốc phòng thành lập Cục Nghiên cứu kỹ thuật quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự), ông được giao kiêm Cục trưởng. Năm 1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Từ năm 1976 đến năm 1982, ông được Trung ương điều động giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư. Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976), ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Cuối năm 1982, ông trở lại quân đội với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến năm 1986, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. 
Thượng tướng Trần Sâm là một cán bộ tài năng, đức độ, liêm chính. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông được giao nhiệm vụ trong nhiều lĩnh vực: Chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, kinh tế… và nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt. Ông là một trong những điển hình của mẫu cán bộ chí công, vô tư. Mang quân hàm cấp tướng mấy chục năm, lại hơn 6 năm làm Bộ trưởng Bộ Vật tư - cơ quan quản lý, phân phối một khối lượng lớn vật tư kỹ thuật của đất nước trong cơ chế bao cấp hiện vật - vậy mà gia đình ông cũng sống rất bình dị. Hồi đó, như phần lớn gia đình cán bộ, công chức, khi tiền lương không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 5 người con ăn học, ông bà phải tăng gia cải thiện thêm. Hàng chục năm liên tục, gia đình ông cứ nuôi xong lứa lợn này mua tiếp lứa khác. Phía sau nhà còn có mấy chuồng gà, ngoài sân đặt chuồng chim bồ câu. Khoảnh đất trống trước nhà được cuốc xới cẩn thận biến thành mảnh vườn, trồng đủ các loại rau, khoai, mía và cây ăn quả tốt tươi. Có lần ông huy động con trai, con rể và mấy anh em công vụ tranh thủ ngày nghỉ đào ao thả cá… Nhiều lần trước khi vào bệnh viện thăm người ốm hoặc thăm gia đình liệt sĩ, thăm thương binh, ông ra vườn cắt nải chuối, hái quả đu đủ, chum nho, chùm vải thiều, quả hồng xiêm làm quà... Nhiều lần đi công tác nước ngoài, khi về nước ông yêu cầu thư ký nộp lại cơ quan số tặng phẩm phía bạn tặng như đài bán dẫn, máy ảnh… để đơn vị dùng chung;  trái cây, thuốc lá… thì làm quà chia đều cho anh em trong cơ quan. Ông cho rằng, khi cán bộ ra nước ngoài mang tặng phẩm của quân đội để tặng bạn, thì khi nhận lại những tặng phẩm bạn tặng, đương nhiên đó không phải là của riêng mình…
Thời gian trong quân đội cũng như khi làm Bộ trưởng Bộ Vật tư, ông Trần Sâm là người rất nghiêm khắc, thậm chí là khó tính với việc tổ chức liên hoan linh đình, ăn uống tốn kém khi tổ chức hội nghị. Có lần tổ chức Hội nghị mừng công Bộ Vật tư, văn phòng đề nghị mở tiệc, ông chỉ chấp thuận mỗi đại biểu một bát phở tăng cường. Khi là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có lần đến làm việc với Bộ tư lệnh Không quân về quy hoạch sử dụng máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật, các đồng chí trong Bộ tư lệnh mời ông ở lại dùng cơm trưa, ông bảo “bà nhà tôi nấu rồi, tôi về ăn trưa cùng gia đình, đến chiều ta làm tiếp”. Ông không bao giờ gây phiền phức cho đơn vị, cho người khác và nhất là không lãng phí, tốn kém công quỹ. Tính cách ông là vậy!
Năm 1982, khi chuyển công tác từ Bộ Vật tư trở lại Bộ Quốc phòng, ông Trần Sâm có hai việc cần làm ngay: Đầu tiên là lục lại mấy bộ quân phục sờn cũ hơn 6 năm không dùng đến, đem giặt giũ để mặc lại. Tiếp đến, trong nhà có sẵn một khung xe đạp Favorit, ông ra hiệu mua phụ tùng rồi dành hẳn ngày Chủ nhật tự tay lắp ráp thành một chiếc xe hoàn chỉnh. Từ đó, hằng ngày từ nhà riêng ở 30 phố Lý Nam Đế, ông đạp xe vào Sở chi huy Bộ Quố phòng. Hầu như không bao giờ ông dùng xe ô tô công vào việc gia đình. Tôi không thể quên lần cháu ngoại của ông Trần Sâm mới gần 2 tuổi, đang đêm bị sốt cao, tím tái, lên cơn co giật. Thấy thế, đồng chí bảo vệ của ông xin cho mượn ô tô đưa cháu đi cấp cứu ở Quân y viện 108. Ông chạy đến sờ đầu cháu suýt xoa, nói “thôi, phải đưa cháu đi ô tô cho kịp cấp cứu và nhớ là đưa xe về ngay”.
Với con cháu, ông Trần Sâm là người nhân từ, tình cảm, sâu sắc. Trong cư xử, ông luôn có thái độ trầm tĩnh, chú ý lắng nghe, khuyên bảo ân tình, gợi mở các phương án cho con cháu chủ động tự lựa chọn cách giải quyết. Trước mọi vấn đề, không bao giờ ông can thiệp, áp đặt vào việc riêng của người khác.Trường hợp con cháu có điều gì làm trái, ông đều nhẹ nhàng từ tốn bảo ban, phân tích thấu đáo; tuyệt nhiên không bao giờ to tiếng quát nạt. Con cái, dâu rể và các cháu nội ngoại trong gia đình thường xuyên nhận được ở ông sự chỉ bảo ân tình, bao dung, nhân từ. Mọi người đều tôn kính, thương yêu và quý trọng ông, luôn coi ông là chỗ dựa tinh thần.
Tháng 11 / 1992, ông nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, ông thường xuyên quan tâm theo dõi, đau đáu tình cảm với quê hương. Ông đã gom góp dành dụm tiền lương hưu để tham gia Quỹ Khuyến học của địa phương; mua tặng bà con xã nhà : máy phát điện, hệ thống truyền thanh, bộ máy vi tính, tủ sách, giống cây trồng. Ông cùng anh em cán bộ, nhân viên  kỹ thuật ngồi xe tải đi từ Hà Nội qua hơn 600 trăm cây số chở máy phát điện, hệ thống truyền thanh về lắp đặt cho xã nhà.
Tuổi cao, bệnh trọng, Thượng tướng Trần Sâm từ trần ngày 13 tháng 8 năm 2009 (tức ngày 23 tháng 6 năm Kỷ Sửu). Cả đời hoạt động cách mạng, toát lên ở ông một con người trong sáng, mẫu mực, vừa có đức độ, vừa có năng lực, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì nước vì dân.
Tấm Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công Hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, danh hiệu vinh dự khác là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng xứng đáng với công lao của ông!