Menu ngang

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
     
                                    
                              LÊ KHẢ PHIÊU
                   Nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản VN 
                  Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN


Tôi biết Nguyễn Mạnh Đẩu đã khá lâu. Lần đầu tiên vào cuối năm 1969, khi tôi chủ trì Hội nghị tập huấn trợ lý thanh niên các đơn vị thuộc Quân khu Trị Thiên, thì Nguyễn Mạnh Đẩu là Trợ lý thanh niên của Trung đoàn 8 – Sư đoàn 324. Hồi đó anh còn rất trẻ, nhưng đã trực tiếp trải qua chiến đấu 5 năm ở chiến trường.
Từ một chàng trai tình nguyện nhập ngũ khi chưa đủ tuổi, Nguyễn Mạnh Đẩu đã gắn bó cả cuộc đời với quân ngũ. Anh đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, và sau này giữ nhiều cương vị trong quân đội: Cục trưởng Cục Chính sách, Phó Hiệu trưởng về chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1, rồi Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật.

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

CUỐN SÁCH LÀ CẢ MỘT TẤM LÒNG


                   CUỐN  SÁCH LÀ CẢ MỘT TẤM LÒNG
           
                                                                Giáo sư Nguyễn Đình Chú
                                                                          

  “Những nẻo đường thời gian” của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu là một cuốn hồi ký về quê hương, gia đình, tuổi thơ và đặc biệt là cuộc đời binh nghiệp của mình từ một “cậu bé nhà quê” mới 16 tuổi nhưng đã khai tăng tuổi để được gia nhập quân đội, đi chiến đấu trong đơn vị đặc công, hết chiến trường Lào đến chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên, đến chiến dịch Đường 9- Nam Lào ròng rã 7 năm, có nhiều chiến công nhưng rồi bị thương nặng, tưởng chừng đã thành phế binh. May mà điều trị khỏi, để rồi chuyển về công tác tại Bộ Quốc phòng, hết Cục Chính sách rồi đến Văn phòng Tổng cục Chính trị, lại về Cục Chính sách. Kế đến là Trường Sĩ quan Lục quân 1. Cuối cùng là Tổng cục Kỹ thuật.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ CUỐN HỒI KÝ " NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN"




KHÚC CA XƯA VANG VỌNG ĐẾN BÂY GIỜ
(Báo An ninh cuối tháng, số 113, tháng 12/ 2010)

                                                      Khánh Linh (Việt Hà) 



           Giữa tháng 11 năm nay, bà Phạm Thị Lan, 81 tuổi, quê ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Hoán, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, hy sinh trong chiến trường Quảng Trị năm xưa đã khăn gói lặn lội từ trong Hà Tĩnh ra  Hà Nội tìm Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ Thuật khi đọc được cuốn hồi ký ông viết về chồng mình. Gặp ông mà ngẹn ngào, rưng rưng. Có những người con đã trang trọng đặt cuốn hồi ký đó lên bàn thờ bố, với một niềm ngưỡng vọng, vì lần đầu tiên kể từ khi nhận được tờ giấy báo tử lạnh lùng, họ được biết một chân dung về cha mình đầy đủ, cảm động và chân thực đến thế. Và rất nhiều, rất nhiều câu chuyện cảm động đã và sẽ còn khi chiến tranh đã lùi xa, thời gian đã phủ bụi lên quá khứ.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 1)


      NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN 
          NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN - 2010
 
                                                 HỒI KÝ
 Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu
           
                                            Chương một

Quê hương, gia đình và thời thơ ấu 
 
    Tôi quê ở làng Đại Xá, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
       Nghệ An có diện tích 16.487 km2 là tỉnh lớn nhất Việt Nam, với số dân khoảng 3 triệu người (tính đến 1-4-2004). Theo sử sách, năm 628 vùng đất này gọi là châu Hoan rồi châu Diễn. Năm 1030, bắt đầu gọi là châu Nghệ An, rồi năm 1040 lại đổi lại là xứ Nghệ An. Thời Tây Sơn gọi là Nghĩa An trấn. Thời Gia Long đặt lại là Nghệ An trấn. Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An làm hai tỉnh Nghệ An (bắc sông Lam), Hà Tĩnh (nam sông Lam). Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, trong xu thế chung, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập lại thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Đến năm 1991 lại tách ra như cũ.
 Nghệ An nằm trong vùng khí hậu gió mùa, có bốn mùa rõ rệt Xuân, Hạ, Thu, Đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm chịu ảnh hưởng của gió tây nam (gió Lào) khô và nóng. Về mùa Đông chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt. Từ xa xưa, qua mọi thời đại, Nghệ An là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Nghệ An đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc,  bảo vệ Tổ quốc.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 2)


                                  Chương  hai
             Trên chiến trường nước bạn Lào
 
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ cho không quân ồ ạt ném bom bắn phá Miền Bắc. Nhiều nơi ở thành phố Vinh và Bến Thủy bị máy bay oanh kích. Rất bất ngờ, chẳng ai biết trước. Cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ kéo dài gần một thập kỉ với biết bao đổ nát, tang tóc, ập đến những người dân lành đầu trần, chân đất quê tôi là vậy đó. Giữa trời nắng chói chang, nhiều nhà vừa ăn cơm xong đang nghỉ trưa, thấy máy bay nhào liệng vun vút giữa trời cao, nhiều người thấy lạ, hiếu kỳ xúm xít đứng xem, gọi nhau, hỏi nhau í ới. Sau đó nghe tiếng nổ rất to đanh rền của bom, tiếng nổ lụp bụp của pháo cao xạ, biết là máy bay Mỹ ném bom, mọi người  nháo nhác hoảng loạn. Nhìn lên phía Vinh thấy một cột khói đen kịt bốc cao lên tận trời. Mấy ngày sau mới biết, đó là kho xăng dầu mỡ bị trúng bom, bốc cháy dữ dội, kéo dài.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 3)

                                                                         Chương ba

Chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên
 
 Tháng 10 năm 1966, Trung đoàn chúng tôi rời Hương Khê hành quân vào Miền Nam. Cả đơn vị dừng lại trú quân ở Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh. Tiểu đoàn trưởng Bùi Trần, các đại đội trưởng và tiểu đội trinh sát đi nghiên cứu địa hình. Là tiểu đội trưởng liên lạc, đồng thời là liên lạc trực tiếp cho Tiểu đoàn trưởng, tôi cũng thuộc thành phần đi trinh sát chiến trường. Từ Nông trường Quyết Thắng, chúng tôi vượt qua Bến Tắt để sang bờ Nam sông Bến Hải. Từ đây, chúng tôi đi tiếp theo hướng đông về huyện Gio Linh. Trước đó, tháng 7 năm 1966, các trung đoàn của Sư đoàn 324 mới đánh nhau với quân Mỹ ở trục Đường 9 từ Cù Đinh, Ba De đến gần sát khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu.
 Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào chiến trường Miền Nam. Mặc dù đã trải qua chiến đấu gần 2 năm trên chiến trường Lào, nhưng là mới đánh nhau với quân ngụy Lào (Phu Mi), chưa chạm trán bộ binh Mỹ. Mãi sau này, nhất là khi đã trở thành cán bộ, tôi cứ nghĩ rằng, nếu với cách tổ chức sinh hoạt và chiến đấu như thời kỳ ở Lào mà đơn vị chúng tôi đã trải qua, thì không thể trụ lại được với sự khốc liệt gian khổ ở Miền Nam, dù chỉ là trong thời gian ngắn.  Những nơi chúng tôi đi qua là cảnh tan hoang của chiến trường. Cây cối đổ ngổn ngang, cháy trụi, bị bom đạn băm nát xác xơ. Hố bom đạn chằng chịt cày xới mặt đất, cái đen kịt, cái đỏ lòm. Qua các bãi đổ bộ, trú quân của quân Mỹ, rặt một mùi Mỹ khó tả. Mùi đồ hộp các loại, mùi thuốc lá, mùi xà phòng tắm, mùi nước hoa, mùi thùng các tông, mùi thuốc súng, mùi cây cối bị cháy sém, mùi mồ hôi ở quần áo đồ dùng vứt lại…Tất cả quyện lại thành một mùi hỗn tạp hoi hôi, ngai ngái, ngầy ngậy, ghê ghê, gây buồn nôn. Tôi ấn tượng ngay từ đầu và mãi sau này, mỗi khi vào trinh sát các cứ điểm Mỹ đóng quân, trong khứu giác của mình không bao giờ quên được cái mùi đặc trưng đó.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 4)


                                                                      Chương bốn

            Tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào


  Tháng 1 năm 1971, thực hiện Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, quân đội Sài Gòn tiến hành Cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh lên Đường 9 - Nam Lào, hòng chặt đứt tuyến vận chuyển chiến lược Bắc- Nam của ta. Lực lượng địch huy động rất lớn, gồm: 3 sư đoàn (1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn thiết giáp, 13 tiểu đoàn pháo binh ngụy; 20 tiểu đoàn Mỹ (7 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn thiết giáp) và 2 trung đoàn quân ngụy Lào phối hợp ở hướng Tây. Tổng quân số khoảng 5 vạn tên ( tương đương 5 sư đoàn bộ binh).
Để chặn đứng, đánh bật cuộc hành quân, tiêu diệt lớn quân địch, giữ vững hành lang huyết mạch của cuộc kháng chiến, tuyến vận chuyển Chiến lược 559, từ đó từng bước đánh bại Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, Quân đội ta đã thực hành chiến dịch phản công với qui mô rất lớn. Lực lượng ta có 5 sư đoàn bộ binh (gồm các sư đoàn: 2, 304, 308, 320 và 324), các lực lượng tại chỗ (Mặt trận B5, Trị Thiên, Đoàn 559), 3 tiểu đoàn tăng-thiết giáp, 4 trung đoàn pháo mặt đất, 4 trung đoàn pháo phòng không, 3 trung đoàn công binh, một số tiểu đoàn đặc công, thông tin,…Chiến dịch bắt đầu từ ngày 30 tháng 1 năm 1971.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 5)

                                  Chương năm

                     Về cơ quan Tổng cục Chính trị


             Cầm tờ giấy ra viện, từ Quân y viện 108, tôi  ra ga Hàng Cỏ đi tầu hỏa về ga Thường Tín, tìm đến Trạm CT 14 đóng ở đình làng Ngọc Hồi. Đây là Trạm thu dung của Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ đón tiếp thu dung thương, bệnh binh ở các chiến trường ra. Căn cứ vào quê quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị chiến trường của từng người, cơ quan cán bộ ở Trạm đề nghị cấp trên phân bổ về an dưỡng tại các Đoàn điều dưỡng thương, bệnh binh ở các tỉnh, quân khu. Tôi được biết, hồi đó thương, bệnh binh ở các chiến trường Miền Nam ra an dưỡng và giải quyết chính sách với số lượng rất đông. Những thương, bệnh binh là hạ sĩ quan thì được đưa về an dưỡng ở các đoàn an dưỡng của các tỉnh, nơi quê quán của họ. Với thương, bệnh binh là sĩ quan thì đưa về các đoàn an dưỡng của các quân khu.
 Đình Ngọc Hồi khá rộng, cách  thị trấn Thường Tín khoảng 2 km, về phía đông nam. Chúng tôi, số thì ngủ trong mấy cái nhà lợp tranh cạnh đình, phần đông trải chiếu ngủ trong đình. Trong khi cấp trên đang xem xét phân tuyến và chờ quân số cho đủ các chuyến xe về các Đoàn điều dưỡng, chúng tôi phải đợi mất mấy ngày. Hàng ngày, chúng tôi,  mấy thương binh mới quen biết, rủ nhau lang thang đi chơi ở ngoài thị trấn Thường Tín và trong các xóm làng lân cận. Với tôi đây là lần đầu tiên ra đất Bắc nên cái gì cũng muốn biết.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 6)

                                Chương sáu

             Trở lại  Cục Chính sách trên cương vị mới 


Sau bốn năm công tác ở Văn phòng Tổng cục Chính trị, ngày 22 tháng 2 năm 1992, tôi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Chính sách. Tôi được biết trước đó, vào tháng 7 năm 1991, nhân chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Cục Chính sách phối hợp với Tạp chí Văn nghệ quân đội viết bài phỏng vấn anh Lê Tiến, Cục trưởng nhằm quảng bá thông tin về những kết quả đạt được trong hoạt động công tác chính sách và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách. Bài đăng ở số tháng 7-1991 của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Khi còn công tác ở Văn phòng Tổng cục Chính trị, tôi đã đọc kỹ nội dung bài báo. Theo cá nhân tôi, bài báo về cơ bản là đúng, phản ánh khách quan, trung thực đời sống bộ đội và tình hình công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Nhưng tôi được biết, hình như có một vài chi tiết nhạy cảm, gây phản ứng trong một số cán bộ. Có ý kiến gay gắt phản ánh lên Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị. Thủ trưởng Bộ và Tổng cục yêu cầu Cục Chính sách phải kiểm điểm về trách nhiệm phát ngôn của Cục trưởng và một số anh em liên quan. Mãi đến bây giờ sau hàng chục năm, tôi vẫn phân vân. Thứ nhất, động cơ đưa tin là tốt, nội dung đưa tin không có gì sai phạm lớn; Thứ hai là, nếu có điều gì sai, thì anh Lê Tiến không phải là người chịu hoàn toàn. Thế mà, lợi bất cập hại. Việc phát ngôn trên báo chí hay phát biểu trên bục hội nghị mà không kiểm soát được chỉ cần sơ sẩy một chút là điều không hay sẽ xảy ra. Một thời gian ngắn sau đó, anh Lê Tiến có ý kiến về kết luận của trên và anh chính thức xin nghỉ hưu. Khi anh Lê Tiến xin nghỉ, cấp trên có lựa chọn xem xét một số phương án nhân sự, trong đó có tôi. Là cán bộ cũ của Cục Chính sách, nên tôi được cấp trên đưa về làm Cục phó và là nguồn kế cận Cục trưởng.  

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 7)

                                                                       Chương bảy

               Về Trường Sĩ quan Lục quân


         Trước ngày tôi lên đường về Trường Sĩ quan Lục quân 1, anh Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và anh Phạm Thanh Ngân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã gặp tôi vừa giao nhiệm vụ vừa dặn dò một số điểm cần chú ý khi về công tác ở Trường. Các anh đều nói với tôi đại ý rằng: Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một trường có truyền thống vào bậc nhất trong hệ thống nhà trường quân đội; là trung tâm lớn đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, bậc đại học của quân đội. Có thể ví đây là cỗ máy cái. Từ những cán bộ do Trường đào tạo sẽ từng bước trưởng thành lên cán bộ lãnh đạo chỉ huy - tham mưu các cấp trong quân đội. Thời gian tới, khi Quân đội triển khai Nghị quyết 07/BCT của Bộ Chính trị về tổ chức lực lượng quân đội, có khả năng qui mô tổ chức và nhiệm vụ của Trường sẽ còn lớn hơn, nặng hơn. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu rất lớn đối với người cán bộ chủ trì Công tác đảng, Công tác chính trị. Vì vậy, cần phải nỗ lực phấn đấu không ngừng về mọi mặt để cùng với Hiệu trưởng và tập thể Đảng ủy đoàn kết lãnh đạo Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi chân thành cám ơn các anh, hứa quyết tâm, đồng thời đề nghị các anh quan tâm theo dõi giúp đỡ.
Để có sự hiểu biết ban đầu, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới tôi dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu về Trường Sĩ quan Lục quân 1. Qua nghiên cứu lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1 tôi được biết rằng:  Ngày 15 tháng 4 năm 1945, tại xóm Khuổi Kịch, xã Tân Trào, châu Tự do (nay là huyện Sơn Dương), tỉnh Tuyên Quang, Trường Quân Chính kháng Nhật, nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 được thành lập theo Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Nhà trường đánh dấu một bước chuyển biến mới của cách mạng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo cán bộ quân sự, chính trị làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang nhân dân chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THỜI GIAN (CHƯƠNG 8)

                                                 Chương tám

                                       Về Tổng cục Kỹ thuật



 Ngày 20 tháng 12 năm 2004, tôi nhận được điện triệu tập về Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ mới. Hôm đó, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định thăng quân hàm cấp tướng và quyết định bổ nhiệm chức vụ đối với một số cán bộ cao cấp. Tôi được trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhệm Tổng cục Kỹ thuật về Chính trị. Cùng nhận quyết định bổ nhiệm cùng đợt với tôi có anh Đàm Trại, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 1 nay giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; anh Nguyễn Đình Hậu, Phó Tư lệnh về Chính trị Binh chủng Thông tin nay giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về Chính trị và nhiều anh khác nữa.
 Sau khi nhận quyết định ở Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, tôi được anh Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mời lên giao nhiệm vụ cụ thể. Anh Dũng nói khát quát về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Kỹ thuật, cả trong chỉ đạo ngành kỹ thuật toàn quân và trong quản lý lãnh đạo, chỉ huy nội bộ Tổng cục.  Đồng thời, anh nêu lên  một số vấn đề về tình hình của Tổng cục Kỹ thuật cần chú ý khi mới về trên cương vị chủ trì công tác đảng, công tác chính trị. Cùng tham gia  buổi làm việc hôm đó có anh Nguyễn Đăng Sáp, Cục trưởng Cục Cán bộ và anh Nguyễn Văn Việt, Phó Hiệu trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục Quân 1.