Menu ngang

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

NGUYỄN XÍ LÀ THỦY TỔ CỦA NGUYỄN DU


N M Đ

( Bài viết dựa theo kết quả nghiên cứu của cụ Nguyễn Đình Triển, 92 tuổi, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Nghệ Tĩnh, cùng với Tham luận “ Nói thêm về cỗi nguồn họ Nguyễn Tiên Điền” của GS Nguyễn Đình Chú tại Hội thảo khoa học “ Nguyễn Du : Tiếp cận từ góc độ văn hóa” tổ chức tại Hà Tĩnh, năm 2013 ).

Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí ( 1397 - 1465 ) quê quán ở làng Thượng Xá ( nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ) Danh tướng kiệt xuất trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh; Đại thần suốt bốn triều Hậu Lê ( từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông ); Người chủ trì phò lập Lê Thánh Tông lên ngôi báu, mở ra một triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông được vinh danh là “ Người hai lần khai quốc “ xuất phát từ câu đối ban tặng của Lê Thánh Tông :” Bình Ngô khai quốc / Tịnh nạn trung hưng “. 
Nguyễn Xí là Thủy tổ của họ Nguyễn Đình ở làng Thượng Xá. Theo Phả hệ đến nay có khoảng hơn 20 đời của 15 chi họ bắt nguồn từ 15 người con trai Nguyễn Xí.
Thời phong kiến việc phong tước được phân theo 5 bậc từ trên xuống dưới: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam. Tước Công lại chia làm hai cấp: Quốc Công ( cấp to nhất ) và Quận Công. Theo Gia phả họ Nguyễn Đình, trong vòng 500 năm ( tính từ 1428 đến 1928 ), dòng họ này có tới 413 vị được phong tước - Trong đó tước Công: 59 vị; tước Hầu: 179 vị ; tước Bá: 141 vị; tước Tử : 7 vị ; tước Nam: 37 vị. 
Nhà thờ Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp ( Nghi Lộc, Nghệ An ) là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. 
Đại thi hào Nguyễn Du (1766– 1820), là nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn của Việt Nam; Ông được UNISCO vinh danh là Danh nhân văn hoá thế giới. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Đại tư đồ ( Tể tướng ), tước Xuân Quận công. Mẹ là bà Trần Thị Tần (1740 - 1778), quê ở làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du ( Đông Ngàn ), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm ( kém chồng 32 tuổi sinh được năm con, bốn trai và một gái ).
Sử sách hầu như ít nói đến quê tổ của Đại thi hào Nguyễn Du. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 xuất bản năm 2007 viết là: “quê của Nguyễn Du tại làng Canh Hoạch, huyện Sơn Oai, trấn Sơn Nam ( Hà Tây ), sau di cư vào xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân ( Hà Tĩnh ), có truyền thống khoa bảng. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan.
Gia phả hệ họ Nguyễn ở Tiên Điền, từ vị Khải tổ là cụ Nguyễn Nhiệm ( Nhậm ) đến Nguyễn Du là 7 đời: Nguyễn Nhiệm, Nguyễn Đức Hành ( Phương Trạch hầu ), Nguyễn Ôn, Nguyễn Thế, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm ( Xuân Quận công ), Nguyễn Du.
Về tổ tiên của họ Nguyễn ở Tiên Điền, mãi đến năm 1967, đại diện cho con cháu hậu duệ là Nguyễn Duật mới gửi thư và tìm cách nhận họ hàng tổ tông tại đất Thanh Oai - Hà Tây ( cũ ).
Thuở xa xưa, ngay gia đình Nguyễn Nghiễm và các con là Nguyễn Khản, Nguyễn Du sống tại đất Thăng Long cũng không rõ lai lịch để nhận tổ tông - Tuy từ Thăng Long về đất tổ Thanh Oai cũng chỉ một nửa ngày ngựa xe.
Và nữa, từ Tiên Điền ( Nghi Xuân, Hà Tĩnh ) đến Thượng Xá ( Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghê An) vốn cùng một phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, với cự ly khoảng 20 cây số. Nhưng từ thuở xưa, gia tộc Nguyễn Tiên Điền cũng không có mối liên hệ gì với Đại tôn Nguyễn Đình Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí có 15 người con trai. Từ người con cả là Nguyễn Sư Hồi đến người con út là Nguyễn Vân Trinh đều làm tướng lĩnh và quan giữ các chức vị quan trọng trong triều đình Hậu Lê. Hậu duệ của Nguyễn Xí định cư ở nhiều vùng trong nước.
Người con trai thứ 10 của Nguyễn Xí tên là Nguyễn Trọng Đạt sinh ra, lớn lên tại Kinh thành Thăng Long. Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Trọng Đạt xây dựng gia đình và định cư ở làng Tảo Dương, xã Cổ Hoạch, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Năm 1445, Nguyễn Trọng Đạt giữ chức Tín đạt đại phu, cầm quân theo cha tham gia đánh dẹp quân Chiêm Thành. Với chiến công to lớn, Nguyễn Trọng Đạt được thăng tước Tán trị công thần, Thượng tướng quân, Linh Quận công. Con trai ông là Nguyễn Đình Thủy vẫn ở lại làng Tảo Dương. 
Nguyễn Đình Thủy sinh Nguyễn Doãn Địch đậu Thám hoa năm 1481. Nguyễn Doãn Địch sinh Nguyễn Doãn Toại. Khi lớn lên, Nguyễn Doãn Toại bị bệnh phong, gia đình phải làm lều ra ở ngoài đồng nhằm cách ly với mọi người.

Người con trái thứ 2 của Nguyễn Xí tên là Nguyễn Bá Sương sinh ở Lam Sơn ( Thanh Hóa ), lớn lên tại Kinh thành Thăng Long. Ở tuổi niên thiếu, Nguyễn Bá Sương cùng học tập, vui chơi với con vua và con các đại thần trong triều đình. Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Bá Sương kết hôn với công chúa Lê Thị Ngọc Huyền con gái thứ 5 của Lê Lợi. ( Nguyễn Xí có hai người con trai làm rể của Lê Lợi là: Nguyễn Sư Hồi con cả và Nguyễn Bá Sương con thứ hai ). Nguyễn Bá Sương được triều đình bổ giữ chức Phò mã Đô úy, Nghiêm Võ Vệ, Đô Tổng binh sứ, Hành Thuận Hóa đạo. Trên cương vị này, Nguyễn Bá Sương đã lập nhiều công trạng to lớn. 
Nguyễn Bá Sương có con trai đầu là Nguyễn Bá Nhật thuở nhỏ học Trường Quốc tử giám. Lớn lên nối nghiệp ông cha, Nguyễn Bá Nhật làm quan trong triều, được sắc phong Thái bảo Huân quận công, Thượng tướng quân, Thượng đẳng công thần.
Nguyễn Bá Nhật có con là Nguyễn Bá Ký, sinh ra lớn lên ở Kinh thành Thăng Long, học Trường Quốc tử giám. Năm Kỷ Mùi (1463), Nguyễn Bá Ký đi thi Hội đậu Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được bổ làm quan giữ chức Suy trung công thần, Dực tiến phụ quốc, Thượng tướng quân, Thái bảo, Chiêu quận công. Ông xây dựng gia đình và định cư tại quê vợ là làng Canh Hoạch ( huyện Thanh Oai, Hà Nội ). Tại đây, ông đã mở ra tiểu chi họ Nguyễn Đình, Đại chi Hai, thuộc Đại tôn Thái sư Cương công Nguyễn Xí. Nối gót ông, suốt ba đời liên tiếp ( ông, cha, cháu ) đều đậu tiến sĩ và làm đại quan triều Hậu Lê.
Người con trai thứ 3 của Nguyễn Bá Ký tên lúc nhỏ là Nguyễn Hề. Năm Giáp Tuất ( 1514 ), Nguyễn Hề đi thi hội đậu Trạng nguyên. Khi bổ làm quan, ông được vua cho đổi tên là Nguyễn Đức Lượng. Nguyễn Đức Lượng thông minh tài giỏi, khi làm quan ông được người đời ca ngợi : “ Văn chương tột bậc nho khoa, tài giỏi tựa tùng bách, khí tiết như sương thu nắng lửa”.
Sau khi Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký qua đời, đến kỳ cát táng, con trai ông là Nguyễn Đức Lượng đã mời thầy địa lý người Tàu tìm chọn huyệt tốt. Được thầy địa lý chỉ dẫn, ông Nguyễn Đức Lượng định ngày cát táng mộ cha. 
Nhưng không ngờ khi ra xem thì trên phần đất ấy, gia đình Thám hoa Nguyễn Đình Địch ở làng Tảo Dương cạnh làng Canh Hoạch ( cùng xã Cổ Hoạch) đã dựng lều ở cách ly cho con trai là công tử Nguyễn Doãn Toại bị bệnh phong. Bởi thế, gia đình ông Nguyễn Đức Lượng nan giải, ngày đêm bàn tính kế sách. Trước tình cảnh đó, cô Nguyễn Thị Hiền con gái Tiến sĩ Nguyến Bá Ký, em gái ông Nguyễn Đức Lượng, xin gia đình tự nguyện ra chung sống với công tử Nguyễn Doãn Toại. Ý định ban đầu của cô là sẽ từng bước cảm hóa, vận động công tử dời lều sang chỗ khác để lấy huyệt đất cải táng cha mình. Ý nguyện của cô Nguyễn Thị Hiền được gia đình chấp thuận.
Được cô Nguyễn Thị Hiền ra làm bạn, công tử Nguyễn Doãn Toại rất mừng rỡ, thoát được cảnh cô đơn, buồn tủi. Nào ngờ, trong khoảng thời gian chung sống với nhau, từ chỗ cảm tình thấu hiểu nhau, đôi trai gái đã bén duyên thực lòng yêu nhau. Sau những ngày đêm mặn nồng ân ái, không may công tử bị cảm phòng mà chết. Quá lo lắng, cô Hiền chạy về cấp báo với gia đình. Ông Nguyễn Đức Lượng sang báo cho ông Nguyễn Doãn Địch. Hai bên đều là gia đình khoa bảng, nên việc bàn làm Lễ tang cho công tử Nguyễn Doãn Toại diễn ra thuận hòa trong tình thương và trách nhiệm. Sáng hôm sau, hai gia đình ra đồng làm Lễ tang thì thi hài công tử đã được mối xông lên thành mộ. Thấy vậy, hai gia đình cho rằng đây là điềm “Thiên táng” ( Trời định ). Tiếp đó, ông Nguyễn Đức Lượng đến báo với ông thầy địa lý người Tàu về sự việc xẩy ra. Thầy địa lý xem lại dằm đất và báo với ông Lượng: “ Ở đây ngoài huyệt chính còn có huyệt bàng ( huyệt bên cạnh ) cũng tốt không kém huyệt chính. Nghe theo thầy địa lý, ông Lượng đặt mộ cát táng cha mình bên cạnh mộ Nguyễn Doãn Toại. Hai ngôi mộ đó giữ được yên vị cho tới ngày nay và được gia tộc Nguyễn Bá Ký chăm lo tôn tạo ngày càng khang trang.
Sau khi công tử Nguyễn Doãn Toại qua đời, cô Nguyễn Thị Hiền vẫn ở nhà anh trai, không về bên gia đình Thám hoa Nguyễn Doãn Địch. Khi biết cô Nguyễn Thị Hiền đã có thai với công tử Nguyễn Doãn Toại, ông Nguyễn Đức Lượng đã dựng một ngôi nhà nhỏ đầu làng cho em gái ra ở riêng. Năm sau (1495) cô Nguyễn Thị Hiền sinh hạ một người con trai đặt tên là Nguyễn Đàm, sau đổi tên là Nguyễn Thiến. Lọt lòng mẹ, Nguyễn Thiến cứng cát khôi ngô, ai nấy đều mừng và ngày càng thương mến, giúp đỡ cho mẹ con cô. Mọi mặt sinh hoạt của mẹ con cô Nguyễn Thị Hiền đều do gia đình ông Nguyễn Đức Lượng chu cấp. 
Thời gian đó, ông Nguyễn Đức Lượng vừa dạy học tại gia vừa ôn bài chuẩn bị đi thi. Khi Nguyễn Thiến biết đi, hằng ngày mẹ đưa đến gửi cho cậu ( bác ) chăm sóc, chơi với học trò, tối mới đưa về. Thương mến cháu, ông Nguyễn Đức Lượng chăm sóc, bày dạy cháu từ tuổi ấu thơ. Lớn lên trong môi trường ấy, Nguyễn Thiến có chí ham học, tỏ ra thông minh khác thường.
Năm 1514, ông Nguyễn Đức Lượng đi dự thi Hội khoa Giáp Tuất triều vua Lê Tương Dực đậu “ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập kê, đệ nhất danh” ( tức Trạng nguyên ). Sau đó ông được bổ làm quan giữ chức “ Tả Thị lang, rồi thăng Thương thư Bộ Lễ, kiêm học sĩ”. Mặc dù ra làm quan, nhưng Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng vẫn chăm sóc dạy dỗ Nguyễn Thiến, cho cháu cùng theo học với con trai mình là Nguyễn Lễ Khang.
Năm 1532, Nguyễn Thiến đi dự thi Hội khoa Nhâm Thìn, triều Mạc Đăng Doanh, đậu “ Đệ nhất giáp cập kê, đệ nhất danh “ ( tức Trạng nguyên ), được bổ làm quan giữ chức “ Thượng thư Bộ Lễ, Ngự sử đài, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, Thư quận công”.
Việc thi đậu Trang nguyên và làm quan đại thần của Nguyễn Thiến càng làm rạng danh cho chi họ Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký và làng Canh Hoạch, xã Cổ Hoạch. Trong một họ, một làng có hai Trạng nguyên, hai đại thần của triều đình là điều chưa trong cả nước vào thời điểm đó. Câu chuyện “ Trạng Cậu, Trạng Cháu” được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và ghi vào sử sách. 
Từ năm 1527, cuộc chiến tranh Lê - Mạc diễn ra. Lúc đầu nhiều con cháu hậu duệ công thần nhà Hậu Lê theo nhà Mạc. Nhưng sau đó nhận rõ lòng dạ Mạc Đăng Dung phản bội nhà Lê, nên có tư tưởng quay về với nhà Lê Trung hưng. Chú ruột Nguyễn Thiến là Nguyễn Kiều đang giữ chức Đặc vận công thần kiệt tiết tướng quân kỳ bài ty tướng sĩ Yên mỹ bá của triều đình nhà Mạc, vì để lộ tư tưởng phù Lê, bị Mạc Đăng Doanh buộc tội chết bằng hình phạt phải tự sát. Trước tình hình đó, em ông Nguyễn Kiều là Nguyễn Đình Tùng đang giữ chức Kiệt tiết tướng quân cấm vệ sự đô vệ hầu liền bỏ nhà Mạc, chạy trốn vào làng Đại Não ( Phật Não ), huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An ( nay là xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Hai người con của Nguyễn Kiều cũng trốn về ngụ ở làng Yên Lương ( nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) và xã Vĩnh Yên, tổng Yên Trường ( nay là phường Hưng Đông, thành phố Vinh ). 
Sau vụ Nguyễn Kiều bị sát hại, đến năm Tân Hợi ( 1551 ), Nguyễn Thiến đang giữ chức Thượng thư triều nhà Mạc cũng bị gian thần Phạm Giao dèm pha, vu tội mưu đồ phản nghịch. Bởi vậy, Mạc Phúc Nguyên cho quân lính đến vây bắt Nguyễn Thiến, nhưng nhờ được một số đại thần tin cẩn đưa quân đến giải thoát. Sau đó, Nguyễn Thiến cùng hai con là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miện đưa bản bộ và hơn 100 người trốn vào Thanh Hóa đầu hàng triều Lê - Trịnh. Nguyễn Thiến được vua Lê vui mừng tiếp đón, đãi ngộ, giao trọng trách tuyển chọn nhân tài cho triều đình. Con gái đầu của Nguyễn Thiến là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm trở thành vợ thứ 5 của Trịnh Kiểm.
Năm 1557, Nguyễn Thiến qua đời, Trịnh Kiểm thì ngày càng lấn át vua Lê. Năm biết tình hình này, Mạc Phúc Nguyên nhờ quốc sư Nguyễn Bỉnh Khiêm ( đậu Trạng nguyên sau Nguyễn Thiến một khóa và từng cùng Nguyễn Thiến làm quan trong triều Mạc) viết thư dụ hàng hai con trai của Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miện. Nhận được thư của Nguyễn Bỉnh Khiêm vào lúc đang bất bình cao độ với Trịnh Kiểm, lại nể lời thầy học của mình, hai anh em Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đã bỏ triều đình Lê - Trịnh để về với nhà Mạc. Được triều đình nhà Mạc nhiệt liệt đón tiếp, Nguyễn Quyện từ tước Văn phái hầu của Lê - Trịnh được phong lên tước Thượng quân công; Nguyễn Miễn được phong tước Phù quận công. Con cái của hai ông cũng được phong chức tước cao. Con gái đầu của Nguyễn Quyện là Nguyễn Như Nguyệt trở thành vợ của Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc hưng thịnh lại. Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc, Nguyễn Quyện trở thành người hùng, chỉ huy quân lính lập nhiều chiến công to lớn. Đương thời có câu : “ Quyện tồn Mạc tại / Quyện bại Mạc vong” ( Nguyễn Quyện còn thì nhà Mạc còn / Nguyễn Quyện bại thì nhà Mạc mất ). Nhưng đến năm 1592, Tiết chế Trịnh Tùng nối gót cha là Trịnh Kiểm mở cuộc tấn công đại qui mô vào sào huyệt nhà Mạc tại thừa tuyên Sơn Nam. Kết quả nhà Mạc đại bại. Nguyễn Miễn và hai con trai tử trận. Nguyễn Quyện bị quân Lê - Trịnh bắt giải về Lam Kinh ( Thanh Hóa ). Trịnh Tùng tự tay cởi trói và tiếp đãi trọng vọng, tuyên bố không lấy oán báo oán mà lấy ân báo ân, vì có cha là Nguyễn Thiến từng là trọng thần vương triều Lê - Trịnh, có chị gái là Phu nhân Trịnh Kiểm. Nhưng Nguyễn Quyện mặt đỏ bừng và dõng dạc nói: “ Tôi vì chúa Trịnh lộng hành, coi thường vua Lê, đối xử với mọi người không ra gì và nể lời khuyên của thầy học nên về lại với nhà Mạc, được nhà Mạc tri ân và đối đãi rất nồng hậu cho nên tôi phải lấy ân trả ân. Nay là bại tướng không còn kế sách gì nữa mà trông nom đất nước. Trời đã bỏ nhà Mạc, thì anh hùng cũng khó thi sức” ( Đại Việt thông sử ). Không dụ hàng được, Trịnh tùng đã sát hại ông và hai con trai là Nhuệ quận công Nguyễn Tín và Thọ nham hầu Nguyễn Thọ. Không những thế, Trịnh Tùng còn ra lệnh “ tru di diệt tộc” ( giết cả họ ). Sau sự kiện này, dòng họ Nguyễn Đình của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí tại làng Cảo Dương và làng Canh Hoạch thuộc huyện Thanh Oai ( Hà Nội ) lâm vào tình cảnh bị xáo lộn. Tên họ Nguyễn Đình phải đổi thành Nguyễn Duy. Mộ chí của Thủy tổ là Điện tiền đô chỉ huy sứ Cấm y vệ kiểm Tổng tri Dương Võ bá Nguyễn Đình Thủy phải đổi thành mộ Nguyễn Quang Kính. Mộ của Thám hoa Nguyễn Doãn Địch đổi thành mộ Nguyễn Quang Cảnh. Đồ thờ bị đốt phá. Bia mộ bị cạo xóa. Làng Cảo Dương có họ Nguyễn Đình bị yểm long mạch.
Cho đến ngày chua Trịnh yếu thế, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm con gái Trạng nguyên Nguyễn Thiến mới dẫn dân hai làng Tảo Dương ( quê cha ) và làng Canh Hoạch ( quê mẹ ) ra Thăng Long dỡ dinh phủ chúa về dựng thành hai Đình làng và dựng Từ đường thơ tổ tiên dòng họ. Về sau, ông Nguyễn Duy Tài, hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Duy ( vốn là Nguyễn Đình ) đã truy tầm tu tập Gia phả dòng họ Nguyễn Duy. 
Cơn bão thế gian đã quật đổ tan tành một nhánh họ thuộc đại tộc Nguyễn Đình Thái sư Cương quốc công Nguyến Xí trên đất Tảo Dương và Canh Hoạch thuộc huyện Thanh Oai ( Hà Nội ).
May thay có người con thứ ba của Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm chạy trốn được về làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân để rồi tiếp nối di truyền sinh học, đặc biệt là di truyền văn hóa để có lại một dòng họ mà “ Bao giờ ngàn Hống hết cây / Sông Rum hết nước họ này hết quan”. Trong số đó có chú cháu là Nguyễn Du và Nguyễn Hành là hai trong “An Nam Ngũ Tuyệt” ( Ngũ Tuyệt bao gồm: Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích và Ngô Thời Vị ). Riêng Nguyễn Du là thiên tài, được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Và gần đây, năm 2015, được Unesco tổ chức kỉ niệm 250 năm sinh trên toàn thế giới.
Vậy là, nếu tính từ Nguyễn Nhiệm ( Nhậm ) là Khải tổ của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền thì Đại thi hào Nguyễn Du là đời thứ 7. Nếu tính từ Nguyễn Thiến bắt đầu ở làng Tảo Dương và làng Canh Hoạch ( Thanh Oai - Hà Nội ) thì Đại thi hào Nguyễn Du là đời thứ 9. 
Như phần trên đã nói, Nguyễn Thiến là con của Nguyễn Doãn Toại ( cháu đời thứ 4 Nguyễn Trọng Đạt con trai thứ 10 Nguyễn Xí ) và Nguyễn Thị Hiền ( cháu đời thứ 4 Nguyễn Bá Sương con trai thứ 2 Nguyễn Xí ). Như vậy, theo phả hệ, Đại thi hào Nguyễn Du là cháu đời thứ 14 của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí ./.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

DÒNG HỌ VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA DÒNG HỌ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN  HÓA DÂN TỘC

                                                 Giáo sư  Nguyễn Đình Chú

     Trong sự sống của mỗi quốc gia, theo thời gian mà hình thành nhiều hình thái cộng đồng người trong đó có cộng đồng dòng họ với thuộc tính riêng, sức sống riêng. Từ dòng họ lại có văn hóa dòng họ cũng có qui luật hình thành , tồn tại riêng và tùy từng dòng họ mà có vai trò nhất định , thậm chí là chủ lực trong văn hóa làng, cao nữa là với văn hóa khu vực, văn hóa dân tộc.
     Đất nước ta đã và đang bước vào thời kỳ hội nhập thế giới phẳng sôi động, khẩn trương và cũng phức tạp chưa bao giờ có. Một bài toán vô cùng lớn và khó mà đất nước phải giải cho kỳ được ở cả hai phương diện nhận thức và thực hành là làm sao “ hòa nhập mà không hòa tan”, làm sao vẫn xây dựng được “ một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Muốn thế, phải có nhiều chủ trương nhiều biện pháp, trong đó không thể không nghiên cứu vấn đề dòng họ và văn hóa dòng họ trong văn hóa dân tộc một cách thấu đáo, tường minh.
     Bài viết này xin góp một tiếng nói nhỏ nhoi trước một vấn đề quá ư trọng đại đó của đất nước.

I   Sơ lược về sự hình thành và tồn tại của cộng đồng dòng họ

     Nhân loại ra đời, ở buổi đầu chưa có dòng họ. Bởi với chế độ quần hôn thì người con sinh ra chỉ biết mẹ mà không biết cha. Chưa biết cha vì chưa có gia đình. Chỉ  đến khi có hôn nhân mới có gia đình và nghiêm cấm  loạn luân thì từ đó mà dần dần có dòng họ. Sự ra đời của dòng họ trong buổi đầu là theo chế độ mẫu hệ, phụ hệ. Chẳng phải vì thế mà trong Hán ngữ, họ là tính mà chữ tính theo Thuyết văn giải tự  là cuốn tự điển cổ nhất của Trung Hoa thì được viết gồm bộ nữ  và chữ  sinh: người phụ nữ sinh ra con. Tuy nhiên, một khi chế độ mẫu hệ, phụ hệ được thay thế bằng chế độ nam quyền thì dòng họ lại thuộc họ cha. Nội tộc  là họ cha. Ngoại tộc là họ mẹ. Nội thân ngoại thích. Nội thân là phía họ cha . Ngoại thích là phía họ mẹ. Nội thân được coi trọng hơn ngoại thích. Cũng có trường hợp bỏ họ cha ( nội) theo họ mẹ ( ngoại) là do phía họ ngoại có công  lao với mình quá lớn.. Nhà lãnh tụ phong trào cần vương ở Tây Bắc  cuối thế kỷ XIX mà  sách thì ghi là Ngô Quang Bích, sách thì ghi là Nguyễn Quang Bích, cũng như  bác Vũ Khiêu trước ghi là Đặng Vũ Khiêu sau này lại ghi Vũ Khiêu là bởi có chuyện chuyển đổi tên họ nội ngoại đã xảy ra đó đây như thế.
      Dòng họ xuất hiện từ khi có hôn nhân và gia đình hạt nhân là một cặp vợ chồng theo quan hệ sinh học đực - cái,  Gia đình từ bố mẹ mà có con cái. Từ con cái mà có cháu chắt, rồi chút chít mà thành dòng họ. Dòng họ theo thời gian phát triển ngày một đông đúc sẽ có sự phân chi phân phái. Trong  phả hệ của các dòng họ lớn đã có các từ phản ánh sự phân chi phân phái đó, gồm: đại tộc , đại chi, trung chi, tiểu chi, phái, tiểu phái. Tiểu phái thường cũng phải có năm sáu đời trở lại. Về địa bàn cư trú, với gia đình hạt nhân, ở buổi đầu thì chỉ tại một khuôn viên vườn tược, phát triển lên thì trong một xóm, một làng. Tình quê hương , tình làng xóm nảy nở từ tình gia đình gắn với điều kiện không gian sinh sống đó. Nhưng gia đình một khi phát triến  theo thời gian thì không gian sống cũng mở rộng. Hiện tượng một dòng họ có mặt ở nhiều tỉnh thành, ở khắp cả nước, thậm chí  ở cả nước ngoài là bởi có sự phát triển đó.
       Thuộc tính  của  cộng đồng dòng họ khác với mọi hình thái cộng động khác  ở chỗ như đã nói là nó  xuất phát từ quan hệ sinh học đực - cái vốn là cơ sở quyết định sự  ra đời, tồn tại  và phát triển của loài người nên dòng họ cũng tồn tại vĩnh viễn với loài người. Còn loài người là còn dòng họ, dù có biến dạng thành thế này thế nọ. kể cả hao hụt. Muôn loài vật khác cũng  phải tồn tại dựa trên quan hệ sinh học đực - cái nhưng không có dòng họ. Chỉ loài người  được Thượng đế ban riêng cho bộ đại não để từ đó mà biết thiết chế hóa, văn minh hóa sự sống, trong đó có sự hình thành và xây đắp dòng họ. Trong thành tựu  thiết chế hóa  đa diện này,  trên phương diện đời sống tinh thần, có lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành mình, gần nhất là cha mẹ, ông bà, rộng ra là tổ tiên bao đời. Từ đó có đạo thờ Tổ tiên được triết lý hóa bằng các mệnh đề “ Vật bản hồ thiên / Nhân sinh do tổ” ( muôn vật sinh ra là nhờ ở trời  / con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên), “ Ẩm thủy tư nguyên”( uống nước nhớ nguồn), “ Kính tông pháp tổ”  (kính trọng và tuân theo phép tắc của Tổ tông).
       gia đình, dòng họ mới có làng xã từ đó mà có từ làng họ, mới có đất nước từ đó mà có từ quốc gia ( nước và nhà), dân tộc ( dân và họ). Cả nước Việt Nam có không biết bao nhiêu dòng họ, nhưng trong tâm thức của người Việt  Nam vẫn coi như đều từ một bụng mẹ mà ra nên có từ  đồng bào , có câu ca dao cổ : “ “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” Tất cả người Việt Nam vẫn nhận mình là con cháu  vua Hùng. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dựa theo tâm thức thiêng liêng đó ; “ Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Tâm lý, ý thức về dòng họ của  người Việt Nam ta  đã nằm sâu trong tâm thức bao đời nay là thế. Dấu vết của tâm thức đó đã và đang thể hiện trong cách xưng hô với nhau là:  bà con, cô bác, bác cháu , chú cháu, cô cháu, dì cháu, anh em, chị em không chỉ trong phạm vi gia đình họ tộc mà cả ngoài xã hội và trong cơ quan nhà nước. Trong khi với ngôn ngữ Pháp chẳng hạn, cách xưng hô chỉ là các từ: Je, tu, il, elle, nous. vous, ils, elles. Với người Việt Nam, tư duy họ tộc còn lan sang cả với người nước ngoài:” Bốn phương vô sản đều là anh em”.
       Sự tồn tại của cộng đồng dòng họ ít nhiều có liên quan đến đời sống kinh tế  nhưng chủ yếu là chỉ diễn ra ở phạm vi gia đình hạt nhân. Ở chung, làm chung, ăn chung trong một ngôi nhà, ngày trước không hiếm trường hợp là tứ đại, ngũ đại đồng đường.  Với gia đình hạt nhân, có chuyện chia gia tài gia sản của bố mẹ cho con mà ngày trước có việc chia ruộng hương hỏa cho con trưởng chính là một biện pháp đảm bảo việc duy trì dòng họ một cách lâu dài. Cộng đồng dòng họ một khi đã phân chi, phân phái, lan tỏa ra nhiều nơi thì sự gắn kết về mặt kinh tế  chắng có gì đáng kể nũa. Sự gắn kết ở đây chủ yếu là thuộc về đời sống tâm linh,về mặt tâm lý, tinh thần được thiêng hóa trong hai tiếng huyết thống ( cùng một dòng máu) dù có loãng đến đâu  vẫn không mất. “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tất nhiện, những điều nói đây ít nhiều cũng là chuyện chung của thế giới, nhưng với Việt Nam ta thì nó đậm đặc hơn nhiều.  Mà nguyên nhân có thể là do nước ta vốn là nước nghèo. Mà đã nghèo thì khổ. Đã khổ thì phải cầu mong. Cầu mong ở cuộc đời .Nhưng quan trọng hơn là cầu mong ở lực lượng siêu hình mà ở đó thì không gì bằng Tổ tiên đã sinh ra và yêu thương con cháu hơn ai hết. Ở các nước cũng như ở nước ta, hiện tượng dòng họ ít nhiều đã biến đổi và sẽ còn biến đổi, thậm chí là hao hụt, một khi mà gia đình hạt nhân bị lung lay, một khi mà cái thằng TÔI đang có chiều hướng trổi dậy như ngựa không cương, một khi mà “ sự văn minh càng tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiều” điều mà  thi sĩ của núi Tản sông Đà  (Tản Đà) đã nói đến trong  Giác mộng con tập I cách đây 99 năm. Tuy nhiên, bên cạnh khả năng hao hụt trong sự tồn tại của dòng họ thì lại có trạng thái nhiều gia đình là địa chủ, gia tộc là tập đoàn địa chủ bị tan tác sau cải cách ruộng đất, nhưng rồi không ít đâu lại hoàn đấy. Con cháu họ nhiều trường hợp vẫn ngoi lên khá bề thế cả trên phương diện kinh tế và phương diện văn hóa, học thuật. Trong đó có không ít trường hợp là nhờ chuồn được ra nước ngoài. Và không chừng hiện tượng này vẫn có với không ít gia đình sau năm 1975 vì hoàn cảnh khăc nghiệt đã ra sống ở nước ngoài. Đúng là không thể coi thường cái gen văn hóa trong sự sống của một gia đình, một gia tộc mà cũng là của đất tộc. Ở Nhật Bản có chuyện tìm cách cải tạo gen sinh học và cũng là gen văn hóa  để thành một nước Nhật nổi tiếng văn minh nhân bản và về  hình thể  chẳng ai nói là Nhật lùn nữa.
       Cộng đồng dòng họ là một thực thể tồn tại trong sự sống nhân loại và sự sống Việt Nam bao đời nay với những thuộc tính như thế, cho nên việc nghiên cứu dòng họ cũng đã diến ra . Trên thế giới theo nhà Hán học Phan Văn Các trong tiểu luận Nghiên cứu các dòng họ - Cơ sở khoa học và phương hướng giải quyết và các vấn đề đặt ra (1) cho biết: “ Trung Quóc theo sách Bách tính gia là có 926 họ. , Hàn quốc có 274 họ chia ra làm 3.435 chi phái. Anh quốc  có 16.000 họ. Nhật Bản có 10.000 họ.”. Cách thống kê này dễ thường là dựa vào thực trạng  phân chi, phân phái của các dòng họ mời nhiều như  ở Anh, ở Nhật. Ở Việt Nam ta,  chưa  biết ở thời trung đại trong khi đã rất coi trọng dòng họ thì đã có thư tịch nào tổng kết đầy đủ số lượng dòng họ trong cả nước chưa, mặc dù đã nói về họ này, họ khác.. Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp để cai trị người Việt Nam mà nông dân chiếm tuyệt đai đa số nên đã cố nắm cho được các dòng họ. Do đó , trong khi Cải cách hương chính đã thành lập Hội đồng tộc biểu. Năm 1930,  P. Gourou trong tác phẩm Les paysans du delta Tonkinois ( Người nông dân ở châu thổ Bắc kỳ) đã nói ở Bắc bộ có 202 dòng họ. Sau này,Dạ Lan Nguyễn Đức Sự trong sách Gia phả: khảo luận và thực hành xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 (NXB Văn hóa tái bản năm 1992) thì  ước tính là khoảng 300 họ. Tại Hà Nội,  sau năm 1975, có Câu lạc bộ  Unesco thông tin các dòng họ do cụ Nguyễn Song Tùng, cầm đầu và hoạt động khá sôi nổi một thời. Bộ sách  Cội nguồn ( NXB Văn hóa)gồm sáu tập đã phản ánh được tình hình nhiều dòng họ trên đất nước ta. Nhưng vẫn chưa tổng kết được đầy đủ dòng họ ở Việt Nam với 54  dân tộc anh em. Ngay với dân tộc Kinh được coi là chủ thể của  dân tộc thì sự phản ánh thông tin vẫn con hạn chế, chỉ mới đụng đến những dòng họ lớn và quen thuộc. Tiếc là sau ngày cụ Song Tùng qua đời đã không có người nối tiếp. Riêng Nghệ An là tỉnh đã đi đầu trong việc tổ chức Hội thảo khoa học về  Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An (2) , Gia phong của xứ Nghệ ( trong bối cảnh đất nước đổi mới) (3), được đông đảo các nhà nghiên cứu tham gia nên đã có kết quả bước đầu đáng quí. Có điều là những thành quả nghiên cứu dòng họ vừa nói chủ yếu vẫn thuộc về dân tộc Kinh. Còn về dòng họ thuộc các dân tộc ít người thì không biết ngoài những gì ít nhiều có đụng đến trong các công trình dân tộc học của một số nhà dân tộc học người Pháp dưới thời Pháp thuộc  và của ngành dân tộc học thời nay, sáng giá nhất như  GS Từ Chi…thì còn những gì mà chúng tôi chưa có điều kiện hiểu biết. Kính mong quí vị học giả bổ sung cho.
       Trong  lịch sử dòng họ ở Việt Nam ta có hiện tượng phải đổi dòng họ. Điển hình nhất là trường hợp họ Mạc sau khi mưu khôi phục thất bại, bị vương triều nhà Lê truy kích dữ dội nên đã phải đổi thành các họ: Bế, Bùi, Cát, Hoàng, Đàm, Huỳnh, Hoa, Hồ, Lều, Nông, Phan, Phạm, Thái, Vũ. Trong việc đổi tên họ này có cách là theo họ của người thiểu số : Bế, Lều,  Nông… Riêng cách đổi là Hoàng, Huỳnh, Hoa, Phạm , Phan là còn có dụng  ý giữ lại phần nào họ gốc của mình. Bởi về Hán tự, mấy chữ này cùng với chữ Mạc đều có bộ thảo đầu . Có trường hợp như  dòng họ Thạch của người Khmer Nam bộ là do thời chúa Nguyễn đặt cho. Hay như người Vân Kiều , Ca Tu thì trước chưa có tên họ, sau này đặt tên là họ Hồ theo họ của Bác Hồ. Thời trung đại, dưới chế độ phong kiến lại có hiện tượng nhà vua cho một số bề tôi có công lao lớn được đổi họ sang quốc tính là họ nhà vua. Nguyễn Xí mà sử sách xưa nhiều chỗ ghi là Lê Xí, cũng  như Nguyễn Trãi thành Lê Trãi là do có chuyện đó. Nhưng việc đổi tên theo họ vua là chỉ vớí một đời. Dưới thời Pháp thuộc, trong đời sống cách mạng lại có hiện tượng bí danh, biệt danh lấy tên họ khác. Ví như Nguyễn Đức Công thì thành Hoàng Trọng Mậu, Nguyễn Thức Đường thì thành Trần Hữu Lực… Chủ tịch Hồ Chí Mình là người có nhiều tên họ tên người cũng thuộc tình hình đó.
        Trong lịch sử dòng họ Việt Nam  còn có hiện tượng trùng tên với nhiều dòng họ của Trung Hoa.Về hiện tượng này, Vũ Hiệp trong bài Nguồn gốc và sự phát triển một số dòng họ tiêu biểu ở Việt Nam (Côi nguồn số 3. NXB Văn hóa 1999) đã cho ta biết đôi điều như sau: “ …từ thời Triệu Đà đã có tư liệu về người phương Bắc sang ta. Họ làm ăn sinh sống hoặc lấy vợ đẻ con và di duệ của họ tất phải giữ tên họ người cha. Ở Kiến Xương tỉnh Thái Bình có câu chuyện Triệu Đà lấy bà vợ lẽ người Việt và truyền nghề làm vàng sang nước ta. Ngày nay nhiều người làm nghề vàng bạc ở Kiến Xương mang tên họ Triệu…  Người phương Bấc sang ta trong các điều kiện khác nhau. Quan lại cai trị, tướng tá cao cấp, binh lính và thuộc lại, người chạy loạn, người đi buôn, người đói ăn đi kiếm sống, kể cả người đi lao dịch và tù nhân. Tất nhiên di duệ của họ mang họ bố. Lịch sử cho biết có nhiều nhân vật lịch sử có nguồn gôc từ phương Bắc. Lý Bôn tức Lý Nam Đế tổ tiên là người phương Bắc sang nước ta từ thời Tây Hán…”án…..
 
      .
II.     Văn hóa dòng họ trong đời sống văn hóa dân tộc

      Văn hóa vốn là một khái niệm có nội hàm vừa rộng vừa hẹp. Rộng là bao gồm tất cả những gì là thành tựu thiết chế hóa thuộc mặt bằng của cuộc sống loài người từ bán khai và từng bước từng bước tiến lên cõi văn mình thuộc phạm vi gia đình, dòng họ và cả xã hội. Hẹp là thuộc trường hợp từ văn hóa là mặt bằng chung đó mà có sự kết tinh, chưng cất, nỏi trỗi, thăng hoa, có sức lan tỏa  ảnh hưởng tới các dòng họ khác, tới văn hóa làng, văn hóa khu vực, văn hóa dân tộc trong một giai đoạn hoặc lâu dài.
             1) Thuộc phạm vi văn hóa mặt bằng  thì  trọng tâm của văn hóa dòng họ là  vấn đề  thờ phụng Tổ Tiên. Trong đó việc đầu tiên là lập nhà thờ, tùy theo khả năng phả hệ nhiều ít đã biết. Ví như với họ Nguyễn Đình Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí - người được Truyền  hình Việt Nam dựng phim theo chương trình Danh nhân đất Việt  mệnh danh là Người hai lần khai quốc tại Nghệ An mà  sách  Cương Quốc Công Nguyễn Xí : Tộc phả - Di huấn- Phụ lục ( (tái bản và bổ sung) xuất bản năm 2013 cho biết cả dòng họ này từ Đại tộc cho đến các tiểu phái  hiện có 409 nhà thờ. Nhà thờ thì có các tế khí ( đồ vật để thờ)  và cách bố trí bàn thờ theo thế thứ của các tiền nhân. Rồi đến nghi thức cúng lễ. Nhìn chung đều có sự định hình. Sách Thọ mai gia lễ đã  hướng dẫn nghi thức cúng lễ đó. Cùng với việc lập nhà thờ, việc xây dựng lăng mộ của dòng họ cũng là điếu rất được coi trọng. Nhất là với mộ TỔ đã trở thành vật thiêng vô cùng lớn. Trong tiếng chửi của  dân quê ở Nghệ Tĩnh, tiếng chửi “ mả Tổ mi”( mộ Tổ mày) là độc địa nhất không gì bằng. Vì nó đụng đến vật thể thiêng liêng nhất của con người là vị thủy tổ. Việc xây lăng mộ cũng như xây nhà thờ, đặt bàn thờ, ở chỗ nào ,theo hướng nào, với thuyết phong thủy qua vai trò của các thầy địa lý, thầy phong thủy là không đơn giản chút nào. Sau ngàycách mạng thành công, xây dựng đời sống mới, có khuynh hướng coi thường những chuyện đó nhưng nay thì trở lại và còn nhiêu khê hơn trước  nhiều. “ Thanh minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” vốn từ Trung Hoa được du nhập vào nước ta trong bao đời nay là một sinh hoạt thiêng liêng không thể thiếu của các dòng họ. Cho đến nay, hầu như đâu đâu cũng có nghĩa trang dòng họ. Có nơi như ở Thừa Thiên – Huế, nhiều bà con Việt Kiều đã đem tiền về nước xây lại lăng mộ ông bà cha mẹ , tổ tiên, có chỗ nguy nga tốn đến hàng tỷ đồng. Đủ biết với người Việt Nam ta, đạo thờ Tổ Tiên và tâm lý về họ tộc sâu nặng biết chừng nào. Riêng vấn đề tộc phả cũng là chuyện được đặt ra hàng đầu vơí các dòng họ. Mà chẳng riêng Việt Nam ta, nhiều nước trên thế giới cũng là thế, tất nhiên mức độ có khác nhau. Ngành Gia phả học  (Généalogie, Genealogy) đã có mặt trên thế giới rất sớm. Cũng nhà Hán học Phan Văn Các ở tiểu luận đã nói đến cho tbiết: “ Tộc phả ở Trung Quốc ít nhất đã khởi nguồn từ đời Chu dân dần hưng thịnh ở đời Hán, đến đời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều do nặng về ý thức  dòng dõi môn đệ nên nhà nước chọn quan lại, gia đình kén dâu rể đều lấy tộc phả làm căn cứ tham khảo mà trở nên cực thịnh…,  Tộc phả Hàn quốc khởi nguồn từ thời Tam quốc ( Cao Cú Lệ, Pei Xi, Si La)…bắt đầu công việc ghi chép hệ thống vương thất:  Vương đại thực lục của Kim Khoan Nghị, Duệ Nguyên Lục của Nhậm Cảnh… Tại Seoul Hàn quốc có một trung tâm gia phả học mang tên Hồi tưởng xã. Tại đó có bộ gia phả hai quyển dày của Lý Long Tương ở Hoa Sơn( 4). Hồi tưởng xã có  lịch sử trên bốn mươi năm hiện lưu giữ khoảng 2250 cuốn gia phả, tộc phả….  Gia phả học hay phả học châu Âu có thể coi là chính thức ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI với các  cuốn như Lịch sử tổng quát các vương quốc Jeru salem,Chypre, Aménie ( 1575 – 1579)…Nổi tiếng trong ngành học này có thể kể: Nguồn gốc lịch sử dòng họ quí phái  20 tập của Gustave Chaix  D Est , Ange xuất bản trong khoảng 1903- 1929 khảo cứu  hàng trăm dòng họ hiện hữu… Hiện nay trong các trường đại học ở Mỹ, nhiều trường đã đặt môn gia tộc sử hoặc lịch sử gia đình thành môn học riêng… Cơ quan lưu trữ gia phả lớn nhất hiện nay có lẽ là thư viện gia phả của nhà thơ Jesus Christ Đức thánh ngày tận thế ( The genealogical Library of Jesus Christ the Church of Lather day Saint) ở  thành phố Salt Lake bang Yota…bình quân hàng tháng trả lời trên năm nghìn lượt thư độc giả giải đáp các vấn đè liên quan đến gia phả. Kho sách của thư viện này hiện có trên một triệu cuốn Microfilm và mỗi tháng bổ sung thêm khoảng 4000 cuốn” ).
      Ở Việt Nam ta, xem ra đến nay, ngành gia phả học vẫn chưa có mặt với tư cách là một ngành khoa học thực sự có hệ lý thuyết và hệ phương pháp riêng và đầy đủ. Không chừng cuốn sách Gia phả: khảo luận và thực hành của tác giả Nguyễn Đức Sự xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 dù còn đơn sơ nhưng là mầm mống đầu tiên của ngành gia phả học Việt Nam. Tuy vậy, ở nước ta , việc viết gia phả tộc phả  thì đã có từ rất lâu đời với một ý thức tự giác sâu sắc thường được ghi ở lời mở đầu các bản gia phả, tộc phả là “ quốc hữu pháp gia hữu phả”  (nước thì có pháp luật, nhà  thì có gia phả tộc phả). Dưới thời Pháp thuộc, cùng với chủ trương thành lập Hội đồng tộc biểu, Viễn Đông Bác Cổ cũng đã sưu tầm các tộc phả. Trong bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu ( Catalogue des livres en Han Nôm), NXB Khoa học xã hôi. Hà Nội 1993, chưa đếm được tổng số bao nhiêu nhưng lướt qua cũng đã thấy nhiêu tộc phả viết bằng chữ Hán. Sau năm 1975, một khi cuộc sống của đất nước đã  trở lại bình thường, phong trào tìm lại tộc phả, dịch tộc phả,viết thêm tộc phả khắp mọi miến đất nước rất sôi động. Chỉ riêng họ Nguyễn Đình Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí mà ở trên có nói đến đã thống kê được 117 cuốn tộc phả trong toàn đại tộc. Trong đó có bản xưa nhất là từ năm 1630, có bản lại được viết theo hình thức  diễn ca nôm, có bản dược viết theo thể phú. Họ Nguyễn Cảnh  ở Đô Lương Nghệ An lại có bản tộc phổ viết cuối thế kỷ 17 bằng hình thức tiểu thuyết lịch sử. Cuốn Nguyễn Phúc Tộc Phả thuộc họ Nguyễn hoàng gia do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc tại Huế biên soạn, chép  Thủy tổ phả từ Định Quốc Công Nguyễn Bặc cho đến Vương phảĐế phả ở đời thứ mười bảy là vua Duy Tân và vua Bảo Đại, in năm 1996 là một công trình tộc phả rất công phu. Phong trào tìm lại, viết lại, viết mới tộc phả đã kéo theo phong trào tìm lại Tổ tiên và nhận họ. Có trường hợp không tìm lại được bằng tra cứu tộc phả thì về nhà thờ Tổ làm lễ cầu xin và khát âm dương được là được. Rất nhiều người dù không tra cứu được tộc phả , vẫn cứ theo tên họ của mình mà tham gia sinh hoạt họ tộc, đặc biệt với các trường hợp Thủy tổ là một đại danh nhân của đất nước. Không chỉ người Việt Nam trong nước mà nhiều người Việt Nam đã ra sống ở nước ngoài vài ba đời vẫn về nước để lễ tổ, để nhận họ. Nhiều dòng họ đã có Hội đồng đại tôn toàn quốc. Ngày giỗ Tổ đã trở thành ngày hội lớn của con cháu xa gần.  Đặc biệt, có không ít đại gia đã bỏ ra hàng nhiều tỷ đồng để trùng tu, tân lập nhà thờ Tổ. 
       Thực thể dòng họ đã xuất hiện và tồn tại trong sự sống nói chung, trong đó có sự sống tinh thần, sự sống tâm linh trọng đại của nhân loại, đặc biệt là với người Việt Nam ta bao đời nay là thế. Nhưng ở đây không phải không có mặt trái , xưa đã đành mà nay cũng vậy. Chỉ nói riêng ở Việt Nam ta thì xưa là chuyện cậy thế cậy thần của người họ lớn, là chuyện “ một người làm quan cả họ được nhờ.” Còn nay, chỉ đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và xem thêm một số phim về nông thôn thì dủ biết tình hình tranh chấp quyền lợi giữa các dòng họ, chuyện cố kết dòng họ để tranh chức tranh quyền nơi thôn xóm một cách ranh ma, đểu cảng là thế nào. Mà đâu chỉ là chuyện nơi thôn xóm, ngay ở nơi đáng ra không được có mà vẵn có là người cùng một họ đưa nhau lên chức này chức nọ, không từ một cấp nào. Người dân chẳng những đã  không thôi nói đến thành ngữ “ con ông cháu cha” mà còn sáng tác thêm thành ngữ “ nhất thân nhì thế tam tiền tứ chế” mà thân thì trước hết vẫn là người cùng họ tộc.
            2). Thuộc phạm vi văn hóa được thăng hoa:
                Từ mặt bằng văn hóa chung như trên vừa nói, với một số dòng họ đã có sự thăng hoa văn hóa để trở thành một dòng họ có vai trò chủ lực đối với văn hóa làng, cao hơn nữa là với văn hóa khu vực. Một số trường hợp lại còn là với văn hóa của cả nước, văn hóa dân tộc ở mức độ này mức độ khác  thuộc  văn hóa bác học là chính nhưng cũng có cả văn hóa dân gian đặc biệt là văn nghệ dân gian, là dân ca. Có một sự thật là, trên sách báo của ta, khi nói đến văn hóa thì thường nói đên thành tựu của nhà văn hóa này nhà văn hóa khác, nói đến văn hóa vùng miền như văn hóa sông Hồng, văn hóa xứ Thanh, văn  hóa  xứ Nghệ ( Lam Hồng), văn hóa xứ Huế, văn hóa xứ Quảng, văn hóa xứ Đồng Nai…văn hóa các dân tộc ít người, văn hóa dân tộc, mà đã quên nói đến văn hóa dòng họ. Mãi tới vài chục năm gần đây mới nói tới. Trong khi theo cố GS Trần Quốc Vượng cho biết thì ở Pháp, Viện sĩ Jean Poirier trong công trình nghiên cứu về Tộc người và văn hóa ( Ethnies et cultures. Encyclopédia de la Pléiade) cho rằng loài người đã trải nghiệm các văn hóa xã hội dựa trên 3 nguyên lý lớn: + Nguyên lý cùng – dòng họ ( (Co- Descendance)  + Nguyên lý cùng – nơi cư  trú (  Co- Résidence) +  Nguyên lý cùng – lợi ích ( Co- Intérêt).( 5 ). Dòng họ là nguyên lý đầu tiên của ba nguyên lý này. Vậy thì quên nó, coi nhẹ nó sao được.
       Sự thăng hoa của dòng họ cũng như văn hóa dòng họ theo qui luật là phải bắt đầu từ sự đột khởi cá nhân nổi trỗi mà không phải dòng họ nào cũng có. Từ cá nhân nổi trỗi đột khởi ở lãnh vực này hay lãnh vục khác của cuộc sông mà từ đó có các dòng họ được thăng hoa ở các lãnh vực đó. Ví dụ ở thời phong kiến, dòng họ nào có được một anh hùng chống ngoại xâm thắng lợi để rồi được vương triều cất nhắc lên địa vị quan lại đầu triều thì tiếp sau đó con cháu tha hồ mà làm quan . Như thế thì dòng họ này sẽ thành dòng họ quí tộc và nếu được trí thức hóa thì kiêm luôn là dòng họ văn hóa cao cấp  theo qui luật di truyền văn hóa có liên quan đến di truyền sinh học. Dân gian thường nói con nhà nòi là thế. Trường hợp đơn thuần văn hóa thì cũng thế. Phải có cá nhân đột khởi. Dưới chế độ phong kiến, chủ yếu là qua thi cử để có chuyện trước đó anh chỉ là một học trò nghèo, nhưng qua  thi cử mà đậu được đại khoa để rồi có người thì bị áo mão che mất thi thư thì cũng chẳng đưa dòng họ thành dòng họ văn hóa. Dòng họ văn hóa chỉ dành riêng cho những vị đại khoa nào dù có làm quan vẵn không rời sách vở, không rời sứ mệnh sản sinh những công trình học thuật, văn hóa bác học cho đất nước và để lại gen di truyền  văn hóa cho giống nòi, họ tộc.
         Ở thời trung đại, dưới chế độ phong kiến, các dòng họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn  là những dòng họ nắm vương quyền của đất nước. Trong đó, Đinh và Tiền Lê do tuổi thọ còn ít nên chưa có sự thăng hoa văn hóa cho triều đại mà cũng là cho dòng họ. Còn các triều đại sau thì  không những tạo dựng được nền văn hóa vẻ vang cho đất nước và chính dòng họ mình cũng đã là một dòng họ văn hóa vẻ vang. Qui luật đã diễn ra ở đây là: người  có công đầu trong việc thay thế vương triều cũ thì hầu như chưa ai là nhà văn hóa , nhưng đến đời con đời cháu thì đã là nhà văn hóa, thậm chí là nhà văn hóa lớn của dân tộc. Trường hợp nhà Trần là thế. Trần Thủ Độ người có công đầu dựng lên vương triều nhà Trân thì về văn hóa chưa có gì nhưng đến Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, đặc biệt là Trần Nhân Tông thì đã thành một dòng họ đại quí tộc có sự lên ngôi về văn hóa trong muôn đời với  đất nước. Nhà Lê cũng vậy, Lê Thái Tổ công lao với đất nước vĩ đại như thế nhưng vẫn chưa phải là nhà văn hóa theo quan niệm thông thường. Nhưng đến Lê Thánh Tông thì đã là một nhà văn hóa sừng sững trong lịch sử. Đến nhà Nguyễn cũng là thế. Vua Gia Long thì chưa phải là nhà văn hóa, nhưng các vua kế tiếp là Minh Mạng, Thiệu Trị, đặc biệt là Tự Đức đã là những bậc đại gia về học vấn. Họ Nguyễn dưới thời nhà Nguyễn đã là một dòng họ văn hóa bề thế hiếm có. Hai câu “ Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán / Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” được lưu truyền bao đời nay, dù có là ngoa ngôn đi nữa thì vẫn không thể phủ nhận bốn nhân vật được nói tới đây không phải là bốn cây cột cái của văn hóa đương thời trong đó Tùng Thiện vương,Tuy Lý Vương là con của vua Minh Mạng. Con vua Minh Mạng còn có Huệ Phố nữ sĩ, Mai Am nữ sĩ cũng là hai thi bá của  thời đó.Dòng họ vương triều mà thành dòng họ văn hóa như thế là nhờ  thuở ấy, trên đất nước ta đã có được một triết lý nhân sinh mà cũng là triết lý giáo dục không gì đích đáng hơn  là ‘ nhân bất học bất tri lý” ( người mà không học thì không biết lẽ phải) và từ đó, giáo dục thực sự đã là quốc sách hàng đầu  vì cơ bản nó là con đường độc đạo dẫn đến chấp chính, điều hành quốc sự.
         Thành tựu thăng hoa văn hóa dòng họ đã phụ thuộc vào trình độ phát triển văn hóa của dân tộc. Ở thời trung đại, văn hóa dân tộc nói chung còn mang tính chất hỗn hợp và tính chất khu vực . Hỗn hợp bởi văn – sử - triết bất phân. Do đó thành tựu văn hóa của một dòng họ nổi tiếng cả nước như Ngô gia văn phải là có đủ các loại hình văn hóa đó. Thời đó, đội quân chủ lực của nền văn hóa Việt Nam vẫn là nho sĩ mà tri thức  là gồm  nho y lý số. Nhưng phần Nho vẫn bề thế hơn. Thành tựu văn hóa của các dòng họ cũng không nằm ngoài qui luật đó. Khác với thời hiện đại, một khi nền văn hóa dân tộc đã chuyển sang phạm trù văn hóa hiện đại mang tính chất thế giới trong đó xuất hiện nhiều thành tựu văn hóa mới cho nên thành tựu văn hóa của dòng họ cũng xuất hiện những nội dung tựu mới mang tính chát đa ngành đa dạng hơn so với thời trung đại.  Họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc, Nghệ An là một trường hợp như thế. Dân số của họ chỉ khoảng trên dưới 800 người nhưng có tới 8 hội viên hội nhà văn  Việt Nam vào loại sừng sỏ, chưa kể là còn vài vị không là hội viên hội nhà văn Việt Nam, nhưng tài năng văn chương thì còn đáng kính nể hơn. Đã thế nhưng họ này còn có một bác sĩ thuộc hàng bác sĩ có tên tuổi hàng đầu của ngành Tây y của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nam tiến sĩ khoa học về máy bay được giải thưởng của Liên Xô cũ, một nữ tiến sĩ khọa học về vật lý lý thuyết lại có hai tập thơ. Tất nhiên cũng có những dòng họ phát triển văn hóa theo hướng chuyên ngành và theo di truyền văn hóa chuyên ngành.
       Có thể nói thêm về ảnh hưởng qua lại giữa các dòng họ  trong một làng  về mặt văn hóa. Thì quả là như thế.  Khi nói văn hóa dòng họ là chủ lực của văn hóa làng thì có nghĩa là đã nói đến ảnh hưởng của nó đối với các dòng họ khác trong làng, rộng ra là cả khu vực. Sự ảnh hưởng này còn ít nhiều liên quan đến chuyện hôn nhân giữa các dòng họ trong một làng kể cả khu vực. Quan niệm “môn đăng hộ đối” ,  “ lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống” đã thể hiện rõ ý thức bảo tồn và tranh thủ ảnh hưởng văn hóa giữa dòng họ này với dòng họ khác. Ở đây không ít trường hợp đã có vai trò nàng dâu lấy chồng sinh con đẻ cái nhưng đồng thời cũng làm thay đổi gen văn hóa cho họ nhà chồng ..
        Văn hóa dòng họ đã tồn tại  bao đời nay trên đất nước ta là vậy. Nhưng điều gì là đáng giá nhất mà người Việt Nam ta hôm nay và mai sau cần biết rõ và suy ngẫm nhiều nhất về văn hóa dòng họ để tìm cách tiếp thu thừa hưởng?  Theo tôi, đó chính là vấn đề truyền thống gia phong của các dòng họ văn hóa lừng danh. Gia phong theo định nghĩa của Hán Việt tự điển Đào Duy Anh là: “ Thói nhà,tập quán giáo dục gia tôc”, của Từ Hải  của Trung Hoa là: “ Gia thế được truyền lại thành phong tục thông thường trong xã hội”. Trong ngôn ngữ xưa, cùng với khái niệm gia phong còn có các  khái niệm gia đạo ( đạo lý của gia đình, gia tộc), gia pháp ( phép tắc của gia đình, gia tộc), gia giáo ( sự giáo dục của gia đình, gia tộc), gia huấn (lời dạy trong gia đình, gia tộc)  gia phạm ( qui phạm trong gia đình, gia tộc), gia tắc (qui tắc, nguyên tắc trong gia đình, gia tộc), gia thanh ( thanh danh của gia đình , gia tộc), gia thế ( thế đời, thế lực của gia đình, gia tộc trong xã hội).Với ngày nay thì những khái niệm, những từ tố có định ngữ “gia” này xem ra dã thành tử ngữ, chẳng mấy ai nhớ đến nữa. Nhưng với cha ông thuở trước, nhất là  với những người có gia giáo thì đó là những từ ngữ đầu cửa miệng, thường trực trong ý thức. Gia phong không chỉ là chuyện thuộc phạm vi gia đình nhỏ mà còn với gia tộc, đại tộc mặc dù có mức độ đậm nhạt khác nhau tùy theo rộng hẹp và phụ thuộc vào trình độ ý thức cảm nhận , thực thi của những thành viên cụ thể. Gia phong thuộc phạm trù văn hóa- đạo đức, nhưng đạo đức là nền tảng  kết tinh để thành văn hóa. Gia phong là sản phẩm văn hóa – đạo đức của gia đình gia tộc nhưng gộp chung các dòng họ lại chính là sản phẩm văn hóa – đạo đức của dân tộc. Cũng có thể coi đây là văn hóa – đạo đức dân tộc thể hiện trong phạm vi gia dình, gia tộc. Văn hóa – đạo đức làm nên gia phong bao gồm từ hai ngọn nguồn là văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Trong đó văn hóa dân gian là nền tảng nhưng phải có văn hóa  bác học mới có dộ cao của sự kết tinh. Gia phong truyền thống này còn là sản phảm của văn hóa phương Đông xưa mà đức trị được coi trọng hơn pháp trị trong đó có vai trò to lớn của  các học thuyết, tôn giáo, của Nho Phật Đạo. Phật giáo với tính ưu việt nhất trong các tôn giáo là giàu tình thương yêu con người. Nho giáo với phương châm sống : “ Cách vật - trí tri - thành ý - chính tâm - tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” , với mẫu người lý tưởng là chính nhân quân tử, với tư tưởng coi trọng gia đinh, coi trọng đạo đức  con người hơn bất cứ học thuyết nào. Đạo giáo giúp con người có ước mơ và cũng răn đe con người bớt làm điều sai trái. Tất cả là ngoại nhập nhưng đã góp phần tạo dựng gia phong  trên đất nước ta xưa. Gia phong gắn với gia đạo, gia pháp, gia phạm, gia huấn , gia lễ… và bao gồm mọi phương diện của tư đức thuộc mọi quan hệ trong phạm vi gia đình, gia tộc. Những tư đức phổ biến là: lòng biết ơn tiên tổ, ông bà, cha mẹ, hiếu  thảo, kính trưởng, nhượng huynh, vợ chồng chung thủy, vốn có tính chất song phương chứ không hẳn là đơn phương. Biết ơn tổ tiên sẽ được tổ tiên phù hộ. Hiếu thảo với cha mẹ nhưng là “ phụ từ tử hiếu”. Trinh tiết với chồng nhưng theo tinh thần “ tương kính như tân” ( vợ chồng kính trọng nhau như kính trọng khách). Với chồng thì “ tao khang chi thê bất khả hạ đường” (với người vợ lấy nhau từ ngày con ăn tấm ăn cám, đến lúc mình làm quan không được bỏ). Anh em thì như thể chân tay không rời nhau. Chị ngã em nâng. Trong tình yêu, chữ tình phải đi liền với chữ nghĩa. Trong tư đức không thể thiếu tinh thần hiếu học. Gia phong phải gắn liền tư đức với công đức  và làm nền cho công đức trong đó có  tình làng nghĩa xóm, có tinh thần tôn sư trọng đạo, có tình yêu tổ quốc nhân dân, đất nước có ngoại xâm thì phải xả thân thủ nghĩa, có tình yêu thương con người , đặc biệt là người nghèo khổ, hoạn nạn. Công đức cũng phải trở thành  truyền thống của gia đình, gia tộc. Phản quốc phản dân là phản gia phong gia đạo.

                                            x
                                       X       X

        Bạn đọc kính mến !

     Trong lịch sử sinh tồn và cũng là lịch sử văn hóa của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, sự hiện diện của cộng đồng dòng họ và văn hóa dòng họ đã là như thế. Tiếc là có lúc nào đó, do có sự áp đảo của văn hóa phương Tây đối với văn hóa phương Đông bên cạnh sự nâng đỡ của nó, do có tình  trạng “ dĩ Âu vi trung”, do  ảnh hưởng của một số quan niệm, lý thuyết đâu đâu, mà trên đất nước ta một thời đã có sự chểnh mảng, rẻ rúng với vấn đề dòng họ và văn hóa dòng họ. Đến nay thì tuy đã có sự tỉnh ngộ và đang ra sức phục hồi nhưng xem ra sự nhận thức quá khứ lại còn non nớt, rời rạc, chưa đủ độ sâu sắc vững chãi. Cho nên có được những cuộc hội thảo khoa học như trước đây Nghệ An đã có, nay thêm Khoa văn hóa học của ĐHKHXH & NV thuộc ĐHQG TPHồ Chí Minh và Viện lịch sử dòng họ tiếp tục như thế này là rất đáng hoan nghênh. Nhưng vẫn còn  phải tiếp tục nhiều hơn nữa và  tiếp tục theo hướng  ứng dụng thì không gì lợi hơn cho đất nước trong thời hội nhập thế giới này mà ai ai cũng mong muốn “ hòa nhập mà không hòa tan” và xây dựng được  “một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bẳn sắc dân tộc”.

                                      Yên Hòa thư trai, những ngày nóng nực
                                                  ( tháng 6 năm 2015 )
  Chú thích
  1). Xem: Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An ( Kỷ yếu hội thảo khoa học).NXB Nghệ An 1997.Tr 59-71
  2).  Xem Nguyễn Đình Chú: Vai trò của gia tộc trong sụ phát triển văn hóa dân tộc(nhìn từ đất Nghệ). Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An. Tr 110 – 119
  3).  Xem Nguyễn Đình Chú:  Nghĩ về gia phong trên đát Nghệ quê ta. Gia phong xứ Nghệ ( trong bối cảnh đất nước đổi mới).NXB Nghệ An. 2004.Tr 77 – 92
  4)  Vốn là con cháu họ Lý ( nhà Lý) chạy trốn sang Triều Tiên trước sự đàn áp của nhà Trần, đã về Việt Nam nhận họ.
 5) Xem Trần Quốc Vượng : Đôi lơì về van hóa dòng họ Việt Nam.Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An. Tr 72 - 78
 

   
      
      
       

   
       
       


Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Thưa Bà con !
Tôi làm thơ không hay nhưng lại thích làm. Đối với tôi, làm thơ là ghi lại cảm xúc vụt đến trong từng khoảnh khắc.
Tôi làm thơ rải rác rồi đút túi, nên rơi rụng nhiều. May là gần đây có Fb mà lưu được một phần.
Tuổi già hay quên - dù là đứa con tinh thần của mình đi chăng nữa.
Bởi vậy, hôm nay tôi xin hệ thống lại 25 MẨU THƠ MỚI LÀM GẦN ĐÂY xin đăng lên để Bà con coi thử.
Nếu có điều chi sơ suất, mong mọi người bỏ qua cho người viết không chuyên nghiệp này.
Được thế, tôi mừng lắm thay !

N M Đ


 1 - VẨN VƠ NGHĨ

Ta lãng du 
trên xa lộ cuộc đời
Ngoảnh lại phía sau 
dặm dài năm tháng
Kỷ niệm buồn vui 
lấp đầy dĩ vãng ...
Màu thời gian 
nhuộm trắng mái đầu ...
Chuyến tàu đời 
chẳng vé khứ hồi đâu !

12 / 3 / 2016

2 - ĐIỀU ƯỚC

Con hỏi, thuở ở chiến trường 
Ba ước điều gì nhất?
Có người bạn khi vào trận 
rỉ tai Ba chỉ ước một điều :
Được ăn mấy quả trứng vịt luộc thỏa thích 
Ôi! Điều ước giản đơn 
đã không thành sự thật
Trận đánh thắng to
Nhưng anh ấy không về !

11 / 3 / 2016


3 - TRANG PHỤC

Khi khăn xếp, lúc Comple
Khăn xếp tế lễ, Comple tiệc tùng
Anh em nội tộc bao phương
Trở về Lễ hội vui chung quê nhà

11 / 3 / 2016


4 - THAO THỨC

Em hỏi, đêm qua ngủ được chăng
Anh rằng, vẫn vậy suốt bao năm
Mỗi bận trở trời y chang thế
Vết thương lại nhức - thức tròn canh !

Thỉnh thoảng trở trời, chẳng có sao 
Đã quen nhức nhói vết thương đau
Nhớ bao đứa bạn cùng trang lứa
Chẳng có ngày về - để thức đâu !

11 / 3 / 2016


5 - VỀ QUÊ

Con lại về chốn cắt rốn chôn rau
Tưởng nhớ Mẹ Cha một đời đạm bạc
Nuôi con lớn bằng củ khoai hạt thóc
Cõng bão giong mưa nắng tháng ngày ...

Ngõ xóm đường thôn bao ký ức đong đầy
In bước chân con từ ngày thơ ấu
Những cánh đồng đã qua mùa gặt hái
Hơi ấm quê nhà theo con đi muôn nơi ...

Con xa quê suốt mấy chục năm trời
Đã thả gót bao nẻo đường thiên lý
Muôn dặm con qua có nơi nào hơn thế
Đây quê hương - máu thịt của đời con !


07/3/2016

6 - NHÌN DI ẢNH MẸ TRÊN BÀN THỜ

Mẹ ơi !
Tuổi 16 con lên đường nhập ngũ
Xa Mẹ, vào Chiền trường B
8 năm sau, ngày trở về
Mẹ không còn nữa
Con đớn đau gào khóc
Hỡi ôi! Ngày ra đi 
cũng là ngày Vĩnh biệt ...

Ngày tiễn con, 
mới tuổi 45, 
Mẹ còn trẻ lắm !

52 năm qua, 
trên mọi nẻo phương trời
Và đi hết cuộc đời này
Hình ảnh Mẹ kính yêu
Có bao giờ 
rời trái tim con !
04/3/2016


7 - MỘT SÁNG XUÂN

Trời nắng như mùa Hè
Mà rét tựa mùa Đông 
Thiên nhiên đùa dai thế
Để má em ửng hồng !

3 / 3 / 2016


8 - CÂY DỪA CHA TRỒNG

Cây dừa xưa Cha trồng
Nay vẫn còn sai quả
Cha đã về thiên cổ
Tỏa bóng đời cháu con !

3 / 3 / 2016

9 - BAN MAI Ở QUÊ

Nắng Xuân ấm áp trải hiên thềm
Rét ngọn nhùng nhằng vẫn cố len
Bưởi xanh trĩu cành góc sân nhỏ
Tiếng chim ríu rít ở vườn bên

01/3/2016


10 - GIỖ

Giỗ - con về đông đủ
Qua Giỗ - nhà vắng người
Nhìn bàn thờ mâm cỗ
Nhớ Mẹ Cha khôn nguôi !

29 / 2 / 2016

11 - HOA NGUYỆT QUẾ

Hàng hoa nguyệt quế hiên nhà
Đón Xuân nở rộ nhành hoa trắng ngần
Đêm về tỏa ngát hương thơm
Len vào cõi mộng dịu dàng đắm say !

5 / 2 / 2016


12 - TỰ SỰ

Ngày 23 Tháng Chạp
Bà Liễu trật khớp vai
Viện Thể thao nắn rồi
Nhưng vẫn đau, xót lắm

Công việc nhà rối rắm
Mình làm việc bằng hai
Cứ suốt ngày loay hoay
Trời lại mưa và rét

Còn vài bữa nữa Tết
Mọi việc không thể đừng
Để cả nhà vui chung 
Mình cố thêm, là được

Thật còn may trong rủi
Nếu bà ngã gãy xương
Suốt ngày bám mặt giường
Thế còn chi Tết nữa

Nhà chia tay năm cũ
Bằng cú trật khớp vai
Đời có hên, có xui
Ấy mới là cuộc sống !

Mỹ Đình, 26 Tháng Chạp


13 - NHÂN NGÀY VALENTINE

Ai đã qua suốt một mùa thương nhớ
Được gặp nhau ở cuối nẻo mong chờ
Bao khát vọng cả dăm trường trăn trở
Hạnh phúc từ đây như thực như mơ !


14 - XUÂN BÍNH THÂN

Xuân đã đến rồi - Xuân Xuân ơi !
Bóng câu cửa sổ đáy cầu trôi
Cha Mẹ cho người, Trời cho tuổi
Đời dạy ta : sau - trước, ngược xuôi !



15 - NGÀY TÁO CÔNG CHẦU TRỜI
Táo Công lên tâu ông Trời 
Hạ giới rét nữa bao người khổ ghê
Bên thềm Tết đã cận kề
Nắng vàng xin rải đồng quê, phố phường !


16 - HỬNG NẮNG

Qua bao ngày mưa rét
Trời hửng nắng vàng tươi
Đông sắp ngày dã biệt
Xuân ấm áp đất trời

27 / 01 / 2016


17 - NHÂN SỰ

Đại hội chưa bầu cử
Mà ai cũng biết rồi
Toàn dân bàn nhân sự
Bao cung bậc đầy vơi !

25 / 01 / 2016


18 - MƯA  RÉT

Mưa cứ rơi dầm dề
Rét buốt dài lê thê
Ôi ! Đông dài dài thế
Sao Xuân ấm chưa về ?!

25 / 01 / 2016

19 - TRONG MƯA RÉT

Mưa dầm dề suốt đêm
Rét len qua cửa sổ
Cây chao mình trong gió
Tết lại sắp đến rồi
Trong mưa trong rét đầy trời
Biết bao phận người lầm lũi mưu sinh !

25 / 01 / 2016

20 - ĐÊM CUỐI NĂM

Đêm cuối năm trên đất quê hương
Trời se lạnh mưa bụi giăng ngõ xóm
Con ấm áp trong ngôi nhà
suốt một đời Mẹ Cha sinh sống
Biết bao kỷ niệm dội về ...
Từ nơi đây Mẹ Cha sinh thành và nâng bước con đi
Hơn 50 năm qua trên mọi nẻo phương trời
Mẹ Cha, quê hương có bao giờ rời trái tim con !

Mồng 8 Tháng Chạp Ất Mùi


21 - TỰ SỰ

Khi nghỉ hưu - ấy là phó thường dân
Điều hiển nhiên của muôn vàn phận số
Đừng buộc ràng vào thời quá khứ
Quan nhất thời - vạn đại là dân !

13/01/2016

22 - GIỚI THIỆU

Các buổi liên hoan, kỷ niệm với mấy ông già
Đừng giới thiệu dài dòng cấp hàm, chức tước
Xin gọi chung Cựu Chiến Binh - Bộ đội Cụ Hồ là được 
Hàm, chức là phương tiện chỉ huy thôi
Cầm sổ hưu - dân thứ thiệt rồi ...

Rời quan trường, đừng phân ngôi to nhỏ
Đã xuống xe, chớ quyến luyến chỗ ngồi !

18 / 01 / 2016


23 - U 70

Thoáng vèo một chút ngót bảy mươi
Trời còn cho tiếp mấy trang đời
Thời gian - bóng câu qua cửa sổ
Tang bồng mãn sự tháng ngày vui !

08 / 01 / 2016

24 - NGHĨA TRANG

Con về quê giữa một ngày Đông
Trời se lạnh nắng hanh vàng rực rỡ
Cồn Nghĩa trang từng ngôi mộ cũ
Rêu phong xếp họ theo hàng !

06 / 01 / 2016


25 - QUÊ HƯƠNG

Quê hương - thuở xa xưa
Khải Tổ chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp
Ngót bảy trăm năm, 
hơn hai mươi đời cháu con nối tiếp
Cùng thời gian
Nhà thờ Tổ không một ngày vắng khói hương
Mảnh đất ôm mộ phần 
các bậc chư Tổ, các cụ, các ông bà, cha mẹ

Nơi đây con cất tiếng chào đời
- chôn rau cắt rốn
In dấu nâng niu bao kỷ niệm thuở thiếu thời ...
52 năm qua, trên mọi nẻo đường đời - 
chân trời góc biển
Quê hương yêu dấu 
mãi mãi tạc ghi trong trái tim con!

06/01/2016