Menu ngang

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG
THÁNG 7- THÁNG TRI ÂN
Ngày 22/7/2016, chúng tôi- các CCB cơ quan chính trị TCKT - BQP, với tấm lòng tri ân, bắt đầu hành hương về lại Chiến trường xưa Quảng Trị, kính viếng các Anh hùng Liệt sĩ.
Xe xuất phát lúc 6 giờ tại HN. Theo Chương trình, Đoàn sẽ đến kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tham quan Địa đạo Vịnh Mốc, tham quan Di tích Thành cổ Quảng Trị, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Trưởng đoàn và là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, 72 tuổi nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm TCKT về Chính trị ; Các CCB khác cũng đều đã trên dưới 60 tuổi. Tuổi cao nhưng ai nấy đều rất phấn khởi hăng hái lên đường - Coi đây là một nghĩa cử tri ân và tâm linh.
Hơn 12 h, Đoàn dừng lại tại Nhà hàng cơm gà Thượng Hải, phố Hồng Sơn, ở phía Nam thành phố Vinh ( Nghệ An ) ăn trưa để tiếp tục lộ trình về Quảng Trị.
Bữa ăn ngon hội đủ 3 yếu tố : Thời điểm ăn; Khung cảnh ăn ( ăn ở đâu, ăn với ai ); Thức ăn ngon !
VIẾNG ĐẠI TƯỚNG
Chiều 22 tháng 7, nắng vàng rực rỡ, trời xanh, biển xanh, những hàng cây biếc ở Vũng Áng, cách bờ không xa là Đảo Yến trầm mặc.
Chúng tôi trong quân phục chỉnh tề gia nhập cùng nhiều đoàn người xếp hàng vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyên Tổng Tư lệnh QĐNDVN - Anh Cả LLVT- Vị tướng cùng song hành với Lịch sử Dân tộc. Tôi làm bài thơ :
Giữa chiều Hè nắng đỏ
Chúng cháu về Vũng Chùa
Viếng anh linh Đại tướng
Thỏa lời nguyền, ước mơ !

ĐỒNG HỚI
Chẵn 10 năm, nay mới có dịp về nghỉ lại Nhà khách 30/4 của Tỉnh đội Quảng Bình ở ven biển Thị xã Đồng Hới.
52 năm trước, tôi - chàng tân binh vừa tronf 16 tuổi của Sư đoàn 325 ( thực tế là tôi khai tăng thêm một tuổi để nhập ngũ ) - ngày Chủ nhật xúng xính trong bộ quân phục mới tinh, đi bộ từ Doanh trại gần ga Thuận Lý ra Thị xã chơi, với khoảng cách chừng 3 cây số.
Năm 1966, sau gần hai năm chiến đấu ở chiến trường, đơn vị chúng tôi - Trung đoàn 29 Quân khu 4 - hành quân từ Nam ra Bắc. Thủ trưởng Trung đoàn chọn đường đi dọc bờ biển để tạo ra bất ngờ, phòng tránh máy bay Mỹ. Một đêm Hè, không trăng sao, trời oi nồng, từ Bảo Ninh cả đơn vị lần lượt đi đò vượt qua sông Nhật Lệ sang thị xã Đồng Hới. Đêm ấy, trong những con đò đưa bộ đội qua sông, có con đò Mẹ Suốt – Người Mẹ chèo đò đã lập công xuất sắc dũng cảm chở bộ đội qua sông trong bom đạn ác liệt của máy bay Mỹ, được tuyên dương AHLLVTND.
Khi sang tới bờ, tôi ngước nhìn lên không xa, thấy Nhà thờ Động Tòa chỉ còn trơ lại tháp chuông. ( Được biết, thời gian trước đó, Nhà thờ đã bị bom Mỹ đánh sập tan tành ).
Nhiều năm sau này, khi đang làm việc, trong nhiều chuyến công tác, tôi đã nghỉ lại Đồng Hới. Lần gần nhất là năm 2006.
Đồng Hới trong tôi với nhiều kỉ niệm.
Đoàn chúng tôi đến đây trong một chiều tràn nắng, trời xanh, biển xanh, hàng cây xanh và cồn cát trắng.
Sáng tinh sương nhìn ra biển một màu xanh tím biếc, binh minh ló rạng phía chân trời.

CHIA TAY ĐỒNG HỚI
Sáng tinh khôi chia tay Đồng Hới
Tiếp hành trình về chiến trường xưa
Đường trải nhựa băng cồn cát trắng
Xe bon bon trong nắng sớm giao hòa !
7h 23/7/2016

VỊNH MỐC
Về thăm địa đạo Vịnh Mốc
Bồi hồi nhớ thuở chiến tranh
Hàng trăm người sống trong lòng đất
Suốt bao năm bám trụ kiên cường
9 h 23/7/2016

DỌC ĐƯỜNG VEN BIỂN
Qua Cửa Tùng rồi vào Cửa Việt
Nắng vàng, cát trắng, biển xanh
Mùa du lịch mà đường thưa, biển vắng
Bởi môi sinh chẳng còn được an lành !
10 h 23/7/2016

THÀNH CỔ
Lại trở về Thành Cổ
Giữa trưa Hè chói chang
Đồng đội nằm dưới cỏ
Thấu chăng - lòng tri ân
11 h 30 23/7/2016

NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN
Trưa 23/7/2016, sau khi thắp hương, dâng hoa ở Thành Cổ, buổi chiều chúng tôi lên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn - Nơi an nghỉ của 10.263 Liệt sĩ thuộc Đoàn 559 ( Bộ Tư lệnh Trường Sơn) thời đánh Mỹ.
Đây là Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1973. Từ đó đến nay được nâng cấp nhiều lần và hiện tại là một Công viên Nghĩa trang bề thế. Người có công đầu trong việc nêu chủ trương, chọn địa điểm, thông qua thiết kế và chỉ đạo thi công là Trung tương Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh BTL Trường Sơn.
Chiều nay, chuẩn bị kỉ niệm Ngày 27/7, nhiều đoàn khách từ nhiều địa phương, nhiều ngành về đây kính viêng tri ân Liệt sĩ.
Sau 9 tiếng chuông do anh Hoàng Anh Tuấn, anh Nguyễn Hữu Thìn và tôi thỉnh lên vang ngân, trong không khí thành kính, trang nghiêm, Đoàn chúng tôi thắp hương ở Đài Tổ quốc ghi công trước cây Bồ đề cao to cành lá xum xuê, xanh tươi.
Tiếp đó, thay mặt anh chị em trong Đoàn, tôi đã xúc động đọc bài thơ vừa sáng tác trên đường đi, kính dâng lên anh linh các Liệt sĩ:

TRI ÂN
Giữa ngày Hè chang chang nắng đỏ
Chúng tôi hành hương về chiến trường xưa
Kính viếng anh linh đồng đội một thời hoa lửa
Trọn vẹn tuổi xuân gửi lại chiến trường
Lại trở về bao kỉ niệm thân thương
Một thời đạn bom một thời tuổi trẻ
Cháy bỏng khát khao có bao giờ hơn thế
Bao lớp người hy sinh cho Tổ quốc trường tồn !.
Kết thúc Lễ dâng hoa, dâng hương, mọi người tỏa ra đi thắp hương mộ Liệt sĩ trong Nghĩa trang.
Tôi đến khu mộ các Liệt sĩ là Anh hùng. Tại đây, tôi đã thắp hương Trung tá Lê Văn Lẫm, hy sinh năm 1972, khi làm Trung đoàn trưởng Pháo Cao xạ Đoàn 559.
Tôi gọi ông bằng chú họ. Nhà chú cách nhà tôi 50 mét. Chú nhập ngũ cùng ngày với Cha tôi - 15 tháng 3/1946. Hai năm sau tôi mới sinh.
Khi tôi ở chiến trường ra, Cha tôi kể: Khoảng giữa năm 1968, trong một lần ở Chiến trường ra Bắc họp, được tranh thủ về nhà, chú Lẫm sang chơi, nói với Cha tôi : " Lần này vào lại trong đó, tôi sẽ cố tìm gặp cháu".
Nhưng chú cháu chưa một lần gặp nhau tại chiến trường, thì chú Lê Văn Lẫm đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu quyết liệt với máy bay Mỹ, được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Tôi đã nhiều lần lên viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Và lần nào cũng vậy, tôi đều đến kính viếng mộ phần chú Lê Văn Lẫm.
16 h 23/7/2016

ĐÔNG HÀ
Đêm ngủ lại Đông Hà
Lòng xốn xang nỗi nhớ
Đồng đội xưa một thuở
Nay ai mất ai còn
Người mất - tuổi thanh xuân
Người còn - thành già cả
Chiến tranh và thời gian
Ấy - hai điều nghiệt ngã
Đông Hà xưa bé nhỏ
Thị xã ven dòng sông
Đông Hà nay thành phố
Thênh thang mấy con đường
Tạm biệt Đông Hà hẹn nhiều lần trở lại
Mảnh đất thiêng đọng mãi giữa hồn tôi !
8 h 24/7/2016

ĐƯỜNG 9
Xe bon bon qua đồi núi trập trùng
Giữa nắng sớm ban mai rừng cây thắm biếc
Thuở chiến tranh dưới vòm trời khốc liệt
Băng vượt qua đây biết mấy những binh đoàn
9h 24/7/2016

KHE SANH
Kỷ niệm một thời hoa lửa
Ập ùa dệt những trang thơ
Trời Khe Sanh một màu xanh muôn thuở
Hàng cây xanh trong nắng khẽ đung đưa
11 h 24/7/2016

MỘT NGÀY

Sáng Đông Hà, Khe Sanh, Lao Bảo
Trưa Dakrong, Chiến khu Ba Lòng
Chiều Long Đại - một thời máu lửa
Tối Hà Tĩnh thành phố quê hương
Một ngày đi qua biết mấy dặm trường
Tìm lại tuổi xuân, tri ân đồng đội
19 h 24/7/2016

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

MỘT VÀI CẢM NGHĨ

Hôm nay, 17/7/2016, tôi đọc Báo QĐND bài lược ghi một số Tham luận tại Hội thảo do Bộ Quốc phòng tổ chức với chủ đề : “ Không có gì quí hơn Độc lập - Tự do “ trong Lời Kêu gọi của Bác Hồ cách đây tròn 50 năm trước.
Các tác giả trên từng phương diện, với cách tiếp cận và đề cập khác nhau, nhưng đều hay, đều đúng.
Theo đó, tựu trung lại, “ Không có gì quí hơn Độc lập - Tự do" trong Lời Kêu gọi của Bác Hồ ngày 17/7/1966 là thể hiện :
- Quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc chúng ta;
- Truyền thống dựng nước và giữ nước trong lịch sử mấy ngàn năm của Dân tộc ta;
- Khát vọng cháy bỏng ngàn đời của Nhân dân ta;
- Chân lý phổ biến của thời đại;
- Cương lĩnh, mục tiêu chiến đầu, tư tưởng chỉ đạo hành động;
- Lẽ sống, nguồn sức mạnh của mỗi con người, từng tập thể và cả Dân tộc; ...
Hồi đó, tôi - một chiến sĩ, 18 tuổi, chiến đấu trên chiến trường Miền Nam được nghe Lời Kêu gọi của Bác Hồ qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam giữa những ngày cam go, ác liệt. Lời Kêu gọi cuả Bác Hồ là hiệu triệu, là Tiếng kèn xung trận.
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt, một mất một còn, rất nhiều đồng đội cùng trang lứa với tôi đã anh dũng hy sinh ở tuyến đầu. Với họ, mãi mãi tuổi hai mươi ...
Nhiều năm sau này, tôi đã nhiều lần đọc câu nói bất hủ “ Không có gì quí hơn Độc lập - Tự do” bằng chữ mạ vàng mỗi khi vào Lăng viếng Bác. Và gần đây nhất, ngày 26/6/2016, trong chuyến tham quan du lịch Nga, tôi đã đọc câu nói đó được đúc đồng bằng tiếng Nga gắn lên Tượng đài Hồ Chí Minh ở Matscova.
Cảm nghĩ của tôi là :
1 - Câu nói của Bác Hồ có tính so sánh. Vậy so sánh với cái gì để nói rằng Độc lập - Tự do là quí hơn tất cả?
Theo thiển ý của tôi: Ở đời, cái quí nhất của mỗi con người là mạng sống của mình. Châu báu, bạc vàng, danh vọng, địa vị, … bất cứ cái gì, dù có giá trị đến đâu, cũng không thể đem ra để đánh đổi được mạng sống của họ. Nói một cách nôm na, đơn giản, dễ hiểu là : Phàm là con người thì bất cứ ai cũng sợ chết ! Ấy vậy mà, thực tiễn lịch sử diễn ra trên Đất nước ta khẳng định rằng: Mọi người dân Việt - từ thế hệ này sang thế hệ khác - mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng đã nhất tề đứng lên, bất khuất mọi gian khổ, ác liệt, sẵn sàng chấp nhận hy sinh “ Dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí". Với mục tiêu cao cả là giành và giữ bằng được Độc lập - Tự do cho Tổ quốc.
Bởi sự chi phối của điều kiện địa lý, lịch sử, từ ngàn xưa đến nay, cái giá mà Nhân dân ta phải trả cho Độc lập - Tự do của Tổ quốc là vô cùng to lớn. Có ai biết số liệu thương vong của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, Thanh ra khỏi bờ cõi.
Dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, để chiến thắng 29 vạn quân Thanh trong mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), chắc chắn số thương vong của quân dân ta không hề ít.
Trong kháng chiến chống Pháp và nhất là kháng chiến chống Mỹ, để giành được chiến thắng trong từng giai đoạn, đi đến thắng lợi cuối cùng, số lượng quân dân ta hy sinh còn lớn hơn nhiều.
Phải chăng, khi Bác Hồ nói : “Không có gì quí hơn Độc lập - Tự do" ngoài các căn cứ lý lẽ như dã nói trên, cũng còn xuất phát từ điều đó!
2 - “ Không có gì quí hơn Độc lập - Tự do “ là chân lý tư tưởng trong suốt chiều dài lịch sử của Dân tộc ta.
Chân lý tư tưởng đó không chỉ là mục tiêu, động lực trong Chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, mà cả trong Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Bảo vệ Nhân dân, bảo vệ thành quả Cách mạng; Bảo vệ lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa…
Chân lý tư tưởng đó không chỉ diễn ra trong lĩnh vực Quân sự, Quốc phòng - lĩnh vực then chốt trong bảo vệ Tổ quốc - mà còn diễn ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của Đất nước : Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, …
Hễ còn có sự chi phối của các thế lực nước ngoài về: Kinh tế, Tài chính, Văn hóa, Môi trường ... dưới dạng này hay dạng khác, với mọi cấp độ, qui mô, hình thức, ...,thì hiển nhiên Độc lập-Tự do của Tổ quốc chúng ta chưa trọn vẹn.
Một vài cảm nghĩ của tôi là vậy !