Menu ngang

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Lạm bàn : ----------- PHẢN BIỆN VÀ CHÊ BAI Phản ánh là thuộc tính của vật chất dưới mọi hình thức tồn tại . Bao giờ và ở đâu cũng vậy, sự đánh giá, nhận xét, phản biện, tranh luận một cách công tâm, trung thực, thắng thắn, công khai, khách quan trước mọi sự kiện, hiện tượng xã hội là một việc luôn luôn cần thiết. Đó là sự phản ánh hiện thực, mang tính cảnh báo, nhận diện xu thế và là một trong những động lực góp phần điều chỉnh cho sự phát triển. Sự vật, hiện tượng nào cũng đều có tính hai mặt: xấu, tốt. Chỉ khác nhau về phạm vi, tính chất và mức độ. Nói chung, không có cái gì tốt cả hoặc cái gì xấu cả. Tấm Huân chương nào cũng đều có mặt trái. Đòi hỏi thái độ nhìn nhận phải khách quan, với mục đích chung là mong muốn mọi việc ngày một tốt hơn. Trong xã hội hễ có điều gì bất bình, thì con người ta - bất cứ là ai - đều có quyền đánh giá, nhận xét, phản ánh dưới mọi hình thức. Hơn hai năm qua, nhất là thời gian gần đây, cả đất nước ta phải gồng mình để chống đại dịch Covid – 19. Tính đến nay, cả nước ta có tới hơn 43, 5 vạn ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021 đến nay là hơn 43, 1 vạn ca. Đã có 21, 7 vạn ca được công bố là khỏi bệnh. Số ca tử vong tính đến nay là hơn 1, 1 vạn người ( chiếm tỷ lệ 2, 5 % số ca mắc ). Số ca mắc mới ngày mỗi tăng. Ngày hôm qua, 30/8/2021, số mắc mới là 14.224 ca, không biết đã là kỷ lục chưa ?! Tình hình dịch bệnh Covid là mối quan tâm cập nhật thường xuyên của mọi người. Ai ai cũng lo lắng. Số người bị nhiễm dịch, số người tử vong và thiệt hại về vật chất đã là rất lớn. Nhưng chưa ai có thể dự báo được đỉnh điểm của dịch Covid sẽ là thế nào và đến bao giờ kết thúc. Hay là, dịch Covid sẽ song song tồn tại với con người dưới một mức độ nhất định nào đó. Thiệt hại về dịch bệnh Covid hiện tại đã là rất lớn, nhưng chắc chắn là tác động ảnh hưởng của nó sẽ còn lâu dài đến đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước. Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid- 19 thường xuyên họp, đánh giá tình hình, kịp thời đưa ra những giải pháp cấp thiết. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, cùng với việc điều hành phối hợp tầm vĩ mô ở “ Tổng Hành Dinh “, đã nhiều lần dành thời gian xông xáo, bất chấp nguy hiểm, xuống tận cơ sở, thị sát các trung tâm ổ dịch, thăm hỏi bà con, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo tại chỗ. Lãnh đạo các cấp, các ngành đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tháo gỡ từng vấn đề trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Theo sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội – chủ yếu là ngành Quân y – đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ, chung sức cùng địa phương giúp nhân dân vùng dịch, với nhiều việc làm thiết thực cụ thể, được nhân dân tin tưởng. Trước tình hình đó, nhiều người trên cương vị phạm vi khác nhau, với truyền thống “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” ( mọi người dân đều có trách nhiệm trước các vấn đề hệ trọng của đất nước ) đã có những kiến nghị, những ý kiến phản biện đến các cấp, các ngành. Nhà nước và các ngành hữu quan cần ghi nhận, nghiên cứu tham khảo các ý kiến xác đáng đó. Tuy nhiên, trong khi đại dịch Covid đang hoành hành trên một số địa phương và nguy cơ ở nhiều địa phương khác, thì bên cạnh những ý kiến tâm huyết đề xuất hoặc phản biện với trách nhiệm công dân, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện ý kiến chê bai, dèm pha, dè bỉu, phê phán sự điều hành của chính quyền các cấp và sự tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Khẩu hiệu : “ Chống dịch như chống giặc “ là biểu thị quan điểm tư tưởng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể đất nước, nhằm bảo vệ tính mạng nhân dân và giữ vững nền kinh tế - xã hội đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã đương đầu với rất nhiều nhiều loại giặc ngoại xâm khác nhau. Nhưng không có loại giặc nào như “ giặc ” Covid. Bởi, đây là một loại “ giặc ” không hình hài, không phân trận tuyến. Chính nó đã và đang làm khuynh đảo nhiều cường quốc khoa học công nghệ và kinh tế trên thế giới, cướp đi hơn 4 triệu sinh mạng. Coi chống dịch như chống giặc, nhưng chúng ta không vận dụng các hình thức chiến thuật, chiến dịch, chiến lược trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để chống lại đại dịch Covid. Cuộc chiến này chưa có tiền lệ. Do đó, sự lúng túng cụ thể trong khâu điều hành chung hoặc tổ chức triển khai việc nọ, việc kia ở các cấp, các ngành - Âu cũng là điều dễ hiểu. Khi Chính phủ có chủ trương đưa lực lượng quân đội vào hỗ trợ một số địa phương giúp nhân dân an sinh tại một số ổ dịch trọng điểm, thì có người nói rằng, sinh ra lực lượng quân đội là để sẵn sàng đánh giặc giữ nước, chứ không phải đi chợ tiếp phẩm cho dân, không phải là shipper. Nhiệm vụ kép lúc này là: Chống dịch không được buông; Cuộc sống chẳng thể dừng. Ở đời, có một hiện tượng thật lạ: Một số người trên thực tế chẳng có tài cán và công đức gì, nhưng họ chê hết mọi thứ từ thượng vàng đến hạ cám. Họ chê bất cứ cái gì, ở đâu, lúc nào . Họ chê nhiều rồi thành thứ bệnh “nghiện chê”, thành một thói quen không hay. Họ nhìn đời toàn một màu xám . Hễ mở miệng cất lời là chê. Tuồng như, không chê được là bứt rứt, khó chịu. Khi họ chê mà không được người khác cộng hưởng đồng tình, thì tự khắc họ không bằng lòng mà cho rằng: người đối thoại không biết nói chuyện, không phải là chỗ đồng cảm, tâm giao. “ Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” ( cái gì mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu ). Mình không thích nghe người khác chê, thì đừng bắt họ phải nghe lời chê từ minh. Nói chung, con người ta từ đứa trẻ đến các bậc danh nhân đều thích được khen, thích được người khác cho là quan trọng. Chê bai là làm ngược lại điều đó. Chê bai là khởi thủy của sự mất đoàn kết. Lời dè bỉu, chê bai sẽ thành mồi lửa làm nổ tung kho thuốc súng của lòng tự trọng, tự tôn, tự ái luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Lời nói xấu người khác ở bất cứ đâu cứ như ném một hòn đá lên trời, sau đó sớm muộn lại rơi đúng đầu mình. Người xưa nói: "Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu". Có nghĩa là, ai đó ngậm máu phun người, thì trước hết đã là làm bẩn miệng mình. Nhiều người đã tổng kết: "Bệnh tật đi vào cơ thể bằng đường miệng. Tai họa lại từ cửa miệng mà ra". Do đó, ở đời đừng xúc phạm, chê bai ai cái gì đó khi không đủ hiểu biết hoặc không liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Tóm lại, phản biện và chê bai là hai hình thức xuất phát từ hai động cơ hoàn toàn trái ngược nhau. Cần tỉnh táo phân biệt giữa việc phản biện nói lên sự thật với sự chê bai. Xuất phát từ động cơ trong sáng, phương pháp thẳng thắn, chân thành phản biện góp ý xây dựng bằng thái độ tinh tế, lịch lãm là điều rất cần thiết. Ngược lại, mọi người cần lên án việc chê bai, xuyên tạc dưới mọi hình thức. Đôi điều lạm bàn trên đây có thể chưa thấu đáo. Muôn người muôn nẻo nghĩ. Cùng quan niệm âu là điều không thể. Có điều gì chưa đúng, mong bà con làng Fb lượng thứ.
Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám & Quốc khánh 2 / 9 ------------------------————- MÀU CỜ THU NĂM ẤY Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có những trang sử vàng vẻ vang. Sự kiện mùa Thu năm 1945 là một mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử dân tộc. Mùa Thu ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Mùa Thu ấy, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Mùa Thu lịch sử năm 1945 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ của toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là quyết sách chiến lược có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam. Sự kiện có ý nghĩa khẳng định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là việc thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương tiến hành chuẩn bị cho sự ra đời của nước Việt nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 25 - 8 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc Giải phóng( UBDTGP ) từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngày 28/8/1945, UBDTGPVN cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Khi đã đánh đuổi được kẻ thù ngoại bang xâm lược, giành được chính quyền, thì việc cần kíp đầu tiên là tuyên bố khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là điều tất yếu. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nội dung cơ bản của Bản Tuyên ngôn độc lập là : - Tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; - Khẳng định quyền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam; - Khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân ta, quyết giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được. Với ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tuyên bố Độc lập, lập chính quyền mới, trước khi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật kéo theo các lực lượng phản động người Việt. Sự kiện Bác Hồ và Trung ương Đảng nhanh chóng lựa chọn thời điểm ra Tuyên ngôn độc lập ngày 2 / 9 / 1945 có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 / 9 / 1945 góp phần vào chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân đô hộ, áp bức, thống trị . Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám đã để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị quý báu. Thiết nghĩ, chúng ta có thể vận dụng những bài học đó vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. - Trước hết, đó là bài học về nắm bắt thời cơ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi thách thức trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 - 1946. Vận dụng “Dĩ bất biến” là phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Vận dụng “Ứng vạn biến” là biết phân tích, dự đoán, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. - Thứ hai là, thường xuyên củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy dân làm gốc, bằng sự tập hợp của các mặt trận, tổ chức, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp. - Thứ ba là, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, giải phóng mọi năng lực, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 / 9 / 1945. Thành công và bài học của sự kiện lịch sử tiếp tục soi sáng con đường cách mạng. Màu cờ Thu năm ấy mãi mãi in đậm trong tâm khảm của mọi người Việt Nam chúng ta. N M Đ
THIẾU TƯỚNG, AHLLVTND HOÀNG ĐAN - CHIẾN CÔNG, TÀI NĂNG & MỘT VÀI GIAI THOẠI Nguyễn Mạnh Đẩu Thiếu tướng Hoàng Đan sinh năm 1928 tại xã Nghi Thuận , huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Theo gia phả, ông là hậu duệ đời thứ 21 của Hoàng Tá Thốn hiệu Sát Hải đại Vương - một danh tướng đời nhà Trần. Cha ông là cụ Hoàng Văn Ty mẹ là cụ Đặng Thị Ngung, sinh được 7 người con, hai trai năm gái. Anh trai cả là Hoàng Văn Khuê - cán bộ Lão thành cách mạng, Đại tá quân đội. Ông là con thứ tư - người con duy nhất trong gia đình trước cách mạng được theo học từ trường xã đến tỉnh. Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia vào mặt trận Việt Minh của huyện Nghi Lộ, được cử về tổng Vân Trình phụ trách tổ Việt Minh của tổng và việc tổ chức các tổ Việt Minh ở xã. Khi cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, Hoàng Đan hoạt động tại địa phương. Đầu năm 1946, ông được cử đi học Trường quân sự Quân khu 4 ở Nhượng Bạn ( Hà Tĩnh ). Sau khi ra trường, ông về công tác ở Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Đông Hà ( Quảng Trị ) thuộc Trung đoàn Tiếp phòng quân đóng ở Bình-Trị-Thiên lúc bấy giờ. Tháng 10 năm 1946, Hoàng Đan được kết nạp vào Đảng. Giữa năm 1947, quân Pháp xuất phát từ Lào đánh theo Đường số 9 tiến về Đông Hà và một cánh quân khác từ Huế theo Đường số 1 tiến đánh Quảng Trị. Trong khoảng thời gian địch vây đánh Đông Hà, ông đã tham gia chiến đấu nhiều trận đánh địch từ Cam Lộ về Đông Hà, trận phục kích chống càn ở nam Vĩnh Linh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng kinh qua các cấp : Từ Trung đội trưởng đến quyền Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 95; Tiểu đoàn trưởng đến Trung đoàn phó thuộc Đại đoàn 304. Tham gia trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên các mặt trận : Quảng Trị, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, ông là một cán bộ chỉ huy quân sự trẻ lập nhiều chiến công. Sau khi kết thúc chiến tranh, Hoàng Đan được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 304. Năm 1955, cấp trên điều động ông về làm giáo viên Trường Trung cao Quân sự (sau này là Học viện Quân sự). Năm 1959, được bổ nhiệm Trưởng phòng khoa học quân sự của Học viện. Năm 1960, ông được cử đi học tại Học viện quân sự Frunze ( Liên Xô cũ ) cùng với 11 đồng chí khác. Trước khi đi, ông được phong quân hàm Trung tá. Năm đó ông 32 tuổi, lần đầu tiên ông chính thức. được thụ phong quân hàm. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông được giao chức Chủ nhiệm khoa Bộ binh hệ Giáo dục quân sự thuộc Học viện Quân Chính. Tháng 8 năm 1965, Hoàng Đan được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Sư đoàn 304. Trong Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, Sư đoàn 304 của ông tham gia Trận Khe Sanh. Qua trận chiến này, ông được thăng hàm Thượng tá, năm 40 tuổi. Đến năm 1970 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 304. Năm 1971, Hoàng Đan chỉ huy Sư đoàn 304 tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Sau đó, Sư đoàn 304 của ông được giao phụ trách phối hợp bên cánh trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, gây thiệt hạ nặng cho các đơn vị của địch. Tháng 11 năm 1973, Hoàng Đan được thăng quân hàm Đại tá, năm 45 tuổi. Khi thành lập Quân đoàn 1 ( 24/10/1973 ), ông được bổ nhiệm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn. Tư lệnh Quân đoàn lúc đó là Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 17 tháng 5 năm 1974, Quân đoàn 2 thành lập ở chiến trường Trị Thiên, Hoàng Đan được điều động sang giữ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn. Trong đợt 2 chiến dịch Thượng Đức ( Quảng Nam ) diễn ra vào tháng 8 / 1974, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cử Đại tá Hoàng Đan vào làm Tư lệnh tiền phương chiến dịch. Sau khi nhanh chóng họp bàn rút kinh nghiệm, kiểm điểm các sai sót trong đợt 1 của cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn, ông đã trực tiếp chỉ huy đợt tiến công thứ 2 vào cứ điểm Thượng Đức. Địch nhanh chóng tan rã trước hỏa lực tập trung và xung lực dũng mãnh của Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324. Tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trước đó, vào ngày 28 tháng 2, Đại tá Hoàng Đan đại diện Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 báo cáo Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Tư lệnh Chiến dịch về kế hoạch tác chiến. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, trên đà thắng lợi, theo Mệnh lệnh cấp trên, Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Chiến dịch Hồ Chí Minh, là Cánh quân phía Đông dưới sự chỉ huy của Trung tướng Lê Trọng Tấn, tiến thẳng tới Sài Gòn. Ông Hoàng Đan là Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 2. Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 là 2 đơn vị thuộc Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên. Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Đại tá Hoàng Đan được điều về làm Phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp ( sau là Học viện Quốc phòng ). Trong quá trình công tác tại đây, dựa trên 30 năm kinh nghiệm quân sự của mình, ông đã có nhiều đóng góp cho việc biên soạn, chỉnh lý các tài liệu về nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam, xây dựng chương trình huấn luyện quân sự cấp chiến dịch, chiến lược. Năm 1977, Hoàng Đan được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đây là đợt phong hàm Thiếu tướng đầu tiên sau Kháng chiến Chống Mỹ. Ông trở thành sĩ quan cấp tướng năm 49 tuổi. Cùng phong quân hàm Thiếu tướng một lần với ông ông có các ông: Đào Đình Luyện, Nguyễn Nam Khánh và Đặng Vũ Hiệp. Đầu năm 1979, Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Thiếu tướng Hoàng Đan được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 5 ( sau đó đổi tên là Quân đoàn 14 ), Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn kiêm Phó Tư lệnh Quân khu 1. Vài ngày trước khi nhận quyết định bổ nhiệm chính thức, ông đã lên Lạng Sơn trực tiếp trinh sát trận địa. Khi đi sát biên giới, xe thiết giáp hạng nhẹ của ông bị trinh sát pháo binh Trung Quốc phát hiện. Xe ông bị bắn trúng bởi một quả pháo 155mm. Lái xe, bảo vệ và thư ký của ông đều bị hi sinh. Ban đầu, ông được cho là cũng đã hi sinh. Chỉ tới tối, sau khi ông một mình đi qua hàng chục ki lô mét, lẩn tránh truy kích của trinh sát địch, về tới Bộ Tư lệnh Quân đoàn thì mọi người mới rõ là ông thoát chết. Tháng 2 năm 1981, Hoàng Đan thôi kiêm nhiệm chức Tư lệnh quân đoàn 5, chuyển về Bộ Tư lệnh Quân khu 1 giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Trên cương vị đó, ông đã chỉ huy trực tiếp tổ chức phòng ngự phản công có chiều sâu, giành giật chống địch quanh khu vực Bình độ 400 ( Cao điểm 400 ), lập nhiều chiến công to lớn. Tháng 7 năm 1983, Hoàng Đan được điều về Cục Khoa học quân sự trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu làm Phó Cục trưởng. Tại đây, với kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình, ông đã tích cực nghiên cứu, góp phần đáng kể cho nền khoa học quân sự hiện đại. Năm 1984, mặt trận Vị Xuyên ( Hà Giang ) trở thành điểm nóng của Chiến tranh biên giới phía Bắc. Quân đội Trung Quốc đã huy động tới hàng chục vạn quân luân phiên, tăng cường chiến đấu, thọc sâu vào lãnh thổ nước ta. Có thời điểm chúng vào sâu trong đất ta tới hàng chục ki lô mét. Thiếu tướng Hoàng Đan được Bộ cử làm Phái viên đốc chiến của Bộ Tổng Tham mưu tại Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân khu 2 ở Mặt trận Vị Xuyên. Bằng năng lực chỉ huy chiến đấu nhiều năm, qua nghiên cứu địch tình, địa hình thực tế, cộng với sự nhiệt huyết xông xáo dũng cảm của mình, ông đã giúp Bộ Tư lệnh Quân khu 2 trong việc tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, đổi mới hình thức chiến thuật. Từ đó, góp phần giúp các đơn vị tác chiến ở mặt trận Vị Xuyên khắc phục khó khăn, giành nhiều thắng lợi to lớn, đánh bật quân Trung Quốc khỏi các cao điểm trên lãnh thổ của ta. Năm 1986, ông trở lại công tác ở cục khoa học công nghệ, tiếp tục có nhiều đóng góp cho nền khoa học, công nghệ quân sự nước nhà. Tháng 6 năm 1990, ông được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Khoa học quân sự. Từ tháng 6 năm 1995, Thiếu tướng Hoàng Đan được Đảng và Quân đội cho nghỉ hưu. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia tích cực vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn các tài liệu tổng kết chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, huấn luyện quân sự. Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 2003 do bệnh tim. Ông được an táng tại quê nhà xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thiếu tướng Hoàng Đan - một người nổi tiếng về chiến công, tài năng và cũng khá nhiều giai thoại. Là người cùng huyện, nhưng suốt cả đời binh nghiệp, tôi không may mắn được làm cấp dưới trực tiếp của ông. Tuy nhiên, là đồng hương tôi rất kính phục chiến công và ngưỡng mộ tài năng của ông. Những giai thoại về ông, có cái tôi chứng kiến, còn lại phần nhiều nghe qua sự lưu truyền không thành văn trong làng quân ngũ. Nhiều lớp cán bộ Quân đội coi ông là mẫu chỉ huy quân sự trí dũng song toàn. Ông là vị tướng chiến trận, kinh qua nhiều cương vị chỉ huy, lập nhiều chiến công. Đồng thời, ông là một nhà lý luận quân sự xuất sắc của Việt Nam đương đại, với những công trình nghiên cứu có tính học thuật cao. Ông được tặng thưởng nhiều Huân chương. Đặc biệt, năm 2014 ông được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trước đó, năm 2013, tên ông được đặt cho một con đường ở Thị xã Cửa Lò - đúng vào ngày Giỗ ông lần thứ 10. Giai thoại về ông được nhiều người biết đến. Chuyện kể rằng, vào năm 1950, khi mới 22 tuổi, ông làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 418 chủ công của Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Lúc đó anh trai ông là ông Hoàng Khuê làm Đại đội trưởng thuộc quyền. Trong một trận đánh phục kích, ông phân công Đại đội ông Khuê làm nhiệm vụ khóa đuôi đội hình quân địch. Trận đánh giành thắng lợi không trọn vẹn, vì đơn vị khóa đuôi xuất kích chậm, để một bộ phận quân địch chạy thoát. Khi ra quyết chiến điểm, trước hàng quân, giữa bãi chiến trường mịt mù khói đạn, ông Đan đứng dẫm chân tức tối quát ông Khuê: " Anh đánh giặc như con c ... , như cái ẻ ấy ! ". Ông quát thật to, lại gay gắt chình chịch tiếng Nghi Lộc, làm mọi người phì cười. Ông Khuê lặng ngắt, đứng như trời trồng, không dám thanh minh một lời. Năm 1970, khi ông làm Tư lệnh Sư đoàn 304, chiến đấu ở Trị Thiên. Có lần, ông dẫn đoàn cán bộ đi địa hình để bố trí lực lượng, thế trận. Khi qua một cánh rừng, ông bảo dừng lại để tau đi đái cái. Tiếp đến, vượt qua dãy núi, ông bảo dừng lại, chờ tao ẻ cái. Rồi tiếp tục đi. Khi đến một con suối, ông bảo, tao tắm cái đã. Mấy ngày sau về vị trí tập kết họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ông tuyên bố: Tôi yêu cầu bố trí Trung đoàn 24 xung quanh chỗ tôi đi đái. Trung đoàn 66 chỗ tôi đi ỉa. Còn Trung đoàn 9 là chỗ tôi tắm. Mọi người nhận nhiệm vụ hiểu ngay và khi đưa bộ đội vào bố trí lực lượng chính xác theo ý đồ chiến thuật của Sư đoàn. Theo ông, ngày đó trình độ đọc bản đồ và xác định tọa độ trên thực địa của cán bộ chưa thạo. Nếu giao nhiệm vụ trên tọa độ bản đồ có khi sai lệch. Năm 1974, ông là Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 vây đánh căn cứ Thượng Đức ( Quảng Nam ). Phi pháo địch rất ác liệt. Để tránh phi pháo của địch, ông yêu cầu các đơn vị cho bộ đội làm hầm chữ A (còn gọi là hầm Triều Tiên ). . Có người chưa tin về độ chắc chắn của hầm chữ A. Thấy vậy, ông cho đơn vị Công binh làm một cái hầm mẫu, rồi ông chui xuống hầm, yêu cầu cối, pháo của ta bắn thử vào đó xem sao. Cối pháo bắn có quả trúng nắp hầm. Mọi người lo lắng. Khói tan, ông chui từ dưới hầm lên vừa cười vừa nói, thấy chưa, có sao đâu ! Ông Nguyễn Quốc Thước kể với tôi : Sau giải phóng miền Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức cho nhiều cán bộ cấp Sư đoàn, Quân đoàn về học bổ túc ngắn ngày ở Học viện Cao cấp ( nay là Học viện Quốc phòng ). Hồi đó, Giám đốc Học viện là ông Lê Trọng Tấn. Ông Hoàng Đan là Phó Giám đốc. Khi gặp nhau, vốn là đồng hương, lại là bạn học từ thuở thiếu thời, ông Đan nói với ông Thước bằng nguyên bản chất giọng Nghi Lộc : “ Này, Thước ơi ! Tau kể mi nghe. Về đây tau mới biết. Té ta, lạ lùng ngược đời thế này : thằng nhát dạy thằng gan; thằng dốt, chưa đánh giặc bao nhiêu lại làm thầy thằng đánh giặc suốt mấy mươi năm ! “. Cũng chuyện này, ông Đặng Vũ Hiệp còn kể : “ Khi vào học lớp đó, bọn tớ ngồi dãy ghế sau. Mấy anh em cán bộ trẻ cấp Sư đoàn ngồi trước. Đứng trên bục giảng, ông Hoàng Đan nói năng tỏ ra chủ quan, coi thường học viên. Tối đến, anh em phản ảnh : “ Ông Hoàng Đan cậy thế giỏi giang, dạn dày trận mạc, coi thường cấp dưới. Ngày mai, đề nghị các Thủ trưởng cấp Quân đoàn ngồi hàng trước để cho ông Đan hạn chế bớt đi “ . Và quả đúng như vậy. Khi lên bục, thoáng nhìn thấy số ngồi dưới đều là những người ngang ngửa chẳng thua kém gì, ông Hoàng Đan đã điều chỉnh thái độ, không quát tháo nữa !”. Ngoài đời, ông Hoàng Đan hay bị " kết tội " về quan hệ trai gái. Thật cũng oan cho ông! Thuở đó, xã hội và quân đội đều khắt khe quá mức. Thực ra, biết đâu, chắc gì số lượng quan hệ của ông đã hơn người khác. Chẳng qua ông là người công khai đàng hoàng, rõ ràng, thành thật. Ông không dấu mình như những " đồng chí chưa bị lộ". Xưa nay vẫn vậy ! Thông thường thì thông minh, tài giỏi và khỏe mạnh như ông, thì khả năng sinh lý mạnh là sự đồng bộ tự nhiên trong cơ thể một con người. Và có thể, có người vì lòng đố kỵ, mà thêu dệt tình tiết, thổi phồng sự việc, tăng thêm khuyết điểm cho ông, nhằm cản trở ông về đường công danh, sự nghiệp. Thêm nữa, là người có tài, chắc chắn trong nhiều trường hợp, ông bị phụ nữ chủ động tấn công. Tướng quân Nguyễn Công Trứ xưa có câu thơ thật hay, thật đúng : " Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, khách anh hùng biết mần răng ". Nghe kể, có lần giao ban Bộ Tổng Tham mưu, ông Hoàng Đan là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1 về dự. Hôm đó, sau khi kết thúc giao ban, ông Lê Trọng Tấn Tổng Tham mưu trưởng nói, anh Đan ơi! tôi thông cảm với anh nên đã dặn anh Đàm Quang Trung ít nhất một tuần một lần bố trí cho anh về Hà Nội gặp chị ấy. Nghe xong, ông Đan đứng phắt dậy nói, báo cáo Đại tướng, thật khó quá, khi cần không có, khi có lại không cần, biết mần răng. Ông Đan nói đậm đặc tiếng Nghi Lộc. Mọi người dự giao ban được mẻ cười. Sinh thời, cụ Chu Huy Mân kể với tôi: Ông Hoàng Đan là một tướng tài, dũng cảm, lập nhiều chiến công. Hiềm một nỗi... Nghe nhiều người phản ảnh việc này, bác cho gọi lên nhắc nhở. Sau khi góp ý thẳng thắn, bác chân thành nói: Ông Đan ơi! Tôi góp ý với ông trên ba phương diện: người anh lớn tuổi, là đồng hương, lại là cấp trên. Từ nay ông đừng thế nữa nhé. Nghe xong, ông Đan nói, xin hứa với anh, từ nay tôi thôi không thế nữa! Độ một tháng sau, ông Đặng Vũ Hiệp nói với ông Mân: Anh ạ, hôm nọ Hoàng Đan gặp tôi, hắn nói: Này Hiệp, tao nói mày chuyện này, hôm nọ cụ Mân gọi tao lên cảnh báo. Tao có hứa, nhưng hứa cho hay. Với tao, tao không nhịn được đâu. Hihi. Ông Mân bắt chước tiếng Nghi Lộc ( nói không cần các dấu ) khi kể chuyện này với tôi. Và ông phì cười, cháu tính, ai cũng vậy thôi, cái gì thuộc về bản năng là khó sửa lắm! Các cụ xưa đã dạy : “Giang sơn dị đảo, bản tính nan di”. Năm 1984, cán bộ trung, cao cấp các cơ quan Bộ Quốc phòng nghiên cứu quán triệt NQ 04 / TW 5 về xác định kẻ thù mới. Trên bục, Báo cáo viên đang say sưa trình bày âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù là bành trướng, nước lớn, bá quyền,... Đang ngồi giữa Hội trường, ông Hoàng Đan đứng phắt dậy nói: Những điều đồng chí giảng giải là đúng, nhưng chưa đủ. Tôi đề nghị bổ sung thêm: Chúng nó là chủ nghĩa xỏ lá. Cả Hội trường nghe xong, cười vang tán thưởng. Cuối năm 1994, khi tôi đang là Cục trưởng Cục Chính sách TCCT, ông Hoàng Đan là Cục trưởng Cục Khoa học quân sự BTTM. Có lần, đã hẹn trước, ông sang phòng làm việc của tôi. Hai anh em nói chuyện bù khú từ lúc 2 giờ chiều đến 6 giờ tối. Mãi tới khi công vụ và lái xe lên nhắc, nhìn ra ngoài trời đã tối, phố xá đã lên đèn, mới chia tay. Chuyện thì nhiều, đông tây, kim cổ, trên trời dưới bể. Có một chuyện làm tôi nhớ mãi: Ông hỏi, Đẩu này! Khi tau chết có được vào Mai Dịch không? Tôi trả lời, theo quy định hiện hành, vào Mai Dịch phải là Trung tướng trở lên. Còn Thiếu tướng phải là Lão thành cách mạng và có Huân chương Độc lập hạng Nhất. Như anh là chưa đủ tiêu chuẩn. Nghe xong, ông trừng mắt, xẵng giọng, chính sách bọn bay như cứt. Tao đi đánh giặc từ khi dái bằng hạt kê - như mi là chưa đẻ. Suốt một đời chinh chiến, ra Bắc vào Nam biết bao trận mạc. Vậy mà đến cái Huân chương Độc lập hạng Nhất cũng không cho. Tau mà xuống được Mai Dịch, tau sẽ chất vấn mấy lão ấy xem trả lời thế nào. Thôi, quẹt vào. Tau sẽ dặn con cái, khi tau chết đưa tau về quê cho mát mẻ, không phải xin xỏ, không phải cãi nhau với thằng nào ! Năm 2013, nhân được mời về dự Lễ gắn tên ông vào một con đường ở Thị xã Cửa Lò, đồng thời Giỗ ông lần thứ 10, tôi đã đến viếng mộ ông. Giữa buổi trưa mùa Đông trời se lạnh, trong Nghĩa trang dòng họ Hoàng ở xã Nghi Thuận có lăng mộ Tướng Hoàng Đan bề thế, vững chắc. Bên lăng mộ ông, tôi đã thầm niệm: " Anh Hoàng Đan ơi! Vậy là anh đã làm như anh đã nói. Mọi việc đối với anh đều là như thế. Em kính lạy anh - một con người em kính trọng! ". Ctôi cho rằng, chiến công, tài năng và giai thoại về Tướng Hoàng Đan chắc còn nhiều hơn nữa ./.