Menu ngang

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Thời gian vĩ đại

   Truyện ngắn của Dạ Ngân
                                                                                                   
Có tiếng gọi cổng. Chìm trong biển âm thanh chung đụng của thời đại điện tử giữa khu tập thể như đang lún xuống trong bóng đêm, tiếng gọi chấp chới như tiếng kêu cứu bên kia song rào.
 

Máy truyền hình nhà họ lập tức được vặn nhỏ để mẹ con cùng dõng tai nghe. “Ai không chịu bấm chuông mà cứ gọi ơi ới !" - cô con gái càu nhàu nhưng không muốn đứng lên vì chú mí Đôrêmôn trong phim hoạt hình kia tài ba quá! Người mẹ đành rời bàn viết, giọng đàn ông văng vẳng buộc chị phải nhìn qua chiếc áo váy ca-rô lửng gối mặc trong nhà. Chị tung cửa nhưng không vội bước ra. Trong đêm mùa mưa sũng ướt thấp thoáng vóc đàn ông nhỏ không mũ nón và chừng như cũng không hành lý tần ngần áp trán bên chấn song. Nhìn kỹ, chị thót người bật một tiếng rên, nãy giờ đôi mắt người đàn bà đang vào tuổi bốn mươi đã làm chị lơ ngơ đi nhiều.

Vớ vội xâu chìa khoá trên bàn, chị nhún vai: “Cậu Hai tới, nha con!" Cô con nhìn mẹ hỏi cậu Hai nào? Chị cau mày không nói rồi nhón chân đi qua khoảng sân, cô con đã hiểu ra từ cái cau mày ấy. “Hèn gì! Cô con hiểu ra từ cái cau mày ấy và nói đuổi theo - Chỉ có cậu Hai thì mới không thấy cái núm chuông bên cổng !" Nói xong cô ngồi tém lại trên nền gạch kéo mền phủ kín đôi chân, cô đang tưng tửng chờ xem màn viếng thăm theo cô, chắc là ngộ ngĩnh lắm.

Chị cúi xuống tra chìa vào ổ khoá, chợt nghe thấy mùi thuốc thơm  sượt qua mái tóc. Giá ngày xưa, phải, giá là ngày xưa ấy thì chị đã rúm ró cười, đã cóng hết tay chân và đã mềm rũ từng sợi thần kinh. Nhưng bây giờ, bây giờ chị chỉ hỏi anh từ Sài Gòn xuống tới miền Tây hồi nào, một câu hỏi khan. Rõ là xã giao, mà cũng chỉ còn là xã giao thôi. Người ấy làm thinh lách vào, mùi của ngày xưa gần hơn, áp đảo, ấy là cái mùi một thời vàng son, một thời làm chị ngây dại khốn khổ.

Vẫn im lặng một cách kỳ lạ, người ấy đi bứt lên chùi chân lên chiếc thảm xơ dừa trên ngạch cửa. Trong lúc  đứng lùi phía sau, không biết thế nào cho tự nhiên, chị lăng xăng: “Có bà xã xuống chơi không, sao anh không kéo N. xuống miền Tây một lần, anh tệ quá đó !" Lại làm thinh, dấu hiệu kỳ lạ tiếp tục. Rồi anh dướn người qua cửa xởi lởi : “Chào cô bé lớn đại! Còn nhớ cậu Hai không, hở?" Cô con nhỏ đứng lên chéo đôi tay cúi chào khách rồi ngồi xuống ngay, mền lại phủ chân, đôi mắt tinh quái đong đưa với cả hai người.

Không đợi chủ nhà thu xếp, anh ngồi sà xuống chiếc ghế gỗ kê gần cửa - nhà họ còn chưa sắm được bộ bàn ghế ra hồn. Lần trước, hình như cả lần trước nữa anh cũng ngồi như thể bắt đinh đúng vào chỗ ấy và cũng y rằng là từ chiếc túi nào đó trên người nhảy ra gói thuốc ba số cùng với chiếc bật lửa vàng thứ vàng đặc trưng Thuỵ Sĩ. Lần nầy bàn tay anh toát ra không khí uể oải, bất cần. Mùi hương đàn ông sang trọng đậm dần trong căn nhà không mấy khi có hơi hướm đàn ông. Lúc nầy chị ngồi phứa xuống chiếc ghế còn chưa kịp xoay cho thuận chiều bên bàn viết, ngỡ ngàng. Chỗ của họ ngẫu nhiên ở vào vị trí đối xứng, cách nhau đúng bảy viên gạch. 

“Anh xuống tới đây hồi nào ?”- chị hỏi lần thứ hai, giọng điệu bình tĩnh nên nghe bớt xã giao hơn. Anh thong thả nhướng đôi mày đen mướt đẹp như vẽ: “Thì đi cùng với mấy ảnh từ Sài gòn!  Mấy hôm rày họp hội ì xèo bàn chuyện đại sự khu vực dưới này, em dân viết lách mà mù tịt a ?” Chị nhớ sực, chị đã nhớ rằng chưa khi nào anh ấy đi mà thiếu cánh chức sắc đầu não của địa phương nào đó, chị không biết định nghĩa hình ảnh ấy là gì, một cái đuôi hay một vinh dự nên chị nhìn cụp xuống, lảng đi. Chị bị cứng lưõi. Cô con nhỏ nhướng đôi mày cũng đen cũng sắc lại với khách: “Vậy cậu Hai để vuột mấy ảnh đâu mà lang thang đây?” Cậu Hai của cô lại một lần nữa nhướng mày, thản nhiên: “Mấy ảnh là cánh của Sài Gòn đi đâu đã có tỉnh tiếp đón. Cậu phải phá vòng vây bia của mấy tay văn phòng tỉnh uỷ để lần tới đây đó !” Chị nghiêm miệng để khỏi bật cười hay đế một câu gì, giờ thì chị bình tâm nghe rõ mùi rượu từ gương mặt điện ảnh của anh, cái mùi từng quen thuộc nhưng đã xa lắm, nó không còn khiến chị áy náy hay nổi giận nữa .

Không khí tự dưng trục trặc như không thể cứu vãn  được. Bóng nêông thước hai trên tường hôm nay sao kêu dữ quá. Hai bàn chân chị đánh qua đánh lại không thương tiếc đám tuy luýp xanh xanh trên men gạch, cho qua thời giờ. Chị những muốn, trước đây chị còn muốn khoe mẹ con em thắt lưng buộc bụng mấy năm trời mới lên được gạch bông và phủ trần kia, anh nhìn thử xem, nhưng thôi, chị thấy mất hết hứng thú khoe khoang bạn bầy, chị muốn cất hết những lời đó lại, âm thầm một cách ngoan cường pha lẫn bực mình. Chị trân trân nhìn tàn thuốc lá bị cánh quạt trần xua giạt trên nền nhà, hình như chúng đang quay tròn trong điệu vũ về một chân dung. Chị càng bình tâm hơn, ngước lên đon đả: “Con, con chạy đi xem cái gạt tàn mẹ cất đâu trong bếp. Nãy giờ mẹ con mình sơ ý quá! Khổ, nhà mấy khi có khách đàn ông mà chưng gạt tàn!" Chị mừng vì mình vừa lập được thái độ lịch sự đúng mực của chủ gia.

Cô con chạy đi, tức tốc trở lên với chiếc gạt sành hình con ếch. Hình như cô nhỏ không thể rời mắt khỏi cuộc gặp gỡ chờn vờn của mẹ. ếch sành nghếch mõm về phía khách, còn khách thì hướng về phía cô nhỏ, chăm chú, nghiêm trang. “Con bé nầy giống hệt mẹ, hay đấy - anh nói, giọng kẻ cả quen thuộc - Hồi anh biết nó mới vô lớp một, đúng không Liên?" Chí ít cũng đã có đề tài với khách, chị vội bắt lấy đưa đà: “Người ta học đại học rồi , có người yêu rồi, con bé gì nữa, cậu Hai? Người yêu đẹp trai hết ý, nghe!" Anh phát ngay một cử chỉ bề trên: “Đàn ông không cần đẹp, chỉ cần cái đầu!" Chị nhìn anh châm chọc, thẳng thừng: “Nhưng mà anh cũng đẹp trai!"

Anh lại nhướng mày. Anh rất hay nhướng mày, như cần phải biểu diễn một giá trị. Lần nầy cái nhướng của anh đượm buồn, u ám, dấu hiệu kỳ lạ thứ tư. Phải nhận rằng anh đẹp, đẹp kiểu mẫu, ấy là xét bằng cái nhìn hoàn toàn tỉnh táo bây giờ chứ ngày xưa, ngày chị mới nhìn thấy anh lần đầu cách đây mười mấy năm thì anh còn hơn thế - anh là thần tượng với tất cả ý nghĩa sang trọng của từ nầy. Theo chị và theo những người hiểu chị thì điều nầy rất dễ lý giải bởi bên cạnh chị lúc đó là anh chồng trắng bong đầy dáng vẻ nô bộc gợi hình ảnh đứa em trai xuôi chèo mát mái. Chị thường xuyên tự hỏi người nầy là chồng của mình ư dù họ đã có một mặt con và, những khi anh cúc cung hay thụ động một cách quá hiền lành thì chị tưởng đầu óc da thịt xưong cốt anh làm bằng đậu hũ. Vì vậy khi lần đầu tiên nhìn thấy người ấy trong một cuộc họp, chị đã bị xuyên thấu, nổ bùng. Người ấy có gương mặt rắn rỏi, nước da nâu lý tưởng, phong độ cứ như diễn viên điện ảnh biết mình được ngưỡng mộ, riêng đôi mắt thì  đặc biệt đen, đen rong róc như lúc nào cũng sóng sánh chữ nghĩa dưới đôi mày rậm mướt như nhung. Lúc ấy anh mới từ Liên Xô về nhận chân thư ký cho anh Tư bí thư Tỉnh uỷ. Chị đơn phương ngay với hình ảnh anh, nhâm nhi mãi hai từ tiếng sét, thứ mà chị tưởng chỉ có trong tiểu thuyết diễm tình. 

Vậy mà giờ đây chị chỉ còn thấy có cái mã đẹp, thuần một cái mã đẹp. Chị nén một tiếng thở ra vì không nỡ nói gì thêm sau cái nhưóng mày mỏi mệt của anh. Nhưng phải có đề tài gì để câu giờ với khách chứ! Chị sực nhớ:: “Cô con riêng của anh xong đại học chưa, lấy chồng chưa?" “Rồi! - anh đáp qua loa, nhìn nhanh xuống đầu ngón tay dí trên gạt tàn rồi lại tiếp tục săm soi cô con của chị - Nhìn kỹ, con bé nầy giống anh à Liên. Em so đi, giống là cái chắc!" Cô nhỏ bật cười rinh rích, cười phô cả hai chiếc răng khểnh, cười như những lần đám đông thân thích của mẹ đưa cô ra để giống ông nầy cái mũi giống ông kia cái trán cốt làm vui bữa nhậu. Anh không quên nhướng mày: “Thật mà, vậy chớ không có thời con đồng loã với mẹ chuyện cậu Hai à?" Chị hoảng hốt kêu thầm, trời, sao nói chuyện đó ở đây, sao dùng từ đồng loã ở đây, cái ông thần kinh nầy! Chị nghiêm mặt gắt: “Con, con chạy đi lấy nước đá cho cậu Hai chữa rượu đi!" 

Cô nhỏ ngoan ngoãn chạy đi, vẻ phớt lờ hết sức người lớn. Khi còn lại hai người, chị trân trối nhìn anh, hạ giọng: “Bữa nay anh sao vậy?" Mặt anh tối sầm như thể trời chuyển mưa và nhướng mày thật cao: “ Bữa nay à ? Bữa nay anh.. . anh muốn ngủ lại đây!"

Không hiểu sao chị bật cười, cười ngắn nhưng sau đó thì cảm thấy từng chân tóc, từng tế bào rung rinh. Anh muốn ngủ à? Thì anh đã ngủ với chị ngay cái lần chị đến anh với cái cớ mượn sách. Lần đó, đúng ra là tối đó, khi vừa biết anh ly dị vợ, chị đã đơn phương quyết định chấm dứt thời kỳ yêu nhớ đơn phương để lao đến và nói với anh những lời chị đã định nói từ lâu. Chị một mực tin anh sẽ trân trọng thiết tha chị, bởi chị sẽ đem đến tình yêu trinh nguyên cho anh. Anh bảo: “Anh biết chứ, anh biết thế nào cũng có ngày nầy. Anh biết em lặng lẽ yêu anh từ lâu. Người như em làm sao sống nổi với tay chồng nhạt bời như cơm nguội ấy !" Nhưng anh chỉ chạm mũi vào trán chị, ban phát, ôi, cái mùi của anh, cái mùi khô sạch dìu dịu và thơm phức mùi thuốc thơm! Rồi từ từ, từ từ chị bị hút theo mấy ngón tay anh, chị bủn rủn như bị lỏng từng khớp xương khi cùng anh ngã bật xuống chiếc giường đơn trong căn phòng anh vừa ở vừa làm việc suốt thời kỳ ly thân vợ. Khoảnh khắc đâu chỉ bằng khoảnh khắc con gà trống ban ơn cho một con gà mái và chị cố chờ nhưng hình như môi chị không được gắn một chiếc hôn nào. Thế rồi trong lúc anh lúi húi với việc thu dọn riêng anh thì chị ngồi dậy, xấu hổ như muốn chui xuống đất. Nhưng chị không bớt yêu anh, yêu còn hơn yêu bản thân mình nên bất chấp các cuộc họp vặn vẹo, bất chấp khẩu K.54 trong ngăn tủ của chồng, chị thú thật hết với anh ta và đề nghị được giải phóng. Làm sao có thể dối trá một tình cảm thiêng liêng như vậy, với một người sáng giá như vậy? Nhưng khi nghe chị kể lại cuộc đấu khẩu với chồng, người ấy đã cau mày: “Em dại lắm, em còn bé con lắm. Em không biết mình sống ở thời nào nước nào sao? Có điên mới đưa tên anh vào cuộc !" Chị ngớ ra, tê tái: “Nhưng em không thể không trung thực, không thể đi lại cùng lúc với hai người đàn ông. Có gan yêu thì phải có gan chịu chứ!" Anh tiếp tục nhướng mày: “Dù sao em cũng là cô bé con!" Vậy rồi khi bí thư Tỉnh uỷ và mấy ảnh triệu lên "hỏi thăm" thì anh xua tay đây đẩy: “Tôi oan lắm, anh Tư ! Nếu có gì chắc cũng đơn phương chút đỉnh từ cô bé kia thôi !" 

Chị không hiểu sao, tới giờ chị vẫn không hiểu sao người ta có thể chối đứt mối quan hệ ghê gớm như vậy, có thể chà đạp thứ tình cảm trang nghiêm và tận tuỵ như vậy? Nhưng chị không thể không đón anh, từ khi chị bật ra khỏi nhà anh chồng để bắt đầu lại tất cả, bên đứa con gái nhỏ. Anh đến, từ đầu chí cuối là khói thuốc thơm, những  câu chuyện về những  chuyến đi liên hồi kỳ trận với mấy ảnh, những bản báo cáo được khen.. .duy không bao giờ hỏi những câu đại loại như hai mẹ con sống bằng gì, có thiếu lắm không, hoặc căn phòng ngay trong trụ sở cơ quan như vầy chắc phức tạp lắm? Anh hay đứng lên vào khoảng chín giờ đêm, tảng lờ trước vẻ cam chịu gan góc của chị và, khi cô con của chị sổng đi đâu đó thì anh quơ lấy chị, vẻ tranh cướp chớp nhoáng của một gã gà trống. Chị cảnh giác đẩy anh ra, mái tóc bù hôm nào của chính mình trên chiếc giường đơn hiện ra, đôi tay lúi húi của anh với chiếc khăn chỉ riêng cho anh hiện ra, chị váng vất giữa yêu thương và lòng tự trọng bị thương tổn. Anh hay thở hắt ra phũ phàng, và để lại trong căn phòng ốc đảo của hai mẹ con mùi thuốc thơm đậm đặc. Lâu sau anh theo anh Tư rời khỏi tỉnh, nghe đâu là gương mặt chuyên viên tài ba của cơ quan gì đó quan trọng lắm đặt ở Sài Gòn. Và anh cưới vợ.

Chị chưa đi trọn phản ứng trước ý định ngủ lại quái gở của anh thì cô con chị đưa ly nước đá lên. Không muốn cô nhỏ bắt quả tang tình huống nực cười của mẹ, chị lại gắng tự nhiên, gắng mời mọc khách dùng nước cho tỉnh mỉnh và phải gắng bắt chuyện cho tới khi khách tự thấy mà đứng lên. Về N. đúng rồi, về N. để nhắc anh thế đời của  anh, cái bến an bài của anh.

Chị biết N, đúng ra là nghe danh N trước khi N trở thành vợ anh. Đó là người   phụ nữ cùng thời với chị, trông qua ảnh cũng biết đây là người dẻo dai và gan lỳ, một luật sư xông pha của đất Sài Gòn. Nghe N ưng anh, chị không mấy ngạc nhiên, bởi đàn bà muôn thuở vẫn là đàn bà, nghĩa là sự nghiệp lớn chừng nào thì cũng khát một tấm chồng, chị chỉ ngạc nhiên khi chính miệng anh rao ngạo: “Cô N nầy quả có cái đầu nhưng là cái đầu thép! Anh cũng muốn lấy cô ta để trị thử coi sao!” ấy là hôm anh tạt xuống Cần Thơ đảo một vòng cuối cùng quanh chị và không che giấu ham muốn khoảnh khắc con gà trống trước khi quay về đứng lại với N. Hôm ấy, sau khi nghe anh thổ lộ ý định trị vì, chị đã nổi xung như chính chị đang có nhiệm vụ chiến đấu cho tất cả phụ nữ có cái đầu thép trên đời. Chị rung từng đoạn xương, rung từng cái chân răng hồi lâu mới mở miệng: “Anh vẫn kẻ cả như ngày nào. Không ai đến với tình yêu và hôn nhân bằng cái ý thức khốn nạn kiểu anh. Thì anh cứ cưới N để coi ai là kẻ bị trị. Anh đi đi, anh đi mà cưới N!” Hẳn anh tưởng lúc đó chị cảm thấy mất hẳn anh nên mới gay gắt vậy. Nhưng đến bây giờ, đến lúc anh ngồi chán ngán trước mặt chị đây, chị vẫn  đinh ninh: N luôn là thử thách của anh.

“Anh với N sống thế nào, có dễ chịu không?" Chị hỏi, thật tình không muốn dùng từ hạnh phúc. Anh im lặng, rõ ràng là cố tình im lặng để mưu cầu một cái gì. Chị từ tốn: “Em đánh giá cao N. Đó là người phụ  nữ  xuất sắc!" Bây giờ anh nhìn chị thật lâu, ẩn ý. Anh để chị phải chờ, phải hồi hộp rồi mới cau mày: “Thì anh đã có ý kiến chê bai gì! Có điều cô bé này toàn chọn chuyện rắc rối để dây vào, toàn đi đường gai góc!" Anh tiếp tục nhìn chị, mong tìm sự nhất trí nào đó. Chị không thể đồng hành với anh được, một người  đã bốn mươi tuổi như N mà vẫn bị chồng coi là  cô bé thì chị nói vào làm gì, chị đưa N ra cốt chỉ nhắc nhở anh và bày tỏ thiện cảm của mình.

Hình như đã xảy ra chuyện gì giữa vợ chồng anh. Chị muốn chuyển đề tài, chẳng lẽ ngồi thừ cho đến lúc phải chỉ tay ra cửa mời anh đi cho để mẹ con tôi còn đóng cửa! Anh có biết chị lâm vào tình thế quái quỷ gì đây không? Chị lại sực nhớ: “Nãy giờ quên hỏi thằng nhóc của anh ra sao, chắc lớn bổng rồi? Nghe nói anh mê nó lắm ?” Anh nhướng mày nhưng lần nầy lại nhướng với cái gạt tàn: “Dĩ nhiên nó là con trai duy nhứt của tộc anh. Nhưng .. . đáng lẽ nó phải là con của em đó Liên. Không phải sao hả con gái? Đáng lẽ nó là em ruột của con rồi, cười gì?"

Chị không còn chịu nổi nữa. Chị thấy cả N cũng bị xúc phạm. Cô con chị cười bằng mắt, hể hả, ôi, cuộc tình tai tiếng của mẹ, thần tượng một thời của mẹ, sự đồng tình mà người ấy gọi là đồng loã ở nó tựu trung chỉ bằng một tiếng cười, của chính nó! Chị run bần bật, rung như cái cọc giữa dòng nước xoáy từ tất cả tháng năm cay đắng dồn vào. Chị nói khó khăn: “Bao giờ thì anh mới nghiêm chỉnh, em nói thật đó, bao giờ thì  anh mới nghiêm chỉnh trong những chuyện liên quan đến con người ?" Xong, chị lạc cả miệng, tiếp tục run như lên cữ. Bị thấu cáy, anh hự một tiếng nhỏ trong cổ họng rồi nín lặng.

Giờ thì chị ngồi nhìn anh đốt thuốc, chờ cho không khí thật vữa ra, để anh nhận rõ mà đứng lên. Anh gắng gượng: “Anh đâm ra ghiền thuốc còn hơn mọi lần. Mỗi ngày anh đốt đúng một gói nầy!” Chị chua xót: “Vậy thì anh dành tiền làm sao để nuôi con?” “Thì  anh nuôi nó bằng lương. Anh phải viết mướn để có tiền đấy chứ ?” Chị nhìn anh quyết liệt: “Anh không nghĩ anh phải bán mình trong khi viết mướn cho bọn quan chức ở các địa phương hay bọn doanh nghiệp bạo vì tiền sao?” Anh cao giọng: “Sao em nghĩ viết mướn là bán mình?” Chị nín thinh, chị không đối đáp nữa, chị quẳng cho anh ánh mắt chiến tranh. Sự bất đồng ngôn ngữ ở họ là có thật và đó là điều khiến họ không tồn tại được bên nhau.

Cuối cùng anh cũng nhận ra kết quả thảm hại của cuộc trở lại với hàm nghĩa tá túc, dù có chút bông đùa. Chị tiễn anh ra cổng, cô con cũng lật đật ra theo để  giúp mẹ thoát khỏi giải pháp tình thế nào đó. Anh xỏ chân vào đôi dép nhựa Thái Lan, phân trần: “Anh đi bừa đôi dép của khách sạn.Vì vậy chuyện anh chạy tháo tới đây là có thật nghen Liên.” Chị im lặng, với chị mọi chuyện đã quá đủ.

Mẹ con chị cùng thở phào khi trở vào, như vừa trải qua một tai nạn. Họ nhắc lại cách đi, cách nói của anh để mà cười, cô con cười khăng khắc còn chị thì cười nụ. Chị lướt qua chú ếch trên bàn, cán thuốc chồng chéo trên mình nó như người ta chất củi để  thiêu cháy nó. Quái, sao có những điếu thuốc dở dang tới một nửa? Chỉ có thuốc chùa, thuốc quỹ, thuốc không mất tiền, thuốc của thói mua bán hợm mình người ta mới đối xử xả láng như vậy! Sao mà chị dửng dưng với cái mùi khó tan của nó !

Thế nhưng khi cô con thản nhiên quay lại với chương trình phim trên truyền hình thì  chị nằm lụi đi. Chị nghĩ về thế thái nhân tình, về sự tròn của quả đất đã bắt chị cứ phải gặp anh. May sao, chính vì cái tròn ấy mà thời gian mới ra tay, ngài đã làm đậm các thứ chân dung lên, đã làm trôi mọi vướng mắc với quá khứ và làm huyền diệu cái gọi là tương lai. Chị bằng lòng với thời gian và cảm ơn sự vĩ đại của ngài.

Ngài đã cho chị nguôi quên và đẩy chị bước về phía trước .

                                                                             Kim Giang 11 - 1993  
                                                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét