Menu ngang

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

NHÂN NGÀY 20 / 11, NHỚ LẠI MỘT BÀI THƠ

Năm 1988, cô giáo Hồ Diện là đồng hương huyện Nghi Lộc quê tôi mới được điều ra dạy học ở Hà Nội. Biết tôi có tập toạng làm thơ, cô Hồ Diện nhờ tôi viết hộ một bài để cô ấy đọc trong đêm Hội diễn văn nghệ Nhà trường nhân Ngày 20 / 11. 
Nhận lời, tôi viết một mạch xong bài tạm gọi là thơ, trao cô cho kịp thời gian. 
Được biết, trong buổi Hội diễn ấy, cô Hồ Diện được trao giải khi trình bày bài thơ này.
Thời gian trôi nhanh, mới đó đã ngót 30 năm rồi. Nay, tôi đăng lại như một kỉ niệm vui.

NGỠ NGÀNG … QUEN

                                           N M Đ

Dẫu chưa trọn ý bài thơ này
Anh vẫn viết tặng em nhân Ngày Nhà Giáo
Thơ viết vội như chính em mách bảo
Nói hộ em, cô giáo quê ta mới đến đất Hà thành

Biết mấy ngỡ ngàng đã ập đến bên em
Trong cư xử bao nỗi niềm xa lạ
Trên bục giảng vẫn ửng hồng đôi má
Mắt thâm quầng trang giáo án thâu đêm …

Em chọn con đường đến những con tim
Bằng làn điệu thân thương quê mình giản dị
Em hết mình niềm đam mê sá kể
Kề bên em thao thiết tháng ngày vui …

Người ta gọi em là kỹ sư tâm hồn
Chăm sóc những mầm non hy vọng
Người ta gọi em - người lái đò qua sông
Khách đến muôn phương
không quên người bên mép sóng …

Còn với anh gọi em bằng gì
Bằng cô giáo thân thương giản dị
Tự ngàn xưa cuộc đời vốn thế
Tôn vinh thầy cô là đạo lý làm người !

15 / 11 / 1988
LỜI BÌNH VỀ MỘT TẬP THƠ

Cô Lưu Hồng cựu giáo viên chuyên văn Trung học phổ thông ở Từ Sơn - Bắc Ninh là người làm thơ hay, đã in thành tập. Cô ấy đã viết Lời bình cho một số tập thơ của những người thân quí. Tôi quen cô Lưu Hồng qua bạn tôi - Nhà báo Lưu Kha ( anh ruột cô ấy ) - và thông qua những bài viết trên Facebook.
Bởi thế, tôi chuyển tập bản thảo “ Chuyến tàu đời ”, nhờ cô đọc và viết hộ đôi lời cảm nhận.
Xin chân thành cảm ơn cô Lưu Hồng đã dành tâm trí cho tập thơ của tôi.
Bài viết dưới đây đã được cô Lưu Hồng đăng lên Facebook.
Mặc dù còn là sớm, nhưng tôi cũng xin trình bạn đọc Blog và bạn đọc Facebook.


  MẤY CẢM NGHĨ  VỀ TẬP THƠ '' CHUYẾN TÀU ĐỜI ''

                                                                                Lưu Hồng

 Nhận được tập thơ '' Chuyến tàu đời '' của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu từ khi còn là bản thảo, tôi có phần ngần ngại vì thơ anh triết lí thâm sâu mà vốn sống của tôi không nhiều. Mới quen biết anh một năm, chủ yếu ''gặp gỡ '' trên Facebook nhưng tôi vô cùng khâm phục anh - một con người thành đạt mà rất gần gũi, chân tình, bình dị.
 Anh thiên về mảng văn xuôi hơn, nhưng do vốn sống, chất liệu cuộc sống trong anh ngồn ngộn nên thơ anh đã cho người đọc những điều thú vị và học hỏi được nhiều điều. Đằng sau những câu chữ mộc mac ấy là một nhân cách, một tấm lòng đáng trân trọng.
1 -  Là một người lính hiện còn viên đạn nằm trong phổi nên ''Chuyến tàu đời '' không thể thiếu đề tài chiến tranh và hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.
Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn chục năm nhưng vết thương thì vẫn còn hiện hữu: '' Chiến tranh chém vào thân ta / Trọn đời thành thương tật / thành cái dấu gạch ngang / Bước ngoặt / Giữa trang đơi!'' ( Thao thức )
Là người giàu đức hi sinh, tình cảm sâu nặng nên mỗi lần vết thương đau nhức khi trái gió trở trời, đau đến ''thức tròn canh'' nhưng anh không than thở mà thấy mình còn may mắn hơn những đồng đội đã hi sinh: ''Nhớ bao đứa bạn cùng trang lứa / Chẳng có ngày về để thức đâu'' ( Đêm không ngủ). Hoặc: ''Thuở cả nước hành quân ra trận / Mất mát, hi sinh đâu chỉ có riêng mình'' (Ngày thương binh).
Thơ anh, nếu đọc thoáng qua dễ bỏ những bài ngôn ngữ nôm na, giọng thơ như kể. Nhưng chính những bài thơ ấy khiến ta phải lặng đi vì nhói đau: ''Con hỏi thuở ở chiến trường / Đồng đội và ba ước điều gì nhất / Trước khi vào trận giành từng thước đất / Bạn ba ước điều được bữa cơm no / Tự tay mẹ nấu trong khói lam chiều / Điều ước chỉ có bấy nhiêu / Vẫn không thành sự thật / Trận đánh thắng to / Nhưng anh ấy không về ''.
Lúc nào cũng nghĩ đồng đội thiệt thòi hơn mình nên khi nghỉ hưu anh đã thực hiện nỗi niềm cánh cánh bên lòng, đó là trở lại chiến trường xưa tri ân với đồng đội.
Thăm thành Huế anh bồi hồi xúc động: ''Mấy mươi năm thể phách cát bụi đường trần / Hồn thiêng các anh có về đây từ cõi Phật '' ( Thành Huế )
Trở lại Quảng Trị trong hoàn cảnh ''nhân tình thế thái đa đoan'', anh muốn khóc cật vấn đời. Cái sự khóc không nước mắt của người đàn ông - người lính nó ám ảnh vô cùng: '' Hiển hiện trong lòng / Những gương mặt người đã khuất / Ngước mắt cật vấn / Đâu dễ trả lời '' (Quảng Trị)
Trải qua những năm tháng chiến trận, anh thấu hiểu tình đồng đội đẹp đẽ, thiêng liêng biết nhường nào. Vì vậy, sau này khi đảm nhận những cương vị cao hơn, anh vẫn sống bình dị, trân quý nhau: ''Cựu chiến binh mỗi bận đoàn viên/ Không phân biệt sang hèn, ngôi thứ / Cùng hoài niệm chặng đường một thuở / Lòng rưng rưng bao đứa bạn không về'' ( Đồng đội )

2 - Cuối năm 1964, anh trốn gia đình đi bộ đội khi chưa đủ tuổi Nghĩa vụ quân sự. Lúc trở về mẹ lại không còn. Vì thế thơ anh cũng thấm đẫm tình cảm gia đình, quê hương.
Nghĩ về ngày sinh của mình, anh nhớ thương mẹ mất sớm: ''Thời gian trôi suốt mấy chục năm trời / Chẳng nguôi quên những trưa hè nắng nóng / Lời mẹ ru ngọt ngào bên cánh võng / Đằm thắm, nhặt khoan trong êm ả ầu ơ...'' (Mùa Thu năm Mậu Tí ).
Anh tự hào về cha - người nông dân mặc áo lính: '' Một cuộc đời không chức tước vàng son / Với cháu con, ông là người vĩ đại nhất'' ( Cha tôi ).
Bây giờ cuộc sống của anh đã ổn định ở Hà Nội với con cháu đề huề, phương trưởng. Dù sắp bước sang tuổi ''xưa nay hiếm'', anh không ngần ngài sức khỏe đã giảm sút vẫn nhiều lần về quê thăm hỏi họ hàng, làng xóm, Vẫn theo dõi từng bước đi của quê hương nghèo khó, gian truân. Và anh luôn biết ơn mảnh đất quê hương đã sinh dưỡng anh trưởng thành, dù thời gian anh sống ở quê không nhiều: ''Ngõ xóm đường thôn bao kí ức đong đầy / In bước chân con từ ngày thơ ấu / Những cánh đồng đã qua mùa gặt hái / Hơi ấm quê nhà theo con đến muôn nơi'' (Về quê)

3 - '' Chuyến tàu đời '' không chỉ có đề tài chiến tranh và tình yêu gia đình, quê hương mà còn đầy ắp những suy nghĩ, chiêm nghiệm sự đời. Ở đó, ta bắt gặp những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Nguyễn Mạnh Đẩu là người luôn năng động. Trong bài thơ '' Kí họa'' mang tính tự trào, ta thấy một ''anh lão'' vẫn '' ham chơi tennis '', vẫn '' đam mê xới cày trên cánh đồng chữ nghĩa'', vẫn ''cầm vô lăng'' xe gia đình, ''vẫn náo nức quyện hòa / Giữa mọi cuộc vui chung''.
Hãy cùng anh chiêm nghiệm về cuộc đời: '' Sân khấu - xã hội nhỏ / Xã hội - sân khấu to / Cõi đời là vở kịch / Đan xen cảnh bi hài (Kịch đời). Anh tự nhủ phải kiên định giữa dòng đời nghiêng ngả: '' Dẫu đơn chiếc nhỏ nhoi / Chẳng nhạt nhòa trộn lẫn / Ta vẫn cứ là ta / Giữa muôn vàn số phận''.
Đa dạng là thuộc tính của xã hội: ''Muôn người muôn nẻo nghĩ / Thiêng liêng, thấp hèn, bất kể / Quyện xoắn vào nhau ''
Điều quan trọng '' ta vẫn là ta '', tức là ta vẫn giữ được nhân cách tốt đẹp vốn có: lòng nhân hậu, đức hi sinh,... và nhất là sự khiêm nhường của một con người. Càng khiêm nhường bao nhiêu, anh càng đẹp trong mắt mọi người bấy nhiêu:  '' Xin đừng giới thiệu dài dòng cấp hàm, chức tước / Cứ gọi chung Cựu chiến binh, bộ đội Cụ Hồ là được / Hàm, chức là phương tiện chỉ huy thôi/ Cầm sổ hưu - dân thứ thiệt rồi '' ( Giới thiệu )

4 - Sống luôn vận động mà vẫn thư thái, ung dung. Quan tâm tới mọi diễn biến của nhân tình thế thái mà vẫn an nhiên, tự tại. Điều đó không dễ dàng nhưng anh đã làm được. Thế nên, thơ anh còn có những bài thật lãng mạn, yêu đời.
Một bông hoa ban tím trên ban công ( chắc là một kỉ niệm trong chuyến hồi du Tây Bắc ) bị bão vùi dập cũng được thu vào ống kính của anh với lời chú thích bàng hoàng, luyến tiếc: ''Bông ban tím chỉ còn trong nỗi nhớ đong đưa''.
Và đây nữa, màu thời gian của chiều thu đầy cảm xúc: ''Dãy bằng lăng và hàng cây cơm nguội / lá thưa dần lớp lớp chia ly / Giã biệt nhau trong tiếng gió thầm thì / Khẽ rung lên một mối tình lưu luyến / Ngàn đời cây có bao giờ hết chuyện / Hương tình yêu ngan ngát thu sang ''.

Khi tôi viết bài này, thì bản thảo '' Chuyến tàu đời '' đã được tác giả chuyển đến nhà xuất bản để biên tập. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi còn một số bài nôm na quá, còn vài câu chưa bắt vần hoặc chưa theo trật tự thể thơ nghe có phần rời rạc. Nhưng '' Chuyến tàu đời '' được viết bởi một người đã vào sinh ra tử ở chiến trường, đã trải qua bao cam go của cuộc sống, đã từng có cương vị trong quân ngũ; một người có thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn và đặc biệt là một tấm lòng nhân hâu, một tâm hồn phong phú. Thế nên, '' Chuyến tàu đời '' của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu không màu mè câu chữ, không lên gân cứng nhắc.
Đọc '' Chuyến tàu đời '' chúng ta chiêm nghiệm được nhiều điều và tìm thấy được một chút mình trong đó./.


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

RẰM THÁNG 9 NĂM MẬU TÝ

                                                           N M Đ

Năm Mậu Tý giữa trưa rằm Tháng Chín
Mẹ sinh con trong gió mát Thu về
Ngan ngát trời xanh rộn ràng sóng bể
Con cất tiếng chào đời ấm áp tình quê

Thời gian trôi suốt mấy chục năm trời
Chẳng nguôi quên những trưa Hè nắng nóng
Lời ru Mẹ ngọt ngào bên cánh võng
Đằm thắm nhặt khoan trong êm ả ầu ơi

Con cám ơn Trời cám ơn Mẹ Cha
Đã cho con trọn hình hài thanh sắc
Nuôi con lớn bằng củ khoai hạt thóc
Đẫm mồ hôi trong nắng đỏ quê nhà

Con cám ơn Đời cám ơn Mẹ Cha
Dạy dỗ bảo ban từ thời thơ trẻ
Con rảo bước mọi nẻo đường thiên lý
Bước đầu tiên chập chững ở hiên nhà

Hành trang con hòa nhập với đời
Mang đầy yêu thương lời ru của Mẹ
Vọng tiếng dạy của Cha qua từng câu chuyện kể
Hơi ấm quê nhà theo con đi muôn phương

Đến Thu nay - mấy chục năm trường
Mẹ Cha kính yêu đã về cùng Tiên Tổ
Ảnh hình còn đây tấm lòng còn đó
Đây Mẹ cha - máu thịt của đời con !
ĐÂY LÀ MỘT BÀI HAY, RẤT ĐÁNG ĐỌC

Nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống:
Hãy lắng nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái

Lâu nay, việc xây dựng Đảng và Nhà nước chủ yếu thực hiện theo hướng “tự mình”. Tự phê bình và phê bình, tự chỉnh đốn, tự đổi mới, tự kiểm tra, tự thanh tra, tự xử lý… Có cấp trên chỉ đạo cấp dưới, nhưng vẫn là trong hệ thống, cũng có nghĩa là vẫn “tự mình”. Chỉ có “tự mình” cũng còn có nghĩa là quyền lực chưa được Nhân dân kiểm soát.
LTS-Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 12 đang nhóm họp. Phát biểu khai mạc hội nghị, đề cập nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng. Mời đọc giả cùng theo dõi và thảo luận.
Không thể phủ nhận những việc đã làm được trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng cũng phải nói rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên thời gian qua có xu hướng tăng lên, xấu hơn, mặc dù nhiệm kỳ nào Trung ương cũng đều có những chủ trương về xây dựng Đảng.
Từ chỗ có một số đảng viên suy thoái rồi đến một bộ phận, và sau đó là một bộ phận không nhỏ, và trong bộ phận không nhỏ ấy có cán bộ cao cấp. Trong các Nghị quyết của Đảng đã chính thức nhìn nhận tình hình như vậy. Đó là sự nhận định đúng, dù chưa nói hết mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Sau Đại hội XII đến nay, Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị (tôi nói tập thể) đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, tình hình sẽ chuyển biến ra sao thì cần phải có thời gian để có thể nhận được câu trả lời chính xác.
Hãy lắng nghe nhân dân và đảng viên không có chức quyền nói về sự suy thoái trong Đảng thì sẽ rõ. Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức Đảng không phát hiện được qua sinh hoạt Đảng, mà là do nhân dân, báo chí phát hiện và nói lên. Qua các lần kiểm điểm thường xuyên và kiểm điểm chuyên đề hầu hết đều đánh giá là đảng viên đủ tư cách và hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, còn tổ chức Đảng thì trong sạch vững mạnh. Bản thân tình hình ấy cũng đã nói lên sự suy thoái.
Về tư tưởng chính trị, điều đáng nói nhất là lòng tin của nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã suy giảm. Đó là một thực tế! Dù ta không muốn vậy, hoặc không muốn nói thế, thì nó vẫn cứ là một thực tế khách quan. Không thể né tránh. Phải nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với nó, hiểu nó đến cùng, để từ đó tìm cho ra cách giải quyết hiệu quả nhất. Đó là trách nhiệm, là bản lĩnh, là cách tiếp cận khoa học. Với tình hình của ta như hiện tại, thì đối mặt với sự thật, nói rõ sự thật cũng là giải pháp. Và là giải pháp đầu tiên. Từ đó mà tìm các giải pháp tiếp theo. Còn né tránh nó, che giấu nó, thì tổ chức Đảng sẽ suy yếu.
Trong chính trị chân chính (chứ không phải mị dân), khi có lòng tin bền vững của nhân dân là có tất cả. Khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất của một chế độ, một chính quyền. Làm hỏng nền tảng ấy thì chông chênh, và nếu không sớm khắc phục, để ngày càng trầm trọng hơn thì trước sau gì cũng sụp đổ. Không thể khác! Không có cái gì thay thế được. Bạo lực càng không phải là giải pháp đối với nhân dân. Thậm chí nó còn là thứ độc hại, làm cho nền tảng chính trị ngày càng thêm rạn nứt và dẫn đến đổ vỡ hoàn toàn.
Vì sao mà lòng tin giảm sút?
Đừng bao giờ suy nghĩ là tại nhân dân không tốt, không chịu tin lãnh đạo. Nghĩ như thế là nghĩ ngược. “Tiên trách kỷ” là kinh nghiệm và lời khuyên từ cha ông. Lý do đầu tiên, quan trọng nhất, mang tính quyết định, làm cho lòng tin giảm mạnh là sự hư hỏng đạo đức của cán bộ.
Nói cách khác, chính sự suy thoái về đạo đức lối sống là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Lòng tin không tự nhiên mà có, cũng không phải bất biến. Khi đạo đức của nhiều cán bộ suy đồi thì người ta không tin vào sự chân chính của tổ chức và từ đó mà dẫn đến không tin vào mục tiêu và con đường của tổ chức ấy.
Nếu để quá nhiều cán bộ đảng viên suy thoái nghiêm trọng về đạo đức thì tổ chức Đảng không còn nguyên bản chất, mà đã thay đổi rồi. Diễn đạt khác, nếu khắc phục được suy thoái về đạo đức của cán bộ thì tự nhiên sẽ cơ bản khắc phục được suy thoái về niềm tin, và cũng có nghĩa là khắc phục cơ bản về suy thoái tư tưởng chính trị. Còn bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái kia thì chính họ đã rời bỏ lý tưởng chân chính rồi, tha hóa về đạo đức rồi, cũng có người sẽ tỉnh ngộ, hối lỗi và phục thiện, nhưng rất ít, chỉ là cá biệt.
Đạo đức là lõi của văn hóa, mà văn hóa là nền tảng của xã hội nói chung, trong đó có chính trị. Văn hóa nhất định phải là nền tảng của chính trị (chân chính), chứ không phải ngược lại. “Chính trị là thống thoái, chính trị quy định văn hóa” là một luận điểm rất sai lầm, phản khoa học. Tất nhiên lòng tin không phải chỉ có đạo đức, nhưng đạo đức là cái nền, là cái đầu tiên. Chính đạo đức mới thể hiện sự chân chính của con người và tổ chức. Còn đương nhiên là không chỉ thế, mà còn trí tuệ và năng lực của cán bộ nữa, mới tạo được niềm tin đầy đủ và bền vững, nhưng trước tiên phải là đạo đức. Đạo đức là cái gốc.
Bản thân lý luận và công tác lý luận của chúng ta còn quá nhiều lạc hậu và yếu kém. Đó cũng là một nguyên nhân làm mất lòng tin. Các nghị quyết của Đảng đã chỉ ra sự lạc hậu và yếu kém này, dù chưa nói hết. Khoa học liên quan đến phương pháp luận đã nhiều chục năm không theo kịp một thế giới biến đổi nhanh chóng theo hướng phi tuyến tính. Lý luận mà nhiều vấn đề không lý, không luận, áp đặt một chiều, không thảo luận, tranh luận đầy đủ, không có phản biện, không tiếp cận đa chiều, đa nguồn mà chủ yếu là đơn tuyến, một nguồn, theo kiểu độc quyền chân lý, làm cho đội ngũ trí thức và tập thể Đảng phải thụ động.
Vài chục năm nay lý luận luôn bị mang tiếng là bảo thủ, giáo điều. Mà nghĩ cũng không phải oan. Hoặc ít ra, họ đã nói đúng trên một phần đáng kể hệ thống lý luận của chúng ta. Không ít vấn đề còn mập mờ, chưa rõ cơ sở khoa học, thậm chí chắp vá, mâu thuẫn nhau, xa thực tế, không có sức thuyết phục. Công tác lý luận với phương pháp tiếp cận chưa khoa học, không bám chắc thực tiễn, cũng tức là đã rời xa nguồn gốc, cơ sở sản sinh ra nó, vì vậy mà ít sức sống; nặng minh họa, ít phản biện và tư duy độc lập, lẫn lộn giữa khoa học và chính trị.
Nhiều trí thức nói là khoa học đã bị chính trị hóa. Không cãi lại họ được đâu. Công tác tư tưởng nói chung còn một chiều, mang tính áp đặt, ai phản biện, nói khác dễ bị quy chụp là “mất quan điểm lập trường”, là “chệch hướng”, thậm chí còn đẩy về phía đối lập.
Với phương pháp tư tưởng như vậy đã tự mình cô lập với thế giới sôi động và chặn đứng con đường tiếp cận chân lý khách quan. Đối với khoa học tự nhiên, có thể một người, một mình ngồi trong phòng thí nghiệm, miệt mài làm việc và tìm ra chân lý. Còn đối với khoa học xã hội thì sự đối thoại, tranh luận bình đẳng chính là con đường tiếp cận chân lý. Không như thế tức là tự mình đã chặn đứng con đường đi đến chân lý khách quan. Có những việc nói một đường trên thực tế lại làm một nẻo, nói duy vật biện chứng nhưng lại nghĩ và làm theo kiểu duy tâm siêu hình.
Một lý do nữa làm mất lòng tin là năng lực lãnh đạo, quản lý còn rất nhiều bất cập so với yêu cầu, không giải quyết nổi các vấn đề của cuộc sống đặt ra, để đất nước bị tụt hậu trên nhiều mặt và thế lực “bành trướng” nước ngoài lấn ép. Khi để đất nước tụt hậu và đạo đức suy đồi thì quá khứ vinh quang ngày hôm trước cũng giảm dần ý nghĩa. Từ đó, cái vốn văn hóa được xây nên bằng máu xương của hàng triệu Đảng viên và Nhân dân trước đây - làm nền tảng cho hôm nay đang bị cạn dần.
Nhiều vụ việc giải quyết thiếu minh bạch, ít ra là thiếu minh bạch về thông tin, làm cho nhân dân nghi ngờ. Nghi ngờ có tham nhũng, hối lộ, “lợi ích nhóm”, dung túng và bao che cho nhau, kể cả nghi ngờ về chính trị nữa (trong quan hệ với láng giềng).
Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức Đảng không phát hiện được qua sinh hoạt Đảng. Ảnh minh họa
Sự thật là có nhiều vụ việc chưa minh bạch. Thất thoát nhiều chục ngàn tỷ trong các vụ việc và tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các ngân hàng đã xảy ra như thế nào, vì sao, nó đi đâu, ai chịu trách nhiệm? Chuyện ép nông dân để lấy đất cho đại gia xây biệt thự, dân “khiếu kiện đông người” thì bị “trấn áp”, có tiêu cực gì trong đó? có “lợi ích nhóm” không? trách nhiệm thuộc ai? công tác cán bộ thì chạy chọt quá nhiều, kể cả chạy luôn vào đại hội (thậm chí lên được chức to), bị đồng tiền và các mối quan hệ không lành mạnh chi phối… Từ đó, người ta đặt câu hỏi không biết chính quyền có còn là của đại đa số nhân dân không?
Rồi chuyện cá chết, biển bị ô nhiễm nặng bởi chất thải công nghiệp đã nửa năm rồi vẫn chưa thấy xử lý trách nhiệm ai? Rồi chuyện hàng trăm xí nghiệp bị đập phá, thủ phạm là ai? xử lý thế nào?....
Không ít việc chúng ta cho là thế lực thù địch chống phá. Chẳng phải họ “tài giỏi” vậy đâu, đừng vô tình nâng cao vai trò của họ. Rồi chuyện “tham nhũng quyền lực”, chạy chức chạy quyền, ai cũng thấy nhưng chẳng cơ quan nào đưa ra giải pháp ngăn chặn, trong khi đó vẫn còn lặp lại câu hỏi chứng cứ đâu, ai chạy và chạy ai?... Đã có bao nhiêu cuộc lợi dụng đầu tư dự án và lợi dụng cổ phần hóa, mua bán doanh nghiệp để chia chác ngân sách và tài sản của nhà nước?
Còn nhiều chuyện nữa, vẫn mập mờ, không thấy rõ trách nhiệm thuộc về ai và lối ra ở đâu. Sở dĩ cán bộ, đảng viên và nhân dân nghi ngờ là có lý do chứ, và họ có quyền chứ, sao lại không? Không thể cấm mọi người nghi ngờ, càng không được quy chụp là “phản động”, cách ấy là cách tự mình đối lập lại với nhân dân – những con người mà lòng tin của họ là nền tảng chính trị của quốc gia.
Còn sự suy thoái về đạo đức (cả lối sống) của cán bộ? Đạo đức xã hội nói chung cũng là môi trường sống đối với cán bộ. Vì vậy, khi đạo đức xã hội suy đồi thì nó cũng tác động tiêu cực trở lại đối với đạo đức cán bộ. Nhưng không vì thế mà đổ lỗi cho xã hội, lẩn tránh trách nhiệm khi cho rằng: đạo đức cán bộ suy thoái là do đạo đức xã hội suy đồi. Nói thế là nói ngược, ngụy biện, biến thứ yếu thành chủ yếu, làm lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả.
Trong mối quan hệ giữa đạo đức xã hội và đạo đức cán bộ thì đạo đức xã hội là hệ quả của đạo đức cán bộ. Khi đạo đức cán bộ suy thoái thì đó là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến đạo đức xã hội suy đồi. Như trong một “gia đình”, có đứa con hư hỏng thì đó là sự hư hỏng của một đứa con, còn nếu bố mẹ hư hỏng thì cả nhà sẽ hư hỏng theo, mất cả thế hệ nối tiếp. Các triều đại phong kiến Việt Nam, khi nào triều đình tha hóa thì bên ngoài xã hội đạo đức suy đồi, loạn lạc và giặc giã nổi lên. “Thượng bất chính, hạ tất loạn” – câu ấy người xưa đã tổng kết.
Sự suy đồi đạo đức xã hội nói chung ở nước ta đang có nhiều biểu hiện rất đa dạng, phức tạp và nghiêm trọng. Trong đó, đáng lưu ý bậc nhất là: tham nhũng, “lợi ích nhóm”; hối lộ, chạy án, chạy chức, chạy tội; giả dối và gian lận; bất chấp pháp luật; bạo lực và giết người…
Tình hình trên có một phần do sự tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho cơ chế ấy, bởi nó là thế, luôn có hai mặt: mặt tích cực là chủ yếu, sự lựa chọn kinh tế thị trường là đúng đắn, đồng thời có mặt trái, tiêu cực, là mặt thứ yếu. Nói mặt trái mặt phải chẳng qua chỉ là cách nói, còn thực ra mọi thứ đều có mặt này và mặt kia hợp lại mà thành. Nó không thể khác. Cũng là dễ hiểu, hầu hết các vấn đề của đời sống xã hội đều có hai mặt như vậy, ngay cả thuốc chữa bệnh cũng có tác dụng phụ.
Nhiệm vụ và năng lực của những người lãnh đạo, quản lý là phải biết phát huy mặt tốt và hạn chế ngăn ngừa tác động của mặt xấu. Đất nước cần lãnh đạo là cần như vậy! Nhiều nước họ còn Kinh tế thị trường đầy đủ hơn ta, thời gian dài hơn ta, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường không làm tha hóa như vậy?
Mặt trái của cơ chế thị trường có tác động xấu đối với đạo đức xã hội, nhưng nó không phải là thủ phạm chính. Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng. Tôi dùng từ tha hóa quyền lực là nói gọn, nói tắt, còn nói rõ hơn thì đó là sự tha hóa của những con người được sử dụng quyền lực, là sự lộng quyền vì lợi ích cá nhân, những người được giao quyền lực không sử dụng đúng mục đích để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo và quản trị quốc gia phát triển, mà ngược lại coi đó là phương tiện phục vụ mục đích cá nhân, chà đạp công lý, ức hiếp mọi người và gian lận thu vén.
Quyền lực là công cụ rất hữu hiệu để tập hợp lực lượng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu như nó được trao đúng cho những người có đủ nhân cách tốt. Mặt khác, nó luôn làm tha hóa những người sử dụng quyền lực, nếu họ không đủ nhân cách và quyền lực không được kiểm soát. Chức quyền càng lớn hoặc sử dụng càng lâu thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì nhà nước thay đổi bản chất, không còn là nhà nước của dân nữa, Đảng cũng sẽ thay đổi bản chất – không còn là Đảng chân chính, và rạn vỡ như một quy luật tự nhiên. Bài học này đã được thực tế chứng minh hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại Đông Âu và Liên Xô cũ.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng phải tranh cử gắn với mở rộng quyền đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, cũng như quyền ứng cử của các cá nhân. Không có tranh cử thì cơ chế ấy sẽ dẫn đến tha hóa đội ngũ cán bộ, giống như muôn loài khi tách khỏi “chọn lọc tự nhiên”.
Trong điều kiện một Đảng thì tất nhiên là khó hơn. Nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không làm được. Và nhất thiết phải làm. Trong khi một Đảng lãnh đạo thì Đảng ấy nhất thiết phải giương cao ngọn cờ dân chủ, tổ chức Đảng chủ yếu là lãnh đạo, thuyết phục về tiêu chuẩn cán bộ, hạn chế tối đa việc giới thiệu nhân sự cụ thể, chỉ tổ chức hiệp thương giới thiệu một số ít trường hợp để làm chủ chốt với các phương án khác nhau không có quân “xanh” quân “đỏ”; khắc phục tối đa tình trạng “một mình một sân”, “Đảng cử dân bầu”, đồng thời phát huy cao nhất vai trò tự chủ của các đoàn thể chính trị xã hội và các hội trong việc chọn người ra tham gia tranh cử. Đó cũng là nói về vai trò của xã hội dân sự lành mạnh.
Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ qua bầu cử, là vậy. Còn đối với cán bộ chuyên môn thì phải thông qua thi cử công khai và công bằng. Giảm mạnh bộ máy và nâng lương cao lên cho cán bộ, không để cán bộ sống chủ yếu bằng các nguồn “thu nhập khác” như hiện nay. [Xin hãy đừng nói với tôi rằng không có ngân sách lấy gì mà nâng lương ? Chẳng qua chỉ là thay đổi cách quản trị quốc gia].
Việc xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực là hết sức cần thiết, nhất định không được bỏ qua vụ nào, dù phải động chạm đến bất kỳ ai. Mọi sự bao che hoặc dung túng cho “quan tham” đều là con đường dẫn đến sụp đổ chế độ. Tập thể các Ban Chấp hành và những đảng viên chân chính không được thụ động, thả tay, thừa nhận bất lực, mà phải kiên cường và chủ động tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” - ủng hộ mạnh mẽ những việc làm đúng, nhất là trong việc chống “lợi ích nhóm” và chống bảo thủ (thúc đẩy đổi mới) của Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc chiến này.
Trong số các nhóm giải pháp, việc xử lý các vụ tiêu cực viết sau không có ý rằng nó ít quan trọng, mà vì nó chủ yếu là giải quyết hậu quả, giải quyết cái đã xảy ra rồi, vẫn rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm sẽ có tác dụng răn đe. Nhưng dù sao thì nó vẫn không phải là cách trực tiếp ngăn chặn từ đầu. Nếu chúng ta chỉ tập trung công sức cho việc xử lý cái đã xảy ra, thì đề phòng trong khi giải quyết được vài ba vụ, có thể đã phát sinh thêm năm bảy vụ mới, tổng số tồn đọng vẫn cứ không giảm, mà có thể nhiều hơn. Cho nên phải tập trung nhiều nhất cho việc ngăn chặn đầu vào, giải quyết từ gốc cái điều kiện và tác nhân sinh ra tiêu cực, đồng thời xử lý một cách kiên quyết, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin.
Trong nhiều trường hợp, việc minh bạch thông tin còn công hiệu hơn kỷ luật, vì cái xấu không còn nơi ẩn nấp. Nếu không minh bạch thông tin, cứ để mập mờ, thì mọi người sẽ nghi ngờ tất cả, người tốt và liêm khiết cũng bằng nhau với người xấu và tham nhũng, không còn ai tốt cả, vậy thì nhân dân biết tin vào đâu.
(Còn nữa)
Hà Nội 10/2016
TS. Vũ Ngọc Hoàng

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

 CHÙM THƠ LÀM TỪ 20 ĐẾN 27 / 9 / 2016

1 - TÂM  SỰ

Sông thời gian trôi mãi
Thuyền đời lặng lẽ xuôi
Qua chênh vênh ghềnh thác
Cập bao bến bờ vui


Ngoảnh về năm tháng cũ
Hồi ức chốn xa vời
Dắt lưng vài con chữ
Ngất ngưởng tháng ngày chơi


Ngày mỗi ngày giãi tỏ 
Cùng bạn hiền tri âm
Giữa nhân tình thế thái
Buông một tiếng ... tơ lòng !

27/9/2016

 2 - KHÔNG KHỨ HỒI

Chuyến tàu đời
Không vé khứ hồi
Hai lần tuổi trẻ
Muôn triệu kiếp người
Vẫn thế
             lặng lẽ trôi ... !

27/9/2016

 3 - ƯỚC

Thuở xưa má hóp trán nhăn
Mắt to bụng lép mần răng rứa hề
Bây chừ mắt bé bụng phè
Ước chi vóc dáng trở về thuở xưa !

24/9/2016


 4 - CÂY SẤU

Đời gọi là cây sấu
Nhưng thật đẹp lạ lùng
Cây chắc cành xanh biếc
Vượt qua mọi bão giông


Rễ cắm sâu lòng đất
Hút vị ngọt giữa đời
Kết tinh thành quả chín
Chua ngọt xin trao người


Giữa ngày nắng chói chang
Sấu tỏa cành rợp mát
Trong bữa cơm thường nhật
Sấu dầm canh ngon lành


Giữa muôn vàn cây cối
Một sắc màu biếc xanh 
Lặng lẽ dâng cho người
Bao tinh hoa sự sống !


21/9/2016

 5 - CHIẾC ÁO

Một chiếc áo vô tri vô giác
Đã cùng tôi rong ruổi dặm trường 
Khi ra Bắc lúc vào Nam
Khi sang Âu Mỹ khi tường Trung Hoa


Áo vẫn vậy đẹp tươi bền mốt
Còn bao năm dùng tiếp nữa đây !


 6 - PHƯỢNG VĨ

Phương vĩ đã trút mùa hoa đỏ
Gió thu chấp chới lá vàng rơi
Nhành cây biếc đung đưa đùa gió 
Nắng xôn xao tỏa ngát sân đời !

21/9/2016


7 -  GIỮA THU

Bên thềm một sớm giữa thu sang
Thoang thoảng heo may vạt nắng vàng
Chùm lá biếc xanh reo trong gió
Lâng lâng cảm xúc dạ xốn xang

20/9/2016

 8 - NGÀY MỚI

Bình minh soi cửa sổ
Chim ríu rít trên cành
Phố phường bừng ngày mới
Giữa hối hả mưu sinh


20/9/2016

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

HAI BÀI THƠ LÀM TRONG NGÀY 7 / 9 / 2016
----------------------------------------------------------
N M Đ

KÝ HOẠ

Hắn - U 70
Con hắn lớn
Vợ hắn già
Nhà hắn kiên cố
điện nước ổn định
Thu nhập khá
Lại đã thường dân.



Hắn - đã yếu tay chân
vẫn hố ham Tennis
Vẫn căng đầy cảm xúc
Sôi nổi rộn ràng
sau từng trận đua tranh.


Không phải nghiệp văn chương
mà đam mê cấy cày trên cánh đồng chữ nghĩa
Cảm xúc ập ùa từng câu chuyện kể
Từng bài thơ nồng ấm cõi lòng.

Hắn vẫn cầm vô lăng
Lái xe gia đình chính hãng
Khi thăm thú bạn già
Lúc gặp gỡ hàn huyên.

Còn cái đầu bạc
Hắn ra hiệu cải lão hoàn đồng
Hắn chẳng có gì khác
Thích quyện hoà
giữa mọi cuộc vui chung !

Mỹ Đình, 07/9/2016


TIN THẬT NHẤT

Hằng ngày tôi đọc báo
Tin đầu tiên trang tám
Báo Quân đội nhân dân
Để biết đồng đội mình
Những ai vừa giã biệt

Biết còn kịp đi viếng
Tiễn bạn về Vĩnh hằng
Biết để cùng chia sẻ
Đau buồn với người thân

Giữa bạt ngàn thông tin
Ngập tràn bao thứ chuyện
Nhưng mà tôi nghĩ rằng
Tin ấy là thật nhất

Đời có đến và đi
Đã sinh thời có hóa
Giữa hai khoảng cách đó
Là thẳm sâu đời người

Trên mặt báo trang tám
Diện tích bằng bao diêm
Khép lại một cuộc đời
Qua thăng trầm dâu bể

Tin buồn kịp để bao người chia sẻ
Trước tang thương nghĩa tử giữa đời !

Mỹ Đình, 07 /9 /2016

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

BA BÀI THƠ LÀM TRONG NGÀY 06 / 9 / 2016
----------------------------------------------------------
Nguyễn Mạnh Đẩu 

CHUYẾN TÀU ĐỜI

Chuyến tàu đời 
Chất đầy quá khứ
Xác buồn, vui 
ăm ắp những toa hàng ...

Chuyến tàu đời
Không màu sắc
Không hình hài
Lặng lẽ Ga thời gian ...

Chuyến tàu đời 
Không hương vị
Mà sao - vẫn đủ thế
Đắng cay với ngọt bùi !

Chuyến tàu đời
Cơ duyên phận số
Không thể khứ hồi
dẫu có là dang dở !

Chuyến tàu đời
Số ghế chỗ ngồi
Muôn năm ước lệ 
Trên mọi nẻo phương trời !

Khi đã xuống tàu 
hết thảy như nhau
Số ghế chỗ ngồi 
chìm vào giã biệt ...

Sân ga chiều ngả màu tím biếc
Chuyến tàu đi - đi tiếp cung đường.

Mỹ Đình, 06/9/2016

TỰ HOẠ - MỘT MÙA NGƯỜI 2

Lính vào nơi chiến trận
Tướng nhỏ chốn kinh thành
Quay một vòng đủ chín
Về lại - Phó thường dân
Được làm dân thanh thản
Giữa dòng đời an nhiên
Nhìn đời it màu xám
Rũ hết thảy ưu phiền
Thời gian cứ dần trôi
Nhìn cháu con phương trưởng
Ấy là niềm vui lớn 
Ước nguyện cuối trang Đời !

Mỹ Đình, 06/9/2016

TỰ SỰ

Sau mấy bận đau yếu
Bà cháu khỏe lên rồi
Mãn chiều thật chơi vơi
Ổn chừng nào, hay nấý

Hễ hôm nào bà ốm
Ông tròn vai O Sin
Ấy là điều hiển nhiên
Trong tình sâu nghĩa nặng

Con cháu thì riêng vắng
Khuya sớm ông mụ già
Trong căn nhà vào ra
Chăm cơm ăn thuốc uống

Ấy là điều sung sướng 
Giữa năm tháng tuổi già
Ta vẫn kề bên ta
Chung chiều sâu cuộc sống !

Mỹ Đình, 06 /9 / 2016




Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

GHI LẠI MẤY BÀI THƠ TRONG 2 NGÀY
===============================

KÍNH CỤ NGUYỄN KHUYẾN
---------------------------------------

N M Đ

 ĐÊM THU

Đêm Thu tĩnh mịch gió hanh heo
Phố nhỏ yên bình khách vắng teo
Canh khuya tỉnh giấc mơ hay thực
Buồn vui xen lẫn … một thoáng vèo !

LÒNG THU

Trời xanh ngan ngát gọi Thu về
Gọi kỉ niệm xưa mái tranh quê
Mẹ sinh con ngày Rằm Tháng Chín (*)
Trải vàng lồng lộng ánh trăng khuya

 ƠN THU

Đất Trời cứ mỗi độ Thu sang
Xao xuyến lòng con bao nhớ thương
Công Cha nghĩa Mẹ ơn Thầy đó
Đã cho con trọn bước dặm trường

Mỹ Đình, sáng sớm 04 / 9 / 2016
-----------------------------
(*) Tôi sinh Rằm Tháng Chín năm Mậu Tý, tức ngày 17-10-1948



GẶP NHAU

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Đời còn mấy nữa lại chơi vơi
Một mai nhẹ bước về cõi Phật
Đọng lại lòng nhau một tiếng cười

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Dòng đời đã trải khắp bao nơi
Mãn chiều sum họp bên bằng hữu
Lắng suy hồi ức mấy phương trời

Thôi đừng gọi chức tước, công danh
Chỉ xưng nhau Cựu Chiến Binh là đủ
Giữa muôn nẻo đường đời phận số
Những ráng vàng quá khứ để ... mừng thôi !


Mỹ Đình, sáng  04/9/2016


TENNIS

Chiều Chủ nhật sân chơi vắng bạn
Phiếu - Thuật bèn rủ trận đánh đơn 
Già tôi sức yếu chân chồn
Thua hai bạn trẻ hai không bấy chừ

Các cụ dạy muôn năm là thế
Khôn có đâu tới trẻ hỡi Trời 
Còn thì cơ bắp cuộc chơi
Già thua chí phải giữa đời hiển nhiên

Cứ là vậy an nhiên tự tại
Chơi bạn bè vui thú cháu con
Xưa nay trong cuộc vuông tròn
Thắng - Thua chẳng kể nguồn cơn nỗi gì !


Mỹ Đình, chiều tối 4/9/2016


CHI BỘ HƯU

Mấy ông bà hưu trí
Phần đông Cựu Quân Nhân
Tổ Dân phố Nhà Binh
Sinh hoạt cùng Chi bộ

Chi bộ là lãnh đạo
Nhưng cũng khó vô cùng
Lãnh đạo thế nào nhỉ
Đâu cùng mục tiêu chung !

Mấy mươi năm về trước
Dưới Đảng kỳ xin thề
Còn sống còn phấn đấu
Trọn con đường đã đi …

Ngày tháng cứ dần trôi
Hãy an nhiên thanh thản
Cùng cháu con bè bạn
Chung sống tốt giữa đời !

Mỹ Đình, họp Chi bộ sáng 5 /9/2016