Menu ngang

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

ĐH chỉ là nơi để lấy tấm bằng!

Thực trạng thất nghiệp của sinh viên và sự sụt giảm số người vào ĐH liên tục từ năm 2010 đến nay cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang tụt hậu không chỉ so với thế giới mà còn với cả nhu cầu thiết thân của nền kinh tế

Tại Đối thoại Giáo dục toàn cầu diễn ra ở Hàn Quốc mới đây, nhiều người đã phải đặt câu hỏi: Trong bối cảnh đổi thay vũ bão của giáo dục ĐH toàn cầu, giáo dục ĐH Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào và đang đáp ứng ra sao?
Tụt hậu giữa thế giới công nghệ
Tiến bộ công nghệ mang lại lời giải cho bài toán mở rộng lối vào ĐH với một chi phí không quá đắt đỏ và chất lượng có thể chấp nhận. Bên cạnh những tượng đài học thuật vẫn đang tồn tại như là biểu tượng của mô hình ĐH nghiên cứu truyền thống, chẳng hạn ĐH Harvard hay Cambridge, còn có những loại hình trường mới nảy sinh. Đó là các trường “khổng lồ” với hàng trăm ngàn sinh viên như ĐH Mở Quốc gia Indira Gandhi (Ấn Độ) - thành lập năm1985, hiện có 3,5 triệu sinh viên; ĐH Mở Trung Quốc - thành lập năm 1979, hiện có 2,7 triệu sinh viên; ĐH Islamic Azad (Iran), ra đời năm 1982 với 1,6 triệu sinh viên...
Những hình thức phi truyền thống đã ra đời, như đào tạo trực tuyến có thu phí và cấp bằng ở Coursera; đào tạo mở hoàn toàn, không thu phí và không cấp bằng tại Khan Academy.

Các trường ĐH Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng phương pháp chủ yếu là diễn giảng Ảnh: TẤN THẠNH
Các trường ĐH Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng phương pháp chủ yếu là diễn giảng Ảnh: TẤN THẠNH

Tiến bộ công nghệ tác động trực tiếp đến hoạt động dạy và học. Sinh viên ngày nay được gọi là thế hệ i (i-generation) - những người sử dụng thành thạo và thường xuyên các thiết bị truyền thông kỹ thuật số, liên tục nối kết các mạng xã hội với mức độ giao tiếp ảo thay cho giao tiếp thật ngày càng tăng và tiếp thu một nguồn thông tin khổng lồ. Họ hoàn toàn không cần lối truyền giảng tri thức một chiều của nhà trường truyền thống vì không thầy cô nào đủ khối lượng kiến thức có thể so sánh nổi với kho kiến thức tuôn ra với một cái bấm chuột. Tiến bộ công nghệ đã cho phép việc học có thể cá nhân hóa triệt để và người thầy phải thích ứng với xu hướng ấy để tồn tại.
Trong 2 thập kỷ qua, giáo dục ĐH Việt Nam đã tiến một bước rất dài xét về mặt mở rộng cơ hội tiếp cận. Nhu cầu của kinh tế thị trường và chính sách mở cửa với giáo dục ĐH ngoài công lập đã đưa tỉ lệ người vào ĐH-CĐ trong độ tuổi ở Việt Nam tăng từ 2% lên xấp xỉ 20%, số sinh viên/10.000 dân hiện đã đạt mức khoảng trên 200.
Tuy vậy, thực trạng thất nghiệp của sinh viên trong vài năm gần đây và sự sụt giảm số người vào ĐH liên tục từ năm 2010 đến nay đã gửi đi một tín hiệu báo động. Nó cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang tụt hậu không chỉ so với thế giới mà còn so với nhu cầu thiết thân của nền kinh tế.
Không học được điều gì đáng kể!
Cho đến nay, có thể nói hầu như các trường ĐH Việt Nam đều đang hoạt động theo phương thức truyền thống, với phương tiện chủ yếu là lớp học, giảng đường, thư viện; phương pháp chủ yếu là diễn giảng; thi cử chủ yếu là kiểm tra kiến thức.
Sự có mặt của tiến bộ công nghệ trong lớp học gần như chỉ là chiếc máy chiếu LCD projector. Vẫn còn ít những người thầy đưa các tài liệu giảng dạy vào lớp dưới hình thức nghe nhìn. Tương tác trong lớp học, dạy bằng cách làm dự án, tạo ra môi trường học tập trải nghiệm... vẫn là những hiện tượng chưa phổ biến. Mối quan hệ nối kết với giới doanh nghiệp và thế giới việc làm vẫn rất hạn chế.
Hệ quả, trường ĐH là nơi sinh viên đến chủ yếu để lấy tấm bằng, còn những gì cần cho cuộc đời họ, cả trong nghề nghiệp lẫn trong việc phát triển cá nhân, thì họ phải tự tìm kiếm ở bên ngoài. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn bởi thời gian của đời người có hạn mà những gì cần học thì vô biên. Những người có điều kiện tài chính thì tìm đến học trường nước ngoài hoặc cácchương trình liên kết.
Thị trường giáo dục ĐH Việt Nam hình thành 2 phân khúc: hàng hiệu giá (quá) cao và hàng chất lượng kém giá rẻ. Phân khúc hàng thật giá phải chăng vẫn còn trống. Rốt cuộc, sinh viên ra trường với tấm bằng không xin được việc bởi trong những năm học ĐH, họ đã không học được điều gì đáng kể. Những người không có khả năng tự học ở bên ngoài nhà trường sẽ bị tụt lại phía sau ngày càng xa.
Có ý kiến cho rằng các trường mở ra ồ ạt, cung vượt quá cầu là nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp. Thật ra, chúng ta không thừa cử nhân vì tỉ lệ người vào ĐH của Việt Nam còn quá thấp so với khu vực. Chúng ta không thừa người có trình độ ĐH mà chỉ thừa người có bằng nhưng không có khả năng tự học và năng lực thích ứng.
Quan sát những biến chuyển trong thị trường giáo dục ĐH, có thể dễ dàng nhận thấy hiện tượng lạm phát bằng cấp đang leo thang. Thoạt đầu, bằng ĐH được xem là tấm vé vào cửa cho những vị trí công việc tốt. Sau đó là bằng thạc sĩ, rồi đến tiến sĩ. Hiện nay, có một tâm lý phổ biến là người ta không còn tin vào bằng cấp trong nước. Vì vậy, cuộc chạy đua với mục tiêu mới là bằng quốc tế trở nên nóng bỏng. Khi thị trường bằng cấp đã và đang tiếp tục bão hòa, tấm bằng không còn là sự bảo chứng cho năng lực nữa thì chỉ những người có năng lực thực sự mới có thể sinh tồn.

Không thể tách rời dòng chảy thế giới
Hơn bao giờ hết, các trường ĐH Việt Nam, các doanh nghiệp và giới làm chính sách cần ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp phù hợp cho bối cảnh trong nước. Trong không gian toàn cầu, Việt Nam - một đất nước với 92 triệu dân nhưng có đến 134 triệu thuê bao điện thoại di động tính đến tháng 1-2014 và hơn 20 triệu tài khoản Facebook - không thể tách rời dòng chảy của thế giới. Thế hệ i đang sống trong một môi trường thông tin tràn ngập mà chúng ta chưa từng có. Nếu không tìm thấy điều mong đợi trong trường ĐH thì họ sẽ tìm kiếm nó ở bên ngoài hoặc sẽ lạc lối.

Phạm Thị Ly

Ngôi đền danh nhân: tôn thờ và tiếp tục suy tưởng


Như chủ tịch Nguyễn Thị Bình đã tuyên bố trong lời khai mạc, bắt đầu từ năm nay quỹ văn hóa của chúng ta có thêm một hoạt động thường niên quan trọng: tôn vinh những danh nhân văn hóa việt nam thời hiện đại...
LTS. Nhân kỷ niệm 89 năm ngày mất của nhà văn hóa, nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ngày 24.3 tại TP.HCM Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức lễ trao giải thưởng lần thứ 9, 2015. Ngoài những giải truyền thống, năm nay Quỹ có thêm một hoạt động thường niên quan trọng: tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Để hiểu thêm vì sao ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh được Quỹ rước vào “ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, Người Đô Thị xin giới thiệu phần cuối diễn từ bế mạc giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần 9 do nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Hội đồng Giải thưởng của Quỹ - chấp bút.
Năm nay, để mở đầu, chúng tôi đề nghị rước vào ngôi đền Panthéon của chúng ta ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Tượng Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Xin nói đôi lời về Trương Vĩnh Ký. Ông sinh năm 1837 và mất năm 1898, hai năm trước khi kết thúc thế kỷ 19. Trước hết, đấy là một nhà bác học, nhà bác học lớn đầu tiên của Việt Nam ở thời hiện đại. Jean Bouchot bấy giờ gọi ông là “nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến cả Trung Hoa hiện đại nữa”. Theo Bouchot, “người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của châu Âu trong đủ ngành khoa học”. Một đánh giá không hề quá. Trương Vĩnh Ký là một thiên tài về ngôn ngữ học. Một vị giáo sĩ một lần đến thăm ông thấy ông nói thành thạo và một cách sang trọng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào nha, Hy Lạp… và nhiều ngôn ngữ phương Đông: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mã Lai… Và buổi chiều khi từ giã ông thì lại thấy một nhà truyền giáo đến thảo luận với ông về thần học bằng tiếng La Tinh! Ông tự học ngoại ngữ ở chủng viện Pénang. Ông còn am hiểu sâu, hết sức cập nhật và với một đầu óc độc lập, cực kỳ nhạy cảm và sáng tạo những vấn đề lý thuyết ngôn ngữ học mới nhất đương thời. Ông thành thạo hàng chục ngôn ngữ và hiểu sâu sắc các nền văn hóa và văn minh đằng sau các ngôn ngữ ấy.
Năm 1886, coi là đã xong công cuộc bình định, Pháp đưa Paul Bert, một nhà bác học, viện sĩ Viện Hàn lâm sang làm toàn quyền Đông Dương. Đã biết và khâm phục Trương Vĩnh Ký từ khi gặp ông ở Pháp cùng phái đoàn Phan Thanh Giản, Paul Bert mời ông ra Huế, sung vào nội các Nam triều, với mục đích giúp người Pháp hiểu Việt Nam, và người Việt Nam hiểu Pháp, cũng là tâm nguyện của Trương Vĩnh Ký. Nhưng chỉ bảy tháng sau Paul Bert chết đột ngột vì bệnh tả. Lạc lõng giữa một đám thực dân khinh khỉnh và cao ngạo, một đám quan lại Nam triều hèn mọn, hiềm khích, Trương Vĩnh Ký bỏ về. Và từ đấy cho đến khi qua đời, ông đã cống hiến toàn bộ tài năng và công sức của mình, mà Nguyễn Văn Tố gọi là một “lao động mênh mông”, cho công cuộc văn hóa, tập trung nhiều nhất cho việc nghiên cứu, phân tích với một trình độ chuyên môn uyên bác về ngôn ngữ học và các khoa học tinh tế liên quan đến văn học và nghệ thuật, và chuyển ngữ các tác phẩm ưu tú nhất trong gia tài văn học dân tộc mà ông thiết tha yêu quý. Ông là người đầu tiên chuyển dịch Truyện Kiều ra quốc ngữ. Ông để lại hơn trăm tác phẩm, nghiên cứu và sáng tác, về văn học Việt Nam, về ngôn ngữ học, về lịch sử, về sư phạm…, cả những tác phẩm mô tả sinh động hiện thực xã hội Việt Nam đương thời, một gia tài mênh mông mà chắc chắn chúng ta có nhiệm vụ phải tận khai, cho cả hôm nay.
Trương Vĩnh Ký đã sống trong một thời kỳ xáo động và đã trải một cuộc đời đẹp đẽ mà cũng lại có nét éo le, bi tráng. Ngay khi phải sống và làm việc cho Pháp, ông vẫn nhắc câu châm ngôn ”Sic vos non vobis” - Ở với họ mà không theo họ. Sưu tầm, chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, ông gọi rõ ràng Tây là “giặc”. Ông phản đối quyết liệt chủ trương có màu sắc đồng hóa của chính quyền thực dân muốn đưa tất cả những người Việt là thuộc dân (sujet français - tức dân thuộc địa Nam Kỳ và ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) vào quốc tịch Pháp, tự mình suốt đời nhất quyết chỉ giữ quốc tịch Việt Nam. Học giả Vương Hồng Sển viết: Trương Vĩnh Ký ở “gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ…”.
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký xứng đáng là một trong những danh nhân đầu tiên làm vinh dự cho ngôi đền văn hóa của chúng ta.
Hôm nay chúng ta cũng rước vào Panthéon của chúng ta hai nhà chí sĩ yêu nước lớn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Hai nhân vật chính trị và văn hóa kỳ vĩ, và cũng thật kỳ lạ. Là đồng chí, đồng tâm, gắn bó sâu sắc, hiểu nhau đến tận cùng, thương yêu, kính trọng và bảo vệ nhau hết mực; nhưng cũng lại hết sức khác biệt, đến gay gắt, trong chủ thuyết cứu nước và cực kỳ thẳng thắn trong khác biệt đó. Một thái độ văn hóa chính trị mẫu mực, chỉ riêng điều này thôi đã đáng để chúng ta hôm nay trân trọng suy nghĩ.
Tượng Phan Bội Châu (1867 - 1940) tại Huế
 
Tượng Phan Châu Trinh (1872 - 1926) tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh - TP. Đà Nẵng
Phan Bội Châu, mà có thể nói mỗi từ, mỗi chữ trong những trước tác thống thiết của ông không chỉ được viết bằng nước mắt mà thật sự bằng máu, mỗi tác phẩm đều là một “huyết lệ thư”, khăng khăng chủ trương “thiết huyết”, bằng mọi cách dùng bạo lực vũ trang dành kỳ được độc lập. Tranh luận với Phan Châu Trinh về mục tiêu hàng đầu dân chủ, ông nói: “Có dân đâu mà chủ!”. Chưa độc lập, lấy đâu ra dân mà chủ.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9 (2015):
Giải “Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục”: nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo;
Giải “Dịch thuật”: dịch giả Nguyễn Nghị;
Giải “Việt Nam học”: giáo sư Keith Weller Taylor;
Giải “Nghiên cứu”: nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.
Tôn vinh ba danh nhân văn hóa: Phan Bội Châu, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh.
 Phan Châu Trinh coi độc lập là tất yếu cần thiết, nhưng là một đoạn, một bước, có thể trước có thể sau, của một mục tiêu cơ bản và lâu dài hơn là phát triển, cùng với thế giới, với nhân loại, bởi vì ông là người đầu tiên nhận ra thật rõ rệt, rằng thế giới đã khác, như cách nói ngày nay, thế giới đã là thế giới toàn cầu hóa - hồi bấy giờ là cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất. Dù bằng cách nào đó dành lại được độc lập, mà dân vẫn ngu dốt, dân tộc chưa được làm lại thành dân tộc văn minh, thì độc lập cũng vô nghĩa và không thể vững chắc. Có dân mà dân ngu dốt, tăm tối, thì dân để làm gì? Ông nói: “Dân trí đã mở, trình độ ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau đấy”. Giải pháp hàng đầu của ông do vậy tất yếu là khai dân trí. Bất bạo động mà khai dân trí. Có lẽ cách nói của Hoàng Xuân Hãn đúng và rõ hơn: Phan Châu Trinh chủ trương một cuộc cách mạng tân văn hóa...
 Lịch sử hiện thực đã đi theo con đường của Phan Bội Châu. Chiến tranh anh hùng và khốc liệt đã đem lại độc lập. Nhưng, lạ thay, mà cũng hay thay, có lẽ với thời gian, với hiện thực hậu chiến, những câu hỏi cháy bỏng mà dở dang của Phan Châu Trinh nay lại được đặt ra. Vẫn nóng bỏng như trăm năm trước.
 Như vậy ngôi đền danh nhân của chúng ta không chỉ để tôn thờ, mà còn để tiếp tục suy tưởng. Cho chính hôm nay. Như bao giờ cũng vậy, những nhà tư tưởng và văn hóa lớn, cỡ Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… sống mãi vì tính thời sự kỳ diệu và kỳ lạ của họ, từng lúc lại thức dậy, tinh khôi và sống động trong cuộc sống phát triển.
__________________
Tựa đoạn trích của Người Đô Thị.

Nhân tài Việt Nam, anh ở đâu?

Mọi xã hội đều phát triển nhờ những cá nhân xuất chúng. Việt Nam chúng ta đã đào tạo được nhân tài theo đúng nghĩa?  Tức là tạo ra được những cá nhân có thể thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội? 
Nhân tài ơi, anh ở đâu?
Với bất kỳ một nền giáo dục nào, hai nhiệm vụ chính cần phải làm, đó là:
1. Cung cấp một nền giáo dục cơ bản cho số đông. Nâng đỡ họ hoàn thiện bản thân để sau này thành  công dân có ích, làm việc nuôi sống bản thân, gia đình.
2. Đào tạo nhân tài qua các chương trình học chuyên sâu để họ cống hiến tài năng đặc biệt của mình cho việc quản lý xã hội và phát triển quốc gia. Tạo nên tầng lớp tinh hoa tài năng để họ trở thành những người cải tạo xã hội.
Số ít được lựa chọn chính là những người thay đổi xã hội. 
Những năm qua nền giáo dục của ta đã quên mất nhiệm vụ số 1 mà tôi nêu trên. Còn nhiệm vụ số 2 thì nền giáo dục của ta làm rất tập trung và nỗ lực thực hiện để lấy đó làm thành tích khoe ra ngoài.
Ở Việt Nam hệ thống đào tạo nhân tài được thông qua 2 kênh chính sau: 
1. Hệ thống trường chuyên lớp chọn.
2. Hệ thống đại học chuyên ngành và đặc biệt là hệ đào tạo cử nhân tài năng.
giáo dục, nhân tài, Việt Nam, trường chuyên, trường Ams
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được trao hàng năm. Ảnh: VTC
Như chúng ta đã biết hệ thống đào tạo cử nhân tài năng của chúng ta là thứ sớm nở tối tàn. Nó không sai về mục tiêu nhưng đã sai về phương pháp luận và cách thức thực hiện. Với hệ thống trường chuyên việc tuyển chọn và đào tạo nhân tài đã được thực hiện và diễn ra một cách không hiệu quả? Lý do là ở đâu? Tôi xin được đưa ra các kiến giải của riêng cá nhân tôi trong các phân tích về thực trạng dưới đây:
Việc tuyển chọn:
Chúng ta có một cách duy nhất là thông qua bài thi tính theo điểm số. Tuy nhiên, đây là cách làm không chính xác. Thực tế chứng minh các cá nhân có tài năng đặc biệt lại thường không xuất sắc trong giai đoạn học tập ở phổ thông và không phải ai cũng giỏi trong các kỹ thuật của thi cử. Nhất là kết quả thi cử của ta được quyết định bởi một quá trình luyện thi lâu dài với công nghệ làm bài tới mức thành thợ giải bài như hiện nay. 
Bằng chứng thuyết phục hơn cho việc này là sau khi học chuyên trong thời gian ở phổ thông thì rất ít các em tiếp tục theo đuổi các môn chuyên của mình ở bậc đại học. Các em có khá về môn đó và giỏi về giải bài của môn đó nhưng dứt khoát các em không phải là tài năng.
Công tác đào tạo: 
Rất nhiều em là tài năng đã không qua được các kì thi mà kết quả chỉ dựa vào điểm số như hiện nay. Tài năng là một thứ đặc biệt và nó có thuộc tính riêng. Một trong các thuộc tính của nó là với mỗi con người, tài năng được phát lộ vào các giai đoạn khác nhau và tỏa sáng vào các thời điểm khác nhau. 
Với một chương trình học nặng về lý thuyết khoa cử và điểm số tài năng của các em chỉ dừng ở mức giải bài chứ không đạt tới việc đạt được chiều sâu của kiến thức thông qua việc nghiên cứu và thực hành như một nhà khoa học trẻ. Ở các môn khoa học thực hành như Vật Lý, Hóa Học và Sinh Học, các em không hề biết tới khái niệm thực hành, làm thí nghiệm, trao đổi  nghiên cứu và tranh luận phản biện khoa học, viết báo cáo... Những công việc và kĩ năng giúp các em trở thành nhân tài thông qua quá trình lao động mang tính nghiên cứu.
Sự kết nối: 
Chúng ta phải ghi nhớ một điều: tài năng ở bậc học phổ thông (gifted) sẽ không bao giờ trở thành một nhân tài (talented) nếu như quá trình học tập ở phổ thông của các em không được kết nối chặt chẽ và liên tục với việc học ở bậc cao (đại học và sau đại học...) 
Các em học sinh giỏi của chúng ta học trong các trường chuyên chỉ coi đây là môi trường học chuyển tiếp thuận lợi cho các em vào đại học hoặc đi du học. Sứ mạng của trường chuyên là đào tạo nhân tài không được các em ý thức và mang trên vai để đi và theo đuổi đến cùng.hư một đam mê, một sự dấn thân hay một trách nhiệm và sứ mạng. Nhiều em vào đại học không phải là ngành mà các em học môn chuyên ở phổ thông, và càng không phải thế với những em đi du học.
Ví dụ như Hà Nội - Amsterdam là trường chuyên của thủ đô 9 triệu người này. Ams có phải là nơi đào tạo ra nhân tài hay không khi các em vào đây với mục đích là để đi du học? 
Hoàn toàn không!
Có sự bất công lớn ở đây khi các em học sinh Ams được tận hưởng nhiều lợi thế từ sự đầu tư lớn và tập trung của xã hội. Để cuối cùng các em không phải theo đuổi môn chuyên của mình ở bậc đại học mà theo đuổi việc tìm học bổng du học. Nếu mà chỉ như vậy thôi thì đã đến lúc trường Ams và các em học sinh Ams nên thôi tự hào về việc mình là các học sinh ưu tú của thủ đô được rồi. Và cũng cần chấm dứt nhận được sự đầu tư toàn diện như hiện nay .
Dựa trên thực tế đào tạo của các nước tiên tiến, tôi xin đưa ra một số hướng cải tiến và khắc phục:   
1.    Xây dựng cách thức và biện pháp hướng tới nguyên tắc: KHÔNG tài năng nào bị bỏ sót.
-  Xây dựng cách thức tuyển chọn nhân tài không hoàn toàn dựa vào kết quả qua điểm số. 
-   Các cách thức tuyển chọn vào các trường chuyên phải làm sao hạn chế ít nhất việc luyện tủ để đạt mục tiêu thi đỗ. Các dạng kiểm tra về thực tế tiếp xúc, về phỏng vấn... cần được phát triển bởi các ủy ban đủ trình độ, uy tín. 
-   Cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu ngay cả ở các trường bình thường để phát hiện và bồi dưỡng các cá nhân phát lộ tài năng ở các giai đoạn khác nhau. 
2. Xây dựng chương trình học thực sự là đào tạo nhân tài ở bậc phổ thông. 
- Chương trình Toán chuyên phổ thông cần được viết lại.
- Các môn khoa học thực hành cần gắn với thực hành thí nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu.
- Các CLB tài năng cần được tổ chức ở mọi cấp học. 
Môn học chuyên sâu của các em được tổ chức theo hình thức tự chọn. Ở hai năm cuối bậc THPT các em không cần học hết mà chỉ cần học 4-5 môn được chọn theo sở thích và khả năng. Các em học chuyên là học sâu theo các môn tự chọn đó. 
3. Kết nối việc học chuyên của các em HS tài năng với việc học đại học của các em theo hướng: 
Tiếp tục theo đuổi ngành học mà các em đã học chuyên ở đại học chuyên ngành. Việc xét tuyển vào các đại học chuyên ngành sẽ đi theo hướng gắn với các môn chuyên (môn tự chọn) của các em.
Đưa các em xuất sắc nhất nhất trong số các em học chuyên ra nước ngoài học tại các trường đại học hàng đầu thế giới theo đúng chuyên ngành gắn với môn chuyên của các em. Nhà nước cần phải là người chi tiền cho các em học tập chứ các em không phải tự mình lo xin học bổng và sau đó trọng dụng và thực dụng các em theo một lộ trình cụ thể và minh bạch.
Tại Singapore chính phủ áp dụng chính sách hớt váng nhân tài. Họ chọn ra các em xuất sắc nhất ở bậc học Junior College ( hay còn gọi là tiền đại học hay A Level ) để gửi các em sang học các ngành khác nhau đặc biệt là các ngành khoa học kỹ thuật tại các đại học hàng đầu thế giới tại Anh và Mỹ. Các em được chính phủ đầu tư và xác định đây là các cá nhân số ít sẽ nắm  giữ vai trò lãnh đạo và dẫn dắt đất nước sau này. 
Đó không chỉ là họ đào tạo nhân tài mà còn có cả một chiến lược sử dụng nhân lực mà chúng ta nên học hỏi.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Hình tượng Lý Quang Diệu qua bài điếu văn cảm động

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chiều 29/3 đã có một bài điếu văn đầy xúc động về cha mình, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Mở đầu bài điếu văn về cha mình, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Đây là một tuần u ám đối với Singapore. Ánh sáng soi đường cho chúng ta những năm qua đã tắt. Chúng ta đã mất đi người cha lập quốc, ông Lý Quang Diệu, người đã sống và thở cho Singapore suốt cả đời mình”.
Lý Quang Diệu, hình tượng, điếu văn, Lý Hiển Long, lễ tang, cảm động
Ông Lý Hiển Long cúi đầu trước di ảnh cha. (Ảnh: Straits Times)
Về những thành tựu đầu tiên của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long nói:
“Ông Lý Quang Diệu đã đấu tranh giành độc lập cho Singapore thông qua sáp nhập với Malaysia, để tạo thành một Liên bang Malaysia mới. Nhưng không may, việc sáp nhập không thành và chúng ta đã bị trục xuất khỏi Malaysia. Đó là thời khắc đau đớn nhất, nhưng nó cũng chính là bước ngoặt trong vận mệnh của người dân Singapore. Từ đống tro tàn, ông Lý Quang Diệu đã xây dựng nên một quốc gia”.
“Chỉ vài tuần sau khi sáp nhập không thành, ông Lý Quang Diệu mạnh dạn tuyên bố rằng ‘Mười năm kể từ bây giờ, nơi đây sẽ là một đô thị lớn. Đừng bao giờ sợ hãi!’. Và quả thật, ông đã thực hiện được điều đó”.
“Ông thấm nhuần kỷ luật và trật tự - đảm bảo rằng ở Singapore, mỗi vấn đề đều được giải quyết . Ông giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta. Ông đã biến quan hệ lao động từ đình công và đối đầu trở thành nguyên tắc ba bên và hợp tác. Ông đã vận động để nâng cao kỹ năng và năng suất, gọi đó là một cuộc chạy đua không đích”.
Theo ông Lý Hiển Long, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu hiểu rõ “sự phát triển của nền kinh tế là rất quan trọng, quan trọng không kém là sự phát triển trong bản chất của xã hội chúng ta. Vì vậy, ông đã xây dựng một xã hội toàn diện, nơi tất cả mọi người được hưởng những thành quả của sự tiến bộ. Giáo dục đã trở thành nền tảng cho công việc tốt và cuộc sống tốt đẹp hơn”.
“Trong những năm tháng sau này, ông Lý Quang Diệu đã xây dựng một Singapore trong sạch và không tham nhũng.”, Thủ tướng Lý Hiển Lonng nói.
Về thành tựu của ông Lý Quang Diệu trong vai trò một chính khách, ông Lý Hiển Long nói: “Ông đã gia tăng vị thế của Singapore trên trường quốc tế. Ông đã tạo nên mạng lưới rộng lớn những người bạn, trong và ngoài quyền lực. Ông biết mỗi nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông và mỗi Tổng thống Mỹ từ Lyndon Johnson”.
“Ông thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Suharto của Indonesia, một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với đất nước chúng ta. Những nhân vật khác như ông Đặng Tiểu Bình, bà Margaret Thatcher, ông Helmut Schmidt, ông George Shultz, cũng như Tổng thống Bill Clinton và ông Henry Kissinger, những người đang có mặt ở đây chiều nay”.
Lý Quang Diệu, hình tượng, điếu văn, Lý Hiển Long, lễ tang, cảm động
Ông Lý Hiển Long đọc bài điếu văn trong tang lễ. (Ảnh: Straits Times)
Về lối sống của cha mình, Thủ tướng Singapore nói: “Thói quen của ông là tiết kiệm. Ông mặc một chiếc áo khoác suốt nhiều năm, và vá lại những vết sờn rách thay vì mua áo mới”.  Thủ tướng Singapore cũng tiết lộ, cuộc hẹn cuối cùng trước khi bị ốm của ông Lý Quang Diệu là lớp học tiếng Quan Thoại với gia sư người Hoa của mình.
Ông luôn suy nghĩ và lo lắng về vận mệnh Singapore: “Ngay cả khi hấp hối trên giường bệnh, khi các bạn chuẩn bị hạ huyệt, nếu tôi thấy có điều gì đó sai, tôi sẽ đứng dậy”.
Ông Lý Hiển Long không kìm nén được sự xúc động khi nhắc đến tình yêu thương của cha mẹ dành cho nhau: “Mẹ tôi là một phần quan trọng trong cuộc sống của ông. Họ là một cặp vợ chồng yêu thương nhau rất mực. Mẹ tôi vừa là một người vợ trung thành, vừa là người bạn tâm giao của cha. Hai người là một cặp đôi hoàn hảo, và là người cha, người mẹ tuyệt vời”.
“Tôi nhớ cha từng nói với tôi khi cả nhà đang chơi gôn tại Istana rằng, nếu có bất cứ điều gì xảy ra với cha, ông muốn tôi sẽ chăm sóc mẹ, các em trai và em gái”, Thủ tướng Singapore nghẹn ngào.
“Năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Singapore. Chúng ta đều hy vọng rằng, ông sẽ có mặt với chúng ta vào ngày 9/8 để kỷ niệm cột mốc quan trọng này. Đáng buồn là điều đó đã không thể thực hiện được”.
“Ông đã xây dựng Singapore, và được chôn cất trong thánh đường, thành tựu của cuộc đời ông. Nếu có ai đó tìm kiếm đài tưởng niệm Lý Quang Diệu, người dân Singapore có thể tự hào mà trả lời rằng, ‘hãy nhìn xung quanh bạn’”.
“Ánh sáng soi đường cho chúng ta trong suốt những năm qua đã tắt. Nhưng không hẳn là vậy. Những lý tưởng và nguyên tắc của ông sẽ tiếp tục dõi theo chính phủ ta và dẫn lối cho nhân dân ta. Cuộc đời ông sẽ truyền cảm hứng cho người dân Singapore, cho nhân dân trên thế giới và cho những thế hệ mai sau”.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Lý Hiển Long thay mặt người dân cả nước nói lời tiễn biệt vị cha đáng kính của dân tộc: “Cùng nhau, chúng ta không chỉ khóc than. Cùng nhau, chúng ta kỷ niệm cuộc sống lâu dài và trọn vẹn của ông Lý Quang Diệu, và những gì ông đã đạt được cùng chúng ta, những người dân của ông”.
“Cùng với nhau, chúng ta đau buồn như một dân tộc, một quốc gia. Chúng ta đều đã mất đi một người cha. Tất cả chúng ta đều đau buồn. Nhưng trong nỗi đau, chúng ta đã cùng nhau cho thấy những mặt tốt nhất của nhân dân Singapore. Cảm ơn ông Lý Quang Diệu, mong người an nghỉ”.
Lan Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Tiếng Việt đã từ từ biến dạng

ĐÀO VĂN BÌNH (California - Hoa Kỳ)

Hình ảnh của Tiếng Việt đã từ từ biến dạng
- Tuổi vị thành niên không nói mà lại nói tuổi teen.
- Chích ngừa không nói mà lại nói tiêm vắc xin (vaccine).
- Nhà ăn không chịu nói mà lại nói căng tin (cantine).
- Tìm kiếm khách hàng/chiêu khách không nói mà lại nói marketing.
- Tập họp, biểu tình không nói mà lại nói mít tinh (meeting).
- Quyền Anh không chịu nói mà lại nói boxing.
- Đo ván không chịu nói mà lại nói nốc ao (knock-out).
- Nhạc hội/buổi trình diễn không nói mà lại nói là show.
- Huy hiệu không chịu nói mà lại nói logo.
- Hát một mình/dẫn bóng một mình không nói mà lại nói solo.
- Biểu ngữ không chịu nói mà lại nói băng rôn (banderole).
- Ngày hội không chịu nói mà lại nói festival.
- Bích chương không nói mà lại nói áp phích (affiche).
- Xe hơi không chịu nói mà lại nói ô tô (auto).
- Xuồng máy không chịu nói mà lại nói ca nô (canot).
- Tay đua không chịu nói mà lại nói cua rơ (coureur).
- Trình diễn thời trang không nói mà lại nói show thời trang.
- Du lịch không chịu nói mà lại nói đi tour.
- Người ái mộ không chịu nói mà lại nói là fan.
- Chuyện tai tiếng không nói mà lại nói scandal.
- Xe thùng/xe kiện hàng/xe vận tải hạng nặng không nói mà lại nói xe container.
- Hầm ngầm, hầm trú ẩn không chịu nói mà lại nói boong ke (bunker).
- Trái anh đào không chịu nói mà lại nói trái sơ ri (cherry).
- Ảnh lõa thể không nói mà lại nói ảnh nude.
- Tin đáng chú ý/tin hấp dẫn không nói mà lại nói hot news.
- Gái hở hang không chịu nói mà lại nói hot girl.
- Điện thoại không chịu nói mà lại nói là phone.
- Âm thanh và hình ảnh không chịu nói mà lại nói audio and visual.
- Đoạn băng, đoạn phim ngắn không nói mà lại nói clip.
- Vi khuẩn, siêu vi trùng không nói mà lại nói vi rút (virus).
- Giải bóng đá thế giới không nói mà lại nói World Cup.
- Bàng hoàng/sửng sốt không nói mà lại nói là sốc (shock).
- Căng thẳng thần kinh không chịu nói mà lại nói stress.
- Thuận lý, thuận tình không chịu nói mà lại nói logic.
- Khu nghỉ mát không nói mà lại nói resort.
- Đấm bóp không chịu nói mà lại nói massage.
- Máy hình, máy thu hình không chịu nói mà lại nói camera.
- Mười đứng đầu không chịu nói mà lại nói top ten.
- Máy chuyển tiền tự động không nói mà lại nói máy ATM.
- Đường dây thông báo khẩn cấp không nói mà lại nói hot line.
- Nhập cảnh/xuất cảnh không nói mà lại nói visa/passport.
- Đá (bóng) không chịu nói mà lại nói sút (shoot).
- Khung thành không chịu nói mà lại nói gôn (goal).
- Làm bàn hai trái/thắng hai trái không nói mà lại nói làm cú đúp (coup double).
- Câu lạc bộ không chịu nói mà lại nói club.
- Đá phạt đền không chịu nói mà lại nói penalty.
- Bình điện không chịu nói mà lại nói bình ắc quy (accus).
- Áo tắm hai mảnh không nói mà lại nói bikini.
- Ăn mặc hở hang/khiêu dâm không nói mà lại nói ăn mặc hot.
- Pháo tháp/đồn canh không chịu nói mà lại nói lô cốt (blockhaus).
- Hợp chất, vật liệu tổng hợp/hỗn hợp không nói mà lại nói composite.
- Tình dục/trao đổi xác thịt không nói mà lại nói là sex.
- Cơ phận phụ/bộ phận rời không chịu nói mà lại nói module.
- Du lịch mua dâm không nói mà lại nói sex tour.
Sự du nhập những từ nước ngoài vào ngôn ngữ Việt có mặt tích cực là làm phong phú thêm tiếng Việt, nhưng sử dụng những từ nước ngoài đã có từ tương đương trong tiếng Việt thì liệu có nên chăng? Đó là kiểu lai căng, kiểu “ba rọi” khi nói và viết tiếng Việt lại chen vào tiếng Mỹ, tiếng Pháp… Từ lai căng tới mất gốc - vong bản mấy hồi!

Chiếc ghế của ông Lý Quang Diệu

Ông là nghị sĩ lâu năm nhất phụng sự nghị viện (kể từ năm 1955), ông là thủ tướng, người lập quốc và định hình ra Singapore rực rỡ ngày nay.
Chiếc ghế trống với bó hoa trắng nhỏ tưởng nhớ là lời nhắc nhở sâu sắc về khoảng trống lớn trong nghị viện Singapore khi ông qua đời.
Chiếc ghế ông Lý Quang Diệu thường ngồi ở hàng đầu trong quốc hội đảo quốc, đã trống rỗng. Ông sẽ không bao giờ ngồi đó nữa.
Singapore, Lý Quang Diệu
Khi nguyên phó thủ tướng Wong Kan Seng đến tòa nhà quốc hội, ông đã chọn chiếc ghế kế bên và lặng lẽ chấm nước mắt. Sau đó, ông nói rằng, đó là một trong những ngày buồn nhất của cuộc đời ông. Còn ông Goh Chok Tong, người vẫn ngồi bên còn lại của ông Lý Quang Diệu lúc sinh thời, đã cố nhìn sang trái. “Nhưng ông không có ở đó”, ông Goh Chok Tong nói.
Nghị viện mà ông Lý Quang Diệu phụng sự 60 năm qua, đã tổ chức lễ tưởng niệm ông. Các nghị sĩ nam mặc sơ mi trắng, cà vạt sẫm màu và dải băng đen, nghị sĩ nữ váy đen và áo khoác, cài hoa trắng trên ngực.
Các nghị sĩ đã bày tỏ tri ân trước những đóng góp và vai trò của ông trong việc dẫn dắt một Singapore bé nhỏ, nghèo nàn thành một đảo quốc phồn thịnh, đa sắc tộc.
Chủ tịch Quốc hội Halimah Yacob mở đầu buổi tưởng niệm, khi nêu lên quá trình ông Lý Quang Diệu tham gia vào hội đồng lập pháp thời thuộc địa tới nghị viện của một Singapore độc lập thế nào. Ông đã dẫn dắt đảo quốc 31 năm (tới năm 1990) ở cương vị thủ tướng, tiếp tục ở lại nội các tới năm 2011 và tiếp tục là đại biểu cho khu vực cử tro Tanjong Pagar tới khi ông qua đời hôm thứ hai ở tuổi 91.
Singapore, Lý Quang Diệu
Ông Lý Quang Diệu là nghị sĩ lâu năm nhất phụng sự nghị viện Singapore
Bà Halimah nhớ lại phát biểu của ông năm 1999, khi các nghị sĩ chuyển từ tòa nhà quốc hội cũ sang tòa nhà hiện tại. Nhấn mạnh rằng, quốc hội là đấu trường cho những cuộc tranh luận các ý tưởng về chính sách, khi ấy, ông Lý Quang Diệu nói: “Đừng gây ra lỗi lầm, trong căn phòng này, chúng ta đang gìn giữ tương lai đất nước và con người Singapore”.
Ngồi ghế quan không để vinh thân
Nghị sĩ Ng Eng Hen thì nhớ tới một cột mốc - lời kêu gọi của ông Lý Quang Diệu với người dân nhanh chóng thích nghi thực tế quân đội Anh rút quân năm 1968 làm hao hụt 1/5 GDP của Singapore: "Thích nghi và điều chỉnh, không rên rỉ hay bó tay. Thế giới không nợ chúng ta cuộc sống và chúng ta không thể sống bằng chiếc bát ăn xin”.
Nghị sĩ Low Thia Khiang của đảng Công nhân Singapore mô tả, ông Lý Quang Diệu là người “có trí tuệ xuất sắc và dũng cảm” trong việc thúc đẩy đảo quốc tiếp cận với thế giới, giành được sự tôn trọng từ các cường quốc.
Sinh thời, vị thủ tướng họ Lý đã từng răn dạy các quan chức về sứ mệnh của cái ghế, rằng ngồi lên đó là để phụng sự đất nước chứ không phải leo lên đó để vinh thân.
Ứng viên nghị sĩ Chia Yong Yong ngồi trên xe lăn xúc động nói rằng, nếu bà không sinh ra ở Singapore thì “là một người khuyết tật sinh ra trong gia đình nghèo, không có bất kỳ quan hệ nào, tôi sẽ không thể đến trường, không có nghề nghiệp và phụng sự cộng đồng như ngày nay”.
Với những lời cất lên từ trái tim và thay lời rất nhiều người dân chờ đợi bên ngoài tòa nhà quốc hội, bà Chia nói: "Người con của Singapore, người cha của Singapore, xin hãy tha thứ vì tôi không biết dùng lời lẽ giá trị nào để tri ân ông. Và hôm nay, tất cả những gì tôi có thể nói với ông, với vị thủ tướng đầu tiên của tôi, là những gì tôi chưa từng có cơ hội nói với ông: Cảm ơn ông, ông Lý”.
Ông Ng Eng Hen nhớ lại năm 2013, khi ông Lý Quang Diệu từ chối yêu cầu của bác sĩ để tham dự một phiên họp quốc hội vào dịp ông 90 tuổi. “Bởi ông đã hứa làm điều này. Ở tuổi 90, già yếu và mệt mỏi, ông Lý đã giữ lời có mặt nơi đây”.
Các nghị sĩ có mặt trong buổi tưởng niệm nhớ lại lời ông khi họ chuyển tới tòa nhà mới ngày 6/9/1999. Khi ấy, ông nói: "Tầm quan trọng của tòa nhà này sẽ không phụ thuộc vào kích cỡ hay vẻ tráng lệ của nó. Nó phụ thuộc vào chất lượng làm việc của những người đại diện cho nhân dân ở trong đó”.
Linh cữu ông Lý Quang Diệu được đặt ở tiền sảnh tòa nhà quốc hội, ngay chỗ cầu thang đi lên chứ không phải trong hội trường lớn. Linh cữu ông ở nơi này cho tới đêm 28/3 trước khi được hỏa táng sau lễ quốc tang.
Thái An (theo Straitstimes, CNA)

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

NGHỊCH LÝ VÀ LỐI THOÁT: triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam
Trần Văn Chánh

Mới đây, chúng tôi vừa được xem quyển Nghịch lý và lối thoát-Bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam của GS Vũ Cao Đàm (NXB Thế Giới, 2014) thì đang bi quan lại cảm thấy lạc quan lên được đôi chút, phần vì thấy tuổi ông đã khá cao mà “tâm thần vẫn chưa can”, còn đầy tâm huyết; phần khác nhận thấy nội dung sách cung cấp được nhiều thông tin và nhận định khách quan, trung thực, đôi chỗ có thể gọi là táo bạo..., phi là người quan tâm tha thiết với sự nghiệp giáo dục nước nhà thì không ai bỏ công làm được như thế.

Những năm gần đây, không kể nhiều bài báo lẻ rải rác đó đây, được biết đã có không ít sách bàn về cải cách giáo dục của một số tác giả tâm huyết với tiền đồ dân tộc, như có thể kể vài sách nổi bật của nhà xuất bản Tri Thức: Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và Giải pháp của nhiều tác giả (2007), Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010) do Nguyễn Xuân Xanh chủ biên (2011), Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng của Hoàng Tụy (2012, tái bản năm 2013)… Trong những sách vừa kể, các tác giả đã vạch ra khá đầy đủ và một cách hệ thống, hợp tình hợp lý giải pháp cho nền giáo dục Việt Nam, chỉ ra cho nó lối thoát, nhưng rất tiếc do bị trói buộc bởi những điều kiện chính trị-xã hội nghiệt ngã, hầu hết các ý kiến đều chưa được đem ra thực hiện, hoặc chỉ thực hiện một cách vá víu nửa vời. Đặc biệt, GS Hoàng Tụy rất nhiều lần đã đưa ý kiến cho vấn đề cải cách giáo dục, đạo đạt lên nhiều nhà lãnh đạo cấp cao, nhưng chẳng khác như Mạnh Tử, Mặc Tử… ở Trung Quốc thời cổ, đi mòn gót giầy thuyết phục các vua chư hầu cải cách chính trị, đạo đức nhưng người ta chỉ gật gù khen hay thôi chứ chẳng ai có thực tâm thực hiện, hoặc giả cũng có chút thiện chí nhưng lực bất tòng tâm!

Mới đây, chúng tôi vừa được xem quyển Nghịch lý và lối thoát-Bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam của GS Vũ Cao Đàm (NXB Thế Giới, 2014) thì đang bi quan lại cảm thấy lạc quan lên được đôi chút, phần vì thấy tuổi ông đã khá cao mà “tâm thần vẫn chưa can”, còn đầy tâm huyết; phần khác nhận thấy nội dung sách cung cấp được nhiều thông tin và nhận định khách quan, trung thực, đôi chỗ có thể gọi là táo bạo..., phi là người quan tâm tha thiết với sự nghiệp giáo dục nước nhà thì không ai bỏ công làm được như thế.

Đọc vào bên trong, lại càng thấy đây là một công trình không chỉ nghiên cứu khoa học giáo dục đơn thuần mà còn nỗ lực đưa ra suy nghĩ/ đề đạt giải pháp có tính tập đại thành, trên cơ sở tổng hợp tư liệu phong phú và nhờ đó trình bày một cách tường tận đi vào ngóc ngách bộ mặt thật của đối tượng nghiên cứu trong điều kiện cụ thể Việt Nam, của một người từng ở lâu năm trong ngành giáo dục, và từng được dịp tiếp cận với thực tiễn giáo dục nhiều nước trên thế giới, cả ở khối XHCN như Việt Nam lẫn nhiều nước phương Tây tiên tiến khác.
Triết lý KH&GD ở nước ta mang trên mình những khuyết tật có tính hệ thống; những khuyết tật đó không thể sửa chữa vặt mang tính chắp vá, mà phải “tư duy lại” xuất phát từ một cách tiếp cận hệ thống; bản chất cốt lõi của luồng tư duy đó là: Trả lại quyền tự trị cho KH&GD, và Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý vĩ mô…

Sách gồm cả thảy ba phần, bảy chương. Phần thứ nhất là “Cơ sở lý luận về triết lý khoa học và giáo dục”, nhưng những điều đáng chú ý có lẽ tập trung nhiều hơn ở Phần thứ hai, “Quá trình diễn biến triết lý khoa học và giáo dục Việt Nam” gồm hai chương 3 và 4 (từ trang 133 đến hết trang 232). Trong khuôn khổ rất giới hạn của bài báo này, không thể thuật lại chi tiết dài dòng nên chỉ xin nhắc qua vài điểm chính dựa theo những phần “tiểu kết” sau mỗi chương của tác giả.

Ở tiểu kết Chương 3 (tr.164), trên cơ sở phân tích so sánh giữa hai nền giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc, tác giả nhận định hệ thống khoa học và giáo dục (KH&GD) thuộc Việt Nam Cộng hòa (trước đây) đi theo thiết chế tự trị, còn giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) lại đi theo triết lý Nhà nước độc tôn làm khoa học. Không thể phủ nhận một thực tế, giáo chức và nhà khoa học miền Nam (từ thời Bảo Đại trở đi, 1949-1975) đã phát triển một hệ thống KH&GD phù hợp xu thế phát triển của thế giới đương đại, và hệ thống này bị khép lại sau khi nước Việt Nam thống nhất theo mô hình các nước XHCN (1975), nhưng chúng ta thấy hiện nay nó đang dần tái hiện lại hình hài của hệ thống KH&GD mà cộng đồng KH&GD miền Nam đã xây dựng trong những năm trước 1975. Do vậy, “Nghiên cứu nghiêm túc những bài học kinh nghiệm của cộng đồng KH&GD miền Nam chắc chắn sẽ góp một phần rất quan trọng vào việc xây dựng một thiết chế KH&GD tự trị, phù hợp quy luật phát triển của KH&GD hiện nay” (tr. 164).
Chương 4 (từ trang 165 đến 231) nêu một cách chi tiết với nguồn tài liệu dẫn chứng sinh động từ thực tế “Những khuyết tật trong hệ thống KH&GD Việt Nam”, làm cho nền KH&GD Việt Nam dường như không lối thoát. Theo đó, như đã nêu ở phần tiểu kết: 1. Triết lý KH&GD ở nước ta mang trên mình những khuyết tật có tính hệ thống; 2. Những khuyết tật đó không thể sửa chữa vặt mang tính chắp vá, mà phải “tư duy lại” xuất phát từ một cách tiếp cận hệ thống; 3. Bản chất cốt lõi của luồng tư duy đó là: (1) Trả lại quyền tự trị cho KH&GD, và (2) Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý vĩ mô…

Phần ba (ba chương 5, 6 và 7) “Bàn về biện pháp cải cách triết lý KH&GD Việt Nam”, với kết luận ở cuối Chương 7 (tr.392) đại khái cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống KH&GD trên cơ sở tự trị, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế và bằng chính sách thực hiện mềm dẻo không câu nệ mệnh lệnh hành chính là một tất yếu khách quan, trên con đường cải cách từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường…

Cuối sách còn có ba phụ lục rất bổ ích cho những người quan tâm nghiên cứu việc cải cách giáo dục, gồm: (1) Tuyên ngôn Bologna 1999 (bản tiếng Pháp), (2) Báo cáo của Jacques Delors, UNESCO (bản tiếng Pháp); (3) Báo cáo của Jacques Delors, UNESCO (bản tiếng Anh).

Bỏ qua vài khuyết điểm nhỏ về tính thiếu minh bạch của khái niệm “triết lý giáo dục” (như thường lẫn lộn giữa chính sách, phương pháp giáo dục với triết lý giáo dục đúng nghĩa…), và đôi chỗ về cấu trúc trình bày (như dừng lại hơi thừa ở chỗ nói về nạn “quay cóp”…), công trình tâm huyết Nghịch lý và lối thoát của tác giả Vũ Cao Đàm, với tác dụng tích cực của nó, sẽ góp thêm một tiếng kêu lớn bức xúc đòi hỏi cải cách nền KH&GD Việt Nam nhằm mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho sự phồn vinh của đất nước.


Theo : Tia sáng