Menu ngang

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012


                                 EM   PHƯỢNG


Em Phương, sinh ngày 16 tháng Giêng âm lịch năm Bính Ngọ (1966), là con út của cha mẹ tôi. Trước và sau khi sinh em, mẹ tôi đều phải ăn ngủ dưới hầm tránh máy bay Mỹ, nên bị nhiễm lạnh, phát sinh bệnh hậu sản. Đến ngày thứ 5 sau sinh, bệnh tình nặng lắm, chờ đến chập tối, ngớt máy bay, cha tôi cùng mấy người bà con khiêng cáng mẹ tôi đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Nghi Lộc, cách nhà hơn 5 cây số. Nhưng chưa kịp tới Bệnh viện, bà đã trút hơi thở cuối cùng. Năm đó mẹ tôi 47 tuổi. Mẹ tôi qua đời, có người mới sinh con trong xóm xin nhận em Phương về nuôi. Nhưng chỉ được hơn nửa tháng thì em cũng mất. Lúc ấy có người nói đó là do bà bắt em đi theo. 
              Những chuyện đó mãi tới năm 1972, khi ở chiến trường Miền Nam ra Miền Bắc chữa trị vết thương, tôi mới được cha tôi và bà con họ hàng kể lại. Trong chiến tranh, tôi rất ít nhận được thư nhà. Dẫu rằng từ Nghệ An vào chiến trường Trị Thiên là không xa lắm. Sau khi em Phương mất, em Phượng trở thành em út.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012


                                     CHỊ  HÒE


Chị Hòe sinh năm Quí Mùi (1943), là con cả của cha mẹ tôi. Khi mới 5 tuổi, như nhiều đứa trẻ ở quê, chị đã biết trông em. Lớn lên thêm mấy tuổi, chị Hòe đã phụ giúp được nhiều việc nhà. Năm 13 tuổi, chị biết tráng bánh cuốn và gánh bánh đi chợ Sơn bán. Thuở bé, do được chiều chuộng, cưng nựng quá, tôi thành đứa trẻ nghịch ngộ. Mẹ và chị Hòe khổ với tôi nhiều bận. Mẹ vì thương chiều con trai nên hầu như không bao giờ  đánh đòn tôi. Chị Hòe thì sợ mẹ cũng không dám đánh. Do đó, tôi bắt noi, được thể làm liều. Sau này lớn lên, nghĩ lại, tôi có nhiều điều ân hận với mẹ, với chị.
Quê tôi đất chật, người đông, ruộng bạc mầu, đời sống khó khăn. Những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương giãn dân bằng hai cách: Thành lập các Nông trường Quốc doanh ở miền tây của tỉnh, đưa nam nữ thanh niên lên rừng khai hoang, phục hóa. Thành lập các làng mới ở vùng bán sơn địa phía tây của huyện, đưa nông dân lên khai phá làm ăn.

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012


       NĂM ĐÓI, CHA MẸ TÔI MUA CON NUÔI

Nạn đói năm 1945 ở quê tôi kinh khủng lắm. Người chết đói la liệt. Nhiều gia đình chết gần hết, không có người đem chôn. Nhiều gia đình, thậm chí có chi họ, bị tuyệt tự - không còn ai nối dõi tông đường. Cả vùng quê trĩu nặng, u uất một bầu không khí tang tóc, chết chóc. Người chết trong nhà. Người chết ngoài ngõ. Người chết bên vệ đường. Trong nhiều trường hợp, người chết ở đâu dập vùi ở đó. Không hòm ván. Không đào huyệt. Thậm chí không manh chiếu che thân.
Ở quê có cái cầu Trường. Khi tôi lớn lên vẫn đi qua. Được biết, cầu Trường do Thượng thư Đinh Văn Chấp (thân phụ của Ông Đinh Văn Nam - tức Hòa thượng Thích Minh Châu) trong triều đình Huế, khi vinh qui bái tổ, làm tặng quê hương. Cầu làm toàn bằng gỗ lim, giống như cầu Thê Húc ở Hồ Gươm, nhưng to hơn. Trên cầu có mái lợp ngói đỏ uốn cong theo thân cầu, soi bóng xuống dòng sông xanh, đẹp lắm. Hai bên thành cầu là hai dãy ghế ngồi tựa bằng gỗ. Đó là chỗ nghỉ chân của khách bộ hành. Nghe kể lại, năm đói, người hành khất thập phương đi xin ăn trong vùng về tụ tập trên cầu, chết đói nhiều lắm. Người chết rũ trên dãy ghế hai bên. Người đói lả rơi xuống sông chết đuối. Mãi tới sau này, dưới đáy sông, cạnh chân cầu, vẫn còn nhiều hài cốt.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012


                     CHƠI CÙNG BẠN TRẺ QUÊ NHÀ


Thuở nhỏ, ở quê, tôi có nhiều bạn. Lũ chúng tôi cùng trang lứa, chơi với nhau hồn nhiên, vô tư, thỏa thích. Hồi đó, có nhiều trò chơi nhưng tựu trung lại thích hơn cả là: đá bóng, đánh khăng và đánh trận giả.
Lúc đầu mới tập đá bóng, chúng tôi xin hoặc hái trộm ở vườn nhà ai đó một quả bưởi to, hơ lửa cho mềm. Thế là chia phe đá. Sau này có bóng nhựa, bóng da. Bóng da có 2 lớp. Lớp ngoài bằng da, chúng tôi bắt chước cũng nói theo tiếng Pháp là ăng - vô- lốp. Lớp trong bằng cao su, gọi là vít - xuy. Vít - xuy bị gai đâm thủng thì đem vá như vá xăm xe đạp. Vá nhiều lần quá thì thay. Lắm lúc không có tiền mua vít - xuy mới, đành lấy lá chuối khô, ghẻ rách nhét căng vào, cũng đá được. Sân bóng là những thửa ruộng sau thu hoạch còn trơ gốc rạ hoặc một bãi cát mịn màng, bằng phẳng. Sau này lớn hơn một chút, tôi được vào đội bóng “chân đất” của làng, của lớp, của trường. Thường dẫn nhau sang đá ở các sân xã Nghi Xá, xã Nghi Khánh. Cố nhiên, lũ chúng tôi là những cầu thủ bất đắc dĩ, chân đất, mắt toét. Cả đám trẻ quê, một chữ Pháp bẻ đôi không biết. Vậy mà khi đá bóng, chúng tôi đều hét toáng lên các khẩu ngữ bằng tiếng Pháp bồi, mới lạ.  Nào là gôn, pa-ri-e, en, pê-nan-ti, cooc-ne, ooc-rơ, lăng-xê, a-la-xô, mô-nê, sút, tét, vô-lê, đờ-mi-vô-lê, manh, ê-tang,…Tất cả những từ đó chẳng qua là truyền khẩu từ lớp trước sang lớp sau. Có thể hồi đó, tuy mới đây thôi, các từ chuyên môn trong bóng đá chưa được Việt hóa. Mê bóng đá từ thuở nhỏ. Mãi tới sau này, khi công tác ở Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị và Trường Sĩ quan Lục quân, dù đã ngoài 40-50 tuổi, tôi vẫn tham gia đá bóng với anh em trẻ, đành rằng đá không hay.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012


TẾT Ở QUÊ


Lúc còn nhỏ, như mọi đứa trẻ ở quê, tôi háo hức mong chờ Tết đến. Tết đến thêm một tuổi, được vui chơi, được mặc quần áo đẹp và đặc biệt là được ăn ngon hơn ngày thường.
Trước Tết đến cả tháng đã có sự chuẩn bị khá rộn ràng trong từng ngõ xóm. Thường thì, dăm ba nhà bà con láng giềng rủ nhau “đụng lợn”. Tức là chọn một con lợn ưng ý để nuôi ở một nhà, chờ đến ngày áp Tết mổ thịt chia phần. Những năm đó cha tôi còn ở bộ đội, ít khi được về ăn Tết cùng gia đình. Ở nhà chỉ có mẹ, chị Hòe và tôi. Không có đàn ông trong nhà, mẹ tôi thường hay đụng lợn với các chú, các bác trong xóm. Năm thì đụng với chú Chiếng, chú Tụy, chú Ngọc; năm thì với bác Thuần, chú Ước,… Ngày mổ lợn thật vui. Mọi người dậy từ rõ sớm. Trời mù sương, giá lạnh. Một không khí ấm áp trong âm thanh hỗn tạp đan xen : Tiếng cối xay lúa miệt mài. Tiếng chày giã gạo theo nhịp rền vang. Tiếng người rộn rã nói cười, gọi nhau ý ới. Rồi thì lợn kêu, chó sủa, gà đua nhau gáy vang. Người già và trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa hồng luộc bánh. Tôi dậy rất sớm, lò dò xem các ông bắt lợn, chọc tiết, cạo lông, làm lòng, xẻ thịt. Khi lòng lợn đã luộc chín, vớt ra, đổ một ít gạo tẻ vào nước luộc lòng để nấu cháo. Tan cuộc, mọi người già trẻ chia nhau xì xụp húp bát cháo loãng nóng hổi, thật ngon và ấm bụng. Và cuối cùng, thế nào tôi cũng nài nỉ xin bằng được cái bong bóng lợn. Mang về rửa sạch, sấy khô để thổi lên làm bóng. Tựa như trẻ nhỏ chơi bóng bay bây giờ.

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012


                                      BẠN  QUÊ


Những năm học ở Trường cấp II Nghi Khánh ( Nghi Lộc - Nghệ An ), tôi có 2 người bạn thân thiết nhất là Lương Đình Long và Nguyễn Đình Lương. Anh Long quê ở xã Nghi Xá, hơn tôi 4 tuổi. Anh Lương quê ở xã Nghi Khánh, là con dì ruột anh Long, hơn tôi 3 tuổi. 
              Đang tuổi thiếu niên, là học trò nghèo, ở một vùng quê xa các trung tâm văn hóa. Nhưng qua đọc sách, chúng tôi thuộc nhiều điển tích, ngưỡng mộ sự can trường, nghĩa hiệp của các nhân vật tiêu biểu trong các tiểu thuyết lịch sử cả ta lẫn Tàu. Có lần, vào mùa hè năm 1960, ba chúng tôi đi bộ lên Vinh chơi. Bắt chước 3 anh em Lưu, Quan, Trương trong Tam quốc diễn nghĩa, chúng tôi vào chùa Diệc, cắt máu ăn thề, thắp hương khấn vái, tuyên thệ kết nghĩa vườn đào. Dưới trời chang chang nắng, cả đi lẫn về ngót 40 cây số, trong túi chỉ vỏn vẹn mấy đồng bạc, ăn uống qua quít, về đến nhà, anh em đói lả, mệt nhoài. Tôi bé nhất và yếu nhất. Anh Long nói, cố lên các em, như vậy mới tốt, mới thiêng, mới là kỷ niệm. Mà quả thật, với tôi, đó là một trong những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên sau hơn nửa thế kỷ.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012


                             VÔ ĐỀ

Chọn chốn dung thân
Nhất định có thăng
                                               thời có thoái
Vãn hồi rồi mới biết
Ở đời
          ai ngụy
                        với ai chân !

                                     NMĐ

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012


Vẫn thế thôi

Vẫn thế thôi
Người sống có tâm linh
Cho là điều thiêng liêng nhất
Không thể mất
Dẫu sự đời
               còn bao nỗi biến thiên !

Vẫn thế thôi
Người dùng làm việc mua và bán
 Mua đắt sự đam mê
                                                 bán rẻ cuộc đời
Cơ chế thị trường
                                                len lỏi đến muôn nơi !

Vẫn thế thôi
Muôn người muôn nẻo nghĩ
Cùng quan niệm
Âu là điều không thể
Thiêng liêng
                   thấp hèn
                                                               bất kể
                             Quyện chặt vào nhau !

                                      NMĐ

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012



Tản văn                                   NGHI LỘC - CỬA LÒ
                                   MỘT THOÁNG ĐẤT VÀ NGƯỜI

                                                                                           Phương Hà
                                                                                     ( Hoàng Xuân Sơn)


           Huyện Nghi Lộc quê tôi phía Bắc giáp 2 huyện Yên Thành, Diễn Châu, phía Nam giáp thành phố Vinh và 2 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn; phía Đông giáp biển, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh, phía Tây giáp huyện Đô Lương. Riêng phía Đông-Nam còn giáp với mấy cây số dòng sông Lam để thành nguồn mực vô tận nên miền chữ nghĩa của bao đời.
          Cách nay hơn 600 năm, thời thuộc Minh, có tên là Chân Phúc. Mãi đến thời Tây Sơn đổi thành Chân Lộc. Đến đời vua Thành Thái (1889 - 1907), lại đổi tên thành Nghi Lộc vì kiêng húy chữ Chân của vua cha Dục Đức.
       Dân vùng này chủ yếu làm nghề nông, vùng ven biển sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Đất nước qua bao lần binh đao, loạn lạc, thịnh suy, vùng đất quê tôi cũng góp vào công cuộc giữ nước và dựng nước với bao văn tài võ tướng, kiệt liệt, dẫu khiêm tốn cũng rất đỗi tự hào. Cách nay gần 15 năm, Nhà nước chia tách khu vực phía đông nam sát biển của huyện Nghi Lộc để thành lập Thị xã Cửa Lò nhằm thúc đẩy phát triển nhanh dịch vụ du lịch biển. Vậy là, kẻ thì bỗng lên phường lên phố, người ở lại vẫn còn lầm lũi là xóm, là làng, Người Nghi Lộc nói, rứa là “Lộc” thì đi “Nghi” thì ở lại. Song, lớp người sương pha màu tóc chúng tôi vẫn luôn thủy chung với cách gọi "dân Nghi Lộc-Cửa Lò", với vô vàn giai thoại để mỗi lần gặp gỡ đồng hương. Mỗi lần nói chuyện với người ngoài xứ Nghệ, chúng tôi đều đưa ra làm qùa như là một món "đặc sản".

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Làng Đại Xá - Họp

        Bút ký 
                                          Làng Đại Xá quê tôi


            Làng Đại Xá quê tôi thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Không hoành tráng về địa lý, giàu có về kinh tế và  nổi tiếng về truyền thống văn hóa, lịch sử như nhiều làng tiêu biểu ở các vùng miền khác. Đại Xá là một làng nhỏ, bình dị như bao làng quê nghèo xứ Nghệ.


Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Nguyễn Phúc Hưng – cháu nội

  


  
     Hà Nội,  30 / 10 / 2006 là một ngày đẹp trời. Chiều hôm đó khi đang làm việc với ban lãnh đạo Nhà máy Z153 - Tổng cục Kỹ thuật, tôi nhận được điện thoại của con trai Nguyễn Trần Quang là: Nguyễn Thị Kim Thoa - con dâu chúng tôi - đã sinh cháu trai thứ hai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trước đó mấy tháng, đi siêu âm ở bệnh viện về, Thoa đã thông báo cả nhà biết là con trai, nhưng vẫn thấp thỏm. Khi nhận tin chính thức cháu sinh “mẹ tròn, con vuông”, chúng tôi mừng lắm.
Thông thường, khi đã có con trai đầu lòng, đối với mọi người thì việc sinh con tiếp sau là trai hay gái đều tốt. Cũng có nhà sinh con trai rồi, mong sinh được con gái để cho có nếp có tẻ - vả lại, trong quan hệ gia đình, con gái sống dịu dàng tình cảm hơn. Với Cố nội cháu, năm đó đã 93 tuổi, thì mừng rỡ thể hiện trên nét mặt. Bữa ấy, Cố vui vẻ nói với tôi rằng: “Biết tin cháu Thoa sinh thêm chắt trai nữa, Cha mừng lắm, cả đêm không ngủ được”.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012


                 ĐẶNG  NGUYỄN THÁI  -  CHÁU NGOẠI


     Đặng Nguyễn Thái là con trai đầu lòng của Đặng Ngọc Thùy và Nguyễn Trần Thùy Vinh, sinh ngày 25/ 11/ 2003, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hình như, trong tử vi nói về người sinh năm Quí Mùi có nhiều điều tốt, nên nhiều nhà chọn sinh con - nhất là con trai. Hai cháu Nguyễn Quang Minh và Đặng Nguyễn Thái sinh ra trong thời điểm đó. Chưa biết về lâu dài là thế nào, nhưng trước mắt, quả thực, việc xin đi nhà trẻ, đi học tiểu học cho các cháu sinh năm Quí Mùi ở các khu vực là khó, vì số lượng tăng đột biến, cung bất cập cầu. Theo thời gian, mấy chục năm sau, đến khi các cháu trưởng thành, thi vào đại học, học nghề, ra trường tìm việc làm, rồi đến việc dựng vợ, gả chồng cho lứa tuổi đó chắc cũng khó hơn. Nói vậy thôi, nhiều việc ở đời, lo xa có khi cũng chẳng được. Các cụ xưa thường nói, trời sinh voi, sinh cỏ.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Những chặng thời gian


Tuổi bốn mươi

Tuổi bốn mươi -  cái gạch nối cuộc đời
Vẫn dạt dào xuân mà mùa thu đã chín
Cái bồng bột đã qua
Cái già nua chưa kịp đến
Ta nhận ra đời
         Đời nhận ra ta
                Bằng ngọn nến đời ta.
 Tuổi bốn mươi từng nếm trải phôi pha
Và đã hưởng hương vị đời ngọt nhạt
Ngoảnh lại
              để nhìn lên phía trước
Hãy lấy tuổi bốn mươi
               làm điểm tựa cuộc đời
Dồn sức
       Căng buồm
                 Góp gió
                        Vượt trùng khơi.
            
                                                      17/10/1988

                                                            NMĐ

Tuổi năm mươi

Tuổi năm mươi đỉnh điểm cuộc đời
Xuân đã qua rồi lá lá rơi
Tóc đã bạc, mắt mờ, gối mỏi
Đời còn chi vẫy gọi mình đây

Đã qua một vạn tám ngày
Mà sao ngất ngưởng
                           Đắm say men tình!
                                                     17/10/1998

                                                           NMĐ

Tuổi năm lăm

Tuổi năm lăm bước ngoặt cuộc đời
Qua rồi chồng chất những buồn vui
Còn chi ắt hẳn còn chi nữa
Còn nữa âu đành cũng thế thôi
                                      *
                                  *     *
Thế thôi thôi thế từ nay nhỉ
Gác mái buông chèo lặng gió xuôi!
                                                    17/10/2003

                                                          NMĐ


Tuổi sáu mươi

Thấm thoắt thoi đưa đã sáu mươi
Hùng tráng hoa niên trải mấy thời
Ta về đàm đạo cùng tri kỷ
Tang bồng
                  trang tráng
                                  vỗ tay vui !

                                                  17/10/2008

                                                        NMĐ

  Tặng bạn Lê Hiền

Đại Xá làng quê có Lê Hiền
Bạn cùng ta từ thuở thiếu niên
Chăn trâu cắt cỏ trên Đồng Nạy
Mò cua úp cá dưới Cầu Ben

 Làng Đông trận giả rèn mưu chước
Đập Xã phi trâu dưỡng gan bền
Những Thủy Hử, Tây Du, Tam Quốc
Luyện chí ta hòn đạn mũi tên

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu
Chưa một lần hò hẹn cùng ai
Xa quê mấy chục năm trời
              Tình quê hương gắn tình người chiến binh

Cây lại mọc trên nền cổ thụ
Hà - Chiến - Chinh ấm tổ quê cha
Măng non nối tiếp tre già
Trụ là khó đặng, dứt ra khôn lường

Đau phút chốc còn hơn âm ỉ
Trọn đời mình, cả hệ mai sau
Bạn ơi dứt bước mau mau
Được là được cả
                          Mất, mất gì đâu nữa nào?!

                                               Hà Nội, ngày 17 / 10 / 1988

                                                                           NMĐ

Thơ - Tặng Bạn bè, chiến hữu


Tặng Anh Trương Quang Khánh

Trí, Tín, Dũng, Liêm, Trung đạt thành
Được như Anh
                  Đời chẳng được nhiều đâu
Anh hội đủ những điều theo nhu cầu
                  trên từng cương vị
Cổ, Kim, Đông, Tây
                  Khế ước cuộc đời là thế
Mong Anh :
               Pháp chắc,
                             Thế vững,
                                         Thuật hay
Chân trời rộng mở
Rẽ gió,
           Chim Bằng tung cánh bay…!

                                               Ngày 10 / 01 / 2008 

                                                          NMĐ


Tặng Anh Đinh Danh Nghiêm

Sinh ra từ vùng đất Hoa Lư
Hậu duệ dòng dõi Tiên Hoàng
Trải mấy chục năm trường
Ra Bắc vào Nam
Trên mọi nẻo đường quân ngũ
Là tướng quân, Anh hội đủ
Trí, Tín, Dũng, Liêm, Trung
Thủy chung
              nhân nghĩa
                             vẹn toàn.

                                              Ngày 10 / 0 1 / 2008 

                                                           NMĐ

                                                      

Thơ tặng Anh Hồ Sĩ Hậu


Tặng Anh Hồ Sĩ Hậu

- I -

Chí, Khí, Trí, Nghĩa được như Anh
Thiên hạ chẳng nhiều đâu
Cái Anh thua người ta
                            là sự lĩnh liều, trí trá
Đời có vay, có trả
Sống là cho
                  là nhận
                                quân bình!

                                             Tháng 10 /2006 

                                                      NMĐ


- II -

Ngày cuối năm
Năm cuối cùng
Anh rời quân ngũ
Hơn bốn mươi năm vừa đủ
Phơi phới một đời trai
Ngoảnh lại thời gian
Đầy ắp suốt dặm dài
Ta ngẩng cao cao đầu
Giữa đất trời
                  Giữa dòng đời trần thế!

                                                Tháng 10 / 2006 

                                                         NMĐ

-III-

Đường về qua huyện Quỳnh Lưu
Nhớ anh bạn sắp nghỉ hưu, họ Hồ
Bạn buổi sớm, ta buổi trưa
Vòng đời trần thế
                                         có chừa ai đâu! 

                                                                       Tháng 10 / 2006

                                                                                 NMĐ

                                    -IV-

Hàn vũ song hành tâm mạc trắc
Vô thùy khả vận đản kham lân
Bằng hữu tri âm đàm thế sự
Tương phùng  tri kỷ luận nhân văn.

                                                      Tháng 11 / 2009 

                                                                 NMĐ

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Xứng danh Anh hùng

Xứng danh Anh hùng



    Vào đầu năm nay, trong một lần họp mặt Ban Liên lạc Hội đồng hương huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Chú có hỏi tôi: “ Gần đây, nhiều lần Truyền hình đưa tin về Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, quê ở xã Nghi Trường, Giám đốc Công ty 36 – Bộ Quốc phòng. Anh có biết Nguyễn Đăng Giáp không? Anh ấy là người thế nào? “. Tôi thưa lại: “ Cháu quen biết Nguyễn Đăng Giáp đã hơn 10 năm. Theo cháu, ngần ấy thời gian,  đủ để cháu có thể khẳng định một cách khái quát rằng: đó là một con người thông minh,“liều lĩnh” và nghĩa tình. Một thoáng suy nghĩ, thầy Chú nói lại : “ Được như vậy thì tốt quá! Ở đời, con người ta chỉ mong được thế!”.

MỌI CHÍNH SÁCH ĐỀU ...


MỌI CHÍNH SÁCH ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ CUỘC SỐNG
                                                                                                                                                

Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đó là chính sách trực tiếp đối với con người nhằm bảo đảm công bằng và ổn định xã hội. Với quan điểm chiến lược coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, hệ thống chính sách xã hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Chính sách BHXH  - một bộ phận của chính sách xã hội - góp phần ổn định đời sống của người lao động và gia đình họ trong các trạng thái (hoàn cảnh), từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Qua 5 năm thực hiện, nhìn một cách tổng quát, chính sách theo qui định của Luật BHXH đã có những bước phát triển mới cả về nội dung cũng như phương thức tổ chức thực hiện, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong sự vận hành cơ chế thị trường định hướng XHCN của đất nước.

CÚN ĐI NHÀ TRẺ

CÚN ĐI NHÀ TRẺ

    Cún là tên gọi thân mật trong nhà. Tên thật của Cún là Đặng Nguyễn Thùy Anh, sinh ngày 22 tháng 3 năm 2009. Tính ra, đến tháng 3 này, Cún vừa chẵn hai tuổi. Cách đây mấy tháng, nhiều hôm sau giờ làm việc buổi chiều, mẹ Cún là Nguyễn Trần Thùy Vinh dắt Cún đi tham quan tìm hiểu các nhà trẻ trong Khu Đô thị Mỹ Đình 1. Nào là Hoa Anh Đào, nào The Sun, Hưng Thịnh,…Có lần cùng đi còn có cả Bà ngoại Cún là Trần Thanh Liễu và các anh của Cún là Đặng Nguyễn Thái ( Bo ), Nguyễn Quang Minh ( Bim ), Nguyễn Phúc Hưng ( Nghé ). Đến chỗ nào cũng vậy, thấy các nhà trẻ lắm đồ chơi, bạn bè vui chơi thỏa thích, hồn nhiên, cả nhà đều thích. Có bữa Cún muốn ở lại chơi mãi, không về. Thế nhưng về nhà, quây quần trong các bữa cơm gia đình, khi bàn việc nên hay chưa nên cho Cún đi nhà trẻ, có hai luồng ý kiến khác nhau.

Đích tôn Nguyễn Quang Minh

     ĐÍCH TÔN NGUYỄN QUANG MINH




   Nguyễn Quang Minh tức Bim tên gọi thân mật ở nhà, là con trai đầu của Nguyễn Trần Quang và Nguyễn Thị Kim Thoa, sinh ngày 23 tháng 4 năm 2003. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú. Sinh nhật tôi, ông nội cháu,  là 17 / 10.  Sinh nhật Nguyễn Quang Minh, cháu đích tôn là 23 / 4. Sinh nhật cháu ngoại Đặng Nguyễn Thái là 25 / 11. Đem cộng ngày sinh tháng đẻ của từng người trong ba ông cháu tôi đều bằng 9. Trong số học, theo nghiên cứu của một số người, thì con số 9 có nhiều điều bí ẩn. Mà kể ra cũng lạ. Ví dụ: Lấy hai số bất kỳ có số sau nhỏ hơn số trước như: 61, 74, 85. Rồi lấy số đó trừ đi số ngược lại sẽ cho kết quả: 61 – 16 = 45; 74 – 47 = 27 ; 85 – 58 = 27. Hiệu số đó luôn chia hết cho 9. Hoặc là, đem cộng các con số của hiệu số đó thì kết quả cũng đều bằng 9. Đó mới chỉ là một ví dụ. Trên thực tế còn nhiều điều khó hiểu khác, nhưng không phải là chuyện bàn ở đây.

CHỖ DỰA, NIỀM TIN CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ TRONG QUÂN ĐỘI

          
                      CHỖ DỰA NIỀM TIN CỦA CÁN BỘ, 
                            CHIẾN SĨ TRONG QUÂN ĐỘI

      Đầu tháng sáu năm nay, Đại tá Hồ Thủy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng có thư mời tôi viết bài đăng số đầu tiên của “ Thông tin công tác bảo hiểm xã hội trong quân đội”. Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được anh chị em quí mến, tin tưởng đặt bài viết. Lo vì chưa biết viết gì đây, khi tôi đã rời ngành chính sách chẵn 10 năm. Quãng thời gian đó có nhiều điều thay đổi.
Ngẫm lại, trong tôi tái hiện về miền ký ức chưa xa lắm. Tôi không phải là người cao niên, trưởng lão trong ngành chính sách Quân đội. So với lớp trước, tôi mới xứng là học trò – một học trò chăm chỉ và có phần may mắn, đúng theo nguyên nghĩa của từ này. Nhưng so với lớp trẻ, thì tôi có lợi thế là đến với ngành chính sách thời gian lâu hơn. Bằng thực tế của mình, tôi xin hệ thống lại một đôi điều cảm nghĩ, với mục đích là cung cấp thông tin.
Bảo hiểm xã hội là gì; trong quân đội bắt đầu từ lúc nào; nội dung chính sách ban đầu, cơ chế triển khai và sự phát triển của nội dung chính sách cũng như cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách BHXH trong quân đội…Nhiều câu hỏi đặt ra, tôi nghĩ rằng, hồi tưởng lại để có sự trả lời thấu đáo trong một bài bảo quả là không dễ.

TRANG SÁCH – CUỘC ĐỜI
        (Một vài cảm nhận về cuốn hồi ký “Trung đoàn - Một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn)



 Tôi biết anh Hồ Hữu Lạn lần đầu tiên từ tháng 8 năm 1966, khi đơn vị chúng tôi vừa làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào về Hương Khê (Hà Tĩnh) củng cố, huấn luyện để chuẩn bị đi chiến trường Miền Nam. Trong thời gian huấn luyện, anh Hồ Hữu Lạn là Thiếu úy, Trợ lý Công binh được Thủ trưởng Trung đoàn giao nhiệm vụ xuống Tiểu đoàn chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật công binh (cài đặt mìn ĐH10, mìn bay, phá rào,…) trong các loại hình chiến thuật.
Ngày đó, trong mắt chúng tôi, anh Hồ Hữu Lạn là một sĩ quan trẻ, gương mặt đẹp, da trắng hồng, mắt đen láy, lông mày rậm, râu quai nón, giọng nói rõ ràng, đĩnh đạc. Lại được biết, anh là cán bộ được đào tạo cơ bản ở Trường Sĩ quan Công binh, đã trải qua chiến đấu, nên chúng tôi thán phục, có phần ngưỡng mộ. Rồi chúng tôi cùng đơn vị vào chiến đấu ở chiến trường Miền Nam từ cuối năm 1966 mãi đến ngày tôi bị thương nặng phải chuyển ra Miền Bắc điều trị (tháng 3/1971). Lần cuối chúng tôi xa nhau là một buổi chiều tôi cùng anh lên Chỉ huy sở Trung đoàn nhận nhiệm vụ phối hợp tác chiến tấn công Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 147 của quân ngụy ở cao điểm 550 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Lúc đó anh Lạn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 bộ binh, còn tôi là Chính trị viên Đại đội 20 đặc công. Sau này, dù không cùng đơn vị, nhưng tôi vẫn được biết từng chặng công tác của anh Lạn.

BA LẦN ĐƯỢC TIẾP KIẾN ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP


       Có thể nói, thế hệ chúng tôi và cả lớp trước nữa, ai được gặp các lãnh tụ, các vị lãnh đạo cao cấp là một dịp may mắn, phấn khởi. Khoảnh khắc đó được coi là một kỷ niệm đẹp. Đặc biệt, người nào trong cuộc đời được gặp Bác Hồ thì quả thật là một niềm tự hào, vinh hạnh lớn. Và, cũng có thể nói, sau Bác Hồ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó dường như một lẽ tự nhiên xuất phát từ tình cảm tự nguyện của mỗi con người, với một niềm tin lớn lao, ở một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước - cái thời mà mỗi suy tư trăn trở của lãnh tụ và các vị lãnh đạo trong sự nghiệp cách mạng đều phù hợp với niềm mong mỏi bình dị và sâu sắc của mỗi người dân.
 Trong cuộc đời quân ngũ của mình, trừ những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, còn lại thời kỳ công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng, làm anh lính  mà tên gọi chung là trợ lý, rồi bền chí phấn đấu trong công tác được bổ nhiệm đến chức Phó phòng, Trưởng phòng, thuộc diện “đầu binh cuối cán” ở cơ quan cấp chiến lược, nhiều lần tôi được gặp, thực ra là chỉ được nhìn thấy (mục sở thị) các bậc lãnh đạo trong các buổi lễ lớn và được nghe các  “cụ” giảng giải từ xa với một sự trọng vọng, ngưỡng mộ. Mãi tới sau này, từ năm 1992 trở đi, trên các cương vị, nhiệm vụ và tính chất công tác cao hơn, tôi mới có dịp được gặp gỡ, tiếp kiến, thậm chí là được tiếp chuyện thân mật, cởi mở với một số cán bộ cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Trong đó, một số lần, tôi may mắn được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của nước ta và được biết, cách đây không lâu, Ông đã được Hội đồng khoa học có tên tuổi của một nước ở phương Tây bình chọn là một trong mười danh tướng kiệt xuất trong mọi thời đại của thế giới. Tôi xin kể đôi điều về ba lần ấn tượng nhất trong số lần tôi được tiếp kiến Ông.