PHÙNG KHẮC KHOAN -
THÁI ĐỘ CỦA KẺ SĨ TRƯỚC THỜI CUỘC
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
53 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Quang hưng 3 (1580) đời Lê Thế tông. Hai lần đi sứ đều được nhà Minh tôn kính, không xưng tên. Ông làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai quận công. Thọ 86 tuổi. Khi mất, được tặng Thái tể, phong phúc thần.
Phùng Khắc Khoan, tự Hoằng phu, hiệu Nghị Trai, tác phẩm có Mai Lĩnh sứ, Hoa thi tập, Ngôn chí thi tập”.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần “Nhân vật chí” về Phùng Khắc Khoan tác giả đánh giá:
“… Lúc trẻ đã nổi tiếng văn học, theo học trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Lại, kiêm thông cả thuật số. Nhưng chí khí hào mại, không chịu ra thi với nhà Mạc. Đầu đời Trung tông theo Lê Bá Ly qui thuận nhà Lê… Thái sư Trịnh Kiểm mới gặp ông, biết là người có học thức, mưu lược, cho tham dự việc trong màn trướng, trao chức ký lục ở hỗ ngự dinh, coi quân bốn vệ… Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, có các thi tập truyền ở đời”. (Lịch triều hiến chương loại chí tập I trang 260-261)
Nhà bác học Lê Quí Đôn trong “Toàn Việt thi lục” có nhận xét về Phùng Khắc Khoan như sau: “Khoan là người cương nghị tinh minh, văn võ toàn tài”.
Trên đây là lời lẽ của các học giả hàng đầu của nước ta sinh sau cụ Phùng Khắc Khoan trên dưới hai trăm năm.
Lại như người cùng thời với cụ Phùng Khắc Khoan, đó là cụ Đỗ Uông đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh (bảng nhãn) đời Mạc Phúc Nguyên (1556) làm quan tới chức Lai bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ, Thiếu bảo, Thông quận công cũng có những lời ưu ái về cụ Phùng.
Thật ra người cùng thời với nhau, lại ngang tài, ngang sức nhau mà thừa nhận nhau là việc khá hiếm. Ắt Phùng Khắc Khoan phải là bậc bạt quần thì Đỗ Uông mới có nhận xét: “Phùng Khắc Khoan là một bậc hào kiệt có tài cao, khoa giáp nổi tiếng, đạo cao đức trọng, nhân hậu trung nghĩa; đủ để giúp nước bình trị, vỗ yên dân chúng, lòng ông rộng mở. Khí độ hiên ngang đủ sức xoay trời chuyển đất, thao túng vũ trụ”.
Các bậc tiền nhân đã trân trọng họ Phùng đến như vậy, thử hỏi lũ hậu sinh chúng ta biết nói gì về cụ đây. Hơn nữa, suốt 400 năm qua, từ khi Phùng Khắc Khoan viên tịch (1613) đã có biết bao tao nhân mặc khách, biết bao các học giả trước thuật về cụ.
Người ta đã viết nhiều về Phùng Khắc Khoan từ việc tu thân, việc chọn hướng đi, việc thi triển tài năng, cả đến khí phách trượng phu, lòng nhân ái và thơ văn mẫn tiệp, tưởng không còn thiếu điều gì về nhân vật lỗi lạc này không được các học giả đề cập đến.
Tuy nhiên, nếu ta thành tâm, kính cẩn suy ngẫm về sự nghiệp lớn lao, tài năng trác việt, nhân cách cao thượng của Phùng Khắc Khoan, chắc cũng có thể khe được đôi nét để viết về cụ. Ấy là thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc.
Ta biết, khi Phùng Khắc Khoan cất tiếng khóc chào đời (1528), thì Mạc Đăng Dung đã lấy ngôi nước từ nhà Lê một năm trước đó (1257).
Tuổi niên thiếu và tuổi thanh niên của Phùng Khắc Khoan gắn liền với quê hương Phùng Xá, đến 16 tuổi thì sang Hải Dương (huyện Vĩnh Lại) học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lúc này đang là thịnh thời của nhà Mạc. Nhà Mạc lấy ngôi nước từ nhà Lê và đóng đô ở Thăng Long 65 năm (1527-1592) liên tục.
Không thể phủ nhận nhà Mạc đã làm được khá nhiều công việc, kể cả việc đào tạo nhân tài và tạo ra một nền văn hóa mang dấu ấn Mạc khá đậm.
Nhà Lê khởi thì Lê Lợi với công việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, một kẻ thù tàn bạo và hiểm độc chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim, ròng rã suốt 10 năm. Đến đời Lê Thánh tông là triều đại sáng giá nhất và cũng là thời cực thịnh của nhà Lê. Nhưng ông vừa mất khoảng hơn chục năm sau thì các cháu của ông là Lê Uy Mục, Lê Tương Dực đã trở thành những tên bạo chúa, đời gọi Uy Mục là vua quỉ, Tương Dực là vua lợn. Công việc triều chính đổ nát. Dân tình cực khổ, loạn lạc tứ tung. Và đến năm 1527, tức là đúng 100 năm sau khi Lê Lợi lên ngôi, thì nhà Lê mất về tay nhà Mạc. Lại tới năm 1533 công cuộc trung hưng cho nhà Lê được khởi từ Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, dò tìm con cháu nhà Lê đưa sang đất Ai Lao tôn lập, mở ra thời kỳ tranh đấu Lê - Mạc.
Sự nghiệp Trung hưng sau về tay Trịnh Kiểm, thu phục được nhiều kẻ sĩ và anh tài giúp rập. Kể cả các bậc tể thần và sĩ phu bỏ nhà Mạc về với nhà Lê. Thật ra tình thế nước ta vào thời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực nếu Mạc Đăng Dung không lấy ngôi nước, hẳn cũng có một đầu lĩnh hoặc một tay anh kiệt nào khác thay thế.
Thời thế ấy, kẻ sĩ phù Mạc hoặc phù Lê cũng chẳng hơn gì. Bởi cái hào quang của Lê Thái Tổ đuổi giặc Minh và tạo cho thế nước giầu thịnh của Lê Thánh Tông, đã bị con cháu làm cho tiêu vong, khiến trăm họ oán giận, đời gọi họ là “Vua quỉ”, “Vua lợn”.
Sinh ra và lớn lên trong vùng đất Mạc, tại sao Phùng Khắc Khoan không phù Mạc? Vả lại nhà Mạc lúc đó đủ đất cho ông vẫy vùng thi thố. Rất nhiều các tài năng lỗi lạc thành đạt qua khoa cử, ra làm quan để lại tiếng tăm trong lịch sử như các ông Nguyễn Thiến người xã Canh Hoạch, Tả Thanh Oai (Hà Tây cũ), ông đỗ Hội nguyên đệ nhất giáp, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại chính 3 (1532) đời Mạc Phúc Nguyên (Mạc Đăng Doanh), làm quan tới chức Lại bộ thượng thư, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh viên, tước Thư quận công.
Cùng đỗ khoa này với Nguyễn Thiến còn có Bùi Vịnh người xã Định Công huyện, Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, Hà Nội). Bùi Vịnh đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh (bảng nhãn) niên hiệu Đại chính 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh, ông là con của tiến sĩ Bùi Xương Trạch, cố nội tiến sĩ Bùi Bình Quân và là viễn tổ của Bùi Huy Bích.
Bùi Vịnh làm quan tới chức Lại bộ Tả thị lang tước Mai lĩnh hầu.
Ngoài ra còn khà nhiều người đỗ đạt và thành đạt với Nhà mạc như các hoàng giáp, tiến sĩ Bùi Trí Vĩnh, Bùi Bá Chiến, Hoàng Sĩ Khải, Dương Văn An v.v…
Đặc biệt trong số những người làm quan với nhà Mạc có Giáp Hải người xã Dĩnh Kế huyện Phượng Nhãn (Bắc Giang) đồ Đệ nhất giáp đệ nhất danh (Trạng Nguyên) Khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan trải Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các, Nhập thị kinh viên, Thái bảo, tước Sách quận công, từng đi sứ nhà Minh ứng đối tỏ ra bậc phách lực, bạt quần khiến người Minh phải nể trọng.
Ồng từng được các vua nhà Mạc tôn trọng, tin dùng. Mặc dù vậy, đến tuổi ông dâng sớ xin về trí sĩ, Mạc Mậu Hợp quyến luyến thuyết phục mời ông ở lại triều. Tới lần thứ ba, thế không giữ được, triều đình buộc phải chấp thuận để ông về hưu, năm ấy ông đã 71 tuổi.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” phần nhân vật chí viết về người phò tá có công lao tài đức, về đời Mạc, Phan Huy Chú chỉ chép có mỗi một người, đó là trạng nguyên Giáp Hải, đủ biết ông là người tài, đức chói ngời.
Lại một lần nữa tôi tự hỏi vì sao cụ Phùng Khắc Khoan bỏ Mạc phù Lê?
Có nhẽ đây là việc lập chí của ông đã được hình thành từ tuổi đội mũ (16 tuổi). Nhất là từ khi ông về học với người thầy kiệt xuất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tư tưởng này ánh lên phần nào trong tập “Ngôn chí” của ông.
Trong “Tự thuật” bốn câu cuối của bài 2, cho ta thấy chí lớn của trang thiếu niên anh tuấn này:
Tùng bách khởi kham hàng tuyết đống
Kình nghê na khẳng luyến sầm đề
Nam minh tằng kiến côn bằng phấn,
Vũ dực siêu thăng vũ Hán Tề.
(Cây tùng công bách đâu chịu hàng phục trước tuyết giá
Cá kình cá nghê đâu chịu lưu luyến vũng nước chân trâu
Bể Nam thường hiện cá côn hóa chim bằng tung cánh
Vỗ cánh bay cao ngang với dòng sông Thiên Hà)
Tuổi thiếu niên, nhưng Phùng Khắc Khoan đã có chí hướng thượng, tựa như tùng bách là loài cây cứng cỏi đương đầu với gió bão và tuyết sương. Hoặc như đám kình, nghê vẫy vùng ngoài biển lớn, hoặc như cái sức của chim bằng tung cánh bay vạn dặm trên trời cao khoáng đãng.
Đúng như Phan Huy Chú nhận xét ông có “chí khí hào mại”. Lời thơ trên cùng hé lộ cho ta thấy trang thiếu niên này không phải người thường, mà có chí khí của một bậc cân quắc.
Vẫn trong phần “Ngôn chí” bài 4, tỏ rõ trong khi còn đang đi học đã có ý thức dọn mình để tích lũy kiến thức, nhằm có cơ hội thi thố thì chưa hẳn đã chịu thua kém Trương Tử Phòng. Tử Phòng tức Trương Lương, nổi tiếng là bậc cao sĩ, mưu thuật vào bậc nhất cổ kim trong lịch sử Trung Hoa, từng giúp Hán Cao tổ đánh bại Sở Bá vương lập ra nhà Hán.
Cứ theo ngôn chí thì rõ ràng Phùng Khắc Khoan có chí kinh bang tế thế. Và khi ông vào tuổi tráng niên thì trạng nguyên Giáp Hải đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Với tài năng và nhân cách của Giáp Hải thì cả đương thời và hậu thế đều tôn trọng, đều kính trọng. Vậy sao Giáp Hải lại không có thể là tấm gương cho chàng thanh niên Phùng Khắc Khoan noi theo?
Trả lời được câu hỏi này, mới có thể giải mã được vì sao Phùng Khắc Khoan bỏ Mạc, phù Lê.
Ta biết Khổng học dạy kẻ sĩ lập thân làm trọng, lập danh làm trọng, nước loạn thì tàng (tức đi ở ẩn), nước thịnh thì xuất (tức đem tài năng, trí tuệ ra phục vụ kẻ giữ ngôi nước).
Tựu trung Khổng giáo dạy đám nho sĩ vị kỷ hơn là vị nhân. Và người Trung Hoa có truyền thống: “Non sông tận cựu thù bất tận”. Tức là nước có thể mất chứ thù cũ không thể quên. Vì vậy họ coi trọng thân hơn nước.
Người Việt Nam du nhập Khổng giáo làm trợ thủ cho đường lối chính trị của nhà cầm quyền, nhưng kẻ sĩ Việt Nam có cách hành xử khác hẳn.
Kẻ sĩ Việt Nam trước hết lấy nước làm trọng, tức quốc gia dân tộc làm trọng. Kẻ sĩ Việt Nam nếu đạt tầm quốc sĩ, đều lấy quốc sỉ làm trọng, tức danh dự quốc gia phải đặt lên hàng đầu.
Ta nhớ năm 1285, giặc Nguyên với thế thượng phong tràn vào xâm lược nước ta, trong trận cản giặc để triều đình rút chạy trước cửa Hàm Tử, tướng Trần Bình Trọng bị giặc Nguyên bắt. Tướng giặc Thoát Hoan dụ hàng. Nếu ưng thuận sẽ cho về làm vương bên Bắc quốc. Trần Bình Trọng khẳng khái mắng giặc: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Trần Bình Trọng bị giặc chém đầu, nhưng khí tiết trượng phu của kẻ sĩ, quyết đem tính mệnh của mình để giữ gìn quốc thể của ông, lại trở nên bất tử. Cũng trong thời gian đó, nhà Trần cử hai ông Nguyễn Đức Dư, Nguyễn Đức Hàn vào trại Thoát Hoan để thương thảo.
Thoát Hoan bực giận cho tới lúc ấy các vua nhà Trần vẫn chưa tới hàng, lại còn sai sứ thương thảo. Y lớn tiếng quát thét: “Sứ, sứ gì các ngươi! Sứ chó!”. Hai ông bình tĩnh độp lại: “Vậy thời chúng ta đang đi sứ nước chó sao?”.Đương nhiên là giặc giết các ông. Nhưng các ông thà chết chứ không để cho giặc làm nhục quốc thể. Những tấm gương đó diễn ra chưa xa lắm.
Đối chiếu lịch sử với những gì đã xảy ra qua cách hành xử của Mạc Đăng Dung, ông vua khởi nghiệp của nhà Mạc với mấy viên quan tỉnh Quảng Tây trước cửa ải Nam quan, vẫn còn là mối quốc nhục. Việc xảy ra mới chỉ hơn chục năm, người đương thời và kẻ sĩ chắc còn giữ nguyên mối hận. Và sự đàm tiếu về hình ảnh ông vua nhà Mạc (Mạc Đăng Dung) dẫn theo một đám quần thần cởi trần và tự trói mình, quì trước mặt một lũ quan lại nhà Minh sao chẳng đến tai Phùng Khắc Khoan. Vả lại nhà Minh với thời của Minh Thế tông lúc ấy, đâu phải là một nhà nước mạnh. Sự thực nó đã ruỗng mục và thối nát đến tận xương tủy, vua thì mê muội, việc triều chính bỏ bê, dân tình oán giận. Thế mà nhà Mạc lại tỏ ra hèn yếu, bợ đỡ đến ngu muội, không còn gì là quốc sỉ, trước người Minh, khiến dân cả nước phẫn nộ. Là một người mẫn tiệp, sáng suốt và cương quyết như Phùng Khắc Khoan, khi tiếp nhận những thông tin về cách hành xử nhục nhã của Mạc Đăng Dung, chắc chắn ông không thể chấp nhận. Đó hẳn là lý do ông không ra thi với nhà Mạc. Đúng như Phan Huy Chú đã nhận định Phùng Khắc Khoan là người“chí khí hào mại, không chịu ra thi với nhà Mạc”. Lại như Lê Qúy Đôn nhận xét: “Phùng Khắc Khoan là người cương nghị tinh minh”.
Người đã có tư chất hào mại cương nghị, tinh minh, ắt phải lấy cái nhục của nước làm cái nhục của chính mình. Ấy cũng là tư chất của bậc quốc sĩ vậy. Hơn nữa, suốt mấy chục năm thống trị nước ta, tội ác giặc Minh gây ra nhiều như lá rừng, nỗi căm giận vẫn còn chất chứa truyền đời trong lòng mỗi người dân Việt. Cho nên việc làm hèn mạt vô liêm sỉ của kẻ giữ ngôi nước đối với kẻ thù của dân tộc, là sự xúc phạm sâu sắc đối với toàn dân tộc.
Với kẻ xâm lăng hùng mạnh mà ta ở thế yếu, nhất thời nước có thể mất, nhưng rồi ta vẫn có thể đuổi giặc đi, lấy lại nước. Nhưng vì muốn giữ lấy cái ngai vàng, tức là vì quyền lợi cá nhân và dòng tộc, tự hạ mình trước kẻ thù để mối nhục cho nước tới muôn sau thì tội ấy không lấy gì mà chuộc được, không ai có thể biện minh được, không một thế lực nào đủ sức bênh che, và lịch sử cũng không thể tha thứ.
Chính vì cảm nhận sâu sắc về nỗi quốc hận đó mà Phùng Khắc Khoan quyết tâm bỏ Mạc phù Lê. Mấy trăm năm sau khi nghĩ lại mối nhục này, Phan Bội Châu còn gay gắt lên án: “Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sợ nhà Minh hỏi tội, đã lấy hai châu Thạch Tích, Niêm Lãng và bốn động Cổ Sim, Tư Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát hiến cho người Minh. Bản án kết tội bọn ấy nên ghi là: “Lấy đất đai của nước, nhân dân nước, tặng người ngoài, tội ấy đáng chém! Chúng nó lấy lời gì để biện bạch được”([1]).
Trong lịch sử mấy trăm năm, đã có một vài người bàn về chuyện Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh là thật hay là ảo. Nhưng chưa có ai dám cả gan bênh cho việc ông ta làm nhục quốc thể.
“Là người cương quyết sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu”(Phan Huy Chú), Phùng Khắc Khoan thấy ngay cái lý của sự việc, nên ông đã chọn con đường quang minh chính đại, ấy là thái độ dứt khoát của kẻ sĩ trước thời cuộc, và đem hết tài trí ra phụng sự cho non sông đất nước.
Nhân cách của ông, tài trí của ông, sự nghiệp văn chương của ông, mặt nào cũng toàn bích. Riêng tôi kính ngưỡng trí sáng suốt của ông trước cuộc bể dâu rối nát, ông đã chọn đúng đường. Ông xứng đáng là bậc đại quốc sĩ, là tấm gương rực sáng cho kẻ sĩ muôn đời chung soi.
Thiết nghĩ, kẻ sĩ thời nay nếu muốn noi gương Trạng Bùng, trước hết phải biết giữ lấy cái sĩ diện cho chính mình và sĩ diện cho nước, cũng tức là GIỮ LẤY CÁI QUỐC SỈ vậy!
Láng Thượng, ngày 23.10.2012
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do học giả Ngô Đức Thọ chủ biên, mục 1503 trang 481 có ghi: “Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
53 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Quang hưng 3 (1580) đời Lê Thế tông. Hai lần đi sứ đều được nhà Minh tôn kính, không xưng tên. Ông làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mai quận công. Thọ 86 tuổi. Khi mất, được tặng Thái tể, phong phúc thần.
Phùng Khắc Khoan, tự Hoằng phu, hiệu Nghị Trai, tác phẩm có Mai Lĩnh sứ, Hoa thi tập, Ngôn chí thi tập”.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần “Nhân vật chí” về Phùng Khắc Khoan tác giả đánh giá:
“… Lúc trẻ đã nổi tiếng văn học, theo học trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Lại, kiêm thông cả thuật số. Nhưng chí khí hào mại, không chịu ra thi với nhà Mạc. Đầu đời Trung tông theo Lê Bá Ly qui thuận nhà Lê… Thái sư Trịnh Kiểm mới gặp ông, biết là người có học thức, mưu lược, cho tham dự việc trong màn trướng, trao chức ký lục ở hỗ ngự dinh, coi quân bốn vệ… Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, có các thi tập truyền ở đời”. (Lịch triều hiến chương loại chí tập I trang 260-261)
Nhà bác học Lê Quí Đôn trong “Toàn Việt thi lục” có nhận xét về Phùng Khắc Khoan như sau: “Khoan là người cương nghị tinh minh, văn võ toàn tài”.
Trên đây là lời lẽ của các học giả hàng đầu của nước ta sinh sau cụ Phùng Khắc Khoan trên dưới hai trăm năm.
Lại như người cùng thời với cụ Phùng Khắc Khoan, đó là cụ Đỗ Uông đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh (bảng nhãn) đời Mạc Phúc Nguyên (1556) làm quan tới chức Lai bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ, Thiếu bảo, Thông quận công cũng có những lời ưu ái về cụ Phùng.
Thật ra người cùng thời với nhau, lại ngang tài, ngang sức nhau mà thừa nhận nhau là việc khá hiếm. Ắt Phùng Khắc Khoan phải là bậc bạt quần thì Đỗ Uông mới có nhận xét: “Phùng Khắc Khoan là một bậc hào kiệt có tài cao, khoa giáp nổi tiếng, đạo cao đức trọng, nhân hậu trung nghĩa; đủ để giúp nước bình trị, vỗ yên dân chúng, lòng ông rộng mở. Khí độ hiên ngang đủ sức xoay trời chuyển đất, thao túng vũ trụ”.
Các bậc tiền nhân đã trân trọng họ Phùng đến như vậy, thử hỏi lũ hậu sinh chúng ta biết nói gì về cụ đây. Hơn nữa, suốt 400 năm qua, từ khi Phùng Khắc Khoan viên tịch (1613) đã có biết bao tao nhân mặc khách, biết bao các học giả trước thuật về cụ.
Người ta đã viết nhiều về Phùng Khắc Khoan từ việc tu thân, việc chọn hướng đi, việc thi triển tài năng, cả đến khí phách trượng phu, lòng nhân ái và thơ văn mẫn tiệp, tưởng không còn thiếu điều gì về nhân vật lỗi lạc này không được các học giả đề cập đến.
Tuy nhiên, nếu ta thành tâm, kính cẩn suy ngẫm về sự nghiệp lớn lao, tài năng trác việt, nhân cách cao thượng của Phùng Khắc Khoan, chắc cũng có thể khe được đôi nét để viết về cụ. Ấy là thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc.
Ta biết, khi Phùng Khắc Khoan cất tiếng khóc chào đời (1528), thì Mạc Đăng Dung đã lấy ngôi nước từ nhà Lê một năm trước đó (1257).
Tuổi niên thiếu và tuổi thanh niên của Phùng Khắc Khoan gắn liền với quê hương Phùng Xá, đến 16 tuổi thì sang Hải Dương (huyện Vĩnh Lại) học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lúc này đang là thịnh thời của nhà Mạc. Nhà Mạc lấy ngôi nước từ nhà Lê và đóng đô ở Thăng Long 65 năm (1527-1592) liên tục.
Không thể phủ nhận nhà Mạc đã làm được khá nhiều công việc, kể cả việc đào tạo nhân tài và tạo ra một nền văn hóa mang dấu ấn Mạc khá đậm.
Nhà Lê khởi thì Lê Lợi với công việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, một kẻ thù tàn bạo và hiểm độc chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim, ròng rã suốt 10 năm. Đến đời Lê Thánh tông là triều đại sáng giá nhất và cũng là thời cực thịnh của nhà Lê. Nhưng ông vừa mất khoảng hơn chục năm sau thì các cháu của ông là Lê Uy Mục, Lê Tương Dực đã trở thành những tên bạo chúa, đời gọi Uy Mục là vua quỉ, Tương Dực là vua lợn. Công việc triều chính đổ nát. Dân tình cực khổ, loạn lạc tứ tung. Và đến năm 1527, tức là đúng 100 năm sau khi Lê Lợi lên ngôi, thì nhà Lê mất về tay nhà Mạc. Lại tới năm 1533 công cuộc trung hưng cho nhà Lê được khởi từ Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, dò tìm con cháu nhà Lê đưa sang đất Ai Lao tôn lập, mở ra thời kỳ tranh đấu Lê - Mạc.
Sự nghiệp Trung hưng sau về tay Trịnh Kiểm, thu phục được nhiều kẻ sĩ và anh tài giúp rập. Kể cả các bậc tể thần và sĩ phu bỏ nhà Mạc về với nhà Lê. Thật ra tình thế nước ta vào thời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực nếu Mạc Đăng Dung không lấy ngôi nước, hẳn cũng có một đầu lĩnh hoặc một tay anh kiệt nào khác thay thế.
Thời thế ấy, kẻ sĩ phù Mạc hoặc phù Lê cũng chẳng hơn gì. Bởi cái hào quang của Lê Thái Tổ đuổi giặc Minh và tạo cho thế nước giầu thịnh của Lê Thánh Tông, đã bị con cháu làm cho tiêu vong, khiến trăm họ oán giận, đời gọi họ là “Vua quỉ”, “Vua lợn”.
Sinh ra và lớn lên trong vùng đất Mạc, tại sao Phùng Khắc Khoan không phù Mạc? Vả lại nhà Mạc lúc đó đủ đất cho ông vẫy vùng thi thố. Rất nhiều các tài năng lỗi lạc thành đạt qua khoa cử, ra làm quan để lại tiếng tăm trong lịch sử như các ông Nguyễn Thiến người xã Canh Hoạch, Tả Thanh Oai (Hà Tây cũ), ông đỗ Hội nguyên đệ nhất giáp, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại chính 3 (1532) đời Mạc Phúc Nguyên (Mạc Đăng Doanh), làm quan tới chức Lại bộ thượng thư, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh viên, tước Thư quận công.
Cùng đỗ khoa này với Nguyễn Thiến còn có Bùi Vịnh người xã Định Công huyện, Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, Hà Nội). Bùi Vịnh đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh (bảng nhãn) niên hiệu Đại chính 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh, ông là con của tiến sĩ Bùi Xương Trạch, cố nội tiến sĩ Bùi Bình Quân và là viễn tổ của Bùi Huy Bích.
Bùi Vịnh làm quan tới chức Lại bộ Tả thị lang tước Mai lĩnh hầu.
Ngoài ra còn khà nhiều người đỗ đạt và thành đạt với Nhà mạc như các hoàng giáp, tiến sĩ Bùi Trí Vĩnh, Bùi Bá Chiến, Hoàng Sĩ Khải, Dương Văn An v.v…
Đặc biệt trong số những người làm quan với nhà Mạc có Giáp Hải người xã Dĩnh Kế huyện Phượng Nhãn (Bắc Giang) đồ Đệ nhất giáp đệ nhất danh (Trạng Nguyên) Khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan trải Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các, Nhập thị kinh viên, Thái bảo, tước Sách quận công, từng đi sứ nhà Minh ứng đối tỏ ra bậc phách lực, bạt quần khiến người Minh phải nể trọng.
Ồng từng được các vua nhà Mạc tôn trọng, tin dùng. Mặc dù vậy, đến tuổi ông dâng sớ xin về trí sĩ, Mạc Mậu Hợp quyến luyến thuyết phục mời ông ở lại triều. Tới lần thứ ba, thế không giữ được, triều đình buộc phải chấp thuận để ông về hưu, năm ấy ông đã 71 tuổi.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” phần nhân vật chí viết về người phò tá có công lao tài đức, về đời Mạc, Phan Huy Chú chỉ chép có mỗi một người, đó là trạng nguyên Giáp Hải, đủ biết ông là người tài, đức chói ngời.
Lại một lần nữa tôi tự hỏi vì sao cụ Phùng Khắc Khoan bỏ Mạc phù Lê?
Có nhẽ đây là việc lập chí của ông đã được hình thành từ tuổi đội mũ (16 tuổi). Nhất là từ khi ông về học với người thầy kiệt xuất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tư tưởng này ánh lên phần nào trong tập “Ngôn chí” của ông.
Trong “Tự thuật” bốn câu cuối của bài 2, cho ta thấy chí lớn của trang thiếu niên anh tuấn này:
Tùng bách khởi kham hàng tuyết đống
Kình nghê na khẳng luyến sầm đề
Nam minh tằng kiến côn bằng phấn,
Vũ dực siêu thăng vũ Hán Tề.
(Cây tùng công bách đâu chịu hàng phục trước tuyết giá
Cá kình cá nghê đâu chịu lưu luyến vũng nước chân trâu
Bể Nam thường hiện cá côn hóa chim bằng tung cánh
Vỗ cánh bay cao ngang với dòng sông Thiên Hà)
Tuổi thiếu niên, nhưng Phùng Khắc Khoan đã có chí hướng thượng, tựa như tùng bách là loài cây cứng cỏi đương đầu với gió bão và tuyết sương. Hoặc như đám kình, nghê vẫy vùng ngoài biển lớn, hoặc như cái sức của chim bằng tung cánh bay vạn dặm trên trời cao khoáng đãng.
Đúng như Phan Huy Chú nhận xét ông có “chí khí hào mại”. Lời thơ trên cùng hé lộ cho ta thấy trang thiếu niên này không phải người thường, mà có chí khí của một bậc cân quắc.
Vẫn trong phần “Ngôn chí” bài 4, tỏ rõ trong khi còn đang đi học đã có ý thức dọn mình để tích lũy kiến thức, nhằm có cơ hội thi thố thì chưa hẳn đã chịu thua kém Trương Tử Phòng. Tử Phòng tức Trương Lương, nổi tiếng là bậc cao sĩ, mưu thuật vào bậc nhất cổ kim trong lịch sử Trung Hoa, từng giúp Hán Cao tổ đánh bại Sở Bá vương lập ra nhà Hán.
Cứ theo ngôn chí thì rõ ràng Phùng Khắc Khoan có chí kinh bang tế thế. Và khi ông vào tuổi tráng niên thì trạng nguyên Giáp Hải đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Với tài năng và nhân cách của Giáp Hải thì cả đương thời và hậu thế đều tôn trọng, đều kính trọng. Vậy sao Giáp Hải lại không có thể là tấm gương cho chàng thanh niên Phùng Khắc Khoan noi theo?
Trả lời được câu hỏi này, mới có thể giải mã được vì sao Phùng Khắc Khoan bỏ Mạc, phù Lê.
Ta biết Khổng học dạy kẻ sĩ lập thân làm trọng, lập danh làm trọng, nước loạn thì tàng (tức đi ở ẩn), nước thịnh thì xuất (tức đem tài năng, trí tuệ ra phục vụ kẻ giữ ngôi nước).
Tựu trung Khổng giáo dạy đám nho sĩ vị kỷ hơn là vị nhân. Và người Trung Hoa có truyền thống: “Non sông tận cựu thù bất tận”. Tức là nước có thể mất chứ thù cũ không thể quên. Vì vậy họ coi trọng thân hơn nước.
Người Việt Nam du nhập Khổng giáo làm trợ thủ cho đường lối chính trị của nhà cầm quyền, nhưng kẻ sĩ Việt Nam có cách hành xử khác hẳn.
Kẻ sĩ Việt Nam trước hết lấy nước làm trọng, tức quốc gia dân tộc làm trọng. Kẻ sĩ Việt Nam nếu đạt tầm quốc sĩ, đều lấy quốc sỉ làm trọng, tức danh dự quốc gia phải đặt lên hàng đầu.
Ta nhớ năm 1285, giặc Nguyên với thế thượng phong tràn vào xâm lược nước ta, trong trận cản giặc để triều đình rút chạy trước cửa Hàm Tử, tướng Trần Bình Trọng bị giặc Nguyên bắt. Tướng giặc Thoát Hoan dụ hàng. Nếu ưng thuận sẽ cho về làm vương bên Bắc quốc. Trần Bình Trọng khẳng khái mắng giặc: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Trần Bình Trọng bị giặc chém đầu, nhưng khí tiết trượng phu của kẻ sĩ, quyết đem tính mệnh của mình để giữ gìn quốc thể của ông, lại trở nên bất tử. Cũng trong thời gian đó, nhà Trần cử hai ông Nguyễn Đức Dư, Nguyễn Đức Hàn vào trại Thoát Hoan để thương thảo.
Thoát Hoan bực giận cho tới lúc ấy các vua nhà Trần vẫn chưa tới hàng, lại còn sai sứ thương thảo. Y lớn tiếng quát thét: “Sứ, sứ gì các ngươi! Sứ chó!”. Hai ông bình tĩnh độp lại: “Vậy thời chúng ta đang đi sứ nước chó sao?”.Đương nhiên là giặc giết các ông. Nhưng các ông thà chết chứ không để cho giặc làm nhục quốc thể. Những tấm gương đó diễn ra chưa xa lắm.
Đối chiếu lịch sử với những gì đã xảy ra qua cách hành xử của Mạc Đăng Dung, ông vua khởi nghiệp của nhà Mạc với mấy viên quan tỉnh Quảng Tây trước cửa ải Nam quan, vẫn còn là mối quốc nhục. Việc xảy ra mới chỉ hơn chục năm, người đương thời và kẻ sĩ chắc còn giữ nguyên mối hận. Và sự đàm tiếu về hình ảnh ông vua nhà Mạc (Mạc Đăng Dung) dẫn theo một đám quần thần cởi trần và tự trói mình, quì trước mặt một lũ quan lại nhà Minh sao chẳng đến tai Phùng Khắc Khoan. Vả lại nhà Minh với thời của Minh Thế tông lúc ấy, đâu phải là một nhà nước mạnh. Sự thực nó đã ruỗng mục và thối nát đến tận xương tủy, vua thì mê muội, việc triều chính bỏ bê, dân tình oán giận. Thế mà nhà Mạc lại tỏ ra hèn yếu, bợ đỡ đến ngu muội, không còn gì là quốc sỉ, trước người Minh, khiến dân cả nước phẫn nộ. Là một người mẫn tiệp, sáng suốt và cương quyết như Phùng Khắc Khoan, khi tiếp nhận những thông tin về cách hành xử nhục nhã của Mạc Đăng Dung, chắc chắn ông không thể chấp nhận. Đó hẳn là lý do ông không ra thi với nhà Mạc. Đúng như Phan Huy Chú đã nhận định Phùng Khắc Khoan là người“chí khí hào mại, không chịu ra thi với nhà Mạc”. Lại như Lê Qúy Đôn nhận xét: “Phùng Khắc Khoan là người cương nghị tinh minh”.
Người đã có tư chất hào mại cương nghị, tinh minh, ắt phải lấy cái nhục của nước làm cái nhục của chính mình. Ấy cũng là tư chất của bậc quốc sĩ vậy. Hơn nữa, suốt mấy chục năm thống trị nước ta, tội ác giặc Minh gây ra nhiều như lá rừng, nỗi căm giận vẫn còn chất chứa truyền đời trong lòng mỗi người dân Việt. Cho nên việc làm hèn mạt vô liêm sỉ của kẻ giữ ngôi nước đối với kẻ thù của dân tộc, là sự xúc phạm sâu sắc đối với toàn dân tộc.
Với kẻ xâm lăng hùng mạnh mà ta ở thế yếu, nhất thời nước có thể mất, nhưng rồi ta vẫn có thể đuổi giặc đi, lấy lại nước. Nhưng vì muốn giữ lấy cái ngai vàng, tức là vì quyền lợi cá nhân và dòng tộc, tự hạ mình trước kẻ thù để mối nhục cho nước tới muôn sau thì tội ấy không lấy gì mà chuộc được, không ai có thể biện minh được, không một thế lực nào đủ sức bênh che, và lịch sử cũng không thể tha thứ.
Chính vì cảm nhận sâu sắc về nỗi quốc hận đó mà Phùng Khắc Khoan quyết tâm bỏ Mạc phù Lê. Mấy trăm năm sau khi nghĩ lại mối nhục này, Phan Bội Châu còn gay gắt lên án: “Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sợ nhà Minh hỏi tội, đã lấy hai châu Thạch Tích, Niêm Lãng và bốn động Cổ Sim, Tư Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát hiến cho người Minh. Bản án kết tội bọn ấy nên ghi là: “Lấy đất đai của nước, nhân dân nước, tặng người ngoài, tội ấy đáng chém! Chúng nó lấy lời gì để biện bạch được”([1]).
Trong lịch sử mấy trăm năm, đã có một vài người bàn về chuyện Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh là thật hay là ảo. Nhưng chưa có ai dám cả gan bênh cho việc ông ta làm nhục quốc thể.
“Là người cương quyết sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu”(Phan Huy Chú), Phùng Khắc Khoan thấy ngay cái lý của sự việc, nên ông đã chọn con đường quang minh chính đại, ấy là thái độ dứt khoát của kẻ sĩ trước thời cuộc, và đem hết tài trí ra phụng sự cho non sông đất nước.
Nhân cách của ông, tài trí của ông, sự nghiệp văn chương của ông, mặt nào cũng toàn bích. Riêng tôi kính ngưỡng trí sáng suốt của ông trước cuộc bể dâu rối nát, ông đã chọn đúng đường. Ông xứng đáng là bậc đại quốc sĩ, là tấm gương rực sáng cho kẻ sĩ muôn đời chung soi.
Thiết nghĩ, kẻ sĩ thời nay nếu muốn noi gương Trạng Bùng, trước hết phải biết giữ lấy cái sĩ diện cho chính mình và sĩ diện cho nước, cũng tức là GIỮ LẤY CÁI QUỐC SỈ vậy!
Láng Thượng, ngày 23.10.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét