Menu ngang

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Chạy chức quyền và những tin nhắn mùi... tiền

-Có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoại di động… vạ ra!
Hiếm có tuần nào như tuần này, quan trí và quan đức bỗng nhiên được dư luận xã hội quan tâm và bàn tán rôm rả. Là bởi có hai vụ việc với những phát ngôn, những thông tin khá ấn tượng, để lại dư âm vừa khá hài vừa khá … thất vọng.
Vạ từ miệng vạ ra
Đó là bởi cách đây ít lâu, các cán bộ, đảng viên vừa thảo luận góp ý cho dự thảo các văn kiện ĐH Đảng XI về việc cần thay đổi cơ chế bầu chọn cán bộ một cách dân chủ, trước dư luận chạy chức chạy quyền, đến mức bị gọi là “đấu thầu” cán bộ. Ý kiến chưa ngã ngũ, thì xã hội bỗng xới xáo lên phát ngôn ấn tượng của ông PGS.Ts N. H.T, nguyên Viện trưởng Viện KH hành chính (Học viện HCQG), khi ông điềm nhiên cho rằng, cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền.
Ở góc độ truyền thông, tờ báo phỏng vấn ông đã thành công khi gây tranh cãi ồn ào, cuốn hút bạn đọc.
Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
Thi tuyển công chức ở Bộ Nội Vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ở góc độ phát ngôn ấn tượng, ông N.H.T cũng đã thành công khi khiến cả XH phải tốn bút mực bàn luận về những phát ngôn của ông.
Nhưng ở góc độ tư duy, ông cũng là người “thành công” nốt khi khiến cả XH thêm ấn tượng sâu sắc ... xấu về quan trí. Dù đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn, thấy ở ông là sự chân thành.
Để dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông đưa ra rất nhiều cách nhìn trong thời kinh tế thị trường, tựu trung lại, có hai phép so sánh sinh động nhưng là so sánh… chết người. Bởi đó là sự khập khiễng, sự lầm lẫn những giá trị, thậm chí như là đánh tráo khái niệm.
Khập khiễng, khi ông ám chỉ việc chạy chức chạy quyền ở Mỹ, ngay cả ông Obama cũng phải “chạy”.
Giá Obama biết tiếng Việt, hẳn sẽ kiện ông tội vu khống.
Bởi ông quên rằng, thiết chế chính trị tam quyền phân lập của Mỹ khác hẳn với thiết chế chính trị của nhiều nước. Ở đó, việc ứng viên tranh cử để được đảng (của họ) tiến cử phải thông qua một chương trình, một cương lĩnh phát triển nghiêm túc. Đồng tiền họ cần để “chạy” chính là khi vận động, tranh thủ các cử tri bỏ phiếu, và đồng tiền này là của các doanh nghiệp làm Mạnh thường quân tài trợ cho các đảng phái. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc- minh bạch.
Trong khi đó, cái chữ “chạy” của  không ít kẻ trong XH nước Việt, thực chất là mua quan bán tước, mua ghế, thực chất là anh rút chân giò tôi thò chai rượu. Ở đó, chỉ có giao dịch đen giữa cá nhân với cá nhân, mà cương lĩnh của kẻ “chạy”, dù không tuyên bố nhưng ai cũng hiểu, là làm sao vơ vét được thật nhiều, để bù vào cái khoản đã “chạy”. Tham nhũng nối tiếp hối lộ. Đó là vòng đời được … minh bạch của “chạy”.
Người dân còn chưa quên những chữ ký gấp của nhiều quan chức trước khi hạ cánh cho không ít các thuộc cấp của họ có chức có quyền. Cho dù các vị này cuối cùng hạ cánh có an toàn đi chăng nữa, thì trăm năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Nay cái chữ “chạy” đó bỗng nhiên được đề nghị luật hóa, được thừa nhận, có nghĩa là sự thừa nhận công cuộc phòng chống tham nhũng đó không thành công, thừa nhận nước Việt lại tiếp tục... cô đơn với một quy định luật pháp mà chả quốc gia nào văn minh, tiến bộ đi trước lại ứng dụng. Vì nó không chỉ gây rối ren trong đạo lý văn hóa một xã hội, mà nó còn nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, thực sự đi ngược lại những giá trị của nhân cách người. Vì sao?
Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
Ảnh minh họa
Nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, là bởi, ông N.H.T nhắc đi nhắc lại về cơ chế thị trường: Như vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung- cầu. Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền.
Cơ chế kinh tế thị trường với nước Việt còn quá mới mẻ, nhất là lý luận còn mỏng, chưa đủ sức thuyết phục. Nhưng sản phẩm chủ thể của cơ chế thị trường là hàng hóa. Còn chủ thể của quyền lực- quyền uy, dù muốn hay không là trí tuệ, và phẩm cách con người. Một khi nén bạc đã đâm toạc phẩm cách, thì cái phẩm cách đó có đủ sức hướng đạo cho cả một nền tảng văn hóa- đạo lý XH hay không? Nếu thực chất đồng tiền luôn đứng sau… chỉ đạo?
Xin được hỏi, nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” được thừa nhận, liệu ông có bảo đảm những người “đấu thầu” trúng chức quyền, đều là những người tài giỏi, có năng lực? Bởi tiếc thay trong XH ta, không phải lúc nào sự tài giỏi và có tiền bạc cũng là cặp đôi hoàn hảo.
Và hãy thử tưởng tượng thực tế này. Nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” thành hiện thực, tất sẽ kéo theo rất nhiều hiện tượng cung- cầu khác. Vì quy luật phát triển bao giờ cũng đòi hỏi tính đồng bộ, tương đồng, tương thích của một XH.
Việc mua bằng- bán điểm sẽ phải được hợp pháp, thay cho sinh viên, học trò phải khổ công học hành.
Việc mua chỗ làm cũng sẽ phải được công nhận, thay cho tuyển dụng nhiêu khê.
Việc mua bằng giả các ngành học từ phổ thông đến Ts cũng sẽ được công nhận hợp pháp vv.và… v.v..
Bởi tất cả những hiện tượng đó đều có thể là quy luật cung – cầu, theo lý luận của ông.
Chả trách trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26/01, tác giả Đinh Duy Hòa  đã dự báo: Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.
Chưa biết, “Luật chạy chức, chạy quyền” có biến thành hiện thực hay không, nhưng với tư duy khác đời như thế, đã có những câu hỏi hoài nghi ngay chính về bằng cấp của ông.
Tiền nhân xưa có câu ngạn ngữ thâm thúy: Phải uốn lưỡi 07 lần trước khi nói, để khuyên nhủ người đương thời và hậu thế nên biết cẩn trọng khi phát ngôn, kẻo vạ từ miệng vạ ra.
Mà với câu răn dạy đó, hẳn ông N.H.T là học trò… kém?
Mùi gì?
Dư luận XH về “Luật chạy chức, chạy quyền” chưa lắng xuống, XH lại “sốc” tiếp bởi một vụ việc chả lấy gì làm tốt đẹp, hay ho, xung quanh những mẩu tin ngắn được nhắn qua lại giữa hai người, một quan chức, một doanh nhân, bất ngờ bị (hay được) công khai trên báo chí. Một người là ông N. H. T, Thứ trưởng Bộ GTVT. Người kia là một nữ doanh nhân có tên H.
Đọc toàn bộ tin nhắn đã công khai, người ta dễ suy luận ra là bà H đòi lại ông này số tiền mà theo tin nhắn nguyên văn: Tổng em đưa cho anh bảy lần, 4 lần nhớ chính xzacs là 200 triệu và 10 ngàn đô, còn 3 lần nữa em không nhớ vì sáng nay em không cầm sổ, để em hỏi lại cậu thư ký hay đi cùng, anh thích trả cho em bao nhiêu thì trả, em phải vay lãi 1 triệu/10 nghìn ngày đó anh ạ (Bảo vệ pháp luật, ngày 23/01).
 Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
Ảnh: saigondautu.vn
Hóa ra cái tin nhắn đó liên quan đến việc xin tham gia gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam VRAMP, mà bà H, Chủ tịch HĐQT Công ty cố phần TH, là một trong những đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu.
Đặt cái tin nhắn đầy mùi tiền bạc đó, trong bối cảnh ông Thứ trưởng GTVT là người có thẩm quyền bút phê dự án này, trong bối cảnh xã hội nạn tham nhũng phổ biến, hẳn người có trí tuệ trung bình trở lên cũng phải nghĩ, đó là tin nhắn đòi lại tiền đã đưa. Tiến sĩ Tô Văn Trường trong một bài viết trên mạng truyền thông XH đã gọi đích danh “Đã bốc mùi hối lộ chạy dự án”.
Còn những người quá hiểu “luật đời” trong mối quan hệ làm ăn với các dự án cho rằng, một trong hai người đã phạm “luật giang hồ”- tức là không thực hiện được đúng cam kết, thì phải trả lại tiền. Thực hư ra sao, bản chất những tin nhắn đó là gì, chắc chắn chỉ hai người trong cuộc biết với nhau. Còn tại buổi họp báo Chính phủ chiều qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói rõ, Thứ trưởng có báo cáo với ban cán sự Đảng là tin nhắn không có, là sai sự thật.
"Căn cứ vào báo cáo của Thứ trưởng Trường, chúng tôi cũng đã có báo cáo về Ban Bí thư, Chính phủ đồng thời đề nghị Tổng cục Cảnh sát -  Bộ Công an điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Thăng giải thích.
Cũng ngay trong tuần, trước những thông tin, những bình luận ồn ào trên báo chí, mạng truyền thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã có ngay một hành động nhanh chóng, như mọi lần xảy ra các vụ việc, liên quan đến thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ. Đó là ra quyết định thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP), nhằm làm rõ các thông tin đăng tải trên báo chí trước đó cho rằng, bút phê của Thứ trưởng Bộ GTVT N. H.T vào đơn xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án VRAMP do bà H.T.D.H. – Chủ tịch HÐQT Công ty CP đầu tư TH – gửi ông này.
Tuy nhiên, cho dù nhanh chóng có động thái để xử lý vấn đề, dư luận xung quanh vụ việc này lại bỗng hoài nghi, trước cung cách và quan niệm xử lý vụ việc.
Vì sao, việc thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP) đang có nhiều tai tiếng, lại do chính thanh tra của Bộ GTVT tiến hành. Điều đó được ví như Bộ GTVT vừa đá bóng vừa thổi còi. Vì nếu có tiêu cực thật, sớm muộn gì Bộ GTVT và những người quản lý, có trách nhiệm cũng có liên quan. Vậy việc thanh tra liệu có bảo đảm kết quả khách quan?
Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
 Trong khi mối quan hệ này rõ ràng không thể chỉ là mối quan hệ cá nhân, nó liên quan đến lợi ích của một doanh nghiệp, liên quan đến việc đấu thầu một gói thầu mà Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, liên quan đến cả tư cách của một quan chức cấp bộ.
Chỉ xin mượn ý câu trong ca khúc Phượng hồng: Ai cũng hiểu chỉ một người không chịu hiểu/ Nên có một gã không khờ ngọng ngịu ngó làm lơ.
Và thêm điều này mới đáng chú ý, ngay sau vụ việc tin nhắn tai tiếng, ngay sau những quyết định của Bộ GTVT còn khiến dư luận XH ồn ào bàn tán, theo báo Đất Việt, ngày 27/01, Bộ GTVT liên tiếp đưa những thông tin mang tính cảnh báo, răn đe những người gọi điện thoại đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, để liên hệ công tác, làm việc, xưng danh là người thân quen của đồng chí Bộ trưởng GTVT.  Theo đó, việc xưng danh là người thân quen của Bộ trưởng là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Bộ trưởng cũng như công việc chung của Bộ GTVT, đồng thời gây phiền hà cho các cơ quan, đơn vị.
Văn bản này cũng do chính ông Thứ trưởng N. H. T ký tên.
Việc làm này, đặt trong bối cảnh “tin nhắn hai chiều” vừa diễn ra với những nghi vấn tiền bạc không sòng phẳng, phải chăng, nó là một thứ thủ pháp, mẹo mực khôn mà không ngoan của ai đó tham mưu cho Bộ GTVT nhằm xóa nhòa đi nghi vấn vụ việc mới đây. Tuy nhiên, trong thời đại của IT, của thế giới phẳng, sự trí trá có thể giúp cho những ai đó thoát tội, nhưng không dễ đánh lừa được dư luận XH.
Mọi vụ việc của “tin nhắn hai chiều” nói trên, của cuộc thanh tra gói thầu dự án vẫn còn đang bỏ ngỏ… Dư luận XH vẫn đang chờ đợi và đòi hỏi cách giải quyết minh bạch, sòng phẳng của Bộ GTVT, đặc biệt sau phần chia sẻ của người đứng đầu bộ này tại cuộc họp báo Chính phủ.
Chợt nhớ một câu ngạn ngữ rất sâu sắc: Người ta có thể đánh lừa được một người, đánh lừa được một tập thể, thậm chí đánh lừa một cộng đồng, nhưng không thể đánh lừa được cuộc đời.
Lại có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức, chạy quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoai di động… vạ ra!
Kỳ Duyên

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Chùm thơ Nguyễn Đình Quỳnh:

CON CHÁU NGUYỄN ĐÌNH

Đất thiêng Thượng Xá bao chàng trai
Văn hay võ giỏi xếp bậc thầy
Chí trai xông pha nơi trận tuyến
Trí già vung bút thơ văn hay.

Chiến tranh vang bóng thời trai trẻ
Thái bình cao trí sáng trời mây      
Hậu thế muôn đời noi Tiên Tổ *
Sánh bước muôn phương võ văn tài.

*Thủy tổ họ Nguyễn Đình ở Thượng Xá là Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí

Xuân 2015
Đình Quỳnh

NGHI HỢP QUÊ TÔI

Đất linh Nghi Hợp tự bao đời
Sông,núi,đồng quê đẹp tuyệt vời
Ngày đến nông dân trên thửa ruộng  
Đêm về con trẻ nô đùa chơi.

Núi vờn thế đứng long chầu nguyệt
Sông lượn vòng quanh ôm núi đồi
Nghi Hợp có đền thiêng Nguyễn Xí
Xin mời quý khách ghé thăm chơi.

Xuân 2015
Đình Quỳnh


ĐÊM BUỒN

Hoàng hôn nắng nhạt giọt vàng rơi
Đêm vắng trăng treo tận cuối trời
Mộng đẹp trang thơ vờn gió núi
Tình say bảng lảng cuốn mây trôi.

Mòn mỏi đợi mong người xa xứ            
Đêm trường khắc khoải nhớ đầy vơi   
Biết đến bao giờ ngày hội ngộ
Cho lòng thanh thản hỡi người ơi.

Vinh 2015
Đình Quỳnh

 ĐỀN THỜ NGUYỄN XÍ

Oai phong cổ kính một ngôi đền
Tọa lạc bao đời giữa đất thiêng
Đền tiền cầu đá soi bóng nguyệt
Hậu cung cây cối vờn gió xuyên.

Bao phen lịch sử gây giông tố   
Quốc dân trùng tu khang trang hơn
Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xi
Soi sáng muôn đời với nước non.

 Đinh Quynh
Vinh 2014


THƯ GIÃN LÚC HƯU

Nghỉ hưu thư giãn quán cà phê
Chiều sáng rung đùi thật sướng ghê
Tỉ tách cà phê ngồi nhớ bạn
Rì rào gió lắc đón thu về.

Hưu rồi túc tắc làm thơ luật
Đâu có lo toan nợ níu đè
Danh vọng, tiền tài rồi cũng hết
Trong ta tình đẹp một lời thề!

Thu 2014
Đình Quỳnh

TÌNH XƯA

Hoàng hôn nắng nhạt giọt qua thềm
Thấp thỏm lòng mong ngóng đến đêm
Gốc bưởi còn nguyên, hình thiếu nữ
Trăng rằm tròn trĩnh, bóng hình em
Đừng thương nhau lắm, mang sầu khổ
Trao cả tình yêu, xót ruột mềm
Khuya lạnh canh dài ôm mộng ngủ
Ai về cho cả áng trăng êm

Vinh, đêm 10/9/2013
Đình Quỳnh

TÌNH ĐƠN

Bữa ấy chiều thu nắng nhạt hồng
Anh chờ em mãi, phố đàng Đông
Chòng chành chén rượu hình đôi bóng
Họ dắt tay nhau giữa đám đông

Ai đã ôm em giữa lời thề 
Một thời ngồi dưới ánh trăng the
Đôi ta thổn thức giao hẹn ước... 
Buồn ánh trăng thu gió lạnh về

Một gói hy vọng, có mang đây
Buộc nguyên trọn gói khát khao đầy
Cho rồi anh thề không đòi lại
Tình đơn em giữ lấy đừng” rầy”

Hè qua, nỗi nhớ chuyển sang Thu
Gói tình anh buộc, gió buồn ru
Bao năm ngong ngóng không hề mở
Yêu nhau chung thủy mỏi mong chờ

Gặp nhau em đứng cạnh gốc sanh 
Tựa cây cao, thấm đậm hoa cành
Mưa rơi rả rích mềm thân lá
Đau trái tim anh lệ ướt tà

Mưa ơi!mưa rơi đừng khóc nữa
Để tình xưa lại ướt mưa đầy
Thôi Người xưa hãyquên hết thảy
Lá vàng rơi vạn nát thân cây

Vinh ngày 26/82013
Đình Quỳnh

THÁI SƯ NGUYỄN XI

Thái Sư Nguyễn Xí mãi lưu danh
Hơn sáu trăm năm tập đại thành
Chinh sự triều đình trung với Chủ
Lừng danh thao lược cứu dân lành.

Dựng xây non nước lo trăm họ
Lập ấp khoai hoang mở giới ranh
Thầm lặng hy sinh cho Đại Việt
Quên mình cứu Chúa tỏ lòng thành

Vinh, ngày16/9/2013
Đình Quỳnh


CON CHÁU HỌ NGUYỄN ĐÌNH 

(Tặng Giao Hưởng và anh chị em họ Nguyễn Đình)

Đường về Nghi Hợp dọc ven đồng
Phong cảnh hữu tình ngây ngất trông
Sóng vỗ rì rào ru biển ngủ
Mây bay lơ lửng vỡn đồi thông.

Thái sư Nguyễn Xí phò Lê Lợi
Nhân kiệt Vua ban Cương Quốc Công
Con cháu họ Đình gốc Thượng Xá(1)
Ghi ơn Đức Tổ mãi trong lòng.

Vinh ngày 14/9/2013
Đình Quỳnh
(1) Xã Nghi Hợp trước năm 1945 gọi là Thượng Xá


THƯỢNG XÁ CÓ THÁI SƯ

Làng tôi gần biển nghề nông
Xung quanh là suối là sông uốn mình
Chếch Đông rú nhọn lung linh
Mặt trời về ngủ ngoái nhìn làng quê
Nhà thờ Cương Quốc Vua phê
Nằm trên trạch tốt Chúa Lê ban về
Quê hương Thượng Xá bốn bề
Núi cao sông thẳm Thủy- Sơn ân tình
Sinh thời theo Chủ đánh Minh
Đuổi Ngô dựng nước quên mình cứu Vua
Yên bình chân trụ sớm trưa
Dẹp quân phản loạn mời đưa chúa ngồi...
Đến nay đã thật lâu rồi
Duệ Tôn cháu chắt đời đời mãi lưu
Đền thờ Đức Tổ Thái Sư
Tọa trên đất thánh đẹp như thiên đình

Vinh, ngày 25/92013
Đinh Quỳnh

ANH HÙNG LIỆT SỸ TRUÔNG BỒN

Chiến tranh tàn phá trên quê hương
Tuổi trẻ bám đường chẳng vẩn vương 
Đại đội thanh niên thông tuyến mạch 
Trung đoàn bộ đội tiếp lên đường
Truông Bồn di tích nhà lưu niệm
Tổ quốc vinh danh mãi nhớ thương
Thập ngũ Nữ hùng chung bữa giỗ
Muôn đời con cháu mãi thơm hương

Vinh, ngày1/10/2013
Đình Quỳnh 

MIỀN TRUNG

Thoáng, trào gió bão đổ về
Dân làng nhốn nhác,đồng quê ồn ào
Kẻ chèo chống, người cuốc đào
Đắp đê, vét rãnh, tháo trào ra khơi
Mẹ già chân đất lệ rơi
Thương con thương cháu cũng “bơi” giữa trời
Ai thương ai biết cho người?
Miền trung rốn bão, là nơi khổ nhiều
Một năm lại có bao điều
Mưa tuôn, lũ cuốn, sớm chiều gió xay
Hết ăn, hết uống, trắng tay
Không nhà không cửa chẳng lay lòng người
Miền Trung cơ cực bao đời
Nắng chang chang lửa, mưa mưa ngút trời
Miền trung rực lửa một thời
Bao bom đạn Mỹ,bao người hy sinh
Một thời hỗn loạn chiến binh
Nay bình yên đến lại sinh bão nhiều
Miền Trung đất lửa thân yêu
Gồng mình chống chọi bao điều thiên tai

Vinh, tháng11/2013
Đình Quỳnh



TRĂNG QUÊ

Trăng quê thao thức lòng người
Kỷ ức xưa lại giục hồi trong tôi
Ngày xưa chân đất đùa chơi
Chị Hằng hiền dịu sáng soi ấm tình...
Trăng rằm dọi sáng lung linh
Giọt sương đêm phủ ướt mình thân cây
Lớn lên biết chữ từ đây
Sân đình, giếng nước... đong đầy tình quê
Lớn lên tuổi đợi trăng thề 
Nhớ em tôi lại nhớ về trăng xưa
Những đêm ngồi dưới gốc dừa
Đêm se gió mát, lưa thưa sao dời 
Sao đêm từng cặp đổi đôi
Mà trăng quê vẫn một đời thủy chung

                                       Vinh, 12/2013
                                        Đình Quỳnh


Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Lương thấp làm sao đủ chạy chức- chạy quyền?

-Với văn hóa tiền mặt, văn hóa phong bì, tiền “nổi lên” kia chắc gì đã bằng tiền “chìm xuống” và những khoản ngầm chạy vào túi ai làm sao kiểm soát nổi?
Mới đây, trong một bài phỏng vấn của phóng viên Đất Việt với PGS.TS Nguyễn Hữu Trí, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia, ông chia sẻ:Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên. Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có khoản ngầm chạy vào túi ai hết.
Quả thật,  người viết tâm đắc với PGS. TS Nguyễn Hữu Trí ở khía cạnh thẳng thắn về...  sự bất lực.
Ông thừa nhận sự ham muốn quyền lực, ham muốn cống hiến đóng góp cho xã hội là có thật. Quan hệ cung cầu, cơ chế thị trường đã vận hành trong mọi lĩnh vực đời sống nhưng lại không được thừa nhận trong công tác tổ chức cán bộ?
Ông thừa nhận việc chạy chức, chạy quyền là có thật và nếu công khai minh bạch thì việc quản lý kiểm soát dễ hơn, tránh lãng phí thất thoát.
Lương thấp, làm sao đủ, chạy chức, chạy quyền, Minh Phước, thói vô cảm,
Ảnh minh họa
Ông thừa nhận sự cạnh tranh đem lại các giá trị lớn và bầu cử cũng là một hình thức cạnh tranh. Chuyện “chạy” vào biên chế là có thật, nhưng… đã vào biên chế là không có ra, đã lên cao là không có xuống thấp.
Rõ là,  PGS.TS Nguyễn Hữu Trí đã nhìn thấy được bất cập vô lý trong công tác nhân sự, quản lý cán bộ.  Nhưng đi vào đề xuất của ông về "luật hóa chạy chức, chạy quyền" thì sao?
Với nền văn minh phương Tây, với cách thức tranh cử, ứng cử công khai minh bạch, với lá phiếu tín nhiệm “yes” hoặc “no” rõ ràng, với hình thái kinh tế thị trường thượng tôn pháp luật, thu nhập đúng theo năng lực, các phúc lợi xã hội được đảm bảo, thì việc... chạy đua ứng cử để ngồi lên chiếc ghế cao nhất của ai đó dễ dàng được thừa nhận, vì dân chúng có công cụ để giám sát.
Nhưng ở ta thì sao?
Có một sự lạc quan vô cùng lớn trong lập luận rằng, nếu chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, nhà nước sẽ  quản lý được, nếu đụng vào luật cũng dễ xử và sẽ không còn những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
Ở những thể chế thị trường minh bạch, người ta quản lý tiền tệ bằng tài khoản ngân hàng. Còn với văn hóa tiền mặt, văn hóa phong bì ngấm ngầm ở ta, tiền “nổi lên” kia chắc gì đã bằng tiền “chìm xuống” và những “khoản ngầm chạy vào túi ai” làm sao kiểm soát được?
Đồng ý rằng nước ta có cả rừng luật, cả luật công chức, luật phòng chống tham nhũng… vậy mà vẫn còn có đến 30% công chức cắp ô chưa thanh lý được… Hơn thế nữa, do tính đặc thù của thể chế, hầu như các lãnh đạo ở nước ta đều là đảng viên, họ thuộc lòng những quy định rất rõ ràng và thiêng liêng của Điều lệ Đảng, nhưng thực tế  “một bộ phận không nhỏ” bị xử lý suốt thời gian qua thì sao?
Phương thức cạnh tranh, quan hệ cung cầu, kinh tế thị trường không thể chỉ hiểu đơn thuần bằng đơn vị tiền, quy luật đó chi phối tất cả mọi giá trị. Quy luật đó thể hiện cao nhất ở hai mặt hồng và chuyên, tức là tài năng và phẩm hạnh. Nếu như một nhân sự đạt được cả hai mặt “hồng và chuyên” nhưng “yếu đạn” hơn các nhân sự đang cạnh tranh khác thì tất yếu phải thua do không đủ lực để chạy?
Nếu tính thu nhập lương, đa số từ công chức cho tới các vị lãnh đạo đều phải tằn tiện lắm mới đủ sống, họ lấy tiền ở đâu ra để bắt vào cuộc đua “chạy” chức, “chạy” quyền. Nếu một người trúng cử nhờ tiền “chạy” của các nhóm lợi ích, của mối quan hệ sân sau thì theo quan hệ cung cầu, có ai dám chắc người lãnh đạo ấy không bị chi phối bởi bộ phận đã bỏ tiền ra mua chức danh ấy?
Nếu như “chạy” công khai là một ý kiến hay thì cái hay hơn nữa là cần phải công khai, minh bạch tài sản của tất cả các quan chức. Vậy mà thời điểm bây giờ, chúng ta vẫn chưa làm được?
Tuân thủ kinh tế thị trường trong vấn đề nhân sự, áp dụng cách thức cạnh tranh trong bầu cử, nếu được, nó phải được vận hành trong một cơ chế quản lý tiên tiến, dân chủ, bình đẳng, giám sát tốt, tinh thần thượng tôn luật định. Chứ không phải thay đổi bằng cách... cả làng đua nhau chạy.
  • Minh Phước

Chạy chức, đã đầu tư là phải sinh lời?

-Điều mà dân cần ở lãnh đạo, bất kể cấp bậc nào là tài - tâm- ý chí. Cả ba  điều cấu thành nên tiêu chí chuẩn mực của một người đứng đầu, không đồng tiền nào mua nổi.
LTS: Đề xuất luật hóa chuyện chạy chức chạy quyền của PGS.TS Nguyễn Hữu Trí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia mới đây tiếp tục gây tranh luận. Xin giới thiệu bài viết của tác giả  Thịnh Hà để bạn đọc cùng trao đổi.
Đề xuất của  nguyên Viện trưởng Viện khoa học hành chính dựa trên hai căn cứ chủ yếu: "Đã là kinh tế thị trường thì chạy là tất nhiên, luật hóa cho tiền chạy nổi lên, dễ kiểm soát" và "trên thế giới ai cũng chạy chức chạy quyền, kể cả Obama".
Vị GS “quên” mất rằng, cũng là chạy nhưng chạy một cách công khai, đàng hoàng bằng chính sức lực, tài năng và ý chí của mình để về đích khác hẳn với chạy tắt, chạy dối gian – chẳng hạn đua xe đạp, đến đoạn đường vắng cho người và xe lên ô tô, chạy vượt lên trước rồi thả xuống.
Từ cái cách tư duy khập khiễng ấy, mà dẫn tới hàng loạt suy diễn xa rời bản chất.
Thứ nhất, đâu phải chỉ đến lúc xuất hiện nền kinh tế thị trường thì người ta mới lo chạy chức quyền. Sử sách ghi rõ từ bao đời nay, các triều đại vua Việt đều cấm chuyện mua bán quan tước, coi đó là chuyện khuất tất không thể chấp nhận.
Thứ hai, ông Tri đã nhầm một cách rất chân thành ở chỗ cách ‘chạy’ vào Nhà Trắng của Tổng thống Obama không giống như ông nghĩ. Tranh cử chức tổng thống tốn rất nhiều tiền vì cần chi phí cho quảng bá hình ảnh, đi lại, tổ chức… Thế nhưng, dù là ai, tốn bao nhiêu tiền đi nữa, nhất định phải có thực tài. Nói chính xác là tài năng của ứng cử viên phải được đa số chấp nhận.
Thứ ba, dùng tiền để vận động tranh cử không hề đồng nghĩa với mua, bán, trong khi ông Tri cho rằng có thể mua để đồng tiền NỔI lên, dễ quản lý. Từ thuở có nhà nước cách đây hàng ngàn năm, chẳng có chế độ nào chấp nhận cách mua quan bán tước cho tiền… nổi lên (và tóm lấy) kiểu như thế.
Điều mà dân cần ở lãnh đạo – bất kể cấp bậc nào là tài- tâm- ý chí. Cả ba điều cấu thành nên tiêu chí chuẩn mực của một người lãnh đạo, không có đồng tiền nào mua nổi.
Luật hóa chạy chứ quyền, dị biệt, tư duy, Hà Văn Thịnh, đức độ, hiểu biết, bán mua
Cứ giả sử như việc này mà được luật hóa thật, thì điều đầu tiên cần làm đó là phải lập "sàn" giao dịch chạy chức - chạy quyền mà cái giá của nó không thể nào lượng định nổi bởi có chức bằng tiền tức là đầu tư. Đã là đầu tư thì phải tìm cách sinh lợi. Muốn sinh lợi thì phải tăng cường kiếm chác. Quan càng tham vọng kiếm nhiều, dân càng khổ, xã hội hỗn loạn…Hệ lụy tiếp đó là xã hội thêm trì trệ, rối mù, tình trạng tắc trách không được  giải tỏa, sự phức tạp càng tăng.
Trong khi đó, người có nhiều tiền không có nghĩa là người có tài kinh bang tế thế. Tiền do làm ăn bất chính, do buôn bán ma túy, do thừa kế… chẳng liên quan đến khả năng tề gia, trị quốc.
Cái vòng luẩn quẩn đã hiện ra: Ông Tri cho rằng cơ chế hiện nay không cho phép người trưởng non kém ‘thích’ người phó tài nên càng cần phải luật hóa chuyện… chạy. Ông giải thích sao nếu kẻ bỏ ra nhiều tiền để có chức nhưng vẫn hoàn toàn kém tri thức, khả năng để điều hành một bộ máy phức tạp. Người như thế liệu có thể xử lý vấn nạn trưởng kém không thích phó giỏi lâu nay. 
Muốn chọn được người thực tài, có đức, biết rõ điều hơn, lẽ thiệt, hãy có cơ chế cho dân bầu cử dân chủ.
Đừng đổ lỗi cho kinh tế thị trường. Nhiều nước rành rành nền kinh tế thị trường sao ít khi có tham nhũng, ít khi thấy quan chức yếu kém?
Những văn bản trên trời, những đề xuất lạ đời mọc ra ngày càng lắm. Phải chăng hầu hết những sai phạm về cái gọi là ý tưởng ấy cũng bắt nguồn từ chỗ “chạy” mà ra? Những ý tưởng ích nước lợi dân chẳng tiền nào mua được cho dù có chạy bằng cả cơ nghiệp.
Trên đời, có hai cái trong nhiều thứ không thể mua được, đó là đức độ và hiểu biết. Đã là không mua được, thì tại sao lại cần luật hóa cho dễ bán mua?
  • Thịnh Hà