Menu ngang

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

CỤ TRƯƠNG VĂN LĨNH
         ( 1902 - 1945 )


Ngày 26/5/2016, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về thăm, dự Lễ Khai giảng Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, các cựu Cán bộ, Học viên Khóa 1 Võ bị ( gồm các cụ : Đặng Văn Việt, Đỗ Hạp, Phạm Minh Tâm, Văn Chiên, … ), một số thân nhân gia đình cán bộ ( gồm các anh chị : Lê Văn Lan, Trần Kháng Chiến, Trần Kiến Quốc, Vũ Trực, Tạ Quang, Tạ Quang Chính, Phạm Hồng Phương, Phan Tuấn, Võ Hạnh Phúc, … ) đến thăm Trường Sĩ quan Lục quân 1 ( Đại học Trần Quốc Tuấn ).
Là cán bộ cũ của Trường, lại có quan hệ thân thiết khá lâu với Ban Liên lạc Khóa 1, tôi vinh dự được mời tham gia.
Khi vào thăm Nhà Truyền thống của Trường, đứng trước Tấm bảng ảnh các vị Lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường qua các thời kỳ, tôi phát hiện và đề đạt với Ban Giám hiệu, cơ quan Chính trị Nhà trường là : Trong Tấm bảng ảnh, thiếu ảnh cụ Trương Văn Lĩnh ( tức Nguyễn An ) người Hiệu trưởng đời thứ 3. ( Cụ Hoàng Văn Thái là Hiệu trưởng đầu tiên - từ 15 / 4 / 1945 - sau đó được Bác Hồ và Trung ương cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội. Tiếp theo cụ Hoàng Văn Thái, cụ Nguyễn Thanh Phong là Hiệu trưởng thứ hai. Tháng 8/ 1945, cấp trên điều động cụ Nguyễn Thanh Phong làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hà Giang, cụ Trương Văn Lĩnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ).
Anh Trần Kiến Quốc và mấy anh cùng đi hỏi tôi, trường hợp cụ Trương Văn Lĩnh là thế nào ?
Chuyện thì dài. Tôi vốn là người hay tìm hiểu và may mắn lại được các cụ kể lại - Mà các cụ kể cho tôi nghe ( cụ Trần Sâm, cụ Trần Văn Quang, cụ Trần Văn Bành, cụ Triệu Huy Hùng, … thì nay đều đã đi gặp Bác Hồ cả rồi. Tôi nói ra, có thể bị cho là không đúng, lấy ai làm bằng chứng ).
Tôi cũng đã đọc bài viết của cụ Nguyễn Tạo.
Tôi có thể tóm tắt là:
1 - Sinh thời, cụ Trần Sâm nói với tôi: Năm 1939, khi đang hoạt động cách mạng cụ bị thực dân Pháp bắt, tuyên án 5 năm tù giam và đày lên nhà lao Ban Mê Thuật. Tại nhà tù đế quốc, Chi bộ Cộng sản vẫn tổ chức học tập. Người dạy chính trị là cụ Hồ Tùng Mậu, người dạy quân sự và võ thuật là cụ Trương Văn Lĩnh. Vì cụ Lĩnh đã từng tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch. Cụ Trần Sâm còn kể, thuở đó, trong nhà tù, theo tuổi tác cùng trang lứa, các chính trị phạm đều gọi nhau bằng mày, tao. Riêng có 2 người thì được gọi khác : Cụ Mậu và Ông Lĩnh . Thế mới biết, hồi đó, cụ Hồ Tùng Mậu và cụ Trương Văn Lĩnh đã được các thế hệ cách mạng đàn em tôn vinh, kính nể.
2 - Xuất thân trong gia đình công giáo ở làng Tụy Anh, xã Nghi Phương ( Nghi Lộc, Nghệ An), lúc còn trẻ Trương Văn Lĩnh đã theo học Trường dòng tại Chủng viện Xã Đoài. Tiếp đó, Trương Văn Lĩnh giác ngộ cách mạng, tham gia VNTNCMĐC Hội và được Bác Hồ giới thiệu vào học Trường quân sự Hoàng Phố. Cụ Lĩnh vừa là Đảng viên ĐCSTQ ( năm 1926 ), vừa là Đảng viên ĐCSVN khi mới thành lập, và để hoạt động trong hàng ngũ địch, cụ lại là vừa là Đảng viên Quốc dân Đảng. Sau khi tốt nghiệp, Cụ Lĩnh là Quan Ba, Giám đốc Cảnh sát Quảng Châu ( Trung Quốc), thời Tưởng Giới Thạch. Chính vì lợi thế đó, cụ là người chủ trì đến gặp Luật sư Lozobi đứng ra biện hộ cho Bác Hồ trong vụ án Tống Văn Sơ. Sau đó, năm 1932, mật thám Anh phát hiện cụ Lĩnh là Cộng sản cài vào hàng ngũ Quốc Dân Đảng, nên đã bắt cụ trao cho Pháp đưa về Việt Nam giam giữ tại các Nhà tù : Hỏa Lò, Lao Bảo, Ban Mê Thuật, Đắc Min.
3 - Cụ đã cùng cụ Nguyễn Tạo vượt ngục Đắc Min với bao gian khổ, nguy hiểm. Khi ra Bắc cụ chủ trì xây dựng có sở Cách mạng ở Thái Nguyên. Trong một lần do người cảnh giới bỏ vị trí canh gác, cụ Lĩnh đi ra khỏi căn cứ, bị thực dân Pháp bắt đưa về giam ở Hỏa Lò. Lần này, âm mưu thâm độc của mật thám Pháp là khi đi lùng bắt các cơ sở cách mạng đều áp giải lôi cụ lên xe và chúng tung tin là Trương Văn Lĩnh đã chiêu hồi đầu hàng và đang đi chỉ điểm các cơ sở cách mạng.
4- Ngày 15/4/1945, thực hiện Nghị quyết của Hội nghi quân sự Bắc Kỳ do Trung ương Đảng triệu tập, Trường Quân chính kháng Nhật - tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 - được thành lập. Cụ Hoàng Văn Thái, 1 trong 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ, đã từng được cử đi học ở Trưởng quân sự Quảng Tây, được Trung ương cử làm Hiệu trưởng. Cụ Nguyễn Thanh Phong ( tức Nguyễn Tri Phương ) làm Hiệu phó. Trong Ban Giám hiệu còn có cụ Trương Văn Lĩnh và cụ Nguyễn Văn Lý.
Với kiến thức quân sự khi học ở Trường Hoàng Phố, cụ Lĩnh đảm nhiệm việc biên soạn các tài liệu, giáo trinh huấn luyện.
Tháng 9 năm 1945, cụ Trương Văn Lĩnh - lúc này lấy tên là Nguyễn An - được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Cụ Trần Tử Bình được bổ nhiệm làm Chính ủy.Trong số học viên, có người vu cáo cụ Lĩnh là đã có thời kỳ phản bội, đầu hàng, làm tay sai cho Pháp. Cụ Lĩnh uất ức, lên gặp Bác Hồ để trình bày. Bác Hồ nói, cây ngay không sợ chết đứng, không việc gì cả, chú cứ về yên tâm công tác cho tốt. Nhưng kẻ ác vẫn tiếp tục xuyên tạc, vu khống cụ với nhiều chiêu trò bỉ ổi. Và, chỉ vì trong một phút bức xúc, manh động, không tự kiềm chế được, cụ Trương Văn Lĩnh đã tự vẫn vào ngày 23 tháng 11 năm 1945, lúc mới 43 tuổi đời . Thật đau đớn! Sau khi cụ Trương Văn Lĩnh mất, cụ Trần Tử Bình được Bác Hồ và Trung ương Đảng bổ nhiệm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy.

Cùng với Phạm Hồng Thái, Đặng Thúc Hứa, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, ... cụ Trương Văn Lĩnh là một chiến sĩ Cộng sản trung kiên, chí cốt, là niềm tự hào của quê hương Nghệ An. Tên cụ Trương Văn Lĩnh đã được gắn cho một con phố ở thành phố Vinh.
Khi còn công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi đã giao cho cơ quan Chính trị của Trường cử cán bộ về quê viếng mộ cụ và thăm thân nhân. Được biết, cụ có người cháu nội làm Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An.
Những điều tôi viết trên đây là nghe lại từ các nhân chứng lịch sử - các cụ đều là Lão thành Cách mạng.
Thể theo yêu cầu của bạn hữu, tôi xin chép lại câu chuyện về cụ Trương Văn Lĩnh là như thế.
Theo sử sách, Cuộc đời và Sự nghiệp của cụ Trương Văn Lĩnh còn oanh liệt, phong phú hơn nhiều !

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020


THƠ VÀ BÌNH THƠ

Bài 1
------


KÝ HOẠ
        
             Nguyễn Mạnh Đẩu


Lão - U 70
Vợ lão già
Con lão lớn
Cháu lão ngoan
Nhà lão vững chắc
Lại đã Phó Thường Dân.

Lão đã yếu tay chân
Vẫn ham chơi Tennis
Vẫn căng đầy cảm xúc
Sau từng trận giao tranh.

Không phải nghiệp văn chương
Mà đam mê xới cày trên cánh đồng chữ nghĩa
Cảm xúc ập ùa từng câu chuyện kể
Từng trang thơ thao thiết cõi lòng

Xe gia đình
Lão vẫn cầm vô lăng
Khi rong ruổi thăm thú bạn già
Lúc đăng đàn lễ lạt
Hàn huyên tri kỷ tri âm

Còn mái đầu bạc
Ra hiệu cải lão hoàn đồng
Lão chẳng có gì khác
Vẫn náo nức quyện hoà
Giữa bao cuộc vui chung !

Mỹ Đình, 07/9/2016

LỜI BÌNH :
-------------

CẢM NHẬN VỀ MỘT BỨC
    CHÂN DUNG KÝ HỌA

                                                           Ngô Quý Vân

Xưa nay, người đời vẫn ký họa bằng tranh, kể cả ký họa chân dung hay cảnh vật. Thế nhưng, nay ta lại bắt gặp một bức ký họa chân dung bằng ngôn ngữ thơ rất độc đáo của Nguyễn Mạnh Đẩu. Với giọng thơ tự trào, hóm hỉnh, pha chút ngạo nghễ, ngang tàng - một phong cách đậm “chất lính chiến” , tác giả đã tự phác họa nên bức chân dung Lão phu Nguyễn Mạnh Đẩu rất ung dung, tự tại giữa đời.
Thoạt đầu, Lão viết như một lời tự sự :

 " Lão - U 70
Vợ lão già
Con lão lớn
Cháu lão ngoan
Nhà lão vững chắc
Lại đã Phó Thường Dân ”.

Ở tuổi U70, Nguyễn Mạnh Đẩu tự phong mình lên lão. Mà lão là đúng quá rồi. Bởi, xưa nay người đời đều xác nhận : “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy ”. Được bước đến ngưỡng này cũng là đã một hạnh phúc. Lão đang ở vào thời kỳ cuối MÙA NGƯỜI. Thành quả mà Lão thu hoạch được của MÙA NGƯỜI ở tuổi U70 thế là cũng đã an yên, viên mãn. Lão bằng lòng, chẳng cần gì hơn thế nữa.
Thế nhưng, đừng tưởng Lão ung dung, tự tại, là lúc Lão chấp nhận dừng bước, sống thụ hưởng không thôi đâu. Thông thường, ở tuổi Lão người ta vẫn thường thế. Nhưng với Lão thì không. Lão vẫn chưa chịu chấp nhận mình là “ lão ” trong cách sống, mà phải quên đi tuổi tác, sống thật trẻ trung, sôi động, rộn ràng:

“ Lão - đã yếu tay chân
Vẫn ham chơi Tennis
Vẫn căng đầy cảm xúc
Sau từng trận giao tranh.

Đọc những dòng thơ trên, ta hình dung ra trước mắt ta một Nguyễn Mạnh Đẩu thật tráng niên, tráng kiện. Vẫn chơi Tennis với một khí thế hừng hực giao tranh. Phải chăng, âm hưởng khí thế của người lính năm xưa khi bước vào trận tuyến vẫn còn đeo đẳng trong Lão cho đến tận giờ và mãi về sau.
Những dòng thơ tiếp theo lại vẽ nên một Nguyễn Mạnh Đẩu với niềm đam mê văn chương chữ nghĩa:
“ Không phải nghiệp văn chương
Mà đam mê xới cày trên cánh đồng chữ nghĩa
Cảm xúc ập ùa từng câu chuyện kể
Từng trang thơ thao thiết cõi lòng …”
Lão - U70. Nhưng Lão vẫn còn dồi dào nhựa sống, cảm xúc vẫn đong đầy, tâm hồn vẫn chan chứa tình người, tình đời. Tất cả thôi thúc Lão cầm bút làm một văn nhân. Lão viết văn không phải tìm kiếm thi liệu từ đâu cả. Nó vốn tiềm ẩn, tàng trữ trong con người Lão từ cuộc sống phong trần, từng trải, cộng thêm một cảm xúc tinh tế nhạy cảm, một năng khiếu văn chương sẵn có. Lão mải miết, đam mê cày xới “trên cánh đồng chữ nghĩa” để cho đời những “ trang thơ thao thiết cõi lòng ”. Thế là Lão lại có một MÙA NGƯỜI bội thu các tác phẩm văn chương. Giờ đây Lão xứng đáng được phác họa thành chân dung là một Văn sĩ – Chiến sĩ.
Ngoài những giờ đam mê miệt mài với chữ nghĩa văn chương hay đua sức mình cùng lớp trẻ trên sân quần vợt, Lão vẫn không quên tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn, nhàn tản bên những đồng đội cũ tri kỷ, tri âm. Hình ảnh Lão ở đây hiện lên thật lãng tử, phong trần:
“ Xe gia đình
Lão vẫn cầm vô lăng
Khi rong ruổi thăm thú bạn già
Lúc đăng đàn lễ lạt
Hàn huyên tri kỷ, tri âm …”
Vậy đó! Tuổi tác bất lực trước sức sống Lão rồi. Bất lực trước thái độ sống lạc quan, yêu đời của Lão. Kể cả dung mạo nhé. Lão có thể “ cải lão hoàn đồng ” được mà :
“ Còn mái đầu bạc
Chiều nay ra hiệu cải lão hoàn đồng
Lão chẳng có gì khác
Vẫn náo nức quyện hoà
Giữa bao cuộc vui chung.”
Đọc khổ kết bài thơ, ký họa lên trước mắt ta một Nguyễn Mạnh Đẩu phong độ, tráng kiện, đôi mắt hấp háy niềm vui, lòng luôn náo nức, rạo rực tràn đầy nhựa sống yêu đời. Thế mới biết, tuổi tác chỉ là con số, còn già trẻ là ở nơi tâm ta.
Bài thơ là một lời tự bạch, tự họa, tự bộc lộ, tự thể hiện con người tinh thần của Nguyễn Mạnh Đẩu. Ông đã thể hiện rất rõ quan niệm về cuộc đời với một thái độ lạc quan bình thản, với một nhân sinh quan anh minh, với quan niệm: “ Tri túc” là hạnh phúc, thanh thản. Quan niệm nhân sinh đó đã trở thành lẽ sống cao đẹp, nó đã từng được thể hiện nhiều trong những trang văn, trang đời của ông.
Bài Ký họa của Nguyễn Mạnh Đẩu đã nêu lên một bức thông điệp sống : Sống, cho dù ở tuổi nào cũng phải sống hết mình, sống có ý nghĩa, có ích cho đời để khi ngoảnh đầu nhìn lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời, ta có quyền kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
Sống thật xứng đáng là một CON NGƯỜI !

Bài 2
------


THỜI GIAN - CUỘC ĐỜI

                     
                  Nguyễn Mạnh Đẩu


Tự bao giờ đến bao giờ
Thời gian không khởi đầu và đâu kết thúc
Chỉ có loài người đặt ra từng cột mốc
Để tính vắn dài
so sánh chuyện trước sau.
Dẫu ai đi đâu về đâu
Thời gian là thước đo chung tất cả
Sống ở trên đời biết bao điều trả giá
Mà thời gian – chỉ có thời gian !
Thời gian là thước đo của mọi công trình
Phán xử đúng sai nghiệt ngã
Là kẻ thù của sự già nua
Níu kéo cùng lịch sử.
Thời gian ngừng trôi trước phút đợi chờ
Là tốc hành trong những giờ yên ả
Thời gian tô hồng đôi má
Nhuộm bạc mái đầu
Có sao đâu!
Tạo hóa vốn công minh là thế
Ai trẻ cũng sẽ già - Mà ai già chưa qua trẻ!
Thời gian giúp mọi lỗi lầm hối cải
Giúp cái dại khờ từng nếm trải đi lên
Giúp con người nhận rõ nhau thêm
Thao thức - đêm dài
Ngày miệt mài - trôi nhanh quá
Mọi sự hững hờ phải trả
Thời gian chẳng đợi chờ ai…
Thời gian là ngọc, là vàng
Không! Nó là cuộc đời ta đó
Một gạch nối thôi
biết bao điều ẩn chứa …
Chẳng có sự đối đầu muôn thuở
Không có cái xấu vĩnh hằng
Chỉ có TÌNH NGƯỜI sống mãi với thời gian
Ngoảnh mặt với thời gian
Là ngoảnh mặt với chính cuộc đời ta đó!
17 - 10 – 1988

Lời bình
----------
      

      CẢM THỨC VỀ THỜI GIAN
TRONG THƠ NGUYỄN MẠNH ĐẨU

                                              Lương Hiền

Thời gian - một khái niệm chỉ một hiện tượng vô hình của vũ trụ, nhưng lại hiện diện rất hữu hình trong cuộc sống của chúng ta, và chi phối đến tất cả muôn loài. Vì thế, thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người. Bàn về ý nghĩa về thời gian thì muôn màu, muôn vẻ. Từ xưa đến nay cũng đã có rất nhiều người viết và bàn thời gian với những cảm thức khác nhau. Hôm nay, tình cờ đọc một bài thơ trên Facebook có nhan đề “ Thời gian- Cuộc đời ” của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu, tôi lại ngẫm ra được nhiều điều mới lạ về triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc qua cảm thức thời gian của tác giả .
Tác giả mở đầu bài thơ bằng ý niệm về thời gian trong vòng tuần hoàn của vũ trụ và trong suy nghĩ của con người.
“ Tự bao giờ đến bao giờ
Thời gian không khởi đầu và đâu kết thúc
Chỉ có loài người đặt ra từng cột mốc
Để tính vắn dài
so sánh chuyện trước sau" .
Tác giả đã nêu rõ quy luật của thời gian là “ Không có khởi đầu và đâu kết thúc’’, bởi nó là một dòng chảy vô tận của vũ trụ. Nhưng trong dòng chảy đó thì cuộc đời mỗi con người chỉ là một khoảng hữu hạn nhỏ bé, sự kết thúc thời gian của thế hệ này lại là sự khởi đầu thời gian của thế hệ khác. Vì thế :” Loài người đã đặt ra từng cột mốc - Để tính vắn dài, so sánh chuyện trước sau”. Tác giả đã rất tinh tế khi cho ta hiểu rõ một điều: Thời gian của vũ trụ thì vô hình nhưng lại hiện diện rất hữu hình trong cuộc đời con người qua từng cột mốc đời, mỗi chặng đường đời đều có trên thước đo thời gian.
Thời gian là thước đo chung cho tất cả, nhưng giá trị của thời gian thì phụ thuộc vào chính mỗi con người:
" Dẫu ai đi đâu về đâu
Thời gian là thước đo chung tất cả
Sống ở trên đời biết bao điều trả giá
Mà thời gian – chỉ có thời gian! "
Trên hết tất cả, thời gian quyết định giá trị và sự hiện hữu của con người trong cõi nhân gian. Tiền bạc có thể mua được mọi thứ nhưng không thể mua được thời gian . Sử dụng thời gian giá trị hay vô giá trị là phụ thuộc vào người sử dụng. Cuộc đời đẵng đẵng tháng ngày, niềm vui , nỗi buồn xen lẫn nhau. Ai gieo nhân lành thì hái mùa quả ngọt, cũng như những ai gieo gió thì gặt bão. Đó là cái giá của đời, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được nhãn tiền mà phải trải qua một thời gian thì mới biết. Thời gian là minh chứng cho tất cả :
“ Sống ở trên đời biết bao điều trả giá
Mà thời gian - chỉ có thời gian! ”
hay
“ Thời gian là thước đo của mọi công trình
Phán xử đúng sai nghiệt ngã ”
Tạo hóa vốn công minh nhưng cũng vô cùng nghiệt ngã. Thời gian là tên trộm tinh quái đánh cắp nét trẻ trung trên khuôn mặt chúng ta. Thời gian lặng lẽ tước đoạt sức khỏe và những gì còn sót lại của một đời người:
" Thời gian tô hồng đôi má
Nhuộm bạc mái đầu
Có sao đâu!
Tạo hóa vốn công minh là thế
Ai trẻ cũng sẽ già -
Mà ai già chưa qua trẻ! "
Vì thế, mỗi giây phút qua đi là người ta đã vĩnh viễn mất đi một phần cuộc đời trong ấy có tuổi trẻ. Xuân của đất trời là tuần hoàn nhưng với con người thì "xuân bất tái lai". Con người dù có biết thế, dù cố níu giữ, nâng niu, trân trọng, gìn giữ tuổi thanh xuân đến đâu dường như ta cũng khó có thể thể chiến thắng quy luật của tạo hóa. Bởi thời gian của vũ trụ là vô hạn trôi chảy không ngừng, thời gian cuộc đời con người là hữu hạn. Đọc những dòng thơ này, ta thấy rõ được cái nhìn điềm tĩnh của tác giả trước sự vô thường của cuộc đời trong quy luật dòng chảy thời gian.
Thời gian còn là liều thuốc hữu hiệu nhất chữa mọi vết thương lòng cho ta, giúp ta khôn lớn, trưởng thành. Thời gian cũng giúp con người hiểu nhau để rồi xích lại gần nhau hơn sau những tháng năm chung sống, nhưng cũng có thể là tòa án công minh giúp ta nhận rõ chân tướng con người. Để rồi từ đó ta tự lựa chọn cho mình cách sống đúng đắn nhât.
" Thời gian giúp mọi lỗi lầm hối cải
Giúp cái dại khờ từng nếm trải đi lên
Giúp con người nhận rõ nhau thêm "
Xuyên suốt cả bài thơ là giọng thơ lắng đọng suy tư chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh trong từng cảm quan về thời gian của tác giả. Càng về cuối bài thơ, điều đó càng được bộc lộ rõ. Tới đây, giọng thơ càng hối hả, gấp gáp hơn như muốn trút hết nỗi lòng bộc bạch của tác giả:
" Thời gian là ngọc, là vàng
Không! Nó là cuộc đời ta đó
Một gạch nối thôi
Biết bao điều ẩn chứa…"
Đọc khổ thơ trên, ta thấy tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu có một cảm thức về thời gian sâu sắc và tinh tế vô cùng. Xưa nay, một câu nói cửa miệng trong nhân gian thường nói : « Thời gian là vàng ngọc » Nên chớ lãng phí thời gian, lãng phí thời gian là lãng phí cuộc đời. Với Nguyễn Mạnh Đẩu, ông đã gắn giá trị thời gian với cuộc đời của một con người, điều đó rất đúng với quy luật nhân sinh. Thời gian là điểm khởi đầu và kết thúc hành trình chặng đường đời của một con người : « Một gạch nồi thôi / Biết bao điều ẩn chứa ». Đây không là một dấu gạch nối thông thường mà đó là nhịp cầu nối giữa hai bờ sinh - tử của đời người. Nó là dòng thời gian vắt qua năm tháng cuộc đời, có người dấu gạch nối đó vắt qua hai thế kỷ với bao biến cố thăng trầm. Dấu gạch thời gian - dấu gạch cuộc đời, biết bao điều ẩn chứa. Cầu thời gian - chứng nhân lịch sử của đời người, nó là thước phim quay lại dấu ấn cuộc đời của mỗi cá nhân trên cõi thế gian này. Dấu gạch nối đó có thể đậm, hay nhạt, nó có thể dễ phai nhạt ngay nhưng cũng có những dấu gạch nối cuộc đời được khắc sâu trong tâm khảm của thế gian tựa như khắc bằng đá hay đúc bằng vàng, tùy vào giá trị quỹ thời gian mà ta đã sử dụng khi ta còn tại thế trên cõi nhân sinh.
Khép lại bài thơ, tác giả lắng lại trong những suy ngẫm, chiêm nghiệm về thời gian, về cuộc đời như một lời nhắc nhở tâm tình :
" Chẳng có sự đối đầu muôn thuở
Không có cái xấu vĩnh hằng
Chỉ có TÌNH NGƯỜI sống mãi với thời gian
Ngoảnh mặt với thời gian
Là ngoảnh mặt với chính cuộc đời ta đó ! "
Năm tháng sẽ trôi qua, thời gian không ngừng chảy, tất cả mọi sự thiên biến, vạn hóa đều vô thường trong cuộc đời này. Hôm nay thế này nhưng mai đã là thế kia. Cho nên « Chẳng có sự đối đầu muôn thuở » mà cũng « Không có cái xấu vĩnh hằng ». Tất cả là vô thường, tất cả sẽ đổi thay. Nhưng duy chỉ có một điều bất biến, không gì thay đổi giá trị của nó được - đó là TÌNH NGƯỜI. Chữ TÌNH NGƯỜI được tác giả viết in hoa là biểu tượng cho một tình người cao đẹp ; một tình người mang giá trị đích thực của đời. Từ đây, tác giả muốn nhắn nhủ tới mọi người : Trên cõi đời này, mọi thứ đều là phù du, tạm bợ ; chỉ có TÌNH NGƯỜI là vững bền muôn thuở. Và thời gian là minh chứng cho tất cả.
Cho dù cuộc đời của chúng ta có ở vào mốc thời gian nào đi chăng nữa thì mỗi chúng ta cũng hãy nâng niu trân trọng từng khoảnh khắc thời gian mà ta có được. Bởi, nếu chúng ta cứ vô tình « Ngoảnh mặt với thời gian », có nghĩa là ta đang lãng phí quỹ thời gian vào những việc vô nghĩa, bất nhân là ta đang chà đạp lên chính cuộc sống của mình. Cuộc đời mỗi con người đều in dấu trên những mốc thời gian. Vì thế chúng ta hãy sống có ý nghĩa, sống hết mình cho hiện tại để mỗi phút giây qua đi là những khoảnh khắc đầy giá trị, khiến ta không còn phải nuối tiếc với quãng thời gian đã đi qua. Nếu cuộc đời của ai đó đã bước sang thu, sang đông, thì cũng đừng vội giật mình, hụt hẫng, ta không còn trẻ tuổi thì ta hãy "trẻ lòng". Tìm lại cho mình những đam mê, những sở thích mà trước kia chưa theo đuổi được.để cho những khoảnh khắc thời gian còn lại « là ngọc, là vàng ».
Với thể thơ tự do, giọng thơ lúc nhỏ nhẹ tâm tình như một lời nhắn nhủ, lúc gấp gáp, trào dâng như muốn trút hết tâm can của tác giả, ngôn ngữ cô đọng, giàu tính triết lý, bài thơ đã đạt được đích mà tác giả đặt ra. Đó là đọc xong bài thơ ai cũng phải giật mình thức tỉnh : Mình phải sống sao đây để thời gian không vô nghĩa. Một vấn đề nhân sinh đặt ra ở đây mà ai cũng phải suy ngẫm : THỜI GIAN - CUỘC ĐỜI - TÌNH NGƯỜI. Phải sống sao đây cho xứng !

Ngày 8 - 5 - 2020

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020



MẤY CẢM NHẬN KHI ĐỌC HỒI ỨC “ CHIẾN TRANH VỊ 

XUYÊN ”  CỦA THIẾU TƯỚNG NGUYỄN ĐỨC HUY

                                                   N M Đ

 Ngày 01/3/2020, tôi cùng anh Lê Doãn Hợp, anh Nguyễn Thanh Truyền và các anh trong Ban Chỉ đạo công trình Ký Ức Người Lính lên Vị Xuyên ( Hà Giang ) quan sát thực địa, bàn bạc với cơ quan hữu quan của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chuẩn bị biên tập xuất bản một Tập sách phản ánh về Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong vòng thời gian 5 năm ( từ 1984 đến 1989 ). Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyến Đức Huy : “ Mời chú đến dự buổi giới thiệu cuốn sách của anh sẽ tổ chức vào ngày 05/3/2020 nhé !”. Tôi vui vẻ nhận lời và khi đặt chân lên các địa bàn tác chiến ở Vị Xuyên, tôi đều có ý thức quan sát ghi nhận lại nhiều điều. Hơn tôi 18 tuổi, năm 1948 ông nhập ngũ, thì tôi mới sinh. Mặc dù hai thế hệ khá xa nhau, nhưng chúng tôi thân thiết từ mấy chục năm trước, kể từ khi cùng chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ - Hồi đó, ông là cán bộ cấp Trung đoàn, còn tôi chỉ là cán bộ cấp phân đội - Cho đến tận sau này khi cùng nhau tham gia Ban Liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Quân khu Trị thiên với nhiều hoạt động tình nghĩa.

Ngày 05/3/2020, là một ngày đẹp trời, gió thổi nhẹ, nắng hanh vàng, tại Hội trường Tòa nhà số 1 Trấn Vũ bên cạnh hồ Trúc Bạch ( Hà Nội ), Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy ( Tác giả ) cùng các cơ quan hữu quan đã tổ chức Giới thiệu cuốn sách HỒI ỨC CHIẾN TRANH VỊ XUYÊN. Đông đảo các Tướng lĩnh, các nhà khoa học lịch sử và các đồng đội cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên đã đến dự.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, quê Hưng Yên, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên đã giới thiệu về cuốn Hồi ức của mình. Điều rất đáng trân trọng, khâm phục là tác giả đã trực tiếp kinh qua 3 cuộc chiến tranh và năm nay vừa tròn 90 tuổi.

Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc giai đoạn từ 28/4/1984 đến tháng 10/ 1989, Mặt trận Vị Xuyên là chiến địa nóng bỏng, khốc liệt, gian khổ và dai dẳng nhất. Với diện tích chưa đầy 20 km2, kẻ địch đã dùng lực lượng nhiều Sư đoàn thay phiên nhau liên tục tấn công lấn chiếm biên giới. Chúng đã dùng tới 1 triệu 850 ngàn quả đạn pháo, cối bắn phá vào các cao điểm. Quân và dân Vị Xuyên đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với quân thù, có hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Đến nay, Nghĩa trang Vị Xuyên mới quy tập được 1.804 hài cốt Liệt sỹ và một mộ tập thể không rõ số lượng. Hiện, còn nhiều Liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt - rất có thể là họ đã hoá đá do đạn các loại của địch.

Cuốn Hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã tái hiện lại một cách chi tiết, sinh động, hào hùng, bi tráng về cuộc chiến tranh chống xâm lược của quân và dân Vị Xuyên, góp phần làm cho mọi người nhận thức đầy đủ hơn. Đấy là điều quý giá nhất của cuốn sách.
Trong phần phát biểu, các Tướng lĩnh, các nhà khoa học lịch sử, trên từng góc độ tiếp cận, đã nói lên cảm nhận về những vấn đề có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nói chung và Mặt trận Vị Xuyên nói riêng.

Ý kiến tham gia của tôi là :

1 - Tôi hoàn toàn nhất trí cao và hoan nghênh Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - bằng thực tiễn, nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của mình - lần đầu tiên trên văn đàn và phương tiện thông tin đại chúng đã tái hiện một cách sinh động, chân thực về những trang sử đầy gian khổ, ác liệt hy sinh mà rất đỗi hào hùng vinh quang về cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tại biên giới Vị Xuyên từ ngót 40 năm trước. Có thể coi đây là một thông điệp cho mọi thế hệ.

2 - Về tên gọi của cuộc chiến tranh : Căn cứ vào Lệnh Tổng động viên Số 29 / LCT của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố ngày 05/3/1979, thì : “ Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”.

Nhưng nhiều năm qua, trong giáo dục và tuyên truyền đều gọi cuộc chiến tranh do phía Trung Quốc phát động từ ngày 17/02/1979 kết thúc vào cuối tháng 3 năm 1979 và ở Vị Xuyên từ năm 1984 đến năm 1989 là cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc. Cách gọi đó, theo tôi, là không đúng với bản chất của cuộc chiến tranh. Chiến tranh biên giới là sự tranh giành lãnh thổ qua lại lẫn nhau giữa hai bên đối địch. Đằng này, phía Việt Nam chúng ta không hề cho quân tấn công xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc.

Vì vậy, tôi đề nghị gọi đây là: Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới của quân dân Việt Nam. Và tôi hoàn toàn nhất trí với tên gọi cuốn Hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là : Chiến tranh Vị Xuyên.

3 - Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của Dân tộc chúng ta đã có rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược. Các chiến công bất tử đều được tạc ghi trong lịch sử vẻ vang của Dân tộc để lại truyền thống cho muôn đời và là niềm tự hào của hậu thế. Cách đây 211 năm, dưới sự chỉ huy thiên tài của Quang Trung - Nguyễn Huệ, quân dân ta đã chiến thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Cuộc chiến oanh liệt đó chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 5 ngày mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789. Trang sử hào hùng chói lọi đó mãi mãi trường tồn cùng lịch sử Dân tộc. Vậy mà, một cuộc chiến tranh do kẻ thù phát động với quy mô 60 vạn quân diễn ra trên một không gian rộng lớn 6 tỉnh biên giới phía Bắc, trong một thời gian khá dài; để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta đã anh dũng hy sinh. Nhưng mới chỉ trên dưới 40 năm mà trong giảng dạy lịch sử và tuyên truyền trên phương tiện thông tin chưa đề cập tương xứng.

4 - Các cuộc chiến tranh giải phóng Dân tộc và bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong mấy chục năm qua : Chống Pháp, chống Mỹ và chống Trung Quốc bành trướng xâm lược. Trong mỗi cuộc chiến tranh đều có những Chiến dịch khốc liệt, mang ý nghĩa then chốt, quyết định. Kháng chiến chống Pháp tiêu biểu là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu có Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975. Và theo tôi, trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là Vị Xuyên ( tính từ năm 1984 đến năm 1989 ). Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 cũng như các Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng năm 1975 đều đã được rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật và lịch sử ca ngợi xứng tầm. Nhưng nhiều năm qua các phương tiện thông tin đại chúng chưa đề cập đến chiến tranh ở Vị Xuyên.


Tôi rất nhất trí với các ý kiến phát biểu trong buổi giới thiệu sách là : Đề nghị các cơ quan hữu quan Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, phản ánh cuộc chiến tranh Vị Xuyên thật tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa và sự cống hiến hy sinh của quân dân ta trong cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.


Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

THƠ & BÌNH THƠ
-----------------------


THỜI GIAN - CUỘC ĐỜI

                          Nguyễn Mạnh Đẩu 

Tự bao giờ đến bao giờ
Thời gian không khởi đầu và đâu kết thúc
Chỉ có loài người đặt ra từng cột mốc
Để tính vắn dài
so sánh chuyện trước sau.

Dẫu ai đi đâu về đâu
Thời gian là thước đo chung tất cả
Sống ở trên đời biết bao điều trả giá
Mà thời gian – chỉ có thời gian !

Thời gian là thước đo của mọi công trình
Phán xử đúng sai nghiệt ngã
Là kẻ thù của sự già nua
Níu kéo cùng lịch sử.

Thời gian ngừng trôi trước phút đợi chờ
Là tốc hành trong những giờ yên ả
Thời gian tô hồng đôi má
Nhuộm bạc mái đầu
Có sao đâu!
Tạo hóa vốn công minh là thế
Ai trẻ cũng sẽ già - Mà ai già chưa qua trẻ!

Thời gian giúp mọi lỗi lầm hối cải
Giúp cái dại khờ từng nếm trải đi lên
Giúp con người nhận rõ nhau thêm
Thao thức - đêm dài
Ngày miệt mài - trôi nhanh quá
Mọi sự hững hờ phải trả
Thời gian chẳng đợi chờ ai…

Thời gian là ngọc, là vàng
Không! Nó là cuộc đời ta đó
Một gạch nối thôi
biết bao điều ẩn chứa …
Chẳng có sự đối đầu muôn thuở
Không có cái xấu vĩnh hằng
Chỉ có TÌNH NGƯỜI sống mãi với thời gian

Ngoảnh mặt với thời gian
Là ngoảnh mặt với chính cuộc đời ta đó!


                                  17 - 10 - 1988

Ngày 5 - 5 - 2020, tôi đăng lại bài thơ này lên trang Facebook. Liền sau đó, ngày 8 - 5 - 2020, tôi nhận được Lời bình của bạn Lương Hiền. Theo tôi, đây là một Lời bình rất hay, thể hiện sự đồng cảm về tứ thơ của tác giả. Lời bình là sự giải mã và thổi hồn vào bài thơ.Tôi xin chân thành cảm ơn bạn Lương Hiền !


     CẢM THỨC VỀ THỜI GIAN
TRONG THƠ NGUYỄN MẠNH ĐẨU

                                                Lương Hiền                               

   Thời gian - một khái niệm chỉ một hiện tượng vô hình của vũ trụ, nhưng lại hiện diện rất hữu hình trong cuộc sống của chúng ta, và chi phối đến tất cả muôn loài. Vì thế, thời gian có ý nghĩa vô cùng  quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người. Bàn về ý nghĩa về thời gian thì muôn màu, muôn vẻ , từ xưa đến nay cũng đã có rất nhiều người viết và bàn thời gian với những cảm quan khác nhau. Hôm nay, tình cờ đọc một bài thơ trên Facebook có nhan đề “ Thời gian- Cuộc đời ” của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu, tôi lại ngẫm ra được nhiều điều mới lạ về triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc qua cảm thức  thời gian của tác giả  .
    Tác giả mở đầu bài thơ bằng ý niệm về thời gian trong vòng tuần hoàn của vũ trụ và trong suy nghĩ của con người.
                           "Tự bao giờ đến bao giờ
                          Thời gian không khởi đầu và đâu kết thúc
                          Chỉ có loài người đặt ra từng cột mốc
                          Để tính vắn dài
                           so sánh chuyện trước sau" .
     Tác giả đã nêu rõ quy luật của thời gian là “ Không có khởi đầu và đâu kết thúc’’, bởi nó là một dòng chảy vô tận của vũ trụ. Nhưng trong dòng chảy đó thì cuộc đời mỗi con người chỉ là một khoảng  hữu hạn nhỏ bé,  sự kết thúc thời gian của thế hệ này lại là sự khởi đầu thời gian của thế hệ khác. Vì thế :” Loài người đã đặt ra từng cột mốc - Để tính vắn dài, so sánh chuyện trước sau”. Tác giả đã rất tinh tế khi cho ta hiểu rõ một điều: Thời gian của vũ trụ thì vô hình nhưng lại hiện diện rất hữu hình trong cuộc đời con người qua từng cột mốc đời, mỗi chặng đường đời đều có trên thước đo thời gian.
      Thời gian  là thước đo chung cho tất cả, nhưng  giá trị của thời gian thì  phụ thuộc vào chính mỗi con người:
                        " Dẫu ai đi đâu về đâu
                     Thời gian là thước đo chung tất cả
                     Sống ở trên đời biết bao điều trả giá
                     Mà thời gian – chỉ có thời gian! "
    Trên hết tất cả, thời gian quyết định giá trị và sự hiện hữu của con người trong cõi nhân gian. Tiền bạc có thể mua được mọi thứ nhưng không thể mua được thời gian . Sử dụng thời gian  giá trị hay vô giá trị  là phụ thuộc vào người sử dụng. Cuộc đời đẵng đẵng tháng ngày, niềm vui , nỗi buồn xen lẫn nhau. Ai gieo nhân lành thì hái mùa quả ngọt, cũng như những ai gieo gió thì gặt bão. Đó là cái giá của đời, nhưng không lúc nào ta cũng thấy được nhãn tiền mà phải trải qua một thời gian thì mới biết. Thời gian là minh chứng cho tất cả :
                                  Sống ở trên đời biết bao điều trả giá
                                      Mà thời gian - chỉ có thời gian!”
                hay         “Thời gian là thước đo của mọi công trình
                                        Phán xử đúng sai nghiệt ngã”

    Tạo hóa vốn công minh nhưng cũng vô cùng nghiệt ngã. Thời gian là tên trộm tinh quái đánh cắp nét trẻ trung trên khuôn mặt chúng ta. Thời gian lặng lẽ tước đoạt sức khỏe và những gì còn sót lại của một đời người:
              "  Thời gian tô hồng đôi má
                 Nhuộm bạc mái đầu
                 Có sao đâu!
                Tạo hóa vốn công minh là thế
                Ai trẻ cũng sẽ già - Mà ai già chưa qua trẻ!"
      Vì thế, mỗi giây phút qua đi là người ta đã vĩnh viễn mất đi một phần cuộc đời trong ấy có tuổi trẻ. Xuân của đất trời là tuần hoàn nhưng với con người thì "xuân bất tái lai". Con người dù có biết thế, dù cố níu giữ, nâng niu, trân trọng, gìn giữ  tuổi thanh xuân đến đâu dường như ta cũng khó có thể thể chiến thắng quy luật của tạo hóa. Bởi thời gian của vũ trụ là vô hạn trôi chảy không ngừng, thời gian cuộc đời con người là hữu hạn. Đọc những dòng thơ này, ta thấy rõ được cái nhìn điềm tĩnh của tác giả trước sự vô thường của cuộc đời trong quy luật dòng chảy thời gian.
     Thời gian còn là liều thuốc hữu hiệu nhất chữa mọi vết thương lòng cho ta, giúp ta khôn lớn, trưởng thành. Thời gian cũng giúp con người hiểu nhau để rồi  xích lại gần nhau hơn sau những tháng năm chung sống, nhưng cũng có thể là tòa án công minh giúp ta nhận rõ chân tướng  con người. Để rồi từ đó ta tự lựa chọn cho mình cách sống đúng đắn nhât.

                    " Thời gian giúp mọi lỗi lầm hối cải
                   Giúp cái dại khờ từng nếm trải đi lên
                    Giúp con người nhận rõ nhau thêm "


    Xuyên suốt cả bài thơ là giọng thơ lắng đọng suy tư chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh trong từng cảm quan về thời gian của tác giả.  Càng về cuối bài thơ,  điều đó  càng được bộc lộ rõ. Tới đây, giọng thơ  càng  hối hả, gấp gáp hơn như muốn trút hết nỗi lòng bộc bạch của tác giả:
                        " Thời gian là ngọc, là vàng

                         Không! Nó là cuộc đời ta đó

                          Một gạch nối thôi

                          Biết bao điều ẩn chứa…"
     Đọc khổ thơ trên, ta thấy  tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu có một cảm thức về thời gian sâu sắc và tinh tế vô cùng. Xưa nay, một câu nói cửa miệng trong nhân gian thường nói : « Thời gian là vàng ngọc » Nên chớ lãng phí thời gian, lãng phí thời gian là lãng phí cuộc đời. Với Nguyễn Mạnh Đẩu, ông đã gắn giá trị thời gian với cuộc đời của một con người, điều đó rất đúng với quy luật nhân sinh. Thời gian là điểm khởi đầu và kết thúc hành trình chặng đường đời của một con người : « Một gạch nồi thôi/ Biết bao điều ẩn chứa ». Đây không là một dấu gạch nối thông thường mà đó là nhịp cầu nối giữa hai bờ sinh - tử của đời người. Nó là dòng thời gian vắt qua năm tháng cuộc đời, có người dấu gạch nối đó vắt qua hai thế kỷ với bao biến cố thăng trầm.  Dấu gạch thời gian – dấu gạch cuộc đời, biết bao điều ẩn chứa.  Cầu thời gian -chứng nhân lịch sử  của đời người, nó là thước phim quay lại dấu ấn cuộc đời của mỗi cá nhân  trên cõi thế gian này. Dấu gạch nối đó có thể đậm, hay nhạt, nó có thể dễ phai nhạt ngay nhưng cũng có những dấu gạch nối cuộc đời được khắc sâu trong tâm khảm của thế gian tựa như khắc bằng đá hay đúc bằng vàng, tùy vào giá trị quỹ thời gian mà ta đã sử dụng khi ta còn tại thế trên cõi nhân sinh.  
      Khép lại bài thơ, tác giả lắng lại  trong những suy ngẫm, chiêm nghiệm về thời gian, về cuộc đời như một lời nhắc nhở  tâm tình :    
                           " Chẳng có sự đối đầu muôn thuở
                            Không có cái xấu vĩnh hằng
                            Chỉ có TÌNH NGƯỜI sống mãi với thời gian
                             Ngoảnh mặt với thời gian
                            Là ngoảnh mặt với chính cuộc đời ta đó!"



      Năm tháng sẽ trôi qua, thời gian không ngừng chảy, tất cả mọi sự thiên biến, vạn hóa đều vô thường trong cuộc đời này. Hôm nay thế này nhưng mai đã là thế kia. Cho nên «  Chẳng có sự đối đầu muôn thuở » mà cũng « không có cái xấu vĩnh hằng ». Tất cả là vô thường, tất cả sẽ đổi thay. Nhưng duy chỉ có một điều bất biến, không gì thay đổi giá trị của nó được- đó là TÌNH NGƯỜI. Chữ TÌNH NGƯỜI được tác giả viết in hoa là biểu tượng cho một tình người cao đẹp ; một tình người mang giá trị đích thực của đời. Từ đây, tác giả muốn nhắn nhủ tới mọngười : Trên cõi đời này, mọi thứ đều là phù du, tạm bợ ; chỉ có TÌNH NGƯỜI là  vững bền muôn thuở.  Và thời gian là minh chứng cho tất cả.

       Cho dù cuộc đời của chúng ta có ở vào mốc thời gian nào đi chăng nữa thì mỗi chúng ta cũng hãy  nâng niu trân trọng từng khoảnh khắc thời gian mà ta có được. Bởi nếu chúng ta cứ vô tình «  ngoảnh mặt  với thời gian », có nghĩa là  ta đang  lãng phí quỹ thời gian vào những việc vô nghĩa, bất nhân là ta đang chà đạp lên chính cuộc sống của mình.  Cuộc đời mỗi con người đều in dấu trên những mốc thời gian. Vì thế chúng ta hãy sống có ý nghĩa, sống hết mình cho hiện tại để mỗi phút giây qua đi là những khoảnh khắc đầy giá trị, khiến ta không còn phải nuối tiếc với quãng thời gian đã đi qua. Nếu cuộc đời của ai đó đã bước sang thu, sang đông,  thì cũng đừng vội giật mình, hụt hẫng, ta không còn trẻ tuổi thì ta hãy "trẻ lòng". Tìm lại cho mình những đam mê, những sở thích mà trước kia chưa theo đuổi được.để cho những khoảnh khắc thời gian còn lại « là ngọc, là vàng ».
      Với thể thơ tự do, giọng thơ lúc nhỏ nhẹ tâm tình như một lời nhắn nhủ, lúc gấp gáp, trào dâng như muốn trút hết tâm can của tác giả, ngôn ngữ cô đọng, giàu tính triết lý,   bài thơ đã đạt được đích mà tác giả đặt ra. Đó là đọc xong bài thơ ai cũng phải giật mình thức tỉnh : Mình phải sống sao đây để thời gian không vô nghĩa. Một vấn đề nhân sinh đặt ra ở đây mà ai cũng phải suy ngẫm : THỜI GIAN -  CUỘC ĐỜI - TÌNH NGƯỜI. Phải sống sao đây cho xứng !
                                                      Ngày 8 - 5 - 2020