Menu ngang

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

   ĐỌC THAM KHẢO,

CÙNG SUY NGẪM
—————————-
NMĐ : Khi đọc bài tôi đăng kèm theo đây của tác giả Hoàng Tuấn Phổ chắc chắn có nhiều ý kiến khác nhau.
Có người cho rằng, tác giả cố tình hạ thấp vai trò của Nguyễn Trãi để khẳng định thêm công lao vĩ đại của Lê Lợi.
Cũng có người hoàn toàn nhất trí với tác giả trên mọi phương diện.
Với tôi, không chuyên ngành lịch sử, nhưng từ sự phân tích của tác giả và bằng nhận thức của bản thân, tôi cho rằng :
+ Công lao vĩ đại của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược là vô cùng to lớn - Ông là Anh hùng dân tộc. Điều đó không ai có thể chối cãi. Khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Lê Lợi là người có tư cách cao nhất trong việc bố cáo trước bàn dân thiên hạ.
Và nội dung trong bố cáo ấy, dĩ nhiên, phải thể hiện được ý chí, tư tưởng cốt lõi của Lê Lợi.
+ Nếu không có thiên tài văn chương tuyệt đỉnh trác việt của Nguyễn Trãi, thì mãi mãi trong lịch sử Việt Nam không bao giờ có áng hùng văn bất hủ Bình Ngô đại cáo - Mà lâu nay vẫn được coi như bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của nước ta.
Vì vậy, tôi thiết nghĩ, đồng tác giả của Bình Ngô Đại cáo là : Lê Lợi - Nguyễn Trãi.
Để minh định vấn đề hệ trọng này bảo đảm công bằng, khách quan, khoa học, cần có sự vào cuộc và chính kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử cùng các nhà nghiên cứu văn học.
BÀN LẠI VẤN ĐỀ TÁC GIẢ “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO" VÀ “QUÂN TRUNG TỪ MỆNH TẬP”
Tác giả: Hoàng Tuấn Phổ
Cho đến nay, có lẽ chẳng còn mấy ai không nói và viết rằng: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập đều là những tác phẩm của Nguyễn Trãi. Sự thực, vấn đề tác giả ở đây không thể quan niệm đơn giản như các tác phẩm văn chương khác.
Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn: “Lê Lợi lên ngôi vua tại điện Kính Thiên…đặt tên nước là Đại Việt, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban lời cáo rằng…”[1]
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua đã bình được giặc Ngô, bố cáo khắp thiên hạ, lời cáo như sau…”[2]
Như vậy, trong chính văn của các bản chính sử nói trên đều không ghi tên ai là tác giả đích thực bài đại cáo. Riêng sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội-1972) dưới bản dịch bài cáo có chua dòng chữ: (Bài Đại cáo này là do văn thần Nguyễn Trãi soạn). Lời phụ chú này tất nhiên không phải là chính văn, thì, một là sự việc không được chính thức ghi nhận, hai là do người nào đó thêm vào sau khi văn bản chính hoàn thành. Bản thân Nguyễn Trãi chỉ được gọi là “văn thần”, không có chức vụ, tước vị, không phải văn chép sử. Ở đây, chúng ta chú ý chữ “soạn” với chữ “tác”, chữ “tác” với chữ “thuật”. Nếu bài cáo là của Nguyễn Trãi, do Nguyễn Trãi tự làm thì phải dùng thữ “tác” (sáng tác). Chữ “soạn” thường dùng cho loại văn từ hàn, tức là loại văn bản mang tính quốc gia, do Viện Hàn lâm soạn thảo theo lệnh bề trên. Bài Đại cáo bình Ngô trước hết là một văn kiện chính trị, lịch sử, có lẽ vì đậm chất văn chương nên được người soạn sách giáo khoa đưa vào môn văn trường học, coi như một tác phẩm văn học, bởi thế Nguyễn Trãi soạn giả, nghiễm nhiên thành Nguyễn Trãi tác giả! Nói rõ hơn về phương diện chính trị-lịch sử, Đại cáo là lời của Hoàng đế Lê Lợi bố cáo với thiên hạ. Nhà vua chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước thiên hạ về mỗi câu, mỗi chữ trong bài cáo. Nguyễn Trãi giỏi thơ văn, nhưng ông không thảo ra bài cáo với tư cách tác giả, mọi thứ giấy tờ khi được nhà vua phê duyệt thì văn bản ấy thuộc về triều đình, của triều đình, người soạn thảo không còn phải chịu trách nhiệm gì cả. Với Nguyễn Trãi, lúc ấy chức vụ của ông là thừa chỉ. Chữ “thừa chỉ” nói rõ nhiệm vụ của ông là vâng lệnh vua (thừa) soạn thảo giấy tờ (chỉ). Đối với bài Cáo bình Ngô vô cùng quan trọng này, Nguyễn Trãi soạn xong dâng lên, (thực tế có thể đã được sửa chữa, bổ sung nhiều lần theo ý Lê Lợi, trước khi bố cáo-HTC) được Lê Lợi châu phê là thở phào nhẹ nhõm như trút xong gánh nặng, coi như xong phận sự, hết trách nhiệm Nếu Nguyễn Trãi dám nhận mình là tác giả, sau khi tác phẩm đã tuyên cáo rồi, bị phát hiện hay phê phán có chỗ sai, chữ nào lỗi thì không khỏi mắc tội với triều đình. Cho nên, công việc ấy thuộc về nguyên tắc, soạn giả, không thể thành tác giả. Cho nên, sử sách không ghi chép Chiếu dời đô do ai viết, mà chỉ biết là của Lý Công Uẩn. Đối với các sự kiện chính trị-lịch sử quan trọng khác cũng vậy.
Đi vào nội dung Bình Ngô đại cáo, vận dụng phương pháp nghiên cứu văn bản, chúng ta có thể tìm ra kết luận trong cách so sánh thú vị:
Lê Lợi nói:
“Việc dụng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay ta hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh trả lại đất nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa, hà tất phải giết hết để kết mối thù với nước lớn?” [3]
Bình Ngô đại cáo viết:
“Chúng đã sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hòa
Ta lấy toàn dân làm cốt mà cho dân được nghỉ.
…Xã tắc do đó được yên
Non sông do đó đổi mới”
Lê Lợi nói:
“Xưa vì họ Hồ vô đạo, cho nên giặc Minh nhân đó mà cướp nước ta, sự tàn ngược tưởng các ngươi đều thấy cả”[3]
Bình Ngô đại cáo viết:
“Vừa đây họ Hồ chính sự phiền hà
Để đến nỗi nhân tâm oán giận
Giặc Minh thừa dịp làm hại dân ta
…Thui dân đen trên lò bạo ngược…”
Lê Lợi nói:
“Các vị tướng giỏi thời xưa thường bỏ chỗ kiên cố mà đánh vào nơi nứt rạn, lánh chỗ nhiều, mà đánh chỗ ít…”[3]
Bình Ngô đại cáo viết:
“Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ
Lấy ít địch nhiều, hay dùng quân mai phục”
Lê Lợi nói:
“Binh pháp có câu: không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy!”[3]
Bình Ngô đại cáo viết:
“Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”
Như vậy khá rõ là nhiều ý kiến (lời dụ bảo) của Lê Lợi đã được Nguyễn Trãi (vâng mệnh) đưa vào bài đại cáo một cách khéo léo, tài tình. Cho đến những câu: “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, chúng ta tưởng đó là tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi thì cũng là sự khái quát hóa súc tích chủ trương và hành động của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Ví dụ khi bình định châu Trà Long (1424) Lê Lợi ra lệnh các quân sĩ không ai được xâm phạm mảy may của dân, còn các quân địch đều được xá tội hết, không giết một tên nào. Hoặc khi Vương Thông sắp kéo quân về nước, các tướng sĩ và người nước ta vì căm giận nên khuyên vua giết cả. Lê Lợi bảo rằng: trả thù báo oán là thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân. Vả lại, người ta đã hàng rồi mà giết thì thì việc bất tường (tức không lành, không phải điều tốt-HTC) không gì bằng. Chi bằng tha mạng cho ức vạn người mà tuyệt mối chiến tranh cho sau này…[3]
Chính Nguyễn Trãi cũng đã từng ca ngợi tư tưởng lớn ấy của hoàng đế Lê Lợi trong các bài thơ, phú chữ Hán của ông như Hạ quy Lam Sơn I, Hạ quy Lam Sơn II, Chí Linh sơn phú…
-Nhân nghĩa duy trì quốc thế an
(Giữ nhân nghĩa để thế nước được yên)
-Đương thời chí dĩ tại thương sinh
(Bấy giờ cái chí vua đã thương dân)
-v.v…(4)
Trong bài đại cáo có một số chỗ chắc chắn nằm ngoài ý nghĩ và quan niệm của Nguyễn Trãi, như đối với họ Hồ, ông coi là bậc anh hùng, nhưng bắt buộc phải nói lời phê phán rất nặng. Chứng cớ là bài Quan hải, ông viết: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận mấy ngàn năm) nhưng ở Bình Ngô đại cáo, họ Hồ lại bị coi là kẻ có tội phản dân hại nước. Lại nữa, cách gọi Minh thiên tử Trung Hoa bằng những chữ: “Tuyên Đức chi giảo đồng” (thằng nhãi ranh Tuyên Đức) là của Thuận Thiên hoàng đế, không thể nào một chức quan Hàn lâm như thừa chỉ Nguyễn Trãi dám tự ý dùng bừa cho bài đại cáo nghiêm trang…
Trường hợp Quân trung từ mệnh tập cũng có tính chất tương tự.
Quân trung từ mệnh tập còn gọi là Quân trung từ lệnh tập. Ngay ở tên sách (do người sưu tầm đặt) mấy chữ “từ lệnh” hay “từ mệnh” đã chỉ rõ đây là những giấy tờ được soạn thảo theo mệnh lệnh của Bình Định vương Lê Lợi trong thời gian chống giặc Minh. Những thư từ gửi quan tướng nhà Minh, tất nhiên Lê Lợi phải cho nội dung trước để thừa chỉ Nguyễn Trãi nắm được ý đồ mà sai khiến ngòi bút. Đối với quan tướng nhà Minh thâm hiểm, xảo quyệt khó lường trước, có thể nào Lê Lợi lại “khoán trắng” cho Nguyễn Trãi? Hẳn là từng bức thư gửi đi, mỗi giấy tờ giao dịch, phải được soạn thảo dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lê Lợi. Về phía Nguyễn Trãi, một bậc đại trí, lẽ nào không hiểu cái thế của mình thế nào? Ông là dòng dõi bên ngoại nhà Trần, hai cha con từng làm quan nhà Hồ, được Lê Lợi dùng nhưng chắc đâu đã được tin. Trong văn chương, ông luôn luôn nhắc đến “đạo làm con mấy đạo làm tôi” của mình như để khẳng định (hay thanh minh?) tấm lòng trung hiếu trước sau không hề thay đổi. Nhưng triều Lê có tin ông đâu!
Khi tiến quân vào bao vây thành Đông Đô, Lê Lợi ban lời dụ: “Có bậc văn nhân tài tử nào chưa ra làm quan mà có thể viết thư đưa vào thành Đông Đô, khuyên được tướng tá trong đó mở cửa thành ra hàng hoặc giảng hòa để về nước, sẽ đặc cách trọng dụng ngay”.
Như vậy, ở lĩnh vực “từ lệnh” trong quân, Lê Lợi không chỉ tín nhiệm riêng Nguyễn Trãi, và Nguyễn Trãi cũng không phải là người độc quyền soạn thảo mọi thư từ giao dịch với quân Minh. Mặt khác, Lê Lợi nhằm vào loại “văn nhân tài tử chưa ra làm quan” để kêu gọi, tức là trong đám “văn nhân tài tử” đã ra làm quan không có ai đương nổi việc vô cùng khó khăn ấy. Cho nên Quân trung từ mệnh (do Trần Khắc Kiệm sưu tầm, đời Lê Thánh tông bị thất lạc, gần 400 năm sau, đời Minh Mạng, Thiệu Trị, nhóm Dương Bá Cung mới hợp sức sưu tầm lại) chắc có cả những bài không do Nguyễn Trãi soạn thảo[5]. Hơn nữa, chúng ta không nên đề cao tuyệt đối những gì chỉ có giá trị tương đối. Bấy giờ giặc Minh mưu mô rất xảo quyệt, thái độ rất ngoan cố. Nếu chúng không bị dồn đến chân tường thì thư gọi hàng hay giảng hòa phỏng có tác dụng gì? Mấy lần Vương Thông chẳng nhận giảng hòa rồi lại trở mặt, đó sao? Thuyết phục kẻ địch để đỡ tốn xương máu cũng là phép dụng binh, nhưng quyết định chủ yếu vẫn ở lưỡi gươm ngoài chiến trường, đâu phải văn bản do ngòi bút nơi màn trướng. Nhận định rằng: “Chỉ dùng lời lẽ viết trong thư, Ức Trai tiên sinh đã khuất phục được bọn chúng, bắt buộc vua quan nhà Minh phải giảng hòa với ta” [6] thực là hết sức sai lầm!
Có một thời chúng ta đề cao vai trò lãnh tụ của Nguyễn Trãi trong khởi nghĩa Lam Sơn mà quên mất lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi chứ không phải ai khác. Đầu năm 1428, triều đình Lê định hạng các công thần, gồm 221 người, gồm ba bậc, trong đó không có Nguyễn Trãi. Sau, triều đình mới “lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm quan phục hầu, tư đồ Trần Hãn làm tả tướng quốc, khu mật sứ Phạm Văn Xảo làm thái bảo, đều cho quốc tính” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sự thực, quan phục hầu hay tả tướng quốc hay thái bảo đều là hư hàm. Vì thế Trần Hãn, Phạm Văn Xảo sớm bộc lộ thái độ bất mãn, tiêu cực để chuốc lấy tại vạ. Chỉ có Nguyễn Trãi vẫn ôm ấp tấm lòng trung để hơn mười năm sau cũng phải rơi đầu dưới tay bọn đao phủ.
Chức thừa chỉ học sĩ của Nguyễn Trãi là thực vị, vì ông là người làm giấy tờ giỏi. Khi Lê Thánh tông minh oan cho Nguyễn Trãi, cho biết Nguyễn Trãi là một mưu sĩ nơi màn trướng hồi kháng chiến chống quân Minh (không nên lầm mưu sĩ với quân sư). Nhưng nhận định toàn bộ cuộc đời Nguyễn Trãi, Lê Thánh tông ví ông với sao Khuê là khe tài văn chương và tấm lòng trung của Ức Trai. Lê Thánh tông hoàn toàn đúng khi khái quát Nguyễn Trãi như vậy. Đó là cốt lõi làm nên nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi.
Nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi phải có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Nhưng Bình Ngô đại cáo và Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi không thể ký tên với tư các tác giả. Cũng không phải cá nhân Lê Lợi, mà là Thuận Thiên hoàng đế, lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn, vị vua “Đại thiên hành hóa” (lời mở đầu bài cáo) mới xứng danh với bài đại cáo. Hoàng đế Lê Lợi đứng tên vào bài đại cáo, một sự kiện lớn lao trong lịch sử, làm vinh quang cho đất nước, cũng làm vẻ vang cho Nguyễn Trãi thừa chỉ. Chắc anh hồn Nguyễn Trãi dưới suối vàng sẽ mãn nguyện khi chúng ta hiểu ông, giúp ông giữ đúng nghĩa vua tôi, đạo thần tử mà sinh thời ông đã coi như một lý tưởng cao quý trong ứng xử (Có lẽ nên ghi: Bài Bình Ngô đại cáo của Thuận Thiên Hoàng đế (Lê Lợi) với chú thích: Nguyễn Trãi với chức trách thừa chỉ vâng soạn theo ý của vua Lê Lợi là đúng đắn nhất).
Đối với Quân trung từ mệnh tập, phải thận trọng và tế nhị hơn. Trong khi chưa xác minh được phần văn bản, có thể tạm coi như thừa chỉ Nguyễn Trãi thảo, nhưng không nên nhắm mắt đề cao. Chỉ có chủ thể của những bức thư ấy, không ai khác ngoài Bình Định vương Lê Lợi: “Bảo mày giặc dữ Phương Chính!” Nếu Lê Lợi không bảo như thế, đời nào Nguyễn Trãi dám viết như thế? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong trăm ngàn ví dụ. Bởi vậy, chúng ta không thể coi Nguyễn Trãi là “tác giả” Quân trung từ mệnh tập, theo đúng nghĩa chữ tác giả, một chủ thể sáng tạo.[7]
HTP
Chú thích:
[1] Nhà xuất bản Khoa học xã hội
[2] Nhà xuất bản Khoa học xã hội
[3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư
[4] Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi trong Ức Trai thi tập
[5] Trường hợp thơ chữ Hán trong Ức Trai di tập cũng vậy, có thể không ít bài không phải của Nguyễn Trãi.
[6]Tựa Ức Trai di tập của Nguyễn Năng Tĩnh (bản dịch của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm)
[7] Bài viết này đã công bố trên Báo Văn hóa-thông tin Thanh Hóa số ra ngày 26/6/1999 và in lại trong “Trong mắt tôi”-NXB Văn hóa dân tộc-2000. *Nhân đọc bài báo nêu vấn đề “Ai là tác giả “Quân trung từ mệnh” và “Bình Ngô đại cáo” của Cao Sơn Hải (Báo Văn hóa-thông tin 28-4-1999). Tuấn Công thư phòng đăng lại để lưu tư liệu và chia sẻ với những người chưa đọc.
Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng
Hoang Hoa, Tạ Quang Dư và 15 người khác
5 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

 NHÀN ĐÀM

—————
DÂN TRÍ & QUAN TRÍ

( Nhàn đàm sau khi đọc bài “ Dân trí thấp ? “ trên Fb Kha Lưu ).


Ở nơi này nơi khác có hiện tượng là, khi xẩy ra vấn đề bất cập nào đó, lãnh đạo địa phương hoặc ngành thường buông phán một câu xanh rờn: “ Do trình độ dân trí thấp ! “.
Như vậy là, họ buông trách nhiệm, tự đặt mình ra ngoài cuộc và cho mình có trình độ cao hơn, có quyền đánh giá, phán xét một cách tuỳ tiện như vậy.
Đành rằng, vẫn còn những điều hạn chế trong một nhóm, một bộ phận người dân nào đó. Nhưng, có thể quả quyết khẳng định rằng: So với trước đây, thì mặt bằng dân trí của người Việt cao hơn nhiều & họ lại được tiếp cận được nhiều thông tin.
Điều đó là không thể phủ định, dù bất kỳ là ai !

Còn quan trí thì sao?

Qua theo dõi chung và nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng, thấy rằng, một số cán bộ khi phát ngôn không chuẩn. Có nhiều câu nói chủ quan, phản cảm, ngớ ngẩn, ngô nghê, không thể chấp nhận được. Thậm chí trở thành sự đàm tiếu trong dân chúng.
Xét đến cùng, mọi vấn đề tốt xấu ở bất cứ đâu đều xuất phát từ vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, các ngành. Quan trí phải cao hơn một bậc. Quan trí có cao mới tương thích được yêu cầu của sự phát triển.
Nói chung, người dân không có điều kiện & khả năng tham gia, họ đứng ngoài các tệ nạn: tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
Đừng bao giờ đổ lỗi cho dân, với bất kỳ ai cũng vậy !
Mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng, nếu không đồng yếu tố. Nhưng, nói chung lớp cán bộ cựu trào trước đây mặc dù trình độ học vấn không bằng bây giờ, mà thực chất cung cách hành xử, phát ngôn chuẩn chỉnh hơn.
Ấy là tôi nghĩ thế !
Trịnh Huỳnh, Hong Son và 45 người khác
28 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ

 NHÀN ĐÀM :

——————-
ĐẠI HỌC HAY “ HỌC ĐẠI “

Nhân chuyện GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội trên Diễn đàn Quốc hội Khoá XV đề xuất tăng học phí làm rào cản kỹ thuật hạn chế học sinh lao vào đại học để “ học đại “, với tư cách công dân, tôi có vài ý kiến nhàn đàm như sau:
Trong nhiều năm qua, bài toán đào tạo bậc đại học của nước ta, theo tôi, là có vấn đề cần xem xét nghiên cứu.
Đào tạo bậc đại học có 3 chức năng căn bản: nâng cao dân trí; bồi dưỡng nhân lực; phát hiện & đào tạo nhân tài.
Hiện, nước ta có 460 trường đại học & cao đẳng ( chưa tính các trường quân đội, công an ), với lưu lượng khoảng 2,2 triệu học sinh.
Đầu vào đào tạo là thế. Nhưng đầu ra tỷ lệ có việc làm đúng theo ngành nghề đào tạo chưa thấy công bố. Nếu chỉ lấy tỷ lệ có việc làm chung chung thì chỉ là tham khảo. ( Kỹ sư, Cử nhân ra trường mà đi làm xe ôm, xe công nghệ Shipper có thể vẫn được thống kê có việc làm ).
Quả thật, nếu số lượng đào tạo, tốt nghiệp không tương thích với nhu cầu thực chất của nền kinh tế xã hội thì sẽ là một sự lãng phí to lớn cho cả gia đình và nhà nước.
Về cơ cấu lao động, nhiều năm qua có hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ khá phổ biến trong các thành phần kinh tế.
Từ hiện trạng trên, theo tôi, nên chăng :
+ Giảm bớt số trường đại học, cao đẳng nhằm bảo đảm cân đối tương thích với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Và theo đó, giảm số lượng tuyển sinh vào các trường. Thực hiện nguyên tắc: Đào tạo cái xã hội cần, chứ không đào tạo cái Nhà trường có.
+ Tuyển chọn đầu vào phải thật chất lượng, chỉ lấy các học sinh có số điểm thi tốt nghiệp THPT thật cao. Nâng cao chất lượng dạy & học trong suốt quá trình đào tạo. Phải siết chặt đầu ra để bảo đảm khả năng thực chất đáp ứng được nhu cầu công việc.
+ Theo GS Lê Quân, việc tăng thêm học phí để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, không thể dùng việc tăng học phí làm “ rào cản kỹ thuật “ hạn chế học sinh vào học đại học. Bởi như thế là không tạo điều kiện cho các cháu học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Lão già hưu trí, không đủ thông tin, xin mạo muội nhàn đàm đôi điều như vậy. Nếu chưa đúng, mong bà con Fb lượng thứ !

Mỹ Đình, 28/7/2021

 MỘT NGÀY VÀ HAI ĐÊM


* VÔ HUẾ DỰ LỄ

Chiều tối 26/7/2020, cơn mưa rào bất chợt ầm ào xối xả. Từ tắc xi vào nhà xe Nhật Tuấn có mấy chục bước chân, dù đã đưa cái cặp che đầu tôi vẫn bị ướt.
Nhận lời mời của UBND huyện Phong Điền ( Thừa Thiên Huế ), Hội CCB Trung đoàn 4 & Tập đoàn TAAD, tôi cùng anh Nguyễn Kim Bảng thay mặt Ban Liên lạc Truyền thống CCB Quân khu Trị Thiên lên xe đò xuyên đêm để sáng ngày 27/7 kịp dự Khánh thành Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Trạm phẫu tiền phương tại xã Phong Hiền.
Chúng tôi lên xe từ Mỹ Đình ( Hà Nội ) lúc 17 h 30 ngày 26/7. Dự tính 5 h sáng tới Thị xã Hương Trà, rồi bắt xe đi tiếp. Và chiều tối 27/7 lại quay ra Hà Nội, đã mua vé khứ hồi.
Cả hai anh em đều đã qua ngưỡng “ cổ lai hy “ mấy năm rồi, đường xa, xe lắc lư, giấc ngủ chập chờn.
Đúng ngày 27/7 được về thắp hương tri ân tưởng niệm những đồng đội cùng trang lứa hy sinh trong kc chống Mỹ, chúng tôi chẳng quản ngại gì.

* * DỰ LỄ KỶ NIỆM 27/7

Sáng 27/7/2020, UBND huyện Phong Điền ( Thừa Thiên Huế ) phối hợp với Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 4, Tập đoàn TAAD đã tổ chức Lễ Khánh thành và Đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Trạm Phẫu Tiền Phương tại thôn Triều Dương, xã Phong Hiền.
Đông đảo đại diện lãnh đạo chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương; 247 CCB Trung đoàn 4; 110 cán bộ, nhân viên Tập đoàn TAAD, cùng hàng trăm người dân đã đến dự.
Ngày 12/ 3 / 1975, bọn địch đã dùng một lực lượng lớn bộ binh có xe tăng, xe bọc thép, pháo binh & máy bay yểm trợ tấn công dã man sát hại 33 Thương binh nặng đang điều trị và nhân viên Quân y tại Trạm Phẫu Tiền Phương Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên.
Sau khi dùng lưỡi lê và các loại vũ khí giết hại hết toàn bộ Thương binh và nhân viên Quân y, bọn địch đã dồn lại chôn chung một hố.
Đây là hành động man rợ phi nhân tính của quân ngụy đối với Thương binh ta khi không có vũ khí tự vệ trong tay. Sự kiện giết người hàng loạt này là vi phạm trắng trợn Luật Nhân đạo quốc tế.
Để tưởng nhớ tri ân 33 Liệt sĩ đã hy sinh tại địa điểm này, Hội CCB Trung đoàn 4 - đứng đầu là Đại tá Nguyễn Cao Lưu nguyên Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn thời kỳ 1975 - được sự phối hợp giúp đỡ của chính quyền địa phương ; sự cung tiến của Tập đoàn TAAD - đứng đầu là ông Nguyễn Tuấn Anh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn - đã xây dựng Đài Tưởng niệm khang trang bề thế.
Tại buổi Lễ, UBND huyện Phong Điền đã tặng quà thân nhân 33 Liệt sĩ; Ban Liên lạc Truyền thống Quân khu Trị Thiên đã trao Kỷ niệm chương cho đại diện cán bộ nhân viên Tập đoàn TAAD.



*** TRÒN 12 TIẾNG ĐỒNG HỒ
Xong việc, 4 h 30 phút chiều 27/7/2020, hai ông CCB già lại khăn gói lên xe đò Nhật Tuấn tại Thị xã Hương Trà ( Thừa Thiên Huế ).
Xe chạy xuyên màn đêm, đến 4 h 30 sáng 28/7/2020 chúng tôi đã về đến Mỹ Đình ( Hà Nội ).
Vậy là, chỉ mất 2 đêm 1 ngày, chúng tôi đã tham gia hoàn thành một việc có ý nghĩa tâm linh và tình cảm nhân Ngày TBLS, 27/7.
Mệt chút nhưng vui !