Menu ngang

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN - 
MỘT CHẶNG ĐỜI QUÂN NGŨ
                                                                           N M Đ


Ngày 6 - 10 - 2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định điều động tôi từ Cục trưởng Cục Chính sách TCCT về giữ chức Phó Hiệu trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 ( khi có NQ 51/ BCT, đổi thành Chỉnh ủy) thay anh Bạch Quang Triệu chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ.
TỰ SỰ

                                       N M Đ 

Khép lại phía sau hết thảy buồn vui
Ta bước tiếp phía chân trời rộng mở
Được chung vui bao niềm vui to nhỏ
Được sẻ san những khoảng lặng trong đời
Nỗi buồn sẻ chia nỗi buồn vơi cạn
Niềm vui trao nhau niềm vui dâng đầy
Nỗi buồn trong đời là khoảnh khắc
Và niềm vui chan chứa khôn nguôi...
Mấy mươi năm lần giở những trang đời
Bao đắng chát ngọt bùi từng nếm trải
Ngày nối ngày - thời gian không dừng lại
Ta đam mê mải miết
                       MỘT MÙA NGƯỜI!

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
Sáng nay, 29/9/2015, Liên chi hội Người Cao Tuổi khu Đô thị Mỹ Đình 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm tổ chức kỷ niệm 24 năm Ngày Quốc tế Người Cao Tuổi. Qua Trung thu, trời oi nồng khó chịu với người già, vậy mà Hội trường C3 vẫn đông đảo cụ ông, cụ bà trong bộ quần áo đẹp đến dự rất đúng giờ. Buổi kỷ niệm diễn ra trang trọng, vui vẻ, tình cảm và ý nghĩa. Các tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn nhiệt tình, phong phú, hấp dẫn của các diễn viên U 70, U 80 làm cho không khí hội trường thêm tưng bừng, vui nhộn. Văn nghệ quần chúng luôn có sắc thái chung: Hay hoặc không hay đều vui thích - nhất là khi các ông bà già hăng say, hồn nhiên trên sân khấu.
Được biết, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 1/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế Người Cao Tuổi.
Hội Người Cao Tuổi là hội của người từ 60 tuổi trở lên không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, dân tộc, tôn giáo, xã hội...Theo thống kê, tuổi thọ bình quân của người Việt là 73. Tính ra, từ khi gia nhập Hội, đến khi giũ bụi hồng trần, nhẹ gót ra đi, các cụ còn được hưởng hơn 10 năm cuộc đời!
Khi cuộc sống khá hơn, tuổi thọ bình quân cao hơn, thì sức khỏe, sự trẻ trung của người cao tuổi được kéo dài thêm ra. Tôi nhớ, ở quê tôi trước đây 50 tuổi đã được mọi người gọi bằng Cố ( tức là Cụ ),...70 tuổi là hiếm, 80 tuổi là rất hiếm. Và người 70 tuổi trở lên, nói chung, ít ra khỏi nhà. Còn bây giờ 50 tuổi còn như thanh niên, 60-70 tuổi còn tráng kiện. ( Cá biệt, Cụ Quốc Thước tròn 90 tuổi, cách đây vài tháng còn ra Trường Sa). 
Thật mừng khi thấy các " cụ ông", " cụ bà" thời nay, trong đời sống cộng đồng còn đùa vui với nhau như thuở trung niên.
Thực ra, trong thâm tâm, tôi không thích gọi là Hội Người Cao Tuổi mà nên gọi là Hội Phụ Lão. Từ Phụ Lão nghe gọn gàng hơn, sang hơn, có chiều sâu ý nghĩa và có tính truyền thống lịch sử hơn. Trong lịch sử, Diên Hồng là hội nghị giữa vua Trần Nhân Tông với đại diện Phụ Lão để bàn kế sách và khẳng định quyết tâm chống giặc Nguyên Mông - Có thể nói, Hội nghị Diên Hồng là hội nghị độc nhất vô nhị của dân tộc ta. Thời kỳ đầu chống Pháp, Bác Hồ cũng viết thư cho các cụ Phụ Lão ( chứ không phải thư cho Người Cao Tuổi). 
Nhưng thôi, nói cho vui, duy danh chiết tự mà làm gì. Vấn đề là đồng thuận nhận thức và thống nhất hành động.
Người ta vẫn nói, người già cần thực hiện 3 điều quên : Quên tuổi tác, Quên bệnh tật và Quên hận thù.
Trong buổi chiều tà của cuộc đời, người già sợ nhất 3 điều : Con cái hư, Bệnh tật và Cô đơn. 
Trái với 3 điều đó, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mọi người già là : Con cái hiếu nghĩa, thành đạt ; Sống khỏe, chết nhanh ; Được sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.
Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của cố Nhà thơ Thanh Tịnh: " Hết trẻ là già, chỉ thế thôi / Sớm chiều đâu phải quãng xa xôi / Cái thuở đầu xanh, tôi như bạn / Đến lúc bạc đầu, bạn giống tôi " . Và Thanh Tịnh cũng có câu đối rất hay : " Cha bón cơm cho con, con cười, cha cười / Con bón cơm cho cha, cha khóc, con khóc ".

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

NÓI ÍT - MỘT TÍNH CÁCH MẤY MẪU NGƯỜI

                                                             N M Đ

Trong đời sống cộng đồng - trừ những người nói nhiều do chức năng công việc - còn nói chung, mọi người thường thiện cảm với tuýp người nói ít. Chẳng thế mà, người đời đã khái quát hình tượng : Tạo hóa sinh ra con người có 2 tai, 2 mắt mà chỉ có 1 miệng - Điều đó như có ý nhắc nhở con người rằng: Trong giao tiếp với người khác - nhất là giữa đám đông - chủ yếu là nghe, quan sát, học hỏi; và hạn chế nói. 
Biết bao câu danh ngôn khuyến cáo về việc nói nhiều: “ Bệnh tật vào từ miệng. Tai họa từ miệng mà ra”, “Hãy nghĩ kỹ về điều mình nói. Đừng nói hết mọi điều mình nghĩ”, “Lời chưa nói ra, ta là chủ nó. Lời nói ra rồi, nó là chủ ta”, “ Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” ( Một lời nói ra, cỗ xe bốn ngựa khó đuổi kịp ), “ Nếu anh có một người bạn ít nói, thì đó là một người bạn chân thành. Ngược lại, nếu anh có một kẻ thù ít nói, thì đó là kẻ thù nguy hiểm nhất”, “ Nên để người ta dành thời gian mà nghĩ, đừng bắt người ta phải nghe nhiều”, ..v..v…
Tựu trung lại, nói ít là một điều nên làm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở đời cùng một tính cách nói ít, nhưng lại có mấy mẫu người khác nhau. Và không phải người nào nói ít cũng tốt. 
- Có một số rất ít thuộc loại người uyên bác. Họ coi nói ( ngôn ngữ ) là phương tiện giao tiếp nhằm diễn đạt tư tưởng, trí tuệ, tình cảm. Nên khi họ nói, người nghe cảm thấy như đang đếm chữ, chẳng bao giờ sai, thừa, thiếu.
- Có nhiều người nói ít hoặc nói ngắn gọn, vì trước khi nói, họ suy nghĩ thấu đáo, kỹ càng: Mình là ai, nói cái gì, nói với ai, nói ở đâu, nói lúc nào, nói đến đâu, lập luận logic thế nào … và điều quan trọng nhất là nói để đạt mục đích gì.
- Có người từ khi sinh ra, tính cách vốn dĩ rất ít nói - thuộc diện phản ứng chậm. Họ chỉ nói cái gì thật cần thiết vào thời điểm thích hợp và có liên quan trực tiếp đến bản thân.
- Có người do kiến thức, năng lực rất hạn chế - thực ra là không có gì để trình bày. Hễ ai nói gì, vì không hiểu, nên họ tươi tỉnh gật gù, tỏ thái độ tán thưởng. Thường là, họ không có chính kiến trước mọi lập luận, phương án. Đến khi biểu quyết, thì dứt khoát là họ quan sát cả bốn phía và bao giờ cũng ngả theo số đông. Nói chung, họ chẳng sắc nhưng cũng ít khi sai! Họ là người luôn biết cách hòa đồng với xung quanh. Vì vậy, họ luôn được đánh giá là: trầm tĩnh, điềm tĩnh, chững chạc, chín chắn, cẩn trọng và rất khiêm tốn. Nhờ đó, họ thường được tín nhiệm, được cân nhắc trong công việc - dù xét ra năng suất, chất lượng, hiệu quả của họ thuộc loại bình bình.
Quả thật, nhìn bề ngoài, nhiều người nhầm lần tai hại: Một kẻ ngốc không biết gì để nói lại cứ tưởng đó một người thông thái im lặng.

Đôi điều lạm bàn tản mạn trên đây, chắc rằng không trùng với quan niệm của nhiều người khác. Âu đó cũng là bình thường. Trong cuộc sống, trên từng phương diện, muôn người muôn nẻo nghĩ!
ĐÙA MỘT CHÚT

" TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC 
    ĐỤNG ĐẾN VIỆT NAM!"

( Tác giả: Dũng Ngô Việt - theo FB Cẩm Tú Phan )
Đó chính là lời căn dặn trước khi chết của Bin Laden đối với các thuộc hạ.
Lý do như sau:
Tổ chức khủng bố An-qaeda trước đây đã nhiều lần cử các phần tử khủng bố sang Việt Nam làm nhiệm vụ nhưng đều thất bại cay đắng.
Tên thứ nhất sang ám sát một đ/c lãnh đạo, nhưng đ/c này họp hành tiếp khách triền miên. Tên này mòn mỏi đợi chờ đến nỗi hết hạn visa, hết tiền khách sạn mà đ/c vẫn chưa họp xong, đành từ bỏ nhiệm vụ quay về căn cứ chịu tội.
Tên thứ hai bị ngập giữa đường phố Sài Gòn, xe hỏng nặng, thuốc nổ ướt sũng, nhiệm vụ thất bại.
Tên thứ ba ra Hà Nội khủng bố Ga Hàng Cỏ nhưng không tài nào chen lên xe buýt được.
Tên thứ tư bị trộm móc mất thiết bị điều khiển từ xa ở cổng chợ Bến Thành, rút chiếc sơ – cua ra chưa kịp bấm nút cũng bị 2 kẻ đi mô tô giựt mất luôn.
Tên thứ năm đánh bom Chùa Hương nhưng từ Ngã Tư Sở đã bị đám Cò bám riết như đỉa, tìm mọi cách cũng không sao thoát được, nhiệm vụ thất bại thảm hại.
Tên thứ sáu phá hoại thủy điện Sông Tranh, nhưng vừa trèo lên thì đập nứt, cả người và dụng cụ bị nước cuốn đi chết không kịp ngáp.
Tên thứ bảy bị kẹt xe ở khúc cong mềm mại đường Trường Chinh gần 2 tiếng đồng hồ, ngộ độc khói xe chết tức tưởi.
Tên thứ tám có nhiệm vụ đánh bom đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đúng vào ngày khánh thành. Do chậm tiến độ hết lần này đến lần khác, tên này không biết đợi đến bao giờ mới khánh thành, sốt ruột đi qua hiện trường xem xét, bị giàn giáo và sắt cây rơi trúng đầu chết thẳng cẳng.
Tên thứ chín chuẩn bị hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, nhìn xuống thấy xe tải húc máy bay, kiểm soát không lưu mất tín hiệu, máy bay lòng vòng không hạ cánh. Tên này tưởng máy bay đi tìm nhà cao tầng để đâm như vụ 11/9 nên sợ quá vỡ tim chết hộc máu.
Tên thứ mười là một nữ khủng bố khét tiếng, vợ lẽ của Bin Laden. Ả này vừa xuống sân bay Nội Bài, còn đang ngơ ngác xem bản đồ, thì đã bị bọn buôn người bắt đi, đem sang Trung Quốc bán, đến nay vẫn biệt vô âm tín.
Bin Laden không chịu nổi quyết định đích thân đưa con trai mới 6 tuổi sang Việt Nam đi học để thông thạo địa bàn, sau này lớn lên sẽ khủng bố đẫm máu. Nhưng mỗi lần họp phụ huynh là một cơn ác mộng đối với hắn. Ngoài học phí trái tuyến, Giáo viên bắt trùm khủng bố phải đóng đủ các loại tiền như quỹ lớp, tiền học thêm, tiền học ngoại ngữ, tiền điều hòa, tiền máy chiếu, tiền báo, tiền bảo hiểm thân thể, tiền bảo hiểm y tế…vv và vv…An-qaeda dù đã gồng mình cũng không đỡ nổi. Cuối cùng Bin Laden buộc phải ôm con tháo chạy về căn cứ, kế hoạch thất bại hoàn toàn.
Trước khi chết, Bin Laden đã thống thiết dặn dò thuộc cấp:” các ngươi hãy tấn công toàn thế giới để trả thù cho ta, nhưng vì sự tồn vong của tổ chức, tuyệt đối không được đụng đến Việt Nam”
Ơn Trời! chúng ta đang sống trong một đất nước an toàn nhất thế giới.

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

MỘT NGÀY ( 25/9/2015)

- 5h50 bay từ Nội Bài. 8h hạ cánh Tân Sơn Nhất. Nhà thơ Phương Hà ( tức Luật sư Hoàng Xuân Sơn) - một người bạn đồng hương - nhiệt tình lái xe ra sân bay đón về thăm nhà.

- 10 h dự Buổi gặp mặt các Cựu chiến binh, Nhà báo, cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị chúc mừng Đại tá, Nhà báo Đặng Thọ Truật được Nhà nước phong Anh hùng LLVTND, do Ban Đại diện Báo QDDND tổ chức tại 161 Trần Quốc Thảo, tp HCM. Buổi gặp mặt diễn ra vui vẻ, thắm tình đồng đội, rất có ý nghía. Tại đây, mình may mắn được gặp nhiều bậc đàn anh và bạn hữu thời quân ngũ: Trung tướng Lê Nam Phong, 89 tuổi; Trung trướng Nguyễn Văn Thái 86 tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá, Nhà báo Nguyễn Đức Toại 89 tuổi, các Trưởng đại diện và cựu phóng viên Báo QĐDN qua các thời kỳ . Và nhiều anh em khác.

Ban đại diện Báo QĐND và Đặng Thọ Truật mời mình đến dự và phát biểu với tư cách là đồng đội, là minh chứng về thành tích đặc biệt xuất sắc của Đặng Thọ Truật lập được từ 45 năm trước trên chiến trường Trị Thiên khói lửa. Sự thật do người trong cuộc kể lại bao giờ cũng thuyết phục hơn.
- 15 h đến Nghĩa trang Thành phố viếng Lăng mộ: Nhạc phụ, Nhạc mẫu, Dượng Nguyễn Đình Bá, chú Trần Văn Khanh,... Đây là phần việc tâm linh, tình cảm không thể thiếu trong những lần vào tp HCM.
- 17 h 40 bay từ TSN ra Vinh để kịp về quê dự Lễ Khánh thành việc tôn tạo Cây đa, Giếng nước của Làng Đại Xá, sẽ tiến hành vào sáng 26/9/2015. Việc tôn tạo hai hạng mục có ý nghia tâm linh, tình cảm này do Đại tá công an Nguyễn Đình Thi, hiện công tác ở SG chủ trì, cùng sự tự nguyện của nhiều người sinh ra ở Làng Đại Xá, đồng tâm chung sức tôn tạo, nhằm khôi phục nét văn hóa trong tâm thức bao đời của người Đại Xá.
Máy bay hạ cánh xống sân bay thành phố quê hương lúc 19 h 20. Sắp trung thu mà tiết trời vẫn nóng.
- 20 h về đến Khách sạn Mường Thanh Cửa Lò. Đây là một trong 55 khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh trong cả nước. Chủ Tập đoàn Mường Thanh là ông Lê Thanh Thản - một doanh nhân tiêu biểu, một thương binh, cựu chiến binh Sư đoàn 324, quê Diễn Châu ( Nghệ An ).
- 20 h 30 cùng chú Nguyễn Đình Thi ăn tối ở quán sát mép biển. Đã giữa Thu mà khách du lịch vẫn còn đông. Trời lặng gió, không khí oi nồng, xa kia ánh đèn lấp lánh trên ngư trường.

Trọn một ngày khá mệt nhưng thật vui.
Ngẫm rằng:Thời gian cuộc đời không còn nhiều nữa. Bởi vậy, cái gì hợp lý, hợp tình và có điều kiện, thì gắng làm. Không đi thì chẳng đến được đâu. Việc làm hôm nay, mai sau thành kỉ niệm đời người. Sẽ chẳng để lại ngày mai cái gì, nếu hôm nay không làm gì!
Phương Hà khái quát bằng 2 câu thơ : "Tình đồng đội nghĩa đồng hương. / Một ngày vất vả yêu thương một ngày".


VÀ MỘT NGÀY TIẾP ( 26 /9 / 2015 )


- Sáng sớm nhìn cảnh đẹp Thị xã Cửa Lò từ tầng 19 khách sạn Mường Thanh.
- 7 h 30 cùng Sư thầy Thích Giác Dũng, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Thế Hiếu về Nghi Hợp. Vào khu Đông Lầm, thắp hương Lăng mộ Thái bảo Đình Quận Công Nguyễn Hội ( Thân phụ Nguyễn Xí ), Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí và Lầu bia Thái phó Nghiêm Quận Công Nguyễn Biện ( huynh trưởng Nguyễn Xí) .
- 8 h cả 4 người vào chiêm bái Đền thờ Nguyễn Xí.
- 8 h 30 mới mấy người cùng về nhà thắp hương cha mẹ ở bàn thờ gia tiên.
- 9 h cùng đông đảo bà con tham tế Lễ điền hoàn long mạch ở Giếng làng - một việc làm không thể thiếu về mặt tâm linh khi khơi lại Giếng làng. Chủ lễ là Sư thầy Thích Giác Dũng ( Nguyễn Đình Thi mời nhà sư - hiện đang trù trì ở Chùa Vĩnh Nghiêm tp HCM - về làng Đại Xá tế lễ ).
- Tiếp đó, đúng 9 h 45, được tham gia với đông đảo bà con làng Đại Xá tiến hành Lễ khánh thành công trình tôn tạo Cây đa cổ thụ . Buổi Lễ do chính quyền địa phương cùng đại diện những người con xa quê chủ trì. Mọi người dân - từ các cháu nhi đồng đến các bậc phụ lão ngót 90 tuổi - đều rất phấn khởi về sự kiện mang ý nghĩa tâm linh và tình cảm này. Nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc về tình cảm đối với quê hương - với làng Đại Xá quê cha đất tổ, chốn sinh thành và là vườn ươm đầu đời biết bao kỷ niệm. 
Thật ý nghĩa! Đây là một công trình kính dâng lên các bậc tiền nhân, là món quà cho cuộc sống hiện tại và cho hậu thế mai sau.
" Có thế đưa con người rời khỏi quê hương. Nhưng không thể đưa quê hương ra khỏi trái tim, khối óc của họ", một Triết gia người Pháp đã nói như vậy. 
Ca từ trong một bài hát được nhiều người ưa thích có câu : " Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người ...". Dĩ nhiên, điều này chỉ hoàn toàn đúng với những người sinh ra và lớn lên trên quê hương - gắn bó với quê hương với biết bao kỷ niệm.
- Tạm biệt quê nhà, đúng 17 h lên máy bay Vinh - Hà Nội, kết thúc 2 ngày sôi nổi, phấn khởi, nhiều ý nghĩa.

Thời gian vật chất chỉ có hai ngày ( 25 - 26 / 9 / 2015 ), mà sao trong tâm trí cảm thấy dài. Phải chăng, di chuyển nhiều, tiếp xúc lắm đối tượng, trên các môi trường không gian khác nhau, ... do đó, thời gian như được kéo dài thêm ra.
Có người thân quí nói đại ý là : Nay tuổi " bọ " đã già mà vẫn thích " đo sức bền vật liệu ", thích việt dã như hồi xưa ấy. 
Tôi nghĩ đúng thế! Có điều, với thể chất U 70 - một cỗ máy rệu rạo lại không lành lặn, đã qua nhiều bận đại tu, thì " sức bền vật liệu " phỏng còn là mấy.

Người già nói chung có một suy nghĩ sai: Cứ nghĩ mình còn trẻ, khỏe như xưa. Và người già lại cũng lại có chung một suy nghĩ đúng: Cố chạy đua với thời gian, tranh thủ làm những việc hữu ích cho gia đình và cho cộng đồng!
VUI MỘT CHÚT : 
CHẤT LƯỢNG DẠY & HỌC SỬ

17 h ngày 26/9/2015,, Nguyễn Đình Thi đưa tôi và anh Lê Văn Nhượng lên sân bay Vinh để kịp chuyến bay 18 giờ về Hà Nội.
Khi qua Trường THPT, Thi kể câu chuyện:
Một hôm, đang tiết học Sử, trò A chập chờn ngủ gật. Thấy thế, cô giáo đặt câu hỏi:
- Ai lấy trộm nỏ thần của An Dương Vương?
- Thưa cô! em xin thề là em không lấy đâu ạ - trò A đứng dậy thẽ thọt trả lời.
- Điểm 0, ngồi xuống - cô giáo bực mình gắt.
Tối về nhà, trò A thuật lại câu chuyện với bố. Nghe xong, bố A tỏ ra rất giận vì cô giáo đã vu oan cho con mình. Và như thế là xúc phạm danh dự gia đình.
Sáng hôm sau, bố trò A tức tốc lên Trường, mặt phừng phừng bước vào phòng Hiệu trưởng nói lời khiếu nại. Nghe xong, Hiệu trưởng tỏ ra đồng cảm sẻ chia và cũng rất bực mình. Ông cho gọi cô giáo dạy Sử lên.
Khi cô giáo yên vị, Hiệu trưởng nghiêm giọng:
- Này cô! Tại sao cô lại xử sự thế để phụ huynh khiếu kiện ? Nếu cái nỏ của câu Dương hay cậu Vương nào đó mất mà chưa tìm ra thủ phạm, thì cô có thể xin quĩ Nhà trường để mua cái khác. Đáng bao nhiêu đâu. Chuyện đơn giản thế mà cũng làm phức tạp ra.
Cô giáo: !!!

TẾT TRUNG THU
Hôm nay Trung Thu - trung Thu là giữa Thu.. Rằm Tháng 8 là chính giữa mùa Thu.
Tết Trung thu bắt nguồn từ Tàu. Hàng ngàn năm bị Tàu đô hộ, người Việt ta tuy không bị đồng hóa, nhưng có nhiều nét phong tục văn hóa tương đồng. Được biết, trong văn bản, từ Hán - Viết chiếm tới hơn 60%. Với nhiều trường hợp, dùng ngôn từ Hán - Việt mới thể hiện đầy đủ chiều sâu ý nghĩa .
Sự tích Tết Trung Thu, có nhiều huyền thoại : 
Vua Đường Minh Hoàng (713- 741) được Đạo sĩ La Công Viễn đưa lên cung trăng chơi. Lưu luyến với cảnh đẹp thần tiên, nhà Vua không muốn về hạ giới. Đến khi về hạ giới, vẫn còn vương vấn, nên lệnh cho thần dân hằng năm tổ chức Tết Trung Thu để rước đèn và cúng lễ. Từ đó thành truyền thống.
Điển tích khác, thì nói về mối tình của Hằng Nga với chàng thiện xạ Hậu Nghệ.
Lại có điển tích về chú Cuội và Hằng Nga ...
(Thời bao cấp, có ông cán bộ làm đơn lên trên xin cấp nhà, kèm theo 4 câu thơ : " Không nhà, khổ lắm chị Hằng ơi / Trần thế tranh chen hết mất rồi / Cung quảng bao la mình chị ở / Dành tôi một chút để ngồi thôi ").
Thuở nhỏ, ở quê nhà, Tết Trung Thu của lớp lứa thiếu niên chúng tôi với bao nhiêu trò chơi vui tươi, sôi nổi. Việc chuẩn bị thi đấu các môn ở cấp xã vào Trung Thu như : cắm trại, bích báo, đồng diễn thể dục, tín hiệu thông tin ( còi, cờ, moóc xờ), các môn thể thao, ...được Đội Thiếu niên các làng chuẩn bị trước cả tháng.
Đêm Trung Thu là ngày hội tưng bừng, nhộn nhịp không chỉ của các em nhi đồng, thiếu niên, mà còn được sự tham gia của nhiều người.
Hồi đó, ở vùng quê chưa có điện thắp sáng như bây giờ.Dưới trời cao xanh vời vợi, gió Thu dịu mát, ánh trăng vàng bát ngát, trên bãi cỏ xanh, đám trẻ chúng tôi vui chơi thỏa thích.
Mấy chục năm đã qua, cảm xúc háo hức, hồn nhiên thời niên thiếu còn đọng mãi trong tâm khảm của lớp lứa U70 chúng tôi.
Ôi! Thời gian đời người một đi không trở lại.

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

MƯỜI LỜI KHUYÊN ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ

                                                                              Sưu tầm

1 - Hãy đương đầu và chấp nhận sự thật của tuổi già, những hậu quả và những hạn chế của tuổi già đem lại cho bạn. Hãy hành động và cư xử theo tuổi tác của bạn. Đừng tự lừa dối mình bằng cách cố coi mình là còn trẻ.
2 - Hãy tập trung vào việc hưởng thụ bản thân, chứ không phải là việc tích lũy của cải vật chất.
3 - Đặt kế hoạch để chi tiêu những gì mà bạn để dành được. Bạn xứng đáng được hưởng những thứ đó trong những năm còn lại. Hãy đi du lịch nếu bạn có điều kiện. Đừng cố gắng chắt bóp dành dụm để có được tài sản thừa kế cho con cháu. Vì nếu bạn để lại của cải cho con cháu, thì có thể gây ra những tranh chấp mất tình nghĩa khi bạn qua đời.
4 - Hãy sống cho hiện tại, không phải cho hôm qua và cho ngày mai. Ngày hôm qua thì qua rồi. Ngày mai có thể không bao giờ đến.
5 - Hãy vui chơi với cháu bạn, nhưng đừng biến mình thành người giữ trẻ. Bạn không có nhiệm vụ chăm sóc các cháu của bạn. Bạn cũng đừng cảm thấy mình có lỗi khi từ chối chăm sóc bất cứ ai - kể cả con, cháu bạn. Nhiệm vụ làm bố mẹ của bạn chỉ là đối với con đẻ của bạn mà thôi. Sau khi bạn đã nuôi con bạn trưởng thành, thì nhiệm vụ chăm trẻ của bạn không còn nữa. Hãy để cho con bạn chăm sóc con của nó.
6 - Hãy chấp nhận ốm yếu bệnh tật và những đau nhức của cơ thể, vì đó là một phần của quá trình già nua. Hãy thưởng thức những gì mà sức khỏe bạn cho phép.
7 - Hãy thưởng thức những gì mà bạn đang có. Và đừng cố gắng một cách vất vả để có những điều mà bạn chưa có. Nếu bạn chưa có những thứ đó, thì chắc là đã quá muộn rồi.
8 - Hãy thưởng thức cuộc đời với người bạn đời của bạn, với các con, các cháu và bạn bè, người thân của bạn - những người thực sự yêu quí chính bạn, chứ không phải yêu những cái gì mà bạn có. Bất cứ người nào yêu bạn vì những thứ bạn có, thì chỉ đem lại sự khốn khó cho bạn mà thôi.
9 - Tha thứ và chấp nhận sự tha thứ. Bạn hãy tha thứ cho bản thân mình và cho những người khác. Hãy thưởng thức sự bình thản của đầu óc và sự yên tĩnh của tâm hồn.
10 - Cái chết hữu nghị - đó là một phần tự nhiên của vòng đời, đừng sợ nó. Cái chết là bắt đầu của một cuộc sống mới. Cho nên không phải là bạn chuẩn bị cho cái chết, mà là chuẩn bị cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn!
KÍNH GỬI CỤ NGUYỄN CÔNG TRỨ

                                      Giao Hưởng

Cụ bồng bềnh một mảnh thuyền lan
Con thả hồn theo tàu đưa du khách
Cụ - 
đại thần thương đời đói rách
Con - tốt đen vẫn xứ Nghệ ngang tàng

Cụ lên voi xuống chó nhẹ nhàng
Đa tài quá nên đa tình lắm
Hai thế kỷ không xa vạn dặm
Cháy hết mình để sống hết mình thôi
Cụ Trứ ơi thời thế đổi thay rồi
Mấy kẻ được dân lập thờ khi sống
Đời quý cụ xây đền sắm võng
Rước cụ về phong thánh thần thiêng
Sống vì dân chết được dân thương
Ân oán rạch ròi luật đời thưa cụ
Hữu hạn kiếp người giàu sang chưa đủ
Hai thế kỷ xa rồi cụ trẻ mãi trong con

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

TRỜI - MỘT CÁCH QUAN NIỆM

Trước đây, trong suốt một thời rất dài, tôi quan niệm Trời ( Thượng Đế ) là đấng siêu nhiên, vô tận vô cùng, có quyền năng vô biên, chi phối, quyết định tất cả mọi điều và với mọi con người. Đồng thời, Trời là nơi che chở niềm tin, ký thác khát vọng và neo đậu tâm linh của mỗi một con người.
Quan niệm đó có thể gần giống với nhiều người, với nhiều lý thuyết tôn giáo, trường phái triết học, luân lý đạo đức cũng như triết lý nhân sinh…

Mấy năm gần đây, tôi có quan niệm khác về Trời. Xin được giải bày, trao đổi. 

Trời là gì? Theo tôi, đó là tổng hợp toàn bộ các yếu tố của thế giới tự nhiên, xã hội, tư duy, không gian, thời gian, khách quan, chủ quan,…hình thành nên hệ thống các qui luật, tác động vào tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên Trái đất và chi phối đến từng con người. Nói chống lại Trời, tức là chống lại tất cả yếu tố đó.
Thời phong kiến, trong các Lời Chiếu của nhà Vua khi ban bố bất cứ chỉ dụ nào cũng đều mở đầu bằng câu : “ Thế Thiên hành đạo, Hoàng Đế chiếu viết…”. Trên lá cờ của 108 vị Anh hùng Lương Sơn Bạc thêu dòng chữ : “ Thế Thiên hành đạo” ( Thay Trời hành đạo ), chắc là họ muốn tận dụng các yếu tố tự nhiên, xã hội, con người để thực hành việc đánh đổ Triều đình Bắc Tống, đem lại quyền lợi cho dân nghèo bị áp bức. 
Từ xưa, ở mọi quốc gia, Vua đều tự nhận mình là Thiên Tử. Thiên Tử là con Trời. Con Trời chứ không phải là Trời. Con Trời chịu sự chi phối của Trời. Và con Trời được phép thay Trời để điều hành Đất nước. Điều hành bằng cách gì? Bằng cách sử dụng các yếu tố, các qui luật của tự nhiên, của xã hội ( được cụ thể hóa, thể chế hóa bằng các đạo luật ) để thực hành chức phận. 
Mọi người đều cho rằng, sự thành bại trong từng công việc hoặc toàn bộ số phận cuộc đời của một con người đều do Trời định đoạt. Điều đó hoàn toàn đúng. Theo tôi, ở đây, Trời được hiểu là toàn bộ các yếu tố ( tự nhiên, xã hội, tư duy, không gian, thời gian, sự may rủi,…) tác động chi phối đến quá trình thực hành công việc, cũng như toàn bộ cuộc đời của một con người cụ thể.
Tóm lại, Trời là tổng hợp các yếu tố, các qui luật của thế giới tự nhiên và xã hội. 
Đôi điều quan niệm sơ đẳng trên đây chắc chắn là chưa đầy đủ, chưa thấu đáo và chưa chính xác. Mong được bạn đọc xa gần lượng thứ!
XƯNG HÔ - MỘT VÀI Ý NGHĨ VỤN
Trong quan hệ con người với nhau, điều đầu tiên là xưng hô. Được biết, người nước ngoài xưng hô với nhau đơn giản hơn ta. Dĩ nhiên, cùng một đại từ nhân xưng, nhưng ngữ điệu biểu cảm khác nhau - tùy thuộc mối quan hệ cụ thể. Người Việt ta xưa nay theo nếp “ gia đình chủ nghĩa”, hoặc “ gia đình hóa xã hội” trong xưng hô. Nhìn một cách tổng thể, xưng hô thế nào là biểu thị văn hóa ứng xử của mỗi con người.
NHÂN CÁCH
Tôi có kinh nghiệm, trong cuộc sống gia đình có bao nhiêu nhu cầu, thì chọn lấy ngần ấy đối tác tin cậy. Đối tác tin cậy của gia đình tôi từ khi dọn nhà về Mỹ Đình - tính ra đã ngót chục năm - đó là : một cửa hàng cắt tóc gội đầu, một ông xe ôm, một cửa hàng thuốc tây, một quầy bán thực phẩm, một quầy rau quả, v..v. . Trong đó, ông xe ôm là một trong những đối tác tin cậy nhất.
Ông tên là Nho, ngoài 50 tuổi, thân hình cao gầy, đen đúa, già trước tuổi, vì suốt ngày phơi mặt trên đường, bất kể nắng mưa. Quê ở tận Bắc Giang, vợ ông không còn, con trai duy nhất đang học tại một trường đại học. Hằng ngày, tối đến hai cha con về ăn nghỉ tại một phòng trọ ọp ẹp trong ngõ sâu xóm chợ. 
Hỏi ra, mới biết khách hàng thường xuyên của ông gồm nhiều loại: vị giáo sư già đi giảng dạy ở một trường đại học, cô ca sĩ trẻ đi biểu diễn các chương trình , chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc đang làm việc cho Dự án Đường sắt trên cao, một cháu nhỏ con nhà khá giả đang học ở một trường quốc tế, một ông thương binh đã ngoài 70 tuổi hàng ngày lên phố trông coi quầy hàng nhỏ của con,.v.v..Còn đột xuất bất chợt thì không kể hết. Đang đêm chở một sản phụ đến Bênh viện Phụ Sản. Gần sáng có điện gọi nhờ chở người nhà đi cấp cứu. Rồi có khi bắt gặp gười bị tai nạn giao thông trên đường. Ông như là người của công chúng vậy. 
Có lần, trong một chuyến đi, ông nói với tôi như dốc bầu tâm sự: Bác ạ! Ở đời, con người ta chỉ cần chăm chỉ, thật thà, trung thực, thương người, thì làm nghề gì cũng tốt, cũng được trọng dụng. Nghề xe ôm như em đây, tứ thời, không bao giờ hết việc. Do đó, thu nhập đủ ăn và có phần gom góp nuôi con ăn học
Gia đình tôi là một trong khách hàng quen thuộc của ông. Chúng tôi tin cậy nhờ ông: khi thì chở các cháu nhỏ đi học, khi đưa người nhà đi khám bệnh, khi thì đưa khách ở quê ra chơi có nhu cầu đi tham quan Hà Nội... Ông Nho là người tử tế với bất cứ ai . Ông luôn tư vấn cho khách chọn con đường đi ngắn nhất. Giả cả phải chăng. Trường hợp chưa có tiền trả - nhất là các cháu khi vội vàng đi học - ông đều cho chịu. 
Một hôm, nhà tôi ra bến xe buýt số 49 để đi kiểm tra sức khỏe ở Viện Quân y 108. Khi cách bến chừng 30 mét, thì xe nổ máy, chuẩn bị lăn bánh. Đang đợi khách bên vệ đường, thấy thế, ông Nho ghé xe lại nói, chị lên đây em chở ra xe mới kịp. Nhà tôi ngồi lên xe nói, chú đưa tôi đến Viện 108 luôn cũng được. Ông Nho nói, chị kịp xe buýt mà. Đường xa, chị đi xe buýt cho rẻ. Vậy là, nhờ ông Nho, nhà tôi kịp lên xe buýt trước khi xe chuyển bánh. 
Có mấy lần, chở thằng cháu ngoại tôi đến trường, dọc đường bị trời mưa, ông Nho dành áo mưa che cháu. Ông nói, mình ướt không sao, sợ cháu ướt bị cảm lạnh và ướt cả sách vở. Có hôm đến lớp, cháu mở cặp thấy thiếu vở. Ông ôn tồn, thiếu vở gì. Rồi dặn cháu ở lại lớp, ông quay xe về nhà lấy hộ. Bao giờ cũng vậy, ông dựng xe ở cổng trường, đưa cháu leo lên mấy tầng, vào tận lớp. Đến nỗi, cô giáo không biết mà hỏi, thế ông là ông nội hay ông ngoại của cháu! 
Nhiều lần, qua đường xe khách, người nhà ở quê hoặc người quen ở tỉnh khác gửi biếu gia đình tôi khi thì vài chục cân gạo, khi thì một thùng trái cây, có khi là mấy cân cá biển. Những người gửi đó đều gọi điện báo trước cho ông Nho ra bến xe Mỹ Đình nhận hàng để chuyển hộ tận nhà tôi. Bao giờ cũng vậy, hàng hóa không thiếu bất cứ thứ gì - dù là nhỏ nhất. Ông chỉ lấy đúng 30 nghin tiền công, rồi quay xe ra. Nhà tôi có năn nỉ bao nhiêu, ông cũng không nhận một phần quà nhỏ. Ông là vậy!
Mấy năm nay ông chuyển vào Tây Ninh - nơi con ông trai ông làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Mọi người trong gia đình tôi - nhất là mấy cháu nhỏ - đều nhớ và mong ông có ngày trở lại. 
Tôi vừa đưa bài này lên facebook, thì Thùy Vinh con gái tôi ở bên nhà đọc và đồng cảm: " Ba ạ! Kể những câu chuyện thế này để thấy đời vẫn nhiều người rất tốt. Mới đây, hôm con đang đi công tác ở Nha Trang, có bữa Bo ( thằng cháu ngoại vẫn đi xe ôm với ông Nho mấy năm trước ) gọi Grab Taxi loại siêu rẻ để đi học. Tới lúc con gọi điện về hỏi cháu, mới biết nó ko mang đủ tiền. Con lo ngại quá, phải gọi điện chú tài xế nói, cháu nó ko đủ tiền đâu, chú ạ. Chú tài xế bảo: Chị yên tâm, em sẽ đưa cháu đi học tận nơi, tiền nong quan trọng gì đâu. Người chưa hề gặp mặt và cũng chẳng biết tên là gì nữa".

Thế đấy! Ở đâu và bao giờ cũng vậy, nhân cách không phụ thuộc vào nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Giữa thế giới bình dân bao la quanh ta, có biết bao con người bình dị mà nhân cách cao đẹp. Ở họ, giữa nói và làm là một!

WC - MỘT TIÊU CHÍ VỀ CUỘC SỐNG
Lâu nay, khi thiết kế nhà, nhiều người gọi bếp và WC là khu phụ. Điều đó sai! Để bảo đảm sinh hoạt diễn ra thường xuyên cho mọi người trong gia đình, hai nơi đó phải được gọi là khu chính. 
Trên thực tế, WC là một tiêu chí đo về chất lượng cuộc sống.
Nghe nói, khoảng năm 1980, ông Hoàng Đan làm Tư lệnh Quân đoàn 14, có lần ông cho gọi ngẫu nhiên 3 chiến sĩ trong đơn vị lên để hỏi han tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình - một việc làm cần thiết vẫn thường diễn ra đối với người chỉ huy các cấp trong Quân đội.
Khi mọi người đến đủ, ông Đan chỉ nêu một câu hỏi : Này! Nhà các cậu ăn ở đâu và ỉa ở đâu?
Chiến sĩ thứ nhất trả lời : - Thưa, nhà cháu ăn trong nhà và ỉa ngoài vườn ạ.
Chiến sĩ thứ hai trả lời : - Thưa, nhà cháu ăn trong nhà và ỉa trong nhà ạ.
Chiến sĩ thứ ba trả lời : - Thưa, nhà cháu ỉa trong nhà và ăn ngoài vườn ạ.
Nghe xong, ông Đan nói: Như vậy là, ba cậu có ba hoàn cảnh kinh tế, với ba mức sống khác nhau. Này nhé, Gia đình cậu thứ nhất là nông dân,xưa nay vẫn thế -đời sống nói chung còn nghèo lắm. Gia đình cậu thứ hai ở thị trấn, thị xã hoặc thành phố, đời sống thuộc loại trung bình. Còn gia đình cậu thứ 3 là rất khá - không phải ai cũng được như thế đâu. Chúng ta phấn đấu theo hướng được như thế. ( Đoạn đối thoại trên sẽ hay hơn, khi được trình bày lời ông Đan bằng tiếng Nghi Lộc).

Hồi đó, nghe kể chuyện này, tôi cũng chỉ biết vậy. 
Nhưng, trong một chuyến đi công tác ở Mỹ, tôi đã mục sở thị và khẳng định điều ông Đan nói là đúng sự thật. Sự thể là: Vào một ngày Thứ 7 tháng 8 năm 1999, sau khi xin ý kiến Đại sứ Lê Văn Bàng và Tùy viên quân sự Võ Đình Quang, tôi dẫn mấy anh em trong Đoàn đến thăm gia đình ông RobesJon Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ( trong quân đội Mỹ,Trợ lý Bộ trưởng được coi như Thứ trưởng ), theo lời mời thịnh tình của ông ấy . Nhà ông Jon cách Lầu Năm Góc chừng 200 cây số. Nhưng đường tốt, xe tốt, thời gian đi không lâu. Đó là một tòa biệt thự tọa lạc trên triền đồi, cảnh quan rất đẹp. Bữa tiệc tổ chức tại một khu vườn cỏ rất rộng, có cây cảnh, thảm cỏ, suối tự nhiên. Thức ăn, đồ uống nhiều loại, được bày sẵn trên những cái bàn đẹp sắp đặt theo từng khu vực. Sau khi chủ nhà nói vài câu xã giao, mọi người vào cuộc tự nhiên theo chế độ tự chọn ( buffe). Khách chủ khoảng hơn 10 người. Vừa ăn vừa trò chuyện thoái mái. Đang ăn, tôi bị đau quặn bụng, Có thể vì ăn gỏi cá hồi chưa quen. Tôi hỏi WC để giải quyết vấn đề bức xúc. Ông Jon nói, Ok và trực tiếp dẫn tôi vào nhà, lên tầng 2, vào WC trong phòng ngủ của vợ chồng ông ấy.

Mẩu chuyện trên, với tôi có hai điều rút ra:
1 - Ông Hoàng Đan là một chiến tướng, một nhà lý luận quân sự rất thông minh. Trong cuộc sống, ông có những quan sát cụ thể, khái quát chính xác. Chỉ cần biết cái hố xí ( WC ), là biết được điều kiện sinh hoạt của một gia đình. Cái hay là: Ông đúc kết điều này từ 35 năm trước - Không biết hồi đó, ông đã đi Tây, đi Tàu nhiều chưa?!
2 - Điều tôi chân nhận ở ông Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, không phải là ở mức sống - dĩ nhiên là rất cao. Tôi ngẫm về thái độ tự nhiên, không quan cách, xử sự đơn giản, hợp lý và lòng thân thiện hiếu khách của một người Mỹ có cương vị khi mời một người khách nước ngoài - vốn là cựu thù trong chiến tranh - nay đến nhà chơi. Trong trò chuyện, té ra ông Jon biết nhiều điều về tôi ( chắc là do Tùy viên quân sự Hoa Kỳ ở Hà Nội cung cấp thông tin từ trước khi chúng tôi sang đó). Và, ông cũng không hề dấu diếm về mình: Từng tham gia chiến tranh Việt Nam nhiều năm. Khi đó, ông là hoa tiêu dẫn đường trên máy bay phản lực chiến đấu .Từ bầu trời, ông biết khá kỹ vùng Quảng Trị - Thừa Thiên, từ ven biển đến tận biên giới Việt - Lào.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Phương Hà

CÓ MỘT MÙA THU HÀ NỘI

Có một mùa thu Hà Nội ở trong tôi
Phố Lò Đúc lá khô xào xạc gió
Bến phà Đen lênh láng nước ròng
Đê nằm nghiêng lắng sóng Sông Hồng
Có một mùa thu Hà Nội ở trong tôi
Nắng lên xanh từng vuông cỏ Ba Đình
Nước Hồ Gươm vời vợi màu ngọc bích
Để Tháp Rùa trẻ lại giữa trời xanh
Có một mùa thu Hà Nội ở trong tôi
Cầu Long Biên bên này sang bên ấy
Áo em trắng cánh cò bay chấp chới
Hương Hoàng Lan đình Sủi cứ thơm đêm
Có một mù thu Hà nôi ở trong tôi
Hương sữa ngát đường Nguyễn Du níu bước
Liễu dè dặt Cổ Ngư ai đợi đấy
Phủ Tây Hồ bàng bạc thật hay mơ
Có một mùa thu Hà Nội đến bây giờ
Cứ đau đáu khi trời se se gió
Cứ khắc khoải khi sương mơ mờ tỏ
Cứ chạnh lòng nơi đó đã mùa thu.

LỜI RU HEO MAY

Hát ru ngọn gió heo may
em ngồi đan áo xâu ngày qua đêm
Mỏng manh sợi chỉ len mềm
mắc bao nhiêu mối cho thêm rối lòng
Tiễn người bữa ấy bên sông
thu già mấy độ mà không thấy về
Vạt Trinh Nữ dọc triền đê
buồn quên khép lá lời thề năm nao
Người ơi người ở phương nao
có hay thu tận nối vào với đông
Có hay hương nếp trên đồng
đêm qua trở giấc thơm cùng heo may


QUÀ THU

Đã ra đến tận Hồ Tây
ước sao gói được heo may làm quà
Nửa đời lưu lạc phương xa
em thèm chỉ một chút quà này thôi
Ở đây thu cả một trời
làm sao tôi giữ được lời với em.

NÓI VỚI CON VỀ BÀ NGOẠI


Con sẽ như giọt nắng
trước hiên bà mùa đông
Giọt nắng tìm kim
giọt nắng quét nhà
giọt nắng sún răng lò cò quanh cửa
giọt nắng ỷ eo theo bà đi chợ
lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn
Con sẽ như chú mèo nhỏ cuối vườn
đánh đổ ông trăng xuống nơi đáy nước
trán sưng u và áo quần lấm láp
rón rén leo lên ôm gối ngủ vờ
Con sẽ như...
như chú cún còi
ăn một bát cơm hết ba chuyện cổ
hạt dẻ, thảm bay, đèn thần, chổi quỷ
thế giới thần tiên nấp phía lưng bà
"Bà yêu con không ?"
"con sẽ là gì ?"
đôi mắt thỏ nâu suốt ngày hỏi mẹ
Dù con sinh bà đã không còn nữa
nhưng bà yêu con từ xửa từ xưa
bà gửi cho con hoa trái mùa thu
đàn ong tháng 3
ông trăng tháng 6
bà gửi cho con
mẹ
và câu hát...
mai con lớn rồi vẫn đủ yêu thương
WC - MỘT TIÊU CHÍ VỀ CUỘC SỐNG

Lâu nay, khi thiết kế nhà, nhiều người gọi bếp và WC là khu phụ. Điều đó sai! Để bảo đảm sinh hoạt diễn ra thường xuyên cho mọi người trong gia đình, hai nơi đó phải được gọi là khu chính. 
Trên thực tế, WC là một tiêu chí đo về chất lượng cuộc sống.
Nghe nói, khoảng năm 1980, ông Hoàng Đan làm Tư lệnh Quân đoàn 14, có lần ông cho gọi ngẫu nhiên 3 chiến sĩ trong đơn vị lên để hỏi han tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình - một việc làm cần thiết vẫn thường diễn ra đối với người chỉ huy các cấp trong Quân đội.
Khi mọi người đến đủ, ông Đan chỉ nêu một câu hỏi : Này! Nhà các cậu ăn ở đâu và ỉa ở đâu?
Chiến sĩ thứ nhất trả lời : - Thưa, nhà cháu ăn trong nhà và ỉa ngoài vườn ạ.
Chiến sĩ thứ hai trả lời : - Thưa, nhà cháu ăn trong nhà và ỉa trong nhà ạ.
Chiến sĩ thứ ba trả lời : - Thưa, nhà cháu ỉa trong nhà và ăn ngoài vườn ạ.
Nghe xong, ông Đan nói: Như vậy là, ba cậu có ba hoàn cảnh kinh tế, với ba mức sống khác nhau. Này nhé, Gia đình cậu thứ nhất là nông dân,xưa nay vẫn thế -đời sống nói chung còn nghèo lắm. Gia đình cậu thứ hai ở thị trấn, thị xã hoặc thành phố, đời sống thuộc loại trung bình. Còn gia đình cậu thứ 3 là rất khá - không phải ai cũng được như thế đâu. Chúng ta phấn đấu theo hướng được như thế. ( Đoạn đối thoại trên sẽ hay hơn, khi được trình bày lời ông Đan bằng tiếng Nghi Lộc).

Hồi đó, nghe kể chuyện này, tôi cũng chỉ biết vậy. 
Nhưng, trong một chuyến đi công tác ở Mỹ, tôi đã mục sở thị và khẳng định điều ông Đan nói là đúng sự thật. Sự thể là: Vào một ngày Thứ 7 tháng 8 năm 1999, sau khi xin ý kiến Đại sứ Lê Văn Bàng và Tùy viên quân sự Võ Đình Quang, tôi dẫn mấy anh em trong Đoàn đến thăm gia đình ông RobesJon Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ( trong quân đội Mỹ,Trợ lý Bộ trưởng được coi như Thứ trưởng ), theo lời mời thịnh tình của ông ấy . Nhà ông Jon cách Lầu Năm Góc chừng 200 cây số. Nhưng đường tốt, xe tốt, thời gian đi không lâu. Đó là một tòa biệt thự tọa lạc trên triền đồi, cảnh quan rất đẹp. Bữa tiệc tổ chức tại một khu vườn cỏ rất rộng, có cây cảnh, thảm cỏ, suối tự nhiên. Thức ăn, đồ uống nhiều loại, được bày sẵn trên những cái bàn đẹp sắp đặt theo từng khu vực. Sau khi chủ nhà nói vài câu xã giao, mọi người vào cuộc tự nhiên theo chế độ tự chọn ( buffe). Khách chủ khoảng hơn 10 người. Vừa ăn vừa trò chuyện thoái mái. Đang ăn, tôi bị đau quặn bụng, Có thể vì ăn gỏi cá hồi chưa quen. Tôi hỏi WC để giải quyết vấn đề bức xúc. Ông Jon nói, Ok và trực tiếp dẫn tôi vào nhà, lên tầng 2, vào WC trong phòng ngủ của vợ chồng ông ấy.

Mẩu chuyện trên, với tôi có hai điều rút ra:
1 - Ông Hoàng Đan là một chiến tướng, một nhà lý luận quân sự rất thông minh. Trong cuộc sống, ông có những quan sát cụ thể, khái quát chính xác. Chỉ cần biết cái hố xí ( WC ), là biết được điều kiện sinh hoạt của một gia đình. Cái hay là: Ông đúc kết điều này từ 35 năm trước - Không biết hồi đó, ông đã đi Tây, đi Tàu nhiều chưa?!
2 - Điều tôi chân nhận ở ông Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, không phải là ở mức sống - dĩ nhiên là rất cao. Tôi ngẫm về thái độ tự nhiên, không quan cách, xử sự đơn giản, hợp lý và lòng thân thiện hiếu khách của một người Mỹ có cương vị khi mời một người khách nước ngoài - vốn là cựu thù trong chiến tranh - nay đến nhà chơi. Trong trò chuyện, té ra ông Jon biết nhiều điều về tôi ( chắc là do Tùy viên quân sự Hoa Kỳ ở Hà Nội cung cấp thông tin từ trước khi chúng tôi sang đó). Và, ông cũng không hề dấu diếm về mình: Từng tham gia chiến tranh Việt Nam nhiều năm. Khi đó, ông là hoa tiêu dẫn đường trên máy bay phản lực chiến đấu .Từ bầu trời, ông biết khá kỹ vùng Quảng Trị - Thừa Thiên, từ ven biển đến tận biên giới Việt - Lào.
10 THÍCH CỦA NGƯỜI GIÀ

Sưu tầm

Một thích trong túi có tiền
Ai mời hiểu hỷ khỏi phiền cháu con
Hai thích được bát canh ngon
Cao lương mỹ vị có còn răng đâu
Ba thích con cháu rể dâu
Gia phong giữ nếp, hàng đầu hiếu trung
Bốn thích thỏa mãn riêng chung
Ăn riêng nhưng ở gần cùng cháu con
Năm thích hàng xóm vuông tròn
Tắt đèn tối lửa mất còn có nhau
Sáu thích sống thọ, chết mau
Ốm lâu con khổ, lại đau thân mình
Bảy thích xã hội gia đình
Cờ bạc, ma túy - thực tình tránh xa
Tám thích mồ mả ông cha
Xây cất tôn tạo ít ra bằng người
Chín thích đầy ắp tiếng cười
Được hưởng những phút vui tươi hàng ngày
Mười thích phút chót Trời đày
Tùy tiền biện lễ chớ vay mượn nhiều.
Tuổi già mong ước mười điều
Thực tế đạt được bao nhiêu còn tùy
Sống vui, sống khỏe khôn bì
Nam Tào có lệnh ra đi nhẹ nhàng!

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015


THÂN TẶNG BẠN GIÀ
                         Khuyết Danh
Chúng ta sau bảy tám mươi
Đều là cái tuổi nghỉ ngơi an toàn
Sồng những ngày sức tàn tật bệnh
Được tháng ngày khỏe mạnh là vui
Chỉ mong được chút thảnh thơi
Để mà an nghỉ yên vui là mừng
Những chuyện đời xin đừng suy nghĩ
Thêm phiền lòng rầu rĩ tâm can
Cuộc đời sống đã khô khan
Làm sao cho chuỗi ngày càng được yên
Rồi một sớm qui tiên là hết
Trần gian ai thoát chết đâu mà
Trăm năm trong cõi người ta
Buồn vui sướng khổ chỉ là mộng thôi
Cõi trần thế hết cười là khóc
Lợi với danh lăn lóc đua chen
Thôi thì ganh tị, ghét ghen
Tham lam ích kỷ đê hèn khó coi
Trông chán ngán tình đời giả dối
Thiếu nghĩa nhân toàn lối bịp lừa
Luân thường đạo lý thờ ơ
Dưới trên đảo ngược, càng dơ dáng buồn
Rồi hai chữ vô thường là hết
Giàu với sang cũng hết mà thôi
Một khi mắt nhắm tay xuôi
Bạc vàng châu báu trả rồi, tay không
Ngẫm kiếp người mà lòng ngao ngán
Đến tuổi già mới chán mới ghê
Chữ rằng sống gửi thác về
Đời là cõi tạm say mê làm gì
Có đồng nào ăn đi đừng tiếc
Sống bao lâu keo kiệt làm chi
Biết rằng chết chẳng mang đi
Mà sao khi sống chi li từng đồng
Cõi trần thế còn bao người dại
Quá kiệt keo làm hại cho thân
Cái lãi sống ở dương trần
Là được thỏa mãn vào thân tháng ngày
Ta được sống hôm nay hãy hưởng
Đó chính là phần thưởng Trời cho
Cuộc đời sống chỉ bo bo
Quanh năm toan tính chỉ lo làm giàu
Số mệnh hết mong cầu chẳng được
Đã mấy ai mong ước mà nên
Kiếp người hai chữ tử sinh
Ang hèn với cả nhục vinh : số Trời
Sống biết hưởng là người sáng suốt
Sống kiệt keo là dốt là ngu .

Một cơn gió thoảng bay vù
Là buông xuôi hết, ngàn thu suối vàng !