Menu ngang

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

BẢN THÂN CHỮ QUỐC NGỮ
“CÓ TỘI” VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM KHÔNG?

Nguyễn Văn Nghệ

Sáng thứ bảy, ngày 3/10/2015 tại khu VietStar Resort, thành phố Tuy Hòa , tỉnh Phú Yên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Phú Yên và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chc Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về “Chữ Quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, hội ngôn ngữ và các trường cao đẳng , đại học trong cả nước. Hội thảo ghi nhận công lao của các giáo sĩ phương Tây trong việc hình thành chữ Quốc ngữ: trong đó quyển Từ điển Việt- Bồ- La là thành quả của một tập thể các giáo sĩ người Bồ đào nha như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa và người có công tập hợp, hệ thống lại để quy tụ thành cuốn từ điển nói trên là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Sinh thời Wilhelm von Humboldt nói: Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Quả vậy, với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến chữ Quốc ngữ là tinh thần, là linh hồn của dân tộc Việt. Vốn quí ấy của dân tộc cần được nuôi dưỡng để phát triển mạnh mẽ hơn.
Một số “trí thức” kết tội chữ Quốc ngữ.
Vào năm 2009, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có văn thư gởi cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu í nguyện muốn hiến tặng tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes mà ông đã tạc, cho thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Với ý nguyện hiến tặng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã gây nên một sự phản đối của một số người. Tuần báo Giác Ngộ số 497, 498 và 500 có đăng bài phản đối việc làm của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và qua đó kết tội giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng như chữ Quốc ngữ.
Sau khi đọc những bài báo ấy, những người ít am tường về lịch sử trở nên hoang mang nêu lên thắc mắc là: Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ có công hay có tội với dân tộc Việt Nam?
Công – Tội của giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Theo ông Nguyễn Đắc Xuân cũng như một số học giả khác thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes“đã và đang bị các nhà sử học trong và ngoài nước chứng minh rằng đấy là một trong những đầu mối thúc đẩy thực dân Pháp vào cướp nước ta”(1).
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tại Thủ đô Sài Gòn có con đường mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, theo như quan điểm của đảng ta, Nhà nước ta và các nhà sử học mác xít thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có tội với dân tộc Việt Nam, vì đã góp phần vào việc thc dân Pháp xâm lăng nước ta, cho nên tên đường Alexandre de Rhodes bị hủy bỏ và thay vào đó là một tên khác. Sau đó một thời gian, với nhiều cuộc hội thảo khoa học lịch sử đã nhìn nhận lại công lao đóng góp cho dân tộc Việt Nam, nên đã cho phục lại tên đường Alexandre de Rhodes. Hiện con đường mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes nằm phía trước dinh Thống Nhất .
Đối với người ít am tường về lịch sử, họ lí luận một cách rất đơn giản: Việc đảng ta, Nhà nước ta cho phục lại tên đường Alexandre de Rhodes là đã nhìn nhận công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, vì không thể đem tên một người có tội với dân tộc đặt tên cho đường phố bao giờ!
Ai là người sáng lập ra chữ Quốc ngữ?
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Xuân: “Giả như chữ Quốc ngữ có giá trị to lớn với dân tộc Việt Nam thì Đắc Lộ cũng chỉ là một trong nhiều người sáng lập ra. Vậy tại sao anh Hạng không dựng một cụm nhiều người mà chỉ tạc có một mình Alexandre de Rhodes?” (2)
Khi nhắc đến Nho giáo người ta chủ yếu nhắc đến Khổng tử mà thôi và tôn kính Khổng tử là “Vạn thế sư biểu”, nhưng thực ra Nho giáo đã hình thành trước thời Khổng tử nhưng chưa được hệ thống và Khổng tử là người “Tập đại thành” các tư tưởng ấy lại có hệ thống . Khổng tử đánh giá công lao của mình: “thuật nhi bất tác”(thuật lại điều của người xưa và không sáng tác gì mới cả!)
Việc sáng lập ra chữ Quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ phương Tây như: Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa…là điều không ai phủ nhận cả, nhưng chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes mới là người “tập đại thành” cuốn Từ điển Việt – Bồ- La. Do đó, khi nhắc đến việc sáng lập chữ Quốc ngữ, hậu thế thường nhắc đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes là vậy.
Bản thân chữ Quốc ngữ không hề “có tội”.
Ông Nguyễn Đắc Xuân còn đưa ra í kiến phê phán chữ Quốc ngữ: “Sự thật chữ Quốc ngữ có công trong việc truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và có tội là đã dựa vào thực dân Pháp đẩy chữ Hán- Nôm của dân tộc Việt Nam vào quên lãng”(3)
Nhiều quốc gia xung quanh nước ta đang mơ ước có chữ viết theo mẫu tự Latin, riêng ông Nguyễn Đắc Xuân lại nuối tiếc chữ Hán- Nôm!
Thực dân Pháp xây dựng cầu Long Biên với mục đích xấu là khai thác thuộc địa mà thôi, nhưng sau 1954 nó trở thành hữu ích trong giao thông vận tải của nước ta, ngoài ra cầu Long Biên còn là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội, đến nỗi vừa qua chính quyền có kế hoạch phá bỏ cầu Long Biên vì đã quá cũ kỹ nhưng đã bị nhiều người dân Thủ đô Hà Nội phản bác.
Mục đích của người sáng lập ra chữ Quốc ngữ với mục đích để truyền đạo mà thôi, nhưng sau đó chúng ta có thể tiếp thu và biến nó thành “linh hồn” của dân tộc. PGS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn- Đại học Quốc gia TP.HCM trong bài phát biểu tại Hội thảo ở Phú Yên ngày 3/10/2015: “Tiếng Việt ngày nay như một chiếc cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra ngoài thế giới và góp phần đưa văn hóa thế giới đến với dân tộc Việt Nam. Có được diện mạo và có được một sức hút mãnh liệt như hiện nay, tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới cũng trải qua bao thăng trầm cùng với dân tộc”
Cách nay khoảng hơn trăm năm, các cụ trong phong trào Duy tân (các cụ đều xuất thân cửa Khổng, sân Trình đều ghét thực dân Pháp) đã đề cao chữ Quốc ngữ và xem chữ Quốc ngữ là hồn, là tinh hoa của dân tộc. Bài “Chiêu hồn nước” ghi: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,/ Phải đem ra tỉnh trước dân ta/ Sách Ây Mỹ, sách Chi na,/ Chữ kia, chữ nọ dịch ra tỏ tường/ Công, nông, cổ trăm đường cũng thế/ Họp bày nhau thì dễ lo toan/ Á Âu chung lại một lò/ Đúc nên tư cách mới cho rằng người”.
Sau phong trào Duy tân một thời gian,  Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ được thành lập và cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã từng là Hội trưởng và cụ La Sơn Hoàng Xuân Hãn từng là Hội viên.
Như vậy bản thân chữ Quốc ngữ không hề “có tội”. Nếu nước ta cho trưng cầu dân í chọn chữ Quốc ngữ hay chữ Hán- Nôm làm chữ viết chính thức cho dân tộc Việt Nam thì không biết những người cho rằng chữ Quốc ngữ “có tội” sẽ chọn chữ viết nào đây? Và không biết lâu nay các công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân được viết bằng chữ Quốc ngữ hay Hán –Nôm? Và ông có duy trì việc dạy chữ Hán- Nôm cho con cháu của ông không?
Cho dù giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng chỉ là một trong những người đóng góp vào việc sáng tác chữ Quốc ngữ mà thôi, chúng ta cũng phải trân trọng biết ơn giáo sĩ. Chúng ta không nên đưa ra những í kiến phê phán ngược với đạo lí “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.

Nguyễn Văn Nghệ
            

Không “được” trả lời chất vấn

(Dân trí) - Trong hai ngày chất vấn căng thẳng tại Quốc hội vừa qua, cử tri không thấy xuất hiện gương mặt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Cử tri có ngạc nhiên không?
 >> Vững tin vào kết quả đạt được của ngành ngân hàng



(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Không. Cử tri không ngạc nhiên, đơn giản một điều, chất vấn là “truy” những điều mà các thành viên Chính phủ làm chưa tốt để tìm cho ra câu trả lời làm sao cho tốt hơn. Đối với những ngành đã hoạt động hiệu quả, thì chẳng có gì để chất vấn. Và hình như, chỉ duy nhất ngành ngân hàng được sự đánh giá cao một cách toàn diện.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình từ đầu nhiệm kỳ là người “ngồi trên đống lửa”. Các vấn đề tồn tại của ngành là thách thức tưởng chừng như không vượt qua được. Vào thời điểm đầy nguy cơ, các loại “bong bóng” được thổi căng, nhất là chứng khoán và bất động sản, đã đẩy hệ thống ngân hàng vào thế nghìn cân treo sợi tóc, đặc biệt với khoản nợ xấu treo lơ lửng như lưỡi hái của tử thần. Lúc đó, chắc không nhiều người tin vào tài chèo lái của ông Bình.
Nhưng rồi, đống lửa rừng rực sắp đốt cháy hệ thống ngân hàng dịu dần, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thực hiện hàng loạt chính sách như những chiếc vòi rồng tưới nước kịp thời vào đám cháy. Không ai có thể ngờ, lãi suất ngân hàng có thể hạ thấp một cách nhanh chóng vượt qua khỏi mọi sự kỳ vọng. Trước đó, người dân, doanh nghiệp phải chịu đựng một gánh nặng lãi suất chưa từng có, ở mức hàng chục % một tháng thì làm gì để có lời bù vào mức lãi khủng như vậy. Nhưng rồi, lãi suất từng bước lùi lại, nhường chỗ cho một cánh cửa được khai thông, nguồn vốn từ ngân hàng đến với doanh nghiệp không ác nghiệt như trước, một hệ thống tín dụng lành mạnh xuất hiện, tạo niềm tin cho thị trường và cả nền kinh tế. Mặt bằng hiện nay chỉ khoảng 40% so với năm 2011.  Chỉ chừng đó thôi cũng đủ ghi công cho người cầm lái.
Dấu ấn số 0 -  tức là mua lại ngân hàng với giá 0 đồng – mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình tạo ra sẽ là một chính sách đáng để tham khảo và vận dụng.
Một thành công khác đó là kìm được sự nhảy múa của vàng và tỉ giá. Nhiều người không quên những thời điểm vàng và tỷ giá lồng lên như con ngựa bất kham, kéo theo sự bấn loạn của thị trường. Thế nhưng, bằng những chính sách phù hợp, đến nay hai con ngựa hoang này đã được thuần, mà “ông nài” tất nhiên là Thống đốc Bình.
Kiểm soát được hệ thống còn ở chỗ khác, đó là phân bổ nguồn vốn vay phù hợp, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước, chỉ lấy một ví dụ thôi, đại biểu Thân Đức Nam đánh giá ngân hàng đã thực hiện tốt Nghị định 67 hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, đặc biệt là hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, đã giúp nhiều ngư dân miền Trung tiếp cận được nguồn vốn để đóng thuyền ra khơi.
Còn nhiều hiệu quả nảy sinh từ những thành công như vừa phân tích, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi. Mong rằng, nhiệm kỳ tới, dù ông nào làm thống đốc, cũng tiếp tục không “được” trả lời chất vấn.
Lê Chân Nhân

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Gửi Paris

Tôi thấy tháp Eiffel
nhỏ lệ
Đêm nhạc tình yêu tắc nghẹn nửa chừng
Khoảnh khắc mấy trăm người vô tội
Bỗng lìa đời khi quỷ dữ hiện lên
Sông Seine mộng mơ oà lên nức nở
Khi máu loang khắp cả kinh thành
Súng đã nổ lúc không ai ngờ nhất
Chính nơi đợi chờ những giây phút bình yên

Những trái tim trào sôi căm giận
Cái Ác ngang nhiên thách thức con người
Không lý lẽ nào biện minh cho tà giáo
Những kẻ lấy bóng đêm thay ánh mặt trời

Những lá cờ ba màu xanh - trắng - đỏ
Bay khắp những trang tin mang khuôn mặt bạn bè
Hàng triệu người nối vòng tay lớn
Sát cánh cùng những người bạn Paris!

"Không nỗi đau nào của riêng ai"
Vì sự bình yên trên mặt đất này
"Dẫu bị thương, hãy đứng lên nước Pháp"
Tôi đang nghe cả nhân loại tiếp lời!

14/11/2015
Trần Mai Hưởng

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Không thể xây trụ sở, tượng đài nghìn tỉ vào lúc này!

(Dân trí) - Tượng đài, trụ sở nghìn tỉ vẫn là chủ đề được người dân quan tâm nhất, cho nên các phát ngôn từ lãnh đạo cao cấp và của các đại biểu Quốc hội là những thông điệp mà người dân đón nhận như nuốt “từng lời”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
Mới đây, dân chúng thật xúc động khi nghe ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, đầu tư nhà nước phải thực sự đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống nhân dân chứ không phải “đua nhau” xây dựng trụ sở nghìn tỉ.
Sẽ không cần phải giải thích gì nhiều cho việc túng thiếu của ngân sách hiện nay, chỉ riêng chuyện tăng lương cho công chức cũng bị “chậm tiến độ” vì không có tiền. Một vấn đề rất lớn khác đó là nợ công, có ý kiến cho rằng nợ công chạm ngưỡng an toàn, nhưng không ít ý kiến phân tích đã vượt ngưỡng. Dù vượt hay chưa thì ở ranh giới đó có nghĩa là chúng ta đang nằm trong vùng nguy hiểm. Để thoát ra nó, trong khi chờ đợi những đôi đũa thần kỳ biến nền kinh tế đất nước thành vựa châu báu, thì ngay lập tức phải thực hiện việc tiết kiệm.
Lúc này, câu “tiết kiệm là quốc sách” không phải là khẩu hiệu, mà là một hành động cấp thiết cho đất nước, một liều thuốc chữa bệnh “suy dinh dưỡng” cho cơ thể quốc gia.
Để thực hành tiết kiệm, cụ thể là các dự án xây dựng trụ sở nghìn tỉ, trăm tỉ đều phải xem xét lại, không nên xây dựng vào lúc này. Các tượng đài, quảng trường, công trình văn hóa nên xếp hồ sơ lại. Lúc này, ông bà nào xin xây dựng trụ sở, tượng đài nghìn tỉ thì người đó không xứng đáng làm lãnh đạo.
Nhưng dẹp các dự án xây dựng trụ sở, tượng đài cũng như kê toa thuốc “chưa đủ liều” để trị căn bệnh suy nhược kéo dài nhiều năm sắp trở thành mãn tính. Để tăng liều, cần phải dẹp thêm một số thứ khác. Cần làm ngay, không bàn nữa bởi vì đã bàn quá nhiều lần.
Đó là các việc như dừng sắm thêm xe công. Cắt giảm tiêu chuẩn sử dụng xe công và thay thế bằng hình thức khoán. Tiến đến bán xe công sung công quỹ.
Nhiều trụ sở công đang sử dụng rất lãng phí, nên thu hồi và cho thuê, khai thác quỹ đất và nhà này một cách hiệu quả. Nguồn tiền cho thuê bù đắp vào ngân sách, sử dụng đúng mục đích, ưu tiên cho đầu tư phát triển kinh tế hoặc giải quyết các nhu cầu về y tế, giáo dục.
Cần hạn chế tối đa hội họp tập trung, thay vào đó là họp trực tuyến. Làm được điều này, tiết kiệm tiền đi lại, ăn ở rất nhiều.
Không nên cho phép sử dụng tiền ngân sách tổ chức tiệc tùng kỷ niệm, khánh thành, tham quan học tập, nhất là việc lợi dụng để du lịch nước ngoài như chuyện còn nóng hổi là chuyến “du lịch” mang danh công cán của đoàn quan chức Đà Nẵng do ông chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ dẫn đầu. Ai vi phạm, nên cách chức ngay.
Chỉ cần làm được mấy việc đó thôi, nước mình cũng đã khác.
Lê Chân Nhân

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

                       THAM GIA VÀI Ý KIẾN


                                                                                   N M Đ




               Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Sư đoàn 324 ( 1 / 7 / 1955 – 1 / 7 / 2015 ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp thân mật với đại diện cán bộ Sư đoàn qua các thời kỳ. Anh em trong Đoàn CCB Sư đoàn 324 và anh Lê Huy Mai, Trưởng đoàn, đề nghị tôi phát biểu. Chương trình thời sự VTV1 đã đưa tin về việc này.
Tôi xin đăng nguyên văn ý kiến để bạn bè tham khảo.

                  “ Kính thưa đồng chí Chủ tịch nước!
Kính thưa toàn thể các đồng chí !
Trước hết, tôi thật sự phấn khởi khi cùng các đồng đội CCB Sư đoàn 324 Anh hùng được đồng chí Chủ tịch dành thời gian tiếp. Về thành tích của Sư đoàn 324 chúng tôi, tôi nhất trí như bản bản báo cáo trung tâm của đồng chí Thiếu tướng Lê Huy Mai , Trưởng đoàn. Cần khẳng định là : Cống hiến, hy sinh của Sư đoàn 324 trong suốt 10 năm đánh Mỹ và 10 năm làm Nghĩa vụ quốc tế ở Lào là vô cùng to lớn. Tôi không nói lại, chỉ xin mượn hai câu thơ để nói về điều đó : “ Nếu tất cả những người đi trở lại / Sư đoàn tôi sẽ thành mấy Sư đoàn”.
                     Sau đây, tôi xin phát biểu vài ý kiến ngắn.
Trước hết phải khẳng định rằng : Thành tựu đạt được trong công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo trong 30 năm qua là rất to lớn. Thành tựu đó đã đưa Đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại mở rộng, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện hơn so với trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, qua theo dõi ở cơ sở, chúng tôi thấy có 2 vấn đề nổi cộm rất nhức nhối, lo lắng. Đó là hai lực cản lớn nhất trên con đường phát triển. Chính nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Hai vấn đề đó là : Tham nhũng và quan liêu.
          Thứ nhất, về Tham nhũng: Ai cũng nói tham nhũng là Quốc nạn, là nguy cơ tồn vong của Đảng, của chế độ. Đảng đã có nhiều NQ, Nhà nước đã có Luật Phòng chống tham nhũng, đã có biết bao văn bản, rất nhiều chiến dịch, triển khai nhiều giải pháp, thành lập nhiều cơ quan chuyên trách …Nhưng hầu như tham nhũng chẳng những không bị đẩy lùi mà còn phát triển hơn, qui mô lớn hơn, trắng trợn hơn, tinh vi hơn. Trong tham nhũng, thì có thể nói, tham nhũng cơ chế chính sách và tham nhũng chức quyền là nguy hại nhất. Tham nhũng cơ chế chính sách ở chỗ: Tạo ra cơ chế, chính sách để có thể lách được nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích. Tham nhũng chức quyền thì nguy hại ở chỗ là khe hở cho bọn nhiều tiền mà cơ hội, bất tài, thất đức, chui vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp. Và chắc chắn, khi đã chui vào rồi, bọn chúng sẽ là sâu dân mọt nước. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền khá phổ biến - nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Hiện tượng “ mua quan, bán tước ” dù không nói ra, nhưng thực tế thì phát triển trong cơ chế thị trường. Hiện tượng “ Thương mại hóa công tác cán bộ” khá phổ biến. Đến mức, người dân nói với nhau : Chức này chạy hết bao nhiêu, chức kia hết bao nhiêu. Vì sao vậy, chức quyền là phương tiện để khai thác lợi ích. Logic là : Có tiền là có chức, có chức là có quyền, và có quyền là có lợi ích. Khi đã đầu tư tiền để chạy được chức rồi - nghĩa là thắng thầu rồi - thì ngay lập tức bằng nhiều chiêu trò sử dụng cái chức ấy để khai thác kịp hoàn vốn và tạo ra sinh lời. Việc này, mọi người đều biết, các đồng chí lãnh đạo cũng đã nói nhiều, tại sao không mấy chuyển biến.
Có thể nói, tham nhũng xuất phát từ bản năng con người, do đó, nó là sản phẩm tất yếu không mong muốn của mọi chế độ. Tính chất, mức độ, phạm vi khác nhau thôi, chứ tham nhũng luôn song hành cùng bộ máy nhà nước - bất kể chế độ chính trị nào. Vấn đề là, Đảng và Nhà nước ta cần tìm ra nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của Quốc nạn này để có kế sách đặc trị hiệu quả hơn. Tôi nghe nói, ở Singapore, từ thời ông Lý Quang Diệu đã thiết lập một cơ chế mà mọi người không cần tham nhũng và không thể tham nhũng được.
Hiện, có một hiện tượng mà nhiều người thật sự băn khoăn, bán tin bán nghi, khó phân biệt đúng sai: Đâu là sự tham nhũng đích thực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền. Và, đâu là luận điệu tuyên truyền chống phá, bôi nhọ của địch. Tôi xin khẳng định:“ Không bao giờ được nhân danh chống tham nhũng, chống tiêu cực, để ủng hộ, cổ súy và trở thành đồng minh không tự giác của bọn chống Đảng, chống chế độ. Ngược lại, cũng đừng bao giờ nhân danh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ để mà bao che cho các phần tử tiêu cực có chức có quyền trong Đảng”.
Thứ hai, về Quan liêu: Ngót bảy chục năm trước, từ năm 1947, trong tác phẩm “ Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã nhận ra và cảnh báo về sự quan liêu của đội ngũ cán bộ. Nhưng đến nay sự quan liêu lại gia tăng hơn ở mọi cấp, mọi ngành. Xa dân, xa thực tế, không chịu học tập, nghiên cứu, dẫn đến một số chủ trương, chính sách phi thực tế, tốn tiền của, bị nhân dân phản đối. Cấp càng cao, thì tác hại của sự quan liêu càng lớn do phạm vi ảnh hưởng của một chủ trương, chính sách, một việc làm sai. Theo tôi, phải chăng nguyên nhân của sự quan liêu là do bộ máy của chúng ta vừa cồng kềnh, không chuyên nghiệp, trình độ năng lực thấp, lại chủ quan thỏa mãn, nhiều tầng nấc trung gian, trùng lặp ( Ví dụ : Bên Nhà nước có bao nhiêu cơ quan chức năng, thì bên Đảng cũng có gần như ngần ấy có quan chức năng thích ), chồng lấn chức năng nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm không rõ ràng, và nhất là cơ chế, qui chế, qui trình vận hành không hợp lý, không khoa học. Thực tế là, ai cũng có quyền, cơ quan nào cũng có quyền mà chẳng ai chịu trách nhiệm cả!
Chúng ta cần có chế độ trách nhiệm đền bù thiệt hại đối với những việc làm sai gây hậu quả. Sự chế tài đền bù vật chất kèm theo chế tài hành chính, pháp luật, buộc khi ra các quyết định các cấp phải thận trọng. Và phải có địa chỉ cá nhân, cụ thể là ai. Việc này không nên nói tập thể chung chung, hòa cả làng, cuối cùng dân chịu cả mà thôi.
Xin hết, xin trân trọng cám ơn!”


Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Nợ tràn nước mắt nhưng vẫn cứ hoang phí

(Dân trí) - Nợ công năm 2015 ở mức 61,3% GDP, có nghĩa là dưới ngưỡng cho phép 65%, đó là số liệu chính thức được công bố. Tạm tin rằng con số này chính xác, thì vẫn trong ngưỡng không an toàn, bởi vì một số đại biểu Quốc hội tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính ra vượt trần cho phép.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
Nước cũng như nhà, nhiều nhà thành một nước. Nhà mà nợ nần nhiều theo kiểu “Vay nợ lắm khi tràn nước mắt - Chạy ăn từng bữa mướt mồ hội” (Tú Xương), thì cha không thể lọng xe rộn ràng, mẹ không thể xênh xang lụa là. Nghèo mà còn xài sang thì chỉ có… chết. Ban đầu bạn bè có thể tình nghĩa cho vay, nhưng nếu thấy mình chi tiêu hoang phí, bạn bè cũng sẽ cạch mặt.
Hoang phí không khi công chức Việt Nam sử dụng xe công hơn cả nước giàu là Hàn Quốc? Chủ nhiệm ủy ban tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết như vậy, và nêu cụ thể Việt Nam hiện có tới 40.000 xe công, tiêu tốn khoảng gần 13.000 tỷ/năm.  Nghe tới tiền chi cho xe công là dân chỉ còn biết “tràn nước mắt”.
Xài như vậy nhưng làm được gì cho dân, xin thưa hiện thực của nền kinh tế đủ để chứng minh thay cho mọi lý thuyết, đó là một nền kinh tế không ít nợ nần.
Còn nữa, UBND thành phố Cần Thơ nối tiếp theo nhiều tỉnh thành khác, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí gần 200 tỉ đồng  xây dựng tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ. Ghi công Thanh niên xung phong  tất nhiên có ý nghĩa, nhưng liệu có bức thiết phải xây trong thời điểm này không? Để tưởng nhớ lực lượng này, có nhất thiết phải xây tượng đài cho to lớn không? Những câu hỏi đó quá dễ trả lời, thế nhưng người ta vẫn cứ nhắm mắt không chịu tự hỏi và tự trả lời, để rồi đưa ra những dự án làm dân “tràn nước mắt”.
Nước cũng như nhà, thử hỏi trong một gia đình, cha mẹ cứ tiệc tùng đình đám, xách giỏ đi tham quan du lịch, thì còn đâu tiền lo cho con cái học hành, khám chữa bệnh khi đau ốm. Một nước cũng thế, tiền chi cho cán bộ đi tham quan học tập, hội họp, lễ lạt suốt năm suốt tháng thì không còn tiền xây trường học, xây bệnh viện để lo cho giáo dục, y tế. Trẻ em vùng sâu học trường tranh tre nứa lá, bệnh nhân nằm chung giường trong bệnh viện là do bộ máy nhà nước đã tiêu xài phung phí.
Nợ như nhiều như vậy thì hãy làm theo đề xuất của đại biểu Phùng Quốc Hiển, khoán xe công để mỗi năm tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng. Hãy làm theo đề xuất của nhiều đại biểu khác, cắt giảm tối đa tham quan học tập nước ngoài, cắt giảm tối đa hội họp trong nước do nhà nước tổ chức, mà họp trực tuyến để tiết kiệm ngân sách.
Còn nhiều thứ để cắt. Cắt càng nhiều thì nước mắt dân càng ráo để thay vào đó nụ cười.
Lê Chân Nhân

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Việt Nam nên ứng xử ra sao với Trung Quốc và Mỹ?

(GDVN) - Trong ứng xử với nước lớn, cha ông ta dạy con cháu bài học rất hay: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và “nói phải, củ cải cũng nghe”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
LTS: Trong bối cảnh Biển Đông đang ngày một căng thẳng vì những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, thay đổi hiện trạng mà Trung Quốc đang làm tại Biển Đông đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, yếu tố cạnh tranh  Trung - Mỹ và sự can thiệp của Hoa Kỳ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Đặc biệt sắp tới đây có thể Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm chính thức Việt Nam, đây là cơ hội để Việt Nam đối thoại, tìm cách giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về cách Việt Nam nên ứng xử ra sao với hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ, để giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông cũng như môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, luật pháp và công lý trong khu vực. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết của tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cùng với hòa bình, ổn định là lợi ích sống còn, động đến tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, trong đó Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa chính là một phần máu thịt, là không gian sinh tồn của Tổ quốc hình chữ S.
Bởi lẽ đó nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi dư luận luôn đặc biệt quan tâm về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, rất nhiều người Việt Nam trăn trở phải làm sao để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà vẫn giữ vững được hòa bình, ổn định để tránh cho nhân dân khỏi lâm cảnh lầm than, chiến tranh loạn lạc.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cục diện ở Biển Đông hiện nay vô cùng phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, đối đầu, trong đó sự cạnh tranh của 2 siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn. Được biết sắp tới nguyên thủ hai nước này có thể sẽ sang thăm Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt mà chúng ta phải trân quý để tìm kiếm giải pháp, mở đường đối thoại.
Với tư cách là một người dân đất Việt trăn trở trước vận mệnh nước nhà, tôi xin nêu ra một vài ý kiến của mình nhằm làm sao chung sức cùng dân tộc giữ vững được cơ đồ của cha ông và tránh được chiến tranh, xung đột.
Việt Nam cần thể hiện rõ thiện chí: Luôn yêu chuộng hòa bình, không muốn đối đầu, không bao giờ hiếu chiến 
Cá nhân tôi cho rằng Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ dự kiến thăm Việt Nam là một sự kiện rất đáng hoan nghênh, chào đón, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, vì quan hệ càng khó khăn căng thẳng thì càng cần thiện chí đối thoại. Bởi lẽ Biển Đông vừa là mối quan tâm chung của cả 3 bên và nhiều nước trên thế giới, vừa là trọng tâm của sự khác biệt, mâu thuẫn giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Khi ngồi lại được với nhau, chí ít cũng giảm được nguy cơ đối đầu. Vấn đề là chúng ta nên nói chuyện với các vị khách quý này như thế nào về sự thật ở Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, làm thế nào để bảo vệ hòa bình, công lý và lẽ phải.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm với rất nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhưng chưa bao giờ người Việt Nam mang tư tưởng thù địch, hiếu chiến, xâm lược. Người Việt chỉ bảo vệ những gì thuộc về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc mình mà thôi.
Những cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc thời phong kiến, xung đột quân sự Trung - Việt thời cận hiện đại và ngay cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều không nằm ngoài quy luật ấy.
Có người lập luận với tôi rằng, trong lịch sử, đức Lý Thường Kiệt đã từng đem quân đánh Trung Quốc. Đó là một quan điểm phiến diện và lệch lạc. Tổ tiên chúng tôi đã phải chống chọi không ngừng với các cuộc chiến tranh xâm lược liên miên từ các thế lực thống trị phương Bắc, trong đó có nhà Tống.
Chiến tranh Tống - Việt 1075-1076 không phải do người Việt cất quân xâm lược Tống, mà từ năm 1073 Tống Thần Tông đã cho chiêu tập binh mã, lương thảo áp sát biên giới Tống - Việt và chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt. Không thể để nước nhà bị tàn phá, đức Lý Thường Kiệt vâng lệnh triều đình, cất quân đánh đòn phủ đầu, phá hủy lương thảo để chặn bước tấn công của giặc.
Đi đến đâu đạo quân Đại Việt do đức Lý Thường Kiệt chỉ huy đều có phủ dụ dân chúng rõ ràng đến đó, xong việc lập tức rút về nước. Người Việt không hề xâm lược, cũng không chiếm đất chiếm dân của Trung Quốc mà chỉ buộc phải ngăn chặn phủ đầu nguy cơ một cuộc tấn công xâm lược ngày càng hiện hữu rõ rệt đang uy hiếp biên thùy. Chúng tôi tự hào về điều đó, đó chính là quyết tâm dựng nước và giữ nước của cha ông chúng tôi.
Thời cận hiện đại, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lúc từng là kẻ thù của Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đó là sự thật lịch sử không thể nào thay đổi được. Nhưng cả hai phía đều đã nỗ lực rất nhiều, vượt qua các rào cản và mặc cảm quá khứ để bình thường hóa quan hệ.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Nhờ thế, biên giới phía Bắc Việt Nam sau hàng chục năm ròng ùng oàng tiếng súng, nay đã bình yên, máu của người dân cả hai bên không còn phải đổ xuống. Kinh tế, thương mại của Việt Nam phát triển nhanh chóng kể từ khi Hoa Kỳ xóa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, hơn ai hết người Việt thấu hiểu giá trị của hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh. Đã để xảy ra chiến tranh xung đột thì không ai được, chỉ có mất ít hay mất nhiều mà thôi. Tôi nhắc lại bài học lịch sử với hy vọng tránh được sai lầm, tránh được chiến tranh. Dù quan điểm khác nhau đến đâu, ngồi được với nhau, lắng nghe nhau một cách có thiện chí và tôn trọng thì sẽ có cách tháo gỡ.
Nếu bên nào cũng cứ ôm hận trong lòng, thì chắc chắn biên giới Việt - Trung ngày nay sẽ còn chưa yên tiếng súng, nỗi đau chiến tranh sẽ ngăn cản hai dân tộc Mỹ - Việt xích lại gần nhau. Đi sau chiến tranh, thù địch là đói nghèo, lạc hậu, bất ổn xã hội, tương lai tối tăm mù mịt.
Hai bên phải giữ cho được phương châm 16 chữ và 4 tốt trong quan hệ Việt - Trung
Nhiều người Việt Nam chỉ cần thoáng nghe nói điều này có thể sẽ rất bức xúc và phản đối gay gắt. Bởi lẽ tâm lý “ghét Trung Quốc” là có thật khi người dân Việt Nam thỉnh thoảng lại phải chứng kiến cảnh ngư dân nước mình bị các lực lượng chức năng Trung Quốc đâm chìm tàu, bắt bớ đánh đập khi họ đánh bắt, kiếm kế sinh nhai trên vùng biển chủ quyền của nước mình ở Hoàng Sa, mặc dù thực tế quần đảo này đã bị Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ 1956, 1974 đến nay.
Ngay trước khi có tin ông Tập Cận Bình sắp sang thăm Việt Nam, tàu cá và ngư dân Việt Nam vẫn bị cướp bóc, đánh đập ở Hoàng Sa. Sự kiện Trung Quốc bất chấp công lý và đạo lý hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 hay việc bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo trên 7 thực thể họ chiếm của Việt Nam năm 1988, 1995 không thể không khiến người dân Việt Nam bức xúc, phẫn nộ, vì lợi ích quốc gia cốt lõi của mình bị xâm phạm.
Vậy tại sao trong bối cảnh đó tôi lại kêu gọi chúng ta phải buộc Trung Quốc giữ cho được tinh thần 16 chữ, 4 tốt mà lãnh đạo cao nhất của họ cam kết, ký kết với Việt Nam? Đó là vì chúng ta hãy cố gắng giữ lấy hòa bình khi còn có thể, đấu tranh bằng lẽ phải, bằng công lý, tự vệ là con đường cuối cùng bất đắc dĩ nếu “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.
Chỉ có như vậy chúng ta mới thể hiện rõ thiện chí, lập trường bảo vệ hòa bình, chính nghĩa và công lý chứ không phải hiếu chiến, đối đầu. Và cũng chỉ có như vậy, khi chúng ta đã nỗ lực hết cách hết lẽ mà đối phương vẫn bất chấp tất cả, thì có chuyện gì xảy ra chúng ta cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của bạn bè và chứng minh cho thế giới thấy, Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo và không giữ chữ tín.
Tất nhiên tôi không hề mong muốn nhìn thấy điều này, và tôi nghĩ đại đa số người dân Trung Quốc lương thiện cũng vậy. Trong ứng xử với nước lớn, cha ông ta dạy con cháu bài học rất hay: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và “nói phải, củ cải cũng nghe”.
Trong khi những cái đầu đang nóng hừng hực vì nghĩ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc “chủ quyền Trung Quốc” từ thời cổ đại, chúng ta cần phải tìm cách “hạ hỏa” cho những cái đầu nóng ấy bằng lời lẽ ôn hòa, thuyết phục, với bằng chứng, căn cứ pháp lý rõ ràng, thuyết phục, để họ nghe được, chúng ta nghe được chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc trong tháng Tư vừa qua. 
Như thế, việc đầu tiên là phải ngồi lại được với nhau. Do đó, cá nhân tôi cho rằng việc ông Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam là một cơ hội quý mà chúng ta cần nắm lấy.
Chúng ta cần chuẩn bị những bằng chứng, lập luận chắc chắn và thuyết phục, hợp lý hợp tình của mình để nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, người Việt rất mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác, hữu nghị, cùng phồn vinh thịnh vượng với người Trung Quốc. Người Việt không bao giờ mong muốn hay có ý định làm hại láng giềng, bao gồm Trung Quốc.
Nhưng với Việt Nam chúng tôi, Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ven biển hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không thể đánh đổi.
Chứng nào ngư dân chúng tôi còn bị phía Trung Quốc cướp bóc, đánh đập ở Hoàng Sa, thì chừng đó chưa thể nói là quan hệ hòa bình hữu nghị láng giềng, chứ đừng nói đến đồng chí anh em. Bởi láng giềng thân thiện đã không ai ứng xử với nhau bằng luật rừng, huống hồ là giữa những người gọi nhau là anh em, là đồng chí.
Hai bên hãy ngồi lại để đối thoại với nhau, Việt Nam sẵn sàng lắng nghe căn cứ, lập luận về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Chúng tôi cũng mong muốn và đòi hỏi các bạn phải lắng nghe chúng tôi, có như vậy mới tìm ra được tiếng nói chung.
Đúng sai đã có các nguyên tắc pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, về luật biển quốc tế để xem xét đối chứng. Đó thực sự mới là cách hành sử của bậc trượng phu chứ không phải của kẻ thất phu. Đó mới thực sự là chính trị.
Việt Nam cũng sẵn sàng lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của Trung Quốc về chiến lược đối ngoại, quan hệ hợp tác quốc tế của mình trên tinh thần khách quan, cầu thị, đảm bảo độc lập tự chủ và bảo vệ hòa bình, công lý. Chúng tôi không bao giờ theo nước này chống nước kia, không liên minh nước này chống lại nước khác.
Nhưng khi ai đó vẫn cứ cố tình đe dọa độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và không gian sinh tồn của quốc gia dân tộc chúng tôi, tình thế sẽ buộc chúng tôi phải tự nhiên liên minh với những nước có chung lợi ích để bảo vệ mình, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định cho khu vực ở Biển Đông. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, đối thoại vẫn hơn đối đầu, nói chuyện với nhau một cách ôn hòa lịch sự vẫn là lựa chọn ưu tiên chứ không phải súng ống, vũ lực.
Cá nhân tôi rất mong muốn Đảng và Nhà nước tập hợp được đội ngũ trí thức, học giả có kiến thức vững vàng, kinh nghiệm dày dạn trong đàm phán về biên giới lãnh thổ chuẩn bị các phương án và sẽ giao thiệp với phía Trung Quốc trong mọi cấp độ, mọi tình huống. Đầu tiên chúng ta luôn lắng nghe ý kiến của họ, sau đó chúng ta bảo vệ lợi ích của mình bằng các bằng chứng giá trị, xác đáng, thuyết phục.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam là cơ hội tốt cho đối thoại. Ảnh: AP.
Tôi nhận thấy những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam về biên giới lãnh thổ, về quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ rất có giá trị, thuyết phục, ý nghĩa và cần được tập hợp, nghiên cứu để tìm đối sách.
Tôi cũng mong mỏi mỗi người con đất Việt trong tình huống càng khó khăn bao nhiêu, chúng ta càng phải tỉnh táo bấy nhiêu. Đừng để cảm xúc nhất thời chi phối, đừng quên mục đích tối thượng chỉ vì tranh cãi những con đường đi đến mục đích tối thượng ấy.
Và cũng chỉ có tỉnh táo, chúng ta mới không để bị bất ngờ bị động về chiến lược hay bỏ lỡ các cơ hội cho đối thoại hòa bình.
Trung Quốc họ chiếm Hoàng Sa của chúng ta đã 41 năm, chưa đầy 10 năm nữa thôi, nếu chúng ta không công khai kiên quyết đấu tranh, thì hệ quả thế nào có lẽ không cần nói chúng ta cũng biết. Nhưng lao đầu vào một cuộc chiến tranh chắc chắn không phải lựa chọn hay. Lúc này là lúc chúng ta phải vắt óc tìm kiếm cho được giải pháp cơ bản, lâu dài và hiệu quả. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón ông Tập Cận Bình sang thăm.
Phải khéo léo cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ
Có quan điểm cho rằng Việt Nam nên theo nước này, nước khác để nhận được sự bảo vệ từ họ trong tình huống xảy ra bất trắc. Cá nhân tôi cho rằng tư duy này chỉ đẩy dân tộc Việt Nam vào ngõ cụt không lối thoát, vào xung đột, máu chảy đầu rơi. Chỉ có độc lập tự chủ, tự lực tự cường kết hợp với việc tận dụng tối đa các quan hệ, xu thế khu vực và quốc tế có lợi cho mình mới bảo vệ được mình. Theo nước này chống nước kia là tự sát.
Trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mặc dù đối tác luôn nhấn mạnh đến sự tương đồng về ý thức hệ, về chế độ xã hội chủ nghĩa, nói chung là quan hệ gần gũi thân mật về chính trị, nhưng chúng ta cần phải ý thức rõ rằng, quan hệ chính trị gần gũi, có nhiều điểm chung, nhiều kênh liên lạc là lợi thế tạo ra môi trường để đối thoại, ngồi lại với nhau hợp tác khi hòa bình, tìm cách tháo gỡ căng thẳng và tránh xung đột đối đầu khi bất đồng, mâu thuẫn chứ không phải căn cứ để giải quyết mâu thuẫn.
Tất cả bất đồng, tranh chấp, mâu thuẫn cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mà quan hệ chính trị đóng vai trò tạo môi trường cho đàm phán, đối thoại.
Trung Quốc không thể lo thay cho Việt Nam, không thể sống hộ Việt Nam và tất nhiên họ cũng không thể gây ảnh hưởng gì đến sự tồn tại, phát triển của Đảng, Nhà nước và dân tộc, đất nước Việt Nam.
Còn với quan hệ Việt - Mỹ, rõ ràng từ khi bình thường hóa quan hệ, hợp tác kinh tế - thương mại song phương phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Đó là hợp tác hai bên cùng có lợi. Trong câu chuyện Biển Đông, Mỹ đang bảo vệ lợi ích sát sườn thiết thực của họ chứ không phải họ lo thay hay giúp Việt Nam theo kiểu “trượng phu hảo hán”.
Chỉ có điều, lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam ở Biển Đông đang có nhiều điểm trùng nhau mà chúng ta có thể khai thác, tận dụng để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như luật pháp và công lý quốc tế.
Thế thời thay đổi, nước lớn bắt tay, không cẩn thận chúng ta lại trở thành con bài trong tay nước lớn. Tuyên bố Thượng Hải 1972 hay trước đó là Hiệp định Geneva 1954 là những bài học chúng ta không bao giờ được quên.
Cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Richard Nixon năm 1972 đã để lại nhiều hệ lụy cho các nước, vùng lãnh thổ thứ 3. Ảnh: Vượng Báo.
Chúng ta không ai muốn phải đi trên dây, nhưng hoàn cảnh, thời cuộc đã xô đẩy Việt Nam đến chỗ phải trở thành một nghệ nhân xiếc tài ba, cân bằng cho được trong quan hệ với các nước lớn mới có thể an toàn tới đích: Giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quốc phòng, xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Hãy nhìn rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên dù còn nhiều khó khăn và lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng chưa bao giờ họ để mất tính độc lập tự chủ trong các quan hệ quốc tế. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan phát triển vượt bậc về kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục nhưng là dựa vào nội lực và biết vận dụng ngoại lực cũng như xu thế thời đại để vươn lên chứ không phải nhờ theo nước này, theo nước kia mà được như thế.
Họ là tấm gương cho chúng ta về những mặt này, nhưng cũng là bài học cho chúng ta về quốc phòng an ninh, bởi lẽ phụ thuộc vào một cái ô, cái dù an ninh của ai đó thì làm gì cũng phải nhìn sắc mặt người ta.
Đồng minh hay đối thủ trong quan hệ chính trị quốc tế ngày nay thay đổi liên tục, tất cả đều do quan hệ lợi ích chi phối. Hòa bình, ổn định, phát triển của nhân loại vẫn bị đe dọa bởi chiến tranh, bởi những cái đầu nóng của một nhóm các nhà chính trị cường quyền.
Việt Nam ta còn yếu về kinh tế, còn yếu về thực lực nhưng lại nằm giữa trung tâm mặt trận cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị gay gắt giữa hai siêu cường ở Thái Bình Dương là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ứng xử không khéo, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào bi kịch.

Ts Trần Công Trục: Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý!

(GDVN) - Khi vẫn còn cơ hội để đối thoại, ngồi được với nhau một cách thiện chí để chia sẻ trách nhiệm trước nhân loại đang đứng bên miệng hố chiến tranh tàn khốc,...
Nếu chúng ta để người Trung Quốc tin rằng Việt Nam “theo Mỹ, theo Nhật để bao vây, kiềm chế Trung Quốc” như một số học giả của họ vẫn tuyên truyền, thì đừng nói Trường Sa của ta khó giữ, mà nguy cơ những ngón đòn tấn công có thể đổ ngay lên đầu chúng ta bất cứ lúc nào từ biên giới phía Bắc. Một khi để rơi vào thế đối đầu, Trung Quốc có nhiều con bài để chơi, dù bên nào thắng thì cả hai cũng sứt đầu mẻ trán.
Với Hoa Kỳ, nếu chúng ta không cho họ thấy rõ thiện chí hợp tác bảo vệ hòa bình và luật pháp, công lý quốc tế mà một số quan điểm trong giới chính trị Hoa Kỳ vẫn nghĩ Việt Nam “lệ thuộc” Trung Quốc thì khó có thể tận dụng được vị thế, quan điểm, lập trường và sự ủng hộ của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Bởi vậy, muốn không rơi vào thảm cảnh của Lybia, Iraq, Afghanistan hay Syria hiện nay, mỗi người dân Việt Nam nên nhớ nằm lòng: Tự lực tự cường, độc lập tự chủ, sẵn sàng làm bạn với các nước yêu chuộng hòa bình và công lý, nỗ lực hết sức mình với thiện chí cao nhất để bảo vệ hòa bình và công lý mới là lựa chọn cho hiện tại và tương lai.