Bài
viết nhân dịp Tết Quân đội, 22-12
Trường Sĩ quan Lục
quân 1,
một chặng đời quân ngũ
Ngày 6 - 10 - 2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
quyết định điều động tôi từ Cục trưởng Cục Chính sách TCCT về giữ chức Phó Hiệu
trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1, thay anh Bạch Quang Triệu chuẩn
bị nghỉ hưu theo chế độ.
Anh Phạm Văn Trà, Bộ trưởng
và anh Phạm Thanh Ngân, Chủ nhiệm TCCT đã gặp tôi giao nhiệm vụ, dặn dò một
số điểm cần chú ý khi về công tác ở Trường. Các anh đều nói với tôi rằng: Trường Sĩ
quan Lục quân 1 là trường có truyền thống vào bậc nhất trong hệ thống nhà
trường quân đội; là trung tâm lớn đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, bậc đại
học. Có thể ví đây là cỗ máy cái. Từ những cán bộ do Trường đào tạo sẽ từng
bước trưởng thành lên cán bộ lãnh đạo chỉ huy - tham mưu các cấp trong quân
đội. Điều đó đặt ra yêu cầu rất lớn đối với người cán bộ chủ trì Công tác đảng,
Công tác chính trị. Cần phải nỗ lực phấn đấu không ngừng về mọi mặt để cùng với
Hiệu trưởng và tập thể Đảng ủy đoàn kết lãnh đạo Nhà trường hoàn thành tốt
nhiệm vụ được giao. Tôi chân thành cám ơn các anh, hứa quyết tâm, đồng thời đề
nghị các anh quan tâm theo dõi giúp đỡ.
Những ngày đầu mới về Trường, tôi dành
thời gian tập trung nghiên cứu chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế, cơ chế
hoạt động của Nhà trường, nắm tình hình của các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị
trong trường, đi thăm chỗ ăn ở các đơn vị, các giảng đường, thao trường, bãi
tập và sau đó là đi thăm cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi đóng quân.
Để kịp thời nâng cao kiến thức giáo dục- đào tạo, tôi tìm đọc một số tài
liệu, giáo trình của Nhà trường. Chương trình, nội dung giáo dục đào tạo sĩ
quan chỉ huy-tham mưu cấp phân đội bao gồm nhiều môn học. Môn học nào cũng quan
trọng. Thời gian mới về Trường, tôi tập trung đi sâu nghiên cứu giáo trình Công
tác đảng, Công tác chính trị và giáo trình Chiến thuật.
Trên cơ sở vốn liếng về
trình độ năng lực tích lũy qua học tập ở các học viện và thực tế công tác trong
nhiều năm, cộng với kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn chiến đấu nhiều năm ở
chiến trường thời đánh Mỹ và lần này nghiên cứu giáo trình Công tác đảng, Công
tác chính trị ở Trường đã giúp tôi hệ thống lại một cách cơ bản, hệ thống, đồng
bộ cả về lý luận và thực tiễn Công tác đảng, công tác chính trị.
Chiến thuật là bộ phận hợp
thành nghệ thuật quân sự, gồm lý luận và thực tiễn về chuẩn bị và thực hành các
trận chiến đấu của đơn vị cơ sở. Có thể nói, chiến thuật là “đặc sản” trong
giáo dục đào tạo ở Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tôi đã dành thời gian nghiên cứu các
loại tài liệu giáo trình về chiến thuật để nắm được nguyên tắc lý luận của các
loại hình chiến thuật. Cùng với nghiên cứu môn chiến thuật, tôi còn ôn lại việc
sử dụng một số vũ khí trong biên chế.
Tôi cũng dành thời gian
nghiên cứu các các môn học khác - dĩ nhiên là không có điều kiện đi sâu vào
từng chi tiết - mà nắm và hiểu được phần rường cột nhất. Tôi ý thức rằng: Cán
bộ chủ trì về chính trị phải nắm vững các mặt hoạt động Công tác đảng, Công tác
chính trị - đó là yêu cầu bắt buộc. Đồng thời, phải nghiên cứu để nắm được công
tác chuyên môn, nhất là những lĩnh vực chuyên môn chính yếu có tác động trực
tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Qua nghiên cứu tìm hiểu, tôi nhận thấy, Trường
Sĩ quan Lục quân 1 có một đội ngũ cán bộ tốt ở tất cả các cơ quan, khoa giáo
viên và đơn vị quản lý học viên. Đó đều là những cán bộ được lựa chọn qua nhiều
thời kỳ, có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, có phẩm chất, năng lực
tốt, đặc biệt là có bề dày kinh nghiệm nhiều năm ở Nhà trường trên từng cương
vị.
Đội ngũ giáo viên của
Trường được hình thành nhiều lớp lứa. Họ là những người miệng nói tay làm, luôn
mô phạm đối với học viên. Trong điều kiện khó khăn, nhất là những giáo viên các
khoa quân sự, giữa thao trường nắng chói chang hay những đêm mưa gió hành quân
vượt sông, leo núi, xuyên rừng trong các cuộc diễn tập tổng hợp, luôn đem hết
nhiệt tình trách nhiệm đối với nhiệm vụ. Cán bộ lãnh đạo chỉ huy các hệ, các
tiểu đoàn quản lý học viên cũng đều vậy. Với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào
tạo của một nhà trường chính qui, mẫu mực, mọi cán bộ, giáo viên luôn luôn có
tính tổ chức, tính kỷ luật nghiêm minh. Đây là truyền thống của Nhà trường. Có
lẽ xuất phát từ sự rèn luyện chính qui chặt chẽ nghiêm minh mà trong bao năm
nhiều thế hệ đã gọi trệch đi bằng một tên dân dã đáng quí là “Trường Luộc
quân”.
Trên cương vị của mình, cùng
với việc nghiên cứu tài liệu và giải quyết công việc theo chức trách, tôi đã
dành nhiều thời gian đi kiểm tra dạy học ở giảng đường và huấn huyện trên thao
trường bãi tập. Tôi còn nhớ, lần diễn tập tổng hợp cuối khóa của Khóa 66, tiến
hành vào cuối tháng 11 năm 2003. Sau một vòng hành quân hơn mười ngày,
vượt sông, leo núi, xuyên rừng với chặng đường khoảng hơn 200 km, tình huống
cuối cùng là tổ chức một trận chiến đấu có hợp đồng binh chủng: Một đại đội bộ
binh có xe tăng, pháo binh yểm trợ, tấn công tiêu diệt quân địch phòng ngự
trong công sự vững chắc, có ba lớp rào kẽm gai ở Cao điểm 61A, 61B- Đồng Doi.
Dự kiến là 5 giờ sáng nổ súng. Lúc 4 giờ 15 phút, Thủ trưởng Nhà trường và các
phòng, khoa trong Ban Chỉ đạo diễn tập đã ngồi vào đài quan sát để theo dõi
kiểm tra. Lúc này các đơn vị đã vào vị trí xuất phát xung phong; mấy giá
mìn đinh hướng đã đặt ở trước hàng rào để phá cửa mở, mỗi giá cài đặt từ 3 đến
5 quả mìn định hướng loại lớn (ĐH35) chuẩn bị bấm điện để xe tăng và bộ
binh vượt qua; cối 82 ly, ĐKZ 75 ly đã lấy xong phân tử xạ kích, chuẩn bị
bắn. Để cuộc diễn tập sát với thực tế chiến đấu, hơn nữa để bảo đảm an
toàn tuyệt đối, tôi đề nghị anh Nguyễn Hữu Hạ - Hiệu trưởng cho kiểm tra lại
toàn bộ trước khi bắt đầu nổ súng. Tôi vào tận hàng rào xem lại các giá mìn
định hướng; đồng thời kiểm tra lại các lực lượng tham gia diễn tập. Sau một
vòng kiểm tra, tôi phát hiện một số điểm không đúng với yêu cầu chiến thuật và
không sát với thực tế chiến đấu: Một là, bộ binh vào triển khai công sự ở vị
trí xuất phát tiến công cách vị trí tiền tiêu của địch quá gần. Điều này không
cho phép vì đưa bộ đội vào quá gần địch khi chưa nổ súng thì rất dễ bị lộ
và khi pháo binh cấp trên cùng hỏa lực của đơn vị bắn chuẩn bị thì độ tản
mát của đạn sẽ rơi vào đội hình ta, gây thương vong khi chưa chiến đấu. Hai là,
việc bố trí cối 82 ly và ĐKZ 75 ly quá sát nhau, trái với yêu cầu chiến thuật
là: hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Hạ
thống nhất và lệnh cho bộ binh lùi ra cách trận địa địch khoảng 200m; trận địa
cối 82 ly và ĐKZ 75 ly phải bố trí lại. Một giờ sau, khi điều chỉnh xong đội
hình, cuộc diễn tập bắt đầu nổ súng.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam-Ngày Hội quốc phòng toàn dân; thể
theo nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên và chiến sĩ
toàn trường, ngày 19-12-2002, Đoàn cán bộ nhà trường về Thủ đô Hà Nội thăm và
chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong không khí vui mừng, xúc động và đầm
ấm, thay mặt Đảng ủy- Ban Giám hiệu Nhà trường, tôi đã phát biểu bày tỏ sự vui
mừng phấn khởi của cán bộ nhà trường được đến thăm, chúc mừng Đại tướng;
đồng thời báo cáo tóm tắt với Đại tướng về thành tích của Trường trong những
năm qua; bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với
quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường Sĩ quan Lục quân 1; kính chúc Đại
tướng luôn mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục đóng góp trí tuệ cho đất nước, cho
quân đội. Kết thúc phần báo cáo, thay mặt Nhà trường, tôi đã kính tặng Đại
tướng bức ảnh Bác Hồ trao lá cờ thêu sáu chữ vàng “ Trung với nước, hiếu với dân” cho học viên Trường Võ bị Trần Quốc
Tuấn nhân ngày khai giảng Khóa 1- tháng 5 năm 1946 và lẵng hoa tươi thắm. Đại
tướng đã dành thời gian ân cần nói chuyện thân mật với đoàn cán bộ nhà trường.
Đại tướng căn dặn: “ Trường Sĩ quan Lục quân 1 là nhà trường
đầu tiên của quân đội ta. Trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục-đào tạo
cán bộ càng phải chú trọng và nâng cao, đặc biệt là giáo dục chính trị tư
tưởng, xây dựng lập trường cách mạng lên hàng đầu, để học viên tốt nghiệp ra
trường đủ sức lãnh đạo,chỉ huy đơn vị cơ sở và sẵn sàng chiến đấu cao. Trong
huấn luyện, nhà trường phải coi trọng huấn luyện sát thực tế chiến đấu và xây
dựng đợn vị, nhất là huấn luyện phai tiếp cận với sự phát triển của khoa học,
công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới. Sĩ quan ra trường phải biết sử dụng
vi tính, có kiến thức khoa học công nghệ, khoa học quân sự, đủ sức hoàn thành
nhiệm vụ được giao”. Chúng tôi vô cùng cảm kích về những lời dạy bảo
ân tình của Đại tướng. Đây là kỷ niệm sâu sắc với những ấn tượng không thể nào
quên của cán bộ Trường sĩ quan Lục quân 1.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm
50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 3 năm
2004, Nhà trường tổ chức Đoàn cán bộ, giáo viên lên thăm Điên Biên Phủ. Đoàn
xuất phát ở Trường từ 5 giờ sáng ngày 25 tháng 4 theo đường Sơn Tây qua Sơn La
lên Điện Biên Phủ. Tối hôm đó cả Đoàn ngủ ở doanh trại của Tiểu đoàn 1 của Tỉnh
đội Điện Biên. Tiết xuân trời se lạnh, tôi bồi hồi xúc động khi được trở lại
mảnh đất lịch sử mà chẵn 50 năm trước đây cha tôi đã cùng đồng đội - những
người chiến binh bình dị - đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh để làm nên
chiến thắng huy hoàng, tỏa sáng đến muôn đời sau. Trong niềm cảm xúc dâng trào,
đêm khuya, tôi đã viết liền một mạch bài thơ VỀ ĐIỆN BIÊN. Mong đến lúc trời
rạng sáng, tôi phấn chấn sang phòng bên đọc cho anh Bạch Quang Triệu và anh
Nguyễn Đình Chức cùng nghe. Sau đó, lúc 8 giờ sáng khi Đoàn vào viếng Nghĩa
trang Liệt sĩ Đồi A1, tôi đã rưng rưng nước mắt xúc động đọc bài thơ này trước hàng quân.
Về Điện Biên
Kính
tặng Cha và các đồng đội của Cha
Con về thăm Điện Biên
Chiến tích anh hùng
Tỏa sáng ngàn năm bất hủ
Những chiến binh băng mình trong máu lửa
Đã tạc ghi lịch sử một trang vàng.
Con
vào thăm Chỉ huy sở Mường Phăng
Nơi Đại tướng cùng Bộ Tham mưu Chiến dịch
Ôi! trí tuệ tuyệt vời, quyết tâm bằng thép
Vạch trúng con đường xuyên thẳng tới trung tâm.
Con vào thăm A1, Hồng Cúm,
Him Lam
Những chiến công vô cùng oanh liệt
Giành giật đêm ngày máu thấm từng thước đất
Có chiến công nào chẳng đổi những hy
sinh!
Con đã về đây từ dốc ấy, Pha
Đin
Nhớ thuở ông cha bàn chân trần khứa máu
Từ muôn ngả non sông về đây hội tụ
Vực thẳm đèo cao in dấu những đoàn quân…
Chúng con về đây xin dâng
nén hương thơm
Kính cẩn tâm linh những hàng bia thẳng lối
Di tích trầm hùng chất chứa điều nhắn gửi
Từ Điện Biên rọi sáng tới tương
lai!
Đêm ấy từ Điện Biên, tôi đã đọc bài thơ qua điện thoại di động cho một người bạn thân thiết ở Hà Nội để chuyển đến đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ
quân đội. Và trên nền bài thơ, Đội văn nghệ Nhà trường đã dàn dựng thành công
vở hoạt kịch, đoạt giải xuất sắc trong Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quân
năm 2004.
Trước yêu cầu “An cư, lạc
nghiệp”, để đảm bảo chính sách, góp phần động viên cán bộ, giáo viên yên tâm
công tác, trong thời kỳ này, Thường vụ Đảng ủy- Ban Giám hiệu đã có nhiều biện
pháp tích cực trong việc giải quyết đất ở, nhà ở cho gia đình sĩ quan, quân
nhân chuyên nghiệp. Lãnh đạo chỉ huy Nhà trường đã giao cho các cơ quan: Chính
trị, Tác chiến, Hậu cần quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và
các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong việc tạo điều kiện hợp thức hóa,
khai thác quĩ đất. Việc cấp đất ở, nhà ở của Nhà trường được tiến hành đúng
luật, đúng chính sách, theo phương châm: “Dân chủ, Công khai, Công bằng”
đảm bảo tinh thần đoàn kết, phấn khởi. Đây là một chủ trương hợp pháp, hợp lý,
hợp tình, đem lại quyền lợi thiết thực cho hàng mấy trăm gia đình cán bộ, không
chỉ trước mắt mà còn lâu dài.
Trong cuộc
sống, nhiều khi một chủ trương đúng đem đến những kết quả thiết thực hữu ích, có khi khởi
thủy ban đầu từ những ý tưởng vụt đến như một sự ngẫu nhiên. Nhưng, xét đến tận
cùng thì đó là kết quả tất yếu của sự suy tư trăn trở. Công viên Thanh niên ở
cổng Trường, Dự án cầu và đường ở Đồng Tâm”, rồi Dự án hồ chứa nước ở Đồng Doi
của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là vậy:
Có lần, tôi và anh Nguyễn
Hữu Hạ đi thao trường về, dưới trời nắng chói chang, nhiều người túm tụm ngồi
vật vã, nhếch nhác bên vệ đường hoặc trong mấy quán nhỏ phía ngoài cổng Trường.
Hỏi ra mới biết, đó là người nhà của học viên lên thăm. Tôi và anh Hạ trao đổi
với nhau cần tạo điều kiện cho học viên đón tiếp gia đình và bạn bè đến thăm
một cách đàng hoàng, lịch sự, đồng thời đây còn là bộ mặt của Nhà trường. Chúng
tôi bàn với nhau là khoanh hai vạt cây cao khá rộng ở sát bên trong cổng
Trường, đầu tư xây dựng có nhà nghỉ mát, có căng tin, quầy giải khát, có chỗ
cắt tóc gội đầu, có ghế đá dựng ở các khu vực và lối đi giữa những khóm
cây,…Cảnh quan đẹp như một công viên để học viên tiếp người thân lên thăm và để
giao lưu với thanh niên địa phương, với học sinh, sinh viên các trường bên
ngoài. Chúng tôi đặt tên là Công viên Thanh niên. Từ ngày có Công viên Thanh
niên, môi trường văn hóa của Nhà trường được cải thiện một bước. Cán bộ, giáo
viên, nhất là học viên rất phấn khởi. Sau giờ nghỉ hàng ngày và chủ yếu là vào
ngày nghỉ cuối tuần, Công viên Thanh niên trở thành nơi vui chơi và đón tiếp
khách của học viên. Nhìn những cử chỉ văn minh, lịch sự với gương mặt tươi trẻ
rạng ngời của học viên bên bạn bè, người thân, chúng tôi thật vui mừng.
Những ngày mới về Trường, khi ra
thăm nhà anh Mai Văn Nhuần, anh Lê Viết Anh và một số gia đình cán bộ ở khu tập
thể Đồng Tâm (còn gọi là Đồng Lác), nhìn thấy cái cầu sắt đã quá cũ vắt vẻo qua sông, một
con đường gồ ghề ổ gà, ổ trâu, lầy lội ngập bùn khi trời mưa và phủ chìm bụi đỏ
khi trời nắng, trong không khí oi bức nhiều gia đình không thể mở cửa khi có ô
tô chạy qua, tôi cám cảnh và thực sự áy náy. Về Hà Nội, tôi đã đề nghị với anh Hồ Sỹ Hậu, Cục trưởng Cục Kinh tế đề đạt lên Bộ Quốc phòng cấp cho Trường một khoản
kinh phí để làm lại cầu và một đoạn đường chừng một cây số. Được cấp trên chuẩn y, sau mấy tháng triển
khai, một chiếc cầu bằng sắt kiên cố bắc qua sông Hòa Lạc và đoạn đường
trải nhựa phẳng lỳ nối từ Đường 21 ra hết khu gia đình quân nhân Đồng Tâm rất thuận tiện
cho việc đi lại, không chỉ đối với cán bộ của Trường mà cả đối với nhân dân
trong khu vực.
Một lần, tôi và anh Nguyễn
Tiến Ngùng, Phó hiệu trưởng thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường mời lãnh đạo Cục
Kinh tế / BQP lên nghiên cứu tư vấn giúp
Trường xây dựng đề án tăng gia chăn nuôi tập trung, góp phần cải thiện đời sống
bộ đội. Khi đi từ Trường bắn Đồng Doi trở về, mặt trời đã gác núi, men theo một
con đường bé, lội qua một con suối nhỏ, ai đó bất chợt nói rằng, con suối này
nếu chắn lại, thì phía trên sẽ thành một cái hồ lớn. Tất cả chúng tôi dừng lại
xem xét bàn bạc. Nhìn ra xung quanh một con suối nhỏ nằm giữa những vạt ruộng
hai bên là triền núi cao. Mọi người đều thống nhất rằng: Nếu làm một cái đập
ngăn con suối lại thì chắc chắn sẽ có cái hồ đẹp cả về cảnh quan, môi trường
sinh thái, thủy lợi và nuôi cá. Về Trường, chúng tôi giao cho cơ quan triển
khai nghiên cứu, mời các chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, Ban Giám hiệu thông
qua và trình lên Bộ Quốc phòng. Vậy là, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức
năng Bộ Quốc phòng, sau một thời gian không lâu, Nhà trường đã hoàn thành một
cái đập bề thế vững chãi, phía trên là một cái hồ đẹp, nước sâu, rộng hơn 20
héc ta, nằm giữa một vùng đồi núi cách Hòa Lạc không xa, chúng tôi thật sự vui
mừng.
Ngày 10-1-2005, theo quyết định Thủ tướng
Chính phủ, tôi chia tay Trường Sĩ quan Lục quân 1 đi nhận nhiệm vụ mới. Phút
chia tay, nhìn lại căn nhà nhỏ tĩnh lặng hơn bốn năm khuya sớm vào ra; nhìn lại
những giảng đường, hội trường, thao trường, bãi tập, một thời sôi động gắn bó;
đặc biệt là, nhìn lại anh em đồng đội, những gương mặt thân quí đã cùng nhau
chia ngọt sẻ bùi, đồng tâm hiệp lực xây dựng Nhà trường trong mấy năm trời,
lòng tôi bồi hồi xúc động. Tôi lưu luyến những kỷ niệm trên mảnh đất này - mảnh
đất Xứ Đoài với núi Tản, sông Đà đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc trong lòng
tôi; lưu luyến những tình cảm chân thành quí mến mà mọi người đã dành cho tôi.
Còn mấy tháng nữa,Trường Sĩ quan Lục quân 1 sẽ long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ( 15/4/1945 - 15/4/2015). Khi
viết những dòng này, tôi luyến nhớ về một chặng
đời quân ngũ ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 nắng gió thân thương, để lại dấu ấn
sâu sắc trong tâm hồn tôi. Trọn đời tôi không thể nào quên!
N. M Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét