Menu ngang

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

         Đúng là ở đời có những thứ còn quí hơn tiền, vì có tiền - kể cả rất nhiều tiền - cũng không thể mua được. Đó là đức hi sinh, lòng nhân ái, là tình thương đồng loại của những con người. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ. Khi đọc qua chuyện này, đánh giá về nhân vật Cầm, mọi người đều có thể hoàn toàn thống nhất, đó là một con người tốt, giàu lòng trắc ẩn đối với một đứa trẻ nghèo khó. Nhưng đối với nhân vật là cậu bé, vẫn có 2 ý kiến khác nhau. Một là, Có nhiều người cho rằng, đó là một người có chí hướng, đàng hoàng, sống thủy chung nhân nghĩa. Hai là, Có không ít người đọc xong có một cảm xúc không thật thoải mái về cách xử sự của cậu bé. Nghe ra, cách hành xử đó là một con người sòng phẳng quá, lạnh lùng theo lý trí quá. Và biết đâu sự sòng phẳng ( không muốn chịu ơn ai ) kiểu đó lại như một sự xúc phạm, làm tổn thương đến nghĩa cử cao đẹp của cô Cầm. Ở đời, sự đền ơn, đáp nghĩa đối với người đã cưu mang mình trong khó khăn hoạn nạn để rồi từ đó bứt phá đi lên thành đạt trong cuộc đời là hoàn toàn đúng. Nhưng liệu có cách nào khác hay hơn không?!


                                                                            NMĐ

                                                                                                                                     

                       CÒN QUÝ HƠN TIỀN
                                                        Lưu Yên Sinh (Trung Quốc)










          Ra khỏi siêu thị, đêm đã về khuya, Cầm móc túi lấy chìa khoá chuẩn bị mở cửa xe. Lúc này một cậu bé chừng mười hai mười ba tuổi đi đến trước mặt chị.
        - Cô ơi, cháu đã lau xe cho cô, cô xem, nếu cô hài lòng xin cho cháu năm đồng, nếu không hài lòng, coi như cháu phục vụ miễn phí.

         Cầm nhìn xe đã lau sạch bóng, lại nhìn cậu bé rét run trong gió bấc trước mặt. Chị móc túi lấy ra tờ mười đồng. Cậu bé đưa hai bàn tay nhỏ rét cóng tím bầm nhận tiền.
         - Không cần trả lại cháu ạ.
        Nói xong Cầm mở cửa xe vào buồng lái. Nhưng cậu bé lại rút ra một tờ năm đồng, cản lối đi của chị.
Cậu bé ý tứ thật. Cầm nghĩ, mở cửa xe nói với cậu:
       - Coi như cô thưởng cháu số tiền này, mau mau về nhà đi cháu.
        Cậu bé vẫn đứng trước xe:
       - Thưa cô, đã thỏa thuận năm đồng là năm đồng, sao cháu lại lấy thêm tiền của cô?
Bàn tay nhỏ cầm năm đồng vẫy trong gió.
        Nhìn cậu bé đứng trong gió lạnh, Cầm nghĩ đến con gái mình. Cậu bé trạc tuổi con gái chị. Con gái chị đang học phổ thông cơ sở, còn cậu bé này…
        Cầm kéo cửa xe nói với cậu bé.
        - Cháu ơi, trời rét lắm, mau lên xe cô đưa cháu về nhà.
         Cậu bé lắc đầu nói:
        - Cô ơi, người cháu bẩn, cháu ngồi sẽ rách xe của cô.
Cầm nhìn giọt nước trong veo óng ánh trong mắt cậu bé.
Cậu bé thông minh biết điều như thế này sao bẩn được?
        - Mau mau lên xe cô đưa cháu về nhà - Cầm đẩy rộng cửa xe giục cậu bé.
        - Vâng thưa cô, cô chờ cháu một lát, cháu sẽ đến ngay.
Cậu bé xách xô nước, cầm cái bàn chải lau dụng cụ chạy vào siêu thị.
Một lát sau cậu đi ra, tay cầm hai tờ báo trải lên ghế ngồi bên cạnh Cầm, sau đó mới ngồi lên.
       - Cô ơi, cháu xin trả lại tiền cô - Cậu để năm đồng lên sàn lái.
Cầm xoa xoa mái tóc đen mượt của cậu bé. Tóc mềm như cỏ non mới nẩy mầm đầu xuân:
      - Cháu ở đâu?
      - Cô đưa cháu đến trước cửa trường phổ thông cơ sở số 11 là được. Nhà cháu ở ngay trong ngõ sau trường học, xe không vào được cô ạ.
     - Sao cháu không đi học? Cháu còn bé tí tuổi đã phải đi làm nghề này?
Giọng cậu bé nhỏ nhẹ:
     - Bố mẹ cháu đều đã mất, trong nhà chỉ còn một bà nội ốm yếu. Cô ơi, cô không biết, cháu nằm mơ cũng mong cắp sách đến trường, cháu thường mơ mình ngồi trong lớp học sáng sủa. Nhưng lấy đâu ra tiền đi học thưa cô.
Khi nói chuyện, bỗng nước mắt cậu ứa ra.
Đã đến trường phổ thông cơ sở số 11, cậu bé xuống xe, giơ tay vẫy chào Cầm. Nhìn bóng cậu bé đi xa, lòng Cầm chợt cay đắng.
Cầm đã đi đến quyết định, mỗi tháng trợ cấp cho cậu bé ba trăm đồng đi học.
        Mười năm sau, năm nào Cầm cũng nhận được tiền cậu bé từ Thâm Quyến gửi về. Thế là Cầm gửi thư cho cậu và gửi trả cậu toàn bộ số tiền cậu gửi về. Thư chị viết: "Cháu ơi, ngày xưa cô giúp đỡ cháu không phải cô bỏ vốn đầu tư, càng không phải một thứ gửi tiết kiệm. Cô hoàn toàn không nghĩ đến cháu báo trả. Nếu cô nhận tiền của cháu, phải chăng cô đã trở thành nhà đầu tư. Số tiền cháu gửi cho cô mấy năm qua, cô xin gửi lại cháu. Trên đời còn có những thứ  quý hơn tiền cháu ạ!".
        Một hôm, đài truyền hình và tòa báo cùng phối hợp phỏng vấn Cầm. Họ cần đưa tin Cầm đã quyên góp hai mươi vạn đồng tặng cho làng nhi đồng SOS. Đứng trước máy camera và đèn chụp nhấp nháy, Cầm nói:
      - Các bạn đã lầm to, người quyên góp tiền chân chính không phải tôi!
Các nhà báo bỗng ngạc nhiên sửng sốt. Có một phóng viên hỏi chị:
     - Nhưng trong cột người quyên góp viết tên chị cơ mà!
Cầm đáp:
     - Tôi biết, cậu bé năm xưa đã lớn khôn, cậu ấy hiểu trên đời còn có thứ qúy hơn tiền. Số tiền này chắc chắn cậu ấy lấy danh nghĩa của tôi quyên góp.
Thế là chị kể lại cho mọi người nghe câu chuyện thời xa xưa.

  Vũ Công Hoan (dịch)

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

                     Lịch sử là công bằng.  Đánh giá chính xác, đem lại sự công bằng đối với một số nhân vật lịch sử quả là không đơn giản. Cụ Phan Thanh Giản là một trong số ít trường hợp mà dù đã trải 150 năm khi luận về công tội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Xin giới thiệu mấy bài viết với các ý kiến trái chiều để mọi người cùng suy ngẫm.
                                                                                                                


                                                                               NMĐ
 
Con người thực của Phan Thanh Giản
 và Trương Vĩnh Ký


                                                                                      Nguyễn Văn Thịnh



          Lịch sử vẫn có những vấn đề mù mờ mà hậu thế khi có điều kiện cần làm rõ ra, chỉnh sửa điều ngỡ sai thành đúng và cả điều tưởng đúng mà sai.
         Chuyện 150 năm trước qua rồi. Nước mất thì đã đòi lại được. Nhà tan thì anh em quên đi hờn oán cũ, hợp quần lại cùng nhau xây dựng cơ đồ. Tổ quốc như mẹ hiền rộng lòng tha thứ bao dung. Cứ khui những tỳ vết ra để mà ân oán hơn thua sao không thấy hổ lòng với mẹ?
       Trách ai cứ khơi ra, dẫn người ta lẫn lộn điều phải trái để khó nhận ra cái đúng cái sai, chẳng những đã lỗi với lịch sử mà còn là điều trái đạo trong việc bồi dưỡng những lớp người sau có một tình yêu thương và trách nhiệm với nhân dân và tổ quốc mình. Biết rằng “sư nói sư phải vãi nói vãi hay” nhưng tựu chung phải có một người nói đúng. Đành rằng lời nói đúng chẳng thể nào vừa ý mọi người nhưng vẫn cứ phải nói ra.
        Với hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký thì bối cảnh lịch sử lúc đó bao lâu sau vẫn vậy và con người cùng những việc làm của họ còn đó, chỉ có sự khen chê của người đời là khác tùy lúc tùy nơi.
        Trước hết, cần nói rõ là việc kết án Phan Thanh Giản không khởi xướng từ giới sử học của Nhà nước Việt Nam độc lập vốn bị ấn tượng nặng tính “giáo điều giai cấp”.

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Ba thi phẩm trong Di cảo của Chế Lan Viên

Các thi phẩm nổi tiếng công bố muộn mằn của Chế Lan Viên - in trong Di Cảo Chế Lan Viên - chính là 3 bài thơ: Ai Tôi - Bánh Vẽ - Trừ Đi!
 
AI TÔI ?

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
  trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người khi ở mặt trận
   về sau mười năm
Ngồi bán quán trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo Huân chương đầy mọi chỗ
Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!...


1987. (Di cảo của Chế Lan Viên)


BÁNH VẼ!

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui!
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì còn đâu dịp nhai thứ thiệt ?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...


(Rút trong tập  Văn học và Dư luận,
NXB Trẻ TP HCM -  Di cảo của Chế Lan Viên)


TRỪ ĐI!

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu ? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay...
  trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
  cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển.
Giết mưa và giết luôn cả cỏ
  mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi,
  không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi -  người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình !


(Rút trong tập Di cảo (4)  của Chế Lan Viên)


Thành công là gì?


Bài văn của một học sinh lớp 10 chuyên Văn một trường chuyên ở Hà Nội về "một bài học ý nghĩa, sâu sắc mà cuộc sống đã tặng cho em" đang nhận được nhiều chia sẻ.

     Theo giới thiệu, bài văn được viết ngày 6/9/2006 và nhận điểm 9 với lời phê: "Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công".
            Dưới đây là nội dung bài viết:
            Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.
           Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.
          Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
            Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
            Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?
            Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.
            Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
           Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.
          Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!
          Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công./.