Menu ngang

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020


ĐỌC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ “ KẺ SĨ THỜI LOẠN ”CỦA NHÀ VĂN VŨ NGỌC TIẾN


Cuối đông năm Đinh Dậu (2017), nhà văn Vũ Ngọc Tiến chuyển cho tôi đọc tập bản thảo Tiểu thuyết lịch sử “ KẺ SĨ THỜI LOẠN ” của anh. Vậy là, trong mấy năm qua, sau “ SÓNG HẬN SÔNG LÔ”  và “ QUỶ VƯƠNG”, đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ ba về triều Lê tôi được anh trao tặng. Được biết, trước đó anh còn có 3 cuốn tiểu thuyết khác nữa về 3 nhà cải cách Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ đã in và tái bản nhiều lần, được Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đọc truyện đêm khuya 3 tháng liền trong năm 2008.
Tôi quen nhà văn Vũ Ngọc Tiến khoảng gần 10 năm nay, khi chúng tôi cùng tham gia Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình Liệt sĩ (gọi tắt là Trung tâm Ma Rin). Ở anh, toát lên một con người có kiến thức, vốn sống sâu rộng cùng với sự lịch lãm, tinh tế mà lại thẳng thắn, chân tình với mọi người.
Trong các tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, với cách viết rất riêng mới của anh, tôi đều chân nhận rằng, văn phong của anh trong sáng, chân thực, phong phú, thấm đẫm tình người, chứa đầy tư liệu lịch sử; Đồng thời, đồng hiện lên những mảng hiện thực đương đại với biết bao ngổn ngang tiêu cực, nghịch lý của xã hội. Với thái độ trách nhiệm công dân, anh trực diện phán ảnh, không hề né tránh. Bằng mạch văn nhẹ nhàng, trầm tĩnh xuôi chảy qua các dòng sự kiện lịch sử và đương đại, anh đã điềm nhiên đưa ra những tư liệu sống động, những luận bàn, đối thoại thẳng thắn mà khéo léo đủ gợi dẫn.
Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử; lại cũng không phải là nhà văn hoặc nhà lý luận phê bình văn học. Tôi chỉ là người lính suốt thời trai trẻ xông pha trận mạc, nhưng yêu thích văn học, ham đọc sách hoặc khi cao hứng thì viết văn, làm thơ. Sau khi đọc khá kỹ tập bản thảo tiểu thuyết “ KẺ SĨ THỜI LOẠN ” dày hơn 200 trang khổ A4 với kết cấu 8 chương của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, ở tư cách độc giả, tôi có đôi điều cảm nhận:
Trước hết, tôi hoan nghênh nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã chọn phương pháp khá mới lạ để viết tiểu thuyết lịch sử. Theo tác giả, đây là loại hình “Tiểu thuyết giáo trình” dùng tiểu thuyết để giảng về một phân kỳ lịch sử nên vừa có phần KỂ vừa có phần GIẢNG thông qua hồi ức hoặc lời thoại của các nhân vật xưa và nay. Cách viết này tuy chưa xuất hiện nhiều ở nước ta, nhưng thật sự hấp dẫn người đọc, dễ nhớ và dễ cảm thụ.
Như chúng ta đều biết và yêu thích, Tam quốc diễn nghĩa và Thủy Hử là hai kiệt tác văn học Trung Quốc của hai nhà văn vĩ đại La Quán Trung và Thi Nại Am. Nhiều năm qua, hai kiệt tác văn học đó đã được dựng thành những bộ phim sử thi rất hoành tráng, có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật. Nó giúp cho các thế hệ người Trung Quốc hiểu sâu về lịch sử nước mình ở hai giai đoạn vô cùng phức tạp; đồng thời cho họ những bài học đắt giá về sự hưng phế của các triều đại, cách đối nhân xử thế ở đời. Thử nghĩ, nếu chỉ bằng phương pháp học lịch sử thông thường, làm sao dân nước họ có được những hiểu biết như thế?...
Thời nào cũng vậy, tri thức lịch sử là điều rất cần thiết cho mọi công dân. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, một thực tế là,sự hiểu biết về lịch sử của nhiều người là nông cạn, thậm chí có trường hợp rất ngô nghê khi nói về lịch sử. Trong các trường phổ thông nhiều học sinh ngại môn Lịch sử. Học sinh cho đó là môn phải học thuộc lòng với quá nhiều kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả... với bao nhiêu giai đoạn, thời kỳ. Vì thế, với môn Lịch sử các em cảm thấy thiếu hứng thú, học một cách thụ động. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử cho rằng, Chương trình môn Lịch sử hiện hành ở bậc phổ thông nặng về kiến thức cụ thể hơn là kỹ năng, phương pháp phân tích, đánh giá nên việc kiểm tra và đánh giá cũng thiên về “trả bài” hơn thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế. Điều đó, vô hình chung làm cho các em hiểu lịch sử đơn giản chỉ là nhớ những gì xảy ra trong quá khứ, những chuyện đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại và càng không có liên quan gì đến tương lai. Thiết nghĩ, đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử là một vấn đề cực kỳ quan trong. Trong bối cảnh đó, viết tiểu thuyết lịch sử - coi đây như một cách dạy lịch sử - như nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã và đang làm là một việc rất có ý nghĩa, đáng trân trọng.
Trở lại với tiểu thuyết KẺ SĨ THỜI LOẠN , nội dung đề cập trong tiểu thuyết này thực ra là hai cốt chuyện được cài đan xen kẽ nhau sau từng chương. Anh Vũ Ngọc Tiến có nói rằng, câu chuyên thời đương đại như một “ chiếu nghỉ” cho độc giả khi leo lên bậc thang của câu chuyện lịch sử. Với tôi, mỗi câu chuyện có những sắc thái riêng, ý nghĩa riêng. Và cái “ chiếu nghỉ ” đó thật sự cũng không kém phần hấp dẫn người đọc - nhất là đối với bạn đọc trẻ.
Nhìn lại lịch sử nước nhà, số phận bất hạnh đã khiến dân ta chìm đắm trong các cuộc nội chiến lớn: chiến tranh Lê- Mạc (1527- 1592); Trịnh - Nguyễn phân tranh (1592- 1765),; chiến tranh Tây Sơn với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (1771- 1802). Theo đó, vào nửa cuối thế kỷ 18 chiến tranh liên miên giữa các thế lực Đàng Trong, Đàng Ngoài và Tây Sơn, khiến dân chúng một thời gian dài vô cùng cực khổ, chết chóc, loạn ly. Và ngay trong từng thế lực vẫn luôn luôn có các phe phái tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Bàn cờ quyền lực trong xã hội Đại Việt nửa cuối thế kỷ 18 với những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu bền, dựa trên căn bản quyền lợi thiết thân được tái hiện một cách phức tạp. Trong thời kỳ lịch sử đó, ngoài những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất như Nguyễn Huệ - Quang Trung, Nguyễn Ánh - Gia Long, thì đi liền theo đó phải kể đến sự xuất hiện nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh (1740- 1787). Và ông cũng chính là đối tượng phản ánh của tác giả cuốn KẺ SĨ THỜI LOẠN ...
Sự thật lịch sử là thế nào khi đánh giá về nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Chỉnh trong một thời kỳ hỗn mang phức tạp của đất nước; làm sao thật công minh, khách quan dựa trên những chứng cứ tư liệu lịch sử cụ thể?
Nguyễn Hữu Chỉnh quê ở làng Cổ Đan (nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là người bộc lộ trí thông minh từ rất sớm, đến tuổi trưởng thành được học tập rèn luyện trở nên văn võ song toàn. Mặc dù rất giỏi giang và nuôi chí lớn, nhưng cuộc đời ông là cả một bi kịch, long đong lận đận. Bi kịch đời ông là sự nỗ lực bứt phá ra ngoài hoàn cảnh đi tìm minh chủ để thi thố tài năng và cũng đã lập nhiều công lớn. Song, ông luôn bị ngờ vực, đều không được tin dùng (hoặc chỉ tận dụng tài năng của ông khi cần thiết, nhưng vẫn đố kỵ, ngờ vực, sẵn sàng trừ khử ), để rồi nửa đường đứt gánh. Cuối cùng, vào năm 1787, tình thế buộc Nguyễn Hữu Chỉnh phải tự mình làm minh chủ, tự lập một con đường tự giải phóng năng lực và thực hành tham vọng chính trị của mình, dẫn quân Cần Vương về Thăng Long tạo ra một bước ngoặt lịch sử. Nhưng đáng tiếc, do không gặp thời, ông không thỏa nguyện, bị thất thế và phải ngậm oan, bị hành hình chết thảm. Cái chết của Nguyễn Hữu Chỉnh là bi kịch chung cho giới kẻ sĩ Bắc Hà giữa thời tao loạn, vận nước suy vi.
Từ xưa đến nay, khi đánh giá về Nguyễn Hữu Chỉnh, các nhà nghiên cứu lịch sử và phần đông người đời đều coi ông là nhân vật lịch sử khá phức tạp, mang tính 2 mặt “anh hùng & gian hùng” -  Trong đó mặt “ gian hùng ” và “ cơ hội ” được coi là nổi trội, chính yếu”. Sự thật lich sử là thế nào?!
Tôi thật sự tâm đắc khi đọc bài “ CON CẮT BIỂN” của Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Có thể nói, đây là một bài viết công phu, có cái nhìn khách quan, toàn diện và phân tích kỹ về con người Nguyễn Hữu Chỉnh trên từng phương diện. Bằng sự viện dẫn đánh giá về Nguyễn Hữu Chỉnh của sử gia và những người đương thời như: Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ, Vũ Văn Nhậm, … Thực ra, tất cả đều là những lời nói từ một phía, xuất phát từ sự đố kỵ, ghen ghét, nghi kỵ để rồi kết tội Nguyễn Hữu Chỉnh là bất trung, phản trắc, lật lọng. Nhưng khi xem xét các cứ liệu lịch sử - cả phát ngôn lẫn hành động của Nguyễn Hữu Chỉnh - ngay từ thời theo Quân Việp - Hoàng Ngũ Phúc, Quận Huy - Hoàng Đình Bảo và sau đó phò tá Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, rồi phò tá Vua Lê, thì chưa tìm thấy bất cứ chứng cứ nào thể hiện sự bất trung, phản trắc của ông. Có câu chuyện sau khi giành được Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế với Nguyễn Huệ thừa thắng tấn công đánh Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì Nguyễn Huệ do dự ngại ngần lo sợ sự chống đối của kẻ sĩ Bắc Hà. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra thực thà đến thành vụng về khi nói: "Nhân tài Bắc hà chỉ có mình tôi mà thôi". Ðó là sự thực, bằng cớ là vua Lê Chiêu Thống mấy lần phải triệu Chỉnh ra cáng đáng việc nước. Chính sự vụng về này, chứng minh Nguyễn Hữu Chỉnh chưa hề nghĩ đến chuyện bỏ Tây Sơn. Mãi tới khi anh em nhà Tây Sơn bí mật lẳng lặng quay về Nam, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Thăng Long với ý định mượn tay các sĩ phu Bắc Hà trừ khử, thì tới bước đường cùng Nguyễn Hữu Chỉnh mới tự lựa chọn cho mình một lối khác. Như vậy là, từ đầu đến cuối, những người khác có âm mưu và hành động diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Còn lại, không có dấu hiệu Nguyễn Hữu Chỉnh có hành động “ gian hùng” chống lại các chủ cũ của mình cũng như đối với anh em nhà Tây Sơn và Vua Lê. Nhìn một cách tổng thể, Nguyễn Hữu Chỉnh là một viên tướng giỏi, văn võ song toàn, có công lớn trong việc phò giúp Tây Sơn đánh sập hai tập đoàn phong kiến Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, trước sau ăn ở có nghĩa khí không kém ai, hành động tàn nhẫn không hơn ai, song gặp toàn nghịch cảnh, suốt đời lận đận. Ðã không gặp thời, không thỏa chí nguyện, ngậm oan chết thảm mà còn bị người đời phỉ báng. Khách quan mà nói, lịch sử đối xử với Nguyễn Hữu Chỉnh là oan uổng, chưa công bằng.
Lịch sử diễn ra một lần, nhưng viết lại lịch sử, định vị giá trị của lịch sử - trong đó có những nhân vật là trung tâm lịch sử - thì lại diễn ra nhiều lần và có nhiều trường hợp có cách thể hiện trái chiều, đối nghịch nhau. Điều đó cũng là bình thường, dễ hiểu. Lệ thường, sự đánh giá sự kiện và con người lịch sử đều qua lăng kính và theo tâm thế chủ quan của người cầm bút. Mà nói chung, ở mọi thời đại, người viết sử đều là viết theo (tuân theo) ý chí của thế lực cầm quyền. Lịch sử là khách quan, công bằng. Để đạt được sự khách quan, công bằng khi đánh giá một sự kiện, một nhân vật lịch sử, trong nhiều trường hợp là không dễ chút nào. Có nhiều người bị oan khiên rất nhiều năm, sau đó mới được chiêu tuyết. Với độ lùi của thời gian, kết cục của lịch sử và những chứng cứ tư liệu lịch sử xác đáng, người ta có thể giũ bụi thời gian, gạt bỏ những định kiến hình thành từ nhà cầm quyền và cả trong giới sử học cũng như của dân chúng trong quá khứ.
Thành công của nhà văn Vũ Ngọc Tiến khi viết tiểu thuyết lịch sử ĐỜI KẺ Sĩ là đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh có hồn và rất chi tiết về cuộc chiến, về sự tranh giành thế lực giữa các bên, với nhiều sự kiện lịch sử sống động, đa dạng phong phú và những nhân vật có tính cách, sở trường, sở đoản riêng. Điều đó làm cho người đọc cảm thấy thật sự hấp dẫn trên từng trang sách.
Cùng với quá trình tái hiện lịch sử, với cách viết 2 trong 1, tác giả Vũ Ngọc Tiến viết thêm cốt truyện ở thì hiện tại về cuộc tình éo le giữa trí thức Duy Thiện và nghệ sĩ Hoàng Lan. Họ đều xuất thân thân từ gia đình trí thức danh giá, đã có nhiều công lao đối với cách mạng. Toàn bộ cốt truyện ở thì hiện tại xoay quanh cuộc giải thoát cho Duy Thiện khỏi Viện tâm thần tỉnh H do Hoàng Lan và những người bạn thực hiện. Cặp đôi Duy Thiện - Hoàng Lan gắn bó với bao kỷ niệm từ thuở ấu thơ - một tình yêu học trò thơ mộng. Như một cơ duyên, năm 1966 học hết cấp 3 hai người cùng được phân công đi du học ở Nga. Trong hoàn cảnh mới, tình yêu của họ như được chắp cánh với những khát vọng và những dự định đẹp đẽ cho tương lai.
Bố Duy Thiện là học giả Nguyễn Hữu Đăng - hậu duệ của Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh - nhà trí thức danh tiếng có công tham gia sáng lập câu lạc bộ Khai Trí Tiến Đức hồi đầu thế kỷ 20 thời thuộc Pháp. Ông đã ủng hộ Chính phủ gần như toàn bộ tiền bạc của gia đình trong tuần lễ vàng năm 1946 và tình nguyện đưa cả gia đình lên Việt Bắc kháng chiến chống giặc.Trong chiến dịch thu đông năm 1947, giặc Pháp đã điên cuồng bắn chết cả hai ông bà và 5 đứa con lớn. Duy Thiện là đứa con út mới 20 tháng tuổi may mắn còn sống sót. Đến tuổi trưởng thành, Duy Thiện là một con người thông minh, vốn kiến thức phong phú sâu rộng, tính cách thẳng thắn, bộc trực. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Di truyền học ở Nga, về nước anh “ bị ” phân công làm việc trái nghề tại Trung tâm Khoa học Kỹ thuật nông lâm sản thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh H và là người thực thi công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của những con người dốt nát, bất tài, thực dụng.
Bước vào thời đất nước mở cửa, tỉnh H ồ ạt tiếp nhận đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp mọc lên, thêm chủ trương xây dựng mở rộng thị xã nâng cấp lên thành phố. Đi liền theo đó là sự cấu kết trục lợi tham nhũng của những người chủ trì trong bộ máy quyền lực, hình thành “ nhóm lợi ích ” - thực chất đó là băng nhóm maphia - thao túng cả chính trị và kinh tế ở địa phương với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm.
Với sự hiểu biết và bản lĩnh của mình, Duy Thiện đã làm gửi đơn khắp nơi tố cáo tình trạng tham nhũng, ô nhiễm môi trường của tỉnh H. Hơn nữa, anh còn giúp nông dân làm văn bản đấu lý chính quyền trong việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Bởi thế, các thế lực “ lợi ích nhóm” coi Duy Thiện là một “ cái gai ”, một phần tử nguy hiểm cần phải dẹp bỏ. Họ đã vu khống anh bị bệnh điên và tống anh vào Bệnh viện Tâm thần. Từ người khỏe mạnh bình thường nhưng được cấp có thẩm quyền “ chỉ thị ” nhốt cách ly và “điều trị bằng các toa thuốc đặc hiệu”, thì Duy Thiện đích thị trở thành một người tâm thần nặng. Thực chất, Duy Thiện cũng là một mẫu bi kịch của một kẻ sĩ thời nay.
Hoàng Lan là con gái của học giả Hoàng Thiếu Bảo - một trí thức yêu nước, là Đại biểu Quốc hội và là Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc thành phố. Từ thuở thiếu thời Hoàng Lan đã xinh đẹp, càng lớn càng xinh đẹp, một vẻ đẹp kiêu sa như các tiểu thư quyền quý. Nhưng một tai nạn chính trị của gia đình đã ập đến, nó là biến cố như là sự đun đẩy của thời cuộc và số phận. Năm 1967, vị học giả danh tiếng Hoàng Thiếu Bảo bị oan khiên, bị bắt giam vì được cho là dính dáng đến một vụ án chính trị của thời đó.Thời gian học giả Hoàng Thiếu Bảo bị bắt giam và chết trong tù thì gia đình ông rơi vào sự khủng hoảng, hệ lụy trầm trọng, cay đắng xót xa. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaicovsky ở Nga, Hoàng Lan sang định cư ở Pháp rồi sau ở Mỹ và số phận đã xui khiến bà gặp được David Brown - chàng trai người Mỹ giàu có, tốt bụng, mê nhạc cổ điển và hết lòng thương yêu vợ. David Brown chết trong một vụ tai nạn máy bay khi đi làm từ thiện ở Châu Phi. Nhiều năm sau đó, Hoàng Lan được thừa kế khối tài sản khá lớn từ gia đình chồng, và bà vẫn kiên trì thực hiện tâm nguyện của chồng, trích nửa phần tài sản thừa kế làm từ thiện cho các nước nghèo ở châu Phi, Mỹ La Tinh. Lần này về nước bà đã tìm được Duy Thiện, hy vọng nối lại tình xưa. Bà cũng có nguyện vọng chuyển tiền về nước đầu tư một một dự án nhân đạo cho bệnh nhân dân nghèo và vài dự án kinh tế cho người thân... Sau biết bao biến cố trong cuộc đời, với khát vọng cháy bỏng, nay nhà trí thức Duy Thiện và nghệ sĩ- đại gia Hoàng Lan được may mắn tái ngộ trong ngập tràn hạnh phúc. Đấy là một kết cục có hậu.
Trên “ cái chiếu nghỉ ”- tức là nói về câu chuyện của thời đương đại - trong tiểu thuyết KẺ SĨ THỜI LOẠN ngoài nhân vật trung tâm là Duy Thiện, Hoàng Lan, nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã đưa ra nhiều mẫu nhân vật, nhiều sự kiện, nhiều chi tiết, nổi lên nhất là về sự tha hóa, biến chất của những cán bộ có chức có quyền với những âm mưu thủ đoạn tham nhũng kinh tế lẫn chính trị ở tỉnh H, gây cho nhân dân biết bao thiệt hại. Đó như sự cập nhật thông tin với những trang văn mang hơi hướng phóng sự điều tra các vụ án.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy, đặc trưng của xã hội là sự đan xen giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa. Vấn đề là sự khác nhau về tính chất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng. Khi cái tốt thắng thế thì xã hội thịnh vượng. Ngược lại, khi cái xấu lên ngôi, thì xã hội suy vi. Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh giữa một bên là những người trung kiên vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng với phía bên kia là đại diện cho lợi ích nhóm, diễn ra quyết liệt, lâu dài, một mất một còn, mà nhiều khi chưa phân thắng bại.
Đôi điều cảm nhận của tôi về tiểu thuyết KẺ SĨ THỜI LOẠN là vậy. Những đánh giá về văn chương, học thuật xin nhường lời cho các nhà phê bình, lý luận văn học.
Chân thành cám ơn nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã gửi bản thảo cho tôi đọc trước khi ra mắt một tiểu thuyết hay, có nhiều ý nghĩa!

                                  Mỹ Đình, Tháng Chạp năm Đinh Dậu


   ĐÔI ĐIỀU ĐƯỢC BIẾT VỀ
TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO


Biết tôi ham đọc sách, thích tìm hiểu nghiên cứu các chuyên để khoa học xã hội và nhân văn, GS Nguyễn Đình Chú (với tư cách tham gia tổ chức và là người đầu tiên trình bày tham luận khoa học) mời tôi đến dự Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo” được tổ chức tại Đại học Sư phạm, ngày 7/5/2013. Tôi vui vẻ nhận lời, bởi đây là một dịp hiếm được biết về Trần Đức Thảo - Triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế - người mà GS Nguyễn Đình Chú (vốn là học trò yêu, sau đó khi tốt nghiệp Đại học, đỗ thủ khoa, được Nhà trường giữ lại làm trợ lý của Giáo sư Trần Đức Thảo) trọn đời kính trọng. Thêm nữa, tôi có một người bạn thân là Tiến sĩ Triết học rất ngưỡng mộ về tài danh của Triết gia Trần Đức Thảo. Mấy lần bạn tôi kể vắn tắt cho tôi nghe về giai thoại tranh luận dang dở giữa Trần Đức Thảo và Jean Paul Sartre xoay quanh chủ đề Hiện tượng học của Husserl với Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác. Mặc dù chăm chú cố tiếp thu, nhưng quả thật, trước những vấn đề học thuật lớn lao, với khả năng rất hạn chế, tôi chẳng hiểu được mấy, ngoài niềm kính trọng tự hào về Triết gia Trần Đức Thảo - một người Việt Nam xuất chúng trong giới học thuật thế giới.
 Dù rất háo hức, nhưng là người trái nghề, tự thấy mình lạc lõng, tôi khó thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm khi đến dự một cuộc Hội thảo khoa học lớn. Thầy Nguyễn Đình Chú xuống tận sảnh tầng 1 đón tôi lên Hội trường K1. Bước vào Hội trường, tôi tự chọn cho mình một chỗ ngồi thật khiêm nhường, dĩ nhiên là ngồi trước các sinh viên Khoa Triết của ĐHSP. Tại đó, tôi nhìn bao quát được toàn cảnh Hội trường, lặng lẽ theo dõi đầy đủ cuộc Hội thảo. Yên vị, quan sát một lượt, tôi thấy Hội trường thật sang trọng, được bài trí rất hoành tráng. Sự hiện diện của nhiều nhà khoa học sáng danh, nhiều Giáo sư, Tiến sỹ đầu đàn, “là cây đa, cây đề” của giới triết học nước nhà, như: GS.TSKH Phạm Minh Hạc, GS.TS Hoàng Chí Bảo, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, GS Hà Minh Đức, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, …cùng nhiều cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội càng làm cho tôi “choáng, ngợp”. Không choáng ngợp sao được. Về phương diện triết học, tôi không được đào tạo chuyên sâu, chỉ được học lõm bõm qua các bậc học. Và nhất là, tôi không có học hàm, học vị gì. Ở đâu và bao giờ cũng vậy, chuyên ngành học thuật có bao giờ dành chỗ cho hết thảy. Nói cách khác, tri thức không chia đều bình quân cho mọi người. Người duy nhất mà tôi quen từ nhiều năm trước đang ngồi ở hàng ghế đầu là GS.TS Lê Văn Quang, nguyên Chủ nhiệm Khoa Triết ở Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, nhưng vì ngồi từ xa mà tôi xét thấy không tiện gặp.

 Cuộc Hội thảo được thể hiện trên 3 phần : Con người và sự nghiệp Trần Đức Thảo; Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo; Các lĩnh vực khoa học khác trong tư tưởng Trần Đức Thảo. Có nhiều tham luận đề cập một cách phong phú, sâu sắc trên từng khía cạnh của nhiều lĩnh vực, xoay quanh chủ đề Hội thảo là “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo”.
Với tôi, do nhiều hạn chế vốn có, tôi chỉ nghe và đọc lại 3 tham luận mà tôi cho là hay nhất: Tham luận đầu tiên của GS Nguyễn Đình Chú với nhan đề “Triết gia Trần Đức Thảo - niềm tự hào của chúng ta”. Kế đến, tham luận của GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn: “ Trần Đức Thảo - một nhân cách, một nhà triết học tư duy không mệt mỏi”. Tiếp theo, tham luận của GS Hà Minh Đức: “Nhớ thầy Trần Đức Thảo - một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp”. Qui định của Ban tổ chức là mỗi tham luận chỉ được 10 phút, nhưng cả ba vị giáo sư đều trình bày quá thời gian. Thế mà xem ra, cả người trình bày và người nghe vẫn cảm thấy thòm thèm.
Tham luận của GS Nguyễn Đình Chú , Khoa Ngữ văn, phác thảo chân dung MỘT CON NGƯỜI được mệnh danh là triết gia duy nhất của Việt Nam, một người Việt Nam có thanh danh lớn nhất trên trường quốc tế về học thuật: Trần Đức Thảo. Tập trung thể hiện trên 5 phần: Trần Đức Thảo: người con xuất chúng của Bắc Ninh-Kinh Bắc, “cái nôi của người Việt, của văn hóa Việt”. Trần Đức Thảo: một người Việt nam trọn đời yêu nước với nhiều biểu hiện, đặc biệt là từ giã Pari hoa lệ để về nước tham gia kháng chiến giữa những ngày gian khổ, ác liệt. Trần Đức Thảo: một lưu học sinh làm vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam trên đất Pháp với tấm bằng thủ khoa thạc sĩ triết học mà đến nay chưa có người thứ hai. Trần Đức Thảo: vị triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, những tác phẩm nổi trội, có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật biện chứng nhân bản”. Trần Đức Thảo: người sáng lập bộ môn lịch sử triết học dưới chính thể Việt nam dân chủ cộng hòa tại Đại học Sư phạm Văn khoa (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Tại Đại học Sư phạm, khóa học 1954 - 1957, thế hệ sinh viên hồi đó thật may mắn được thụ giáo bởi những những nhà khoa học, những bậc danh sư - như một giàn sao sáng trên trời, một đi không trở lại - như: Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Nguyễn Lân, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Xuân Nhị,…Các sinh viên thời đó mà phần đông sau này đều thành danh trong sự nghiệp, nhiều người trở thành những GS.TS tiêu biểu.

GS Nguyễn Đình Chú - người có thâm niên 55 năm trên bục giảng Đại học Sư phạm, bồi hồi xúc động đến nghẹn ngào kể lại những kỉ niệm của mình khi được học rồi tiếp đó là trợ lý của thầy mình - Triết gia Trần Đức Thảo. Ông kể rằng, hồi đó tại Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông từ phòng chính cho đến chuồng gà hầu như hôm nào có giờ giảng của Giáo sư Trần Đức Thảo thì đều chật ních và tĩnh lặng. Có hiện tượng lạ như thế là vì tiếng đồn về Giáo sư quá lớn. Nào là đậu Thạc sĩ triết học của Escole Normale ở phố Ulm - trường danh tiếng nhất của nước Pháp- thắng Jean Paul Sartre trong cuộc tranh luận, bỏ Pari hoa lệ về nước tham gia kháng chiến. Theo hồi tưởng của GS Nguyễn Đình Chú, thì Triết gia Trần Đức Thảo trên tư cách là một nhà giáo, quả là một hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy trong ngành sư phạm. Thầy Trần Đức Thảo có cá tính độc đáo, chỉ coi trọng chiều sâu học thuật, không câu nệ bề ngoài - thậm chí bất chấp mọi khuôn mẫu, chuẩn mực mô phạm thường thấy xưa nay của người thầy giáo trên bục giảng. Bởi thế, các đồng nghiệp, học trò vô cùng yêu mến, kính trọng thầy mà nhận xét vui rằng: Thầy Thảo có bề ngoài như là phi sư phạm nhưng thực chất lại là “đại siêu sư phạm”. Thầy Thảo thường đến lớp trong tay không một mẩu giáo án, không ngồi ở ghế mà ngồi ghé mép bàn, không hề nhìn sinh viên, chỉ nhìn ngược lên trần nhà giảng đường, mà tiếng nói thì lúng búng, thỉnh thoảng tự mỉm cười. Thế mà cô cậu sinh viên nào cũng tỏ ra mình hiểu. Nếu không thì tự nhận là mình dốt sao? GS Nguyễn Đình Chú cho rằng, sở dĩ, ông có được những kết quả trong đời thì trước hết nhờ có sư phụ Trần Đức Thảo. Bởi chính Thầy Trần Đức Thảo đã gieo vào mình một ám ảnh suốt đời phải đeo đẳng và phấn đấu là sự thèm khát suy nghĩ, thèm khát một năng lực tư duy trừu tượng khoa học, dù ít dù nhiều, cái mà thầy đã có. Mặc dù trong đời sống có nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nghiên cứu khoa học thì bao giờ cũng rất, rất cần đến năng lực tư duy đó. Nói “đại siêu sư phạm” là thế. Không chỉ phát sáng cho học trò mà cao hơn nữa là làm sao gieo được vào học trò một nỗi ám ảnh suốt đời để học trò theo mình mà tự phát sáng dù ở lĩnh vực nào.
Kết luận bài viết, sau khi nói lên vị thế của Triết gia Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Đình Chú nhấn mạnh: một đất nước muốn trở thành một đất nước hùng cường, sánh vai với năm châu thế giới không thể không có triết học.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong bài tham luận: “Trần Đức Thảo, một nhà triêt học tư duy không mệt mỏi” đã tập trung khắc họa chân dung và nhân cách của nhà triết học Trần Đức Thảo với khả năng tư duy không mệt mỏi vì sự nghiệp khoa học. Ông là một nhà khoa học, một trí thức biết dấn thân, biết vượt qua khó khăn, những sự thù nghịch để trọn đời theo đuổi chân lý, đến với chủ nghĩa Mác - con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề cơ bản về phần lý luận khoa học để đấu tranh đòi tự do cho dân tộc. Sự nghiệp và nhân cách của ông rất đáng được kính trọng, rất đáng được tôn vinh và thật sự đã được tôn vinh dù có hơi muộn màng. Trước những năm 80 của thế kỷ XX, Trần Đức Thảo (1917- 1993) được giới triết học phương Tây biết đến nhiều hơn những người nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam đọc ông, biết đến các công trình của ông và hiểu ông.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, khi ông đang làm nghiên cứu sinh triết học tại Liên Xô (cũ), trong một buổi báo cáo khoa học, một phụ nữ không quen biết đến ngồi cạnh và hỏi, ông có phải là người Việt Nam không. Ông trả lời, vâng, đúng thế! Bà ta hỏi tiếp, ông có quen nhà triết học Trần Đức Thảo không. Ông Chuẩn trả lời rằng, tôi có biết nhưng chưa bao giờ được gặp ông ấy. Bà ta tỏ vẻ ngạc nhiên và nói ngay rằng, tôi rất thích cuốn “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” của Trần Đức Thảo bằng tiếng Pháp”. Hóa ra là, Trần Đức Thảo không chỉ được giới triết học phương Tây mà cả giới triết học Liên Xô lúc bấy giờ cũng đã biết đến ông từ trước đó.
Tiếc rằng, ở trong nước có không ít người nghe đến tên ông Trần Đức Thảo nhưng lại chỉ biết về ông như là người có liên quan đến vụ “Nhóm nhân văn”. Việc ông không được nhiều người biết đến là do các công trình của ông dù được viết tại Việt Nam hay được viết tại Pháp, rồi được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và được xuất bản ở các nước như Hunggari, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…Ngoài ra, cũng có thể, suốt một thời gian dài ở nước ta những công trình nghiên cứu mang tính khoa học đều bị coi là thứ xa xỉ, là xa lạ rời thực tế. Người ta chỉ chăm chăm vào những cái gì mang tính minh họa hoặc thuyết minh. Hơn nữa, trong nhiều năm, việc công bố hoặc truyền bá những gì dính dáng tới những người có liên quan đến vụ “nhân văn” là điều tối kỵ và thậm chí không được phép. Những nguyên nhân cốt tử đó đã không thể đưa các tác phẩm của Giáo sư Trần Đức Thảo đến với công chúng rộng rãi cũng như những người giảng dạy triết học nhưng không thông thạo tiếng Pháp, không trực tiếp sử dụng được Pháp ngữ.
Suốt trong nhiều năm, từ cuối nhứng năm 50 cho đến cuối đời, nhà trí thức lớn Trần Đức Thảo dù bị o ép và sống trong cảnh túng thiếu, không có chỗ để sách, không có nơi làm việc, nhưng ông vẫn không ngừng công việc nghiên cứu của mình. Đặc biệt, từ đầu năm 1988, sau khi chuyển vào thành phố Hồ chí Minh, cuộc sống của ông càng khó khăn hơn. Trong mọi khó khăn, Trần Đức Thảo không đánh mất mình. Suốt những năm sau khi về nước, ông kiên trì theo đuổi các công trình nghiên cứu và nhờ đó các bài báo, các công trình được đăng cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.
Sự nghiệp và cuộc đời của Trần Đức Thảo là sự nghiệp của một nhà khoa học biết dấn thân, biết vượt qua những khó khăn, những sự thù nghịch để trọn đời theo đuổi chân lí.

GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận báo cáo chủ đề: “Nhớ thầy Trần Đức Thảo, một triết gia thông thái, một nhân cách đẹp”. Bài viết hồi tưởng lại những ấn tượng sâu sắc của một học trò đã trực tiếp được Giáo sư Trần Đức Thảo giảng dạy các bài giảng Lịch sử tư tưởng triết học. Cuộc đời Giáo sư Trần Đức Thảo dù gặp phải những vất vả, nhưng thầy không hề oán giận, trách móc. Thầy vẫn lặng lẽ sống, chịu đựng, quan tâm đến nghiên cứu khoa học, nhận những công việc được giao phó và hoàn thành có trách nhiệm. Với tư cách là một nhân chứng lịch sử, GS Hà Minh Đức khẳng định tầm vóc trí tuệ và nhân cách trong sáng của thầy mình - Giáo sư Trần Đức Thảo.

GS Hà Minh Đức kể rằng, hồi đó, thầy Thảo dạy về triết học duy tâm chủ yếu là phương Tây. Giáo trình dài nhưng phần nhập tâm nhiều hơn đối với sinh viên là triết học trước Mác với các tác giả nổi tiếng như Kant, Phơbach, Hégel…Là một nhà duy tâm nổi tiếng, Trần Đức Thảo bắt đầu từ đâu với triết học duy vật biện chứng. Nghe nói, hồi đó có một vị lãnh đạo nói với GS rằng, anh không thể bước từ đỉnh của triết học duy tâm sang đỉnh của triết học duy vật, mà phải đi xuống đã, rồi từ dưới leo lên đỉnh cao của triết học duy vật. Mỗi khi thầy vào lớp, mọi người đứng dậy chào, thầy khẽ gật đầu và bắt ngay vào giảng, tay cầm micro nói một hơi cho tới giờ nghỉ. Thầy lên văn phòng một lúc rồi quay về lớp giảng tiếp một hơi cho đến kết thúc. Không nói hùng hồn, hùng biện như các thầy Trần Văn Giàu và Trương Tửu mà giọng nói đều đều không vội vàng, không vấp váp như nước trong nguồn chảy ra. Phải có một tư duy hệ thống có logic chặt chẽ trong cấu tạo ý tưởng mới có thể chuyển tải bài giảng dài không hề lệ thuộc vào sách vở. Có lúc một tay thầy cầm micro, một tay đút túi quần, mắt như nhìn sinh viên mà không nhìn vào ai cụ thể. Lớp cử ra hai người là Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia, hai sinh viên thông minh, giỏi và chữ đẹp, viết nhanh để ghi lại lời thầy. Không có ghi âm hoặc yếu tố nào hỗ trợ, hai sinh viên Nguyễn Đình Chú và Phạm Hoàng Gia được dành 2 ghế ở hàng đầu có đánh dấu phấn để tiện công việc. Về xem lại phần ghi chép và gửi đến thầy, thầy chỉnh lí và cho in. Giờ học sau, cả lớp đã có bài giảng chu đáo, kịp thời. Có người nói vui, thầy nào cũng như thầy Thảo thì việc viết sách giáo khoa rất thuận tiện, mà chẳng tốn kém như bây giờ. Giáo trình Lịch sử tư tưởng triết học đã ra đời như thế. Nhưng điều đáng quí là, đã tạo cho sinh viên làm quen với tư duy trừu tượng. Một nhược điểm không dễ khắc phục với lối nghĩ cảm tính và cảm nhận cụ thể. Quá trình khái quát hóa và trừu tượng hóa rất cần cho học tập và nghiên cứu khoa học của mọi người. Người ta thường nhắc đến khả năng trừu tượng hóa siêu việt của Hégel và sau này một số triết gia phương Tây tiếp nối được.
Theo GS Hà Minh Đức, từ Việt Bắc về Hà Nội, Giáo sư Trần Đức Thảo vẫn giữ được vốn quí triết học, nhưng về chính trị thầy chưa trải nghiệm qua nhiều thử thách. Đúng lúc phong trào Nhân văn giai phẩm xuất hiện, Giáo sư Trần Đức Thảo đã viết bài: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ (đăng Nhân văn số 32, 15-10-1956). Trong đó tác giả đề cao, nhấn mạnh đến yêu cầu tự do phát triển cá nhân; phê phán những tư tưởng làm hạn chế sự phát triển của xã hội như : quan liêu, bè phái, giáo điều, sùng bái cá nhân. Kết quả là, Giáo sư Trần Đức Thảo bị ngừng giảng dạy, một số cuộc họp trong Trường ĐHSP phê phán Giáo sư Trương Tửu và Giáo sư Trần Đức Thảo khá nặng nề. Sau nhiều năm chịu đựng nhiều vất vả, nhưng Giáo sư Trần Đức Thảo không hề oán hận, trách móc, thầy vẫn lặng lẽ sống và quan tâm đến nghiên cứu khoa học.
Tháng 9-2000, Giáo sư Trần Đức Thảo được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - đây là sự giải tỏa, điều minh oan cho Thầy.

Giải thưởng Hồ Chí Minh mà Nhà nước truy tặng Giáo sư Trần Đức Thảo là căn cứ trên hai công trình khoa học tiêu biểu nhất của ông : “Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng” , “Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức”.
Được biết, Triết gia Trần Đức Thảo để lại cho đời hơn 15.000 trang viết bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pháp, Đức. Chỉ riêng công trình Danh mục về di sản của Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo do cố Tiến sĩ Cù Huy Chữ sưu tầm biên soạn cũng đã gần 700 trang. Có thể nói, trên đất nước ta thật hiếm có được người như ông.
Sự nghiệp và thanh danh của Triết gia Trần Đức Thảo to lớn như thế, nhưng nội dung triết học cụ thể của ông là gì, thì đối với số đông học giới Việt Nam ta, xem ra lại là điều không dễ dàng. Theo GS Nguyễn Đình Chú, một người muốn hiểu được một cách tương đối thấu đáo về tư tưởng triết học của Triết gia Trần Đức Thảo, thì phải phải hội đủ 4 điều kiện cần thiết là: Về ngoại ngữ, phải thành thạo tiếng Pháp và tiếng Đức. Phải có trình độ nhất định về triết học thế giới - đặc biệt là triết học phương Tây. Phải có hiểu biết tới mức cần thiết của khoa học tự nhiên (cứ nhìn những sách tham khảo một cách uyên bác mênh mông của Triết gia sẽ thấy phải như thế). Quan trọng hơn nữa là, phải có năng lực tư duy trừu tượng khoa học như thế nào đó thì mới thâm nhập được vào tác phẩm của Triết gia, trong khi đất nước mình vốn có thế mạnh về tư duy cụ thể mà nghèo về tư duy trừu tượng.
Về tài năng to lớn của Giáo sư Trần Đức Thảo, có thể khái quát gọn trong một câu khẳng định của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Mình không có truyền thống triết học. Nếu có thể nói, có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo”.


Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

LỜI BÌNH VỀ MỘT TẬP THƠ

Sáng nay, 20/6/2020, vào Fb thấy Tập thơ Tiếng vọng thời gian của Đại tá, PGS.TS Vũ Đăng Hiến đã được NXB Hội Nhà văn xuất bản.
Sau Tập thơ Màu cát tôi yêu, đây là Tập thơ thứ hai, Vũ Đăng Hiến “ trình “ làng. Xin chúc mừng Anh !
Là người cùng xã, cộng thêm chút “ máu “ văn chương dù không chuyên
nghiệp, tôi đều được Vũ Đăng Hiến mời viết Lời bình cho cả hai Tập thơ.

Vẫn biết, “ điếc không sợ súng “, tôi đưa lên mạng Fb để bà con coi thử. Xin mọi người coi đây như là sự quảng bá về thơ Vũ Đăng Hiến vậy !
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỚI “ TIẾNG VỌNG THỜI GIAN ”
Nguyễn Mạnh Đẩu
Thời gian - tự bản thân nó - không hình hài, âm thanh, sắc màu. Thế nhưng, hình hài, âm thanh, sắc màu của thời gian được vọng lại, được tạc ghi phản ánh sâu đậm qua mọi sự vật, hiện tượng trong số phận đời người hoặc trong lịch sử dân tộc. Thời gian không bao giờ ngưng nghỉ. Thời gian - một khái niệm chỉ một hiện tượng vô hình của vũ trụ - Song lại hiện diện hữu hình chi phối cuộc sống con người. Dấu ấn thời gian lưu lại trong cuộc đời của mỗi chúng ta qua mỗi ngả đường, trên từng lối rẽ.
Tựu trung lại, thời gian là thước đo chung cho mọi cuộc đời. Vì thế, thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Ngoảnh mặt với thời gian là ngoảnh mặt với cuộc đời. Bàn về ý nghĩa của thời gian thì muôn màu, muôn vẻ. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều người viết và bàn về thời gian với những cảm thức khác nhau.
Cách đây ngót 80 năm, nhà thơ Đoàn Phú Tứ cũng đã có một bài thơ với tựa đề MÀU THỜI GIAN với những câu thơ thật hay : “ Trời này phảng phất nhuốm màu thời gian” , “ Hương thời gian thanh thanh / Màu thời gian tím ngát”.
Tiếng vọng thời gian - tập thơ của Vũ Đăng Hiến - mà bạn đọc đang cầm trên tay là tiếng đồng vọng tâm hồn của tác giả khi hồi tưởng từng chặng đời đã qua, về quê hương và ký ức của tuổi thơ, về đồng đội một thời binh lửa, để mà hoài niệm, suy tư, chiêm nghiệm những điều trân quý, chưng cất thành ý tứ, ngôn từ, ngữ điệu làm nên tập thơ. Năm tháng qua đi, bụi thời gian có thể phủ nhòa lên tất cả. Nhưng với Vũ Đăng Hiến, những miền ký ức ấy như còn mới nguyên, tươi rói. Bởi trong anh, tình yêu gia đình, quê hương, đồng đội sâu nặng đã trở thành máu thịt và là nỗi niềm hoài niệm thiêng liêng trong tâm hồn anh. Tất cả đã trở thành nguồn thi liệu dồi dào cho những vần thơ chan chứa cảm xúc, đằm thắm, trữ tình.
Với trái tim không vơi cạn tình yêu, bất chấp thời gian, tuổi tác, trong vài năm qua, Vũ Đăng Hiến cho ra đời hai tập thơ có giá trị, để lại dấu ấn sâu lắng trong lòng bạn đọc. Tập thơ Tiếng vọng thời gian tiếp nối tập Màu cát tuổi thơ nằm trong chuỗi những bài thơ viết về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Thêm một lần nữa, khẳng định năng khiếu văn chương và tình yêu quê hương sâu nặng của Vũ Đăng Hiến - một Thi sĩ, Chiến sĩ - một Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học quân sự, có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Sự đa cảm của tâm hồn thi nhân giao hòa với cảnh vật và con người tạo nên những bài thơ hay để lại những suy ngẫm sâu xa khi đọc thơ Vũ Đăng Hiến.
Tôi đã đọc hết các bài thơ trong tập Tiếng vọng thời gian với một sự say mê, háo hức. Có thể nói, thơ Vũ Đăng Hiến rất dễ hiểu và rất tự nhiên dung dị như là anh đang nhỏ nhẹ tâm tình. Nhưng lại rất dễ thấm vào lòng người đọc. Vũ Đăng Hiến làm thơ không theo một thi pháp nhất định, không nghiêm ngặt khắt khe về văn phong, niêm luật, không nặng nề về cú pháp. Nhưng mỗi bài đều có sắc thái, ngân nga một giai điệu riêng. Có những bài thơ lục bát mộc mạc chân thành mang hơi thở hồn quê bình dị với những tên làng, tên đất thân quen. Có những lúc thơ anh tràn đầy cảm xúc đến nghẹn ngào khi anh viết về cha mẹ với những kỷ niệm yêu thương sâu nặng như lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, hay nụ hôn nồng ấm của cha trong ngày anh nhập ngũ:

“ Nụ hôn khi con bước vào đời
Không phải của người yêu
Mà của cha tặng con ngày ra trận
Giữa điệp trùng hàng quân đang đứng
Vít đầu con hôn bên nớ, bên ni
Kỷ niệm này cứ theo mãi suốt đời con ’’

( NHỚ CHA )
Có bài thơ trào lộng với đời qua những sự việc hàng ngày như hỏng ổ máy tính hay chuyện chơi chim, giọng thơ hài hước dí dỏm. Nhưng sao mà sâu sắc, trữ tình đến thế. Hay khi anh nhắc đến kỷ niệm tuổi thơ cùng bè bạn thì giọng thơ anh sôi nổi, vui vẻ, trẻ trung đến lạ lùng. Anh đang sống bằng ký ức trẻ thơ ...
Tất cả những kỷ niệm về quê hương, gia đình, bè bạn và đồng đội đã được anh gom góp và nâng niu trân quý lưu giữ trong miền hoài niệm của ký ức, để rồi theo anh suốt cuộc đời. Đó là thứ hành trang làm nên Tiếng vọng thời gian.
Tôi thực sự cảm động trước tình yêu quê sâu nặng của anh. Anh nâng niu từng vẻ đẹp của quê hương - một miền quê gió lào cát trắng, nhưng lại có núi non, sơn thủy hữu tình, nơi đó cách biển Cửa Lò thơ mộng không bao xa. Đọc những bài thơ của anh, thấy trong tim người thi sĩ luôn cháy bỏng một nỗi nhớ thương quê hương da diết. Đọng trong ký ức của anh là những hình ảnh thân thương của quê hương:

“ Quê tôi muối mặn gừng cay
Ngọt câu ví dặm đắm say lòng người
Dẫu đi khắp bốn phương trời
Con đường phía cuối là nơi cội nguồn ”.

( TRỞ VỀ )
“ Thương lắm quê mình miền Trung xứ Nghệ ” - Một tấm lòng đau đáu với quê hương yêu dấu của một người con xa quê, thương cho một miền quê nghèo với bao vất vả gian lao:
“ Dù đi ở nơi mô
Cũng nhớ về bãi bờ cát trắng
Thương nhớ quê nghèo nên tấm lòng sâu nặng
Thương lắm quê mình miền Trung xứ Nghệ ”

( NHỚ QUÊ )
Trong thơ anh còn luôn khắc khoải nhớ về những hoài niệm tuổi thơ với những trưa hè chang nắng đi học về với đôi chân trần bỏng rát trên con đường ngập cát trắng, rồi lại cùng chúng bạn xuống ngụp lặn dưới dòng sông quê. Giờ đây, khi đã bước vào tuổi xế chiều, tóc đã pha sương, anh vẫn muốn trở về đi tìm dấu xưa nơi miền quê đã từng lưu giữ từng ký ức hoa niên của mình :
“ Nếu được ước một điều gì đó
Tôi vẫn ước về miền ký ức tuổi thơ
Cùng đám bạn tung tăng đến lớp
Và cởi truồng tắm nước sông quê ”.

( NẾU ĐƯỢC )
Tiếng vọng thời gian còn là tiếng đồng vọng của những năm tháng gian lao trong cuộc đời quân ngũ của tác giả. Trải qua bao năm tháng, chiến tranh đã lùi xa, anh đã giã từ cuộc đời binh nghiệp. Nhưng, cho tới tận giờ vẫn đọng lại trong anh nghĩa tình đồng đội thiêng liêng, sâu nặng:
“ Đi qua khói lửa chiến tranh
Để thêm sâu nặng nghĩa tình chiến binh
Mừng ngày đất nước thanh bình
Nhớ về đồng đội nghĩa tình tìm nhau”.

( VIẾT TẶNG ĐỒNG ĐỘI NHÂN NGÀY 30 / 4 )
Cũng như bao nhiêu người lính khác, khi được trở về để đón mừng ngày chiến thắng và được sống cuộc đời hạnh phúc, Vũ Đăng Hiến không khỏi khắc khoải, xót xa khi nghĩ về những người đồng đội đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi còn xanh:
“ Tiếng vọng thời gian là kỷ niệm chiến trường
Bao đồng đội đầu còn xanh
Chưa một lần trở về thăm mẹ
Yên nghỉ nơi đâu....”.

( TIẾNG VỌNG THỜI GIAN )
Có thể thấy, Tiếng vọng thời gian là tiếng lòng chất chứa bao tình cảm yêu thương, cùng với nó còn là tâm trạng buồn vui với bầu bạn, với cuộc đời qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Sự trải nghiệm trong cuộc đời với những đắng cay, ngọt bùi đã nếm trải cũng như nhân tình thế thái mà anh đã gom góp lại thành một trang đời, một trang thơ đậm nét. Vốn dĩ viết văn, làm báo là “ Nghề tay trái ” của anh, cùng với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trái tim anh luôn rung động với cuộc đời và những hình ảnh thân thương gần gũi của cuộc sống đều có thể nên thơ. Để rồi hôm nay bạn đọc mới được đón đọc tập thơ Tiếng vọng thời gian của Vũ Đăng Hiến.
Ai đó đã từng nói “ Đời người là những chuyến đi”. Con người ta thường tự ví mình như con thuyền lênh đênh trên dòng sông thời gian dài rộng, mênh mông, khi êm ả, khi cuộn trào thác lũ. Trong mỗi chặng sông đời ấy, đã để lại biết bao điều thi vị ngọt ngào, đắng đót. Và đến một ngày, khi tĩnh tâm lại, con người thường hồi tưởng về những miền quá khứ ắp đầy kỷ niệm để chiêm nghiệm và vung bút viết lên những bài thơ chan chứa tình người, dạt dào cảm xúc - Ấy là tiếng vọng của thời gian.
Thơ là người. Trong tập thơ của Vũ Đăng Hiến hội đủ: Tứ - Tình - Hình - Nhạc trên từng cung bậc cảm xúc, mà cung bậc nào tác giả cũng đẩy tới tận cùng.
Là đồng hương một xã, lại cùng trang lứa - sinh ra từ trong nghèo khó, lớn lên gặp thuở chiến tranh rồi phấn đấu trưởng thành trên con đường binh nghiệp dài lâu đầy gian khổ ác liệt hy sinh - tôi thấu hiểu và cảm mến sự rung động tâm hồn thi ca của Vũ Đăng Hiến.

Xin được lấy khổ thơ mở đầu bài TIẾNG VỌNG THỜI GIAN của tác giả để thay cho lời kết bài viết : “ Khi cuộc đời đã bên kia đỉnh dốc / Tiếng vọng thời gian ùa về trong ký ức / Kỷ niệm cuộc đời như dòng chảy một con sông / Bao trăn trở đều nặng lòng về quá khứ ”.
Tôi đồ rằng, với năng khiếu, bút lực dồi dào, cùng vốn sống trải nghiệm phong phú, Nhà thơ - Chiến sĩ Vũ Đăng Hiến sẽ còn ra mắt nhiều bài thơ, tập thơ hay và sâu sắc hơn nữa.

Mỹ Đình, tháng 5 năm 2020
N M Đ