Menu ngang

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

 THUA TRONG DANH DỰ

Với thể hình, thể lực, tốc độ và kỹ thuật tốt hơn, cầu thủ UAE kiểm soát bóng hầu hết các tình huống tranh chấp. Cục diện trong phần lớn thời gian trận đấu nghiêng hẳn về UAE.
Cầu thủ Việt Nam do thể lực yếu hơn, khó giành được bóng, nhiều khi chuyền hụt. Có thể do tâm lý bị ngợp, bị chùn chân. Một số cầu thủ đá dưới khả năng vốn có. Bên cạnh đó, có các cầu thủ vẫn chơi tự tin: Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Trọng Hoàng, Hoàng Đức, Phan Văn Đức, Tiền Linh và các cầu thủ vào thay trong Hiệp 2 như : Đức Huy, Công Phượng, Hồng Duy & Minh Vương.
Về chiến thuật, Hiệp một và phần đầu Hiệp hai, có thể do tư tưởng thủ hoà, nên thiên về phòng ngự thụ động, không mạnh dạn phản công. Thực ra, bóng chỉ lăn trên phần nửa sân. Cầu thủ Việt Nam hầu như không có cơ hội nào đưa bóng vào gần khung thành UAE.
Phút 32, chỉ vì chút thiếu tập trung sau khi nghỉ uống nước của hàng thủ cánh trái, cầu thủ UAE đoạt được bóng chuyền cho số 5 Hasan thoát xuống đối mặt với Tấn Trường, ghi bàn mở tỉ số 1-0.
Phút 40, Tấn Trường phạm lỗi với tiền đạo trong vòng cấm, bị phạt penalty.
Số 7 Mashan sút sệt ghi bàn thứ 2.
( Thực ra, quả penanty này là quyết định sai của ông trọng tài người I Raq . Vì Tấn Trường lao đổ người theo bóng làm cho tiền đạo UAE bị ngã, chứ không phải cố ý đốn ngã đối phương).
Vào Hiệp hai, Việt Nam dâng đội hình lên tấn công. Phút thứ 47, Công Phượng tự tin cầm dốc bóng vào vòng cấm, nhưng vì không có đà, lực sút nhẹ, thủ môn UAE bắt gọn.
Phút 49, đội UAE chơi áp sát. Số 15 đánh đầu cận thành, Tấn Trường kịp đẩy ra, nhưng Số 21 đánh đầu bồi tiếp, ghi bàn thứ 3.
Thua 0-3, những tưởng Việt Nam nhụt chí, sẽ buông xuôi & vỡ trận. Nhưng các cầu thủ chúng ta vẫn kiên cường phòng ngự và chủ động cầm bóng phản công. Triển khai bóng có đường nét hơn.
Phút thứ 60, Công Phượng cầm bóng áp sát khung thành bị hậu vệ UAE đốn ngã. Nhưng ông trọng tài cướp không Việt Nam một quả penalty. Không biết có ăn tiền của chủ nhà không nữa ! Dám lắm !
Phút 84, có sự phối hợp đẹp của Việt Nam. Từ trung lộ Quang Hải chuyền cho Minh Vương. Minh Vương chuyền nhanh cho Tiến Linh. Và Tiến Linh đã chớp thời cơ ghi bàn mở tỉ số cho Việt Nam.
Phút bù giờ thứ 2, Đức Huy chuyền bóng cho Minh Vương sút căng bóng cận thành ghi bàn thứ 2 cho Việt Nam.
Tỉ số 3-2 là phản ánh đúng tương quan lực lượng và cục diện trận đấu.
Mà phải thôi, trên bảng xếp hạng của FIFA, UAE xếp thứ 67, Việt Nam xếp thứ 90. Đó là chưa nói đến lợi thế sân nhà ( thời tiết khí hậu, khán giả, mặt sân & có thể cả trọng tài nữa ) của họ.
Điều đáng buồn là, ông trọng tài người I Raq đã biếu cho đội UAE một quả penalty và lại cướp không đội Việt Nam một quả penalty. Chẳng biết, ông ta có ăn tiền của nước chủ nhà hay của tổ chức cá độ bóng đá hay không nữa!
Mặc dù thua UAE 2-3, nhưng phải khẳng định rằng, các cầu thủ Việt Nam đã không nản chí. Khi bị dẫn trước tới 3 quả, vẫn bình tĩnh kiên cường lội ngược dòng. Tiếc rằng, 2 bàn thắng ghi được nếu sớm hơn thì cục diện trận đấu có thể khác. 94 phút thi đấu, thì mất 86 phút loay hoay gồng lên chống đỡ bị động. Chỉ trong vòng 8 phút cuối trận, từ phút 84 đến phút 92, ghi được 2 bàn.
Thế mới biết, triết lý bóng đá: cách phòng ngự tốt nhất là chủ động chớp thời cơ phản công.
Điều đó không chỉ dành riêng cho bóng đá!
Hoan nghênh toàn thể đội tuyển và HLV Park đã lập công đưa bóng đá Việt Nam vào vòng 3 vòng loại World 2022 khu vực châu Á - Điều xưa nay chưa bao giờ có !

 TRẬN CHIẾN ĐẤU ĐẦU TIÊN -

THỦNG HAI CHIẾC NỒI


N M Đ

Ngoài trang bị chiến đấu như: súng CKC, lựu đạn, xẻng, bao gạo, tấm bạt trải nằm, tôi được anh Cao Sỹ Tính ( quê Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình ), Tiểu đội phó giao cho mang hai cái nồi. Nồi to dùng để nấu cơm đủ ăn 7 người. Nồi nhỏ dùng để nấu thức ăn. Tôi đặt cái nồi nhỏ trong nồi to, dùng giây vải buộc chặt mang úp vào sau lưng như ba lô vậy. Chính hai cái nồi này, với tôi, có một kỷ niệm không bao giờ quên.
Sự thể là, trong trận đánh quân địch ở ngoài công sự ở gần Huội Mua, ngày 22 tháng 2 năm 1965. Cuộc đời binh nghiệp của tôi đã trải qua nhiều trận chiến đấu - bộ binh có, đặc công có. Nhưng quả thật, tôi không bao giờ quên trận chiến đấu đầu tiên.
Lúc khoảng 3 giờ chiều, ánh nắng còn chói chang chiếu xuống cánh rừng khộc rộng lớn. Lá khộc đã rụng hết, trơ lại cành khô, phía dưới là đất trơ cằn. Thỉnh thoảng có một vài vạt cỏ tranh xơ xác đã ngả màu vàng. Cả Tiểu đoàn chúng tôi bố trí hàng dọc đang tiến vào địa bàn quân địch thường hoạt động. Đội hình hành quân chiến đấu là: Tổ trinh sát Tiểu đoàn đi trước, theo cách sâu đo để vừa đi vừa thăm dò địch. Sau Tổ trinh sát là Đại đội 2 chúng tôi. Trung đội chúng tôi đi trước, Tiểu đội 4 dẫn đầu.
Đến một khu rừng khộc, thấy phía trước có nhiều ụ khói bốc lên. Khả nghi có quân địch, trinh sát báo cáo về phía sau. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên ( quê Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An ) đầu cắt trọc, người đỏ au, quàng một mảnh dù nhỏ, không mang vũ khí, chạy vội lên trước. Bám theo ông Nhiên là anh Xiểm liên lạc ( quê Con Cuông, Nghệ An ). Ông Nhiên lệnh cho toàn đơn vị dừng lại triển khai đội hình chiến đấu. Giao cho trinh sát tiềm nhập sâu vào phía trong bám địch. 
Khoảng nửa tiếng sau, anh Cao Sỹ Nguyên ( quê Tân Ấp, Minh Hóa, Quảng Bình ), Tiểu đội trưởng trinh sát quay ra báo cáo với Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên. Ông Hoàng Nhiên giao cho anh Xiểm liên lạc chạy về phía sau đội hình mời ông Nguyễn Khuốc ( quê Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình ), Chính trị viên Tiểu đoàn lên hội ý. Thấy hai ông hội ý chừng 5 phút, ông Nhiên cho triệu tập các Đại đội trưởng lên giao nhiệm vụ. Anh Tèo, Đại đội trưởng nhận nhiệm vụ Đại đội 2 làm mũi tấn công chủ yếu.
Chúng tôi được lệnh tiếp tục tiềm nhập để rút ngắn cự ly với địch. Được chừng 100 mét thì dừng lại chờ hỏa lực của Tiểu đoàn khai hỏa. Cối 82 ly và ĐKZ 75 ly của Tiểu đoàn bắn cấp tập khoảng 10 phút thì dừng. Chúng tôi bắt đầu nổ súng tấn công. Với tôi đây là trận đầu thử lửa. Tôi hồi hộp lắm. Nghe tiếng đạn cối nổ đanh, chát chúa, đạn bắn thẳng tới tấp, ràn rạt, nhiều viên đạn vạch đường đỏ rực, chiu chít bên người, ban đầu, thật sự tôi cũng sợ, cũng hoảng. Nói không sợ là tự dấu lòng mình! Nhìn sang bên phải thấy anh Liệu đã bắn được một quả B40, nòng còn bốc khói. Nhìn sang bên trái thấy anh Các đã xiết được mấy tràng trung liên, vỏ đạn bay rào rào. Cạnh tôi, anh Bài đang ghì khẩu AK vào gốc cây khộc, xiết cò từng điểm xạ ngắn. Mới khoảng 4 giờ chiều, giữa rừng khộc đã cháy trụi, ở cự ly không tới 100 mét, tôi nhìn quân địch rõ lắm. Trong khung cảnh đó, tôi bình tĩnh lại, ngắm bắn từng viên, nhoắng một chút hết một kẹp đạn CKC 10 viên. Tôi thò tay vào bao đạn lấy thay sang kẹp khác. Bỗng nghe một tiếng choang rất đanh, tôi tưởng mình đã bị thương nhưng chẳng thấy đau mà sờ xung quanh người cũng không có máu.
Anh Bài hô:
- Tất cả tiểu đội chuẩn bị xung phong.
Tôi đưa tay dương lê lên vì cho rằng, sắp đánh nhau giáp la cà, phải dùng đến lưỡi lê để đâm. Thấy thế, anh Bài hét to như quát:
- Đẩu gấp lê lại ngay!
Như một cái máy, tôi gấp lê lại, dẫu chẳng hiểu vì sao. Khi vượt qua con suối cạn để xông vào trại địch, các loại hỏa lực của chúng bắn ra tua tủa. Anh Duyến, anh Thoại ( quê Quảng Trạch, Quảng Bình ) chiến sĩ Tiểu đội 5 hy sinh tại chỗ. Quyết không dừng lại, cả Trung đội chúng tôi đồng loạt xông lên. Gần 10 phút sau, chúng tôi chiếm lĩnh toàn bộ trại địch. Một bãi chiến trường ngổn ngang nhà cháy, vách đổ, đất cát bị cày xới bởi những hố đạn đen ngòm. Mấy xác chết, cái thì cháy đen, cháy sạm, cái thì loang lổ bê bết máu. Trong tay có đứa còn cầm súng. Nhìn vào bếp, thấy mấy tuýp (liễn) xôi còn nóng hôi hổi, tôi cầm luôn. Lệnh của chỉ huy, đơn vị phải thu dọn chiến lợi phẩm - chủ yếu là vũ khí - và rút ra ngay đề phòng pháo địch oanh kích vào trận địa.
Xuyên rừng độ hai tiếng đồng hồ sau, đến chỗ dừng lại trú quân, anh Tính tiểu đội phó bảo tôi cởi nồi ra để nấu cơm tối. Tôi vừa hạ xuống thì thấy cả hai cái nồi bị một viên đạn xuyên thủng từ phía trước ra phía sau ( từ bên nọ sang bên kia nồi ).
Cả tiểu đội xúm lại nhìn.
Anh Bài nói:
- Như vậy là số cậu cao. May mà thằng Phu Mi bắn hơi chếch lên một chút. Nếu viên đạn hạ xuống 10 cm thôi, thì hôm nay Đẩu nhà ta đã thành liệt sỹ rồi.
Tiếp đó, anh còn giải thích với tôi rằng, sở dĩ chiều nay thấy tôi dương lê lên bị anh quát, là vì, lúc xung phong cự ly cách địch còn chừng 100 mét, dương lê lên sẽ bị vướng không chạy được.
Tối đó, may mà có hai liễn xôi tôi lấy được trong trại địch, không thì cả tiểu đội nhịn đói sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Trận đó tiểu đôi tôi không ai việc gì. Cả Trung đội hy sinh hai người.
Sau này về hậu cứ ở bản Nôn Nhang gần Thị trấn Mường Phìn để họp rút kinh nghiệm trận đánh.
Có ý kiến từ cấp trên phê phán rằng: Đó là một trận đánh không thắng lợi chứ chưa nói đến thất bại. Về hình thức chiến thuật giống như một trận càn. Mà càn thì không có trong các loại hình tác chiến của quân đội ta. Chỉ đánh vỗ mặt không tổ chức lực lượng bao vây, chia cắt, vu hồi quân địch. Hiệu quả chiến đấu thấp. Cả một tiểu đoàn đầy đủ binh, hỏa lực không tiêu diệt nổi hai trung đội địch ngoài công sự.
Cán bộ Tiểu đoàn thì cho rằng, đây là hình thức tao ngộ chiến. Đã ai biết được lực lượng địch là bao nhiêu. Giữa rừng khộc bằng phẳng, mênh mông, lính Phu Mi như thổ phỉ khó đánh tiêu diệt được.
Biết làm sao được, người xưa đã từng dạy, kiến dĩ tác nan mà!
Hàng mấy chục năm sau, năm 1999, tôi gặp lại anh Bài lúc anh đã là Đại tá, Trung đoàn trưởng, nghỉ hưu ở Hà Nội. Chúng tôi cười vui ôn lại chuyện xưa. Anh trìu mến ghì chặt lấy tôi như thuở ngày xưa:
- Trời ơi, thằng em út của Tiểu đội ngày nào mặt búng ra sữa, bây giờ đã thành ông Thiếu tướng rồi ư!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh đấy tôi ta và nói trêu:
- Này, Đẩu ơi, em sờ lại sau lưng xem hai cái nồi còn không?
Cứ thế anh em rưng rưng nói về một thời cùng chiến đấu bên nhau trong ác liệt khó khăn, gian khổ mà rất tình nghĩa.
Anh Đinh Xuân Bài ( quê Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh ) là người chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, gương mẫu về mọi mặt. Tôi nhớ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tháng 2 năm 1971, tôi giữ chức Chính trị viên Đại đội Đặc công, thì anh Bài giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3. Trong một trận chiến đấu quyết liệt, anh bị thương và bị quân địch bắt đưa lên trực thăng để chuyển về căn cứ của chúng.
Khi máy bay mới rời mặt đất được chừng dăm mét, anh lao mình ra cửa nhảy xuống đất. Khá bất ngờ, bọn địch tức tốc dùng súng bắn anh mà không trúng.
Bữa đó anh thoát được nhưng bị chấn thương cột sống, đau lưng một thời gian khá dài.
Trong đời sống anh giản dị, khiêm nhường mà thẳng thắn, chân thành, được đồng đội quí mến. Anh là người trưởng thành từ chiến sĩ ( năm 1962 ) lên tới Trung đoàn trưởng ( năm 1975 ) trong cùng một đơn vị cho đến khi nghỉ hưu ( năm 1985 ).
Khi anh nghỉ hưu, quân đội cấp cho anh hai gian nhà cấp bốn trên mảnh đất hơn 100 mét vuông trên mặt đường ở Xuân La, gần cơ quan UBND và Quân ủy quận Tây Hồ - Hà Nội bây giờ. Như hiện nay, mảnh đất đó có giá trị hàng chục tỷ bạc, nhưng lúc đó anh đem đổi lấy ba vạn gạch về xây ba gian nhà cấp bốn trong khu tập thể cơ quan chị Lợi là vợ anh ở Dốc Vân, Gia Lâm.
Anh Bài mất năm 2001 do bị ung thư phổi, không biết có phải do nhiễm chất độc ở chiến trường không. Khi nghe tin anh Bài mất, từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây, đang đêm tôi đến viếng anh tại nhà riêng. Nhiều đồng đội đã về hưu, phục viên tận trong Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng ra viếng anh.
Trước đó mấy hôm, khi biết anh ốm nặng tôi đến thăm ở Viện Quân y 108. Anh thều thào nói với tôi:
- Anh đau lắm, Đẩu ạ! Chưa bao giờ đau thế này. Chắc không được mấy ngày nữa đâu. Bây giờ điểm danh lại, tiểu đôi ta ngày ấy đã hy sinh và từ trần gần hết cả rồi. Chỉ còn em, đứa em út của tiểu đội ngày nào còn bé nhỏ 16, 17 tuổi đầu thôi.
Nghe anh dốc bầu tâm sự, tôi cảm thương anh vô cùng, nước mắt lã chã rơi. Biết rằng, tôi sắp phải vĩnh biệt người anh, người thầy của mình trong chặng đầu tiên của cuộc đời quân ngũ mà đành bó tay chẳng làm được gì cho anh ./.

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

 VÔ ĐỀ

Chùm Bằng Lăng sót lại
Nhạt nhòa tháng Hè qua
Trải một thời tím biếc
Nhuộm thời gian phôi pha.
Bao hạt gạo trên sàng
Phiêu diêu cùng năm tháng
Trải mấy mùa chiến chinh
Trao dâng vào dĩ vãng.
Thời gian lẳng lặng trôi
Cùng dòng đời mải miết
Hoa nào khác chi người
Khúc tráng ca giã biệt !
14/5/2021

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

 TẾT ĐOAN NGỌ

Hôm nay, 5/5 năm Tân Sửu là ngày Tết Đoan Ngọ. Đoan là mở đầu. Ngọ là chính trưa. Tết Đoan Ngọ là truyền thống dân gian của nhiều nước phương Đông. Nhưng truyền thuyết mỗi nước một khác.
Ở Trung Quốc cho rằng: Đây là kỷ niệm ngày mất của Khuất Nguyên - nhà thơ, trung thần nước Sở, thời Chiến quốc. Do can gián vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Tiếc thương người trung nghĩa, hàng năm vào ngày 5/5 âl, người dân đã làm bánh cúng ông.
Còn ở Việt Nam thì coi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ mùa màng.
Những chuyện đó, mãi khi lớn lên đọc sách tôi mới hiểu. Chứ thuở bé chừng 10 tuổi tôi chỉ thấy rằng: Hằng năm, cứ đến ngày này, phong tục của người dân quê tôi cúng bằng trái cây và cơm rượu. Thêm nữa, đúng giữa trưa, trời chang chang nắng, đầu trần ra đứng giữa cái sân gạch thấy bóng tròn ( mặt trời đứng bóng) là đúng giờ Ngọ - Hồi đó, trong các gia đình nông thôn thường không có đồng hồ, coi đứng bóng là 12 giờ trưa. Lập tức đám trẻ chúng tôi, đã hẹn nhau trước, tỏa vào các khu vườn, các bờ cây ngõ xóm để hái lá về nhà tắm ( chống rôm, sảy ) hoặc phơi khô đun nước uống. Hái đủ các loại lá cây, nhưng chủ yếu là lá vằng, lá vối, lá ổi, lá mận hảo. Lại còn, cùng nhau thi nuốt mấy cái hoa vừng. Bảo rằng, như thế là sáng mắt & giết sâu bọ trong người.
Sau khi cúng xong, tôi được mẹ sẻ cho nửa bát cơm rượu ăn vừa cay, vừa ngọt. Ăn xong mặt đỏ bừng như người uống rượu. Thích lắm!
Về già, lâng lâng nhớ về Tết Đoan Ngọ ở quê nhà thuở thiếu nhi.
Mới đó đã hơn 60 năm rồi !

 TRƯỚC NHÀ MẤY CÀNH HOA GIẤY

XÔN XAO TRONG NẮNG TRƯA HÈ

XỐN XANG RÂM RAN TIẾNG VE

LẮNG LÒNG HỒN QUÊ DA DIẾT !

 VÔ ĐỀ

Chùm Bằng Lăng sót lại
Nhạt nhòa tháng Hè qua
Trải một thời tím biếc
Nhuộm thời gian phôi pha.
Bao hạt gạo trên sàng
Phiêu diêu cùng năm tháng
Trải mấy mùa chiến chinh
Trao dâng vào dĩ vãng.
Thời gian lẳng lặng trôi
Cùng dòng đời mải miết
Hoa nào khác chi người
Khúc tráng ca giã biệt !

14/5/2021

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

 CHÚNG TÔI ĐI B


( Bây giờ nói “ Đi B” thì có nhiều người - nhất là những người sinh sau 30/4/1975 - không hiểu là đi đâu, làm gì. “ Đi B” là cách nói đối với hàng chục vạn Bộ đội và cán bộ Dân Chính Đảng ở Miền Bắc đi chiến đấu, công tác ở Miền Nam thời chống Mỹ. Thời đó, đi B chiến đấu, công tác là niềm vinh dự, sự mong muốn của thanh niên ở Miền Bắc - mọi người không ai không biết đến hai chữ “ Đi B”.
Bài viết này nhằm kể lại chuyện “Đi B” của lớp lứa chúng tôi thời đó )"
Hết thời gian huấn luyện và bồi dưỡng sức khỏe, chúng tôi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị lên đường đi B. Mọi người được trang bị đầy đủ: ba lô con cóc, quần áo, chăn màn, mũ tai bèo, tăng võng, ni lông, bi đông, túi đựng cơm, lương khô, mắm kem, bao gạo (ruột tượng), hộp thuốc cá nhân, thuốc pha với nước lã uống trực tiếp, băng cá nhân.
Trên danh nghĩa, chúng tôi là chiến sĩ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Do đó, theo qui định bắt buộc, tất cả những thứ tư trang, đồ dùng cá nhân, từ tấm ảnh, giấy tờ tùy thân, sổ lưu bút, nhật ký, có cái gì liên quan đến Miền Bắc đều phải gửi lại, bỏ lại, không được mang theo người. Phát hiện ra ai không chấp hành, cố tình mang đi là bị kỷ luật.
Ngày đó tôi là đứa trẻ mới lớn, chưa có người yêu. Những anh lớn tuổi hơn, có người yêu, thậm chí có vợ con rồi, khi bỏ lại những tấm ảnh của người thân, tần ngần, xúc động, tiếc lắm. Mà ảnh thì có phải nhiều như bây giờ đâu. Có người cả đời chưa chụp ảnh. Nhiều người trước lúc chia tay, vội vàng ra hiệu chụp một pô ảnh đen trắng để làm kỷ niệm, nên rất quí. Tôi biết, có anh dùng túi ni lon bọc ảnh rất kỹ, cố giấu ảnh tận đáy ba lô. Trên đường hành quân đi B và khi ở chiến trường sau này, thi thoảng một mình nhớ nhà, nhớ vợ con quá, mở ra xem. Tiền thừa còn lại và tư trang đều phải gửi về nhà qua đường bưu điện. Từng người kê khai, đóng gói, tập trung lại do đơn vị cử người đi gửi. Tôi gom góp lại được 100 đồng, gồm tiền ăn bồi bưỡng còn thừa được thanh toán cộng với tiền trong túi còn lại. Đồng thời giặt sạch bộ quần áo ngày mặc lên đường gấp lại kèm một bức thư gửi về cho mẹ.
Chúng tôi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phổ biến là theo mệnh lệnh của trên, đơn vị sẽ đi “B dài”. “B dài” nghĩa là đơn vị sẽ vào chiến đấu lâu dài ở Miền Nam từ nam Đường Số 9 cho tới tận cùng Nam Bộ. Cán bộ, chiến sĩ đi “B dài” thì gia đình ở hậu phương được địa phương đăng ký, quản lý, cấp phát tiền trợ cấp B cho những thân nhân chủ yếu (cha, mẹ, vợ, con) chưa đến hoặc đã hết tuổi lao động; được hợp tác xã, trường phổ thông, cơ sở y tế,…thực hiện các chính sách hậu phương quân đội theo qui định của Nhà nước.
Ngày 25 tháng 12 năm 1964, toàn đơn vị nhập trạm giao liên bắt đầu lên đường đi B. Chúng tôi được biết, lộ trình hành quân sẽ là từ miền tây Quảng Bình vào Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), lên Làng Ho, vượt qua Đường 9 vào Trường Sơn sang Lào. Từ vùng giải phóng Lào đi dọc theo tuyến tây Trường Sơn thẳng về Nam. Tùy theo nhiệm vụ của từng đơn vị bổ sung cho từng chiến trường mà rẽ ngang về Trị Thiên, về Khu 5, vào Tây Nguyên, hoặc đi thẳng qua đất Cămpuchia vào tận Nam Bộ.
Hồi đó, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới giới hạn ở những trọng điểm nhất định, chưa lan rộng như 1 - 2 năm sau. Đông và Tây Trường Sơn vẫn là những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới bạt ngàn rậm rạp, nhiều tầng, có nơi lâu lắm rồi hình như chưa có dấu chân người. Đường hành quân bộ là đường mòn Hồ Chí Minh. Một lối đi nhỏ thôi, hàng một, vươn ra, vươn xa dưới những khu rừng đại ngàn được phủ kín bóng cây cao bóng mát, vượt qua nhiều con suối nước trong xanh. Được biết, con đường mòn chúng tôi “ Đi B” đã có từ cuối năm 1959 do những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 559 mang vác, gùi thồ súng đạn, lương thực vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để “xoi đường” từ nam sông Bến Hải dọc theo dãy Trường Sơn, qua Tây Nguyên, vào tận Nam Bộ.
Sau này, khi nghe bài hát Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, nhạc của Hoàng Hiệp, lời thơ của Phạm Tiến Duật, có câu “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đám lính trẻ chúng tôi tranh luận với nhau sôi nổi. Có người lập luận, nhà thơ đã lãng mạn hóa, thi vị hóa để cổ động tuyên truyền mọi người ra trận, chứ thực ra đường ra trận có gì đâu mà đẹp. Hơn nữa, bất cứ ở đâu, lúc nào, mọi cuộc chiến tranh, kể cả chiến tranh chính nghĩa, đều là điều bất đắc dĩ đối với con người. Chiến tranh là một biện pháp giải quyết tình thế giữa các tập đoàn xã hội, khi không còn phương cách nào khác, thì hãy đừng coi đó là đẹp. Có người lại nói, kể ra nếu dùng từ “vui” thay cho từ “đẹp” thì đúng hơn. Vì ngày đó với khí thế hừng hực, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, trong không khí rộn rịp, thì dùng từ “vui” hợp lý hơn. Với tôi, tôi cho rằng ở thời điểm cuối năm 1964 đầu năm 1965, đường hành quân đi B chưa bị bom đạn địch cày xới, cây rừng còn xanh tươi, chưa bị chất độc làm trụi lá, non nước hữu tình, cộng với khí thế hào hùng sôi nổi hăm hở của những chàng trai trẻ đi chiến đấu, trùng điệp những đoàn quân ra trận, thì quả thật, đường ra trận vừa vui, vừa đẹp.
Trên đường hành quân mỗi người mang theo trên mình khoảng 30 kg. Trong đó riêng bao gạo đủ ăn được 10 ngày. Đến từng trạm bổ sung dần lương thực, thực phẩm. Mỗi ngày chúng tôi hành quân qua một cung trạm. Từ trạm này sang trạm khác khoảng 30 cây số. Trên đường đi cứ bình quân 1 tiếng đồng hồ nghỉ giải lao độ 10 phút. Thường là sau khi đã ăn sáng, đổ đầy nước sôi vào bi đông, được lệnh xuất phát từ 5 giờ thì đến trạm tiếp theo khoảng 5 giờ chiều. Ở rừng trời mau tối. Hơn 5 giò chiều đã nhá nhem, mọi người chuẩn bị nấu cơm ăn, mắc tăng võng để ngủ. Bếp ăn tiểu đội, mọi người chuẩn bị củi đuốc, che lại ánh sáng, khơi lại bếp để nấu cơm tối và chuẩn bị bữa sáng mai, trưa mai.
Để bảo đảm bí mật, chỉ huy đơn vị phổ biến yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm ngặt mọi qui định. Thực hiện đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Đúng như các cụ xưa dạy: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Đi không dấu là rời khỏi nơi trú quân tuyệt đối không để lại dấu tích gì, dù là nhỏ nhất. Khi chặt cây rừng để làm cột mắc võng hoặc lấy củi, phải rút hết toàn bộ cành lá xuống. Nếu để lại, cành cây bị chết khô, từ trên cao, máy bay địch sẽ phát hiện được dấu hiệu khả nghi. Nấu không khói là để tránh máy bay Mỹ phát hiện, khi nấu cơm phải đào bếp Hoàng Cầm. Ban ngày thì không có khói. Ban đêm thì không phát ra ánh sáng. Chúng tôi được biết bếp Hoàng Cầm xuất hiện từ hồi kháng chiến chống Pháp do một chiến sỹ nuôi quân tên là Hoàng Cầm đã có sáng kiến đào đường hầm dẫn khói đi trong lòng đất rồi lan tỏa dần. Như vậy là, ở nước ta có ba ông Hoàng Cầm thành danh: Tướng Hoàng Cầm, nhà thơ Hoàng Cầm và chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm. Nói không tiếng là nói đủ nghe, không ồn ào, sợ biệt kích địch phát hiện. Ngày đó Mỹ đã nghiên cứu chế tạo ra một loại máy thu phát tín hiệu, vỏ bằng cao su, nhựa, bề ngoài không tinh mắt nhìn như một loại cây rừng - gọi là cây nhiệt đới. Máy bay Mỹ thả cây nhiệt đới vào các khu rừng trên tuyến hành quân của ta để thu thập và phát thông tin về các căn cứ của chúng.
Cứ thế, ngày đi đêm nghỉ. Đến một ngày cả đơn vị vượt qua một con sông nhỏ trên một cái cầu mấy cây tre ghép lại, có tay vịn. Tới giữa dòng, anh Chính trị viên Đại đội ngoái lại nói nhỏ với tôi rằng: “ Đây là sông Sê Pôn. Sang bên kia là huyện Mường Phìn, tỉnh Savanakhet đất Lào rồi”.
Qua cầu, tôi ngoảnh lại bờ đông là một rừng tre xanh cao vút dưới nắng chiều vàng, đẹp lắm. Nơi ấy là Tổ quốc mình. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân. Với bộ quân phục Quân Giải phóng và chiếc mũ tai bèo, mà như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, đã thay cho hộ chiếu. Trong túi áo của mỗi người chỉ vỏn vẹn một tờ giấy bìa cứng, rộng bằng cái chứng minh thư, trên đó đề là Giấy chứng nhận XYZ, họ và tên, được cử đi Bác Ái. Lúc đó tôi cũng chẳng biết giấy XYZ là cái gì, để làm gì, cất giữ ra sao, tại sao lại lấy 3 ký hiệu toán học đặt tên cho nó. Đi Bác Ái nghĩa là đi đâu. Chỉ biết rằng, mỗi người đi “B dài” đều được cấp giấy XYZ. Nhưng khi đã vào chiến đấu ở chiến trường rồi chẳng còn quan tâm đến miếng giấy đó nữa. Sau này, khi ra Bắc, nghe đâu cần có giấy chứng nhận XYZ để làm khen thưởng thì phải. Ai nghĩ ra việc đó kể cũng lạ. Người lính bao năm lăn lộn vào sinh ra tử ở chiến trường, ai còn giữ được một cái miếng giấy nhỏ bằng nửa lòng bàn tay!
Đêm dừng lại trú quân ở một cánh rừng tre, trời mưa phùn, se lạnh, cơm nước xong, trèo lên võng nằm, lòng bồi hồi cảm xúc, tôi làm mấy câu thơ:
"Ra đi chiều ấy cuối mùa Đông
Biên giới là đây một nhánh sông
Qua cầu tre nhỏ sang đất bạn
Ngoảnh lại giang sơn chốn Lạc Hồng”.

          NGỒN NGỘN THÔNG TIN, ĐẪM TÌNH NHÂN ÁI

 

                                                                      Nguyễn Mạnh Đẩu

 

Đầu tháng 6 năm 2021, giữa một chiều Hè oi ả, tôi nhận được tập bản thảo cuốn sách “ TỪ CÁNH ĐỒNG CHIÊM TRŨNG BƯỚC RA THẾ GIỚI ”  của Nhà báo, Nhà thơ, Dịch giả Lưu Vạn Kha. Trước đây, khi đương chức chúng tôi không cùng ngành nghề. Sau khi nghỉ hưu, ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên đã “ hợp gu ” nhau và trong suốt nhiều năm qua, với tôi, Lưu Vạn Kha là người bạn trân quý, tri âm, tri kỷ. Tôi đã mấy lần về thăm quê hương ông - làng Phù Lưu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - Đó là một vùng chiêm trũng. Nơi ấy, từ bao đời nay trong dân gian có câu “ Trống Chờ, chuông Chõ, mõ Phù Lưu “. Được biết, đó là ba loại phương tiện thông tin báo động từ ngàn xưa của cả một vùng dân cư rộng lớn, mỗi khi có địch họa, thiên tai. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, nền nếp gia giáo, Lưu Vạn Kha được tiếp thụ truyền thống gia đình, dòng họ và được nuôi dưỡng tâm hồn trong phông chung văn hóa Kinh Bắc. Đến tuổi trưởng thành và gần trọn cuộc đời, ông gắn với sự nghiệp báo chí, đối ngoại. Hơn mười năm thân thiết gắn bó, đủ cho tôi chân nhận về Lưu Vạn Kha là một con người hiểu biết sâu rộng, vốn sống phong phú, tấm lòng hồn hậu, trọng tình, chất phác; phong cách tinh tế, lịch lãm, khiêm cung trong mọi quan hệ trên từng phương diện.

Với 250 trang bản thảo bằng nhiều thể loại phong phú ( Ký sự, Tùy bút, Phóng sự, Tản văn, Thơ và Ảnh ), Lưu Vạn Kha đã tiếp biến và luận bàn về cảnh vật, thế thái, nhân tình trên nhiều miền đất đã qua. Đây tựa như một bản thông điệp đầy đặn về nhật ký hành trình trong nhiều năm học tập, công tác của Lưu Vạn Kha. Ông cung cấp cho độc giả một lượng thông tin ngồn ngộn, nhiều tầm kích và bổ ích trên các chủ đề. Ngòi bút khoáng đạt vừa có tính thông tấn báo chí, vừa đậm chất trữ tình văn chương của Lưu Vạn Kha đã kể, đã tả, đã bình giúp người đọc hiểu biết thêm nhiều danh lam thắng cảnh, đất nước, con người ở những địa danh phương trời xa lắc : Argentina, Colombia, Cu Ba, Hàn Quốc, Italia, Lào, Malaysia, Mexico, Nga, Panama, Pháp, Thủy Điển. Từ những trang văn thơ của Lưu Vạn Kha, người đọc cảm thấy như đang đắm mình tham gia một tuor du lịch dài ngày - được thưởng lãm, chiêm nghiệm và cảm thức nhiều điều hấp dẫn, phong phú. Đến thăm Argentina, ông đã vào Họng Quỷ với bút ký đặc tả kèm theo một bài thơ trữ tình : “ Người đàn bà đến thác Iguazu / Không mặc áo mưa như những người du lịch khác / Không nói, không cười / Chỉ vô hồn nhìn vào thác nước / Mặc cho mọi người / Chụp ảnh liên hồi / Tự sướng / Mắt, miệng đều tươi / Mãn nguyện…”. Cảm hứng Buenó Aires của ông là : “ Thành phố có cái tên Không khí Trong lành / Cả không gian đều căng phồng ngực thở / Nghe thấy tiếng reo hò của gió / Trên những hàng cây lá đổ chiều hôm / Đến lần đầu mà vẫn thấy thân quen …Con thuyền cổ, đậu trên sông cũng như đang hát / Bên những lâu đài hoành tráng, nguy nga / Buenos Aires ơi, thành phố rất xa / Ta vẫn thấy gần / Ở trong lồng ngực “. Với Argentina, Lưu Vạn Kha còn đến thăm làng thổ dân Gunari, và đã gặp người bạn thuở thiếu thời của Chê. Đến Colombia, một miền đất mới, xa lạ và bí ẩn,  quê hương của đại văn hào Marquez - người được trao Giải thưởng Noben Văn học, tác giả tiểu thuyết “ Trăm năm cô đơn” để đời - Lưu Vạn Kha có bài Một thoáng Colombia với nhiều bài học khi xuất ngoại. Tiếp đến là các bài viết về thị trấn vì người nghèo ở Madellin, Những ngày đầu ở Cali với đội tuyển Futsal Việt Nam.

Từ năm 1967, ở tuổi 18, là sinh viên du học đại học tại Cuba, sau đó có hai nhiệm kỳ ở Văn phòng TTXVN tại La Habana và nhiều lần sang công tác Cuba, Lưu Vạn Kha gắn bó, am hiểu về địa lý, lịch sử; nhiều kỷ niệm đẹp với Hòn đảo tự do. Vốn nguồn tư liệu dồi dào và chất đầy cảm hứng, ông dự định sẽ dành hẳn một cuốn sách viết về Cuba. Trong khuôn khổ cuốn sách này, ông có các bài báo viết về : “ Ký ức về thời kỳ đặc biệt của Cuba”, “ Việc đi lại ở La Habana trong thời kỳ đặc biệt”, “ Đại hội V Đảng Cộng sản Cuba : Thống nhất tư tưởng, tiếp tục cải cách”, “ Cuba vượt trên sóng cả”, “ Việt nam - Cuba : Tình hữu nghị vững chắc từ cội rễ ”. Tiếp đó, là loạt bài phóng sự dài kỳ viết về Cuba từ năm 2017 vừa có tính thời sự, vừa mang tính chính luận sâu sắc phong phú. Bài thơ “ La Habana, tình yêu của tôi ” dạt dào cảm xúc thăng hoa : “Thành phố đón tôi bằng một trận mưa rào / Như nước mắt của bao năm gặp lại / Những yêu thương, nhớ mong hoang hoải / Thành bão lòng ngày hội ngộ hôm nay / 50 năm rồi tất cả vẫn còn đây / Mỗi bước đi đều dập dềnh kỷ niệm / Đê Malecon vẫn ầm ào tiếng sóng / Nhà F-Tercera trông ngóng đến bạc đầu …” ,“ …Thấp thoáng mỗi căn nhà bóng dáng bạn xưa / Vườn vắng lặng, có tiếng chim lảnh lót / Người đã đi xa, mà sao chim vẫn hót / Như báo rằng tình cũ đã về đây”, “ .. Những ly mojio và daiquiri ngất ngây / Sóng sánh bóng người, quyện theo tiếng nhạc / Đêm La Habana như không bao giờ kết thúc / Như tình yêu đầu vẫn đập trong tôi”. Ngày 27/11/2016, ngay sau khi Fidel - lãnh tự vĩ đại của Cuba, người bạn lớn của Việt Nam từ trần - Lưu Vạn Kha có bài thơ Lời điếu dành cho Fidel thật cảm động,  sâu lắng nghĩa tình. Với khổ thơ cuối là: “Vĩnh biệt Fidel, người trong suốt cuộc đời / Yêu mến Việt Nam, “cần hiến dâng cả máu” / Hãy yên nghỉ, Fidel yêu dấu / Ông đã gieo mầm cho sự sống sinh sôi.”.

Lưu Vạn Kha dành nhiều bài viết phong phú về Italia, Panama, Mexico là những nước có nhiều thời gian gắn bó. Trong đó, tôi rất thích bài thơ của ông viết về đấu trường Colosseo, một di tích lịch sử độc đáo ở thủ đô Roma :

“Đây đấu trường Cô-lô-xê-ô / Sỏi đá ngàn năm phong trần sương gió / Nghe từ xa cả một đàn ngựa hý / Và một rừng gươm khua / Những võ sỹ giác đấu ngày xưa / Áo giáp sắt và khiên đao hùng dũng / Những chiến binh tung hoành xung trận / Cô-lô-xê-ô, tất cả vẫn còn đây / Hàng thông già, cao vút tầng mây / Nhân chứng câm, của nghìn năm lịch sử / Những biến đổi, thăng trầm của Rô-ma cổ / Thủ đô - ‘Thành phố Vĩnh hằng” / Ai đã qua đây dù chỉ có một lần / Sẽ nhớ mãi Cô-lô-xê-ô vĩ đại / Một phế tích với hơn nghìn năm tuổi / Một quá khứ oai hùng, mãi mãi không quên “ ( Lưu Vạn Kha, 2005).

Là Nhà báo kỳ cựu cuả TTXVN được “ cắm chốt ” nhiều năm ở Cuba và Italia; từng làm Phóng viên chuyên trách cho hai đời Tổng Bí thư của Đảng; từng làm Phiên dịch cho nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước khi thăm, làm việc tại các nước, Lưu Vạn Kha là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều và viết nhiều. Ông cũng đã từng gặp gỡ tiếp xúc với các tên tuổi lớn của nhiều nước. Phải chăng, phương châm của ông là : Học, đi, nghe, nhìn, đọc, hỏi, nghĩ và viết. Bởi thế, toàn bộ tác phẩm đã và sẽ xuất bản của ông là kết quả một vốn sống phong phú, sự nhiệt thành đam mê và là năng khiếu.

Tôi đã đọc khá kỹ các bài - cả thông tin, chính luận và thơ - về đất nước, con người ở các nước, các miền Lưu Vạn Kha đã viết trong cuốn sách này và rất tâm đắc với tác giả. Nhưng trong khuôn khổ, tôi không thể nói được hết. Việc đọc chia sẻ thông tin và ngẫm suy theo cách của mình là phần của bạn đọc.

Cuốn sách còn là tấm lòng đầy tính nhân văn của Lưu Vạn Kha đối với quê hương, gia đình. Ông hoài niệm về quê hương với tuổi thơ trải qua nghèo khó đạm bạc mà hồn nhiên, trong trẻo, thấm đẫm tình người. “ Nhớ thuở bắt cua … “ là một bài như thế. Bài viết rất cụ thể, chi tiết. Đọc bài viết này, mọi người cùng thế hệ 4 X, 5 X và 6 X như đang trở về với những trang ký ức không bao giờ quên của tuổi thiếu nhi trên mọi làng quê Việt. Kế đến là bài “ Kiếm cá ở quê tôi “, tác giả tả cảnh Hội đánh cá tháo đồng, cảnh úp nơm ở các tràn rau muống thật sinh động. Và nhiều bài tản văn rất hay khác. Đó như những thước phim quay chậm, rất chi tiết, về làng quê những năm 60 của thế kỷ trước còn đọng lại trong tâm thức của nhiều người. Nhiều hoài niệm của tuổi thơ trên quê hương yêu dấu. “  Làng tôi xưa và nay ” là một bài thơ hay, chất đầy cảm xúc lưu luyến, nuối tiếc của Lưu Vạn Kha : “ Làng tôi xưa, vườn tre cánh cò trắng xóa  / Run rẩy chim non mỗi trận bão về / Đêm mưa lớn, ếch nhái cùng cất tiếng  / Như một dàn giao hưởng đồng quê / Làng tôi xưa, nhà gỗ đơn sơ / Mái ngói rêu phong, vườn cây, vại nước / … Làng tôi xưa, ai cũng mê say / Sân đình trống tuồng rộn rã / Những nông dân cả ngày vất vả / Đêm vào vai vua, chúa, nguyên phi / Tóc con gái hương chanh thơm mát / Thì thầm tiếng gọi đâu đây /… Làng tôi nay, ít dần nhà ngói cổ / Nhà ống lên ngôi, bê tông hóa mất rồi / Tóc con gái không thơm mùi chanh nữa / Chỉ còn mùi mỹ phẩm mà thôi / … Thế nhưng mà, dẫu có đi xa / Trong tôi vẫn cồn cào nỗi nhớ ”.

Lưu Vạn Kha đã rưng rưng khi viết những kỷ niệm về người Bố kính yêu, cụ Lưu Vạn Khoa. Qua đó, dựng lên chân dung một người cán bộ cách mạng có nhiều công lao cống hiến trong kháng chiến chống Pháp và lãnh đạo địa phương sau ngày hòa bình. Cụ là một mẫu cán bộ mẫn cán, liêm trung, thanh đạm và lạc quan cách mạng - Một thế hệ cán bộ cách mạng có nhân cách trong sáng, vì nước vì dân. Có thể nói, lớp cán bộ đó như giàn sao sáng trên trời, một đi không trở lại. Trong gia đình, Cụ là người Bố nhân từ, mẫu mực, là tấm gương sáng soi cho mọi người con. Với người mẹ quá cố ở tuổi 48, Lưu Vạn Kha trọn đời thương nhớ. Chắc chắn là, ông đã nghẹn ngào khóc khi cầm bút viết bài “ Nén hương trong ngày Giỗ mẹ ”. Đây là bài thơ rất cảm động tưởng niệm tri ân công sinh thành dưỡng dục của mẹ: “ Nhiều năm mẹ đã đi xa / Con nay cũng đã tuổi già từ lâu / Gió sương đã bạc mái đầu / Vẫn nhớ về mẹ, ân sầu biển trời / … Bố đi kháng chiến triền miên / Gian nan làm mẹ hao mòn tuổi xanh / Sinh con có tới chín lần / Mất hai, còn bảy bần thần, đớn đau / … Tháng năm lao động tảo tần / Một vai gánh nặng chuyên cần nuôi con / … Con xin thắp nén hương này / Trong ngày giỗ mẹ, tràn đầy nhớ thương”. Kế đến, Lưu Vạn Kha đã dành tình cảm trân trọng của mình trong bài viết về Chị tôi – Đó là chị Lưu Thị Thi, người chị cả trong gia đình đã thay mặt mẹ chăm sóc 6 người em từ thuở bé trong hoàn cảnh khó khăn, đạm bạc. Chị là người đẹp người, đẹp nết, là chỗ dựa tinh thần, tình cảm của cả đàn em thơ trẻ.

Kế thừa, phát huy truyền thống gia đình cùng với vốn sống, sự hun đúc, trải nghiệm trong trường đời, Lưu Vạn Kha đã dành tình cảm vào sự giáo dục, bày dạy con cháu một cách căn bản, nền nếp bằng những bài viết thấm đẫm nghĩa tình và  lòng nhân ái.

Cùng với tập thơ Trăng Đỏ ( Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 2019 )  và các tác phẩm văn chương khác, cuốn sách “ TỪ VÙNG CHIÊM TRŨNG BƯỚC RATHẾ GIỚI ” là thêm một điều Lập Ngôn của Lưu Vạn Kha để lại cho gia đình, bằng hữu và lớn hơn là để lại cho đời.

Viết bài này, tôi xin chân thành chúc mừng ông bạn già của tôi - Nhà báo, Nhà thơ, Dịch giả Lưu Vạn Kha quý mến. Và nếu có thể, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa !

 

 

.

 

 TRẬN ĐẤU VIỆT NAM – MALAYSIA ,

CHIẾN THẮNG TRONG SỰ CĂNG THẲNG

 

Trần đầu ra quân vòng loại Worl Cup 2020 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam đè bẹp Indonesia 4 -0; Malaysia thua UAE 0-4. Thực ra, những con số đó chỉ để mà tham khảo. Sự đời bao giờ cũng có tính hai mặt. Trong hên có xui và ngược lại. Thắng đậm thì tự tin hơn nhưng nếu không tỉnh táo có khi lại sinh ra chủ quan tự mãn. Ngược lại, thua đậm thì buộc phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh mọi thứ. Vả lại, khi bị dồn vào đường cùng, không còn gì để mất, đội đã thua thường dồn hết sức bung ra cả về thể lực và bản lĩnh để giành phần thắng.

ĐT Malaysia đá trận này khác với trận đấu trước đó với Đội tuyển UAE và cũng khác với trận lượt đi với Việt Nam trên sân Mỹ Đình.

Mặc dù mấy năm qua, ĐT Malaysia đá với ĐT Việt Nam là thua 3, hòa 1. Nhưng, quả thật thi đấu với Malaysia luôn gặp nhiều khó khăn đối với cầu thủ Việt Nam.

Trận đấu này, không có Quang Hải, HLV Park phải điều chỉnh lại đội hình, thay đổi cách tiếp cận trận đấu và sơ đồ chiến thuật.

Trận đêm 11 rạng ngày 12/6/2021, Đội hình xuất phát của Tuyển Việt Nam là :

Thủ môn: Bùi Tấn Trường;

Trung vệ: Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng;

Hậu vệ cánh : Trọng Hoàng, Văn Hậu;

Tiền vệ trung tâm: Hoàng Đức, Xuân Trường;

Hộ công : Công Phượng, Phan Văn Đức;

Tiền đạo cắm: Tiến Linh.

Vào Hiệp hai, HLV Park thay 5 cầu thủ: phút 57, Đức Huy & Văn Thanh vào thay Công Phượng & Xuân Trường; phút 78, Văn Toàn & Hà Đức Chinh vào thay Trọng Hoàng & Tiến Linh; phút 85, Hồng Duy vào thay Phan Văn Đức.

Suốt cả 2 Hiệp, khách quan mà nói, cầu thủ Mã có thể hình, thể lực và kỹ thuật tranh cướp bóng, chuyền bóng tốt hơn. Thêm vào đó, với lối chơi áp sát, xông xáo, không ngại va chạm - nhất là các cầu thủ nhập tịch chơi rắn - gây không ít khó khăn cho đội tuyển Việt Nam. Ai đó nói rằng, sự gắn kết toàn đội của họ không tốt, tôi e là không phải. Giữa các tuyến của họ liên kết khá nhịp nhàng. Chẳng qua là do không may mắn và do thủ môn Bùi Tấn Trường quá xuất sắc. Nếu không, tỷ số trận đấu sẽ không phải là thế.

Cục diện trên sân, có thể nói, từ khi bóng lăn đến phút chót ông trọng tài Nhật Bản cất còi mãn cuộc, thì thế trận nghiêng về Mã. Phải chăng, vì tâm lý lo lắng, sốt ruột mà tôi có cảm tưởng như thế.

Phút thứ 14, Hoàng Đức sút xa nhưng không đủ mạnh, thủ môn Mã ôm gọn.

Cơ hội mười mươi là ở phút 16, Văn Hậu tạt bóng ngang đúng tầm, nhưng Tiến Linh tiếp xúc không tốt đá bóng ra ngoài khung thành.

Phút thứ 27, Xuân Trường đá phạt góc, cầu thủ Mã đánh đầu ra ngoài. Văn Hậu đánh đầu chuyền cho Tiến Linh băng vào đánh đầu hiểm hóc mở tỷ số 1-0. ( Lại là Tiến Linh mở tỷ số như trận trước gặp Indonesia ).

Những tưởng, sau khi mở tỷ số, đội nhà chơi tưng bừng hơn. Nhưng đội bạn vùng lên tấn công, gây cho ta không ít khó khăn.

Phút 39, cầu thủ Mã đánh đầu căng, hiểm hóc. Tấn Trường phải tung người đấm bóng qua xà, cứu một bàn thua trông thấy. Liền sau đó, Mã đá phạt góc, Tấn Trường lại đấm bóng, qua cơn sóng gió nguy hiểm.

Phút 44, Văn Hậu phạm lỗi cách khung thành khoảng 25 mét. cầu thủ số 11 của Mã đá phạt căng vào góc xa, Tấn Trường phải đổ người đấm bóng cứu thua.

Những phút cuối Hiệp 1, đội Mã liên tiếp có 3 cơ hội, nhưng không thành bàn thắng. Phải công nhận, Tấn Trường chơi rất xuất sắc. Sự lựa chọn của thầy Park là hoàn toàn chính xác.

Phút 56, Công Phượng tự tin cầm bóng, đi bóng qua hậu vệ Mã, không chuyền cho đồng đội, quyết định sút bóng nhưng lực yếu lại chệch khung thành.

Phút 59, Văn Thanh bị phạt - xem ra trọng tài thổi phạt quả này không chính xác, vì Văn Thanh dùng vai ẩy cầu thủ Mã ngã thôi. Số 12 đá phạt ở cự ly khoảng 30 mét. Số 16 phá bẫy việt vị, xuyên lách vào đối mặt với thủ môn, nhưng sút nhẹ không qua được bàn tay Tấn Trường.

Phút 65, Hoàng Đức chuyền bóng chính xác cho Trọng Hoàng có cơ hội dứt điểm, nhưng đá chệch khung thành của Mã.

Phút 72, Văn Hậu phạm lỗi trong vòng cấm địa, đội Mã được hưởng quả penalty. Số 16 sút bóng căng, chìm, hiểm. Tấn Trường đổ người đúng hướng nhưng không kịp.

Tỷ số hoà 1-1.

Phút 82, vừa vào sân được 3 phút, Văn Toàn dốc bóng xuống bị cầu thủ đội Mã cài chân ( hay đá vào kheo gót ) ngã trong vòng cấm. Ta được hưởng quả penalty.

Thủ quân Quế Ngọc Hải lĩnh trách nhiệm đá phạt. Mọi người căng thẳng hồi hộp, đến thót tim. Nếu không thành bàn thắng thì chấp nhận hoà, chỉ được 1 điểm.

Quế Ngọc Hải bình tĩnh, tự tin, dũng mạnh sút bóng căng vào góc xa, thủy môn đội Mã đổ người, nhưng không cản được. Tỷ số 2-1.

Phút 85, Số 10 đội Mã cao to chèn người thô bạo với Hồng Duy, bị phạt thẻ vàng. Thương xót học trò, thầy Park nhảy vào can dự,  phải nhận thẻ vàng. ( Chẳng biết, đó có phải là thủ thuật của thầy Park nhằm câu giờ hoặc gây ức chế cho cầu thủ đội bạn hay không nữa. Đó là tôi nói thế ).

Như nhiều trận trước đây, lần này cầu thủ Mã tiếp tục chơi rắn. Cả trận bị phạt 16 lần, trong đó có 6 lần phải nhận thẻ vàng.

Ta đã chiến thắng 2-1 trong một trận đấu căng thẳng khó khăn đến tận phút bù giờ cuối cùng. Có lúc xem ra thật lo lắng, nghẹt thở. Nhưng đó mới là cái hay của bóng đá.

Trận đấu này, cầu thủ toàn đội có quyết tâm cao, lăn xả vì màu cờ sắc áo. Theo tôi, ngoài sự xuất sắc của Tấn Trường, thì có 3 cầu thủ đá hay nhất: Quế Ngọc Hải, Nguyễn Hoàng Đức & Văn Hậu ( dẫu cho anh này gây hậu quả bị phạt penalty ở phút 72, nhưng tình huống đó phải thế).

Hoan nghênh cầu thủ toàn đội và HLV Park ! Chúc đội tuyển tiếp tục chiến thắng !


VIỆT NAM - INDONESIA, CHIẾN THẮNG TRẬN ĐẦU 4-0

 

Đêm 7 rạng ngày 8/6/2021, tại Sân vận động Al Maktoum ( Dubai, UAE ), Đoàn quân áo đỏ Việt Nam đã chiến thắng thuyết phục trước Đoàn quân áo xanh trắng Indonesia 4 -0. Đây là chiến thắng trận đầu trong khuôn khổ Bảng G, vòng loại thứ hai Worl Cup 2022 khu vực châu Á.

Bước vào trận, các cầu thủ Việt Nam không vội vàng nhập cuộc, tự tin cầm bóng triển khai lối chơi theo yêu cầu chiến thuật của HLV.

Cơ hội đầu tiên mười mươi là, phút thứ 5 Quang Hải đá phạt góc câu bóng ra xa ngoài vòng cấm, Tuấn Anh voley tuyệt đẹp buộc thủ môn Indonesia  phải đấm bóng ra.

Với thể lực tốt, lối đá áp sát không ngại va chạm của cầu thủ Indonesia gây không ít khó khăn cho cầu thủ Việt Nam trong việc triển khai và sút bóng lúc cận thành.

Trước lối đá rắn của đội bạn, có lúc cầu thủ ta như bị chùn chân, việc tranh đoạt và sút bóng không chính xác.

Có rất nhiều quả phạt góc, nhưng hình như đều rập khuôn theo một kịch bản : Quang Hải đá bóng cao vọt qua đám đông trước khung thành tìm đến cầu thủ tuyến 2 băng lên đánh đầu hoặc voley dứt điểm. Nhưng vì ở cự ly xa, lại có “ xe buýt “ dày đặc trước khung thành nên không mấy nguy hiểm.

Cơ hội thứ hai là phút 27, Phan Văn Đức dốc bóng xuống sát biên ngang, quặt lại sút bóng từ góc hẹp. Thủ môn đội bạn kịp thời khép góc đẩy bóng ra chịu quả phạt góc.

Mặc dù đá xông xáo hiệu quả, nhưng có thể do yếu tố tâm lý hoặc thể lực, Tuấn Anh phải nhường chỗ cho Xuân Trường ở phút 36.

Xuân Trường rất tự tin, chủ động nhập cuộc nhanh, là trung tâm phát động tấn công và chốt chặn từ xa của hệ thống phòng ngự chắc chắn.

Thời gian còn lại của Hiệp 1, Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa khai thông được bế tắc. Trong lúc đó, cầu thủ Inđo càng chơi càng gấu hơn.

Nếu trọng tài nghiêm khắc, còn phạt nhiều thẻ vàng hơn - thậm chí là thẻ đỏ trong một vài trường hợp vào bóng thô bạo, ác ý.

Đội bạn với chiến thuật phòng ngự phản công, nhưng hầu như không có cơ hội nào có thể dẫn đến bàn thắng.

Cơ hội thứ 3 của ĐTVN là ở phút 46, Xuân Trường sút căng từ ngoài vòng cấm địa, bóng dội vào xà ngang bật ra.

Khép lại Hiệp 1 tỷ số vẫn 0 -0.

Đầu Hiệp 2, Công Phượng vào thay Văn Toàn. Trong một ngày đá nhiệt tình lăn xả, phát huy khả năng tốc độ, có nhiều pha bóng hay, nhưng Văn Toàn hoặc là lỡ nhịp ở giây cuối cùng, hoặc là kém phần may mắn, nên không ghi được bàn.

Phút thứ 51, nhận bóng trong vòng cấm địa, Tiến Linh sút đẹp chạm cột dọc bật vào lưới mở tỷ số 1-0.

Đây là bàn thắng có ý nghĩa nhất, vì nó đã cởi nút thắt, khai thông bế tắc cả về lối đá và tâm lý thi đấu của cầu thủ đội nhà.

Từ phút 56 đến phút 58, đội Việt Nam được hưởng 3 quả phạt góc nhưng vẫn không thành bàn thắng.

Phút thứ 61, Nguyễn Hoàng Đức vào thay Phan Văn Đức.

Phút thứ 62, từ ngoài vòng cấm, cũng vẫn cái chân trái sở trường, Quang Hải lập siêu phẩm sút căng vào góc xa, thủ môn đội bạn bó tay. Bàn thắng này nhân đôi cách biệt, làm cho cầu thủ ta càng đá càng hưng phấn hơn.

Phút thứ 68, từ quả phạt góc Xuân Trường đá vào đúng chỗ, Công Phượng sút cận thành ghi bàn thứ 3.

Phút thứ 71, đội bạn có một cơ hội chắc ăn nhưng không may mắn, sút bóng căng dội xà ngang bật ra.

Trong một trận đấu quốc tế mà thủ môn Tấn Trường không mấy vất vả.

Phút thứ 74, Vũ Văn Thanh leo biên rồi khứa lòng bàn chân ghi bàn thứ 4.

Vào cuối trận, HKV Părk Hăng Seo lần lượt thay thêm 2 cầu thủ: Thành Chung thay Duy Mạnh, Văn Hậu thay Tiến Linh.

Ở trận đấu này, HLV Părk Hăng Seo đã sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-5-2.

Hàng phòng ngự 3 người dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Quế Ngọc Hải và hai trung vệ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng đã bọc lót tốt và còn một số ít lần lên tham gia tấn công.

Hai hậu vệ cánh Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy chốt chặn như tiền vệ và nhiều lần leo biên đá như một tiền đạo.

Các cầu thủ tuyến tiền vệ và tiền đạo chơi hay, xông xáo, gắn kết, hiệu quả.

Chiến thắng 4-0 trong điều kiện nhiệt độ cao, cầu thủ đối phương đá rắn, là một bước khởi đầu ngoạn mục cho ĐTVN. Tiếp tục giữ ngôi đầu bảng G với 14 điểm, tạo đà cho 2 trận tiếp theo. Cái đáng tiếc là, Quang Hải do nhận 1 thẻ vàng nên không được tham gia trong trận tới gặp Malaysia.

Nhiệt liệt hoan nghênh Đội tuyển VN đã chiến đấu vì màu cờ Tổ quốc!