Menu ngang

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

MỘT NHÂN KIỆT


N M Đ

Tôi xin được mạo muội gọi ông là NHÂN KIỆT, theo nghĩa là một con người kiệt xuất. Bởi tôi nghĩ rằng, danh xưng này đúng với con người ông xét trên nhiều phương diện. 
Ông là Đặng Văn Việt, sinh năm 1920 ( Canh Thân ) tính theo tuổi ta thì ông đã 97 tuổi. Nói vui theo ngôn ngữ bóng đá thì ông là U 100. Quê ông ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tôi có vinh dự là đồng hương của ông. Từ quê ông vào quê tôi chưa đầy 30 cây số.
Tôi nghe danh tiếng của ông từ rất lâu. Nào ông là cháu nội cụ Đặng Vặn Thụy, chắt ngoại cụ Cao Xuân Dục, con trai cụ Đặng Văn Hướng - đó là những nhân vật lớn. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, ông đã là Sinh viên Y khoa ở Hà Nội. Rồi ông nổi tiếng với nhiều chiến công xuất sắc trong Chiến dịch Biên giới 1950,...
Hơn 10 năm trước, tôi có được gặp ông tại các lần Giáo viên, học viên Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn họp mặt ở Hà Nội - Tôi được mời dự với tư cách thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường. Các lần gặp đó, qua quan sát, tôi nhận ra là, các cựu giáo viên, học viên Khóa 1 - phần đông đã rất lớn tuổi và thành đạt - đều dành cho ông sự tôn quí, kính trọng.
Tôi được biết, trong dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám được long trọng tổ chức trên toàn quốc, ông Đặng Văn Việt - một lão thành Cách mạng, một lão Tướng không sao, một Anh hùng không sắc phong, một ông Vua không ngai vàng - được Đoàn làm phim của Đài Truyền hình VN mời vào Huế để tham gia cuốn phim tài liệu làm sống lại một sự kiện lịch sử mang giá trị vĩnh hằng: Ngày 21/8/1945, hạ cờ nhà Vua giương cao cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh đô Huế.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 - một trong hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của QĐNDVN; ông đã từng là Chỉ huy các Mặt trận Đường số 9, Đường số 7, Đường số 4, Đường số 5 và Đường số 6. Đặc biệt, ông được mệnh danh là " Hùm xám Đường số 4 ". Đã có nhiều bài viêt về ông.
Ông là Chủ nhiệm Huấn luyện của Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1960.
Thêm nữa, ông Đặng Văn Việt là tác giả của 17 đầu sách - Đạt ba giải thưởng Văn học Nghệ thuật.

Lần này, nhân kỷ niệm 70 Ngày Bác Hồ đến dự Khai giảng Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn ( 26/5/1946 - 26/5/2016), tôi may mắn được gặp lại và chuyện trò cùng ông...
Người xứ Nghệ quê tôi có một đặc điểm, bất kể là ai, không phân biệt tuổi tác, địa vị, hễ gặp nhau ở một nơi nào đó, chỉ cần đôi ba câu nói " phát sóng ngắn " tự khắc cảm thấy thân mật nhau như đã là cố tri. Nghe tôi nói, cháu quê Nghi Lộc, tức thì ông Việt tỏ thái độ thân thiết đồng hương ngay. Dẫu rời quê có tới hơn 80 năm, ấy vậy mà ông vẫn dùng chất giọng Diễn Châu nhẹ nhàng trầm ấm. Tôi gọi ông bằng chú, bởi lẽ ông thua cha tôi tròn 6 tuổi.
Khi lên thắp hương Bia Tưởng niệm nơi Bác Hồ tới thăm và trao lá cờ : " Trung với nước, Hiếu với dân" cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay nằm trong khuôn viên Bến xe Sơn Tây ), tôi nói nhỏ với ông, chú là nạn nhân của quan điểm ấu trĩ "chủ nghĩa thành phần " của một thời. Ông nói, không đúng! Nói là mình là: " đại nạn nhân " mới phải. Hai chú cháu cùng cười.
Sau khi tham quan Nhà Truyền thống Trường SQLQ1, ông tặng tôi cuốn sách : " Đường Số 4 rực lửa" do ông viết và cuốn " Hạ cờ triều đình Huế giương cao cờ đỏ sao vàng - một sự kiện vĩnh hằng" do ông chủ biên. 
Dẫu đã ngót trăm tuổi, mà ông vẫn rất thông tuệ, minh mẫn. Ông rút bút viết đề tặng kèm theo dòng chữ đặt dưới chữ ký là : " Lính già, Vua không ngai" . 
Trong bữa cơm thân mật, cùng mâm có chị Võ Hạnh Phúc ( ái nữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ), tôi hỏi, cháu nghe nói có lần Bác Văn có gợi ý chọn chú làm Tổng Tham mưu trưởng. Điều đó có thật không? Ông Việt nói, đúng thế! Chị Võ Hạnh Phúc gật đầu tán thưởng.
Đang lúc vui, tôi hỏi tiếp, nghe nói chú vẫn tự đi xe máy, vẫn chơi Tennis và đặc biệt là chú còn đi khiêu vũ, có đúng vậy không. Ông nở nụ cười lành hiền, nói, thì vẫn thế chứ sao! 
Khi chia tay, ông đưa tôi một cuốn sổ mỏng và nói, cháu ghi số điện thoại di động và địa chỉ vào đây để chú còn liên hệ. 
Tôi kính trọng và khâm phục ông - một nhân kiệt !

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

SỰ KIỆN & HIỆU ỨNG ÔBAMA

N M Đ



Suốt mấy ngày qua, có một thông tin nổi bật được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hôi : Sự kiện & hiệu ứng Ôbama.
 
Thực tế là, bất phân giai tầng, địa vị, lớp lứa, nghề nghiệp,… mọi người dân đều háo hức đón chờ, dõi theo từng bước đi, từng hoạt động, từng thông tin của Ôbama. Và đặc biệt là, hầu như mọi người đều dành cho Ôbama sự tôn kính, ngưỡng mộ - Điều hiếm có đối với một nguyên thủ quốc gia khác khi đến Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao thế ?!

Ôbama là Tổng thống của một nước cựu thù. Một nước cách đây trên dưới nửa Thế kỷ, nhà cầm quyền đã tiến hành cuộc chiến tranh thảm khốc, gây cho nhân dân Việt Nam ta sự tang thương khủng khiếp đến từng gia đình mà hậu quả di chứng của nó còn thật lâu dài. Ông ấy đã sắp hết nhiệm kỳ Tổng thống. Thêm nữa, Ôbama đâu phải là Tổng thống Hoa kỳ đầu tiên đến Việt Nam. Trước ông, Tổng thống Bill Clintơn đã sang năm 2000 và Tổng thống G. Bus đã sang năm 2006. 

Với lượng thông tin không nhiều, nhưng qua những gì biết được - cả cảm tính và lý tính - tôi xin mạo muội đôi điều về câu hỏi trên.

Trước hết, phải khẳng định rằng, sự kiện và hiệu ứng Ôbama không phải là hiện tượng tâm lý chạy theo hiệu ứng đám đông - một sự a dua, bắt chước nhau thuần túy cảm tính hoặc chạy theo “mốt” ngẫu hứng nhất thời như lâu nay có lúc diễn ra.
 
Mọi sự quan tâm về sự kiện và hiệu ứng Ôbama trong dân chúng là lòng tự giác, tự nguyện - Không do bất cứ một sự vận động tuyên truyền nào cả.

Thứ hai là, Ôbama là một nhân tài, một trí tuệ, một nhân cách, một phong cách hiếm có. Điều này là kết quả của sự theo dõi ông ấy với cương vị Tổng thống Hoa Kỳ từ ngót chục năm nay trên chính trường nước Mỹ - Một người da mầu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ làm ông chủ Nhà trắng hai nhiệm kỳ liền. Không ai có thể phủ nhận tài năng, nhân cách và phong cách của Ôbama - Ít ra là trong chuyến công du thăm Việt Nam vừa qua. Có ông bạn nhà báo nói vui với tôi rằng: “ Anh khen Ôbama tài giỏi thì chẳng khác nào như khen Trung Quốc đông dân vậy” Ơ kia, tài giỏi thì khen chứ sao! Qua những động thái, những lời phát biểu của Ôbama trên các diễn đàn, chứng tỏ ông tìm hiểu, nghiên cứu khá sâu về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc chúng ta. Ông cũng cập nhật chính xác tình hình hiện nay ở khu vực và Việt Nam. Tôi cho rằng, phải có một tầm văn hóa ( phông văn hóa ) cao, một cách tổ chức làm việc khoa học và một tấm lòng nhân văn, thì mới làm được như vậy. Mọi việc làm, lời nói của Ôbama trong chuyến thăm này đã thực sự chạm đến trái tim và khối óc của mọi người dân Việt, bởi chính sự am tường văn hóa Việt, lịch sử Việt và sự bình dị ( dung dị ) của một chính khách lớn, một nhân cách lớn. 
Xưa nay, bất cứ ở đâu, lúc nào, đối với người vừa có tài, vừa có tâm và vừa có tầm thì bất cứ ai cũng quí. Nét đẹp văn hóa ở Ôbama luôn tỏa sáng và có một sức thu hút lạ kỳ. Ôbama là một mẫu ( tuýp ) lãnh tụ mà nhân dân ở bất cứ đâu, lúc nào cũng đều tôn quí, mong muốn.
 
Thứ ba là, Tổng thống Hoa Kỳ là người quyền lực nhất hành tinh. Quyền lực ấy được xác định bởi vai trò và tiềm lực của nước Mỹ trên bình diện toàn thế giới. Người có thế và lực như vậy mà trong phát biểu lại thuộc lòng trích dẫn bài thơ của Lý Thường Kiệt“ Nam quốc sơn hà Nam đế cư” - mà chúng ta vẫn coi là Bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất ấy - thì thật là quí hóa vô cùng. Điều đó chứng tỏ ông ủng hộ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất nước. Ôbama quan tâm và có thái độ rõ ràng về khu vực Biển Đông - một vấn đề vừa nổi cộm, bức xúc vừa là mối lo lắng lâu dài - thì còn gì bằng.

Người Việt chúng ta, như các cụ xưa từng dạy : “ Quốc dĩ dân vi bản / Dân dĩ thực vi tiên “ ( Nước lấy dân làm gốc / Dân lấy điều thực tế làm đầu ). Mối quan tâm chia sẻ của Ôbama đối với nước ta trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh là trùng hợp với mối quan tâm của mọi người dân Việt lúc này. Bất kỳ là ai, từ đâu đến, nhưng có sự quan tâm thiết thực, hiệu quả đối với người dân và đất nước chúng ta, thì đều được tôn quí.

Dĩ nhiên, với cách nhìn thực tế - nói phải đi đôi với làm - chúng ta mong muốn những lời phát biểu của Ôbama sẽ được thực thi cụ thể, hiệu quả, thiết thực. Với tôi, trong việc này, tôi tin rằng, với Ôbama sẽ có sự thống nhất giữa nói và làm.

Xét đến cùng, một con người, một gia đình hay cả một Dân tộc, Quốc gia chỉ có thể phát triển đi lên bằng nội lực ( bằng đôi chân ) của chính mình. Nhưng trong nhiều trường hợp, ngoại lực có giá trị đặc biệt quan trọng.
Tổng thống Hoa Kỳ Ôbama đã rời nước ta, nhưng hình ảnh và những hoạt động của ông ta trong thời gian sang thăm Việt Nam vỏn vẹn chỉ có ba ngày còn đọng mãi !


Mỹ Đình, ngày 26/5/2016

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

KÍNH VIẾNG BÀ - CHIA BUỒN ÔNG
N M Đ
Sáng ngày 6/5/2016, ông Quốc Thước điện cho tôi : “ Đẩu ơi ! Bà Thủy nhà mình nặng lắm rồi, đang cấp cứu ở Viện 354”. Tôi đã cùng các ông: Đan Tâm, Phan Công Nghĩa, Nguyễn Phương, Nguyễn Kế Bằng và một số anh em bà con đồng hương huyện Nghi Lộc đến thăm bà. Đến nơi, bà Thủy mắt nhắm nghiền, hôn mê sâu, đang thở ô xy. Mọi người đều nghĩ rằng, tiên lượng rất xấu. Trước khi ra về, tôi ghé tai ông Quốc Thước nói nhỏ : “ Anh ạ, chắc là chị khó qua trong thời gian không lâu nữa. Ngày mai vợ chồng em có công chuyện vào Khu Bốn. Nếu chị “ đi “ trong khoảng từ nay cho đến trưa ngày 10/5/2016, thì em không dự Lễ tang được. Em sẽ đề nghị anh Bằng thông báo và tổ chức bà con đồng hương đến dự”. Cầm tay tôi, ông Quốc Thước rưng rưng nói: “ Chú cứ yên tâm mà đi theo kế hoạch. Anh em bà con ở nhà sẽ lo liệu”.
( Mặc dù thua ông 22 tuổi, nhưng từ xưa đến nay, trong quan hệ, tôi vẫn luôn tôn quý gọi ông bằng ANH - Một chữ ANH viết hoa theo ý nghĩa kính trọng, khâm phục tự đáy lòng mình ).
Chúng tôi bỏ bớt một ngày, về Hà Nội vào trưa ngày 9/5.
Chiều tối ngày 10/5, trong tiếng nghẹn ngào, ông Quốc Thước gọi điện : “ Đẩu ơi! Nhà mình “ đi “ rồi. Đi lúc 5 giờ 42 phút chiều nay. Lễ tang sẽ tổ chức vào lúc 3 giờ chiều ngày 12/10 tại Nhà Tang lễ Viện Quân y 354”. Tôi xúc động chia buồn cùng ông.
Lễ tang bà Phan Thị Thủy đã được tổ chức rất trang trọng, chu đáo nghĩa tình. Đến dự Lễ tang có đông đủ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các cấp - Đó những đơn vị, cơ quan mà ông Thước, bà Thủy và con cái ông bà đã từng công tác. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan đã gửi vòng hoa đến viếng. Lão tướng Huỳnh Đắc Hương 95 tuổi, cùng nhiều lão tướng, lão sĩ quan là bạn chiến đấu của ông Quốc Thước ở Tây Nguyên và các chiến trường khác đã đến viếng. Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên UVBCT, nguyên Phó Thủ tướng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Hội đồng hương Nghệ An đến viếng. Các cụ ông, cụ bà là bà con nội ngoại, đồng hương, tổ dân phố nơi cư trú,…đã không quản tuổi già sức yếu đã đến vĩnh biệt bà , chia buồn cùng ông và gia quyến.
Qua đây, càng thấy sự quí trọng và tình cảm thân thương của mọi người dành cho ông bà và gia đình.
Bà Phan Thị Thủy, sinh năm 1938 ( tuổi Mậu Dần ), tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bà là Công nhân quốc phòng nghỉ hưu. 14 năm qua, bà Thủy bị ốm nặng, mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông Quốc Thước, con cái và người thân phụng dưỡng, chăm sóc.
Nhiều người đều biết ông Quốc Thước là cán bộ xuất sắc trên nhiều cương vị : Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3/1975; Tư lệnh Quân đoàn 3 trong thực hiện Nghĩa vụ quốc tế ở CPC, trong bảo vệ biên giới phía Bắc; Tư lệnh Quân khu 4 trọn 10 năm; nguyên UVTW Đảng khóa VI; vị đại biểu Quốc hội " đốt nóng " không khí Hội trường Quốc hội các khóa VIII, IX, X với nhiều chủ đề, trong nhiều hiên họp; người Phó Chủ tịch TW Hội CCB Việt Nam luôn thẳng thắn đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của CCB; một người luôn đau đáu ,trăn trở với tình hình Biển Đông và mới đây thôi ông còn ra thăm bộ đội ở Trường Sa. Nhiều người còn biết thêm gia cảnh của ông.
Là vị tướng trí dũng giữa ba quân, là chính khách thông tuệ trên chính trường. Đồng thời, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực trong gia đình.
Ở ông, trí dũng quyện với nhân văn.
Thật hiếm có một người chồng tận tụy, chu đáo chăm sóc vợ ngần ấy năm trời như ông. Ông là tấm gương mà nhiều người kính nể.
Tôi có nhiều lần gặp gỡ tâm sự cùng ông. Khi thì về quê, khi thì vào Quảng Trị, Thừa Thiên thăm chiến trường xưa, khi thì gặp mặt đồng hương huyện, tỉnh, …Nhiều lần, ông tâm sự với tôi : “ Mình lấy vợ muộn, mãi tới 31 tuổi mới cưới bà ấy. Những tưởng, mình hơn vợ một giáp ( 12 tuổi ) cuối đời bà ấy phải chăm sóc mình. Ngờ đâu ngược lại. Thực tế là, mình muốn tham gia nhiều hơn việc nọ việc kia trong hoạt động tình nghĩa đồng hương và cựu chiến binh. Nhưng còn phải chăm sóc bà Thủy. Chỉ có mình chăm bón thì bà ấy mới ăn, ngủ được nhiều hơn. Bà ấy buồn mỗi khi thấy mình vắng nhà đôi ba ngày. Bọn mình, từ thuở thanh xuân số lần gặp được nhau chỉ tính đến trên đầu ngón tay. Năm 1965, mình đi B trong đội hình Sư đoàn 325 và ở B mút mùa lệ thủy. Vợ chồng 10 năm xa cách nhau đằng đẵng. Có thời gian còn bặt tin. Một mình bà ấy nuôi dạy con cái trong chiến tranh phá hoại, khó khăn, gian khổ bộn bề . Nay, về già, mình chăm sóc lại bà ấy lúc ốm đau theo đạo vợ chồng, là sự đền đáp nghĩa tình ! ”.
Chiều qua, giữa một ngày oi nồng, mọi người thương cảm nhìn thấy ông Quốc Thước - một cụ già đã 91 tuổi, mình hạc, tóc bạc, mắt trũng sâu thâm quầng , da đồi mồi - đứng đầu hàng gia đình để cám ơn hàng trăm đoàn đến chia buồn, phúng viếng. Rồi nữa, suốt đêm qua trên quãng đường 300 cây số, ông lại cùng con cháu, họ hàng đưa linh cữu bà về quê nhà an táng, mọi người thương cảm và kính phục ông vô cùng.
Xin kính viếng bà, chân thành chia buồn đến ông cùng toàn gia quyến !
Nhớ lại, đầu xuân 2015, khi Gặp mặt Đồng hương huyện Nghi Lộc chúc mừng ông Quốc Thước tròn 90 tuổi, tôi đã kính tặng ông đôi câu đối :
“ Trải một đời xông pha trận mạc, trí dũng song toàn, tận hiếu tận trung, hiến dâng Tổ quốc ;
Suốt bao năm băng qua gian khó, tâm đức vẹn nguyên, trọn nghĩa trọn tình, bồi đắp Gia phong”.
Một lần nữa, tôi xin đăng lên Fb để bà con chia sẻ.
SỬA NÓI

Khách quan mà nói, người Việt ( Kinh ) trên đất nước ta không nơi nào có phương ngữ ( thổ âm ) khó nghe như người Nghi Lộc ( Nghệ An ) quê tôi. Không nói ngọng một số từ như một số vùng quê, người Nghi Lộc quê tôi nói khác hết thảy mọi ngôn từ. Có người ở vùng khác phát hiện ra rằng, muốn nói được tiềng Nghi Lộc, chỉ cần bỏ tất cả dấu là được. Theo cách đó, có người còn đùa: " Nguồn gốc người Nghi Lộc là người Nhật Bản. Ví dụ : có hai người Nghi Lộc gặp nhau ở Hà Nội. Người này hỏi, mi ra khi mô rưa? Người kia trả lời, choa ra bưa qua " ...
Biết bao giai thoại, đàm tiếu xoay quanh tiếng Nghi Lộc - kể ra thì dài lắm - Và nhiều người coi đó như một thứ tiếu lâm trong đời sống cộng đồng.
Ngôn ngữ là phương tiện đầu tiên trong quan hệ giao tiếp. Biết được tật của mình, muốn hòa nhập vào cộng đồng xã hội trên mọi lĩnh vực, thì người dân Nghi Lộc quê tôi phải chủ động tự điều chỉnh nói theo tiếng phổ thông - ít ra thì cũng được như tiếng người Khu Bốn nói chung.
Sinh ra ở một miền quê với tiếng nói như thế, nhưng tôi lại là người có phần khó tính khi nghe người khác nói ngọng hoặc khi đọc phải chỗ viết sai chính tả một số từ trên sách báo, văn bản. Nhớ thuở mới vào quân ngũ, tôi đã nghe các anh cựu binh trêu một số người quê ở Khu Ba là : “ Ăn nòng nợn, uống lước nã, đi nỏng hàng noạt,…”, “ Học tập ní nuận Mác Nê Lin “, .. vv .. Đi trên phố, giống như nhiều người, tôi vừa bực mình vừa buồn cười khi thi thoảng bắt gặp một vài biển quảng cáo hoặc khẩu hiệu viết sai chính tả. Kiểu như : “Cháo nòng nợn “ , “ Cháo nghêu, chai”, “ chứng gián”, “ chứng vịt nộn” , thậm chí có khẩu hiệu : “ Xáng xuốt nựa chọn…” , . v .. v. .
Tôi nhớ có một chuyện cách đây đã 13 năm, khi đang công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1. Có lần, tôi chủ trì cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan : Phòng Đào tạo, Phòng Chính trị, Khoa Lý luận Mác Lê Nin tiến hành kiểm tra huấn luyện ( thường gọi tắt là Kiểm huấn ) ở Giảng đường. Giáo viên giảng bài hôm đó tên là C, thuộc Khoa Mác Lê Nin, quê ở tỉnh Thái Bình. Sau khi dự giảng hai tiết, đoàn kiểm tra đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm với giáo viên, Tổ bộ môn và Khoa. Mọi người trong đoàn kiểm tra đều có ý kiến nhận xét. Cuối cùng tôi kết luận đánh giá là : Giáo viên hôm nay nắm nội dung bài rất chắc, nhuần nhuyễn; phương pháp sư phạm khá hay; thái độ của học viên trong lớp là nghiêm chỉnh. Đánh giá chung : Tốt.
Tuy nhiên, khi mọi người rời phòng họp, tôi yêu cầu giáo viên dạy buổi ấy ở lại gặp riêng. Tôi nghiêm khắc nói, ông đã làm giáo viên dạy môn này nhiều năm rồi. Tại sao ông không sửa được mỗi từ nói ngọng “ L” thành “ N ” và ngược lại. Nói thật, ở Trường ta giáo viên dạy các môn quân sự như: “ Chiến thuật”, “ Xạ kích “ ..v ..v.. nói ngọng đã là không hay, nhưng có thể châm chước. Còn đối với giáo viên dạy lý luận, dạy chính trị mà nói ngọng là không được, là phản cảm lắm! Tôi yêu cầu ông trong vòng 3 tháng phải sửa được tật này. Nếu không sửa được, thì Nhà trường buộc phải chuyển ông sang làm việc khác. Theo tôi, có nhiều cách để sửa. Ví dụ ông đứng nói trước gương hoặc nói vào máy ghi âm để nghe lại…
Một thời gian sau, tôi chuyển đi đơn vị khác. Hôm chia tay Trường, ông giáo viên ngày ấy đến gặp tôi. Với nét mặt vui vẻ, ông ấy niềm nở nói, em chân thành cám ơn anh. Bây giờ thì em không nói ngọng nữa. Quả thật, nếu không có sự nghiêm khắc, gay gắt, quyết liệt của anh, thì chẳng biết em nói ngọng đến tận bao giờ. Nghe xong, tôi thật mừng.
Biết sai và cố gắng sửa sai - dù chỉ là việc nói ngọng một đôi từ - âu cũng là điều nên làm!