Menu ngang

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Tập thơ                            MỘT  CHỮ  TÌNH

                       NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - 2006


                                              LỜI  BẠT 
 
                                                                    Tiến sĩ văn học Mai Hồng Hải
     
      "Một chữ tình" đó là tựa đề của tập thơ. Giản dị vậy thôi mà hàm chứa bao tầng ý nghĩa thiết tha, sâu lắng. Người ta thường tìm đến thơ để tự hát, để giải bày những thăng hoa, những thẳm sâu của cõi lòng. Còn Nguyễn Mạnh Đẩu đến với thơ là đến với sự đồng vọng của tâm hồn. "Một chữ tình" trong thơ Anh là sự đa cảm của tâm hồn thi nhân giao hòa với cảnh vật, là tình yêu chân thành sâu sắc tới mức cảm động của một đồng đội đối với những đồng đội của mình, là tình yêu quê hương, đất nước. Và, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất mà tập thơ để lại trong lòng người đọc là sự thi vị của một tình yêu đôi lứa nồng nàn, chân thành mà mãnh liệt, đắm say.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

 Truyện ngắn                     ĐỒNG  ĐỘI CŨ


Kỳ lương tháng còm cõi không đủ lấp kín những nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của gia đình. Mới nhận lương được mấy ngày, đã nhẵn túi. Bao nhiêu thứ cần trang trải. Đắn đo cân nhắc mãi, sau khi bàn với vợ là Lê, Quang đành phải quyết định xách chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ - vật đáng giá nhất còn lại trong nhà - ra Chợ Trời để bán. Thôi thì, trong lúc túng thiếu, bán đi mua chiếc xe khác kém hơn, đi tạm, bớt được ít tiền, giật gấu vá vai, chống đỡ qua ngày. 
          Hôm đó là Chủ nhật, Long - em ruột Quang, đang học ở một Trường Công nhân Kỹ thuật ở tận Phú Thọ cách hơn trăm cây số, về chơi. Thế là, từ sáng sớm, ăn vội bát mì sợi "không người lái", uống mấy ngụm nước lọc, hai em em đèo nhau lên Chợ Trời.

Có người nói, muốn biết trình độ văn minh, điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống của một vùng quê trong một thời kỳ cụ thể, thì tốt nhất là đến quan sát hai nơi: Chợ và nghĩa trang. Điều đó không bao giờ sai.
            Chợ Trời - đúng như tên gọi của nó - họp ngoài trời, suốt ngày người tấp nập trên mấy dãy phố, buôn bán thượng vàng hạ cám, đủ loại.

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

               THỜI GIAN

                              Tác giả Phạm Quốc Ca

Trước bàn viết tôi một khung cửa sổ

Khoảng trời xanh trắng muốt mây bay

Ngày tươi trẻ

Ngỡ cuộc đời vĩnh viễn

Chợt nao lòng: sợi tóc trắng trong tay.


Những toa vô hình

Con tàu không tiếng

Lặng lẽ trôi về ga cuối không màu

Không vé khứ hồi hai lần tuổi trẻ

Sao cược đời mình vào những không đâu?


Mộng ước cao xa

Ngày thường giăng lưới.

Vốn đời mình tôi đã tiêu hoang

Những hội họp, hoan hô

Những cuộc vui vô vị

Tỉnh cơn say chiều đã úa vàng.


Bông hồng tôi yêu hôm nào hé nụ

Đã rụng đỏ bầm những mảnh thời gian

Ngày cứ mỏng dần như bóc lịch

Mây trắng ngang trời

Lại sắp xuân sang!

              
                
Mấy bài thơ hay       BÀI THƠ VỀ ĐÔI DÉP

                                         Tác giả Nguyễn Trung Kiên

               Bài thơ đầu anh viết tặng em
               Là bài thơ anh kể về đôi dép
               Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
               Những vật tầm thường cũng biến thành thơ

                Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ
                Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
                Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
                Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

                Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao
                Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
                Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
                Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

                Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
                Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
                Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
                Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu


                Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
                Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
                Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
                Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

                Đôi dép vô tri khăng khít song hành
                Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
                Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
                Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

                Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
                Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
                Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
                Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung

                Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
                 Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
                 Chỉ còn một là không còn gì hết
                 Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia
./.





                             
                                  XỨ  HƯU

                                          Tác giả Nguyễn Đình Ất

Dại - Khôn, Phúc - Phận, Tháng - Năm
Phải đâu ai cũng được cầm sổ hưu
Hết trưa, nhóm ngọn lửa chiều
Cạn dầu, đau gió …thì khêu bấc đời
Bấm tay nào mấy ngọt bùi
Mà sao yêu cái cõi người thẳm sâu!
Tháng năm xác trắng mái đầu
Lênh phênh Còn-Mất lấp sau liếp người
Dòng đời con nước vèo trôi
Rời trường học, học trường đời…chỉn chu!
Lập lòe cõng trái phù du
Thuyền hưu là đã chạm bờ bể dâu
Xứ hưu đã kéo còi tàu
Số lùi…ga cuối…bảo nhau không buồn!
Sẽ là hụt hẫng cô đơn
Là bao tờ lịch không hồn …chen rơi!
Sẽ là những sáng mai vui
Bạn đi
           Mình bỗng bùi ngùi:
                                              - Đi đâu?
Sẽ là trong nắm tay nhau
Cứ chen ngang cái …không đâu như thừa!
Sẽ là …
             Chuyện của muôn xưa
Không buồn thì chắc… mình chưa phải mình!
Trả đời bóng của công danh
Giữ cho nhau những ngọt lành thảo thơm
Dắt vui về với cháu con
May chi trả chút nợ hồn cho thơ!
Dễ gì hưu cả giấc mơ
Rổn rang cho tuổi bay vù qua tai
Xứ hưu đâu kể Ngắn-Dài
Tắt Trăng, ta thắp sao Mai giữa trời
Giá hưu là cái tình người
Phải đâu tiền để cho nơi sang giầu!
Lại tìm chốn đất chôn rau
Ngọn đèn, trang sách …thuở đầu vòng quay
Thung thăng đan nốt tháng ngày
Thương nhau lại thưởng…Mề đay bằng lời!

Con quay búng thẳng lên trời
Đố ai vẽ nổi ra đôi ba vòng!
Vô vi - Sắc sắc - Không không
Đạo-Đời. Thiền để cho lòng thảnh thơi!
Sáu mươi năm…
                            Gói chuyện đời
Lại thanh thản…
                            Nói chuyện người…
                                                            Xứ hưu!





                  MẸ ĐÃ CHO CON

                                                              Tác giả Trần Thị Nương

Mẹ đã cho con
               Người đàn ông cương trực
Mẹ nuôi lớn bằng 
               dòng sữa của cánh đồng gió thốc
               hạt sóng của biển
lời ra của đại ngàn.

Mẹ đã cho con 
               người đàn ông qua thời Chinh chiến
điềm tĩnh tháo bom nổ chậm
 Binh đoàn
 vượt  tuyến
 đêm đông.

Mẹ cho con 
               người đàn ông thấu cái nhìn trái đất
Xót lũ kiến 
               lú đường bên vũng mật
Thờ ơ trước hũ vàng 
                cạm bẫy...

Mẹ cho con 
              Người đàn ông đích thực
Cả đời 
               tạc tượng trong mơ.
Người ấy không so đo với con
chiếc váy hoa màu tím
Không ghen với con bài thơ tình
Không đếm quả cà nằm im góc bếp...

Mẹ cho con 
Người đàn ông đích thực
Con được làm người
Vừa đi bộ
Vừa bay…






                          THƠ VIẾT Ở BIỂN

                                                   Tác giả Hữu Thỉnh

               Anh xa em 
               Trăng cũng lẻ
                Mặt trời cũng lẻ
                Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
                Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
                Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
                Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
                Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến 
                Dù sóng đã làm anh
                Nghiêng ngả 
                Vì em





Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

THƯỢNG TƯỚNG ĐẶNG VŨ HIỆP,
 NHỮNG ĐIỀU TÔI BIẾT

Từ trái sang phải, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Đại tá Hồ Thị Bi, Thiếu tướng Lê Văn Dũng (sau là Đại tướng) và tác giả. Ảnh tư liệu.
                                                    
            Trong cuộc đời quân ngũ của mình, với điều kiện và môi trường công tác, tôi may mắn có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với nhiều vị tướng lĩnh của Quân đội ta. Mỗi người - trên từng phương diện - đều là bậc thầy, để lại cho tôi ấn tượng tốt. Trong đó, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, người trong nhiều năm là thủ trưởng trực tiếp, đọng mãi trong tôi nhiều ấn tượng kỷ niệm tốt đẹp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi không cùng đơn vị với ông. Ông tham gia chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Còn tôi là cán bộ cấp cơ sở chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Bạn bè viết

                     Ly cà phê đầu năm

                                                    Tặng N

                    Chúng mình đón xuân sang
                    Bộn bề bao ký ức
                    Xốn xang nhiều mơ ước
                    Giữa men say nồng nàn.

                    Giọt ngoài rơi tí tách
                    Giọt trong đặc quánh rồi
                    Ánh mắt em nhìn tôi
                    Hương thơm ngào ngạt quá

                     Cà phê hay là em
                     Sao vừa quen vừa lạ!

                     Ly cà phê đầu năm
                     Một mùa xuân đang tới
                     Bao nhiêu điều đón đợi
                     Tình yêu và mộng mơ!


                                              Xuân Nhâm Thìn

                                                Nguyễn Trung Thành

   Suy ngẫm 
                                                   HỌP


Trong chế độ làm việc của mọi tổ chức - dù nhỏ dù lớn - bao giờ cũng có một loại hình được sử dụng nhiều nhất, với nhiều tên gọi khác nhau: hội nghị, giao ban, hội thảo, tập huấn,... Tựu trung lại có thể gọi chung một từ là: Họp.
Trên thực tế, diễn ra rất nhiều các loại họp. Họp để phổ biến chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Họp để nghe báo cáo của cấp dưới. Họp để nghiên cứu xây dựng một qui chế, chính sách mới. Họp để bàn biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn về một nội dung cụ thể. Họp để triển khai việc thực hiện nhiệm vụ. Họp để nghiên cứu một chuyên đề khoa học, thực tiễn. Họp để bàn bạc xử lý một số vấn đề nổi cộm, bức xúc. Họp để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua; xác định chủ trương, nội dung và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Họp để sơ kết, tổng kết,..v.v.. Có cuộc họp bàn chuyên đề và có cuộc họp bàn nhiều nội dung.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

VỪA  ĐI VỪA  SUY  NGHĨ

                                             Đại tá Nguyễn Trung Thành


Trong các vị tướng mà tôi đã có dịp làm việc, Thiếu tướng Trần Kinh Chi Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Là cán bộ kỹ thuật, tôi nhìn ông qua lăng kính kỹ thuật. Ở ông một con người giàu ý tưởng, biết cách trình bày lập luận một cách logic sinh động để thuyết phục người nghe và có tài nắm bắt, tổng hợp ý kiến cấp dưới.
Tôi thường thắc mắc, không hiểu ông học tập nghiên cứu từ bao giờ, bằng cách gì, để có được một khối kiến thức và một lượng thông tin phong phú trong nhiều vấn đề  như vậy.
Khi họp với các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học được mời đến tham gia các vấn đề kỹ thuật nhằm hoàn thiện công trình Lăng Bác Hồ, ông đã trình bày một cách khúc triết các lĩnh vực như: môi trường, vi khí hậu, thông gió điều hòa, điện tự động, thông tin liên lạc và cơ khí chế tạo. Cứ như ông là một chuyên gia kỹ thuật thực thụ. Các nhà khoa học không những hiểu mà còn tâm đắc với cách đặt vấn đề. Sau khi họ tranh luận sôi nổi, ông đứng lên kết luận những điều chọn lọc nhất.

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012


Ghi chép                  NHỮNG GIỌT MỒ HÔI TRÊN TRÁN
                THỦ TRƯỞNG PHÙNG THẾ TÀI


                                      Đại tá Nguyễn Trung Thành

          Tổ thiết kế và chỉ đạo thi công Công trình K9 Đá Chông nơi gìn giữ thi hài Bác Hồ trong thời gian trước khi có Lăng gồm 6 kỹ sư của ban thiết kế phòng công trình - Bộ Tư lệnh Công binh. Kỹ sư Cao Đàm phụ trách phần xây dựng, kỹ sư Bùi Danh Chiêu, thông gió điều hòa, kỹ sư Hoàng Quang Bá cấp nước; kỹ sư Hoàng Vân tổ chức thi công và tôi Nguyễn Trung Thành hệ thống điện và tự động, do kỹ sư Nguyễn Trọng Quyển trưởng ban trực tiếp phụ trách. Sáu anh em chúng tôi sống và làm việc liên tục tại công trường trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng rất vui. Chúng tôi cũng là tác giả các công trình sơ tán thi hài Bác trong thời chiến tranh phá hoại như H21 - H25...
                  MỘT   CHẶNG   ĐƯỜNG   CÔNG   TÁC


Ngày 26 tháng 2 năm 1997, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội (26/2/1947 – 26/2/1997) và đón nhận Huân chương Quân công tại Hội trường Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi lễ hôm đó rất hoành tráng cả về nội dung và nghi thức. Tới dự có Thủ trướng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, đông đủ đại biểu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, và lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương. Đặc biệt là, có tới 5 Đại tướng thuộc hàng nguyên lão: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Đoàn Khuê. Có thể nói, đây là trường hợp hy hữu của một buổi lễ kỷ niệm cấp cục. Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư chúc mừng.
Thời gian trôi nhanh, mới đó đã 15 năm. Tháng Hai này, Cục Chính sách - TCCT sẽ tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội. Nhân dịp này, tôi hồi tưởng về một chặng đường công tác.
Tôi rời Cục Chính sách - TCCT đã 12 năm. Quãng thời gian dài đến vậy mà trong tôi cứ như mới diễn ra ngày nào. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi từng đảm nhiệm các cương vị khác nhau ở 3 đơn vị: Cục Chính sách - TCCT, Trường Sĩ quan Lục quân 1 ( nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn ) và Tổng cục Kỹ thuật.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Thơ Phương Hà


                  TỰ   KHÚC

Xin đừng trách sao anh ghen với cỏ
Nơi ta nằm một nửa cỏ ôm em
Em chia xa để hồn anh ám ảnh
Một đời trai mắc nợ với sao trời

Sông vẫn chảy và muôn đời gió thổi
Bóng con đò bến cũ còn không
Hoài niệm đóng đinh tình yêu than đỏ
Nghĩ về nhau năm tháng bớt thăng trầm.



ĐỒNG   TÂM

Bao say đắm sinh viên khép lại phía sau rồi
Khép lại bao nỗi niềm thao thức
Em đi giữa đôi bờ mơ thực
Ngổn ngang trần trụi đời thường

Tán bàng xanh đổ bóng xuống sân trường
Đồng nghiệp năm người mười ý
Mỗi một học trò có đến hai quỉ sứ
Em qua tuổi học trò chập chững làm cô

Thương em, thương em… nói sao cho vừa
Chợt nhớ ngày xưa học lý
Thầy giáo dạy trong giao thoa sóng kép
Có một điểm đồng tâm trong muôn đợt sóng trào

Tìm đi em điểm đồng tâm cuộc đời
Điểm đồng tâm tình yêu đôi lứa
Tự nhiên bao la cuộc đời bão tố
Cô giáo với học trò đều có điểm đồng tâm.



TÌNH   MUỘN

Giọt thanh xuân
Em e ấp giữ gìn
Lại đánh rớt nơi đồng quê
Khô cằn cọc cỗi

Khi tóc đã ngả màu sương núi
May mắn còn
                    sót giọt hồi xuân

Em trao anh
Sau bảy nổi ba chìm

Anh đón nhận
                   Trong muộn màng xa cách

 Để ta tin tình yêu màu bất diệt
 Xanh trên đầu một sắc tuổi hai mươi.

Thơ Phương Hà


            KHI  HÀ  NỘI  KHÔNG  EM

                                                     
       Nếu không em xin Bằng lăng đừng tím
Ve đừng kêu hạ chớ vội về
Hà Nội với anh giờ hoang vu quá
Gió sông Hồng vun vút một bờ đê

Xao xác cô đơn bồn chồn thổn thức
Phía cao xa trăng lẻ có buồn không
Bao nhiêu cặp tình nhân trên trái đất
Yêu thương nhau mà xa cách đến vô cùng

Ôi bóng dáng Tháp rùa cổ tích
Hồ Gươm màu ngọc bích làm gì
Bút Tháp viết thơ trời xanh có thấu
Khi anh về Hà Nội lại không em !



Thơ Nguyễn Trung Thành



                  XÓM  NÚI

    
                 Một ngày đẹp trời thăm Xóm Núi*
                 Cứ ngỡ thiên cung miền hạ giới
                 Một vùng đồi núi nhà đua sắc
                 Cái cao cái thấp đứng trầm mặc
                  Cái đỏ cái xanh đua giàu có
                 Cái ngắn cái dài phô hoành tráng
                  Kiểu cổ kiểu tây kiểu người thượng
                  Đường hoa lúp xúp uốn lượn lờ
                 Cầu khỉ qua khe nước hững hờ
                 Vườn lan lơ lửng đang khoe sắc
                 Mùi gỗ mùi hoa mùi tiền bạc.

                 Cơ man nhà đẹp nằm chờ đó
                 Biết đến bao giờ người ở cho
                 Đến thăm Xóm Núi lòng tự hỏi
                 Xóm mình bao giờ thành Xóm Núi?!
                 

                 Ngửa mặt lên trời thấy tượng Gióng
                 Ngài cười ! Ta chẳng lạ gì Xóm Núi
      
                                  Sóc sơn,  21/4/2011
                                Nguyễn Trung Thành

 *Xóm Núi  ở Sóc sơn.

        TIẾNG  CƯỜI  MÙA  XUÂN

                                  Tặng Nguyệt

       A lô ! Dạ ! em đây !
      Và chuỗi cười hồn nhiên trong trẻo
      Vỡ òa vui sướng, tin cậy, gửi trao
      Vang như tiếng suối trong veo
      Tràn qua cánh đồng khô hạn
      Như hạt sương long lanh buổi sớm
      Mùa xuân  !
     
      Cười nữa đi em !
      Bao kìm nén tủi hờn cuộc đời đa đoan
      Đã theo mùa đông lụi tàn
      Cười cho mùa xuân đến sớm
      Cho đất trời rộn rã tiếng chim ca
      Hoa tỉnh giấc khoe sắc đậm đà
       Ôi !tiếng cười !
                 em dành cho tôi ?
                                     hay cho mọi người ?
                                                        không biết nữa !

                                           
                                              Xuân Nhâm thìn 2012

                                        Nguyễn Trung Thành


              MỪNG  NHÀ  MỚI

                                              Tặng bà Lộc

     Ngoài sáu mươi tôi mới làm nhà mới
    Be bé xinh xinh bên cánh đồng vời vợi
    Bốn mùa hương đồng gió nội ghé chơi
    Ngày ngày mặt trời đi qua đây
    Sưởi ấm trái tim giá lạnh này
    Đêm đêm dạt dào sóng lúa ru hời
    Màu xanh ngan ngát dịu mát cuộc đời 
    Qúa nửa đời phiêu dạt khắp đây đó
    Hạ cánh nơi đây an bình sóng gió

    Cũng đã mấy lần làm nhà mới
    Cũng nguy nga tòa trên dãy dưới
    Lễ tân gia mừng mừng túi tủi
    Đời mệnh bạc phận đành thui thủi
    Nuốt vào lòng giọt buồn ký ức
    Hóa ngu ngơ câu hỏi đời người
    Giờ  xôn xang trong mùi gỗ mới
    Tự mình thắp lửa sưởi lòng

    Khi chiều buông ai cũng về tổ ấm
    Tôi ra đi tìm hơi ấm bạn bè
    Mấy xéc cầu lông trận cười vui vẻ
    Đoàn thể gọi le te sấp ngửa
    Dàn dựng  hay cả sân cùng múa
    Phong trào lên các cụ yêu dân quý
    Bạn bè khắp nơi hết lời cố súy
    Đời đạm bạc còn gì vui hơn thế
    Hạnh phúc cuối đời sống giữa lòng dân
 
                                      Thu 2011
                         Bạn Hà Nội Trung Thành 
                                   0985695488
    


Thơ Nguyễn Trung Thành


                                        CÔ  HUÊ
                                                  

                            Nét rất chung bà già xứ Nghệ
                            Dáng thấp đậm tảo tần thông tuệ
                            Sống chắt chiu gây dựng cuộc đời
                             Bao gian truân vất vả qua rồi

  Nét đài các phu nhân hóa bụa
  Chất trí thức ẩn trong dẫn dụ
   Cô sinh viên Bách khoa áo vá
  Thâu đêm chằm lợp áo bông Tàu
  
                               Vừa giỏi việc, căn cơ hiếm thấy
                                Đời làm vợ ngày vui chẳng mấy 
                                Cả cuộc đời dành cho cháu con
                                Quả trĩu cành còn hơn hết thảy

   Ngoài 70  vùng lên đổi mới
  Thay áo bông mặc váy dạ hội
   Sàn khiêu vũ, sáng chiều vẫy gọi
   Thật ngỡ ngàng gặp lại cô tôi


                                   Xuân Nhâm thìn 2012

                                     Nguyễn Trung Thành