Menu ngang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

VĨNH BIỆT ANH PHẠM HUY CHƯỞNG

Hôm nay, 14/12/2018, tôi đang ăn cơm tối, thì máy điện thoại hiện lên dòng tin nhắn của cháu Phạm Hiếu :” Chú ơi! Bố cháu mất lúc 16h30 chiều nay rồi “. Tôi buông đũa hỏi, thì cháu Hiếu nói : “ Bố cháu điều trị ở Quân y viện 4 , đợt vừa rồi hơn 10 ngày có đỡ hơn đã ra Viện. Trưa nay đột ngột Bố cháu nôn ra máu, tập trung cấp cứu nhưng không qua được. 9 h sáng mai liệm. Làm lễ viếng tại nhà. Sáng Chủ nhật, đưa linh cữu Bố cháu về quê an táng “.
Vậy là thêm một người bạn chiến đấu đã ra đi. Lớp lứa chúng tôi đã vơi dần - không còn bao nhiêu nữa. 

Ôi! Sự nghiệt ngã của thời gian, của tạo hoá.

Dẫu vẫn biết anh ốm nặng đã mấy năm nay - Tôi đã nhiều lần vào Viện 108 & Viện 4 thăm khi anh đã yếu. Nhưng nay nghe tin anh “ ra đi “ tôi buồn quá !
Anh Phạm Huy Chưởng quê xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Thiếu tướng, nguyên Tỉnh đội trưởng Thừa Thiên Huế, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 4, nghỉ hưu đã hơn chục năm. Anh hơn tôi chừng dăm tuổi ( trong lý lịch ghi sinh năm 1944, nhưng nhiều lần anh nói với tôi là sinh năm 1941 ). Chúng tôi là bạn chiến đấu với nhau cùng đơn vị Trung đoàn 29 ( sau này là Trung đoàn 8, rồi Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 ) từ năm 1965 đến năm 1971 - khi tôi bị thương nặng phải rời đơn vị. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm trong chiến đấu từ chiến trường Lào đến chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.

Tháng 3/1971, khi tôi bị thương nặng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh Chưởng về hậu cứ đơn vị ở tây Thừa Thiên thấy một cuốn Nhật ký chiến trường khá dày của tôi -trong đó có bản Di chúc tôi viết sẵn từ năm 1968 gửi Cha tôi. Anh đọc và cho rằng, tôi đã hy sinh trên tuyến chuyển thương, nên cất kỹ dành để ngày hoà bình trao tận tay Cha tôi. Nhưng rồi, cuộc chiến tiếp diễn, anh ấy sợ mình cũng khó qua khỏi mà không giữ được. Khi đi chiến đấu đợt tiếp, anh Chưởng gửi giao lại hậu cứ. Và sau đó hậu cứ bị ném bom, nhiều anh em thương vong, cuốn Nhật ký của tôi bị cháy hủy theo. 

Những chuyện đó, mãi tới sau 1975, anh kể, tôi mới biết.
Từ ngày miền Nam giải phóng đến nay, dẫu cương vị công tác khác và xa nhau, nhưng giữa chúng tôi vẫn dành cho nhau sự quan tâm trong tình cảm. Gần đây, tuy đã yếu lắm, thỉnh thoảng anh vẫn gọi điện cho tôi, hỏi thăm nhau.
Anh Chưởng là người chiến đấu dũng cảm & mưu trí, từ chiến sỹ trưởng thành lên lần lượt qua các cấp ở Sư đoàn 324, Sư đoàn phó Sư đoàn 348, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968, Tỉnh đội trưởng Thừa Thiên Huế, đến Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 4. Anh là Đại biểu Quốc hội Khoá X.

Nhân cách anh trong sáng, trung thực, thẳng thắn, sống tình nghĩa với mọi người. Được mọi người quý trọng.
Năm 1998, trong lần Cha tôi cùng gia đình chúng tôi vào Huế tham quan, anh Chưởng đã tiếp đón rất thịnh tình chu đáo.

Năm 2008, Cha tôi từ trần ở quê. Lễ tang tổ chức giữa một ngày Tháng 5 nắng như đổ lửa, anh Chưởng về tận nhà tôi kính viếng.
Mấy năm nay gia đình anh gặp nhiều điều bất hạnh: Cháu Hà con trai cả từ trần. Chị Hai vợ anh từ trần. Và đến hôm nay anh từ trần. Thật đau lòng!

Vì điều kiện không về dự Lễ tang anh được, tôi có nhờ đồng đội làm vòng hoa đến kính viếng anh và hẹn với cháu Hiếu hôm sau về quê lên nhà thắp hương.
Kính viếng Thiếu tướng Phạm Huy Chưởng - người Anh, người bạn chiến đấu kính mến !

Cầu mong linh hồn Anh sớm siêu thoát, tiên cảnh nhàn du !
Xin chia buồn cùng cháu Phạm Hiếu và toàn thể gia quyến !
FB HỎI, TÔI NGHĨ GÌ ?

Trời rét, tuổi già không ngủ được, nằm lì trong chăn mở điện thoại xem. Câu đầu tiên đập vào mắt, Fb hỏi: “ Bạn đang nghĩ gì ?”.
Nghĩ gì ư ! Nghĩ nhiều lắm. Tiêu cực có. Tích cực có. Khá loằng ngoằng. Nhưng chẳng nhẽ, trong đầu nghĩ cái gì đều nói ra cái đó - “ phơi “ tất tần tật lên Fb thì đâu có được. Tôi vẫn tâm đắc với câu nói : “ Hãy nghĩ kỹ về những điều mình nói. Đừng bao giờ nói ra hết mọi điều mình nghĩ “. Bởi, mọi ý nghĩ của mình chắc gì đã đúng, nếu chưa được kiểm chứng !
Hôm nay tôi nghĩ thế này : Cách đây mấy chục năm, mỗi khi phân tích về sự tụt hậu về kinh tế của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới, các NQTW thường chỉ ra các nguyên nhân. Lúc bấy giờ, đám chúng tôi còn khá trẻ, thường rút gọn lại cho dễ nhớ. 
Các nguyên nhân đó là : “ Tiểu, Thiên, Bành, Hậu, Quản “.

Đến bây giờ, sau mấy chục năm nhìn lại, thấy điều đó vẫn hoàn toàn đúng - và có cái càng bộc lộ rõ ràng hơn.
- Tiểu : Đất nước ta đi lên từ một nền kinh tế tiểu nông, sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu - cả trong cách làm và nếp nghĩ. So sánh thì thấy điểm xuất phát của ta sau thiên hạ hàng trăm năm, ... ;
- Thiên : Thiên tai, bão lụt, hạn hán ... khí hậu, thời tiết có nhiều lúc gây hậu quả nghiêm trọng ; 
- Bành : Ngoại bang với tư tưởng 
bành trướng bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn trên nhiều lĩnh vực, gây cho ta biết bao khó khăn hệ lụy - cả hiện tại và lâu dài ;
- Hậu : Hậu quả của mấy chục năm chiến tranh để lại với khối lượng to lớn, nặng nề, tính chất phức tạp, nhức nhồi ... Và chắc chắn rằng, phải mất rất nhiều năm mới giải quyết được ;
- Quản : Do trình độ quản lý của các cấp, các ngành từ TW đến địa phương ( cả trong thời kỳ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp & trong cơ chế thị trường ) có quá nhiều sai phạm & sai lầm nghiêm trọng, gây ra những hậu quả vô cùng to lớn. Nạn tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí hoành hành đất nước. Nếu thống kê một cách đầy đủ, thì chắc chắn sẽ là một con số khổng lồ - hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Tất cả điều đó cộng hưởng, tất yếu gây ra hậu quả : Đất nước ta chậm phát triển, nhân dân ta còn nghèo.
Tôi nghĩ thế & chắc rằng nhiều người cũng nghĩ thế, Fb ạ !
GIÃ TỪ NĂM 2018

Sao nhanh thế
vội vàng chi đến thế
Thời gian ơi
cứ lặng lẽ cuốn trôi
Trên tường kia
bao tờ lịch chen rơi
Ngày cuối cùng
sắp giã từ năm cũ !

31/12/2018
LẠM BÀN
-------------
CHÊ
N M Đ
Phản ánh là đặc trưng chung nhất của vật chất.
Sự đánh giá, nhận xét, phản biện, tranh luận một cách công tâm, trung thực, thắng thắn, khách quan trước mọi sự kiện, hiện tượng từ trong gia đình ra ngoài xã hội là một việc rất cần làm. Nó như một thước đo và là động lực góp phần cho sự phát triển.
Sự vật, hiện tượng nào cũng đều có tính hai mặt: xấu, tốt. Chỉ khác nhau về phạm vi, tính chất và mức độ, còn nói chung không có cái gì tốt cả hoặc cái gì xấu cả. Đòi hỏi thái độ nhìn nhận phải khách quan. Từ trong gia đình ra ngoài xã hội hễ có điều gì bất bình, thì con người ta - bất cứ là ai - đều có quyền đánh giá, nhân xét, phản đối, mong rằng mọi thứ được tốt hơn. Đó là điều cần thiết để ngày một tốt lên.
Tuy nhiên, nếu chê là sự dèm pha, dè bỉu, phê phán, nói xấu, bôi đen người khác, việc khác một cách tràn lan, vô lối là một điều không mấy hay ho gì. Sự chê bai thường bắt nguồn từ tính đố kị, hẹp hòi, ganh ghét không muốn ai hơn mình. Thực chất là do mình kém cỏi, muốn hạ người khác xuống, để ngoi mình lên.
Ở đời, có một hiện tượng thật lạ: Một số người trên thực tế chẳng có tài cán và công đức gì, nhưng họ chê hết mọi thứ từ thượng vàng đến hạ cám. Họ chê bất cứ cái gì, ở đâu, lúc nào . Họ chê nhiều rồi thành thứ bệnh “nghiện chê”, thành một thói quen không hay. Họ nhìn đời toàn một màu xám xịt. Hễ mở miệng cất lời là chê. Tuồng như, không chê được là bứt rứt, khó chịu. Khi họ chê mà không được người khác cộng hưởng đồng tình, thì tự khắc họ không bằng lòng mà cho rằng: người đối thoại không biết nói chuyện, không phải là chỗ đồng cảm, tâm giao.
Có một qui luật ở đời là: “Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Con người ta từ đứa trẻ đến các bậc danh nhân, nói chung, đều thích được khen, thích được người khác cho là quan trọng. Chê bai là làm ngược lại điều đó. Chê bai là khởi thủy của sự mất đoàn kết. Lời dè bỉu, chê bai sẽ thành mồi lửa làm nổ tung kho thuốc súng của lòng tự trọng luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Lời nói xấu người khác ở bất cứ đâu cứ như ném một hòn đá lên trời, sau đó sớm muộn lại rơi đúng đầu mình. Người xưa nói: "Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu". Có nghĩa là, ai đó ngậm máu phun người, thì trước hết đã là làm bẩn miệng mình. Nhiều người đã tổng kết: "Bệnh tật đi vào cơ thể bằng đường miệng. Tai họa cho mình lại từ cửa miệng mà ra". Do đó, ở đời đừng xúc phạm, chê bai ai cái gì đó khi không liên quan trực tiếp đến bản thân mình.
Dĩ nhiên, cần tỉnh táo phân biệt giữa sự chê bai, dè bỉu với việc nói lên sự thật.
Xuất phát từ động cơ trong sáng, với phương pháp thẳng thắn, chân thành góp ý xây dựng bằng thái độ tinh tế, lịch lãm - là điều nên làm.
Đôi điều lạm bàn nhân ngày đầu năm mới có thể chưa thấu đáo. Muôn người muôn nẻo nghĩ. Cùng quan niệm âu là điều không thể.
Có điều gì chưa đúng, mong bà con làng Fb lượng thứ.
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ 
MAI HỒNG NIÊN


Trưa 02/01/2019, anh Nguyễn Đăng Giáp gọi cho tôi báo tin : Nhà thơ Mai Hồng Niên đã từ trần tại nhà riêng vào sáng nay. Lễ tang sẽ tổ chức tại Nhà tang lễ BQP ( 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội ) vào lúc từ 16 h đến 17 h ngày 03/01/2019.
Nhà thơ Mai Hồng Niên sinh năm Quý Mùi ( 1943 ), quê xã Tân Lộc ( huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi quen biết anh qua anh Nguyễn Đăng Giáp đã ngót chục năm nay - nhất là trong các lần dự khởi công, khánh thành các công trình TCT 36 xây dựng & về dự Lễ hội đền Diên Cờ, tham dự các lần hiếu nghĩa tại nhà anh Nguyễn Đăng Giáp.

Mai Hồng Niên là một cây bút viết khỏe với nhiều thi pháp khác nhau. Có tình ca mượt mà, có tráng ca hào sảng sống động và có phần trào lộng, hài hước, đả kích, châm biếm - Ấy là nét nổi trội của Mai Hồng Niên đi vào cảm thụ của công chúng.
Đã có nhiều Nhà phê bình, Nhà văn, Nhà thơ & cả những độc giả “ ruột rà tâm phúc “ với Mai Hồng Niên viết nhiều lời bình về thơ của anh đều hay, đều đúng.
Với tôi, tôi cho rằng : Tính cách của Mai Hồng Niên được phản ánh rất rõ nét trong thơ anh. Trong đó có phần sâu sắc, có phần bi hài. Anh mang đậm tố chất ngất ngưởng, ngang tàng, bất cần, khí khái có đượm chút “ gàn “ của một Ông Đồ xứ Nghệ. 
Đây chỉ là một góc nhìn rất hạn hẹp của tôi - người cầm bút không chuyên, mà lúc sinh thời Nhà thơ Mai Hồng Niên tặng các tập thơ - nhất là tập “ Quê mình xứ Nghệ “ được tái bản nhiều lần.

Vĩnh biệt anh Mai Hồng Niên - một Nhà thơ lãng tử, hào hoa, ga lăng để lại trên văn đàn nhiều thi phẩm. Nhưng đời tư cũng đã nhuốm màu “ phù du xao xác giữa phong trần “ như anh đã từng bạch thoại.
Đời là cõi tạm. Thôi anh nhẹ gót ra đi. Cầu cho linh hồn anh chóng siêu thoát ở miền cực lạc!
Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến !