Menu ngang

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

 Facebook hỏi tôi nghĩ gì ư ?

Tôi nghĩ về sự BẤT NGỜ & KHÔNG BẤT NGỜ ĐỐI VỚI MỘT CON NGƯỜI !

- Cách đây không lâu, khi nghe thông báo chủ trương ( không biết sáng kiến của ai, cơ quan nào ) là sẽ bỏ phiếu trong toàn thể công dân Thủ đô Hà Nội về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Nguyễn Đức Chung.
Quả thật, đây là một việc làm chẳng giống ai, vô tiền khoáng hậu - xưa nay chưa từng có.
Do đó, rất bất ngờ - thậm chí là bất bình - của nhiều người có hiểu biết.

- Và mấy hôm trước, ông Nguyễn Đức Chung bị bắt. Thực ra, khi nghe tin này, không còn bất ngờ với đại bộ phận nhân dân. Bởi, qua dư luận xã hội theo dõi những việc làm của ông ta, mọi người đều đồn đoán rằng, việc bắt giam chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không thể khác được.

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát. Luật Nhân - Quả không trừ ai.
Lòng dân là thước đo chính xác nhất đối với mọi cán bộ ở mọi cấp! 

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020


KỶ NIỆM VỚI TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU

( Bài đăng trên Vietnamnet ngày 09 / 8 / 2020 )

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, Ban Liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Quân khu Trị thiên vào thăm ông Lê Khả Phiêu đang điều trị tại Khoa A 11 của Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Khi bước chân vào phòng bệnh, chúng tôi thấy ông đã nặng lắm rồi. Mắt nhắm nghiền, hơi thở nông. Tôi cầm tay lay gọi. Ông mở mắt nhìn, nhận ra chúng tôi, mà chẳng nói được gì. Cùng lúc, ông và chúng tôi đều nghẹn ngào cảm xúc, cứ thế nước mắt trào ra. Xót thương ông vô cùng, mà chẳng ai làm được gì. Tiên lượng xấu, thời gian không còn nhiều nữa.
Rạng sáng ngày 07 / 8 / 2020, một người bạn báo tôi hung tin :  ông Lê Khả Phiêu vừa từ trần. Mặc dù không bất ngờ nữa, nhưng tôi vẫn đau buồn, tiếc thương ông vô cùng. Trong tâm trí tôi hiện về những kỷ niệm với ông.
Về cương vị công tác thì giữa ông Lê Khả Phiêu với tôi là một khoảng cách rất lớn. Nhưng về phương diện tình cảm cá nhân, trong suốt mấy chục năm qua, tôi luôn coi ông vừa là Thủ trưởng, vừa là người Thầy, người Anh kính mến. Đối lại, trên mọi cương vị - kể cả khi là Tổng Bí thư BCHTW Đảng - ông luôn dành cho tôi tình cảm thân thương, coi tôi như một người em. Trong xưng hô, cán bộ các cấp thường gọi ông bằng Thủ trưởng hoặc gọi theo chức danh. Nhưng với tôi, từ lần gặp đầu tiên đến tận bây giờ, tôi luôn gọi ông bằng anh một cách trân trọng.
Tôi biết ông Lê Khả Phiêu từ hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1965, khi còn chiến đấu ở Lào, thì tôi mới nghe tên ông chứ chưa gặp.
Tôi tiếp xúc và được làm việc với ông hồi ở chiến trường Trị Thiên. Trong Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, ông là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9, chỉ huy chiến đấu lập công xuất sắc ở thành phố Huế. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức, rồi Cục phó Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên.
Hồi đó, tôi là cán bộ cấp phân đội có một số lần lên Quân khu đã được nghe ông giảng bài trong Lớp tập huấn hoặc chủ trì trong các hội nghị. Là người trưởng thành trong chiến đấu từ cơ sở, với sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, tác phong sâu sát tỉ mỉ, ông Lê Khả Phiêu đã truyền dạy mở mang kiến thức cho chúng tôi - những cán bộ trẻ trưởng thành trong chiến đấu chưa qua các trường lớp - những bài học quý cả về lý luận và thực tiễn.
Hồi tôi công tác trong Tổ đại diện Cục Chính sách TCCT tại Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cămpuchia ( 1983 - 1984 ), thì dưới quyền lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu là Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam giúp Cămpuchia. Ông thường xuyên sâu sát xuống chỉ đạo đơn vị cơ sở của các Mặt trận trên toàn chiến trường. 
Từ năm 1988, ông về làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thì tôi công tác ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp Văn phòng Tổng cục Chính trị, rồi về Cục Chính sách TCCT, tháng 3 năm 1992.
Giữa tháng 4 năm 1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT dẫn đầu đi thăm Trường Sa. Mục đích chuyến đi là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, nắm tình hình đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi chức năng, các cơ quan có trách nhệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt. Ý kiến gì thuộc phạm vi quyền hạn của mình thì trực tiếp có ý kiến giải quyết tại chỗ. Những vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của cấp trên thì tổng hợp nghiên cứu đề đạt.
Toàn bộ chuyến đi trên biển đảo hơn 10 ngày, ông Lê Khả Phiêu cùng ăn ở sinh hoạt với chúng tôi. Phong cách công tác và sinh hoạt của ông là sâu sát, cụ thể, thân tình, dân chủ, không bao giờ quan cách, sống chân thành, dân dã, được mọi người tôn trọng, kính quý.
Cuối năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Chính sách TCCT. Ngày trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi - mà thực chất là giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách - ông Lê Khả Phiêu nói đại ý rằng : Thời gian tới, Nhà nước tiến hành cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội. Những chính sách đó đều có tác động trực tiếp đến quân đội và hậu phương quân đội. Theo tiến trình chung, Bộ Quốc phòng xúc tiến việc nghiên cứu đề nghị các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội : Chính sách, chế độ đối với bộ đội làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng công tác trong các thành phần chuyên môn kỹ thuật trọng yếu của lực lượng không quân, hải quân,…Chính sách bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng. Chính sách đối với hậu phương quân đội trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng về chính sách ( thương binh, liệt sỹ, mất tin, mất tích, mộ liệt sỹ, khen thưởng,…) sau mấy chục năm chiến tranh với khối lượng lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc. Tất cả những vấn đề đó, đòi hỏi Cục Chính sách phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu đề nghị chính sách cũng như chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những chính sách đã được ban hành. Cục Chính sách là cơ quan trung tâm giúp Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp nghiên cứu chính sách với Bộ Lao động Thương binh Xã hội và các bộ, ngành khác ở Trung ương.
Sau khi giao nhiệm vụ và căn dặn tôi một số điều cần chú ý trong lãnh đạo chỉ huy Cục Chính sách, ông Lê Khả Phiêu hỏi tôi có ý kiến gì không. Tôi không đề đạt gì, chỉ cảm ơn và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên giao, mong Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan hữu quan tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Mấy chục năm qua, với mọi hoàn cảnh, trên từng cương vị, trong cảm nhận của tôi : ông Lê Khả Phiêu là một người tài năng, đức độ, vừa có tầm vừa có tâm. Ông sống thanh bạch, liêm khiết, luôn luôn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, chống các tệ nạn tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Trong phong cách công tác và quan hệ, ông luôn luôn gần gũi, không bao giờ quan cách, được mọi người kính trọng.   
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực ở tầm vĩ mô, ông Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, từ vai trò chỉ đạo vĩ mô ở tầm chiến lược đối với toàn quân toàn quốc, đến những việc làm thiết thực, giải quyết các trường hợp cụ thể. Nhiều lần ông gọi tôi đến báo cáo tình hình và chỉ thị những vấn đề cần triển khai nghiên cứu và những việc phải làm ngay. Ông đã chỉ đạo nhiều nội dung sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với quân đội mà đối với toàn Đảng, toàn dân, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc.
Viết bài này, tôi xin được coi đây là nén hương lòng kính viếng ông Lê Khả Phiêu - người tôi tôn kính đến trọn đời !

                        



Một lần cùng ông Lê Khả Phiêu
thăm Trường Sa


( Bài đăng báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, ngày -8/8/2020 )

NMĐ
Ông Lê Khả Phiêu hơn tôi 17 tuổi, nghĩa là hơn hẳn một thế hệ. Ấy vậy mà, ngay từ lần gặp đầu tiên ở chiến trường Trị Thiên vào năm 1968 cho đến tận bây giờ, trên mọi cương vị quan hệ công tác, trong xưng hô thay vì gọi ông bằng Thủ trưởng hoặc gọi theo chức danh như nhiều người khác, tôi lại gọi ông bằng anh một cách trân trọng. Tôi luôn coi ông vừa là Thủ trưởng vừa là người Thầy, người Anh kính quý. Đối lại, ông coi tôi vừa là cán bộ cấp dưới thuộc quyền, vừa như một đứa em. Tôi coi đó là một vinh dự, hơn thế là một ân huệ.
Kỷ niệm về ông thì rất nhiều. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin kể về một chuyến công tác do ông dẫn đầu ra thăm Trường Sa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về hình ảnh của ông.
Giữa tháng 4-1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu đi thăm Trường Sa. Mục đích chuyến đi của Đoàn là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, qua đó nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu, đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi, các cơ quan chức năng có trách nhệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt của đơn vị.
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 12/4/1992, tầu Titan mang số hiệu HQ 957 kéo hồi còi dài tạm biệt Quân cảng TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình ra Trường Sa. Theo kế hoạch, điểm đến đầu tiên của Đoàn chúng tôi là đảo Phúc Nguyên. Từ Phúc Nguyên lần lượt đi Quế Đường, Huyền Trân, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa. Tổng số là 7 đảo. Từ Trường Sa tầu sẽ trở về đất liền, cập Quân cảng Cam Ranh vào ngày 22/4/1992.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu và theo cách xông xáo trực tiếp của ông, chúng tôi đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của các đơn vị trên các đảo. Ở đây, chúng tôi gặp gỡ những người lính tóc đỏ quạch, da đen cháy, người chắc nịch rắn rỏi, với giọng nói, tiếng cười hồn nhiên sảng khoái. Anh em cho chúng tôi biết về tình hình đơn vị, nhiệm vụ được giao, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo, chế độ tiêu chuẩn được hưởng, hoàn cảnh gia đình và những đề đạt nguyện vọng. Tất cả họ dù ở hoàn cảnh nào vẫn một lòng sát cánh bên nhau, vượt qua mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh, kiên cường, kiên quyết, kiên trì phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi quần đảo bão tố.
13 giờ 45 phút ngày 19/4/1992, Đoàn cán bộ làm việc với Ban chỉ huy đảo Trường Sa. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đơn vị và các cơ quan, ông Lê Khả Phiêu kết luận, đánh giá cao những kết quả đạt được của đơn vị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, bước đầu của tất cả các cấp. Với cả nước cũng là bước đầu. Ông yêu cầu nhận thức nhiệm vụ phải sâu hơn, rằng giữ vững độc lập chủ quyền ở Trường Sa có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang ở đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Phải giữ vững về quân sự để từ đó phát triển kinh tế. Kinh tế, quân sự, đối ngoại phối hợp chặt chẽ với
nhau vì một mục tiêu chung là giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sứ mệnh lịch sử này, ông Phiêu nhấn mạnh, Tổ quốc và nhân dân giao phó lực lượng vũ trang chúng ta.
Thời điểm đó, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới được vài năm. Tình hình kinh tế tài chính của Nhà nước còn rất khó khăn. Đời sống bộ đội nói chung và ở Trường Sa còn nhiều kham khổ. Nhà nước và Quân đội chưa có điều kiện đầu tư về mọi mặt cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa. Là Bí thư Trưng ương Đảng, Trung tướng, Chủ nhiệm TCCT, nhưng trong suốt chuyến đi, ông Lê Khả Phiêu vẫn ăn ở sinh hoạt như mọi người. Tính cách của ông xưa nay vẫn vậy, không bao giờ quan cách, luôn sống dân dã, gần gũi, hòa mình với mọi người. Tôi nhớ, có lúc cuối buổi chiều tà, ánh mặt trời vàng rực lấp lánh trên mặt biển, ông cùng mấy anh em chúng tôi ngồi đánh cờ trên boong tàu. Gặp lúc sóng ngầm, có người trẻ tuổi hơn bị say sóng nôn thốc nôn tháo, nhưng ông Lê Khả Phiêu vẫn không hề hấn gì. Năm đó ông đã 61 tuổi.
Lại có lần, tầu Titan HQ 957 không cập vào bờ đảo đá chìm được. Đơn vị trong đảo cho xuồng ra đón các thành viên vào thăm đảo. Ông Lê Khả Phiêu cũng mặc chiếc áo phao màu vàng chanh như mấy anh em chúng tôi từ tàu xuống xuồng vào thăm đảo. Giữa một chiều nắng chói chang, đón một vị tướng già, đầu trần tóc xõa, da đen xạm, anh em cảm kích phấn khởi lắm.      
Mới ngày nào đó đã hơn một phần tư thế kỷ. Từ năm 1992 đến nay biết bao điều đổi thay, nhưng tư duy chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta về Biển Đông, về Trường Sa không bao giờ thay đổi. Quyết tâm giữ vững bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của chúng ta là nhất quán. Trường Sa vì cả nước và cả nướcvì Trường Sa là khẩu hiệu luôn luôn đúng.
Vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, xin chia buồn cùng gia quyến. Kể lại chuyến công tác do ông dẫn đầu ra thăm Trường Sa, tôi coi đây như một nén hương lòng kính cẩn trước anh linh ông - người tôi trọn đời tôn quý, kính trọng!