Menu ngang

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

NHÂN NGÀY 22.12 TẾT BỘ ĐỘI
                                                          Giao Hưởng
                                                                            (Ảnh tác giả năm 18 tuổi, năm 1972)
Mấy đồng môn thời trường huyện gọi điện chúc mừng "những cựu binh hội viên 7073 C3 NL1". Lục tìm tấm ảnh học viên lái xe BTL Pháo binh (F351) trong bằng lái xe hơi, do Đại tá Vũ Toàn-Cục trưởng Cục quản lý xe máy toàn quân ký. Tuổi 18, vừa mới 6 tháng tuổi quân. Loáng đã 42 năm....
TẬP VỞ THẤM MÁU
Sáng ngày 15.12.1972 tại Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc), mình cùng các học viên Trường lái xe (thuộc Bộ tư lệnh binh chủng Pháo binh) dự lễ tốt nghiệp, nhận bằng lái xe, chiều, trong số các xế mới được điều động về Đoàn vận tải (thuộc Phòng hậu cần binh chủng Pháo binh, đóng tại Ngã ba Cầu Giấy, Hà Nội), có tên mình. Theo kế hoạch, sau khi ổn định chỗ ăn ở tại đơn vị mới, chúng mình sẽ lên biên giới phía Bắc nhận xe, pháo kéo thẳng vào miền tây Quảng Trị.
Chiều tốp 3 thằng lính xế cùng quê Nghi Lộc chân ướt chân ráo vừa về đến Đoàn vận tải đóng tại Vườn nhãn đền Voi Phục, được dùng cơm tối cùng đơn vị mới. Dưới ánh điện sụt áp trong nhà ăn tập thể,Thủ trưởng đoàn thổi còi lệnh ngồi tại chỗ để nghe chỉ thị: Cơm nước xong sau 30 phút toàn bộ đơn vị lên xe rời Hà Nội ngay trong đêm. Khoảng 20 giờ những chiếc xe bịt bạt chở đầy lính vùn vụt lao đi trong giá lạnh đêm đông, các cánh líh trẻ ruột gan như có lửa: Sao kế hoạch đột ngột thay đổi nhanh như thế? Khoảng 0h giờ đoàn xe dừng bên rìa làng, mọi người nạp thêm một vài thanh lương khô liền bắt tay vào đào hầm trú ẩn. Sáng ra mình hỏi dân mới biết đang ở làng Đồng Văn, xã Tiến Xuân, huyện miền núi Lương Sơn tỉnh Hoà Bình./ Ba hôm sau đứng từ làng Đồng Văn cách sân bay Hoà Lạc chừng dăm bảy cây số, mình nhìn rõ bão lửa nổi lên trên bầu trời Hà Nội, nhìn rõ tên lửa Sam với đuôi lửa khổng lồ đuổi theo B52. Đêm không điện không đèn, những chiếc MIG17 chùi chũi cất cánh từ đường băng dã chiến Hòa Lạc rồi mất hút giữa màn đêm, về sau mình mới biết cấp trên không bất ngờ trước đòn tập kích “được ăn cả, ngã về không” của không lực Hoa Kỳ.
Những ngày tiếp đó cứ sau bữa cơm chiều mình cùng đồng đội lại lên xe về Hà Nội làm nhiệm vụ đào bới, kiếm tìm thi thể các nạn nhân giữa đống đổ nát hoang tàn. Ai từng chứng kiến cảnh Hà Nội về đêm trong khoảng thời gian thấm đẫm máu và nước mắt ấy cũng không khỏi đau đáu câu hỏi:Thường dân có tội tình chi, mà dãy phố Khâm Thiên vốn sầm uất như thế, chỉ sau một đêm đã bị B52 san phẳng? . Mình cảm nhận được sức nóng oán giận từ lòng người và từ trời đất, sông nước, cỏ cây. Trong màn đêm đổ nát, nhờ vào vệt đường ray tàu hỏa mà bom thù không bóc nổi, mình mới xác định được dấu vết của dãy phố Khâm Thiên dài mấy cây số. Lần đầu thằng lính 18 tuổi đời hơn nửa tuổi quân phải chứng kiến ngổn ngang thi thể của đồng bào. Mình cùng các đồng đội làm nhiệm vụ đã tìm được hơn hai mươi thi thể trong đó có một nữ sinh đang học lớp 10 ...
Những người sống sót kể rằng nữ sinh ấy vĩnh viễn ra đi đúng cái đêm sinh nhật thứ 18, cùng với mấy cô bạn cùng lớp đến chung vui, tất cả đều bị chôn vùi đêm 22.12.1972. Linh cảm mách bảo mình, thi thể nữ sinh tự tay mình bế lên chính là Dung nữ sinh trường cấp 3 Lý Thường Kiệt, chủ nhân buổi lễ sinh nhật. Mình bí mật mang tập vở soạn văn thấm máu của Dung về đơn vị hong khô cất giữ, và nó thành kỷ vật trong hành trang suốt mấy năm quân ngũ và những năm trên giảng đường Đại học của mình/ Chín năm sau kể từ ngày nổ ra trận “Điện Biên Phủ trên không”, trước khi chia tay giảng đường, mình về đơn vị cũ, rủ anh Lê Công Tường người xã Nghi Yên đi hỏi tìm và được gia đình Dung. Mình trao lại tập vở soạn văn thấm máu được bọc họa báo Liên Xô, cái nhãn vở vẫn rõ họ tên cô nữ sinh lớp 10A trường cấp 3 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Bữa đó bố, mẹ, em gái Dung cứ níu chặt lấy mình và anh Tường, chủ nhà và khách đều nước mắt rưng rưng.
Thích ·  · 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét