Menu ngang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

VIẾT CHO CON TRAI
NGUYỄN TRẦN QUANG


Hôm nay, 28/11 là sinh nhật của con trai Nguyễn Trần Quang.
Ngày 28/11/1975 trời rét đậm. Mẹ con sinh con lúc 4 giờ 30 phút tại Khoa sản Quân y viện 108.
Là cháu đích tôn - con đầu cháu sớm - nên cả nhà bên nội, bên ngoại mừng vô cùng khi được tin mẹ sinh con.
Ở Viện được 3 ngày, ba thuê xích lô chở hai mẹ con từ số 1 Trần Hưng Đạo về nhà ông bà ngoại ở 30 Lý Nam Đế. Khi về đến cổng 30, chú vệ binh gác cổng không cho người lái xích lô vào thành. Ba phải ngồi lên đạp xe xích lô đưa hai mẹ con vào nhà - từ cổng vào nhà khoảng gần 300 mét. Buổi chiều cậu Trần Hùng, năm đó 25 tuổi, đi làm ở Viện Kỹ thuật quân sự về vừa cất xe, chạy vào xem cháu. Nhìn thấy con còn đỏ hon hỏn, cậu không dám bế.
Ba ngày sau, ba mẹ thống nhất với nhau tranh thủ lúc ông bà ngoại đang đi công tác ở miền Nam, cả nhà mình thu xếp dọn về nhà mới được phân ở dãy X4 khu Tập thể gia đình Quân nhân 1A Hoàng Văn Thụ. Quyết định phân nhà do Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật - nơi mẹ con công tác - đã ký trước đó mấy tháng. Nhưng ba mẹ chưa thực hiện. Việc ra khỏi nhà ông ngoại lúc bấy giờ không phải do ông bà ngoại không cho ở chung. Thực chất, hồi đó với tình cảm rất muốn con cháu ở chung và nhà còn chỗ bố trí, trong khi nhiều cán bộ khác chưa có nhà, nên ông bà chưa đồng ý cho ba mẹ ra ở riêng.
Đưa con về 1A, với 15 m2 nhà cấp 4, trống trếnh đồ đạc, mọi thứ sinh hoạt bếp nấu, bể nước, WC đều dùng chung,…Tuy thế, ba mẹ phấn khởi vô cùng.
Mùa Đông năm 1975 trời rét lắm. Một hôm chú Nguyễn Minh Thông - con ông Cát em ruột ông nội con - đang học Trung cấp Luyện kim ở Thái Nguyên về thăm. Ba và chú Thông phải đạp xe lai nhau ra phố Hàng Chiếu ( cạnh chợ Đồng Xuân ) mua than củi về quạt cho mẹ và con sưởi.
Con ạ ! Vậy là con đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người - điều mà người xưa tổng kết “ Tứ thập bất như hoặc” ( Nghĩa là: 40 tuổi là có chính kiến trước mọi điều - không hoặc là thế này, hoặc là thế khác nữa ). Năm ba tròn 40 tuổi, ba có làm bài thơ khá dài. Trong đó 2 câu cuối là : “ Hãy lấy tuổi 40 làm điểm tựa cuộc đời / Dồn sức, căng buồm, góp gió, vượt trùng khơi”.
Thấm thoắt thoi đưa, theo qui luật nghiệt ngã của tạo hóa, ông bà nội, ông bà ngoại, chú Thông, cậu Hùng, bác Tần đã là người thiên cổ. Ba mẹ đều đã sang tuổi “ xưa nay hiếm “ - tuổi già sức yếu là điều tất yếu, không loại trừ ai.
Ba mẹ mừng với sự trưởng thành của con; đồng thời cũng không vui vì những điều con chưa làm được.
Các cháu Nguyễn Quang Minh & Nguyễn Phúc Hưng đang từng ngày khôn lớn - Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của ông bà.
Nhân Sinh nhật của con trai, Ba Mẹ chúc con khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt !
Như mọi bậc sinh thành, điều khao khát của ba mẹ là: Con mãi mãi là người con có hiếu, là người trụ cột của gia đình và là một cán bộ vừa tốt, vừa giỏi ở cơ quan, đơn vị.
Phương châm xử thế trong cuộc sống của ba muốn truyền dạy cho con là : “ Hãy luôn luôn tận tình với mọi người và hết mình với công việc ”.
Ba tâm niệm câu nói của người xưa: “Hậu phúc khán tử tôn” ( Nghĩa là : Niềm hạnh phúc sau cùng của người già là được nhìn thấy sự thành đạt của con cháu).
Điều đó không bao giờ sai đối với bất cứ ai !
NẾU

N M Đ 

Đừng bao giờ dùng nếu
Về phận số con người
Cũng đừng dùng chữ đó
Với lịch sử, ai ơi !

Ác Si Mét từng nói
Nếu cho tôi bệ tỳ
Dùng cánh tay đòn lực
Sẽ bẩy trái đất đi !

Nếu thực ra vô nghĩa
Khi mọi sự an bài
Chỉ cơ duyên kỳ ngộ
Giữa dòng đời đầy vơi !

28/11/2018
——
Đây là họa lại bài NẾU của Nhà báo, Nhà thơ Trần Mai Hưởng :
“Nếu em không sợ hãi
Dám đối mặt chính mình
Nếu anh không tự ái
Đừng vội vàng quay lưng

Mọi chuyện có thể khác
Giữa vòng xoay cuộc đời
Nhưng đôi khi chữ NẾU
Dài hơn một kiếp người !”
NHỚ THUỞ CHĂN BÒ


( Thân tặng GS.TS Hoàng Hoa - nhân thấy tấm ảnh trong chuyến anh về quê Hội khóa 45 năm Trường Phổ thông Cấp 3 Nghi Lộc )

N M Đ

Giáo sư nhớ thuở xưa
Có bảy năm chăn bò
Biết bao nhiêu bạn quý
Gắn liền cùng tuổi thơ

Giữa ngày đông buốt giá
Trưa hè nắng chói chang
Trên lưng bò em cưỡi
Thêm cái áo tơi quàng

Bạn chăn bò chung thủy
Chia nhau củ khoai lang
Cùng xuống đìa bắt dam ( cua đồng )
Nướng ăn ngon đáo để

Chuyện trên trời dưới bể
Đều kể cho nhau nghe
Chầu tầm quất hả hê
Giữa cánh đồng bát ngát !

Ai lớn lên quê đâu
Từng chăn bò một thuở
Lớn lên chẳng gặp nhau
Nhớ bạn hiền xưa cũ

Minh tổ Chu Nguyên Chương
Chăn dê từ thuở bé
Ở ta Đinh Hoàng đế
Cũng từng đi chăn trâu

Cùng bè bạn cờ lau
Giữa cánh đồng tập trận

Bao Anh hùng, Tướng lĩnh
Nhà Khoa học tài danh
Thuở nhỏ trên quê mình
Đều chăn bò, cắt cỏ ...

Nói ra không kể khổ
Mà ôn chuyện xa xưa
Dẫu nghèo đói sớm trưa
Vẫn miệt mài con chữ

Niềm tự hào một thuở
Bạn chăn bò đàng hoàng
Ngẩng cao đầu nghĩa cử
Giữa dòng đời mênh mang !

Mỹ Đình, 30/11/2018

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018


                                           DANH & THỰC



Tối ngày 14 tháng 11 năm 2018, đang ở thành phố Hồ Chí Minh khi xem truyền hình, tôi thấy xuất hiện Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp với gương mặt rạng ngời, ánh mắt cương nghị, bước đi đĩnh đạc, tự tin lên bục cao nhận Giải thưởng Doanh nhân Thế giới ( The Bizz ) tại Hồng Kông. Tôi thật vui mừng xen lẫn niềm tự hào vinh dự về anh. Lập tức, tôi đăng bài lên Facebook nói lên cảm xúc của mình kèm theo 2 câu thơ tặng anh Nguyễn Đăng Giáp :  “ Chẳng có danh gì không có giá / Vinh quang nào cũng đổi những hy sinh ” .

Nhiều năm nay, viết về Nguyễn Đăng Giáp, các chính khách, tướng lĩnh và nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ và các nhà nghiên cứu đã tốn khá nhiều giấy mực để ngợi ca, trân trọng, chúc mừng. Và bản thân Nguyễn Đăng Giáp cũng đã có nhiều bài thơ “ tự sự “ để đời rất xuất sắc - Trong đó, có nhiều bài thơ đã được các nhạc sỹ có tên tuổi phổ nhạc rất hay, được các ca sỹ sáng danh trình bày đượm chất trữ tình và hào sảng, tráng ca.  Có thể nói, trong số các Anh hùng và các Doanh nhân thời hiện đại hiếm có người được như thế.

Với tôi, trước đây, khi Nguyễn Đăng Giáp được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, tôi đã viết một bài khá dài với tiêu đề “ Xứng danh Anh hùng “. Sau khi nêu lên những công lao thành tích đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Đăng Giáp, tôi đã có sự đánh giá khái quát về anh : một con người hội tụ với 3 tố chất: thông minh, quyết đoán,  nghĩa tình. Đã qua mấy năm, trong đời sống xã hội có nhiều điều thay đổi, bảng giá xã hội ít nhiều có sự biến thiên. Nhưng nay đọc lại bài viết đó, tự tôi thấy sự khái quát của mình vẫn hoàn toàn đúng. Chắc chắn rằng, các tố chất đó trong con người Nguyễn Đăng Giáp là không hề thay đổi.

Nay, trước một vinh quang mới của Nguyễn Đăng Giáp, tôi ngẫm thấy: Sở dĩ giành được những Danh hiệu cao quý, khẳng định được vị thế, “ thương hiệu” của mình trong sự nghiệp và trong cuộc sống, thì có thể nói: Trong quan hệ xã hội, quan hệ công tác - nói cách khác là trong lẽ sống, điệu sống của mình - cốt cách bản ngã Nguyễn Đăng Giáp toát lên phẩm giá một con người vừa có Ân, vừa có Uy, vừa có Tín. Tùy theo mối quan hệ cụ thể, trên từng góc độ và phương diện xem xét, mọi người đều có thể nhận thấy Ân - Uy - Tín ở Nguyễn Đăng Giáp.

Với Nguyễn Đăng Giáp, Ân - Uy -  Tín vừa là mục tiêu kết quả, lại vừa là động lực, phương tiện, cứu cánh để tạo nên con người anh.
Bởi thế, có thể khẳng định : Ở Nguyễn Đăng Giáp danh và thực là một sự thống nhất !


Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

SÁCH MỚI :
NGUYỄN MẠNH ĐẨU - TÁC PHẨM

Chiều nay, 16/11/2017, tôi thật mừng khi nhận được cuốn sách mới do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Sách dày ngót 1.000 trang, khổ lớn (16 x 24).

Nói là sách mới vì mới in ra lò, còn thơm mùi mực. Nhưng thực ra, chẳng qua đó là “bình mới, rượu cũ”. Bởi toàn bộ nội dung - với nhiều thể loại - là sự tập hợp từ các cuốn sách đã xuất bản từ mấy năm nay nhằm lưu lại một cách hệ thống.
Đây là kết quả cảm hứng và là niềm vui tinh thần của tôi sau khi nghỉ hưu.
Tôi không phải là người chuyên nghiệp viết văn. Và khi cầm bút tôi không hề có ý nghĩ thử sức hay thi thố tài năng văn chương, càng không hề để đánh bóng tên tuổi mình. Với tôi, đơn giản chỉ là vì tôi muốn nâng niu trân trọng lưu giữ lại những kỷ niệm không thể nào quên lãng, không thể nào mất mát trong cuộc đời mình - Đặc biệt là, những hồi ức về gia đình, dòng tộc, quê hương và một thời binh lửa của lớp lứa chúng tôi.
Tôi tả lại, kể lại và suy ngẫm, sẻ chia những trang đời đầy ắp kỷ niệm. Động lực đưa tôi trải lòng trên từng trang giấy là sự tri ân cha mẹ - người sinh thành dưỡng dục; nhớ ơn các thủ trưởng, các bậc đàn anh và các đồng đội chí tình, chí nghĩa - những người đã dìu dắt, chia ngọt sẻ bùi và cùng tôi vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh trong cuộc chiến, mà đến nay nhiều người không còn nữa.
Trên từng con chữ tôi còn muốn nhắn gửi tới thế hệ con cháu của mình rằng đã có một thời oanh liệt, đáng tự hào như thế trong cuộc đời của các bậc cha ông.
Đó là những điều cần được trân trọng giữ gìn trong cuộc sống đầy biến động của hôm nay.
Đồng thời, tôi cố gắng phác dựng lên hình ảnh kính quý, thân thương của những con người - từ bậc danh nhân, tướng lĩnh đến những người dân bình dị - Đó là những mẫu người tôi trân quý, noi gương trên từng phương diện.
Dĩ nhiên, với khả năng rất hạn chế của mình, quả thực với tôi nhiều điều là “lực bất tòng tâm”.
Xin trình với bà con bạn bè !
VÔ ĐỀ
Gửi NMĐ
Ai bảo cõi đời là tạm
Tạm cũng tính bằng trăm năm
Quá nửa thời gian mình có
Là một hành trình gian nan
Nếu chỉ nhìn vào vinh quang
Cứ ngỡ tự nhiên mà có
Cái giá trả bằng vô giá
Mà sao lại thấy bình thường ?

 17/11/2016
Ngô Quý Vân 
MỖI SỚM
N M Đ
Sớm tinh sương 
Rảo bước trên đường
Tương tư gõ vào kỷ niệm
Lật giở từng trang thời gian…
ĐỜI QUÂN NGŨ
N M Đ
Buổi đi không ai tiễn
Ngày về bao người chờ
Mấy mươi năm quân ngũ
Thoáng vèo tựa giấc mơ
Nẻo thời gian mải miết
Trải biết mấy cung đường
Bao trang đời ngoảnh lại
Chất chứa niềm yêu thương
Miền không gian mênh mang
Sông thời gian chảy xiết
Ta trọn đời thân thiết
Giữa đội ngũ điệp trùng !
TÂM SỰ
N M Đ
Sông thời gian mải miết
Thuyền đời lặng lẽ xuôi
Qua chênh vênh ghềnh thác
Cập bao bến bờ vui
Ngoảnh về năm tháng cũ
Hồi ức chốn xa vời
Dắt lưng vài con chữ
Ngất ngưởng tháng ngày chơi
Ngày mỗi ngày giãi tỏ
Cùng bạn hiền tri âm
Giữa nhân tình thế thái
Buông một tiếng ... tơ lòng !
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Tôi nghe kể, cụ Đông Khê Nguyễn Thức Tự quê làng Đông Chử ( Nghi Lộc, Nghệ An ) vốn là một vị quan Triều Nguyễn xin từ quan về quê mở trường dạy học.
Cụ là bậc danh sư trên đất Lam Hồng đã từng dạy học cho nhiều danh nhân tiêu biểu - Trong đó có Chí sĩ Phan Bội Châu.
Năm 1923, đang hoạt động cách mạng ở hải ngoại, nghe tin cụ Nguyễn Thức Tự từ trần, vì không về chịu tang được, cụ Phan đã gửi một bài thơ bằng chữ Hán kính viếng.
Bài thơ chỉ có 4 câu, 16 chữ, nhưng đã nói lên tấm lòng tôn kính của Chí sĩ Phan Bội Châu đối với thầy học của mình :
" Đạo thông thiên địa
Học bác cổ kim
Kinh sư dĩ đắc
Nhân sư nan tầm "
Tạm dịch: Tri thức của thầy thông hiểu cả trời đất. Học vấn uyên bác từ cổ chí kim. Thầy dạy kiến thức thì nhiều, dễ gặp. Nhưng thầy dạy làm người thì hiếm, khó tìm.