Menu ngang

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

CHƠI & KỶ NIỆM
                               N M Đ
Thuở nhỏ, ở quê, tôi có nhiều bạn. Lũ chúng tôi cùng trang lứa, chơi với nhau hồn nhiên, vô tư, thỏa thích. Hồi đó, có nhiều trò chơi nhưng tựu trung lại thích hơn cả là: đá bóng, đánh khăng và đánh trận giả. 

Lúc đầu mới tập đá bóng, chúng tôi xin hoặc hái trộm ở vườn nhà ai đó một quả bưởi to, hơ lửa cho mềm. Thế là chia phe đá. Sau này có bóng nhựa, bóng da. Bóng da có 2 lớp. Lớp ngoài bằng da, chúng tôi bắt chước cũng nói theo tiếng Pháp là ăng - vô- lốp. Lớp trong bằng cao su, gọi là vít - xuy. Vít - xuy bị gai đâm thủng thì đem vá như vá xăm xe đạp. Vá nhiều lần quá thì thay. Lắm lúc không có tiền mua vít - xuy mới, đành lấy lá chuối khô, ghẻ rách nhét căng vào, cũng đá được. Sân bóng là những thửa ruộng sau thu hoạch còn trơ gốc rạ hoặc một bãi cát mịn màng, bằng phẳng. Sau này lớn hơn một chút, tôi được vào đội bóng “chân đất” của làng, của lớp, của trường. Thường dẫn nhau sang đá ở các sân xã Nghi Xá, xã Nghi Khánh. Cố nhiên, lũ chúng tôi là những cầu thủ bất đắc dĩ, chân đất, mắt toét. Cả đám trẻ trâu nhà quê, một chữ Pháp bẻ đôi không biết. Vậy mà khi đá bóng, chúng tôi đều hét toáng lên các khẩu ngữ bằng tiếng Pháp bồi, mới lạ. Nào là gôn, pa-ri-e, en, pê-nan-ti, cooc-ne, ooc-rơ, lăng-xê, a-la-xô, mô-nê, sút, tét, vô-lê, đờ-mi-vô-lê, manh, ê-tang,…Tất cả những từ đó chẳng qua là truyền khẩu từ lớp trước sang lớp sau. Có thể hồi đó, các từ chuyên môn trong bóng đá chưa được Việt hóa.

Mê bóng đá từ thuở nhỏ. Mãi tới sau này, khi công tác ở Cục Chính sách TCCT và Trường Sĩ quan Lục quân, dù đã ngoài 40 - 50 tuổi, tôi vẫn tham gia đá bóng với anh em trẻ.
Còn nhớ, năm 1994, cơ quan TCCT tổ chức giải bóng đá phong trào. Mở đầu là trận đấu giữa Cục Chính sách và Cục Bảo vệ an ninh. Trước giờ bóng lăn, Phạm Ngọc Thắng đội trưởng Cục Bảo vệ an ninh ( ngày đó còn Đại úy, cán bộ một đơn vị thuộc Cục Bảo vệ an ninh; bây giờ là Thiếu tướng, Phó Chỉnh ủy Học viện Kỹ thuật quân sự / BQP ) chỉ vào mặt tôi nói với đội nhà, phải kèm chặt thằng số 9 này lại, nếu không, hắn thoát xuống ghi bàn đấy. Nghe thế, anh Cao Long Hỷ,Thiếu tướng, Cục trưởng hỏi, thế cháu nói ai đấy? Thắng chỉ tôi nói: Dạ, thằng này! Tôi chỉ cười, không nói gì. Ông Hỷ nói, ấy chết, sao cháu nói hỗn thế, ông Nguyễn Mạnh Đẩu, Cục trưởng đấy chứ! Thắng rầy quá. Trên thực tế, Thắng chỉ biết tôi trên sân bóng. Khi đá bóng không phân biệt cấp chức. Năm đó, trận chung kết là Cục Chính sách gặp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Trước khi khai mạc, Hiệu trưởng Nhạc sỹ An Thuyên thấy tôi mặc quần áo cầu thủ nói: Trời ! Bác vẫn tham gia được cơ à ? Tôi nói, tham gia cho vui thôi ông ạ.
Tôi vào sân đá chừng 20 phút, thấy nam nữ khán giả cổ động viên - phần đông là giáo viên, học viên của Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật - ở ngoài sân vừa gõ trống, vừa hét ầm lên: “ Ông Đẩu ăn gian! ông Đẩu ăn gian! “ . Tôi ngớ người chẳng biết việc gì? Ngoài sân tiếp tục hét thật to :” Ê, ê, ông Đẩu ăn gian, một mình hai bóng - bóng trên bụng và bóng dưới chân - ai biết thế nào mà kèm “. Té ra, họ trêu tôi to bụng, cố tình " quấy nhiễu " làm tôi ngượng, mất tập trung.
Quả thật, sau đó tôi không đá tiếp được, xin trọng tài thay người.
Trận đó, Cục Chính sách do cầu thủ già yếu hơn, thua Trường VHNTQĐ 1-3, được Giải nhì.

Khi đá bóng ở Trường Sĩ quan Lục quân, thì trên sân các cầu thủ đều gọi tôi bằng " Bố ". Bố ơi, sút đi. Bố ơi! chuyền cho con, ... Mà phải thôi, hồi đó, tôi hơn các cầu thủ khác chừng 30 tuổi.
Cùng với đá bóng, chúng tôi chơi khăng. Cách chơi khăng cũng đủ kiểu - có kiểu giống như người ta chơi gôn, chơi bóng gỗ, hoặc bóng chày bây giờ. Chơi khăng hay lắm. Người chơi phải lần lượt qua các công đoạn : câu, cày, vệch, tạt . Mỗi công đoạn có một thứ kỹ thuật riêng. Cuối cùng là tính điểm để phân định thắng - thua. Nhiều lúc tôi nghĩ, giá như ngày nay, người ta khôi phục lại trò chơi khăng, hoàn chỉnh qui chuẩn luật chơi, phát triển lên thành một môn thể thao. Tiếp đó là tổ chức thi đấu hẳn hoi - cả trong nước và lớn hơn là khu vực - thì chắc rằng, biết đâu, sự hấp dẫn cũng chẳng thua kém chơi gôn, mà lại đỡ tốn kém hơn nhiều.
Nhiều hơn cả là chơi trận giả. Cả đám trẻ chia làm hai phe tương đồng trình độ. Chọn ra hai người chỉ huy. Người chỉ huy bốc thăm chọn phe. Sau đó dàn quân, phân trận tuyến. Trên địa hình cụ thể, người chỉ huy bằng mưu kế, lập thế trận, căn cứ vào khả năng mà giao nhiệm vụ cho quân lính thuộc quyền đảm nhận từng mũi, từng hướng…Nhờ đó mà thắng - thua rõ ràng. Chiến thuật chủ yếu là tập kích, phục kích, tao ngộ chiến trực diện, vu hồi. Phải giỏi ngụy trang, giỏi nghi binh, dương đông, kích tây, mưu mẹo và kiên trì. Luật chơi là: ai phát hiện đối phương trước thì giơ lên một ngón tay tượng trưng cho khẩu súng, miệng hô “đùng”. Hô đủ nghe thôi, hô to dễ bị lộ. Người bị phát hiện, sau khi nghe tiếng "đùng" phát ra từ phia bên kia, thì phải “chết”. Điều đó là tượng trưng cho trúng đạn rồi. Cấm cãi! Cứ thế, lần lượt tiêu diệt các “tên địch” khác còn lại. Bên nào hết quân trước là thua .
Trong nhiều “trận đánh”, theo sự tín nhiệm, đám trẻ cử tôi chỉ huy một bên và bên kia là Lê Hiền. Đám trẻ cho tôi là nhanh trí, dứt khoát. Còn Lê Hiền thì cao mưu và kiên trì. Vì chai lì hơn tôi, nên bên phe do Lê Hiền chỉ huy thường giành phần thắng. Có lần, Hiền ngồi phục kích hàng nửa tiếng đồng hồ ở Cồn Làng Đông, chôn chân giữa ổ kiến lửa cắn đỏ cả hai bàn chân và vẫn kiên trì chờ đợi. Lần khác, với đôi chân trần, Hiền chui qua cả bãi gai tre sắc nhọn, rậm rạp ở vườn ông Châu Mợi, nhằm tạo thế bất ngờ.
Những trưa hè nắng chói chang, gió nồm nam hầm hập thổi hoặc những đêm thu mát dịu dưới ánh trăng vàng, đám trẻ chúng tôi chơi đánh trận giả mê say, không biết chán. Cồn Làng Đông, cồn Chôi, cồn Hạ Lang, Nhà Vàn và những mảnh vườn ở các bìa làng là những nơi được chọn làm “chiến địa”.
Sau này, khi lớn lên đi chiến đấu ở các chiến trường, tôi được biên chế vào bộ binh, rồi trinh sát, sau đó chuyển sang đặc công.
Cứ mỗi lần ngồi phục kích trước giờ nổ súng, hoặc luồn vào đồn địch điều nghiên, tác chiến, tôi thường liên tưởng đến trò chơi trận giả thời niên thiếu. Trào dâng nỗi nhớ gia đình, quê hương. Bâng khuâng nhớ những đứa bạn thân chơi đánh trận giả thuở thiếu thời.
Khi kết thúc chiến tranh, tôi mới biết, thời đánh Mỹ, số bạn bè chơi trận giả hồi đó đều lên đường đi chiến đấu. Có nhiều người nằm lại chiến trường. Có người ngày trở về mang đầy thương tích, bệnh tật.
Mấy chục năm sau, Lê Hiền là Đại tá, công tác ở một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Có lần, gia đình tôi mời bà con họ hàng và bạn bè ở Hà Nội đến dự cơm thân mật. Bữa ấy, một người bạn thân thiết mừng tặng tôi bài thơ, trong đó có câu thật ý nghĩa:” Hoa bừng nở từ trong cằn cỗi đá”. Nghe vậy, sau khi uống cạn một chén rượu Chivas regal, Lê Hiền mặt đỏ gay, đứng dậy vui vẻ dõng dạc tuyên bố :”Ông này, bây giờ làm to thế, chứ hồi nhỏ, đánh trận giả ở quê, thường là thua tôi đấy nhá ”. Tôi cười nói, đúng thế, đúng thế. Mọi người cùng cười vui rôm rả.
Về già, lòng lâng lâng hồi tưởng lại chuyện vui chơi một thuở. Mấy chục năm đã qua mà ký ức trong tôi vẫn tươi nguyên như mới diễn ra ngày nào ./.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019



MỘT VÀI GIAI THOẠI
TƯỚNG HOÀNG ĐAN

N M Đ
Ngày 11/9/2015, trong một bữa tiệc chúc mừng Đại tá Đặng Thọ Truật được Nhà nước phong tặng AHLLVTND, giữa không khí vui vẻ những người bạn đồng hương Nghi Lộc, GS - TS Hoàng Hoa ( con trai ông Hoàng Khuê, anh ruột ông Hoàng Đan), Nhà thơ Phương Hà và mấy anh em CCB có đề nghị tôi kể chuyện về Thiếu tướng, Anh hùng Hoàng Đan - một con người nổi tiếng về chiến công, tài năng và cũng khá nhiều giai thoại.
Ông Hoàng Đan quê Nghi Thuận ( Nghi Lộc-Nghệ An ), hậu duệ của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - một danh tướng thời Trần.
Là người cùng huyện, nhưng suốt cả đời binh nghiệp, tôi không may mắn được làm cấp dưới trực tiếp của ông. Tuy nhiên, là đồng hương tôi rất kính phục chiến công và ngưỡng mộ tài năng của ông. Những giai thoại về ông, có cái tôi chứng kiến, còn lại phần nhiều nghe qua sự lưu truyền không thành văn trong làng quân ngũ. Nhiều lớp cán bộ Quân đội coi ông là mẫu chỉ huy quân sự trí dũng song toàn.
Ông là vị tướng chiến trận, kinh qua nhiều cương vị chỉ huy từ cơ sở đến cấp Chiến dịch- Chiến lược, lập nhiều chiến công. Đồng thời, ông là một nhà lý luận quân sự xuất sắc của Việt Nam đương đại, với những công trình nghiên cứu có tính học thuật cao. Ông là người thông minh, quyết đoán, tính cách thẳng thắn, bộc trực & trào lộng.
Ông được tặng thưởng nhiều Huân chương. Đặc biệt, năm 2014 ông được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trước đó, năm 2013, tên ông được đặt cho một con đường ở Thị xã Cửa Lò - đúng vào ngày Giỗ ông lần thứ 10.
Giai thoại về ông được nhiều người biết đến.

Chuyện kể rằng, vào năm 1950, khi mới 22 tuổi, ông làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 418 chủ công của Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Lúc đó anh trai ông là ông Hoàng Khuê làm Đại đội trưởng thuộc quyền. Trong một trận đánh phục kích, ông phân công đại đội ông Khuê làm nhiệm vụ khóa đuôi đội hình quân địch. Trận đánh giành thắng lợi không trọn vẹn, vì đơn vị khóa đuôi xuất kích chậm, để một bộ phận quân địch chạy thoát. Khi ra quyết chiến điểm, trước hàng quân, giữa bãi chiến trường mịt mù khói đạn, ông Đan đứng dẫm chân tức tối quát ông Khuê: " Anh đánh giặc như con c... , như cái ẻ ấy ! ". Ông quát thật to, lại gay gắt chình chịch tiếng Nghi Lộc, làm mọi người phì cười. Ông Khuê lặng ngắt, đứng như trời trồng, không dám thanh minh một lời.
Năm 1970, khi ông làm Tư lệnh Sư đoàn 304, chiến đấu ở Trị Thiên. Có lần, ông dẫn đoàn cán bộ đi địa hình để bố trí lực lượng, thế trận. Khi qua một cánh rừng, ông bảo dừng lại để tau đi đái cái. Tiếp đến, vượt qua dãy núi, ông bảo dừng lại, chờ tau ẻ cái. Rồi tiếp tục đi. Khi đến một con suối, ông bảo, tau tắm cái đã. Mấy ngày sau về vị trí tập kết họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ông tuyên bố: Tôi yêu cầu bố trí Trung đoàn 24 xung quanh chỗ tôi đi đái. Trung đoàn 66 chỗ tôi đi ỉa. Còn Trung đoàn 9 là chỗ tôi tắm.
Mọi người nhận nhiệm vụ hiểu ngay và khi đưa bộ đội vào bố trí lực lượng chính xác theo ý đồ chiến thuật của Sư đoàn. Theo ông, ngày đó trình độ đọc bản đồ và xác định trên thực địa của cán bộ chưa thạo. Nếu giao nhiệm vụ trên tọa độ bản đồ có khi sai lêch.
Năm 1974, ông là Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 vây đánh căn cứ Thượng Đức ( Quảng Nam ). Phi pháo địch rất ác liệt. Để tránh phi pháo của địch, ông yêu cầu các đơn vị cho bộ đội làm hầm chữ A. Có người chưa tin về độ chắc chắn của hầm chữ A. Thấy vậy, ông cho Công binh làm một cái hầm mẫu, rồi ông chui xuống hầm, yêu cầu cối, pháo của ta bắn thử vào đó xem sao. Cối pháo bắn có quả trúng nắp hầm.
Mọi người lo lắng. Khói tan, ông chui từ dưới hầm lên vừa cười vừa nói, thấy chưa, có sao đâu.

Ngoài đời, ông hay bị " kết tội " về quan hệ trai gái. Thật cũng oan cho ông! Thuở đó, xã hội và quân đội đều khắt khe quá mức. Thực ra, biết đâu, chắc gì số lượng quan hệ của ông đã hơn người khác. Chẳng qua ông là người công khai đàng hoàng, rõ ràng thành thật. Ông không dấu mình như những " đồng chí chưa bị lộ". Xưa nay vẫn vậy ! Thông thường thì thông minh, tài giỏi và khỏe mạnh như ông, thì khả năng sinh lý mạnh là sự đồng bộ tự nhiên trong cơ thể một con người. Và có thể có người vì lòng đố kỵ, mà thêu dệt tình tiết, thổi phồng sự việc, tăng thêm khuyết điểm cho ông, nhằm cản trở ông về đường công danh, sự nghiệp. Thêm nữa, là người có tài, chắc chắn trong nhiều trường hợp, ông bị phụ nữ chủ động tấn công. Tướng quân Nguyễn Công Trứ xưa có câu thơ thật hay, thật đúng : " Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, khách anh hùng biết mần răng ".
Nghe kể, có lần giao ban Bộ Tổng Tham mưu, ông Hoàng Đan là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1 về dự.
Hôm đó, sau khi kết thúc giao ban, ông Lê Trọng Tấn Tổng Tham mưu trưởng nói, anh Đan ơi! tôi thông cảm với anh nên đã dặn anh Đàm Quang Trung ít nhất một tuần một lần bố trí cho anh về Hà Nội gặp chị ấy. Nghe xong, ông Đan đứng dậy nói, báo cáo Đại tướng, thật khó quá, khi cần không có, khi có lại không cần, biết mần răng. Ông Đan nói đậm đặc tiếng Nghi Lộc. Mọi người dự giao ban được mẻ cười.

Sinh thời, ông Chu Huy Mân kể với tôi: Ông Hoàng Đan là một tướng tài, dũng cảm, lập nhiều chiến công. Hiềm một nỗi...
Nghe nhiều người phản ảnh việc này, bác cho gọi lên nhắc nhở. Sau khi góp ý thẳng thắn, bác chân thành nói: Ông Đan ơi! Tôi góp ý với ông trên ba phương diện: người anh lớn tuổi, là đồng hương, lại là cấp trên. Từ nay ông đừng thế nữa nhé. Nghe xong, ông Đan nói, xin hứa với anh, từ nay tôi thôi không thế nữa!
Độ một tháng sau, ông Đặng Vũ Hiệp nói với ông Mân: Anh ạ, hôm nọ Hoàng Đan gặp tôi, hắn nói: Này Hiệp, tao nói mi chuyện này, hôm nọ cụ Mân gọi tao lên cảnh báo. Tao có hứa, nhưng hứa cho hay. Với tao, tao không nhịn được đâu. Hihi.
Ông Mân bắt chước tiếng Nghi Lộc ( nói không cần các dấu ) khi kể chuyện này với tôi. Và ông phì cười, cháu tính, ai cũng vậy thôi, cái gì thuộc về bản năng là khó sửa lắm! Các cụ xưa đã dạy : Giang sơn dị đảo, bản tính nan di.

Năm 1984, cán bộ trung, cao cấp các cơ quan Bộ Quốc phòng nghiên cứu quán triệt NQ 04 / TW 5 về xác định kẻ thù mới. Trên bục, Báo cáo viên đang say sưa trình bày âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù là bành trướng, nước lớn, bá quyền,...Đang ngồi giữa Hội trường, ông Hoàng Đan đứng phắt dậy nói: Những điều đồng chí giảng giải là đúng, nhưng chưa đủ. Tôi đề nghị bổ sung thêm: Chúng nó là chủ nghĩa xỏ lá. Cả Hội trường nghe xong, cười vang tán thưởng. ( Cái hay là, ông nói to, đặc tiếng Nghi Lộc - mọi từ đều không có đấu ).
Nghe kể, khi giữ chức Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 1, có lần ông cho gọi 3 chiến sỹ lên. Ông hỏi, ở nhà các cháu ăn và ẻ ( ỉa ) ở đâu?
Chiến sĩ thứ nhất trả lời: Dạ, gia đình cháu ăn trong nhà, ỉa ngoài vườn.
Chiến sỹ thứ 2 trả lời: Dạ, gia đình cháu ăn trong nhà & ỉa cũng trong nhà.
Chiến sỹ thứ 3 trả lời: Dạ, nhà cháu ỉa trong nhà, còn ăn ngoài vườn.

Nghe xong, ông nói : Ăn trong nhà mà ẻ ngoài vườn, thì xưa lắm rồi. Ăn & ẻ trong nhà, đã là một bước tiến bộ. Còn ẻ trong nhà mà ăn ngoài vườn, thì đời sống cao lắm đấy nhá.
Cuối năm 1994, khi tôi đang là Cục trưởng Cục Chính sách TCCT, ông Đan là Cục trưởng Cục Khoa học quân sự BTTM.
Có lần, ông sang phòng làm việc của tôi. Hai anh em nói chuyện bù khú từ lúc 2 giờ chiều đến 6 giờ tối. Mãi tới khi công vụ và lái xe lên nhắc, nhìn ra ngoài trời đã tối, phố xá đã lên đèn, mới chia tay. Chuyện thì nhiều, đông tây, kim cổ, trên trời dưới bể...
Có một chuyện làm tôi nhớ mãi: Ông hỏi, Đẩu này! Khi tau chết có được vào Mai Dịch không?
Tôi trả lời, theo quy định hiện hành, vào Mai Dịch phải là Trung tướng trở lên. Còn Thiếu tướng phải là Lão thành CM và có Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Như anh là chưa đủ tiêu chuẩn!
Nghe xong, ông trừng mắt, xẵng giọng, chính sách bọn bay như cứt. Tau đi đánh giặc từ khi dái bằng hạt kê - như mi là chưa đẻ - suốt một đời chinh chiến, đến cái Huân chương Độc lập hạng Nhất cũng không cho. Tau mà xuống được Mai Dịch, tau sẽ chất vấn mấy lão ấy xem trả lời thế nào. Thôi, tau quẹt vào !
Tau sẽ dặn con cái, khi tau chết đưa tau về quê cho mát mẻ, không phải cãi nhau thằng nào !

Năm 2013, nhân được mời về dự Lễ gắn tên ông vào một con đường ở Thị xã Cửa Lò, đồng thời Giỗ ông lần thứ 10, tôi đã đến viếng mộ ông.
Giữa buổi trưa mùa Đông trời màu xám, gió thổi nhẹ, se lạnh, trên nghĩa trang dòng họ Hoàng ở xã Nghi Thuận, bên lăng mộ ông, tôi đã thầm niệm:" Anh Đan ơi! Vậy là anh đã làm như anh đã nói. Kính lạy anh - một con người em kính trọng! "
Giai thoại về Tướng Hoàng Đan chắc còn nhiều hơn nữa. Ai biết, xin bổ sung.
LẦN DUY NHẤT TRONG ĐỜI
TÔI ĐƯỢC ĐÓN BÁC HỒ

N M Đ
Năm 13 tuổi, đang học lớp 6, tôi được đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. ( Lần thứ nhất Bác về thăm quê vào năm 1957 ).
Sáng ngày 8 tháng 12 năm 1961, học sinh Trường phổ thông cấp II Nghi Khánh ( Nghi Lộc, Nghệ An ) chúng tôi đi bộ vào Vinh. Tay
chúng tôi cầm cờ hoa xếp hàng ở cổng sân bay Chợ Dâu ( bây giờ gọi là sân bay Vinh ) để đón Bác.

Trời nắng đẹp, gió thổi nhẹ dịu mát. Đúng 12 giờ 30 phút chiếc máy bay Đa-Cô-Ta cánh bạc xuyên mây hạ cánh. Bác rời máy bay lên xe com-măng-ca mui trần.
Chúng tôi ùa ra, tay vẫy cờ, hoa và đồng thanh hô to : Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác giơ tay vẫy lại.

Được biết, ngày đó lãnh đạo tỉnh Nghệ An bố trí một chiếc xe du lịch mui trần kết hoa để đón Bác. Nhưng khi xuống máy bay, Bác lại lên chiếc xe mui bạt của Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Ngồi vào xe, Bác bảo tháo bạt ra để Bác còn vẫy chào nhân dân ra đón.
Xe kết hoa chạy sau để cụ Lê Nhu nguyên Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Nghệ An ngồi. Cụ Lê Nhu râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, nhiều người tưởng nhầm là Bác. Có người lại nói, đó là người đóng thế Bác, để nghi trang.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi vinh dự được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Ngày đó Bác còn khỏe nhưng khi tôi cố len vào đứng thật gần nhìn kỹ, thấy da mặt Bác đã có mấy chấm tím nâu. Về nhà tôi hỏi người lớn thì biết đó là chấm đồi mồi - người già vẫn vậy.
Không ngờ rằng, đó cũng là lần duy nhất trong đời tôi nhìn thấy Bác Hồ.
Sau đó mấy hôm, thầy Hoàng Văn Bàng, dạy văn lớp chúng tôi ra một bài kiểm tra :”Em hãy tường thuật buổi đón Bác Hồ về thăm quê”. Bài văn tôi được thầy Bàng chấm điểm cao nhất lớp. Được thầy yêu cầu đọc cho cả lớp nghe chung. Chỉ là thành tích rất nhỏ nhưng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào.
BÀI ĐĂNG BÁO
Nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng số Tháng 9/2019 đăng bài viết của tôi nhân Kỷ niệm 89 năm Xô viết Nghệ Tĩnh.

QUÊ TÔI TRONG “ NĂM CỘNG SẢN “

Nguyễn Mạnh Đẩu

Quê tôi ở làng Đại Xá, xã Thượng Xá ( nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ). Sinh thời, cha tôi kể, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra, thì ông còn ít tuổi chưa tham gia. Nhưng ông biết: Hồi ấy, ở làng quê tôi phong trào rầm rộ lắm. Khí thế cách mạng thâm nhập, thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân.

Đại Xá là một làng nhỏ chỉ với mấy trăm hộ dân nghèo mà đã có Chi bộ Cộng sản với các đảng viên: Lê Văn Kiêng (Sâm ), Lê Văn Toán ( Tời ) và Nguyễn Văn Oanh tôi gọi bằng chú họ. Quần chúng trung kiên của phong trào thì nhiều - phần đông là trai tráng lực điền. Bác Nguyễn Văn Nuôi ( Tần ) sinh năm 1909 - anh ruột cha tôi - tuy chưa Đảng viên nhưng là quần chúng trung kiên chí cốt của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng, bác Nuôi ( Tần ) đã cùng mấy thanh niên dũng cảm hăng hái tham gia rải truyền đơn, biểu tình, trấn áp bọn phản cách mạng trong vùng. Bác thường giấu truyền đơn trong gáng hàng mang đến rải ở các chợ trong huyện Nghi Lộc : chợ Sơn, chợ Quán, chợ Đình, chợ Cầu. Và bác đã tham gia biểu tình, cùng nhân dân vây đánh đồn Pháp ở núi Cồn Thông.


Từ thuở bé, tôi đã được cha tôi và các cụ trong làng tôi kể lại rằng : Năm Cộng sản (xưa nay người dân lớn tuổi quê tôi vẫn quen cách gọi như vậy), Đảng phát động quần chúng biểu tình vây đánh đồn Cồn Thông của Pháp. Lực lượng của địch khoảng một trung đội, đóng trên một quả đồi thoai thoải ở cuối xã tôi. Lực lượng quần chúng tấn công thì rất đông nhưng chỉ có giáo mác, gậy gộc. Thậm chí, có người khi nghe hô hào, hăng hái chạy theo phong trào mà trong tay không có gì . Ban đầu quân Pháp trong đồn hoang mang, giao động, co cụm lại, chưa kịp phản ứng. Nhưng sau khi phát hiện thực lực của quần chúng, thì chúng đã nã súng dữ dội và phản kích trở lại. Lực lượng tấn công của ta bị thương vong nhiều, phải rút lui. Khi rút lui, có ông Phạm Văn Mô bị thương nặng, cố lết đến cánh đồng Chùa của làng tôi cách đồn khoảng 2 cây số thì hy sinh. ( Năm 1956, sau khi giải phóng miền Bắc, UBND xã Nghi Hợp đã tổ chức cất bốc hài cốt của ông Phạm Văn Mô đưa vào an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã. Hồi đó, tuy còn rất bé nhưng tôi đã theo bạn bè đến xem người lớn làm việc này ).

Khi cách mạng thoái trào, thực dân Pháp và tay sai ráo riết khủng bố, lùng bắt các chiến sĩ Cộng sản và những quần chúng trung kiên. Ông bà nội tôi đã phải bố trí cho bác Nguyễn Văn Nuôi trốn lên miền ngược hơn một năm. Các đảng viên của Chi bộ làng Đại Xá : Lê Văn Sâm ( Kiêng ), Lê Văn Toán ( Tời ) và Nguyễn Văn Oanh đều lần lượt bị địch bắt đưa đi giam tại nhà tù Lao Bảo rồi Kon Tum. Nghe nói, với ông Nguyễn Văn Oanh là người cao to, quắc thước, lại có học nên khi bắt được, kẻ địch tuyên truyền đã bắt được lãnh tụ Cộng sản. Mãn hạn tù, ông Lê Văn Sâm ( Kiêng ), Lê Văn Toán ( Tời ) tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Ông Lê Văn Sâm ( Kiêng ) hoạt động ở vùng Quảng Ngãi cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 tập kết ra Bắc. Ông Lê Văn Toán ( Tời ) quay về hoạt động ở Nghệ An cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, và đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông Nguyễn Văn Oanh do bị tra tấn dã man đã hy sinh trong nhà tù đế quốc Pháp. Mãi đến nay con cháu dù rất cố gắng mà vẫn chưa biết được mộ phần.

Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ( 1930 - 1931 ), là một cuộc tập dượt ( diễn tập ) của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là bài học lịch sử, tạo tiền đề cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong tiềm thức tình cảm của người dân làng Đại Xá quê tôi, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bồi đắp niềm tự hào truyền thống quê hương. Cao trào Xô Viết đã khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc của quần chúng nhân dân, làm cơ sở cho tinh thần chiến đấu hy sinh của nhiều thế hệ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.