Menu ngang

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

VĂN KHẤN TẠI ĐIỆN KÍNH THIÊN 
HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

( Trong buổi Gặp Mặt hôm nay, 10 / 12 / 2017, của cựu cư dân 1A Hoàng Văn Thụ có chương trình chiêm bái tại Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Tôi được Ban Tổ chức đề nghị soạn và đọc văn khấn tế )
Cung Duy !
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc,
Hà Nội thành,
Ba Đình quận,
Hôm nay, ngày 23 tháng 10 năm Đinh Dậu ( tức ngày 10 / 12/ 2017 ),
Chúng con gồm 450 người về dự Gặp Mặt đại diện cho hơn 2.000 cựu cư dân của Khu Tập thể 1 A Hoàng Văn Thụ ( trước đây ) tề tựu kính dâng lễ vật và tấm lòng thành, khấu đầu chắp tay hướng về chính tâm, tưởng vọng tri ân.
- Xin cung thỉnh :
+ Anh linh chư vị Minh đế, chư vị Đại vương các Triều đại hoàng kim của Đất nước;
+ Anh linh các bậc khai quốc công thần;
+ Anh linh các anh hùng hào kiệt;
+ Anh linh các liệt tổ, liệt tông các dòng họ trong đại gia đình dân tộc Việt;
+ Anh linh các liệt sỹ đã xả thân hy sinh vì sự nghiệp lập nước và giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam;
+ Anh linh các bậc tiền bối, tiền nhân ...
- Xin cung thỉnh các vị: Thiên long bát bộ, Hộ pháp thiên thần, Long mạch chúa quân, Sơn thần, Thổ địa, Táo quân và các vị thần linh cai quản xứ này đồng lai chứng giám.
Chúng con xin kính trình rằng:
Sau cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, các đơn vị Quân đội về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Theo đó, hình thành Khu tập thể 1 A Hoàng Văn Thụ - Đó là khu gia đình của sĩ quan thuộc các cơ quan Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng.
Trên một khu đất không rộng giữa trung tâm Ba Đình, là nơi cư ngụ của mấy trăm hộ gia đình sĩ quan, cán bộ trong suốt mấy chục năm. Theo thời gian, nhiều thế hệ nối tiếp nhau, có tới hơn 2.000 người đã sinh sống nơi đây - cả trong thời chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và trong thời hòa bình.
Tới năm 2000, các Nhà khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất của Khu 1A Hoàng Văn Thụ vốn là Tử Cấm Thành của Hoàng Thành Thăng Long từ thời Lý - Trần bị vùi lấp qua thời gian.
Khi Nhà nước có chủ trương khai quật các di tích lịch sử chìm dưới lòng đất, bà con cư dân 1A Hoàng Văn Thụ đã di dời về nhiều nơi khác. Khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ giải thể từ đây - Một cuộc ra đi không bao giờ trở lại. Trong tâm thức của mọi cư dân không tránh khỏi lưu luyến, bùi ngùi. Có thể nói, Khu tập thể 1 A như là cố hương, như là quê quán của hơn 2.000 con người thuộc nhiều thế hệ.
1A Hoàng Văn Thụ là mảnh đất “ địa linh, nhân kiệt”. Chính ở khu này, qua các thời kỳ đã có hơn 30 tướng lĩnh, hàng mấy trăm cán bộ cao cấp của Quân đội , của Nhà nước, có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, nhiều trí thức sáng danh, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, … Đây còn là chiếc nôi, là vườn ươm đầu đời của nhiều thế hệ - Là nơi in dấu nhiều kỷ niệm sâu sắc đầy ắp tình cảm trong thời chiến và thời bao cấp khó khăn của bao lớp người, biết bao số phận.
Người 1A tỏa đi nhiều phương trời, nhiều vùng miền của đất nước, nhưng trong tình cảm luôn coi nhau như đồng hương, đồng tộc.
Theo thông lệ hằng năm đều có cuộc hội ngộ cựu cư dân 1A Hoàng Văn Thụ để thăm hỏi nhau, cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa - Ôn lại một thời gian khó mà ấm áp tình người. Và bao giờ cũng vậy, đều chúc tụng nhau mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt trong cuộc sống.
Chúng con xin cung thỉnh!
Hôm nay được về Khu Di tích lịch sử thiêng liêng Điện Kính Thiên Hoàng thành Thăng Long, chúng con muôn vàn thành kính, đội đức anh linh, xin cung thỉnh cầu mong anh linh chư vị Minh đế, chư vị Đại vương, các bậc khai quốc công thần, các vị tiên liệt, các anh hùng liệt sỹ, các bậc tiền bối, tiền nhân, cùng các vị thần linh chứng giám và phù hộ độ trì cho toàn thể cựu cư dân 1A Hoàng Văn Thụ cùng lớp lớp con cháu được:
Gia đạo hưng long;
Sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm;
Mạnh khỏe, Hạnh phúc, Hanh thông;
Phương trưởng, Hiển vinh, Thành đạt;
Nhà nhà Thịnh vượng, Khang thái , An ninh!
Cung kính khấu đầu,
Chắp tay thượng bái!
Cung cúc bái !
Vạn vạn bái !
( Nguyễn Mạnh Đẩu vâng soạn & tấu trình)

CHỜ TIN CHIẾN THẮNG

NMĐ

Tối nay trên đất Mã ( 1 )
Những chiến binh Việt Nam
Trong trận cầu nghiêng ngả
Xin hãy cháy hết mình

Thủ thành Đặng Văn Lâm
Cùng bộ ba Trung vệ
Hải, Trọng, Mạnh đều thế
Khoá chặt mọi ngả vào

Trọng Hoàng cùng Văn Hậu
Vừa thủ lại vừa công
Đức Huy cùng Huy Hùng
Cặp đôi Tiền vệ trụ

Cặp Tiền vệ hộ công
Quang Hải cùng Văn Đức
Công Phượng đá hơi lùi
Anh Đức tiền đạo cắm

Mã thua ta vòng bảng
Nay quyết chí phục thù
Lại lợi thế sân nhà
Thủ tướng yêu cầu thắng ( 2 )

Trận này Mã sát, rắn
Sẽ ào ạt tấn công
Vừa trung lộ vừa biên
Căng ngang và sút thẳng

Ta kết hợp công thủ
Phòng ngự chặt sân nhà
Khi thời cơ vụt đến
Đường vượt tuyến bung ra

Cần tập trung cao độ
Không sơ sẩy phút nào
Hậu vệ chớ dâng cao
Khi quay về chẳng kịp

Bạn có thể khiêu khích
Gây ức chế quân mình
Kệ, cứ thế làm thinh
Lấy mục tiêu trên hết

Nếu ta ghi bàn trước
Kiên quyết giữ đến cùng
Nếu Mã ghi bàn trước
Ta đừng rối nhịp chung

Ngót trăm triệu con tim
Mong đội nhà chiến thắng
Thầy Park cùng chiến binh
Vì màu cờ Tổ quốc !

————
( 1 ) 19 h 30 diễn ra trận Chung kết lượt đi AFF cup tại Thủ đô Kuralampua Malaysia
( 2 ) Thủ tướng Malaysia đến thăm, yêu cấu  Đội tuyển của họ phải thắng !

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018


ANH VẪN NHỚ

( Thân tặng AHLĐ Đại tá Nguyễn Đăng Giáp )

Trên những bục cao rạng rỡ vinh quang
Anh luôn nhớ về làng quê Đông Chử
Miền đất nghèo qua bão giông nắng lửa
Cha Mẹ tảo tần nuôi dạy lớn khôn …

Anh không quên vành tay lái Trường Sơn
Vượt mọi hiểm nguy mưa bom bão đạn
Tuổi hai mươi đường Hai Mươi ra trận
Bao trang lứa ra đi nằm ở nơi nào

Dũ bụi Trường Sơn tiếp bước sang Lào
Nghĩa quốc tế đong đầy bao gian khổ
Đằng đẵng mười năm mưa chan nắng đổ
Sa Vẳn, Mường Phìn ngàn dặm chân anh 

Hết đạn bom buông tay lái chiến tranh
Người thuyền trưởng trên con thuyền Ba Sáu
Vững tay chèo qua thác ghềnh, giông bão
Cập mọi bến bờ vươn tới các đại dương 

Xiết bao cam go cuộc chiến thương trường
Lừng lững kia những công trình thế kỷ
Dám nói, dám làm, trăn trở nghĩ suy
Khắc tạc hình hài dặm dài đất nước …

Những bục cao ánh hào quang anh bước
Băng qua dặm trường quyết liệt gian nan
Đời chẳng có danh gì không có giá
Vinh quang nào cũng đổi những hy sinh !


Mỹ Đình, ngày 03 tháng 12 năm 2018
N M Đ

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

VIẾT CHO CON TRAI
NGUYỄN TRẦN QUANG


Hôm nay, 28/11 là sinh nhật của con trai Nguyễn Trần Quang.
Ngày 28/11/1975 trời rét đậm. Mẹ con sinh con lúc 4 giờ 30 phút tại Khoa sản Quân y viện 108.
Là cháu đích tôn - con đầu cháu sớm - nên cả nhà bên nội, bên ngoại mừng vô cùng khi được tin mẹ sinh con.
Ở Viện được 3 ngày, ba thuê xích lô chở hai mẹ con từ số 1 Trần Hưng Đạo về nhà ông bà ngoại ở 30 Lý Nam Đế. Khi về đến cổng 30, chú vệ binh gác cổng không cho người lái xích lô vào thành. Ba phải ngồi lên đạp xe xích lô đưa hai mẹ con vào nhà - từ cổng vào nhà khoảng gần 300 mét. Buổi chiều cậu Trần Hùng, năm đó 25 tuổi, đi làm ở Viện Kỹ thuật quân sự về vừa cất xe, chạy vào xem cháu. Nhìn thấy con còn đỏ hon hỏn, cậu không dám bế.
Ba ngày sau, ba mẹ thống nhất với nhau tranh thủ lúc ông bà ngoại đang đi công tác ở miền Nam, cả nhà mình thu xếp dọn về nhà mới được phân ở dãy X4 khu Tập thể gia đình Quân nhân 1A Hoàng Văn Thụ. Quyết định phân nhà do Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật - nơi mẹ con công tác - đã ký trước đó mấy tháng. Nhưng ba mẹ chưa thực hiện. Việc ra khỏi nhà ông ngoại lúc bấy giờ không phải do ông bà ngoại không cho ở chung. Thực chất, hồi đó với tình cảm rất muốn con cháu ở chung và nhà còn chỗ bố trí, trong khi nhiều cán bộ khác chưa có nhà, nên ông bà chưa đồng ý cho ba mẹ ra ở riêng.
Đưa con về 1A, với 15 m2 nhà cấp 4, trống trếnh đồ đạc, mọi thứ sinh hoạt bếp nấu, bể nước, WC đều dùng chung,…Tuy thế, ba mẹ phấn khởi vô cùng.
Mùa Đông năm 1975 trời rét lắm. Một hôm chú Nguyễn Minh Thông - con ông Cát em ruột ông nội con - đang học Trung cấp Luyện kim ở Thái Nguyên về thăm. Ba và chú Thông phải đạp xe lai nhau ra phố Hàng Chiếu ( cạnh chợ Đồng Xuân ) mua than củi về quạt cho mẹ và con sưởi.
Con ạ ! Vậy là con đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người - điều mà người xưa tổng kết “ Tứ thập bất như hoặc” ( Nghĩa là: 40 tuổi là có chính kiến trước mọi điều - không hoặc là thế này, hoặc là thế khác nữa ). Năm ba tròn 40 tuổi, ba có làm bài thơ khá dài. Trong đó 2 câu cuối là : “ Hãy lấy tuổi 40 làm điểm tựa cuộc đời / Dồn sức, căng buồm, góp gió, vượt trùng khơi”.
Thấm thoắt thoi đưa, theo qui luật nghiệt ngã của tạo hóa, ông bà nội, ông bà ngoại, chú Thông, cậu Hùng, bác Tần đã là người thiên cổ. Ba mẹ đều đã sang tuổi “ xưa nay hiếm “ - tuổi già sức yếu là điều tất yếu, không loại trừ ai.
Ba mẹ mừng với sự trưởng thành của con; đồng thời cũng không vui vì những điều con chưa làm được.
Các cháu Nguyễn Quang Minh & Nguyễn Phúc Hưng đang từng ngày khôn lớn - Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của ông bà.
Nhân Sinh nhật của con trai, Ba Mẹ chúc con khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt !
Như mọi bậc sinh thành, điều khao khát của ba mẹ là: Con mãi mãi là người con có hiếu, là người trụ cột của gia đình và là một cán bộ vừa tốt, vừa giỏi ở cơ quan, đơn vị.
Phương châm xử thế trong cuộc sống của ba muốn truyền dạy cho con là : “ Hãy luôn luôn tận tình với mọi người và hết mình với công việc ”.
Ba tâm niệm câu nói của người xưa: “Hậu phúc khán tử tôn” ( Nghĩa là : Niềm hạnh phúc sau cùng của người già là được nhìn thấy sự thành đạt của con cháu).
Điều đó không bao giờ sai đối với bất cứ ai !
NẾU

N M Đ 

Đừng bao giờ dùng nếu
Về phận số con người
Cũng đừng dùng chữ đó
Với lịch sử, ai ơi !

Ác Si Mét từng nói
Nếu cho tôi bệ tỳ
Dùng cánh tay đòn lực
Sẽ bẩy trái đất đi !

Nếu thực ra vô nghĩa
Khi mọi sự an bài
Chỉ cơ duyên kỳ ngộ
Giữa dòng đời đầy vơi !

28/11/2018
——
Đây là họa lại bài NẾU của Nhà báo, Nhà thơ Trần Mai Hưởng :
“Nếu em không sợ hãi
Dám đối mặt chính mình
Nếu anh không tự ái
Đừng vội vàng quay lưng

Mọi chuyện có thể khác
Giữa vòng xoay cuộc đời
Nhưng đôi khi chữ NẾU
Dài hơn một kiếp người !”
NHỚ THUỞ CHĂN BÒ


( Thân tặng GS.TS Hoàng Hoa - nhân thấy tấm ảnh trong chuyến anh về quê Hội khóa 45 năm Trường Phổ thông Cấp 3 Nghi Lộc )

N M Đ

Giáo sư nhớ thuở xưa
Có bảy năm chăn bò
Biết bao nhiêu bạn quý
Gắn liền cùng tuổi thơ

Giữa ngày đông buốt giá
Trưa hè nắng chói chang
Trên lưng bò em cưỡi
Thêm cái áo tơi quàng

Bạn chăn bò chung thủy
Chia nhau củ khoai lang
Cùng xuống đìa bắt dam ( cua đồng )
Nướng ăn ngon đáo để

Chuyện trên trời dưới bể
Đều kể cho nhau nghe
Chầu tầm quất hả hê
Giữa cánh đồng bát ngát !

Ai lớn lên quê đâu
Từng chăn bò một thuở
Lớn lên chẳng gặp nhau
Nhớ bạn hiền xưa cũ

Minh tổ Chu Nguyên Chương
Chăn dê từ thuở bé
Ở ta Đinh Hoàng đế
Cũng từng đi chăn trâu

Cùng bè bạn cờ lau
Giữa cánh đồng tập trận

Bao Anh hùng, Tướng lĩnh
Nhà Khoa học tài danh
Thuở nhỏ trên quê mình
Đều chăn bò, cắt cỏ ...

Nói ra không kể khổ
Mà ôn chuyện xa xưa
Dẫu nghèo đói sớm trưa
Vẫn miệt mài con chữ

Niềm tự hào một thuở
Bạn chăn bò đàng hoàng
Ngẩng cao đầu nghĩa cử
Giữa dòng đời mênh mang !

Mỹ Đình, 30/11/2018

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018


                                           DANH & THỰC



Tối ngày 14 tháng 11 năm 2018, đang ở thành phố Hồ Chí Minh khi xem truyền hình, tôi thấy xuất hiện Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp với gương mặt rạng ngời, ánh mắt cương nghị, bước đi đĩnh đạc, tự tin lên bục cao nhận Giải thưởng Doanh nhân Thế giới ( The Bizz ) tại Hồng Kông. Tôi thật vui mừng xen lẫn niềm tự hào vinh dự về anh. Lập tức, tôi đăng bài lên Facebook nói lên cảm xúc của mình kèm theo 2 câu thơ tặng anh Nguyễn Đăng Giáp :  “ Chẳng có danh gì không có giá / Vinh quang nào cũng đổi những hy sinh ” .

Nhiều năm nay, viết về Nguyễn Đăng Giáp, các chính khách, tướng lĩnh và nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ và các nhà nghiên cứu đã tốn khá nhiều giấy mực để ngợi ca, trân trọng, chúc mừng. Và bản thân Nguyễn Đăng Giáp cũng đã có nhiều bài thơ “ tự sự “ để đời rất xuất sắc - Trong đó, có nhiều bài thơ đã được các nhạc sỹ có tên tuổi phổ nhạc rất hay, được các ca sỹ sáng danh trình bày đượm chất trữ tình và hào sảng, tráng ca.  Có thể nói, trong số các Anh hùng và các Doanh nhân thời hiện đại hiếm có người được như thế.

Với tôi, trước đây, khi Nguyễn Đăng Giáp được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, tôi đã viết một bài khá dài với tiêu đề “ Xứng danh Anh hùng “. Sau khi nêu lên những công lao thành tích đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Đăng Giáp, tôi đã có sự đánh giá khái quát về anh : một con người hội tụ với 3 tố chất: thông minh, quyết đoán,  nghĩa tình. Đã qua mấy năm, trong đời sống xã hội có nhiều điều thay đổi, bảng giá xã hội ít nhiều có sự biến thiên. Nhưng nay đọc lại bài viết đó, tự tôi thấy sự khái quát của mình vẫn hoàn toàn đúng. Chắc chắn rằng, các tố chất đó trong con người Nguyễn Đăng Giáp là không hề thay đổi.

Nay, trước một vinh quang mới của Nguyễn Đăng Giáp, tôi ngẫm thấy: Sở dĩ giành được những Danh hiệu cao quý, khẳng định được vị thế, “ thương hiệu” của mình trong sự nghiệp và trong cuộc sống, thì có thể nói: Trong quan hệ xã hội, quan hệ công tác - nói cách khác là trong lẽ sống, điệu sống của mình - cốt cách bản ngã Nguyễn Đăng Giáp toát lên phẩm giá một con người vừa có Ân, vừa có Uy, vừa có Tín. Tùy theo mối quan hệ cụ thể, trên từng góc độ và phương diện xem xét, mọi người đều có thể nhận thấy Ân - Uy - Tín ở Nguyễn Đăng Giáp.

Với Nguyễn Đăng Giáp, Ân - Uy -  Tín vừa là mục tiêu kết quả, lại vừa là động lực, phương tiện, cứu cánh để tạo nên con người anh.
Bởi thế, có thể khẳng định : Ở Nguyễn Đăng Giáp danh và thực là một sự thống nhất !


Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

SÁCH MỚI :
NGUYỄN MẠNH ĐẨU - TÁC PHẨM

Chiều nay, 16/11/2017, tôi thật mừng khi nhận được cuốn sách mới do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Sách dày ngót 1.000 trang, khổ lớn (16 x 24).

Nói là sách mới vì mới in ra lò, còn thơm mùi mực. Nhưng thực ra, chẳng qua đó là “bình mới, rượu cũ”. Bởi toàn bộ nội dung - với nhiều thể loại - là sự tập hợp từ các cuốn sách đã xuất bản từ mấy năm nay nhằm lưu lại một cách hệ thống.
Đây là kết quả cảm hứng và là niềm vui tinh thần của tôi sau khi nghỉ hưu.
Tôi không phải là người chuyên nghiệp viết văn. Và khi cầm bút tôi không hề có ý nghĩ thử sức hay thi thố tài năng văn chương, càng không hề để đánh bóng tên tuổi mình. Với tôi, đơn giản chỉ là vì tôi muốn nâng niu trân trọng lưu giữ lại những kỷ niệm không thể nào quên lãng, không thể nào mất mát trong cuộc đời mình - Đặc biệt là, những hồi ức về gia đình, dòng tộc, quê hương và một thời binh lửa của lớp lứa chúng tôi.
Tôi tả lại, kể lại và suy ngẫm, sẻ chia những trang đời đầy ắp kỷ niệm. Động lực đưa tôi trải lòng trên từng trang giấy là sự tri ân cha mẹ - người sinh thành dưỡng dục; nhớ ơn các thủ trưởng, các bậc đàn anh và các đồng đội chí tình, chí nghĩa - những người đã dìu dắt, chia ngọt sẻ bùi và cùng tôi vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh trong cuộc chiến, mà đến nay nhiều người không còn nữa.
Trên từng con chữ tôi còn muốn nhắn gửi tới thế hệ con cháu của mình rằng đã có một thời oanh liệt, đáng tự hào như thế trong cuộc đời của các bậc cha ông.
Đó là những điều cần được trân trọng giữ gìn trong cuộc sống đầy biến động của hôm nay.
Đồng thời, tôi cố gắng phác dựng lên hình ảnh kính quý, thân thương của những con người - từ bậc danh nhân, tướng lĩnh đến những người dân bình dị - Đó là những mẫu người tôi trân quý, noi gương trên từng phương diện.
Dĩ nhiên, với khả năng rất hạn chế của mình, quả thực với tôi nhiều điều là “lực bất tòng tâm”.
Xin trình với bà con bạn bè !
VÔ ĐỀ
Gửi NMĐ
Ai bảo cõi đời là tạm
Tạm cũng tính bằng trăm năm
Quá nửa thời gian mình có
Là một hành trình gian nan
Nếu chỉ nhìn vào vinh quang
Cứ ngỡ tự nhiên mà có
Cái giá trả bằng vô giá
Mà sao lại thấy bình thường ?

 17/11/2016
Ngô Quý Vân 
MỖI SỚM
N M Đ
Sớm tinh sương 
Rảo bước trên đường
Tương tư gõ vào kỷ niệm
Lật giở từng trang thời gian…
ĐỜI QUÂN NGŨ
N M Đ
Buổi đi không ai tiễn
Ngày về bao người chờ
Mấy mươi năm quân ngũ
Thoáng vèo tựa giấc mơ
Nẻo thời gian mải miết
Trải biết mấy cung đường
Bao trang đời ngoảnh lại
Chất chứa niềm yêu thương
Miền không gian mênh mang
Sông thời gian chảy xiết
Ta trọn đời thân thiết
Giữa đội ngũ điệp trùng !
TÂM SỰ
N M Đ
Sông thời gian mải miết
Thuyền đời lặng lẽ xuôi
Qua chênh vênh ghềnh thác
Cập bao bến bờ vui
Ngoảnh về năm tháng cũ
Hồi ức chốn xa vời
Dắt lưng vài con chữ
Ngất ngưởng tháng ngày chơi
Ngày mỗi ngày giãi tỏ
Cùng bạn hiền tri âm
Giữa nhân tình thế thái
Buông một tiếng ... tơ lòng !
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Tôi nghe kể, cụ Đông Khê Nguyễn Thức Tự quê làng Đông Chử ( Nghi Lộc, Nghệ An ) vốn là một vị quan Triều Nguyễn xin từ quan về quê mở trường dạy học.
Cụ là bậc danh sư trên đất Lam Hồng đã từng dạy học cho nhiều danh nhân tiêu biểu - Trong đó có Chí sĩ Phan Bội Châu.
Năm 1923, đang hoạt động cách mạng ở hải ngoại, nghe tin cụ Nguyễn Thức Tự từ trần, vì không về chịu tang được, cụ Phan đã gửi một bài thơ bằng chữ Hán kính viếng.
Bài thơ chỉ có 4 câu, 16 chữ, nhưng đã nói lên tấm lòng tôn kính của Chí sĩ Phan Bội Châu đối với thầy học của mình :
" Đạo thông thiên địa
Học bác cổ kim
Kinh sư dĩ đắc
Nhân sư nan tầm "
Tạm dịch: Tri thức của thầy thông hiểu cả trời đất. Học vấn uyên bác từ cổ chí kim. Thầy dạy kiến thức thì nhiều, dễ gặp. Nhưng thầy dạy làm người thì hiếm, khó tìm.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018


LỜI DẠY TIỀN NHÂN - 
HỌC HỎI, SUY NGẪM


- “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Nghĩa là trời không phụ người tốt. 

- “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nghĩa là : Lấy cái bản chất, cái nguyên tắc không bao giờ thay đổi để ứng (đối phó) với cái vạn biến trong cuộc đời.
- “Kiến dị tác nan/ Kiến nan tác dị”. Nghĩa là: Ở đời mọi việc đứng ngoài nhìn thì dễ, nhưng khi làm thì khó. Ngược lại, có việc chưa làm thì thấy khó nhưng khi bắt tay làm thì thuận lợi. Điều này khắc phục cả hai loại tư tưởng tiêu cực: Hoặc là, chủ quan đơn giản, không học hỏi nghiên cứu thấu đáo mọi việc để làm; Hoặc là, ngại ngần không dám làm bất cứ điều gì.
- “Tri vi tri, bất tri vi bất tri, vị tri giả”. Nghĩa là: Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết - Đó chính là người có hiểu biết!
- “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Nghĩa là: Có cái lo thì lo trước thiên hạ. Có điều vui sướng, hạnh phúc thì hưởng sau thiên hạ.
- “Kiến ngãi bất vi vô dũng giã”. Nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng cảm.
- “Bần gia tri hiếu tử/ Thế loạn thức trung thần”. Nghĩa là: Nhà nghèo mới biết con có hiếu. Khi nước có biến loạn (chiến tranh, đảo chính, loạn lạc), thì mới biết ai là người trung thành với Tổ quốc, với chế độ.
- “Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Nghĩa là: Nhà nghèo dù ở giữa thành phố cũng chẳng có ai đến thăm hỏi. Ngược lại, nhà giàu , ở vùng rừng núi vẫn luôn có người tìm đến giao hảo.
- “Họa hổ họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân tri diện, bất tri tâm”. Nghĩa là: Vẽ hổ chỉ vẽ được bề ngoài, khó vẽ được bộ xương (kết cấu bên trong) của nó. Biết người chỉ biết được bề ngoài của họ, khó biết trong lòng (tâm địa, bản chất) họ thế nào.
- “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” Nghĩa là: Có điều gì không tốt xảy ra, thì trước hết phải tự trách mình; Sau đó mới trách người khác.
- “Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu”. Nghĩa là: Những người ngậm máu phun người, thì trước hết là họ tự làm bẩn miệng mình (ngã khẩu).
- “Phú tắc dịch giao” Nghĩa là: Con người ta khi giàu có rồi thì thường là thay đổi lối sống, thay đổi các mối quan hệ.
- “Giang sơn dị đảo/ Bản tính nan di”.Nghĩa là: Sông núi có thể thay đổi được. Nhưng không thể thay đổi được bản tính của một con người.
- “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Nghĩa là: Con người ta có duyên với nhau thì có cách nhau nghìn dặm cũng có thể thường xuyên gặp gỡ (trực tiếp hoặc gián tiếp). Ngược lại, không hợp duyên nhau thì ở ngay trước mặt cũng chẳng hợp tác được.
- “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/ Thoại bất đầu cơ nhất cú đa”. Nghĩa là: Bạn tri kỷ gặp nhau thì uống với nhau nghìn chén rượu còn là ít. Nói chuyện với nhau mà không hợp thì một câu cũng đã là nhiều (là thừa).
- “Nhân bất khả hữu khinh ngạo thái/ Nhiên, bất khả vô khinh ngạo cốt”. Nghĩa là: Con người chẳng ra gì, nếu có thái độ coi khinh người khác; Ngược lại, con người cũng chẳng ra gì nếu trong lòng, trong cốt cách của họ không có sự khinh miệt, lên án những cái xấu ở đời.
- “Nhân bất khả vô sỉ”. Nghĩa là: Người không biết xấu hổ là người không ra gì.
- “Nhân bất học bất tri lý/ Ấu bất học lão hà vi”. Nghĩa là: Người không học thì không biết tri thức, lý luận. Khi còn trẻ không học thì lớn lên chẳng làm được gì, dù là việc nhỏ.
- “Nhân bất học bất tri lý/Ngọc bất trác bất thành khí”. Nghĩa là: Người không học không biết gì. Ngọc không mài cũng không sáng, không thành thành của quí được.
- “Nhân tham tài chi tử/ Điểu tham thực chi vong”. Nghĩa là: Con người tham lam tiền bạc bất chính cũng sẽ chết như con chim tham miếng mồi câu nhử. 
- “Thanh bất thanh trung hương thủy /Thân bất thân cố hương nhân”. Nghĩa là: Nước tuy trong nhưng chưa chắc đã sạch nếu nước đó chảy từ trong làng ra. Gặp người cùng quê cũ, tưởng là thân nhưng chưa chắc đã thân, vì nhân cách, trí tuệ, nhu cầu thẩm mỹ…khác nhau.
- “Nhẫn nhất khắc phong bình lãng tịnh / Thoái nhất bộ hải khoát thiên không” Nghĩa là: Kiên trì, nhẫn nại, nhẫn nhục trong một khoảnh khắc (thời điểm) nhất định, thì mọi khó khăn sẽ qua đi (gió yên, sóng lặng). Lùi một bước, thì trước mặt mình là trời biển mênh mông. Tóm lại, ở đời, con người có sự kiên trì nhẫn nại - thậm chí chịu thua thiệt - trong một thời gian, không gian, sự việc, hoàn cảnh nào đó, thì rồi sẽ vượt qua mọi thử thách gian nan, giành thắng lợi về sau.

- Tam nguyên Trần Bích San : “Trí thân trực dục cao thiên nhận / Xử thế tu đương hạ nhất tầng”. Nghĩa là: Lập thân những muốn cao nghìn trượng / Xử thế mình nên hạ một tầng.

Cụ Trần Doãn Đạt thân phụ Tam nguyên Trần Bích San, răn dạy con trai
“ Hữu thức phi nan, nan thức đáo
Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù”
Nghĩa là: Để biết một việc gì đó thì học tập sẽ được, không khó. Nhưng cái khó là biết được một cách thấu đáo, thật giỏi, thật xuất sắc trong lĩnh vực đó. Ở đời không có danh tiếng, chức vị gì thì điều đó là bình thường, không phải là hoạn nạn. Cái hoạn nạn chính là ở chỗ : có cái danh phù phiếm, dởm giả, hư vinh, không thực chất.
- Phan Châu Trinh (có người nói là Huỳnh Thúc Kháng) : “ Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an/ Tố hoạn nạn, hoành hồ hoạn nạn”. Nghĩa là: Ở đời đấng trượng phu khi gặp cảnh ngộ, hãy tùy hoàn cảnh cụ thể, chọn cho mình một chốn an toàn. Khi gặp hoạn nạn, thì tuyệt nhiên không được băng qua hoạn nạn vì rất nguy hiểm, mà là phải vòng tránh hoạn nạn, cuối cùng cũng tới được đích.
- Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu): “Lập nhân tiêu biểu khai nhân chính / Độ thế tân lương giác thế quan”. Làm người, tiêu biểu nhất là những người khai mở ra những con người chân chính. Xuống đời, người lương thiện nhất là người mở ra thế giới quan cho một lớp người. 
- Lão Tử dạy: “ Vô vi nhi trị”. Nghĩa là trong quản lý, lãnh đạo không làm điều gì trái tự nhiên - trái qui luật tự nhiên. “Công thành thân thoái”. Nghĩa là: Công danh thành đạt biết thế mà dừng lại, là thuận theo cách của tự nhiên. “Xí giả bất lập/Khóa giả bất thành”. Nghĩa là: Nhón gót không đứng được lâu. Xoạc chân ra thì không bước được nữa. “Tri nhân giả trí/ Tự rtri giả minh”. Nghĩa là: 
Kẻ biết người khác là người có trí tuệ; kẻ tự biết mình là người anh minh, sáng suốt. ”Tri túc thường lạc” hoặc “ Sự năng tri túc tâm thường lạc/ Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” Nghĩa là: Người biết thế nào là đủ và thỏa mãn với cái đủ đó, thì mới thấy vui vẻ, thoải mái, lạc quan. “Phúc họa tương y”. Nghĩa là trong phúc có họa, trong họa có phúc. Đó là sự biến hóa tuần hoàn. “Vi chi ư vị hữu/ Trị chi ư vị loạn” . Nghĩa là: Hãy kịp thời phát hiện và giải quyết những hiểm nguy khi nó mới phát sinh. “Thiên lý chi hành/ Thủy ư túc hạ” . Nghĩa là: Có muốn đi xa ngàn dặm cũng phải bắt đầu từ những bước chân.”Thận chung như thủy”. Nghĩa là: Luôn luôn cẩn thận từ đầu đến cuối. Như vậy thì không sợ bị thất bại.
- Trang Tử dạy : “Danh chỉ vô thực, nghĩa thiết vu thích”. Danh và thực phải phù hợp với nhau. Làm việc phải thích hợp với đặc tính của sự việc. Có như vậy mới thành công.”Học hải vô nhai, cần học bất chuyết”.Đời người có hạn nhưng kiến thức thì vô cùng.”Đại mỹ bất ngôn, thành lý bất thuyết”.Cái tuyệt đẹp cũng như lý luận đúng tự nó không cần nói nhiều.
- Khổng Tử dạy :”Tri kỳ bất khả nhi vi tri”. Ban đầu biết là không thể làm, nhưng kiên trì làm thì vẫn làm được.”Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư”. Trong ba người đi đường, nhất định có người mà mình đáng học tập.”Dĩ thân tác tắc” .Người lãnh đạo phải đưa mình vào kỷ cương, nguyên tắc - phải mô phạm, làm gương thì người khác mới tuân theo.“ Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Cái gì mình không muốn thì đừng bắt người khác phải làm. (Cái mình không muốn thì đừng trao cho người khác).”Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị”.Người quân tử giúp người làm việc tốt, không giúp người làm việc xấu. Tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại, không muốn giúp người và luôn luôn đố kỵ với người khác.”Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu”.Bạn tốt có ba loại: chính trực, thành thực, giỏi giang, đó là bạn có ích. Bạn xấu cũng có ba loại: đặt điều, lừa thầy phản bạn, miệng lưỡi lắt léo, đó là bạn có hại.”Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu”.Đối với việc nhỏ mà không nhẫn nại kiềm chế, thì chắc chắn là làm hỏng việc lớn.”Thiếu chi thời, huyết khí vị định, giới chi tại sắc; cập kỳ tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kỳ lão dã, huyết khí ký suy, giới chi tại đắc”. Khi còn trẻ, khí huyết còn yếu nên từ bỏ luyến ái nữ sắc; khi cường tráng, khí huyết mạnh mẽ nên từ bỏ tính hiếu thắng; khi về già, khí huyết đã suy nên từ bỏ sự tham lam danh lợi.”Khoan tắc đắc chúng”. Người lãnh đạo có tấm lòng khoan dung độ lượng, thì chắc chắn được quần chúng tín nhiệm. “Bất hoạn vô vị, hoãn sở dĩ lập. Bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã”. Chẳng lo không có vị thế, điều phải lo là tự mình có khẳng định được không? Đừng lo không ai hiểu mình, chỉ cần mình không ngừng học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa.”Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thê thê”.Tấm lòng người quân tử bình thản, cử chỉ ung dung. Tiểu nhân lo được lo mất, nên luôn u sầu.”Quân tử dục nột ư ngôn nhi mẫn ư hành”.Quân tử khi nói năng có thể ấp úng nhưng xử lý công việc phải dứt khoát, nhanh nhẹn.”Công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí. Cự thị bang dã sự kỳ đại phu chi hiền giả, hữu kỳ sĩ chi nhân giả”.Cũng giống như công việc muốn thành công, hiệu quả thì trước hết phải có công cụ tốt, một người muốn có sự nghiệp chính trị, thì phải kết giao với những người có địa vị, có tri thức.”Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi. Dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành”. Không nên vội vàng mong thành công lớn, không nên cầu lợi nhỏ. Vội vàng hấp tấp cầu thành công thì không đạt được mục đích, chỉ nhìn thấy lợi nhỏ thì không làm được việc lớn.
- Mạnh Tử dạy : “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu”. Phú quí không xáo trộn lòng, bần tiện không đổi chí hướng, uy vũ không làm cho khuất phục, người như vậy được gọi là bậc đại trượng phu.
- Tuân Tử dạy: “Dữ nhân thiện ngôn, noãn vu bố bạch/ thương nhân dĩ ngôn, thâm vu mâu chiến”. Dùng lời nói tốt đẹp với người khác sẽ làm cho họ cảm thấy ấm lòng hơn là cho họ vải vóc lụa là. Dùng lời lẽ ác độc làm tổn thương người khác, vết thương còn sâu hơn, đau hơn so với mũi giáo đâm vào da thịt họ.”Thiện giả vu vật” Người biết lợi dụng điều kiện khách quan bao giờ cũng tài giỏi hơn người khác.”Nhân sinh bất năng vô quần. Quần nhi vô phận, tắc tranh. Tranh tắc loạn. Loạn tắc ly. Ly tắc nhược. Nhược bất năng thắng vật”.Trong cuộc sống con người là có tập thể.Trong tập thể không có chức phận thì sẽ có tranh chấp> Có tranh chấp sẽ rối loạn> Có rối loạn sẽ phân ly> Phân ly sẽ yếu đuối.> Yếu đuối thì không làm được gì.
- Mặc Tử dạy : “Quân tử bất kính vu thủy, nhi kính vu nhân. Kính vu thủy, kiến diện chi dung. Kính vu nhân, tắc tri cát hòa hung”. Nghĩa là : Người quân tử không dùng nước làm kính mà lấy người khác làm kính để nhìn nhận bản thân mình. Dùng nước để soi mình, chỉ thấy khuôn mặt mình thôi. Lấy người khác làm gương thì sẽ biết được ranh giới giữa tốt và xấu.
- Hàn Phi Tử - người chú trọng tư tưởng pháp gia chỉ ra ba tiêu chí trong lãnh đạo quản lý: “Pháp, Thế, Thuật”. Trước hết, người lãnh đạo phải gương mẫu chấp hành và điều hành theo pháp luật (Hiến pháp, Đạo luật, Điều lệ, Cương lĩnh, cũng như các qui chế, qui định cụ thể). Thứ hai là, phải có quyền thế, quyền hành theo cương vị xã hội trao cho. Thứ ba là, phải có nghệ thuật, sách lược, cách làm phù hợp với, điều kiện cụ thể. Pháp- Thế - Thuật trong mối quan hệ biện chứng để tạo nên uy tín và là cứu cánh của người lãnh đạo.
- Tôn Tử dạy : “Cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành, công thành chi pháp, vi bất đắc dĩ”. Trong cuộc chiến, thượng sách là dùng mưu trí thắng địch, sau đó là thông qua đường ngoại giao, thấp hơn là dùng vũ lực tấn công. Hạ sách cuối cùng là đánh thành. Đó là cách bất đắc dĩ khi không còn cách nào khác.”Chủ bất khả dĩ nộ nhi hưng sư, tướng bất khả dĩ ôn nhi chí chiến, hợp vu lợi nhi động, bất hợp vu lợi nhi chỉ” . Một quân vương không thể nhất thời nóng nảy mà tiến binh, một vị tướng soái không thể nhất thời tức giận mà xuất chiến. Nếu phù hợp với lợi ích đất nước thì hành động, nếu ngược lại thì dừng ngay lại. “Dĩ trị đãi loạn, dĩ tĩnh đãi hóa, thử trị tâm giả dã” . Lấy sự nghiêm chỉnh của quân mình để đợi sự hỗn loạn của quân địch, lấy sự trấn tĩnh đợi sự hỗn loạn của kẻ địch. Đó là biện pháp trấn địch lòng quân. “Dĩ cận đãi viễn, dĩ dật đãi lao, dĩ bão đãi cơ”. Trong chiến trận chọn vị trí đón kẻ thù từ xa tới, lấy nghỉ ngơi chống lại sự mệt mỏi, lấy ấm no chống lại sự đói khát của quân địch.
- Ngô Khởi dạy :"Kiến khả nhi tiến, tri nan nhi toái”. Thấy ta hơn hẳn địch, có khả năng thắng được thì tiến. Ngược lại, thấy kẻ địch hơn ta nhiều điểm thì thoái.
-“Thất nhất túc tòng thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị bách niên thân”. Nghĩa là : Sai một bước, theo đó, là ngàn năm ôm hận/ Đến khi ngoảnh lại thì đã hết một đời người – trăm năm.
“ Nhất ngôn ký xuất/ Tứ mã nan truy”. Nghĩa là: Một lời nói ra, cỗ xe 4 ngựa khó đuổi kịp. Ở đời, lỡ lời là khó sửa nhất.
- “Tửu trung bất ngữ chân quân tử / Tài thượng phân minh thị trượng phu”. Nghĩa là: Giữa bữa rượu không nói bậy mới là người quân tử . Ngồi trên đống vàng mà phân chia một cách công bằng thì đích thị là trượng phu.
- “Quân tử hòa nhi bất đồng/ Tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Nghĩa là: Người quân tử giao hòa với nhau nhưng chưa hẳn đã đồng quan điểm, chí hướng. Ngược lại, kẻ tiểu nhân cùng chung sống nhưng thường xuyên xung khắc mâu thuẫn, tranh giành nhau.
-“ Tam dĩ tứ bất”. “Tam dĩ : Quốc dĩ dân vi bản. Dân dĩ thực vi tiên. Sự dĩ hòa vi quí “ ( Nước lấy dân làm gốc. Dân lấy điều có thật, điều hữu ích trong đời sống làm việc đầu tiên. Trong mọi quan hệ đều lấy môi trường hòa bình, hữu nghị làm điều quí nhất). “Tứ bất : Ngôn bất tận xuất. Lực bất tận dụng. Quyền bất tận thi. Lộc bất tận hưởng” (Không bao giờ nói nhiều, nói hết, vì như vậy sẽ lộ hết thiên cơ của mình. Không bao giờ sử dụng hết khả năng (sức lực, tiền bạc, của cải,…) của mình, bởi quá ngưỡng là nguy hiểm; bao giờ cũng phải để dành một phần dự trữ. Không bao giờ thi hành hết mọi quyền hạn của mình (cả quyền hạn trong gia đình và quyền hạn ngoài xã hội). Không được hưởng hết mọi cái lộc ở trên đời, bởi có tán mới có tụ.
- Bài thơ thiền của Phật hoàng Trần Nhân tông :
“ Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”.
Nghĩa là: Ở đời hãy vui với lý tưởng, niềm tin, lẽ sống (cái đạo) của mình. Thích ai, hợp cái gì (duyên) thì thả lòng mình vào đó. Đói thì ăn, muốn ngủ thì ngủ. Cái gia bảo quí giá nhất là cái mình đã thành đạt nhờ ân đức tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình truyền lại và do kết quả tự mình phấn đấu. Không phải đi tìm viển vông ở đâu nữa. Đối với hoàn cảnh thì cứ vô tâm, không quan tâm đến những điều không cần thiết, mà vẫn thiền định.
- Bài thơ của Thiền sư Mãn Giá trước khi hóa:
“ Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trực nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Nghĩa là: Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
- Bài thơ của Trần Tử Ngang:
“ Tiền bất kiến cố nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên hạ chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ”.
Nghĩa là: Người trước chẳng thấy đâu
Người sau càng mờ mịt
Ngẫm trời đất vô cùng
Riêng lòng đau, lệ chảy.
- Dương Bá Trạc - nhà Nho, nhà thơ, một trong những lãnh tụ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục - có một câu đối thật chí lý ở lăng mộ họ Dương ở Hải Dương : “ Tìm đất để chôn, nhất định có sinh thời có hóa / Đậy quan rồi mới biết, ngàn năm mai cốt chẳng mai danh “ .
- . . .


Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

ANH CHƯƠNG

Trưa qua, 11/8/2018, tôi thấy điện thoại báo tin nhắn trên mesenger : “ Chào anh bạn ! Còn nhớ bên nhau một thời môn thục tàu bay không ?”. Nhìn ảnh đại diện thì chỉ là một cháu bé gái. Tôi nghĩ, người này chắc chắn là cùng đơn vị cũ & phải hơn tuổi mình, nhưng tên là Nguyễn Đình Chương thì lạ hoắc. Tôi lục tìm trong bộ nhớ mà không nhận ra là ai. 
Sợ ai đó nhận nhầm người & phòng sự thất thố, khiếm nhã trong xưng hô, tôi đành nhắn lại như một phép thử thăm dò: “ Tôi chưa nhận ra anh. Trước đây, tôi ở Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên “.

Tức thì, trên mesenger hiện lên dòng chữ “ Tôi là Nguyễn Đình Chương trước đây cùng công tác với anh ở Tiểu ban Quân lực Ban Tham mưu Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên ... “. Tiếp đó, anh đăng bài thơ khá dài do anh ấy tặng tôi vào tháng 3 năm 1968.
Tôi mừng quá và trả lời anh ấy ngay: “ Ôi ! Anh Chương thì sao em quên được! Nhưng tại sao trước đây anh là Nguyễn Thanh Chương nay thành Nguyễn Đình Chương ? Em còn nhớ bài thơ em tặng anh như thế này: Thanh Chương anh ấy quê tỉnh Hà / Cẩm Xuyên huyện nọ có đâu xa / Cẩm Huy là xã người tri kỷ / Tới xóm Huy Công bước tới nhà ! “
Anh Chương viết : “ Mình chính thức họ Nguyễn Đình, trong lý lịch là thế. Nhưng để giải quyết “ khâu oai “, trong quan hệ mình hay tự nhận là Thanh Chương. Chính vì sự vớ vẩn đó mà khi ông Lê Văn Xảo viết Giấy chứng nhận bị thương ghi là Nguyễn Thanh Chương. Khi phục viên về địa phương mình gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng chính sách ... “.

Vậy là, đêm qua trong ký ức tôi ập ùa hiện về bao kỷ niệm xưa.
Tháng 12-1967, theo Quyết định của Thủ trưởng Trung đoàn 29 ( sau đó đổi phiên hiệu là Đoàn 8 Quân khu Trị Thiên ), chia tay đồng đội nhiều năm sát cánh chiến đấu ở Tiểu đoàn 7, tôi nghẹn ngào khoác ba lô lên Trung đoàn bộ nhận nhiệm vụ ở Tiểu ban Quân lực. 
Tiểu ban ngày đó có 5 người: Ông Ngô Trí Thướng là Trưởng tiểu ban, quê Lam Sơn ( Đô Lương, Nghệ An ); Các trợ lý gồm: Lê Văn Xảo quê Thiệu Quang (Thiệu Hoá, Thanh Hoá ), Phí Văn Mao quê Lập Thạch ( Phú Thọ ), Nguyễn Thanh Chương quê Cẩm Huy ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) & tôi. 
Ông Thướng là bộ đội thời chống Pháp, ngày đó đã hơn 40 tuổi. Các anh Xảo, Mao, Chương đều hơn tôi từ 6 đến 10 tuổi.

Tôi nhận nhiệm vụ được 3 ngày thì đơn vị hành quân cấp tốc vào đánh Huế trong Chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Bước sang tuổi 20, mặc dù đã trải qua chiến đấu 3 năm ở chiến trường, nhưng công việc ở cơ quan đối với tôi là hoàn toàn mới mẻ. Các anh trong Tiểu ban Quân lực và Bộ Tham mưu đều coi tôi như đứa em út. Các anh lớp trước đã tận tình bảo ban, hướng dẫn tôi mọi việc rất cụ thể. 
Ông Nguyễn Hoán, Tham mưu trưởng Trung đoàn, quê ở Cẩm Thăng ( Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ), vốn trước đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 - lúc tôi là Liên lạc rồi Trinh sát. Ông Hoán thương quý coi tôi như con trai. Lúc ấy ông vừa tròn 40 tuổi. Thỉnh thoảng gặp tôi, ông cà bộ râu quai nón lởm chởm do lâu ngày không kịp cạo lên trán tôi ... Ông Hoán hy sinh năm 1970 tại một cánh rừng gần Đường 12 ở phía Tây tp Huế, khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng dẫn một bộ phận cán bộ chủ chốt và trinh sát đi địa hình, bị máy bay trực thăng vũ trang phát hiện, bắn rốc két.

Thời kỳ Trung đoàn chiến đấu ở tp Huế và vùng Bình Điền ( Hương Trà, Thừa Thiên ), tôi và anh Chương được ông Ngô Trí Thướng bố trí công tác bên nhau, với rất nhiều kỷ niệm trong ác liệt, gian khổ.
Còn nhớ, lần hai anh em đi nhận 1 tiểu đoàn tân binh từ miền Bắc vào bổ sung cho đơn vị. Nhận quân bàn giao tại một Trạm Giao liên Đường 559 xong, chúng tôi tổ chức chỉ huy hành quân theo trục đường tạt về tây Thừa Thiên. Đến chập tối, cả đơn vị dừng lại nấu cơm ăn theo từng tiểu đội. Chẳng may, có tiểu đội lợi dụng một hốc cây làm bếp. Đó là loại cây họ dầu cao vút giữa rừng. Thế rồi lửa bén cháy dọc theo thân cây. Đang giữa mùa khô, đám lửa mỗi lúc một to. Hai anh em chúng tôi bàn với nhau: Lệnh cho toàn thể đơn vị thu dọn đồ đạc di chuyển ngay, bất luận ăn hay chưa!
Khi cả tiểu đoàn vừa rời khỏi đó chừng 2 km, thì máy bay phản lực Mỹ ập đến ném bom tới tấp. Anh em tân binh chân ướt chân ráo từ miền Bắc mới vào chiến trường được phen hú vía. Nếu không cấp tốc di chuyển ngay, chắc số thương vong sẽ không ít. Gần 500 quân ngày đó, bây giờ có ai còn sống ở phương trời nào đó, chắc chưa quên chuyện này.
Lần khác, máy bay B 57 thả bom tọa độ trúng chỗ trú quân ở khu rừng thưa gần ngã ba Hương Trà. Có hai chiếc hầm bị bom vùi lấp khá sâu. Bom ngớt, anh Chương và tôi mỗi người một cái xẻng ra sức đào bới. Nhưng khi bới tới nơi, thì mấy chiến sỹ đã chết ngạt, chân tay co quắp. Chúng tôi dùng xẻng đào huyệt an táng anh em tại chỗ. Tìm quanh không có tăng ni lông hoặc võng để bọc. Mà chúng tôi cũng không biết họ tên, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ đó.
Đến tháng 6/1968, tôi được điều về Đại đội 20 Đặc công. Anh em chia tay nhau.
Tháng 5/ 1969, Trung đoàn tôi chiến đấu ở A Bia. Một hôm cán bộ phái viên Quân khu về làm việc. Anh Chương nhường hầm trú ẩn cho phái viên, lên ngủ hầm lộ thiên ( không nắp ). 
Đang đêm ngủ bị quả pháo của địch bắn gần đó, anh bị thương vào chân.

Anh Chương là người nhân đức, thông minh, cương trực, giàu nghị lực phấn đấu. Anh thích làm thơ, có nhiều bài hay.
Ra Bắc điều trị, an dưỡng xong, năm 1970, với bậc quân hàm Thiếu uý, cấp trên giải quyết cho anh phục viên về quê làm ruộng.
Khi anh cầm tờ Quyết định phục viên về quê, thì chị Trần Thị Thu Trúc vợ mới cưới của anh nhận được Giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm. Chị định bỏ không đi học Đại học nữa, ở nhà cùng. Nhưng anh động viên chị lên đường với lời hứa là anh sẽ cố gắng học để thi đậu Đại học.

Trước khi nhập ngũ, năm 1962, anh đang học dở Lớp 9. Phục viên về quê, mặc dù đã 28 tuổi, anh vẫn nhẫn nại xin đi học lại. Tuổi nhiều xấp xỉ giáo viên. người cao to, cùng ngồi trong lớp với các em học sinh, anh nói, lắm khi ngượng lắm. Có bữa đi học về gặp bà con xã viên đi làm, anh đã tránh sang đường khác. Khi không có đường tránh, thì anh đút sách vở vào túi quần, coi như đi đâu đó về.
Cứ thế, anh cắn răng chịu đựng được 2 năm qua Lớp 9 & Lớp 10.

Tốt nghiệp Phổ thông, anh thi đỗ vào học Khoa Kế hoạch Trường Đại học Kinh tế quốc dân ( ngày đó gọi là Đại học Kinh tế Kế hoạch ). Năm 1979, tốt nghiệp, anh về công tác ở Hà Tĩnh.
Năm nay anh đã 77 tuổi, nghỉ hưu ở quê. Chị Trúc - vợ anh - cựu giáo chức nghỉ hưu, nay đã 70 tuổi. Anh chị có 3 người con . Con cái thành đạt, hai ông bà ở với nhau.
Anh Chương bị thương vào chân nên đi hơi tập tễnh. Anh hài hước nói vui rằng, sự tập tễnh này như một cái dấu chấm phẩy ( ; ) giữa cuộc đời. Quả thật, sau khi bị thương, cuộc đời anh bước sang một khúc đoạn khác. Cuộc đời trải ra như một câu văn xuôi, mà vết thương là cái dấu chấm phẩy ( ; ) ngắt câu sang đoạn khác.
Tôi nhớ, cách đây gần 50 năm, trong một lá thư từ quê anh gửi cho tôi kèm theo một bài thơ khá dài, trong đó có đoạn : 
“ Đã mang mơ ước ra đi / Anh hùng chí lớn nam nhi vẫy vùng / Một xanh cỏ, hai anh hùng / Ai ngờ gẫy cánh nửa chừng khổ thay / Chim trời ngang dọc cứ bay / Còn ta rơi giữa ruộng cày dở đang ... “.

Tôi nghĩ : Anh dẫu có dở dang đời binh nghiệp, nhưng bằng nghị lực của mình, anh đã giành lại sự trọn vẹn ! 
Đời chặn ta lối này, ta rẽ sang lối khác - miễn là cuối cùng tới đích.

Mới ngày nào chung sống bên nhau trong bom đạn ác liệt, thiếu ăn, thèm muối, sì sụp bên nồi cháo môn thục, lá tàu bay với lơ thơ một nhúm vào mà vẫn phơi phới khát vọng tuổi đôi mươi. Mà tới nay anh đã là U 80 & tôi cũng đã ngoài bảy chục - những ông CCB già thích nhớ chuyện xưa & ngẫm thế thái nhân tình thời nay.
Ôi ! Thời gian cứ lẳng lặng trôi xuôi, chẳng bao giờ đợi chờ ai.
Kính chúc anh chị “ Vui thú điền viên / Bách niên giai lão !”.
CHÍNH TRỊ CHỈ LÀ CHUYỆN LỢI ÍCH

                                                 Tác giả : Phan Chi 

Bạn có thể yêu hoặc ghét Trump, Putin, Tập. Yêu người này ghét người kia hoặc ngược lại.
Cái sự yêu ghét đó phụ thuộc vào bạn là ai, quyền lợi cá nhân và quyền lợi dân tộc của bạn là gì, khả năng xét đoán diễn biến quan hệ quốc tế luôn phức tạp và khó lường hiện nay của bạn ra sao.
Lãnh tụ các nước lớn tồn tại ngoài tình cảm và chính kiến của bạn. Bạn ghét Tập đến mấy thì Tập vẫn là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Họ tồn tại và thống nhất với nhau ở điểm quan trọng nhất: họ bảo vệ quyền lợi dân tộc họ. Trump vì một nước Mỹ mạnh mẽ như đã từng, Tập vì Trung Hoa vĩ đại đứng trung tâm thiên hạ, Putin mong phục hồi đế chế Nga nằm vắt dài từ châu Á sang châu Âu.
Dẫu họ có tuyên truyền thế nào đi nữa, không bao giờ có chuyện họ hy sinh quyền lợi dân tộc mình vì dân tộc khác.
Mỹ từng ủng hộ, giúp đỡ Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loạn, Philippines, VNCH, Thái lan... là để hình thành vành đai bao vây và đối phó với hệ thống XHCN, cụ thể là Trung Quốc ở châu Á.
Mỹ đổ tiền, đổ máu vào cuộc chiến tranh Việt Nam là tham gia vào cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai phe TB và XH. Khi Mỹ tìm ra cách khác đối phó với Liên xô và Trung Quốc, Mỹ sẵn sàng bỏ rơi VNCH năm 1975.
Không khác mấy, Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ trước hết là đưa chiến trường ra khỏi đất Trung Hoa. Họ trực tiếp đánh Mỹ trên đất Triều Tiên năm 1953, rồi mong muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng trên đất Việt Nam.
Đến khi họ thấy không đánh Mỹ mà tận dụng thị trường và công nghệ hiện đại của Mỹ, tóm lại là chơi thân với Mỹ, là tốt hơn cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá của họ, họ sẵn sàng bán đứng VIệt Nam, thậm chí mang quân xâm lược Việt Nam năm 79 và tiến hành chiến tranh biên giới trên đất liền và trên biển nhiều năm tiếp theo để làm sính lễ giạm ngõ Mỹ.
Bạn có thể có thiện cảm hoặc ác cảm với cá nhân lãnh đạo nước ngoài nhưng không nên mơ hồ hy vọng ông này đánh ông kia để bảo vệ bạn. Họ đánh nhau vì quyền lợi của chính nước họ, không hơn không kém.
Nếu bạn chứng minh được quyền lợi của bạn nằm trong quyền lợi to hơn của họ thì may ra họ mới động chân động tay bảo vệ biển Đông “giúp” bạn. Và cái giúp đó có giá của nó, cái gì cũng có giá cả. Bạn có trả nổi cái giá đó không?
Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, rồi còn với Nga và với cả thế giới. Đừng vội vui mừng, nên quan sát thêm một chút nữa bởi mọi cuộc chiến tranh trong phạm vi toàn cầu sẽ không cho ai đứng ngoài cuộc về quyền lợi cũng như thiệt hại.
Rất thú vị là nước Mỹ tìm được cho mình một vị tổng thống hiểu sâu sắc rằng thị trường là chiến trường. Hơn ai hết Trump biết thị trường quyết định kinh tế, kinh tế quyết định chính trị, ngoại giao.
Trump không coi ai là bạn vàng, cũng không coi ai là kẻ thù. Tao buôn bán có lãi với mày - mày là bạn, nếu mày có lãi, tao bị thiệt - mày là kẻ thù.
Các dân tộc lớn đẻ ra những người con vĩ đại.
Lão Hâm tôi đau đáu một điều:
- Bao giờ dân tộc Việt Nam mình sản sinh được một nhân vật xuất chúng, có thể không bằng các ông Trump, Putin, Tập... thì cũng gần bằng, để đưa đất nước Việt Nam vượt qua giai đoạn phức tạp và hỗn loạn hiện nay, tiến lên bằng mức tương xứng với tiềm năng của chúng ta trên trường quốc tế?
ĐÔI ĐIỀU VỀ ÔNG BÙI TÍN

( Theo các hãng thông tin, ông Bùi Tín đã từ trần vào ngày 11/8/2018, tại Pháp, hưởng thọ 92 tuổi ).

Với người đã quá cố - bất luận là ai, chính kiến thế nào - tôi đều nghiêng mình vĩnh biệt !
Tôi biết ông - biết thôi không quen thân - từ khi ông còn là Phó Tổng biên tập Báo QĐND, rồi Cục phó Cục Tuyên huấn TCCT. Ngày đó, tôi kính phục ông. Không phục sao được. Khi ông là một trong những Nhà báo đầu tiên bước vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975, chứng giám sự kiện lịch sử của dân tộc sau 30 năm trường kháng chiến : Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Và sau đó không lâu, ông là 1 trong 3 Nhà báo của nước ta : Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Thành Tín ( Bùi Tín ) được Hội Nhà báo thế giới ( OIJ ) tặng giải thưởng.
Khi ông sang Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, tôi lại từng say mê đọc loạt bài của ông đăng trên Nhân dân cuối tuần bàn về công cuộc Cải tổ ở Liên Xô do Goocbachop phát động và lãnh đạo.
Tháng 7 năm 1987, Nhà báo Duy Phục có đặt tôi viết bài Xã luận trên báo Nhân dân cuối tuần.
Viết xong, tôi cùng anh Duy Phục lên thông qua ông. Sau khi anh Duy Phục giới thiệu tôi, ông niềm nở nói và đổi cách xưng hô: “ Chú là cấp dưới trực tiếp của ông già vợ cháu đấy. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, thì chú là Chính trị viên Tiểu đoàn. Ông ấy là người vừa tốt, vừa giỏi đấy. Hồi ấy, chú và mọi người quý ông lắm !”.
Năm đó ông tròn 60 tuổi, còn tôi mới 39 tuổi, xưng hô chú cháu cũng không có gì là lạ. Nhìn vóc dáng ông, người chắc đậm, trán hói, để tóc dài kiểu nghệ sĩ - điều ít thấy đối với lớp lứa cán bộ lãnh đạo cùng thời. Ông cầm bút giương mục kỉnh, duyệt bài rất nhanh, trực tiếp sửa mấy từ, chỉ trong vòng khoảng 10 phút là xong. Sau đó, ông trao bản thảo cho tôi với lời khen: Cháu viết như thế là tốt!
Thế rồi, khi công tác ở Văn phòng TCCT, qua giao ban, tôi biết, ông Bùi Tín được cử đi công tác ở Pháp & trốn ở lại như một kẻ đào nhiệm.
Lúc đầu khi mới sang Pháp, các bài báo của ông mới dừng lại ở tính phản biện. Nhưng sau đó, tuồng như phản ứng lại dư luận trên phương tiện truyền thông trong nước, và cũng không biết có nguyên nhân gì nữa, ông bước hẳn sang đối đầu - Đặc biệt là, có những loạt bài viết quá đà, lệch sai lịch sử như một kẻ trở cờ, phản bội. Phản bội chứ không phải phản động. Ở đời, theo tôi, sự phản bội nguy hiểm & đáng ghét hơn kẻ phản động. Kinh nghiệm xương máu của những người lính chiến chúng tôi khi ở chiến trường đều có chung suy nghĩ như thế !
Ngay từ khi ông ra đi & tuyên bố nọ kia, tôi đã nghĩ thế này : Giá như, Nhà nước ta đừng phản ứng gì cả. Cứ kệ, để ông muốn nói gì thì nói. Nói chán rồi thì thôi. Hãy chờ đến khi ông về nước. Có điều gì bất đồng chính kiến thì tranh luận phải trái một cách sòng phẳng, thẳng thắn, trực diện, chắc chắn là cũng chưa muộn. Nhưng khi ông vừa qua cầu, ta đã vội rút ván, chặt cầu. Nghĩ không còn đường trở lại, không thể “ quay đầu là bờ ”, ông Bùi Tín quay sang chống đối quyết liệt. Và biết đâu trong những điều ông nói ra, khi tự mình nghĩ lại, chắc ông cũng sẽ sám hối. Nhưng mà sự đã rồi. Mù quá hoá mưa!
Cũng có người lập luận: Nếu hồi đó, các cơ quan tuyên truyền & báo chí không kịp thời đập lại các bài viết của Bùi Tín, thì không định hướng được dư luận xã hội, dễ lung lạc lòng dân!
Tôi thì nghĩ rằng: Luận điệu tuyên truyền chống phá ta của các lực lượng đối địch - không riêng gì Bùi Tín - là điều muôn thuở. 
Nếu chỉ vì nghe giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống đối muôn hình, muôn vẻ trên xa lộ thông tin của các thế lực chống đối mà lung lạc, buông xuôi, thì chẳng còn gì đến ngày hôm nay!

91 năm đi qua cõi trần, chẳng biết những năm cuối đời ông sống ra sao, bằng nguồn gì? Và khi ông nhắm mắt xuôi tay ở xứ người, không biết có bao nhiêu người tiếc thương đến phúng viếng, đưa tiễn ông về chốn vĩnh hằng. Ông đành phải gửi lại nắm xương tàn trên đất khách. Không biết bia mộ ông sẽ ghi thế nào đây ! Và hậu thế sẽ nói & viết về ông ra sao ?!
Thôi ! Bây giờ ông đã rời cõi tạm. Sự đúng sai của ông trong 30 năm cuối đời sẽ thế nào, hãy để cho nhân dân & lịch sử phán xét một cách công bằng, khách quan.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy: Nhận thức là một quá trình !