Menu ngang

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Văn nghệ bộ đội - 
nét độc đáo của văn học Việt Nam

  
Các nhà văn tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội thời chống Mỹ, cứu nước.
Các nhà văn tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội thời chống Mỹ, cứu nước.
Văn nghệ bộ đội là nét độc đáo của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bởi không phải nước nào cũng có văn nghệ bộ đội và không phải quân đội nào cũng có một lực lượng viết văn, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đông đảo và khỏe khoắn như của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ấy là một lực lượng đặc biệt của Quân đội; đồng thời cũng là lực lượng gạo cội trong đội ngũ nhà văn Cách mạng Việt Nam, những người đã góp phần chính yếu tạo nên mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Nói tới thuật ngữ "văn nghệ bộ đội", nói tới đội ngũ các nhà văn áo lính, rộng ra nói tới văn học cách mạng buổi đầu, không thể không nhắc tới phong trào "Văn nghệ sĩ đầu quân" giai đoạn 1946-1950. Ấy là một phong trào tự nguyện, tình nguyện của văn nghệ sĩ tiền chiến. Tình nguyện theo kháng chiến, tình nguyện "lên ngàn", tình nguyện đầu quân và tình nguyện phụng sự cuộc chiến đấu bằng nghề nghiệp của mình. Từ phong trào này, quân đội vinh dự được đón tiếp những tên tuổi như: Nguyễn Công Hoan, Tố Hữu, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Đặng Thai Mai, Thanh Tịnh, Bảo Đinh Giang, Thanh Châu, Trọng Miên, Vân Đài, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Huỳnh Văn Nghệ... vào chiến đấu, sinh hoạt trong lực lượng vũ trang.
Chính các nhà văn này, bằng tài năng và uy tín văn chương của mình, bằng tấm lòng với quân đội, với kháng chiến đã góp công đầu để cho những "hạt mầm" văn nghệ trong quân đội lớn lên, xuất hiện những tên tuổi mới, những nhà văn "con đẻ" của lực lượng vũ trang, của kháng chiến như: Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Hoàng Lộc, Thôi Hữu... - những "văn nghệ binh" đầu tiên vì nhiệm vụ kháng chiến đã ngã xuống trên chiến trường. Tiếp nối và cùng với các ông là những nhà văn "đội mũ đeo sao" thực sự: Nguyễn Ngọc Tấn, Hoàng Văn Bổn, Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Vũ Cao, Chính Hữu, Hữu Mai, Hà Minh Tuân, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Xuân Miễn...
Ấy là một đội ngũ nhà văn rất trẻ, những học sinh, trí thức mới gia nhập vào đại gia đình quân đội. Tên tuổi và văn nghiệp của các ông gắn liền cuộc kháng chiến chín năm; đi sát, đi liền cùng bộ đội trong cả những chặng đường chiến đấu sau này. Nhiều người đến mãi những năm gần đây, tuổi đã ngoại tám mươi còn viết, còn được trao giải thưởng văn chương lớn, như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật...
Và đến nay, năm Kỷ niệm thứ 70 của Quân đội, phần lớn các nhà văn bằng tài năng, cống hiến của mình góp phần căn bản làm nên diện mạo của văn học Cách mạng, đã vĩnh viễn giã từ ngòi bút trang sách về cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng đồng nghiệp, đồng đội và bạn đọc những kỷ niệm và thương nhớ đầy vơi! Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ phong trào "Văn nghệ sĩ đầu quân" một lớp các nhà văn - chiến sĩ đã ra đời. Nhưng phải đến sau ngày hòa bình lập lại - 1954, cụ thể là đến Trại sáng tác văn học toàn quân mùa xuân năm 1955 (còn gọi là Trại sáng tác Thái Hà ấp hay Trại sáng tác về anh hùng), thì đội ngũ các nhà văn áo lính mới chính thức được tập hợp lại trong một tổ chức của quân đội thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, mà trực tiếp là các cơ quan văn hóa văn nghệ của quân đội, như Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), Nhà xuất bản QĐND -những cơ quan này bấy giờ đều đóng đại bản doanh nơi "nhà số 4" phố nhà binh, trụ sở tòa soạn VNQĐ bây giờ (có câu "một nhà ba biển" là vậy).
Có thể nói Trại sáng tác văn học về những người anh hùng năm 1955 là một trại viết rất thành công của quân đội. Thành công cả về mặt tổ chức và chuyên môn. Trại viết mở ra chỉ sau khi miền bắc hoàn toàn giải phóng chừng một năm, nhưng đã quy tụ, tập hợp gần đủ mặt các cây bút từ các chiến trường, các đơn vị cả trong nam, ngoài bắc. Sau cuộc "hội quân" này, một đội ngũ những nhà văn trẻ xuất hiện, đó là các nhà văn trong Ban biên tập đầu tiên của Tạp chí VNQĐ: Văn Phác, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Lưu Trùng Dương, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyên Ngọc, Xuân Thiêm, Vũ Sắc, Hà Mậu Nhai, Minh Giang, Ngô Thông, Tạ Hữu Thiện và các nhà văn ở các cơ quan khác của quân đội (Cục Tuyên huấn, Phòng Văn nghệ QĐ, Nhà xuất bản QĐND, Điện ảnh QĐND, Báo QĐND, Văn công QĐ...) như Chính Hữu, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Vũ Tú Nam, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Chí Trung, Dũng Hà...
Nếu như Trại viết toàn quân lần thứ nhất năm 1955 là cuộc hội quân lần thứ nhất của các nhà văn quân đội thì sau đó 20 năm, tháng 6-1976 đã diễn ra cuộc "Hội quân lần thứ hai". Cuộc hội quân lần này được tổ chức sau thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, ác liệt của cả dân tộc. Trại viết toàn quân lần này được tổ chức theo tinh thần chỉ đạo "thời cơ đến, khẩn trương thật khẩn trương, không để tản mát những tài năng" và bốn yếu tố cấu thành một đội ngũ nhà văn chiến sĩ là: tài năng, vốn sống, kiến thức, điều kiện; trong đó hai yếu tố đầu là của cá nhân người viết, hai yếu tố sau là việc "phải làm ngay" của tổ chức. Trại lại được tổ chức sau các trại sáng tác do Quân khu V, Cục Chính trị Quân Giải phóng tổ chức, cho nên đã tập hợp "không sót một ai" trong số các cây bút viết văn toàn quốc. Những người " đi từ trong rừng ra ấy" , sau khi dự trại với những tác phẩm xuất sắc, là những người đoạt những giải cao nhất của Hội Nhà văn, của Bộ Quốc phòng cũng như trong các cuộc thi văn chương do Báo Văn nghệ, Tạp chí VNQĐtổ chức. Số đông những nhà văn tham dự trại viết này sau này được chọn vào học Trường viết văn Nguyễn Du, sau đó là Học viện Văn học thế giới mang tên M.Goóc-ki.
Có thể nói, chính các nhà văn áo lính đã căn bản làm nên "văn hiệu" của Trường viết văn Nguyễn Du sau này và cũng chính họ tạo ra uy tín và niềm kiêu hãnh của lứa người viết mang tên "Khóa I Nguyễn Du", với những tên tuổi: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Đức, Thái Bá Lợi, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Đào Thắng, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng, Tô Đức Chiêu, Trần Nhương, Phạm Hoa, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Hoa, Ngọc Bái, Vũ Thị Hồng, Đình Kính, Nguyễn Thụy Kha...Những nhà văn này đã cùng với những nhà văn: Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Đỗ Chu, Lê Lựu, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang, Phạm Tiến Duật, Võ Trần Nhã, Minh Khoa, Thanh Giang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Văn Lê, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mỹ, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Ngân Vịnh, Nguyễn Hồng Hà, Vũ Đình Văn, Lưu Quang Vũ, Trần Ninh Hồ, Thanh Quế, Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Quang Tính, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Đình Quang, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Đinh Xuân Dũng, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu...
Bước vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, đất nước đổi mới trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức; Quân đội cũng có những nhiệm vụ mới và văn chương viết về người lính, về chiến tranh cũng không thể viết như cũ. Trong bối cảnh đó, cuộc "Hội quân lần thứ ba" của các nhà văn quân đội đã diễn ra.
Tuy chỉ là một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn do Tạp chí VNQĐtổ chức theo ủy quyền của Tổng cục Chính trị, thời gian cũng chỉ ba tháng (từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1998), nhưng cũng đã quy tụ được đông đảo các cây bút trẻ từ khắp miền của đất nước về dự (30 người) trong đó có: Nguyễn Đình Tú, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Anh Nông đến từ Quân khu 3; Trần Hoài, Trần Văn Hà từ Quân khu 4; Viễn Sơn từ Quân khu 1; Nguyễn Chí Khanh (Khánh Chi) từ Quân khu 5; Nguyễn Thành Phú từ Bộ đội Biên phòng, Phùng Văn Khai từ Binh chủng Tăng - thiết giáp; Nguyễn Phương Thảo, Quỳnh Vân, Lê Phi Hùng đến từ Quân chủng PK - KQ, Nguyễn Quang Trường, Hồ Kiên Giang từ Quân khu 9; Thái Nam Anh từ Quân đoàn 4 ra; Nguyễn Tiến Hải từ Cục Dân vận và Tuyên truyền đặc biệt... Những cây bút trẻ có mặt trong lần hội quân thứ ba này, về sau nhiều người trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, giữ trọng trách trong các cơ quan quản lý văn hóa - văn nghệ, phụ trách những tờ báo, tạp chí văn chương có uy tín của quân đội và các hội văn nghệ địa phương...
Bảy mươi năm với ba lần hội quân cùng với cả chục trại sáng tác, các cuộc thi truyện ngắn, thi thơ, các cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ, quân đội mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị đã phát hiện, tổ chức, bồi dưỡng được nhiều thế hệ nhà văn, lớp này tiếp lớp khác góp phần tạo nên một đội ngũ nhà văn - chiến sĩ đông đảo, nhiều tài năng và giàu nhiệt huyết góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát huy nuôi dưỡng hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ cũng như sự nghiệp xây dựng một nền văn học mới do Đảng lãnh đạo.
NGÔ VĨNH BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét