Menu ngang

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019


Bài đăng Báo QĐND 24/4/2019 - 
Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh từ trần
------------------------------------------

ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH VỚI CÔNG TÁC CHÍNH SÁCH
                                                        
                                                            N M Đ

Năm 1983 -1984, tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Phạm Lam, anh Nguyễn Bá Chước làm Tổ đại diện Cục Chính sách TCCT thuộc Cơ quan Chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cămpuchia ( BTL 719 ). Thời kỳ đó, đồng chí Lê Đức Anh vừa là Tư lệnh BTL Quân Tình nguyện, vừa là người lãnh đạo chỉ huy cao nhất vể tất cả các mặt chuyên gia giúp Bạn. Riêng về công tác chính sách, chúng tôi luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông trên cả hai mặt: Một là, Nghiên cứu đề nghị ban hành chính sách sát đúng đối với cán bộ, chiến sỹ Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự. Hai là, Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, chu đáo các chính sách đã ban hành - đặc biệt là chính sách đối với thương binh liệt sỹ trong chiến đấu.
Từ năm 1992 đến năm 2000, khi tôi được giao làm Cục trưởng Cục Chính sách TCCT, thì Đại tướng Lê Đức Anh đã là Chủ tịch nước. Với tinh cảm sâu nặng và trách nhiệm của mình, ông thường xuyên quan tâm đến công tác chính sách. Nhiều lần, ông cho Thư ký gọi tôi đến báo cáo tình hình công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Và cũng có khi ông yêu cầu tôi báo cáo về một chuyên đề hoặc một trường hợp chính sách cụ thể.
Trong các lần được tiếp kiến với ông, tôi luôn nhận được những lời chỉ đạo sâu sắc, tâm huyết, chỉ ra những vấn đề cần quan tâm trong công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Ông thường nêu lên những câu hỏi:
+ Đời sống bộ đội ở biên giới, hải đảo thế nào, có chế độ gì động viên anh em yên tâm làm nhiệm vụ nơi xa xôi, đầu sóng ngọn gió?
+ Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ đã xác minh kết luận xong chưa? Gia đình anh em đã được hưởng quyền lợi chính sách chưa?
+ Mộ liệt sĩ ở địa bàn rừng núi và ở Lào, Cămpuchia còn nhiều không, đến bao giờ thì đưa hết anh em về nước? những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai?
+ Đời sống các gia đình chính sách? Phong trào chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở các địa phương có nét gì mới, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường? 
+ Những cán bộ được quân đội cấp đất làm nhà, chuyển vợ con đến sinh sống, làm việc ở các địa phương, nhất là ở các thành phố, các khu công nghiệp, đã được đăng ký hộ khẩu chưa? Việc học hành của các cháu có ổn không?
+ Những người có thành tích trong chiến đấu, nhất là những cán bộ lăn lộn qua mấy chục năm trên các chiến trường trong chiến tranh, đã được khen thưởng thỏa đáng chưa?
+ Trước các hiện tượng tiêu cực xã hội, cán bộ chính sách các cấp có giữ được sự tận tụy, nghĩa tình, công bằng và thanh liêm không?
.v.v..
Tôi biết rằng, các câu hỏi đó là những điều trăn trở thường trực trong suy tư, tình cảm của ông - người dành cả cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi động trên nhiều trọng trách.
-  Năm 1994, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã nghiên cứu khảo sát, xây dựng nội dung chính sách báo cáo lên cấp trên; Theo tờ trình của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, Ban Bí thư đã họp xem xét quyết nghị và ngày 29 tháng 8 năm 1994 Ủy ban Thường vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tiếp đó, ngày 10 tháng 9 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo về Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Danh hiệu cao quí “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là góp phần tôn vinh những giá trị thiêng liêng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Suy tôn, tri ân những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là biểu thị lòng thủy chung, sự biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những Bà mẹ đã có những hy sinh thầm lặng, cao cả, đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú. Ngay sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh, các địa phương, các ngành trong cả nước đã trân trọng đón nhận và kịp thời triển khai tổ chức thực hiện.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 1 cho 19.879 bà mẹ thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày Hội quốc phòng toàn dân, ngày 19 tháng 12 năm 1994, Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng lần thứ nhất tại Phủ Chủ tịch. 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của mọi miền đất nước, đại diện cho gần 2 vạn Bà mẹ được phong tặng đã được mời về dự.
Lễ đón các mẹ được tổ chức trọng thể, theo nghi thức Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra tận xe mời các mẹ bước lên thảm đỏ duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo hướng dẫn các mẹ lên Phòng Đại lễ của Phủ Chủ tịch.
Sau khi Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước long trọng đọc quyết định phong tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Lê Đức Anh đã đọc lời tuyên dương công trạng lớn lao của Phụ nữ Việt Nam, của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà công lao gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc, được nhân dân đời đời ghi nhớ. Hình ảnh diễn ra tại Phủ Chủ tịch ngày hôm đó thật cảm động. Đây là biểu tượng cao quí, đẹp đẽ, hiếm có của sự hy sinh và lòng thủy chung nhân nghĩa.

-  Ngày 26/02/1997, Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Ngành chính sách quân đội ( 26/02/1947 - 26/02/1997 ) được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi thư chúc mừng Ngành chính sách .
 Bức thư có đoạn : “ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương va Bộ Quốc phòng, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp cả dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, 50 năm  qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ngành Chính sách quân đội đã đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành tích cực thực hiện các chủ trương chính sách cả Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và chính sách hậu phương quân đội, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những công lao, thành tích của Ngành Chính sách quân đội trong 50 năm qua. Mong các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra sức xây dựng Ngành chính sách quân đội vững mạnh góp phần xây dựng quân đội ta chính qui, tinh nhuệ, tùng bước hiện đại, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII”.
Thư của Chủ tịch nước Lê Đức Anh vừa là sự ghi nhận đánh giá thành tích của Ngành Chính sách đối với sự nghiệp cách mạng trong 50 năm qua; Đồng thời, qua đó xác định yêu cầu, nhiệm vụ công tác chính sách trong thời gian tới.
Đến nay, dù đã qua hơn 20 năm, nhưng theo tôi, những nội dung đó vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo.


Với trọng trách của mình, Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn luôn quan tâm sâu sắc đến công tác chính sách đối với quân đội và hâu phương quân đội. Theo ông, chính sách là một mặt công tác quan trọng kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và công tác tư tưởng, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội ta ./.





      VÀI KỶ NIỆM VỀ MẤY TRẬN CHIẾN ĐẤU
ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI TRÊN CHIẾN TRƯỜNG LÀO

                                                               N M Đ

Vài điều phí lộ : Tối ngày 03/4/2019, Trung tướng Nguyễn Tiến Long - một người anh, người bạn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Liên lạc Hội Quân tình nguyện và Chuyên gia quan sự Việt Nam tại Lào, gọi điện đề nghị tôi viết bài để kịp đăng trong Tập 9 Ký Ức Người Lính. Tôi vui vẻ nhận lời và hồi tưởng lại những Kỷ niệm không bao giờ quên cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm của mình, tôi chỉ tham gia trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Lào chưa đầy 2 năm ( từ tháng 01 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966 ). Nhưng đó là một một trang đẹp trong đời tôi - Quãng thời gian bắt đầu tham gia trực tiếp chiến đấu với tư cách là một chiến sỹ bộ binh, một chiến đấu viên thực thụ.
Tháng 12 năm 1964, trên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu ( đi B ), tôi bị sốt rét phải nằm lại điều trị tại một Bệnh xá của Đoàn 559 trên tuyến giao liên. Hết thời gian điều trị, tôi được bổ sung về Tiểu đoàn 929 Quân khu 4 lúc bấy giờ đang chiến đấu ở tỉnh Savanakhet ( Lào ) với nhiệm vụ bảo vệ hành lang phía tây của Tuyến 559. Và mở đầu cuộc đời binh nghiệp gắn bó với tôi bằng những trận chiến đấu từ đây. Tôi xin ghi lại làm Kỷ niệm.
                                               *
                                            *    *

1 - Hồi ấy, ngoài trang bị chiến đấu như súng CKC, lựu đạn, xẻng, bao gạo, ba lô, tôi được anh Cao Đức Tính Tiểu đội phó giao cho mang hai cái nồi. Nồi to dùng để nấu cơm đủ ăn 7 người. Nồi nhỏ dùng để nấu thức ăn. Tôi đặt cái nồi nhỏ trong nồi to, dùng giây vải buộc chặt vào ba lô mang sau lưng. Chính hai cái nồi này, với tôi, có một kỷ niệm không bao giờ quên.
Sự thể là, trong trận đánh quân địch ở ngoài công sự ở gần Huội Mua, ngày 22 tháng 2 năm 1965. Lúc khoảng 3 giờ chiều, cả Tiểu đoàn chúng tôi đang tiến vào địa bàn quân địch thường hoạt động. Đội hình hành quân chiến đấu trinh sát tiểu đoàn đi trước, theo cách sâu đo để thăm dò địch. Sau trinh sát là Đại đội 2 chúng tôi. Trung đội tôi đi trước, Tiểu đội 4 dẫn đầu. Đến một khu rừng khộc, thấy phía trước có nhiều ụ khói bốc lên. Khả nghi có quân địch, trinh sát báo cáo về phía sau. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên đầu cắt trọc, người đỏ au, quàng một mảnh dù nhỏ, không mang vũ khí, chạy vội lên trước. Chạy theo anh là anh Xiểm liên lạc. Anh Nhiên  lệnh cho toàn đơn vị dừng lại triển khai chiến đấu. Giao cho trinh sát vào  phía trong bám địch. Khoảng nửa tiếng sau, anh Cao Sỹ Nguyên, Tiểu đội trưởng trinh sát quay ra báo cáo với Tiểu đoàn trưởng. Anh Nhiên giao cho anh Xiểm liên lạc chạy về phía sau đội hình mời anh Khuốc chính trị viên tiểu đoàn lên hội ý. Thấy hai anh hội ý chừng 5 phút, anh Nhiên cho triệu tập các đại đội trưởng lên giao nhiệm vụ. Anh Tèo đại đội trưởng nhận nhiệm vụ Đại đội 2 làm mũi tấn công chủ yếu.
Chúng tôi được lệnh tiếp tục tiềm nhập để rút ngắn cự ly với địch. Được chừng 100 mét thì dừng lại chờ hỏa lực Tiểu đoàn khai hỏa. Cối 82ly và ĐKZ75 ly của Tiểu đoàn bắn cấp tập khoảng 10 phút thì dừng. Chúng tôi bắt đầu nổ súng tấn công. Với tôi, đây là trận chiến đấu đầu tiên trong đời. Tôi hồi hộp lắm. Nghe tiếng đạn bắn ra tới tấp, ràn rạt, tôi cũng hoảng. Nói không hoảng là tự dối lòng mình. Nhìn sang bên phải, tôi thấy anh Nguyễn Văn Liệu đã bắn được một quả B40, nòng còn bốc khói. Nhìn sang bên trái, thấy anh Đinh Xuân Các đã xiết được mấy tràng trung liên, vỏ đạn bay rào rào. Cạnh tôi, anh Đinh Xuân Bài Tiểu đội trưởng đang ghì khẩu AK vào gốc cây khộc, xiết cò từng điểm xạ ngắn. Mới khoảng 4 giờ chiều, giữa rừng khộc đã cháy trụi, ở cự ly không tới 100 mét, tôi nhìn quân địch rõ lắm. Tôi bắn liền một kẹp đạn CKC, đã thay sang kẹp khác, thì nghe một tiếng choang rất đanh, tôi tưởng mình đã bị thương nhưng chẳng thấy đau mà sờ xung quanh người cũng không có máu. Anh Bài hô:
- Tất cả Tiểu đội chuẩn bị xung phong !
Tôi đưa tay dương lê lên vì cho rằng, sắp đánh nhau giáp la cà, phải dùng đến lưỡi lê để đâm. Thấy thế, anh Bài hét to:
 -  Đẩu gấp lê lại ngay !
 Như một cái máy, tôi gấp lê lại, dẫu chẳng hiểu vì sao. Mấy phút sau, cả Trung đội chúng tôi chiếm lĩnh toàn bộ trại địch. Một bãi chiến trường ngổn ngang nhà cháy, vách đổ, đất cát bị cày xới bởi những hố đạn đen ngòm. Mấy xác chết, cái thì cháy đen, cháy sạm, cái  thì loang lổ bê bết máu. Trong tay có đứa còn cầm súng. Nhìn vào bếp, thấy mấy tuýp (liễn) xôi còn nóng hôi hổi, tôi cầm luôn. Lệnh của chỉ huy, đơn vị phải thu dọn chiến lợi phẩm và rút ra ngay đề phòng pháo địch oanh kích.
Xuyên rừng độ hai tiếng đồng hồ sau, đến chỗ dừng lại trú quân, anh Tính Tiểu đội phó bảo tôi cởi nồi ra để nấu cơm tối. Tôi vừa hạ xuống thì thấy cả hai cái nồi bị một viên đạn xuyên thủng từ bên nọ sang bên kia. Cả tiểu đội xúm lại nhìn. Anh Bài nói:
- Như vậy là số cậu cao đấy. May mà thằng địch Phu Mi bắn hơi chếch lên một chút. Nếu viên đạn hạ xuống 10 cm thôi, thì hôm nay Đẩu nhà mình đã thành Liệt sỹ rồi.
 Anh còn giải thích với tôi rằng, sở dĩ chiều nay thấy tôi dương lê lên bị anh quát, là vì, lúc xung phong cự ly cách địch còn chừng 100 mét, dương lê lên sẽ bị vướng. Tối đó, may mà có hai liễn xôi tôi lấy được trong trại địch, không thì cả tiểu đội nhịn đói sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Trận đó tiểu đôi tôi không ai việc gì. Tiểu đội 5 có anh Duyến và anh Thoại hy sinh.
Mấy chục năm sau, tôi gặp lại anh Đinh Xuân Bài lúc anh đã là Đại tá, Trung đoàn trưởng, nghỉ hưu ở Hà Nội. Chúng tôi cười vui ôn lại chuyện xưa. Anh trìu mến dùng hai bàn tay vỗ nhẹ vào hai bên má tôi và ôm ghì chặt lấy tôi:
- Trời ơi, thằng em út của Tiểu đội ta ngày nào mặt búng ra sữa, bây giờ đã thành ông Tướng rồi ư!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh trêu đùa tôi:
- Này, Đẩu ơi ! Em sờ lại sau lưng xem hai cái nồi còn không ? !
Anh Đinh Xuân Bài là người chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, gương mẫu về mọi mặt. Tôi nhớ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3, bị thương và bị địch bắt được đưa lên trực thăng. Khi máy bay mới rời mặt đất được dăm mét, anh lao mình ra cửa nhảy xuống thoát được nhưng bị chân thương cột sống, đau lưng một thời gian khá dài. Trong đời sống anh giản dị, khiêm nhường mà thẳng thắn, chân thành, được đồng đội quí mến. Anh là người trưởng thành từ chiến sĩ lên tới trung đoàn trưởng trong cùng một đơn vị cho đến khi nghỉ hưu. Anh Bài mất năm 2001 do bị ung thư phổi, không biết có phải do nhiễm chất độc ở chiến trường không. Khi nghe tin anh Bài mất, từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây tôi đến viếng anh tại nhà riêng. Nhiều đồng đội đã về hưu, phục viên tận trong Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ra viếng anh. Trước đó mấy hôm, khi anh ốm nặng tôi đến thăm ở Viện Quân y 108. Anh thều thào nói với tôi:
- Anh đau lắm em ạ! Trong đời anh, chưa bao giờ đau thế này. Chắc không được mấy ngày nữa đâu. Điểm danh lại, tiểu đôi ta đã mất hết cả rồi. Chỉ còn em, đứa em út của tiểu đội ngày nào còn bé nhỏ 16, 17 tuổi đầu thôi.
Nghe anh tâm sự, tôi cảm thương anh vô cùng, nước mắt lã chã rơi. Biết rằng, tôi sắp phải vĩnh biệt người anh, người thầy của mình trong chặng đầu tiên của cuộc đời quân ngũ mà đành bó tay chẳng  làm được gì cho anh.
                                            *
                                         *     *

2 - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của trận tập kích quân địch ngoài công sự, tiểu đội 4 chúng tôi được tăng cường cho Đại đội 3 của Tiểu đoàn đang làm nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam. Sê-Con-Cam cách thị trấn Mường Phìn không xa. Địch ở Pờ Lan, Pắc Sế thường nống ra lấn chiếm, nhằm thọc sườn uy hiếp chặt đứt hành lang chiến lược Bắc-Nam của ta. Tiểu đội làm lực lượng cơ động ngoài công sự để chi viện cho Trung đội 1 Đại đội 3. Phương án tác chiến được xác định là khi địch đánh vào trận địa phòng ngự của trung đội 1, thì tùy hoàn cảnh cụ thể , đại đội sẽ dùng tiểu đội tôi tăng cường lên trận địa phòng ngự hoặc đánh vu hồi vào phía sau, hoặc đánh thọc bên sườn quân địch. Nhận nhiệm vụ xong, mấy ngày đầu, anh Bài dẫn tiểu đội đi địa hình xung quanh trận địa phòng ngự vừa để thuộc địa hình, địa vật, vừa kết hợp tuần tra khu vực. Sau đó lập phương án đánh địch. Chuẩn bị đường xuất kích,… Địa hình ở đây bằng phẳng trống trải. Bên triền sông là những vạt rừng tre xen lẫn những cánh đồng nứt nẻ đang giữa mùa khô. Ở đây không có địa thế hiểm yếu nên không thật thuận lợi cho bố trí phòng ngự. Nhưng lại thuận cho lực lượng cơ động phản công. Trước trận địa phòng ngự, Đại đội 3 đã bố trí các bãi mìn dày đặc và cắm chông tua tủa.
Thời gian làm nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam, Tiểu đội chúng tôi đánh được 5 trận qui mô nhỏ, đều theo đúng như phương án tác chiến đã xác định. Mỗi lần địch đánh vào chốt phòng ngự của Trung đội 1, lệnh của đại đội, tiểu đội chúng tôi xuất kích đánh thọc vào ngang mạng sườn ép địch dạt vào bãi mìn. Bọn địch vừa bị đạn  thẳng, cối và mìn nên thương vong nhiều, buộc phải rút chạy về phía sau.
Có một kỷ niệm nhỏ,  một hôm cả tiểu đội xuất kích đánh địch về đang ngồi ăn cơm. Trời tối đen nhưng không được thắp đèn. Bất thần pháo 105 của địch bắn tới tấp vào trận địa. Mọi người lao vội xuống hầm. Anh Lê Văn Sơ chân đang đi đôi giày vải cao cổ, cuống cuồng bước vào nồi nước sôi vừa bắc từ trên bếp xuống. Nóng quá, anh kêu toáng lên. Tôi vội lấy dao cắt đứt dây tháo giày ra, chân anh vẫn bị bỏng nhẹ. Sau này gặp lại, anh Sơ đùa:
- Bữa đó tại chú mày mà anh hỏng mất đôi giày đẹp đấy.
Tôi đùa lại:
- Bữa đó không có em nhanh trí thì anh vẫn còn nguyên giày nhưng không còn đôi chân lành lặn như bây giờ đâu.
Hai anh em ôm nhau cười.
                                             *
                                          *     *

3 - Kết thúc nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam, chúng tôi trở về đội hình cũ. Cả Tiểu đoàn đang tham gia vận chuyển lương thực, làm đường và kéo pháo vào chuẩn bị đánh lớn ở Huội Mua. Không khí chuẩn bị chiến trường rầm rộ. Chặt cây, san đường xong thì kéo pháo vào trận địa. Anh Bài, anh Tính nói với cả tiểu đội rằng từ ngày đi chiến trường đến bây giờ, chưa bao giờ có lực lượng tham gia hùng hậu đến như vậy. Có bộ binh, công binh, pháo binh, nghe đâu có cả xe bọc thép nữa.
Trung đội chúng tôi được giao nhiệm vụ kéo một khẩu pháo 105 ly từ phía bắc Mường Phìn vào gần Sê-Con-Cam. Tuy không vượt dốc, trèo đèo như người ta vẫn nói về việc kéo pháo vào, pháo ra ở Điên Biên Phủ trước đây, nhưng quả thật kéo pháo là rất mệt. Người mỏi nhừ, tay phồng rộp. Những ngày kéo pháo vào trận địa chúng tôi vui và tin tưởng. Vậy là trong trận chiến đấu tới đây, bộ binh chúng tôi được pháo binh chi viện. Pháo 105 ly sẽ bắn sập công sự và tiêu hao sinh lực địch, uy hiếp găm quân địch xuống, tạo điều kiện cho bộ binh tấn công, hoặc là chế áp pháo binh địch bắt chúng phải câm họng.
Ngày đó, tôi thấy cả ông Xổm Xắc, Tổng Tham mưu phó Quân đội Pa thét Lào xuống thăm hỏi và động viên chúng tôi trong  khi kéo pháo. Ông là người Lào Thưng, hoạt động chủ yếu ở Trung Hạ Lào. Các anh cán bộ trong tiểu đoàn tôi rất thân thiết với ông, coi ông như người cùng đơn vị. Ông  và đại đội địa phương tỉnh Savanakhet đã cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động, cùng sát cánh chiến đấu trên một chiến hào với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Đúng là tình hữu nghị đặc biệt hiếm có.
Theo trinh sát Tiểu đoàn báo cáo và thông báo của trên, đồn Huội Mua của địch đóng trên một ngọn đồi thấp, có công sự gỗ đất với mấy lớp lô cốt, được nối với nhau bằng chiến hào và giao thông hào; có một lớp hàng rào thép gai và bên ngoài là một lớp cây rừng cưa đổ bao quanh làm chướng ngại vật; lực lượng địch có một đại đội tăng cường. Khi Huội Mua bị tấn công, pháo binh địch ở Pà Lan, Đồng Hến sẽ bắn chi viện.
 Tiểu đoàn 929 chúng tôi là lực lượng chủ yếu tấn công vào đồn Huội Mua. Ngoài hỏa lực vốn có trong biên chế là cối 82ly, ĐKZ 75ly, đại liên, Tiểu đoàn được trên chi viện là 4 khẩu 105ly, 4 khẩu cối 120 ly, một đại đội súng cao xạ 12,7 ly. Nghe nói còn có cả 4 xe bọc thép sẵn sàng xuất kích. Nghe nói, vì khi chuẩn bị chiến trường tôi không nhìn thấy và cũng không được cấp trên chính thức phổ biến.
Theo phương án tác chiến của Tiểu đoàn được cấp trên thông qua, Đại đội 1 là lực lượng chủ công đánh vào hướng chủ yếu, Đại đội 2 chúng tôi đánh vào hướng thứ yếu, Đại đội 3 làm lực lượng thê đội 2, sẵn sàng ứng phó các tình huống. Trong khi pháo binh ta bắn cấp tập vào trận địa địch, lực lượng bộ binh nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí xuất phát tấn công, đào hố cá nhân ẩn nấp, chờ sẵn. Khi pháo binh chuyển làn, bộ binh các mũi thực hành phá rào mở cửa tấn công quân địch trong công sự. Hiệu lệnh tác chiến là súng pháo hiệu do tiểu đoàn trưởng quyết định.
Đúng 5 giờ chiều ngày 15 tháng 4 năm 1965, Tiểu đoàn 929 xuất kích vào chiếm lĩnh vị trí tập kết. Dưới nắng chiều, cả đoàn quân vòng lá ngụy trang phấp phới, trông khí thế rất hùng dũng. Mấy anh Điện ảnh Quân đội trực tiếp quay phim. Máy trên vai chạy sè sè, ghi hình bộ đội hành quân và thực hành chiến đấu. Trước đó các anh cũng đã ghi hình chúng tôi kéo pháo vào trận địa.
Đúng 6 giờ tối, pháo 105ly và cối 120ly, đặt cách trận địa chừng 5 km, đồng loạt khai hỏa. Lần đầu tiên được nghe tiếng nổ đầu nòng (tiếng đề-pa) tiếng đạn rít trên không và tiếng nổ giòn to đanh, rất trúng đích, chúng tôi mừng vô cùng. Có người không kìm được, nhảy kiễng lên hô lớn:
- Tiên sư mấy thằng Phu Mi nhé, phen này cho chúng mày chết. Thắng đến nơi rồi, anh em ơi!
Chúng tôi vào đến vị trí xuất phát tấn công, cách đồn địch chừng 200 mét,  dừng lại dùng xẻng đào hố cá nhân. Pháo binh vẫn dồn dập nã đạn. Trong đồn nhiều đám cháy bốc lên cao. Chắc quân địch cho rằng, ta chỉ tập kích bằng hỏa lực, không có bộ binh, nên chưa thấy động tĩnh gì. Thỉnh thoảng trong đồn bắn vu vơ ra xung quanh trận địa mấy quả cối và mấy loạt đại liên như thể thăm dò. Cả một vùng rực sáng. Anh Bài bảo tôi chú ý giữ khoảng cách kẻo lạc. Mọi người trong tư thế sẫn sàng nổ súng. Chừng 10 phút, pháo chuyển làn, từ phía sau hai phát pháo hiệu đỏ rực vút lên không trung. Anh Quí hô toàn trung đội vượt qua hàng rào, đánh thẳng vào tiền duyên địch. Chúng tôi vừa vượt qua hàng rào bằng cây khô, băng qua lớp hàng rào thép gai, cách chiến hào tiền duyên của địch chừng 100 mét, thì các họng súng trong đồn bắn tới tấp vào đội hình. Vừa nhô lên có mấy người bị trúng đạn, gục tại chỗ. Trong giây lát tất cả các hướng tấn công đều bị khựng lại, chững lại.
Anh Bài hô:
- Liệu dùng B40 bắn vào lô cốt đầu cầu !
Anh Liệu phóng liền hai quả mà vẫn không trúng. Anh Các xả tiếp một tràng trung liên vào đó cũng chẳng ăn thua. Từ dưới nhìn lên, các hỏa điểm của địch bắn ra đỏ rực, đạn bay chíu chíu, cày xới xung quanh chúng tôi. Thực sự, lúc đó tôi cũng hoảng. Nói không sợ là tự dối lòng mình.
Từ phía sau đội hình, anh Nguyễn Văn Dương Đại đội trưởng điều khẩu đội ĐKZ 75ly được Tiểu đoàn tăng cường cho đại đội, đặt ngắm bắn trực tiếp mấy phát liền. ĐKZ vừa bắn xong, anh lao lên, hô lớn:
- Nào các đồng chí, dừng lại đây là chết, tất cả xung phong !
Đáp lời anh, cả Trung đội 2 chúng tôi vừa chạy thốc lên vừa cặp súng bắn trong làn đạn địch. Anh Liệu bắn tiếp một quả B40, chúng tôi nhìn rõ quả đạn lao vút cắm phập vào lô cốt đầu cầu nổ rầm lên, khẩu đại liên địch bị tiêu diệt. Cả Trung đội lao lên chiếm được chiến hào ngoài cùng.
Nhìn lại đội hình, tôi đã thấy thưa dần. Theo lệnh anh Lê Đôn Quí Trung đội trưởng, các tiểu đội xốc lại lực lượng, bám chắc tiền duyên đánh lấn vào trong. Tiếng lựu đạn nổ chát chúa.Tiếng súng bộ binh các loại nổ liên hồi, đanh rát. Anh Bài chỉ huy chúng tôi đánh thốc vào sườn bên phải. Tôi ném 2 quả lựu đạn, bắn liền cả kẹp đạn CKC.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ, từ chiến hào tiền duyên địch, Đại đội chúng tôi đánh chiếm được mỏm đồi thấp phía ngoài. Cả trận địa mịt mù khói đạn, khét lẹt, cay xè. Từ đây phát triển vào tung thâm phải qua một cái yên ngựa. Đồi phía trong cao hơn. Từ trên cao hai khẩu đại liên địch bắn chéo cánh sẻ, đạn bay xối xả,chi chít. Thêm vào đó là các loại súng phóng lựu, cối 81 ly, ĐKZ của địch bắn ra dữ dội. Giằng co mãi hàng tiếng đồng hồ, không sao dứt điểm được. Mấy lần Đại đội tổ chức tấn công đều bị đánh bật lại, do bị tổn thất quá nhiều. Anh Dương không chịu lùi, trực tiếp dẫn Trung đội 1 đánh thốc lên lần nữa, lại cũng bị thương vong quá nửa. Bản thân anh Dương bị thương vào đầu và chân, anh em phải cõng ra.
Phía bên kia, Đại đội 1 là hướng tấn công chủ yếu của Tiểu đoàn cũng gặp khó khăn, thưa dần tiếng súng, chỉ đánh chiếm được non một nửa trận địa địch. Ta thương vong lớn. Địch co cụm chống trả quyết liệt, chờ viện binh. Nếu tình trạng này kéo dài, trời sáng địch sẽ cho máy bay đến oanh kích và cho bộ binh đến chi viện. Lệnh của trên cho tiểu đoàn rút lui.
Đề phòng địch phản công, Đại đội bố trí thực hành rút theo kiểu cuốn chiếu. Đưa thương binh, liệt sỹ ra trước, các trung đội lần lượt rút dần ra. Đến 7 giờ sáng hôm sau, cả tiểu đoàn mới về đến hậu cứ. Trong trận này tôi có mấy người bạn hy sinh. Trong đó tôi thương nhất là Cồng, 18 tuổi, cao to, trắng trẻo, đẹp trai, quê Tĩnh Gia - Thanh Hóa, bị thương nặng cụt cả hai chân, còn tỉnh táo, nhưng khiêng ra đến được nửa đường về hậu cứ thì hy sinh vì mất quá nhiều máu. Trên đường ra, hai chiếc máy bay T28 của địch quần đảo bắn phá dữ dội nhưng cách đội hình hàng trăm mét, không ai bị thương vong.

Sau này tôi được biết rẳng, cùng phối hợp tác chiến với  trận Huội Mua của Tiểu đoàn 929 chúng tôi, còn có trận đánh vào căn cứ địch ở Đồng Hến do Trung đoàn 9 - Sư đoàn 304 đảm nhiệm với qui mô to hơn nhưng cũng không giành được thắng lợi trọn vẹn. Tổn thất thương vong nhiều. Hướng chủ yếu do anh Mai Hiền, Tham mưu trưởng Sư đoàn ( sau này là Sư đoàn phó Sư đoàn 324 của chúng tôi hồi chiến đấu ở tây Thừa Thiên ) trực tiếp chỉ huy. Anh Mai Hiền là người trưởng thành từ chiến sĩ đã dạn dày trận mạc, trải qua nhiều cương vị chỉ huy chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp lên tới Trung đoàn trưởng. Nhưng đến khi đánh trận Đồng Hến thì anh lại không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính trận Đồng Hến như một cái lá chắn, cản trở con đường công danh sự nghiệp của anh.
Vậy đấy, đừng ai nghĩ rẳng đánh giặc bao giờ cũng thắng, dù người cầm quân là ai đi nữa. Thành bại là việc thường của binh gia. Vấn đề là, phần thắng cuối cùng thuộc về ai. Chính Tôn Tử - Nhà quân sự lỗi lạc của Trung Quốc thời cổ đại - đã tổng kết rằng: tri kỷ, tri bỉ, bách chiến vô nguy. Nghĩa là: biết địch, biết ta, trăm trận không nguy. Không nguy là không bị thất bại lớn, không bị tiêu diệt. Chứ không phải như nhiều người giải thích không thật đúng là: biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng. Cổ, kim, đông, tây, có lẽ chưa có danh tướng nào trăm trận, trăm thắng!
                                             *
                                          *    *

Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Lào ( 20/01/1949 – 20/01/2019 ), nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Lào, tôi được tham gia Đoàn Đại biểu Cựu Chiến binh Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào sang Viêng Chăn dự Lễ Kỷ niệm. Đoàn do Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nguyên Chính ủy Đoàn 959, nguyên Đoàn trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn còn có : Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng AHLLVTND Tiêu Văn Mẫn nguyên Chính ủy Quân khu 5, Trung tướng Nguyễn Tiến Long nguyên Chính ủy Quân khu 3, Trung tướng Trần Thụ nguyên Chính ủy Quân khu 2, Trung tướng Vũ Văn Kiểu nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Huy Mai nguyên Phó Chánh thanh tra Quân đội, Đại tá Nguyễn Quốc Túy & Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn nguyên Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, Đại tá Trần Đình Dần CCB Quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào cùng một số đồng chí khác. Thực ra, trong Danh sách ban đầu của Đoàn không có tên tôi. Sắp đến ngày lên đường, Đoàn thiếu một người do Thiếu tướng Lê Thanh, 96 tuổi, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 tham gia chiến đấu ở Lào trong thời kỳ chống Mỹ, nay sức khỏe không bảo đảm. Trong cuộc họp Đoàn, anh Nguyễn Tiến Long đề nghị tôi thay thế và được các thành viên hoàn toàn nhất trí. So với các bậc trưởng lão trong đoàn cao tuổi đời, nhiều tuổi Đảng, tuổi quân và có bề dày cống hiến, thì tôi chỉ xứng bậc con cháu, em út.
Trong thời gian sang dự Lễ Kỷ niệm, chúng tôi được lãnh đạo và cơ quan Bộ Quốc phòng tiếp đón rất trọng thị, chu đáo. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chăn Xa Mỏn Chăn Nha Lạt đã dành thời gian tiếp thân mật và chiêu đãi Đoàn. Cùng dự với Bộ trưởng, có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân Lào. Đoàn đã tham gia dự Lễ Kỷ niệm tại Quảng trường, xem Lễ duyệt binh với quy mô rất hoành tráng,…
Hơn nửa thế kỷ đã qua, nay trở lại đất nước Triệu Voi, kỷ niệm xưa và hiện thực nay quyện vào nhau trong tâm trí tôi. Điều cốt tủy đọng lại trong tôi là tấm lòng thủy chung, son sắt của các bạn Lào. Trải qua mấy chục năm, trong điều kiện có nhiều đổi thay trong phát triển, nhưng tình nghĩa giữa những người cùng chung chiến hào năm xưa vẫn nguyên vẹn đong đầy. Các buổi gặp gỡ tiếp xúc giữa ta và Ban toát lên một điều thống nhất là : Liên minh chiến đấu Việt - Lào là một tất yếu lịch sử khách quan có tính quy luật. Quan hệ đoàn kết Đặc biệt Việt - Lào là tài sản tinh thần vô giá của hai dân tộc, hai quân đội. Điều hệ trọng này phải được mãi mãi trân trọng giữ gìn, lưu truyền, tiếp nối trong các thế hệ mai sau ./.     


KÝ ỨC VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 
PHÍA BẮC, THÁNG 2 - 1979

                                                          N M Đ

Ngày 17/02/2019, nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, bất ngờ dùng 12 vạn quân ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Thời điểm cao nhất chúng huy động tới 60 vạn .
Trong cuộc chiến hơn 1 tháng, quân xâm lược Trung Quốc đã dã man bắn giết biết bao người và tàn phá rất nhiều cơ sở vật chất của ta.
Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn tên địch. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Tổ quốc & nhân dân ta đời đời nhớ ơn các Liệt sĩ.
Khi quân Trung Quốc xâm lược ồ ạt tấn công vào lãnh thổ biên giới phía Bắc nước ta, tháng 02/ 1979, tôi đang công tác ở Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị. Tin tức từ các hướng mặt trận từ Hoàng Liên Sơn đến Quảng Ninh ngày đêm dội về cơ quan Bộ Quốc phòng. Sau mấy năm hòa bình, không khí thời chiến đang trở lại. Nếp công tác, sinh hoạt rộn rã khẩn trương hơn. Cơ quan tiến hành báo động nhiều lần. Cán bộ các cơ quan luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng đợi lệnh lên đường nhận nhiệm vụ.
Chiều ngày 23 /02/1979, tôi cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị triệu tập giao nhiệm vụ làm Phái viên xuống các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên giới thuộc: Quân khu 1, Quân khu 2 và Đặc khu Quảng Ninh.
Vừa bước sang tuổi 31, bậc quân hàm Đại úy, tôi lại hăm hở nhận nhiệm vụ lên đường ra mặt trận tựa như mùa Đông năm 1964 - mới chẵn 16 tuổi đã nhập ngũ vào chiến trường Miền Nam chiến đấu.
Theo phân công, tôi cùng anh Đào Thắng, Trung úy, Nhà văn, cán bộ Cục Tuyên huấn xuống Trung đoàn 567 thuộc Quân khu 1 đang chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng. ( Sau này, anh Đào Thăng là Đại tá, chuyển ngành làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn ).
Nhận nhiệm vụ xong rời phòng họp, tôi bất chợt gặp Đại tướng Chu Huy Mân ở dãy hành lang tòa nhà Văn phòng Tổng cục Chính trị. Ông dừng lại ôn tồn hỏi tôi:
- Cháu được cử đi đâu ?
- Dạ, cháu được cử lên mặt trân Cao Bằng - Tôi hăng hái trả lời .
Ông nói tiếp :
- Thế là tốt. Chiến tranh do kẻ địch phát động diễn ra trên diện rộng, với qui mô lớn. Cả nước ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mới, với kẻ thù mới. Cháu đã qua chiến đấu ở chiến trường thời đánh Mỹ. Nay, cần tiếp tục phấn đấu rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu, công tác ở đơn vị cơ sở. Này! Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bác đã từng chỉ huy chiến đấu ở Cao Bằng đấy. Bây giờ lên đó, cháu phải xuống hẳn một Trung đoàn đang chiến đấu, trực tiếp nắm tình hình và giúp lãnh đạo chỉ huy đơn vị giải quyết những vấn đề đặt ra. Nhớ phải có báo cáo kịp thời về Tổng cục.
Chia tay ông, tôi vui vẻ trở về cơ quan chuẩn bị mấy thứ cần thiết để sáng mai lên đường.
Sáng sớm ngày 24/ 02, tôi dùng xe Hon Đa đưa nhà tôi và Nguyễn Trần Quang, con trai đầu ( ngày đó mới hơn 3 tuổi, chúng tôi chưa sinh Nguyễn Trần Thùy Vinh) từ nhà tôi ở 1A Hoàng Văn Thụ vào nhà 30 Lý Nam để chia tay ông bà ngoại.
Từ nhà ông bà ngoại, tôi khoác ba lô đi bộ sang cơ quan Tổng cục Chính trị. Liễu và cháu Quang đi tiễn. Từ trong nhà ra gần tới cổng 30 Lý Nam đế, đến đầu cổng nhà ông Đồng Sỹ Nguyên có lối nhỏ rẽ tắt qua Đại đội 2 vệ binh thuộc Lữ đoàn 144 sang cơ quan TCCT - Lối đi này chỉ những người có Giấy ra vào Thành mới qua được. Tôi dừng lại giang tay bế con trai lên ghì chặt vào lòng, ôm hôn con. Quang hỏi, Ba ơi, Ba đi chống Tàu bao giờ về? ( Trước đó, nghe người lớn nói với nhau là vậy, nên cháu biết ). Tôi nói, chưa biết trước, nhưng không lâu lắm đâu con ạ. Liễu nhà tôi bịn rịn, tay cầm tay, rồi lẳng lặng ngoảnh mặt đi, đưa tay nghẹn ngào gạt nước mắt. Trong phút giây xúc đông, tôi vội nói lời chia tay rồi đi thẳng, đầu không dám ngoảnh lại. Hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi cuộc chia tay lưu luyến của bao cặp vợ chồng trong thời chiến từ xưa đến nay đều diễn ra như vậy.
Vào tập trung ở sân bóng đá Tổng cục Chính trị, các cơ quan có một số người đến chia tay một cách nhẹ nhàng. Tôi và anh Đào Thắng lên chiếc xe com - măng - ca Bắc Kinh đít tròn, do anh Nguyễn Văn Mỹ quê ở Hải Dương lái. Tôi và Mỹ quen nhau đã nhiều năm, nên dễ vào chuyện. Với anh Đào Thắng, đây là lần gặp đầu tiên. Qua câu chuyện bước đầu, tôi biết anh Thắng hơn tôi hai tuổi, là chồng cô Như, con gái Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi. Thời chống Mỹ, anh Thắng ở đơn vị Phòng không đã tham gia rất nhiều trận chiến đấu ác liệt ở vùng Khu Bốn. Anh thuộc nhiều địa danh quê tôi. Anh Thắng cũng đã có nhiều tác phẩm viết về những trận chiến đấu ác liệt bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Khu 4.
Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 3, chúng tôi lên Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đóng ở Thái Nguyên, với cự ly khoảng hơn 80 cây số. Đến Quân khu, chúng tôi vào làm việc với Cục Chính trị. Anh Nguyễn Hức, Cục phó Chính trị cùng anh Ban cán bộ Phòng Tuyên huấn tiếp và làm việc với chúng tôi. Sau đó, xe chúng tôi đi lên Bắc Kạn với cự ly khoảng 90 cây số, rồi đi tiếp lên Cao Bằng.
Hôm đó là Thứ Bảy, ngày 20 tháng Giêng năm Kỷ Mùi. Tiết Xuân đang lúc gió mùa đông bắc, mưa phùn lất phất, trời se lạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi lên Cao Bằng. Hai bên đường trên các triền núi, có nhiều vạt lau khá cao, bông lau phất phơ trong gió xuân. Thỉnh thoảng có cây đào phai, trông khá đẹp. Đường đi qua nhiều đèo cao khúc khuỷu : Đèo Giàng, Đèo Gió, Đèo Ngân Sơn, … Đèo Gió là đèo cao và dài nhất, rất nguy hiểm. Trời mù sương, đường trơn trượt, nếu lái xe không cẩn thận dễ xảy ra tai nạn. Trên đường khá tấp nập xe cộ. Người ra mặt trân. Người về phía hậu phương. Lúc này quân Trung Quốc vừa chiếm xong Thị xã Cao Bằng. Tỉnh đội Cao Bằng đã lùi về Ngân Sơn. Trong số đoàn người lui về về sau, phần đông là dân đi sơ tán và cũng có nhiều xe chở thương binh từ mặt trận về.
Khi đến Ngân Sơn, chúng tôi vào Tỉnh đội Cao Bằng xuất trình giấy tờ. Cơ quan Tỉnh đội bố trí cho tôi, anh Thắng và Mỹ ngủ ở một nhà dân trong bản. Dân ở đây đã sơ tán về phía sau. Nhà trống, đồ đạc vứt lại ngổn ngang. Đêm đến miền núi cao trời rét đậm, nấu cơm ăn xong, chúng tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng đến tận khuya rồi mới thu xếp sửa soạn chỗ ngủ.
Theo phân công, sáng mai, chúng tôi hành quân bộ cùng với anh Nông Văn Nhung, Trung tá, Chính ủy Trung đoàn 567 và mấy cán bộ, chiến sĩ lên nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội Cao Bằng quay về đơn vị. Tôi nhìn vào bản đồ tác chiến thì thấy Trung đoàn 567 đang nằm sau lưng địch. Nói cách khác, quân Trung Quốc đã tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam mà Trung đoàn 567 đã nằm trong vòng vây của chúng. Việc liên lạc từ Trung đoàn 567 về Tỉnh đội và Mặt trận Cao Bằng rất khó khăn, chỉ có từng toán nhỏ xuyên cắt rừng, tránh địch để đi.
Với tôi, bằng kinh nghiệm từ hồi chống Mỹ khi còn là chiến sĩ trinh sát, đặc công. Lần nay, việc cắt rừng tránh địch để đi là nguy hiểm, nhưng không thật khó. Vì đường rừng mênh mông có nhiều lối tránh. Thêm nữa, được các chiến sĩ của Trung đoàn 567 quen thuộc địa hình dẫn đường thì chúng tôi yên tâm.
Sáng dậy, cơm nước xong, vai khoác ba lô, lưng đeo khẩu súng ngắn K 59, từ Ngân Sơn chúng tôi đi cắt đường rừng vào Trung đoàn 567 đang hoạt động ở Đường số 4. Trên đường đi, hỏi chuyện tôi biết anh Nông Văn Nhung, người dân tộc Tày, hơn tôi độ dăm tuổi, người đậm chắc, đầu hơi bị hói. Thời chống Mỹ, anh Nhung ở Sư đoàn 312 đi chiến trường Tây Nguyên, rồi vào chiến đấu ở Đông Nam Bộ.
Cuốc bộ đường rừng, leo nhiều dốc cao, lội qua nhiều con suối, tôi cảm thấy khá mệt. Đang trời rét mà mồ hôi tôi cứ túa ra ướt cả áo. Dưới chân thì từng đàn vắt cứ ngoe nguấy bám theo. Thật chẳng khác nào việc xuyên rừng, vượt suối tôi đã trải qua thời đánh Mỹ. Khoảng 5 giờ chiều, đoàn chúng tôi về tới Trung đoàn bộ đóng cạnh một bản dân tộc ở chân núi, phía dưới có con suối, xa hơn là mấy thửa ruộng bậc thang. Sở Chi huy Trung đoàn gồm mấy căn hầm, phía trên có mấy cái bàn làm bằng tre ghép lại, xung quanh là mấy dãy lán nứa. Người đầu tiên tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Kính, Thiếu tá, Trung đoàn trưởng - Một cán bộ khá trẻ so với cấp bậc và độ tuổi, dáng tầm thước, da trắng, tác phong vui vẻ, nhanh nhẹn, xởi lởi. Qua câu chuyện, tôi được biết anh Kính mới được điều động từ Trường Quân sự Quân đoàn 1 về Trung đoàn mấy tháng trước khi xẩy ra chiến tranh.
Trung đoàn 567 là trung đoàn độc lập trực thuộc Quân khu 1. Khi chiến tranh biên giới xẩy ra, Trung đoàn 567 đã chiến đấu nhiều trận, lập công xuất sắc ở Thach An, Hà Quảng.
Ngày đầu tiên, 17/02/1979, Quân Trung Quốc mở đầu là pháo bắn dữ dội, tiếp theo là xe tăng và bộ binh tấn công. Trung đoàn 567 đã cùng Đồn Biên phòng Tà Lùng và dân quân tự vệ địa phương chặn đánh địch quyết liệt ở Đèo Khâu Chỉa ( Phục Hòa ). Mấy ngày sau, địch tập trung quân dồn dập tấn công vào Thị xã Cao Bằng. Do tương quan lực lương chênh lệch, ngày 24 / 02 / 1979, địch chiếm được Thị xã. Nhiều đơn vị của ta bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây. Lúc này quân số và vũ khí trang bị của Trung đoàn 567 đã bị tiêu hao, lương thực, thực phẩm khó khăn.
Với tư cách là Phái viên của Tổng cục Chính trị, nhiệm vụ của chúng tôi là nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, tư vấn cho chỉ huy lãnh đạo đơn vị xử lý các tình huống. Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn nhận thức khá đầy đủ về âm mưu thủ đoạn của địch và nhiệm vụ của đơn vị. Qua mấy ngày chiến đấu đơn vị có thương vong, nhưng mọi người không hề nao núng tinh thần. Cùng với việc nắm tình hình và tư vấn với Ban chỉ huy Trung đoàn xử lý các tình huống chiến đấu, tôi còn đi sâu kiểm tra thực hiện công tác chính sách trong chiến đẩu: việc an táng liệt sĩ, cấp cứu thương binh và giải quyết giấy tờ cho thương binh về phía sau điều trị; việc bình bầu khen thưởng những tập thể cá nhân lập thành tích trong chiến đấu.
Là nhà văn quân đội đang tác nghiệp như một phóng viên chiến trường đích thực, anh Đào Thắng đã đi sâu gặp gỡ các cá nhân và tập thể điển hình xuất sắc trong chiến đấu, kịp viết bài đăng Tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo QĐND. Hằng ngày, chúng tôi cùng ăn ở với bộ đội ở trận địa.
Bằng vốn sống thực tế nhiều năm ở chiến trường miền Nam, tôi sớm quen với mọi việc, được anh em từ lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn đến chiến sĩ tin tưởng, thân thiết gần gũi, công việc thuân lợi. Anh Đào Thắng cũng vậy. Như phần trên đã nói, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, là bộ đội pháo cao xạ, anh Thắng đã nếm trải bao ác liệt, khó khăn trên các địa bàn trọng điểm ở Khu Bốn.
Ở Trung đoàn 567 được hơn 1 tuần, có Điện gọi chúng tôi về Bộ Tư lệnh Mặt trân Cao Bằng báo cáo tình hình. Phút chia tay anh em Trung đoàn thật bùi ngùi. Chỉ ngót mười ngày thôi mà tình cảm thật gắn bó. Chúng tôi lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại. Ban Chỉ huy Trung đoàn cho 2 chiến sĩ cắt đường rừng dẫn chúng tôi trở ra Ngân Sơn.
Lúc này, theo chỉ thị của trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng. Đại tá , AHLLVT Đàm Văn Ngụy , Phó Tư lệnh Quân khu 1 được phân công làm Tư lệnh Mặt trận. Đại tá Ngô Bằng Khê làm Chính ủy Mặt trận. Sở Chi huy BTL Mặt trận Cao Bằng đặt ở Bằng Khẩu. Khi về tới BTL thì tôi gặp và báo cáo với Thủ trưởng trực tiếp là Thiếu tướng Hùng Phong, Cục trưởng Cục Tổ chức TCCT mới từ Hà Nội lên đang làm Phái viên của Bộ tại Mặt trận. ( Một thời gian sau, ông Hùng Phong được cấp trên điều động làm Bí thư Đảng ủy Quân khu, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 1).
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, thì có một việc đột xuất : Mặt trận dùng máy bay trực thăng Mi6 để tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực phẩm cho Trung đoàn 567 đang nằm trong vòng vây của địch. Vì tổ lái máy bay không xác định được địa điểm, tọa độ đóng quân của Trung đoàn. Vậy là, tôi và anh Đào Thắng được giao nhiệm vụ ngồi lên máy bay để dẫn đường như hoa tiêu. Dù biết chắc địa điểm đơn vị đóng quân, lại là người cũng có ít nhiều kinh nghiệm xác định tọa độ trên bản đồ, nhưng quả thật địa hình rừng núi, lại ngồi trên máy bay nhìn xuống, mây mù dày đặc. Bay cao nhìn xuống dưới thì không thấy gì, bay thấp thì sợ đâm vào các ngọn núi cao. Hơn nữa, được biết hồi đó Trung Quốc đã đưa pháo cao xạ vào đất ta, kể cả thị xã Cao Bằng. Ngồi vào buồng lái, bằng mắt thường nhìn qua kính máy bay, tôi loay hoay chỉ trỏ cho máy bay vòng đi vòng lại cả một vùng khá rộng, đến mấy lượt, nhưng đều không thấy. Cuối cùng, sau vài chục phút dò dẫm không tìm được chỗ đóng quân của Trung đoàn 567. Qua bộ đàm, tổ lái xin ý kiến và được cấp trên lệnh cho máy bay quay về căn cứ.
Khi tiếp đất, nhìn những lô hàng vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm đang xếp sẵn trong khoang hạnh lý máy bay, lòng tôi áy náy xót xa vô cùng. Tôi tự cảm thấy mình như có lỗi lớn với anh em. Trong kia, giữa vòng vây quân thù, bộ đội ta thiếu thốn mọi điều, phải hằng ngày dè xẻn chắt chiu để sống và chiến đấu.
Tôi được biết, sau đó mấy hôm, BTL Mặt trận Cao Bằng lệnh cho Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút ra phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị tập trung phản kích địch.
Hai hôm sau, có Điện yêu cầu chúng tôi về Hà Nội gấp để tổng hợp đánh giá tình hình các hướng và kịp xét đề nghị khen thường. Nhân có máy bay trực thăng Mi6 chở hàng lên Mặt trận Cao Bằng quay về Hà Nội, chúng tôi được phép cho ô tô lên máy bay để cùng về. Hơn một giờ sau, trực thăng hạ cánh sân bay Bạch Mai. Chúng tôi lên ô tô về đơn vị.
Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm, tôi có nhiều chuyến công tác. Nhưng có thể nói, chuyến thâm nhập Trung đoàn 567 Quân khu 1 đang trực tiếp chiến đấu ở biên cương Cao Bằng mùa Xuân năm 1979 - trong thời điểm cả Dân tộc ta đang sục sôi hào khí chống quân Trung Quốc xâm lược - là một trong chuyến công tác có nhiều ý nghĩa với bao kỷ niệm không quên.
Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, mới ngày nào đó mà nay đã tròn 40 năm. Lâu nay, trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền và cả trong các văn bản pháp qui đều gọi là :" Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ".
Tôi trộm nghĩ, gọi thế e không đúng ! Gọi là “ chiến tranh biên giới “ thì phải là cuộc chiến tranh xâm lấn giành giật lãnh thổ lẫn nhau của cả hai bên biên giới. Đằng này, đây là cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ Việt Nam được phát động đơn phương từ Trung Quốc. Phía Việt Nam không hề cho quân xâm lấn đất đai Trung Quốc.
Tên gọi một cuộc chiến tranh là căn cứ vào bản chất của nó, chứ không phụ thuộc vào qui mô, thời gian, không gian và tính chất của cuộc chiến.
Từ cách nghĩ đó, tôi cho rằng, cần nói thẳng là :" Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc".
Và điều này nữa là : Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, tổ tiên chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc : Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà lịch sử mãi mãi khắc ghi.
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ thiên tài đã lãnh đạo dân ta đánh tan 29 vạn quân Thanh. Cuộc chiến chỉ diễn ra mấy ngày, nhưng Chiến công đó mãi mãi chói lọi trong Lịch sử vinh quang của dân tộc. Vậy mà, mới có 40 năm thôi, trên phương tiện tuyên truyền không đề cập tương xứng ./.




CHUYỆN 40 NĂM TRƯỚC - KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN

                                                                 N M Đ

Ngày 17/02/2019, nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, bất ngờ dùng 12 vạn quân ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Thời điểm cao nhất chúng huy động tới 60 vạn .
Trong cuộc chiến hơn 1 tháng, quân xâm lược Trung Quốc đã dã man bắn giết biết bao người và tàn phá rất nhiều cơ sở vật chất của ta.
Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn tên địch. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Tổ quốc & nhân dân ta đời đời nhớ ơn các Liệt sĩ.
Khi quân Trung Quốc xâm lược ồ ạt tấn công vào lãnh thổ biên giới phía Bắc nước ta, tháng 02/ 1979, tôi đang công tác ở Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị. Tin tức từ các hướng mặt trận từ Hoàng Liên Sơn đến Quảng Ninh ngày đêm dội về cơ quan Bộ Quốc phòng. Sau mấy năm hòa bình, không khí thời chiến đang trở lại. Nếp công tác, sinh hoạt rộn rã khẩn trương hơn. Cơ quan tiến hành báo động nhiều lần. Cán bộ các cơ quan luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng đợi lệnh lên đường nhận nhiệm vụ.
Chiều ngày 23 /02/1979, tôi cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị triệu tập giao nhiệm vụ làm Phái viên xuống các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên giới thuộc: Quân khu 1, Quân khu 2 và Đặc khu Quảng Ninh.
Vừa bước sang tuổi 31, bậc quân hàm Đại úy, tôi lại hăm hở nhận nhiệm vụ lên đường ra mặt trận tựa như mùa Đông năm 1964 - mới chẵn 16 tuổi đã nhập ngũ vào chiến trường Miền Nam chiến đấu.
Theo phân công, tôi cùng anh Đào Thắng, Trung úy, Nhà văn, cán bộ Cục Tuyên huấn xuống Trung đoàn 567 thuộc Quân khu 1 đang chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng. ( Sau này, anh Đào Thăng là Đại tá, chuyển ngành làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn ).
Nhận nhiệm vụ xong rời phòng họp, tôi bất chợt gặp Đại tướng Chu Huy Mân ở dãy hành lang tòa nhà Văn phòng Tổng cục Chính trị. Ông dừng lại ôn tồn hỏi tôi:
- Cháu được cử đi đâu ?
- Dạ, cháu được cử lên mặt trân Cao Bằng - Tôi hăng hái trả lời .
Ông nói tiếp :
- Thế là tốt. Chiến tranh do kẻ địch phát động diễn ra trên diện rộng, với qui mô lớn. Cả nước ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mới, với kẻ thù mới. Cháu đã qua chiến đấu ở chiến trường thời đánh Mỹ. Nay, cần tiếp tục phấn đấu rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu, công tác ở đơn vị cơ sở. Này! Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bác đã từng chỉ huy chiến đấu ở Cao Bằng đấy. Bây giờ lên đó, cháu phải xuống hẳn một Trung đoàn đang chiến đấu, trực tiếp nắm tình hình và giúp lãnh đạo chỉ huy đơn vị giải quyết những vấn đề đặt ra. Nhớ phải có báo cáo kịp thời về Tổng cục.
Chia tay ông, tôi vui vẻ trở về cơ quan chuẩn bị mấy thứ cần thiết để sáng mai lên đường.
Sáng sớm ngày 24/ 02, tôi dùng xe Hon Đa đưa nhà tôi và Nguyễn Trần Quang, con trai đầu ( ngày đó mới hơn 3 tuổi, chúng tôi chưa sinh Nguyễn Trần Thùy Vinh) từ nhà tôi ở 1A Hoàng Văn Thụ vào nhà 30 Lý Nam để chia tay ông bà ngoại.
Từ nhà ông bà ngoại, tôi khoác ba lô đi bộ sang cơ quan Tổng cục Chính trị. Liễu và cháu Quang đi tiễn. Từ trong nhà ra gần tới cổng 30 Lý Nam đế, đến đầu cổng nhà ông Đồng Sỹ Nguyên có lối nhỏ rẽ tắt qua Đại đội 2 vệ binh thuộc Lữ đoàn 144 sang cơ quan TCCT - Lối đi này chỉ những người có Giấy ra vào Thành mới qua được. Tôi dừng lại giang tay bế con trai lên ghì chặt vào lòng, ôm hôn con. Quang hỏi, Ba ơi, Ba đi chống Tàu bao giờ về? ( Trước đó, nghe người lớn nói với nhau là vậy, nên cháu biết ). Tôi nói, chưa biết trước, nhưng không lâu lắm đâu con ạ. Liễu nhà tôi bịn rịn, tay cầm tay, rồi lẳng lặng ngoảnh mặt đi, đưa tay nghẹn ngào gạt nước mắt. Trong phút giây xúc đông, tôi vội nói lời chia tay rồi đi thẳng, đầu không dám ngoảnh lại. Hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi cuộc chia tay lưu luyến của bao cặp vợ chồng trong thời chiến từ xưa đến nay đều diễn ra như vậy.
Vào tập trung ở sân bóng đá Tổng cục Chính trị, các cơ quan có một số người đến chia tay một cách nhẹ nhàng. Tôi và anh Đào Thắng lên chiếc xe com - măng - ca Bắc Kinh đít tròn, do anh Nguyễn Văn Mỹ quê ở Hải Dương lái. Tôi và Mỹ quen nhau đã nhiều năm, nên dễ vào chuyện. Với anh Đào Thắng, đây là lần gặp đầu tiên. Qua câu chuyện bước đầu, tôi biết anh Thắng hơn tôi hai tuổi, là chồng cô Như, con gái Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi. Thời chống Mỹ, anh Thắng ở đơn vị Phòng không đã tham gia rất nhiều trận chiến đấu ác liệt ở vùng Khu Bốn. Anh thuộc nhiều địa danh quê tôi. Anh Thắng cũng đã có nhiều tác phẩm viết về những trận chiến đấu ác liệt bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Khu 4.
Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 3, chúng tôi lên Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đóng ở Thái Nguyên, với cự ly khoảng hơn 80 cây số. Đến Quân khu, chúng tôi vào làm việc với Cục Chính trị. Anh Nguyễn Hức, Cục phó Chính trị cùng anh Ban cán bộ Phòng Tuyên huấn tiếp và làm việc với chúng tôi. Sau đó, xe chúng tôi đi lên Bắc Kạn với cự ly khoảng 90 cây số, rồi đi tiếp lên Cao Bằng.
Hôm đó là Thứ Bảy, ngày 20 tháng Giêng năm Kỷ Mùi. Tiết Xuân đang lúc gió mùa đông bắc, mưa phùn lất phất, trời se lạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi lên Cao Bằng. Hai bên đường trên các triền núi, có nhiều vạt lau khá cao, bông lau phất phơ trong gió xuân. Thỉnh thoảng có cây đào phai, trông khá đẹp. Đường đi qua nhiều đèo cao khúc khuỷu : Đèo Giàng, Đèo Gió, Đèo Ngân Sơn, … Đèo Gió là đèo cao và dài nhất, rất nguy hiểm. Trời mù sương, đường trơn trượt, nếu lái xe không cẩn thận dễ xảy ra tai nạn. Trên đường khá tấp nập xe cộ. Người ra mặt trân. Người về phía hậu phương. Lúc này quân Trung Quốc vừa chiếm xong Thị xã Cao Bằng. Tỉnh đội Cao Bằng đã lùi về Ngân Sơn. Trong số đoàn người lui về về sau, phần đông là dân đi sơ tán và cũng có nhiều xe chở thương binh từ mặt trận về.
Khi đến Ngân Sơn, chúng tôi vào Tỉnh đội Cao Bằng xuất trình giấy tờ. Cơ quan Tỉnh đội bố trí cho tôi, anh Thắng và Mỹ ngủ ở một nhà dân trong bản. Dân ở đây đã sơ tán về phía sau. Nhà trống, đồ đạc vứt lại ngổn ngang. Đêm đến miền núi cao trời rét đậm, nấu cơm ăn xong, chúng tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng đến tận khuya rồi mới thu xếp sửa soạn chỗ ngủ.
Theo phân công, sáng mai, chúng tôi hành quân bộ cùng với anh Nông Văn Nhung, Trung tá, Chính ủy Trung đoàn 567 và mấy cán bộ, chiến sĩ lên nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội Cao Bằng quay về đơn vị. Tôi nhìn vào bản đồ tác chiến thì thấy Trung đoàn 567 đang nằm sau lưng địch. Nói cách khác, quân Trung Quốc đã tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam mà Trung đoàn 567 đã nằm trong vòng vây của chúng. Việc liên lạc từ Trung đoàn 567 về Tỉnh đội và Mặt trận Cao Bằng rất khó khăn, chỉ có từng toán nhỏ xuyên cắt rừng, tránh địch để đi.
Với tôi, bằng kinh nghiệm từ hồi chống Mỹ khi còn là chiến sĩ trinh sát, đặc công. Lần nay, việc cắt rừng tránh địch để đi là nguy hiểm, nhưng không thật khó. Vì đường rừng mênh mông có nhiều lối tránh. Thêm nữa, được các chiến sĩ của Trung đoàn 567 quen thuộc địa hình dẫn đường thì chúng tôi yên tâm.
Sáng dậy, cơm nước xong, vai khoác ba lô, lưng đeo khẩu súng ngắn K 59, từ Ngân Sơn chúng tôi đi cắt đường rừng vào Trung đoàn 567 đang hoạt động ở Đường số 4. Trên đường đi, hỏi chuyện tôi biết anh Nông Văn Nhung, người dân tộc Tày, hơn tôi độ dăm tuổi, người đậm chắc, đầu hơi bị hói. Thời chống Mỹ, anh Nhung ở Sư đoàn 312 đi chiến trường Tây Nguyên, rồi vào chiến đấu ở Đông Nam Bộ.
Cuốc bộ đường rừng, leo nhiều dốc cao, lội qua nhiều con suối, tôi cảm thấy khá mệt. Đang trời rét mà mồ hôi tôi cứ túa ra ướt cả áo. Dưới chân thì từng đàn vắt cứ ngoe nguấy bám theo. Thật chẳng khác nào việc xuyên rừng, vượt suối tôi đã trải qua thời đánh Mỹ. Khoảng 5 giờ chiều, đoàn chúng tôi về tới Trung đoàn bộ đóng cạnh một bản dân tộc ở chân núi, phía dưới có con suối, xa hơn là mấy thửa ruộng bậc thang. Sở Chi huy Trung đoàn gồm mấy căn hầm, phía trên có mấy cái bàn làm bằng tre ghép lại, xung quanh là mấy dãy lán nứa. Người đầu tiên tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Kính, Thiếu tá, Trung đoàn trưởng - Một cán bộ khá trẻ so với cấp bậc và độ tuổi, dáng tầm thước, da trắng, tác phong vui vẻ, nhanh nhẹn, xởi lởi. Qua câu chuyện, tôi được biết anh Kính mới được điều động từ Trường Quân sự Quân đoàn 1 về Trung đoàn mấy tháng trước khi xẩy ra chiến tranh.
Trung đoàn 567 là trung đoàn độc lập trực thuộc Quân khu 1. Khi chiến tranh biên giới xẩy ra, Trung đoàn 567 đã chiến đấu nhiều trận, lập công xuất sắc ở Thach An, Hà Quảng.
Ngày đầu tiên, 17/02/1979, Quân Trung Quốc mở đầu là pháo bắn dữ dội, tiếp theo là xe tăng và bộ binh tấn công. Trung đoàn 567 đã cùng Đồn Biên phòng Tà Lùng và dân quân tự vệ địa phương chặn đánh địch quyết liệt ở Đèo Khâu Chỉa ( Phục Hòa ). Mấy ngày sau, địch tập trung quân dồn dập tấn công vào Thị xã Cao Bằng. Do tương quan lực lương chênh lệch, ngày 24 / 02 / 1979, địch chiếm được Thị xã. Nhiều đơn vị của ta bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây. Lúc này quân số và vũ khí trang bị của Trung đoàn 567 đã bị tiêu hao, lương thực, thực phẩm khó khăn.
Với tư cách là Phái viên của Tổng cục Chính trị, nhiệm vụ của chúng tôi là nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, tư vấn cho chỉ huy lãnh đạo đơn vị xử lý các tình huống. Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn nhận thức khá đầy đủ về âm mưu thủ đoạn của địch và nhiệm vụ của đơn vị. Qua mấy ngày chiến đấu đơn vị có thương vong, nhưng mọi người không hề nao núng tinh thần. Cùng với việc nắm tình hình và tư vấn với Ban chỉ huy Trung đoàn xử lý các tình huống chiến đấu, tôi còn đi sâu kiểm tra thực hiện công tác chính sách trong chiến đẩu: việc an táng liệt sĩ, cấp cứu thương binh và giải quyết giấy tờ cho thương binh về phía sau điều trị; việc bình bầu khen thưởng những tập thể cá nhân lập thành tích trong chiến đấu.
Là nhà văn quân đội đang tác nghiệp như một phóng viên chiến trường đích thực, anh Đào Thắng đã đi sâu gặp gỡ các cá nhân và tập thể điển hình xuất sắc trong chiến đấu, kịp viết bài đăng Tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo QĐND. Hằng ngày, chúng tôi cùng ăn ở với bộ đội ở trận địa.
Bằng vốn sống thực tế nhiều năm ở chiến trường miền Nam, tôi sớm quen với mọi việc, được anh em từ lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn đến chiến sĩ tin tưởng, thân thiết gần gũi, công việc thuân lợi. Anh Đào Thắng cũng vậy. Như phần trên đã nói, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, là bộ đội pháo cao xạ, anh Thắng đã nếm trải bao ác liệt, khó khăn trên các địa bàn trọng điểm ở Khu Bốn.
Ở Trung đoàn 567 được hơn 1 tuần, có Điện gọi chúng tôi về Bộ Tư lệnh Mặt trân Cao Bằng báo cáo tình hình. Phút chia tay anh em Trung đoàn thật bùi ngùi. Chỉ ngót mười ngày thôi mà tình cảm thật gắn bó. Chúng tôi lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại. Ban Chỉ huy Trung đoàn cho 2 chiến sĩ cắt đường rừng dẫn chúng tôi trở ra Ngân Sơn.
Lúc này, theo chỉ thị của trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng. Đại tá , AHLLVT Đàm Văn Ngụy , Phó Tư lệnh Quân khu 1 được phân công làm Tư lệnh Mặt trận. Đại tá Ngô Bằng Khê làm Chính ủy Mặt trận. Sở Chi huy BTL Mặt trận Cao Bằng đặt ở Bằng Khẩu. Khi về tới BTL thì tôi gặp và báo cáo với Thủ trưởng trực tiếp là Thiếu tướng Hùng Phong, Cục trưởng Cục Tổ chức TCCT mới từ Hà Nội lên đang làm Phái viên của Bộ tại Mặt trận. ( Một thời gian sau, ông Hùng Phong được cấp trên điều động làm Bí thư Đảng ủy Quân khu, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 1).
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, thì có một việc đột xuất : Mặt trận dùng máy bay trực thăng Mi6 để tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực phẩm cho Trung đoàn 567 đang nằm trong vòng vây của địch. Vì tổ lái máy bay không xác định được địa điểm, tọa độ đóng quân của Trung đoàn. Vậy là, tôi và anh Đào Thắng được giao nhiệm vụ ngồi lên máy bay để dẫn đường như hoa tiêu. Dù biết chắc địa điểm đơn vị đóng quân, lại là người cũng có ít nhiều kinh nghiệm xác định tọa độ trên bản đồ, nhưng quả thật địa hình rừng núi, lại ngồi trên máy bay nhìn xuống, mây mù dày đặc. Bay cao nhìn xuống dưới thì không thấy gì, bay thấp thì sợ đâm vào các ngọn núi cao. Hơn nữa, được biết hồi đó Trung Quốc đã đưa pháo cao xạ vào đất ta, kể cả thị xã Cao Bằng. Ngồi vào buồng lái, bằng mắt thường nhìn qua kính máy bay, tôi loay hoay chỉ trỏ cho máy bay vòng đi vòng lại cả một vùng khá rộng, đến mấy lượt, nhưng đều không thấy. Cuối cùng, sau vài chục phút dò dẫm không tìm được chỗ đóng quân của Trung đoàn 567. Qua bộ đàm, tổ lái xin ý kiến và được cấp trên lệnh cho máy bay quay về căn cứ.
Khi tiếp đất, nhìn những lô hàng vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm đang xếp sẵn trong khoang hạnh lý máy bay, lòng tôi áy náy xót xa vô cùng. Tôi tự cảm thấy mình như có lỗi lớn với anh em. Trong kia, giữa vòng vây quân thù, bộ đội ta thiếu thốn mọi điều, phải hằng ngày dè xẻn chắt chiu để sống và chiến đấu.
Tôi được biết, sau đó mấy hôm, BTL Mặt trận Cao Bằng lệnh cho Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút ra phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị tập trung phản kích địch.
Hai hôm sau, có Điện yêu cầu chúng tôi về Hà Nội gấp để tổng hợp đánh giá tình hình các hướng và kịp xét đề nghị khen thường. Nhân có máy bay trực thăng Mi6 chở hàng lên Mặt trận Cao Bằng quay về Hà Nội, chúng tôi được phép cho ô tô lên máy bay để cùng về. Hơn một giờ sau, trực thăng hạ cánh sân bay Bạch Mai. Chúng tôi lên ô tô về đơn vị.
Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm, tôi có nhiều chuyến công tác. Nhưng có thể nói, chuyến thâm nhập Trung đoàn 567 Quân khu 1 đang trực tiếp chiến đấu ở biên cương Cao Bằng mùa Xuân năm 1979 - trong thời điểm cả Dân tộc ta đang sục sôi hào khí chống quân Trung Quốc xâm lược - là một trong chuyến công tác có nhiều ý nghĩa với bao kỷ niệm không quên.
Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, mới ngày nào đó mà nay đã tròn 40 năm. Lâu nay, trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền và cả trong các văn bản pháp qui đều gọi là :" Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ".
Tôi trộm nghĩ, gọi thế e không đúng ! Gọi là “ chiến tranh biên giới “ thì phải là cuộc chiến tranh xâm lấn giành giật lãnh thổ lẫn nhau của cả hai bên biên giới. Đằng này, đây là cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ Việt Nam được phát động đơn phương từ Trung Quốc. Phía Việt Nam không hề cho quân xâm lấn đất đai Trung Quốc.
Tên gọi một cuộc chiến tranh là căn cứ vào bản chất của nó, chứ không phụ thuộc vào qui mô, thời gian, không gian và tính chất của cuộc chiến.
Từ cách nghĩ đó, tôi cho rằng, cần nói thẳng là :" Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc".
Và điều này nữa là : Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, tổ tiên chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc : Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà lịch sử mãi mãi khắc ghi.
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ thiên tài đã lãnh đạo dân ta đánh tan 29 vạn quân Thanh. Cuộc chiến chỉ diễn ra mấy ngày, nhưng Chiến công đó mãi mãi chói lọi trong Lịch sử vinh quang của dân tộc. Vậy mà, mới có 40 năm thôi, trên phương tiện tuyên truyền không đề cập tương xứng ./.