Menu ngang

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

  • NÓI LẠI ĐIỀU NÀY ĐỂ
  • KHÔNG BÀN ĐẾN NỮA!

  •                                  Trần Đăng Khoa

  • Vâng! Đúng thế. Chẳng nên nói mãi về một chuyện đáng buồn này. Ngày 30 tháng Tư đã qua cách đây đúng một tuần rồi. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 còn xa hơn nữa, cách hôm nay đến 43 năm, gần một nửa thế kỷ. Vậy mà hôm nay tôi vẫn phải bàn đến nó. Bàn đến nó để hy vọng không phải nói lại câu chuyện này nữa. Đây là một mảng lịch sử. Và theo tôi, là tư liệu đáng tin cậy nhất về sự kiện lịch sử này. Bởi đây là tiếng nói của người trong cuộc, trong đó có một phóng viên nước ngoài, nhà báo Đức chuyên nghiệp Borries Gallasch, người đã cho quân giải phóng mượn chiếc máy ghi âm để ghi lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông là người chứng kiến toàn bộ sự việc. Ông cũng đã viết cả một cuốn sách về sự kiện này. Cuốn sách ấy cũng đã được dịch sang tiếng Việt.
  • Vậy mà chúng ta vẫn cứ tranh luận, thậm chí cãi nhau, bất phân thắng bại về người thảo lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Cuộc tranh luận kéo dài suốt mấy chục năm qua. Tôi cũng đã viết về anh Bùi Quang Thận, người cắm cờ ở Dinh Độc Lập và anh Ngô Văn Nhỡ, đại uý xe tăng, người đã hy sinh trước của ngõ Sài Gòn đúng buổi trưa ngày 30-4-1975.
  • Từ năm 1996, khi tôi về quân đoàn II lấy tư liệu viết loạt bài này thì ở Quân đoàn vừa diễn ra Hội thảo lịch sử về người thảo thư đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh. Lúc đó, anh Phạm Xuân Thệ đang là thiếu tướng, tư lệnh quân đoàn. Anh cũng nói với tôi và nhà thơ Vương Trọng, như anh đã nói trong nhiều cuốn phim về sự kiện lịch sử buổi trưa 30-4 -1975. Nhưng ngay từ dạo đó, chúng tôi cũng đã không tin, dù hồi đó không có tư liệu cụ thể như bây giờ.
  • Không tin vì hai lý do. Một, văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh rất chặt chẽ, kín kẽ, phải là văn của chính uỷ, chứ khó có thể là văn của một anh đại uý, chỉ huy quân sự, giỏi chiến đấu, chứ khó có sự kín kẽ như một nhà chính trị. Tất nhiên đấy chỉ là suy luận thôi, và điều đó cũng không mấy chắc chắn. Vì không ít anh chỉ huy quân sự mà cũng rất kín kẽ, rất “chính trị.” Và điều thứ hai, điều này mới quan trọng hơn, anh Thệ chỉ làm những điều như anh nói, khi không có anh Bùi Tùng. Khi anh Bùi Tùng đã có mặt thì anh Thệ không thể “trèo lên đầu” anh Bùi Tùng được, vì anh Tùng là cấp trên, là chỉ huy cao nhất, trung tá, chính uỷ lữ đoàn, còn anh Thệ mới chỉ là đại uý, trung đoàn phó. Chức vụ và cấp bậc cách xa anh Tùng lắm, nên anh Thệ không thể “chơi trội.” Trừ khi anh Tùng giao cho anh Thệ làm việc đó. Kỷ luật quân đội, đâu có đùa. Chỉ chênh nhau một cấp đã khác rồi, ở đây chênh đến mấy cấp, nên không có chuyện đó được.
  • Sau này, khi dự Hội thảo, anh Thệ là trung Tướng, tư lệnh quân khu. Còn anh Bùi Tùng chỉ là ông đại tá đã về hưu, lại là cấp dưới anh Thệ cũng rất xa. Vì thế mới có sự nhập nhẹm. Nên Viện lịch sử quân sự mới có kết luận theo kiểu vui vẻ cả, như chia xôi trong mâm cỗ: Anh Thệ thảo thư đầu hàng, anh Tùng thảo thư chấp nhận đầu hàng. Đó là sự trí trá. Cần trả lại sự thật cho lịch sử. Sự thật là anh Thận cắm cờ trên nóc dinh, anh Tùng thảo thư đầu hàng của Dương Văn Minh và thư chấp nhận đầu hàng của Quân Giải phóng. Anh Thệ có mặt trong dinh và dẫn Tổng thống Dương Văn Minh ra xe đi cùng Dương Văn Minh sang Đài phát thanh. Thế thôi. Và thế cũng vinh hạnh lắm rồi.
  • Đời một người lính trận, có được kỳ tích như thế, lại lên được đến Trung tướng là quá vinh quang rồi. Đừng nhận những giá trị không phải của minh. Điều đó rất không hay. Nếu người ta không biết, thì nhận nhằng, dù là “tạo nghiệp,” cũng chẳng hay ho gì, nhưng mọi người đều biết cả. Người ta còn đưa ra bằng cớ rất rõ ràng, mà vẫn cãi lấy được thì không thể chịu nổi.
  • Mà thôi, kẻ tranh công theo kiểu Lý Thông thì thời nào cũng có, chẳng bàn làm gì. Nhưng Viện Lịch sử quân sự thì phải khách quan. Chính vì thiếu khách quan mới có chuyện lùm xùm. Anh Nguyễn Khắc Nguyệt, một người lính trận có mặt tại Dinh Độc Lập, đã phải lên tiếng trong Facebook của mình: “Sự kiện 30.4.1975, lịch sử không bao giờ chấp nhận sự ngoắt ngoéo, mù mờ. Mặc dù cuộc Hội thảo đã đưa ra kết luận, song cái kết luận này lại gây ra phản ứng dữ dội từ một số nhân chứng và sự không đồng tình, không “tâm phục khẩu phục” trong dư luận chung. Bút chiến, tranh luận vẫn tiếp tục.
  • Ngay sau khi báo chí đưa tin nội dung kết luận của Viện LSQS, từ TP. HCM, đại tá Bùi Tùng đã lập tức phản ứng. Ông cho rằng “kết luận” đó không khách quan, nghiêng về phía trung tướng tư lệnh quân khu I Phạm Xuân Thệ và yêu cầu “phải tiếp tục làm sáng tỏ sự thật lịch sử.” Và nhà báo Đức, ông Borries Gallasch đã phải lên tiếng. Ta hãy nghe tiếng nói của ông. Cứ như lời ông thì “Ông Thệ vào Dinh trước ông Bùi Tùng. Nhưng khi đó trong Dinh rất hỗn loạn. Chẳng ai bảo được ai. Trật tự chỉ được thiết lập khi ông Bùi Tùng xuất hiện sau đó ít phút.” Và rồi sau đó, theo ông: “Ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Tùng đã rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này. Chính ủy Bùi Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông Bùi Tùng bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi.” “Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
  • Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên của chính đài này đã tháo chân dung của Nguyễn Văn Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách.” “Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh. Ông viết khá vất vả. Có lúc ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào. Nhưng rồi cũng viết xong.”
  • Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng những việc phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại đến ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh....” Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn.” Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Chật vật mãi cuối cùng cũng đã xong…”
  • Như vậy, mọi việc đã quá rõ ràng. Người thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh và văn bản chấp nhận đầu hàng của Quân Giải phóng là ông Bùi Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ. Đấy là chứng nhận của một nhân chứng, một người trong cuộc, lại là một nhà báo quốc tế nổi tiếng. Vậy thì còn tranh cãi gì nữa. Chuyện này đã có thể khép lại được rồi. Hy vọng đây là bài viết cuối cùng nói về một sự thật hiển nhiên, không có gì còn phải bàn cãi nữa.
  • Tuy nhiên, chưa thấy Viện Lịch sử Quân sự có động thái gì phản ứng lại trước sự thật lịch sử này! Rất mong Viện Lịch sử Quân sự cần phải kết luận lại. Vì đó là khoa học. Nếu nhập nhẹm, người ta sẽ không còn tin vào những trang sử khác cũng rất vinh quang của quân đội. Điều đó mới thật sự nguy hại ./.
  • Theo Fb Nguyễn Công Bình

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020


LỜI BÌNH VỀ BÀI THƠ QUA 
NGÒI BÚT CỦA TRI ÂM, TRI KỶ

     Cách đây 4 năm, khi đọc bài thơ KÝ HỌA mang dáng dấp tự trào của tôi, bác Ngô Quý Vân - một người Anh, một đồng đội, cũng là người làm thơ và thích văn thơ - đã viết LỜI BÌNH. Theo tôi, đây là bài viết của một tri âm, khá tinh tế và sâu sắc.Tôi đăng lên để bà con đọc cho vui.
  
KÝ HOẠ

Nguyễn Mạnh Đẩu

Lão  - U 70
Vợ lão già
Con lão lớn
Cháu lão ngoan
Nhà lão vững chắc
Lại đã Phó Thường Dân.

Lão đã yếu tay chân
Vẫn ham chơi Tennis
Vẫn căng đầy cảm xúc
Sau từng trận giao tranh.

Không phải nghiệp văn chương
Mà đam mê xới cày trên cánh đồng chữ nghĩa
Cảm xúc ập ùa từng câu chuyện kể
Từng trang thơ thao thiết cõi lòng

Xe gia đình
Lão vẫn cầm vô lăng
Khi rong ruổi thăm thú bạn già
Lúc đăng đàn lễ lạt
Hàn huyên tri kỷ tri âm

Còn mái đầu bạc
Ra hiệu cải lão hoàn đồng
Lão chẳng có gì khác
Vẫn náo nức quyện hoà
Giữa bao cuộc vui chung !

Mỹ Đình,  07/9/2016


LỜI BÌNH :
------------


     CẢM NHẬN VỀ MỘT BỨC CHÂN DUNG KÝ HỌA

                                                         Ngô Quý Vân
                                        
       Xưa nay, người đời  vẫn ký họa bằng tranh, kể cả ký họa chân dung hay cảnh vật. Thế nhưng, nay ta lại bắt gặp một bức ký họa chân dung bằng ngôn ngữ thơ rất độc đáo của Nguyễn Mạnh Đẩu. Với giọng thơ tự trào, hóm hỉnh pha chút ngạo nghễ, ngang tàng - một phong cách đậm “chất lính chiến” , tác giả đã tự phác họa nên bức chân dung Lão phu Nguyễn Mạnh Đẩu rất ung dung, tự tại giữa đời.
       Thoạt đầu, lão viết như một lời tự sự :

“ Lão - U 70
Vợ lão già
Con lão lớn
Cháu lão ngoan
Nhà lão vững chắc
Lại đã Phó Thường Dân ”.

        tuổi U70, NMĐ tự phong mình lên lão. Mà lão là đúng quá rồi. Bởi, xưa nay người đời đều xác nhận :” Nhân sinh thất thập cổ lai hy” mà. Được bước đến ngưỡng này cũng là đã một hạnh phúc. Lão đang ở vào thời kỳ cuối MÙA NGƯỜI. Thành quả mà Lão thu hoạch được của MÙA NGƯỜI ở tuổi U70 thế là cũng đã an yên, viên mãn. Lão bằng lòng, chẳng cần gì hơn thế nữa.
     Thế nhưng đừng tưởng Lão ung dung, tự tại là lúc Lão chấp nhận dừng bước, sống thụ hưởng không thôi đâu. Thông thường, ở tuổi Lão người ta vẫn thường thế, nhưng với Lão thì không. Lão vẫn không chịu chấp nhận mình là “lão “ trong cách sống, mà phải  quên đi tuổi tác, sống thật trẻ trung, sôi động, rộn ràng:
         
“ Lão - đã yếu tay chân
Vẫn ham chơi Tennis
Vẫn căng đầy cảm xúc
Sau từng trận giao tranh.

     Đọc những dòng thơ trên, ta hình dung ra trước mắt ta một Nguyễn Mạnh Đẩu thật tráng niên, tráng kiện. Vẫn chơi Tennis với một khí thế hừng hực giao tranh. âm hưởng khí thế của người lính năm xưa khi bước vào trận tuyến còn đeo đẳng mãi trong Lão cho đến tận giờ, và mãi mãi về sau.
     Những dòng thơ tiếp theo lại vẽ nên một Nguyễn Mạnh Đẩu với niềm đam mêm văn chương chữ nghĩa:
“ Không phải nghiệp văn chương
Mà đam mê xới cày trên cánh đồng chữ nghĩa
Cảm xúc ập ùa từng câu chuyện kể
Từng trang thơ thao thiết cõi lòng …”
        Lão -U70. Nhưng lão vẫn còn dồi dào nhựa sống, cảm xúc vẫn đong đầy, tâm hồn vẫn chan chứa tình người, tình đời. Tất cả thôi thúc Lão cầm bút làm một văn nhân. Lão viết văn không phải tìm kiếm thi liệu từ đâu cả, nó vốn tiềm ẩn, tàng trữ trong con người Lão từ cuộc sống phong trần, từng trải, cộng thêm một cảm xúc tinh tế nhạy cảm, một năng khiếu văn chương sẵn có.  Lão mải miết, đam mê cày xới “trên cánh đồng chữ nghĩa” để cho đời những “trang thơ thao thiết cõi lòng”.  Thế là Lão lại có một MÙA NGƯỜI bội thu các tác phẩm văn chương. Giờ đây Lão xứng đáng được phác họa thành chân dung là  một Văn sĩ – Chiến sĩ.
       Ngoài những giờ đam mê miệt mài với chữ nghĩa văn chương hay đua sức mình cùng lớp trẻ trên sân quần vợt, Lão vẫn không quên tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn, nhàn tản bên những đồng đội cũ tri kỷ, tri âm.  Hình ảnh Lão ở đây hiện lên thật lãng tử, phong trần:
“ Xe gia đình
Lão vẫn cầm vô lăng
Khi rong ruổi thăm thú bạn già
Lúc đăng đàn lễ lạt
Hàn huyên tri kỷ, tri âm …”
    Vậy đó! Tuổi tác bất lực trước sức sống Lão rồi. Bất lực trước thái độ sống lạc quan, yêu đời của Lão. Kể cả dung mạo nhé. Lão có thể “ cải lão hoàn đồng ” được mà :
“ Còn mái đầu bạc
Chiều nay ra hiệu cải lão hoàn đồng
Lão chẳng có gì khác
Vẫn náo nức quyện hoà
Giữa bao cuộc vui chung.”
     Đọc khổ kết bài thơ, ký họa lên trước mắt ta một Nguyễn Mạnh Đẩu phong độ, tráng kiện, đôi mắt hấp háy niềm vui, lòng luôn náo nức, rạo rực tràn đầy nhựa sống yêu đời. Thế mới biết, tuổi tác chỉ là con số, còn già trẻ là ở nơi tâm  ta.
     Bài thơ là một lời tự bạch, tự họa, tự bộc lộ, tự thể hiện con người tinh thần của Nguyễn Mạnh Đẩu. Ông đã thể hiện rất rõ quan niệm về cuộc đời với một thái độ lạc quan bình thản, với một nhân sinh quan anh minh, với quan niệm: “ Tri túc” là hạnh phúc, thanh thản. Quan niệm nhân sinh đó đã trở thành lẽ sống cao đẹp, nó đã từng được thể hiện  nhiều trong những trang văn, trang đời của ông.
Trong bài thơ: “Tự sự”, ông đã từng nói rõ :

                              “ Lão phu nguyên bất nguyện tòng binh
                                  Nhân vị giang san họa chiến chinh
                                 Tứ thập dư niên phò sự nghiệp
                                  Quy lai mã đáo toại công thành ”

       Bài Ký họa của Nguyễn Mạnh Đẩu đã nêu lên một bức thông điệp sống : Sống, cho dù ở tuổi nào cũng phải sống hết mình, sống có ý nghĩa, có ích cho đời để khi ngoảnh đầu nhìn lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời, ta có quyền kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Sống thật xứng đáng là một CON NGƯỜI !
    


                                        


Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020


KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI BÁO CŨ

     Ngồi nhà suốt cả tháng vì đại dịch Covid - 19, tôi có thời gian đọc lại một số tác phẩm văn học. Trong đó có truyện ngắn “ TƯỚNG VỀ HƯU “ của Nguyễn Huy Thiệp. Đồng thời, tôi nhớ lại bài báo tôi viết cách đây đã 32 năm ( kèm theo dưới đây ).
     Khi viết bài báo này tôi đang ở trong Khu Tập thể 1 A Hoàng Văn Thụ ( Hà Nội ). Cạnh nhà tôi có chú Trần Trung Tín. Bấy giờ đang là Thiếu tá, Phó phòng Biên tập CTĐ, CTCT Báo QĐND ( Sau này là Thiếu tướng, PGS TS, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng ). Tôi nhờ chú Tín chuyển bài đến Tòa soạn. Hôm sau chú Tín nói lại với tôi rằng, khi nhận bài nhiều người không đồng tình. Nhưng đến khi Thiếu tướng, Tổng Biên tập Trần Công Mân đọc duyệt và quyết định đăng.
      Ngày sau Báo QĐND đăng lại trúng ngày có cuộc họp ở Hội trường Tổng cục Chính trị, mỗi người được trao một tờ báo. Khi đọc, nhiều người đồng tình và cũng có người không đồng tình. Giờ giải lao, Trung tướng Vũ Trọng Cảnh Phó Tư lệnh về Chính tri Quân chủng Phòng không ( vốn là Thủ trưởng cũ của tôi khi ở Cục Tổ chức - TCCT ) tìm gặp và anh phê bình tôi : “ Tại sao cậu lại viết như thế này ? ”. Anh đang nói, thì anh Trần Công Mân đi đến. Sau khi nghe anh Cảnh nêu ý kiến, anh Mân nói rằng : “ Tôi khẳng định, đây là một bài báo hay, đăng ở mục Văn hóa văn nghệ nhưng có tính chính luận cao. Và tôi cho rằng, nội dung bài báo đưa ra không những đúng trong thời điểm hiện nay mà nhiều năm sau vẫn đúng !”.
      Theo thời gian, bây giờ thì anh Trần Công Mân và anh Vũ Trọng Cảnh đã thành người thiên cổ.
     Được biết, năm 2001, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa bài báo này vào cuốn  ĐI TÌM NGUYỄN HUY THIỆP gồm tập hợp 54 bài do ông lựa chọn.
      Truyện ngắn TƯỚNG VỀ HƯU cùng một số chuyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp là các tác phẩm văn học được viết ra trong thời kỳ đất nước ta bắt đầu công cuộc Đổi mới. Trong bước chuyển mình từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, có rất nhiều điều thay đổi, trong đó có văn học nghệ thuật.
      Tôi xin đăng lại bài báo này để bà con coi thử trong những ngày phòng tránh Covid - 19.

       ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC TRUYỆN 
VÀ XEM PHIM  TƯỚNG VỀ HƯU CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

                                                Nguyễn Mạnh Đẩu
                                    (Bài đăng Báo QĐND ngày 28/1/1989)

      Khi đọc truyện ngắn “Tướng về hưu” và mới đây lại được xem bộ phim cùng tên do chính tác giả chuyển thể sang kịch bản, tôi có đôi điều suy tư, trăn trở, xin góp một tiếng nói nhỏ vào công luận.
    Truyện “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp sau khi xuất hiện trên Tuần báo Văn nghệ một thời gian đã gây xôn xao trong đời sống văn học và trong dư luận. Nhưng rồi điều đó cũng lắng dần. Đời sống còn biết bao việc đáng bàn. Gần đây phim Tướng về hưu ra mắt lại gây ra những cuộc tranh luận khá mạnh. Người khen nhiều, nhưng người chê đâu có ít. Có người xem truyện “Tướng về hưu” như một “cái mốc” đóng vào nền văn học Việt Nam, là sự tìm tòi, khám phá mới, mạnh dạn phản ánh hiện thực với thủ pháp văn chương độc đáo, hấp dẫn. Ngược lại, có người cho rằng, thủ pháp văn chương trong truyện không có gì mới. Chẳng qua là một lối viết quá cũ, có người đã từng viết cách đây vài trăm năm, nay phục chế lại. Còn chủ đề tư tưởng, giá trị nhân văn là cái gì đáng nghi ngờ, nếu không nói là có hại. Đây là sự tái hiện một kiểu văn học hiện thực những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, chứ đích thực không phải là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thế mới biết, sự cảm thụ văn học không dễ thống nhất.
     Với tôi, cảm nhận về truyện và phim “Tướng về hưu” diễn biến trong hai giai đoạn khác nhau.

-         Thoạt đầu, tôi cho rằng cả truyện và phim đều phải xem xét lại.
Đành rằng, một số tình tiết giữa truyện và kịch bản có thay đổi. Nhưng rút cục chủ đề tư tưởng chỉ là một. Đó là sự phủ định, diễu cợt những gì đã qua; bôi đen, bóp méo hiện tại và bế tắc không hé mở một lối ra nào cả. Hơn thế, ở đó còn có ý bêu riếu, dập vùi cái tốt, gieo rắc lối sống thực dụng.
      Mỗi nhân vật là đại diện cho một giai tầng, một lớp người trong xã hội. Một vị tướng - niềm tự hào của một dòng họ, một vùng quê - trọn đời chinh chiến đầy những quang vinh, trở về hậu phương mà ngỡ ngàng trước bộn bề ngang trái, phũ phàng. Từ ngỡ ngàng sang phẫn uất, ông những mong chỉnh đốn lại gia đình, lập lại thuần phong mỹ tục theo nhân sinh quan cách mạng. Nhưng hoài vọng đó không thực hiện được, hoàn toàn bất lực, quá căng thẳng, ông buộc phải tìm cái chết quang vinh nơi trận mạc. “Đòm” là xong. Cuộc sống này không còn chỗ dung nạp ông. Ông trở thành người thừa giữa cuộc sống - cái cuộc sống mà ông và biết bao đồng đội đã hy sinh, phấn đấu để giành lại. Bà Thuân - vợ ông cả cuộc đời tần tảo đảm đang, nuôi con, chờ chồng, thầm lặng chịu đựng biết bao mất mát, đến ngày vợ chồng đoàn tụ thì tuổi xuân đã tàn, lại bị bệnh tật dày vò, bà chỉ còn là một hình nhân vô tri vô giác. Bà là nạn nhân của chiến tranh. Bà còn là nạn nhân của chính gia đình mình. Thủy - cô con dâu - một mẫu người khá tiêu biểu cho lối sống hiện sinh, thực dụng và đầy mâu thuẫn. Đó là một người con dâu sắc sảo, nết na, kính nể bố chồng, quý chồng, thương con; đồng thời lại hết lòng chiều chuộng nhân tình. Ở bệnh viện cô ta có thể là một bác sĩ giỏi. Nhưng ở phút lâm chung của mẹ chồng, cô lại ngăn việc cấp cứu, quay ra chuẩn bị việc tang. Là bà chủ có tài cai quản, giảo hoạt với người ở, người làm, cô quản lý chặt chẽ nhưng rất hào phóng. Say sưa kiếm tiền với mọi phương tiện - kể cả việc xay thai nhi nuôi chó lấy lời. Lạnh lùng dửng dưng với sự đau khổ của người khác, nhưng lại rất tỉnh tảo nhạy bén đối phó trước sự bon chen lèo lái của xung quanh. Cô công khai lối sống mà tự mình xác định.
Ông Cơ, cô Lài vì thất cơ lỡ vận, bị đẩy từ làng quê lên, chấp nhận phận tôi đòi, cam chịu nhục nhã mà lại rất trung thành, tự coi là được hưởng một đặc ân. Bởi lẽ, đối với họ, sự giải thoát không căn bản ở chỗ này lại là sự mở đầu cho sự bế tắc, cùng quẫn ở nơi khác mà thôi. Gia đình của ông Thuân, phải chăng theo ý định của tác giả, là một xã hội thu nhỏ và qua đó phải chăng có thể rút ra kết luận: Cuộc cách mạng trên đất nước ta trong mấy chục năm qua chẳng đem lại một đổi thay nào, thậm chí còn là sự giật lùi so với quá khứ trên nhiều mặt: chuẩn mực đạo đức, nhân phẩm, thuần phong mỹ tục,…không có lối ra.
Điều đáng nói nữa là, mọi vấn đề đều được phơi bày nhưng chỗ đứng và thái độ của tác giả không rõ ràng. Độc giả, khán giả khó lòng nhận biết điều gì đáng ngợi ca và điều gì đáng lên án.

-         Bình tâm lại, suy ngẫm sâu hơn, tôi lại cảm nhận về Tướng về hưu theo một chiều hướng khác.
Phải chăng, truyện và phim Tướng về hưu là một lát dao cắt ngang, cho ta một tiết diện xã hội hiện thực.
Đã có một thời quá dài, văn học nghệ thuật ta thường thiên về cái chung, cái phổ biến khi xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật. Cái xấu, cái tốt rạch ròi. Những mẫu người hoặc là hoàn thiện, hoàn mỹ, hoặc là phải triệt để xấu xa. Và kết cục bao giờ cũng có hậu. Độc giả, khán giả đã hình thành một thói quen khi gấp sách, tắt phim thì chẳng còn cái gì để bàn, để suy ngẫm. Vì mọi vấn đề đều đã được tác giả “giải quyết” rồi. Gần đây có sự điều chỉnh, nhiều tác phẩm đề cập đến cái cá thể, xoáy sâu vào đời sống thực tế, đời sống nội tâm của con người. Đi từ phân tích tinh vi từng nhân vật, từng hiện tượng để đi đến phân tích sâu sắc, rộng rãi về mặt xã hội. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác đan xen vào nhau không thành trận tuyến và còn là sự giằng xé trong từng con người. Trong cái cao cả vẫn còn phảng phất tồn tại sự yếu kém. Và giữa cái thấp hèn, đôi khi lại lóe lên một cái gì đó đáng trân trọng. Cuộc sống là vậy.
Trong truyện “Tướng về hưu” các tuyến nhân vật hiện ra với tính đa dạng, phong phú, phức tạp. Tính cách từng nhân vật là biểu hiện cho tính cách của một kiểu người trong xã hội. Tính cách đó vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh, vừa có sắc thái độc lập vốn có bên trong.Tác giả đặt nhân vật vào từng hoàn cảnh mâu thuẫn. Cảm xúc, suy nghĩ, cách xử sự của họ trước mâu thuẫn theo một logic nội tại và trong mối liên hệ chung. Một vị tướng về hưu giàu cống hiến mà nghèo đời sống thực tiễn. Hành trang sau gần nửa thế kỷ chỉ gói gọn: một bộ sa lông, mấy mét vải bộ đội…Thực tế cuộc sống, không khí tranh giành, dối trá, tha hóa, nhố nhăng, thực dụng…vây quanh ông. Nhưng ở ông vẫn toát lên một bản chất trong sáng, một tấm lòng nhân hậu, trắc ẩn, vị tha. Với ông, nhân cách xử thế theo nhân sinh quan cộng sản đã ăn sâu vào lẽ sống bất dịch. Điều đáng phàn nàn về ông, có chăng, đó là sự quan liêu trước những gì đã và đang diễn ra trong đời sống hiện nay. Cô Thủy - mẫu người của lối sống đầy thực dụng, sa đọa nhưng lại rất lãng mạn. Coi đồng tiền là mục tiêu, là cứu cánh, vụ lợi trên mọi phương diện. Tuy sinh ra trong chế độ mới nhưng cô lại là mầm mống của tầng lớp bóc lột mới đang ngoi lên, là sự “lại giống” của một giai cấp đã bị lụi tàn. Với cô, sự tha hóa, “xuống cấp” trong nhân cách lại được coi là “mốt” sống hiện đại. Về ông Cơ, cô Lài đáng thương hay đáng giận thật là điều không dễ kết luận. Muốn khẳng định được cần nghiên cứu cụ thể hoàn cảnh cụ thể.
        Quả thật, những gì Nguyễn Huy Thiệp viết ra, cho dù có hư cấu nhiều đi nữa, cũng chỉ nhằm phơi bày một mặt hiện thực một cách triệt để trần trụi, một hiện thực cay độc mà lạnh tanh làm hầu hết chúng ta nhức nhối, chua xót. Thực ra, đó là sự ghép nối những điển hình về những con người mà mỗi chúng ta đâu khó tìm kiếm trong đời sống. Không nhận biết, hoặc cố tình không nhận biết, đều là sự hờ hững, quan liêu. Đã thành thói quen, lâu nay chúng ta thường nghĩ về lý tưởng mục tiêu lâu dài mà quên đi chỗ đứng hiện tại. Để đến được mục tiêu đã xác định, trước mắt chúng ta là con đường vạn dặm đầy những thử thách gian truân, mà giờ đây chúng ta mới chập chững rời điểm xuất phát. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong mấy chục năm qua vô cùng vĩ đại, không thể phủ nhận, nhưng thành quả của nó mới chỉ là tiền đề cho sự phát triển chứ chưa phải là điều kiện chín muồi để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Trong bao năm chiến tranh, điều mà mỗi chúng ta hằng ấp ủ, mơ ước là sau ngày toàn thắng sẽ có ngay một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; mối quan hệ giữa người với người là hoàn thiện, hoàn mỹ; không còn chỗ đứng cho sự bất công, bóc lột, cái ác đã hoàn toàn bị diệt vong. Thực ta, để có được điều đó, còn biết bao việc phải làm trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp. Dứt bỏ những lạc hậu của quá khứ để lại, loại trừ mầm mống của sự tha hóa mới nẩy sinh để đi lên là quyết liệt, lâu dài. Thế hệ chúng ta giỏi lắm cũng chỉ làm được cái việc san nền, xây móng để từng bước hình thành một phương thức sản xuất mới.
      Điều tác giả muốn nói, phải chăng, đó là cần xác định rằng chúng ta đang ở đâu, thực trạng xã hội như thế nào, từ đó dự báo những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Nếu như thế thật, tôi cho rằng, giá trị tư tưởng của tác phẩm là tốt. Cần khẳng định rằng, vạch trần những hiện tượng tiêu cực của xã hội để loại trừ, cũng là một hành động tích cực. Đấy không phải là bôi đen, bóp méo mà là chân nhận một thực tế. Bóc trần ung nhọt, mổ xé và cắt bỏ trong sự đau đớn còn hơn là để mặc cho nó gây hậu họa. Nhận ra điều đó tưởng là đơn giản, thực ra không dễ dàng.
       Phim Tướng về hưu có môt số chi tiết, theo tôi, làm giảm giá trị của nó. Tôi hình dung là những “hạt sạn” trong trong một bát cơm ngon. Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp nếu là một vị tướng chung chung, không địa chỉ dễ chấp nhận hơn. Vì có thể do ông xa gia đình biền biệt, nên ngỡ ngàng lúc trở về. Còn là vị tướng có chức danh, địa chỉ cụ thể thì không đúng. Hình như tác giả cố đưa người ở nơi biển cả vào đất liền thì lạ lẫm hơn, tạo thêm logic cho tình tiết. Nhưng đó lại là điều không có trong thực tế. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” câu nói của người xưa hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Còn các vị tướng của chúng ta - cho dù là tướng chiến trận - cả đời binh nghiệp mà đã trực tiếp mai táng hàng chục nghìn đồng đội là không thể có !
      Thế kỷ 21 đang đến gần. Cuộc cách mạng xã hội, cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra nhanh chóng, mãnh liệt, phức tạp, buộc chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và thực tế hơn. Với mục tiêu đã lựa chọn, cần nhận diện thực trạng đúng hơn - thực trạng đó có cái tốt đẹp đáng ngợi ca và cũng có cái xấu xa cần dẹp bỏ - nhằm xác định từng bước đi lên thích hợp; dao động ngập ngừng, hoặc tự an ủi, thỏa mãn với những gì đã đạt được, hay tự huyễn hoặc đều là sự cản trở.
      Truyện và phim Tướng về hưu đã lột trần một mặt của hiện thực nhằm rung chuông báo động về sự tha hóa “xuống cấp” trong một bộ phận xã hội. Với cách nhìn đó, tôi cho rằng truyện và phim Tướng về hưu, nếu nhặt được những “hạt sạn” là một tác phẩm tốt.
Đôi điều cảm nhận trên đây, với người khác chắc gì đã đồng tình. Sự công minh đến nghiệt ngã của thời gian và công chúng là thước đo chính xác đối với mọi tác phẩm ./.