NHÂN CÁCH
Tôi có kinh nghiệm, trong cuộc sống gia đình có bao nhiêu nhu cầu, thì chọn lấy ngần ấy đối tác tin cậy. Đối tác tin cậy của gia đình tôi từ khi dọn nhà về Mỹ Đình - tính ra đã ngót chục năm - đó là : một cửa hàng cắt tóc gội đầu, một ông xe ôm, một cửa hàng thuốc tây, một quầy bán thực phẩm, một quầy rau quả, v..v. . Trong đó, ông xe ôm là một trong những đối tác tin cậy nhất.
Ông tên là Nho, ngoài 50 tuổi, thân hình cao gầy, đen đúa, già trước tuổi, vì suốt ngày phơi mặt trên đường, bất kể nắng mưa. Quê ở tận Bắc Giang, vợ ông không còn, con trai duy nhất đang học tại một trường đại học. Hằng ngày, tối đến hai cha con về ăn nghỉ tại một phòng trọ ọp ẹp trong ngõ sâu xóm chợ.
Hỏi ra, mới biết khách hàng thường xuyên của ông gồm nhiều loại: vị giáo sư già đi giảng dạy ở một trường đại học, cô ca sĩ trẻ đi biểu diễn các chương trình , chuyên gia kỹ thuật người Hàn Quốc đang làm việc cho Dự án Đường sắt trên cao, một cháu nhỏ con nhà khá giả đang học ở một trường quốc tế, một ông thương binh đã ngoài 70 tuổi hàng ngày lên phố trông coi quầy hàng nhỏ của con,.v.v..Còn đột xuất bất chợt thì không kể hết. Đang đêm chở một sản phụ đến Bênh viện Phụ Sản. Gần sáng có điện gọi nhờ chở người nhà đi cấp cứu. Rồi có khi bắt gặp gười bị tai nạn giao thông trên đường. Ông như là người của công chúng vậy.
Có lần, trong một chuyến đi, ông nói với tôi như dốc bầu tâm sự: Bác ạ! Ở đời, con người ta chỉ cần chăm chỉ, thật thà, trung thực, thương người, thì làm nghề gì cũng tốt, cũng được trọng dụng. Nghề xe ôm như em đây, tứ thời, không bao giờ hết việc. Do đó, thu nhập đủ ăn và có phần gom góp nuôi con ăn học
Gia đình tôi là một trong khách hàng quen thuộc của ông. Chúng tôi tin cậy nhờ ông: khi thì chở các cháu nhỏ đi học, khi đưa người nhà đi khám bệnh, khi thì đưa khách ở quê ra chơi có nhu cầu đi tham quan Hà Nội... Ông Nho là người tử tế với bất cứ ai . Ông luôn tư vấn cho khách chọn con đường đi ngắn nhất. Giả cả phải chăng. Trường hợp chưa có tiền trả - nhất là các cháu khi vội vàng đi học - ông đều cho chịu.
Một hôm, nhà tôi ra bến xe buýt số 49 để đi kiểm tra sức khỏe ở Viện Quân y 108. Khi cách bến chừng 30 mét, thì xe nổ máy, chuẩn bị lăn bánh. Đang đợi khách bên vệ đường, thấy thế, ông Nho ghé xe lại nói, chị lên đây em chở ra xe mới kịp. Nhà tôi ngồi lên xe nói, chú đưa tôi đến Viện 108 luôn cũng được. Ông Nho nói, chị kịp xe buýt mà. Đường xa, chị đi xe buýt cho rẻ. Vậy là, nhờ ông Nho, nhà tôi kịp lên xe buýt trước khi xe chuyển bánh.
Có mấy lần, chở thằng cháu ngoại tôi đến trường, dọc đường bị trời mưa, ông Nho dành áo mưa che cháu. Ông nói, mình ướt không sao, sợ cháu ướt bị cảm lạnh và ướt cả sách vở. Có hôm đến lớp, cháu mở cặp thấy thiếu vở. Ông ôn tồn, thiếu vở gì. Rồi dặn cháu ở lại lớp, ông quay xe về nhà lấy hộ. Bao giờ cũng vậy, ông dựng xe ở cổng trường, đưa cháu leo lên mấy tầng, vào tận lớp. Đến nỗi, cô giáo không biết mà hỏi, thế ông là ông nội hay ông ngoại của cháu!
Nhiều lần, qua đường xe khách, người nhà ở quê hoặc người quen ở tỉnh khác gửi biếu gia đình tôi khi thì vài chục cân gạo, khi thì một thùng trái cây, có khi là mấy cân cá biển. Những người gửi đó đều gọi điện báo trước cho ông Nho ra bến xe Mỹ Đình nhận hàng để chuyển hộ tận nhà tôi. Bao giờ cũng vậy, hàng hóa không thiếu bất cứ thứ gì - dù là nhỏ nhất. Ông chỉ lấy đúng 30 nghin tiền công, rồi quay xe ra. Nhà tôi có năn nỉ bao nhiêu, ông cũng không nhận một phần quà nhỏ. Ông là vậy!
Mấy năm nay ông chuyển vào Tây Ninh - nơi con ông trai ông làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Mọi người trong gia đình tôi - nhất là mấy cháu nhỏ - đều nhớ và mong ông có ngày trở lại.
Tôi vừa đưa bài này lên facebook, thì Thùy Vinh con gái tôi ở bên nhà đọc và đồng cảm: " Ba ạ! Kể những câu chuyện thế này để thấy đời vẫn nhiều người rất tốt. Mới đây, hôm con đang đi công tác ở Nha Trang, có bữa Bo ( thằng cháu ngoại vẫn đi xe ôm với ông Nho mấy năm trước ) gọi Grab Taxi loại siêu rẻ để đi học. Tới lúc con gọi điện về hỏi cháu, mới biết nó ko mang đủ tiền. Con lo ngại quá, phải gọi điện chú tài xế nói, cháu nó ko đủ tiền đâu, chú ạ. Chú tài xế bảo: Chị yên tâm, em sẽ đưa cháu đi học tận nơi, tiền nong quan trọng gì đâu. Người chưa hề gặp mặt và cũng chẳng biết tên là gì nữa".
Thế đấy! Ở đâu và bao giờ cũng vậy, nhân cách không phụ thuộc vào nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Giữa thế giới bình dân bao la quanh ta, có biết bao con người bình dị mà nhân cách cao đẹp. Ở họ, giữa nói và làm là một!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét