Đặc sản quê nhà :
TIẾNG NGHI LỘC
( Tiếp )
Do tiếng nói của người Nghi Lộc khó nghe, nên khi giao tiếp với người vùng khác dễ bị hiểu lầm.
Thời bao cấp, có ông Nghi Lộc ra Hà Nội chơi. Một hôm, ông ăn mặc rất chỉnh tề đi vào Cửa hàng bách hóa. Trước quầy, ông gặp một người bạn cùng quê, vồ vập hỏi han nhau rõ to: " Mi ra khi mô. Ra mân chi ", " Tau ra bưa qua. Ra nhơi nha o tau". Mọi người xung quanh lắc đầu không hiểu họ nói gì. Tiếp đó, ông hỏi cô mậu dịch viên : " O ban cho tui cây chac điu " ( Cô bán cho tôi cái giây cao su ). Cô mậu dịch viên nghe không hiểu gì, lại tưởng ông là người nước ngoài, bèn lịch sự nói : " Thưa ông, tôi không biết tiếng Nhật ạ".
Hồi đánh Mỹ, có ông người Nghi Lộc làm cán bộ của Nông trường Quyết Thắng ở Vĩnh Linh ( Quảng Trị ) thích ăn trứng vịt lộn. Nhưng rất ngại dùng tiếng Nghi Lộc để hỏi mua, sợ bị hiểu lầm, ông buộc từ tốn nói trệch : " Cô bán cho tôi mấy quả trứng vịt ấp dở".
Tương truyền, ông Hoàng Đan khi làm Sư đoàn trưởng, các Trung đoàn trưởng trong Sư đoàn phải chọn một Trợ lý là người Nghi Lộc để làm phiên dịch. Nếu không, dễ bị hiểu sai khi nhận nhiệm vụ, phát sinh rắc rối.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Nghi Lộc là một huyện nhỏ, nghèo, vậy mà, qua mấy cuộc chiến tranh, lại là huyện có nhiều Tướng vào loại nhất nước Việt. Cách tiếp cận và giải thích nguyên nhân khá phong phú theo từng góc nhìn : do thế đất, do truyền thống, do phong thủy, do văn hóa, v, v... Nghe ra, đều có lý cả. Nhưng, có một cách giải thích nguyên nhân là do tiếng nói. Lập luận khá chặt chẽ, logic. Này nhé, người Nghi Lộc làm chỉ huy ở mọi cấp tính cách thường nóng nảy, quyết liệt. Khi lâm trận, giữa lúc chiến trường mịt mù bom đạn, tình huống xẩy ra bất ngờ chóng vánh, cán bộ cấp dưới ( quê ở vùng khác ) xin ý kiến chỉ huy là người Nghi Lộc. Nghe xong, chỉ huy nói, cấp dưới không hiểu gì, hỏi lại thì sợ bị quát. Thế là, cấp dưới vâng đại cho xong. Còn xử lý tình huống thế nào thì tự giải quyết hợp lý theo điều kiện cụ thể và khả năng của mình. Kết cục, nếu trận đánh giành thắng lợi giòn dã, ông chỉ huy hể hả : " Hăn đanh đung như tau noi". Ngược lại, trận đánh thua, ông quát : " Thua la đung, vi tau noi một đăng, hăn làm môt neo". Khẩu thiệt vô bằng. Có ai ghi âm lời ông khi lâm trận để phân xử đúng sai. Cứ thế, cứ thế... Trong mọi trường hợp, cấp trên bao giờ cũng đúng! Hic. Việc này, người viết tếu táo cho vui. Đó không phải là sự thật! Hihi
Có lần, Trường Phổ thông cấp 3 Nghi Lộc phát động thi đua năm học mới. Hôm đó có mời ông V S H Chủ tịch huyện đến dự. Trong phần phát biểu, sau khi động viên biểu dương thành tích năm học trước ; cổ vũ thầy, cô giáo và học sinh Nhà trường trong năm học mới, ông Chủ tịch tuyên bố: " Tôi đê nghi các thây, các cô và học sinh toan Trương thi đua phân đâu đoạt dai thi đua. Ma tui cung công khai noi thât: Dai của Chu tich huyên la to, đang hoang. Thây hay cô hoăc hoc sinh nao gioi đêu co thê giât dai đươc". Nghe xong, các cô giáo người vùng khác ngượng chín mặt . Hic
Lần khác, đoàn sinh viên Trường Đại học y Hà Nội vào thực tập ở Bệnh viện Nghi Lộc. Một hôm, có nam sinh viên gấp gáp đi từ phòng cấp cứu đến phòng ông L Giám đốc Bệnh viện, báo cáo: " Thưa anh! Gay quá, em mới thăm khám một trường hợp thấy lạ quá. Thân nhiệt của bệnh nhân đo được là 39 độ. Nhưng theo lời khai của bệnh nhân, thì nhiệt độ "nơi ấy" lại thấp hơn. Điều này trái với lý thuyết học ở Trường là: Ai cũng vậy, nhiệt độ " nơi ấy" bao giờ cũng phải cao hơn nhiệt độ toàn thân nửa độ.
Nghe báo cáo, Giám đốc Bệnh viện đi cùng y sinh đến gặp bệnh nhân. Đó là một thiếu phụ chừng 30 tuổi, quê ở xã Nghi Thuận. Nghe bác sĩ hỏi, chị ấy trả lời : " Thưa bac si ! Không hiêu sao, mây bưa nay, ngươi em nong lôn ret ". Nghe xong, Giám đốc phì cười nói: Khổ thân, ngôn ngữ bất đồng. Cô ấy nói là mấy bữa nay không hiểu sao, người cô ấy nóng lẫn rét ! Hic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét