KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
Sáng nay, 29/9/2015, Liên chi hội Người Cao Tuổi khu Đô thị Mỹ Đình 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm tổ chức kỷ niệm 24 năm Ngày Quốc tế Người Cao Tuổi. Qua Trung thu, trời oi nồng khó chịu với người già, vậy mà Hội trường C3 vẫn đông đảo cụ ông, cụ bà trong bộ quần áo đẹp đến dự rất đúng giờ. Buổi kỷ niệm diễn ra trang trọng, vui vẻ, tình cảm và ý nghĩa. Các tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn nhiệt tình, phong phú, hấp dẫn của các diễn viên U 70, U 80 làm cho không khí hội trường thêm tưng bừng, vui nhộn. Văn nghệ quần chúng luôn có sắc thái chung: Hay hoặc không hay đều vui thích - nhất là khi các ông bà già hăng say, hồn nhiên trên sân khấu.
Được biết, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 1/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế Người Cao Tuổi.
Hội Người Cao Tuổi là hội của người từ 60 tuổi trở lên không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, dân tộc, tôn giáo, xã hội...Theo thống kê, tuổi thọ bình quân của người Việt là 73. Tính ra, từ khi gia nhập Hội, đến khi giũ bụi hồng trần, nhẹ gót ra đi, các cụ còn được hưởng hơn 10 năm cuộc đời!
Khi cuộc sống khá hơn, tuổi thọ bình quân cao hơn, thì sức khỏe, sự trẻ trung của người cao tuổi được kéo dài thêm ra. Tôi nhớ, ở quê tôi trước đây 50 tuổi đã được mọi người gọi bằng Cố ( tức là Cụ ),...70 tuổi là hiếm, 80 tuổi là rất hiếm. Và người 70 tuổi trở lên, nói chung, ít ra khỏi nhà. Còn bây giờ 50 tuổi còn như thanh niên, 60-70 tuổi còn tráng kiện. ( Cá biệt, Cụ Quốc Thước tròn 90 tuổi, cách đây vài tháng còn ra Trường Sa).
Thật mừng khi thấy các " cụ ông", " cụ bà" thời nay, trong đời sống cộng đồng còn đùa vui với nhau như thuở trung niên.
Thực ra, trong thâm tâm, tôi không thích gọi là Hội Người Cao Tuổi mà nên gọi là Hội Phụ Lão. Từ Phụ Lão nghe gọn gàng hơn, sang hơn, có chiều sâu ý nghĩa và có tính truyền thống lịch sử hơn. Trong lịch sử, Diên Hồng là hội nghị giữa vua Trần Nhân Tông với đại diện Phụ Lão để bàn kế sách và khẳng định quyết tâm chống giặc Nguyên Mông - Có thể nói, Hội nghị Diên Hồng là hội nghị độc nhất vô nhị của dân tộc ta. Thời kỳ đầu chống Pháp, Bác Hồ cũng viết thư cho các cụ Phụ Lão ( chứ không phải thư cho Người Cao Tuổi).
Nhưng thôi, nói cho vui, duy danh chiết tự mà làm gì. Vấn đề là đồng thuận nhận thức và thống nhất hành động.
Người ta vẫn nói, người già cần thực hiện 3 điều quên : Quên tuổi tác, Quên bệnh tật và Quên hận thù.
Trong buổi chiều tà của cuộc đời, người già sợ nhất 3 điều : Con cái hư, Bệnh tật và Cô đơn.
Trái với 3 điều đó, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mọi người già là : Con cái hiếu nghĩa, thành đạt ; Sống khỏe, chết nhanh ; Được sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.
Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của cố Nhà thơ Thanh Tịnh: " Hết trẻ là già, chỉ thế thôi / Sớm chiều đâu phải quãng xa xôi / Cái thuở đầu xanh, tôi như bạn / Đến lúc bạc đầu, bạn giống tôi " . Và Thanh Tịnh cũng có câu đối rất hay : " Cha bón cơm cho con, con cười, cha cười / Con bón cơm cho cha, cha khóc, con khóc ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét