Menu ngang

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

TRĂM TUỔI VẪN PHẢI CẨN TRỌNG NGÔN HÀNH

  •   ĐOÀN LÊ GIANG
  •   tăng kích thước chữ
GS Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu là một tên tuổi lớn, nhưng hình như danh quá thực tài. Ngày xưa cụ từng không chịu bản dịch Bình Ngô đại cáo của Bủi Kỷ -Trần Trọng Kim, nên đã dịch lại và công bố trong Nguyễn Trãi toàn tập, xb năm 1980 (nhân dịp UNESCO kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi). Bản dịch của cụ non và nhạt quá, kết cục là cho đến nay không một ai dùng, người ta vẫn dùng bản dịch của Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim. Gần đây cụ còn soạn văn bia khắp nơi. Ở miền Nam văn bia cụ soạn đến mấy cái mà na ná nhau về nội dung (chung chung) và ngôn từ (sáo rỗng).
Cụ làm việc đáng trách nữa là khen tập sách của một anh chàng kỹ sư "dở người", muốn nổi tiếng theo kiểu đốt đền: chê ngôn ngữ Truyện Kiều nên đã sửa 1/3 tác phẩm của Nguyễn Du, thay vào đó là ngôn từ ngô nghê, nhảm nhí của mình. Đành rằng ở một số nước có chuyện "tân dịch" các tác phẩm cổ điển, nhưng không phải là làm như thế. Một việc làm nhảm nhí phản văn hóa như thế mà sao lại được Đặng GS khen?
Mấy ngày nay thì cư dân mạng lại ồn ào lên về "câu đối" cộc lệch của cụ:


Trí như bạch tuyết, tâm như ngọc;
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung.


Vế trên thì sai và bình thường: Trí như tuyết trắng là sao? Không lẽ cụ lại thâm nho giả vờ khen mà thực ra là chê cháu: trí não trắng toát, đầu óc trống rỗng, ít học?
Vế dưới thì đúng là cụ lấy "nguyên con" của Lý Bạch trong bài Thanh bình điệu. Lý Bạch khen Dương Quý Phi một cách rất nghệ thuật: Mây trời rực rỡ tưởng như váy áo của nàng, hoa đẹp đẽ tưởng như gương mặt của nàng. Ý nói là nàng còn đẹp hơn cả thiên nhiên (Đáng lý thông thường chỉ ví ngược lại: Váy áo của nàng đẹp như mây trời, gương mặt nàng đẹp như hoa). Lý Bạch khen hay tới mức Đường Minh Hoàng phải ghen với ông.
Vậy câu đối của Đặng giáo sư đã phạm ba điều:
1) Lấy nguyên câu thơ của Lý Bạch, đáng ra chỉ nên dùng điển
2) Vế của GS sai về ý nghĩa như đã nói ở trên, khen người ta mà hóa chửi người ta
3) Vế của GS cộc lệch: đối không chỉnh về từ loại (Bạch tuyết (tuyết trắng), không đối với Y thường (váy áo)), tầm thường về nghệ thuật (phép so sánh bình thường chứ không cầu kỳ như Lý Bạch).
Câu đối kém tài hoa lại đi kèm hình ảnh của cụ hôn hít hoa hậu một cách nhiệt tình quá đáng, không tao nhã chút nào.
Bức ảnh ấy cho người ta một cảm giác cụ không cẩn trọng trong hành vi và ngôn ngữ, có gì đó hơi thái quá.
Bậc trí giả sống đến trăm năm là phúc cho gia tộc, cho quốc gia. Đức Khổng Tử dạy rằng: Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ (70 tuổi thì có thể làm theo điều mình muốn mà không sợ trái đạo). Nay Đặng GS 100 rồi, nhưng kẻ hậu bối vẫn mạn phép nhắc cụ và cũng là nhắc chung trong đó có mình: dù đến 100 tuồi vẫn phải lo đến danh phận mà cẩn trọng trong ngôn hành!

Theo : VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét